Những công trình trên tập trung nghiên cứu về quan điểm, mục tiêu, các phương hướng và giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế DL ở các khía cạnh khác nhau. Từ đó, các công trình đều đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế DL cho hợp lý và hiệu quả. Đây là nguồn tài liệu thứ cấp rất cần thiết để hoàn thành luận án với kết quả tốt nhất.
1.2. NHỮNG KẾT QUẢ CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU ĐÃ CÔNG BỐ VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU VỀ KINH TẾ DU LỊCH
1.2.1. Khái quát kết quả của các công trình nghiên cứu đã công bố liên quan đến kinh tế du lịch
Qua tổng quan tình hình các công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến đề tài luận án nêu trên, có thể khái quát kết quả nghiên cứu của các công trình ở một số khía cạnh cụ thể như sau:
1.2.1.1. Những vấn đề đã được làm sáng rõ
Một là, các công trình nghiên cứu đã trình bày khá kỹ các nội hàm có liên quan đến du lịch, kinh tế du lịch như: khái niệm, nội dung và vai trò của du lịch và khái niệm, nội dung và vai trò của kinh tế du lịch, DL sinh thái, nguồn nhân lực DL, vai trò quản lý nhà nước về KTDL v.v.. Bên cạnh đó, các công trình cũng cho thấy rõ những đặc điểm, tình hình và xu hướng phát triển kinh tế du lịch ở các quốc gia trên thế giới hiện nay.
Hai là, các nghiên cứu nêu rõ vai trò tầm quan trọng của KTDL trong phát triển KT-XH của địa phương, quốc gia và sự cần thiết phải gắn kết du lịch với thương mại, cơ cấu hạ tầng, giao thông vận tải cũng như cần phải tăng cường khả năng liên kết giữa các vùng, các địa phương lân cận với nhau để tạo ra một khu vực DL đồng bộ và chuyên nghiệp.
Ba là, các nghiên cứu đã phân tích các yếu tố tham gia trong hoạt động của KTDL, là: các chủ thể hoạt động sản xuất - kinh doanh, cở sở vật chất - kỹ thuật du lịch, sản phẩm - dịch vụ du lịch, tài nguyên du lịch, chiến lược và kế hoạch kinh doanh. Bên cạnh đó các công trình trên trình bày và phân tích khá kỹ về điều kiện đảm bảo phát triển kinh tế du lịch, là: nguồn nhân lực trong hoạt động du lịch, cơ sở vật chất - kỹ thuật, chất lượng dịch vụ và các vấn đề quản lý, là: quy hoạch phát triển DL, tổ chức và quản lý của ngành DL.
Có thể bạn quan tâm!
- Kinh tế du lịch ở các tỉnh Nam Trung Bộ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào - 2
- Các Công Trình Nghiên Cứu Bàn Về Kinh Tế Du Lịch
- Các Công Trình Nghiên Cứu Bàn Về Những Giải Pháp Phát Triển Lực Lượng Sản Xuất Và Hoàn Thiện Quan Hệ Sản Xuất Trong Kinh Tế Du Lịch
- Cầu Của Du Khách Có Tính Nhạy Cảm Với Sự Đa Dạng Dịch Vụ
- Khía Cạnh Tác Động Tiêu Cực Của Kinh Tế Du Lịch Đến Kinh Tế - Xã Hội Của Cấp Tỉnh Thuộc Vùng Địa Lý
- Các Tiêu Chí Đánh Giá Về Kinh Tế Du Lịch Ở Các Tỉnh Thuộc Vùng Địa Lý Của Quốc Gia
Xem toàn bộ 183 trang tài liệu này.
Bốn là, các công trình nghiên cứu những bài học kinh nghiệm quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững. Chỉ ra những kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế du lịch địa phương, tạo dựng hình ảnh và sản phẩm dịch vụ DL để thu hút du khách cho phát triển kinh tế DL của các địa phương.
Năm là, các công trình nghiên cứu đến thực trạng về KTDL và thị trường du lịch. Trong đó, các tác giả phân tích những thành công, hạn chế và đề xuất các giải pháp để phát triển kinh tế du lịch ở các khu vực này. Ở một số công trình nghiên cứu khác, các tác giả cũng đề xuất những phương hướng, mục tiêu và các nhóm giải pháp nhằm phát triển du lịch, thị trường du lịch và kinh doanh, là: Tăng cường cơ chế chính sách thu hút, nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư để phát triển kinh tế du lịch; Nâng cao chất lượng sản phẩm DL để thu hút du khách; Chuyên nghiệp hóa cách thức vận hành các nguồn lực du lịch, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực du lịch.
Như vậy, các tác giả đã phán ảnh khá đầy đủ, chi tiết và làm rõ nét về khái niệm, vị trí, vai trò của kinh tế du lịch, coi kinh tế du lịch là một ngành “công nghiệp không khói”, mang lại lợi ích vô cùng to lớn đối với sự phát triển KT-XH của đất nước. Tuy nhiên còn nhiều khía cạnh lý luận, thực tiễn về KTDL chưa thật sáng rõ.
1.2.1.2. Những vấn đề chưa được làm sáng rõ
- Về mặt lý luận
Các công trình khoa học đã công bố chưa làm thật rõ cơ sở lý luận KTDL theo cách tiếp cận Kinh tế chính trị về các khía cạnh lượng sản xuất của KTDL, quan hệ sản xuất của KTDL và những tiêu chí đánh giá về kinh tế du lịch theo cách quan sát cấu trúc bản chất lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất của KTDL. Đây là khoảng trống nghiên cứu về mặt lý luận.
- Về mặt thực tiễn
+ Về khía cạnh kinh nghiệm, các tác giả của nhiều công trình nghiên cứu nội dung KTDL của các nước có điều kiện kinh tế, văn hóa và xã hội không giống như những điều kiện của Lào, một số ít công trình nghiên cứu KTDL ở một số địa phương của Lào mà không đi sâu vào phân tích về KTDL ở các tỉnh Nam Trung Bộ của Lào. Đây là khoảng trống thứ nhất về mặt thực tiễn.
+ Về mặt thực trạng, đối với các tỉnh Nam Trung Bộ nước CHDCND Lào chưa có nghiên cứu đề cập một cách đầy đủ, toàn diện về những thành công, hạn
chế; thuận lợi, khó khăn; nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến những tồn tại, hạn chế đó. Các tác giả chưa phân tích đầy đủ về bối cảnh kinh tế mới của KTDL ở các tỉnh Nam Trung Bộ nước CHDCND Lào. Đồng thời, các tác giả chưa đưa ra một cách có hệ thống các mục tiêu, phương hướng và giải pháp để nhằm thúc đẩy phát triển KTDL các tỉnh Nam Trung Bộ nước CHDCND Lào. Đây là khoảng trống thứ hai về mặt thực tiễn.
1.2.2. Những vấn đề sẽ được nghiên cứu trong luận án
Với những khoảng trống lý luận, thực tiễn trong các nghiên cứu về KTDL nêu trên, do khuôn khổ về cơ sở dữ liệu, số liệu cũng như trình độ bước đầu nghiên cứu, nên luận án sẽ không thể thực hiện làm sáng tỏ toàn bộ các khía cạnh đó mà tập trung thực hiện phân tích và làm rõ thêm một số khía cạnh lý luận, thực tiễn căn cứ vào những nhiệm vụ nghiên cứu của luận án cụ thể sau:
Thứ nhất, làm rõ hơn cơ sở lý luận về kinh tế du lịch trong bối cảnh mới dưới góc độ kinh tế chính trị. Khái niệm về KTDL, đặc điểm KTDL, vai trò của KTDL đối với phát triển KT-XH. Nội dung về khía cạnh lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất của KTDL, các tiêu chí đánh giá và nhân tố ảnh hưởng tới KTDL.
Thứ hai, nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia và địa phương của Lào về phát triển kinh tế du lịch để rút ra bài học kinh nghiệm cho việc phát triển KTDL ở các tỉnh Nam Trung Bộ, nước CHDCND Lào.
Thứ ba, thực trạng về KTDL ở các tỉnh Nam Trung Bộ nước CHDCND Lào, về khía cạnh lượng sản xuất và khía cạnh quan hệ sản xuất của KTDL các tỉnh Nam Trung Bộ, đánh giá chung về kinh tế du lịch; nêu ra những thành công, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong quá trình phát triển kinh tế ở các tỉnh Nam Trung Bộ nước CHDCND Lào.
Thứ tư, chỉ ra các phương hướng và giải pháp chủ yếu để phát triển KTDL trong thời gian tới ở các tỉnh Nam Trung Bộ nước CHDCND Lào. Vấn đề này luận án sẽ xác định bối cảnh, những phương hướng và một số giải pháp nhằm phát triển KTDL ở các tỉnh Nam Trung Bộ nước CHDCND Lào, góp phần vào sự phát triển KT-XH chung của vùng và góp phần thực hiện chiến thắng chiến lược, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương các tỉnh Nam Trung Bộ của Lào đến năm 2030.
Chương 2
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ KINH NGHIỆM THỰC TIỄN
VỀ KINH TẾ DU LỊCH Ở CẤP TỈNH THUỘC VÙNG ĐỊA LÝ CỦA QUỐC GIA
2.1. KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM VÀ VAI TRÒ CỦA KINH TẾ DU LỊCH ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI Ở CẤP TỈNH THUỘC VÙNG ĐỊA LÝ CỦA QUỐC GIA
2.1.1. Khái niệm kinh tế du lịch
2.1.1.1. Khái niệm du lịch
Trên thực tế, tuy chưa có một nhận thức thống nhất về khái niệm DL trên thế giới cũng như ở Lào, song trước thực tế phát triển của ngành DL về mặt KT- XH cũng như trong lĩnh vực đào tạo, việc nghiên cứu, thảo luận để đi đến thống nhất khái niệm DL cũng như một số khái niệm cơ bản khác về DL là một đòi hỏi khách quan.
Ngày nay, du lịch đã trở thành một hiện tượng kinh tế - xã hội phổ biến ở tất cả các quốc gia trên thế giới không chỉ ở các nước phát triển mà còn ở các nước đang phát triển, trong đó có Lào. Mặc dù vậy, cho đến nay đã có nhiều tổ chức quốc tế, nhiều học giả và rất nhiều công trình nghiên cứu về DL, với nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, từ đó đưa ra khá nhiều định nghĩa khác nhau về vấn đề này, tùy theo góc độ xem xét. Do hoàn cảnh, thời gian, khu vực khác nhau, dưới mỗi góc độ nghiên cứu khác nhau mỗi người có một cách hiểu về du lịch khác nhau. Đúng như một chuyên gia du lịch nhận định, đối với du lịch có bao nhiêu tác giả nghiên cứu thì có bấy nhiêu định nghĩa:
Vào năm 1941, ông W. Hunziker và Kraff (Thụy sỹ) đưa ra định nghĩa: “Du lịch là tổng hợp những hiện tượng và các mối quan hệ nảy sinh từ việc di chuyển và dừng lại của con người tại nơi không phải là nơi cư trú thường xuyên của họ; hơn nữa, họ không ở lại đó vĩnh viễn và không có bất kỳ hoạt động nào để có thu nhập tại nơi đến” [16, tr.6].
Theo Guer Freuler: “du lịch là một hiện tượng thời đại của chúng ta dựa trên sự tăng trưởng của nhu cầu khôi phục sức khỏe và sự thay đổi của môi trường xung quanh, dựa vào sự phát sinh, phát triển tình cảm đối với vẻ đẹp của thiên hiên” [16, tr.6].
Theo nhà kinh tế Kalfiotis: “du lịch là sự di chuyển tạm thời của cá nhân hay tập thể từ nơi này đến nơi khác nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần, đạo đức, do đó tạo nên các hoạt động kinh tế” [16, tr.6].
Theo M. Coltman: “du lịch là tổng thể những hiện tượng và những mối quan hệ phát sinh từ sự tác động qua lại lẫn nhau giữa khách du lịch, nhà kinh doanh du lịch, chính quyền sở tại và cộng động dân cư địa phương trong quá trình thu hút và lữu giữ khách du lịch” [16, tr.6].
Theo quan điểm của Rebert W.Mc.Intosh, Charles R.Goeldner, J.R Brent Ritcie: “du lịch là tổng hợp các mối quan hệ nảy sinh từ tác động qua lại giữa khách du lịch, nhà cung ứng, chính quyền và cộng động chủ nhà trong quá trình thu hút và đón tiếp khách du lịch” [16, tr.6].
Với cách tiếp cận tổng hợp ấy, các thành phần tham gia vào hoạt động DL bao gồm: Khách du lịch; Các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho khách du lịch; Chính quyền sở tại; Cộng đồng dân cư địa phương. Nhưng chưa chỉ rõ các yếu tố cấu thành điểm hấp dẫn du lịch. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (năm 1986) đưa ra định nghĩa: “Du lịch là việc lữ hành của mọi người bắt đầu từ mục đích không phải di cư và một cách hòa bình hoặc xuất phát từ mục đích thực hiện sự phát triển cá nhân về phương tiện kinh tế, xã hội, văn hóa và tinh thần cùng với việc đẩy mạnh sự hiểu biết và sự hợp tác giữa mọi người” [18, tr.12].
Khái niệm về DL của định nghĩa trên nhằm đề cập đến khía cạnh nhân văn của du lịch, tuy nhiên lại không làm rõ được tính chất khám phá, thám hiểm, mới lạ của hoạt động DL.
Theo Luật Du lịch Việt Nam (2017), Điều 03 đã ghi: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác” [24, tr.1].
Theo Luật Du lịch Lào (2013), Điều 02 nêu rõ: “Du lịch là cuộc hành trình rời khỏi nơi cư trú thường xuyên của bản thân đến nơi khác hoặc quốc gia khác để ghé thăm, tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, giao lưu văn hóa - thể thao, phát triển thể
chất và tinh thần, khám phá nghiên cứu, trưng bày, hội họp… không nhằm mục đích tìm việc làm và hành nghề để kiếm tiền” [75, tr.1].
Những quan điểm trên cho thấy nội hàm khái niệm DL hướng đến chủ yếu là các hoạt động của du khách (giải trí, thư giãn, khám phá,…) mà không bàn đến hoạt động kinh doanh DL, lợi ích kinh tế hay các quan hệ trao đổi về kinh tế.
Với nhận thức đó tác giả luận án cho rằng:
Du lịch là những hoạt động về chuyến đi của con người từ nơi này đến nơi khác và lưu trú tạm thời ngoài nơi cư trú thường xuyên của họ trong một thời gian nhất định nhằm thỏa mãn nhu cầu ham hiểu biết về thế giới xung quanh, yêu thiên nhiên, học ngoại ngữ, chữa bệnh, trải nghiệm văn hóa, lịch sử, tâm linh, cuộc sống, sinh kế..v.v nơi đến cũng như các nhu cầu kinh doanh, tìm kiếm lợi ích và nhu cầu tinh thần, vật chất khác.
Tóm lại, với quan niệm DL như trên đã bao hàm nội dung tổng quát nhất của DL, đồng thời khái quát được hai nội dung cơ bản: Một là mục đích nghỉ ngơi, giải giải trí và mục đích kinh tế do chính DL tạo ra. Hai là nội dung có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó nội dung kinh tế là hệ quả của nội dung thứ nhất. Hiện nay, hoạt động DL là một hoạt động KT-XH thu hút hàng tỷ người trên thế giới tham gia.
2.1.1.2. Khái niệm kinh tế du lịch
Trong quá trình phát triển KT-XH, sự mở rộng không ngừng các nhu cầu về DL của xã hội đã tạo ra những điều kiện cần thiết cho chuyên môn hóa về cung cấp các dịch vụ du lịch, từ đó hình thành nên ngành kinh tế mới - KTDL. Vì vậy, KTDL là ngành kinh tế đặc thù, được hình thành trên cơ sở phát triển của phân công lao động xã hội, có chức năng khai thác sử dụng những lợi thế tài nguyên đặc thù - tài nguyên du lịch để phục vụ nhu cầu du lịch của xã hội. Hiện nay, KTDL được đánh giá là “Ngành công nghiệp không khói”, là “Con gà đẻ trứng vàng”, là một ngành kinh tế thời thượng, kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia.
Cho đến nay, đã có khái niệm về KTDL với cách tiếp cận khác nhau: Từ điển Bách khoa Việt Nam (2002) đã ghi:
Kinh tế du lịch là một loại hình kinh tế có tính đặc thù mang tính dịch vụ và thường được xem như ngành công nghiệp không khói, gồm du lịch quốc tế và du lịch trong nước, có chức năng nhiệm vụ tổ chức việc khai
thác các tài nguyên và cảnh quan của đất nước nhằm thu hút khách du lịch trong nước và ngoài nước; tổ chức buôn bán xuất nhập khẩu tại chỗ hàng hóa dịch vụ cho khách du lịch [40, tr.586].
Với định nghĩa trên tuy đã chỉ ra được đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ, mục đích của KTDL, tuy nhiên, vẫn chưa đầy đủ và nhiều chi tiết chưa rõ ràng.
Kinh tế du lịch có thể được xem là ngành kinh tế trong lĩnh vực du lịch, hoạt động kinh doanh đa phần dựa vào các yếu tố tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội của một đất nước hoặc một địa phương, một vùng nhằm phục vụ khách DL trong nước và nước ngoài để thu lợi ích kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc khóa IX của Lào đã ghi:
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, có nhiệm vụ góp phần nâng cao trình độ hiểu biết người dân, tạo ra công ăn việc làm, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển du lịch là hướng chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt trong đường lối phát triển kinh tế -xã hội của Lào nhằm góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từng bước đưa Lào trở thành trung tâm du lịch văn hóa và du lịch sinh thái trong khu vực [61, tr.14].
Theo tác giả Đoàn Thị Trang cho rằng:
Kinh tế du lịch là một hệ thống phức hợp những quan hệ và hoạt động kinh tế của các chủ thể bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch, khách du lịch và cộng đồng dân cư tại điểm du lịch trong hoạt động tổ chức sản xuất, cung ứng và tiêu dung những sản phẩm, dịch vụ du lịch với điều kiện nhất định về hạ tầng và tài nguyên du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu của du khách, đem lại lợi ích kinh tế - xã hội thiết thực cho đất nước, địa phương, tổ chức và cá nhân những người làm du lịch [36, tr.32].
Theo tác giả Võ Thị Thu Ngọc cho rằng:
Kinh tế du lịch là một ngành kinh tế thuộc khối ngành dịch vụ trong nền kinh tế quốc dân; có chức năng nhiệm vụ tổ chức, khai thác tài nguyên du lịch nhằm tạo ra và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ du lịch phục vụ nhu cầu của du khách; từ đó thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, đồng thời góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước [20, tr.25].
Theo tác giả Nguyễn Thị Hồng Lâm cho rằng:
Kinh tế du lịch là một quan hệ kinh tế trong lĩnh vực cung ứng sản phẩm du lịch, bao gồm các quan hệ ngành, nghề là: kinh doanh lữ hành, kinh doanh lưu trú du lịch, kinh doanh vận chuyển khách du lịch, kinh doanh phát triển khu du lịch, điểm du lịch và kinh doanh dịch vụ khác, nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần của du khách, đem lại lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội thiết thực cho nước làm du lịch và bản thân doanh nghiệp du lịch [13, tr.36].
Với nhận thức đó, tác giả luận án cho rằng:
Kinh tế du lịch của địa phương cấp tỉnh thuộc vùng địa lý của quốc gia là ngành dịch vụ tổng hợp bao hàm trong nó sự thống nhất về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất cũng như các quan hệ lợi ích giữa các chủ thể và các yếu tố cấu thành việc cung ứng và tiêu dùng sản phẩm du lịch, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của quốc gia cũng như vùng và địa phương.
Có thể thấy rằng, DL và KTDL là hai khái niệm khác nhau. Nếu như khái niệm DL bàn về các hoạt động tham quan, nghỉ ngơi, giải trí, tìm hiểu thì“KTDL lại mang nội dung của một ngành kinh tế, trong đó có các quan hệ sản xuất, trao đổi, mua bán các sản phẩm và dịch vụ du lịch. Nói khác, KTDL là một ngành kinh tế sản xuất kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ DL, có chức năng khai thác những tiềm năng lợi thế của các địa phương, quốc gia về DL. Cùng các ngành kinh tế khác,”phát triển kinh tế du lịch sẽ góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH. Du lịch với tư cách là một ngành kinh tế, để phát triển ngành kinh tế này cần đảm bảo được một số điều kiện chủ yếu cơ bản như: nguồn nhân lực DL; tài nguyên DL; thời gian rảnh rỗi và thu nhập của khách DL; vai trò quan lý của Nhà nước; môi trường chính trị ổn định, an toàn cho khách DL; năng lực quản lý của các doanh nghiệp kinh doanh; trình độ phát triển của cơ sở vật chất kỹ thuật DL; trình độ phát triển của các ngành có liên quan; mức độ hội nhập quốc tế của ngành DL và quốc gia.
Như vậy, KTDL ở một quốc gia nói chung, cũng như ở các địa phương cấp tỉnh thuộc vùng địa lý của một quốc gia, từ góc độ sâu xa, khái quát của nó bao gồm các yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Đồng thời, KTDL còn