Một Số Xu Thế Chung Của Chuyển Dịch Cơ Cấu Ngành Công Nghiệp


2.2.2.2. Tiến bộ khoa học công nghệ

Trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học công nghệ phát triển như vũ bão và có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế của mỗi nước, chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp vừa phải phù hợp với các xu thế phát triển của khoa học công nghệ, vừa phải biểu hiện khả năng ứng dụng những thành tựu tiên tiến của khoa học công nghệ. Ảnh hưởng của nhân tố tiến bộ khoa học công nghệ đến cơ cấu ngành công nghiệp biểu hiện trên các mặt chủ yếu sau:

- Tiến bộ khoa học công nghệ thúc đẩy sự phát triển phân công lao động xã hội, tạo điều kiện phân hóa những ngành công nghiệp hiện có để hình thành những ngành công nghiệp mới có trình độ chuyên môn hóa hẹp hơn. Trình độ phát triển khoa học công nghệ càng cao, phân công lao động xã hội càng sâu sắc, sự phân hóa công nghiệp diễn ra càng mạnh và cơ cấu ngành công nghiệp sẽ ngày càng phức tạp.

- Việc thực hiện các nội dung của tiến bộ khoa học công nghệ (cơ khí hóa, tự động hóa, điện khí hóa, hóa học hóa, sinh học hóa, tin học hóa) trong tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đặt ra những nhu cầu về tư liệu sản xuất và đòi hỏi phải phát triển mạnh một số ngành công nghiệp để đáp ứng. Nói cách khác, phát triển mạnh một số ngành công nghiệp trọng điểm là điều kiện vật chất thiết yếu để thực hiện mạnh mẽ và có hiệu quả các nội dung của tiến bộ khoa học công nghệ. Chẳng hạn, việc thực hiện điện khí hóa trong nền kinh tế đòi hỏi phải phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp điện năng từ những nguồn năng lượng khác nhau mà đất nước có thể khai thác và phát triển mạng lưới truyền tải điện năng.

- Tiến bộ khoa học công nghệ vừa tạo ra những khả năng sản xuất mới, đẩy nhanh nhịp độ phát triển một số ngành, tăng tỷ trọng của chúng trong cơ cấu ngành công nghiệp, vừa tạo ra những nhu cầu sản phẩm và dịch vụ công nghiệp mới. Chính khả năng và nhu cầu mới này là tác nhân dẫn đến sự ra đời và phát triển một số ngành công nghiệp mới đại diện cho công nghiệp trình độ cao. Những ngành công nghiệp này khi mới xuất hiện được coi là những ngành non trẻ, lúc đầu chúng còn chiếm vị trí khiêm tốn trong cơ cấu ngành công nghiệp nhưng trong tương lai sẽ trở thành những ngành công nghiệp chủ chốt của đất nước.

- Tiến bộ khoa học công nghệ hạn chế ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, cho phép phát triển công nghiệp ngay cả khi điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Chẳng hạn, sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp hóa dầu không phải chỉ tạo ra nguồn năng lượng truyền thống mà còn tạo ra chủng loại nguyên liệu mới đa dạng với chất lượng cao bổ sung nhiều loại nguyên liệu tự nhiên.

Tiến bộ khoa học công nghệ là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp. Mức độ ảnh hưởng của nhân tố này phụ thuộc một phần quan trọng vào chiến lược và chính sách khoa học công nghệ của đất nước.


2.2.2.3. Nguồn lực và lợi thế so sánh của đất nước

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 216 trang tài liệu này.

Phương hướng chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp có nhiệm vụ khai thác có hiệu quả các nguồn lực và lợi thế của đất nước. Xem xét ở phạm vi tổng quát, các nguồn lực phát triển công nghiệp bao gồm: các loại tài nguyên thiên nhiên; dân số và lao động; vị trí địa kinh tế và địa chính trị của đất nước; các điều kiện chính trị và xã hội.

Các loại tài nguyên thiên nhiên (khoáng sản, lâm sản, thủy sản) và các điều kiện tự nhiên (đất đai, sông hồ, bờ biển, thềm lục địa, khí hậu thời tiết…) hoặc trở thành đối tượng lao động để phát triển công nghiệp khai thác và chế biến, hoặc trở thành điều kiện tiền đề để xây dựng và phát triển một số ngành công nghiệp. Tài nguyên thiên nhiên đa dạng, trữ lượng lớn, điều kiện khai thác thuận lợi sẽ cho phép phát triển cơ cấu công nghiệp đa ngành với nền tảng vững chắc để phát triển.

Kinh tế công nghiệp và quản trị chất lượng - ĐH SPKT Nam Định - 6

Thông thường, tài nguyên thiên nhiên của mỗi nước gồm nhiều loại khác nhau và mức độ ảnh hưởng tới sự phát triển công nghiệp cũng khác nhau. Để xác định cơ cấu ngành công nghiệp hợp lý trong điều kiện phát triển hàng hóa và xây dựng nền kinh tế mở, cần xác định rò được lợi thế so sánh về tài nguyên để từ đó định hướng phát triển tập trung vào những ngành khai thác và chế biến những loại tài nguyên nhất định, tạo ra những sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao trên thị trường. Đó thường là những loại tài nguyên có trữ lượng lớn, giá trị kinh tế cao, có nhu cầu lớn và ổn định.

Việc phát triển các ngành khai thác và chế biến tài nguyên tự nhiên thường có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái. Bởi vậy, việc khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là những tài nguyên không có khả năng tái tạo, cần được đặt ra như một yêu cầu nghiêm ngặt ngay trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa nhằm góp phần thực hiện phát triển bền vững công nghiệp.

Dân số và lao động là một nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế nói chung, công nghiệp nói riêng. Trước hết, quy mô và cơ cấu dân cư tạo thành thị trường nội địa to lớn mà các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cần được phát triển mạnh mẽ để đáp ứng. Thứ hai, trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực là điều kiện quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp kỹ thuật cao. Ở những nước có nguồn nhân lực dồi dào, trong xác định phương hướng chuyển dịch cơ cấu công nghiệp cần chú ý đúng mức tới việc phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động. Điều này vừa phát huy lợi thế về lao động, vừa tạo thêm việc làm, góp phần giải quyết vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc của đất nước. Cuối cùng, lợi thế về nhân lực còn được thể hiện ở các ngành nghề thủ công truyền thống của mỗi vùng. Việc bảo tồn và phát triển các ngành nghề này vừa thể hiện việc thực hiện phân công lao động tại chỗ ở nông thôn, vừa tạo ra những sản phẩm độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc phục vụ xuất khẩu.


Vị trí địa kinh tế và địa chính trị của đất nước cũng là một nguồn lực quan trọng ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp. Trong xu thế toàn cầu hóa, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, nếu đất nước có vị trí địa lý ở đầu mối giao lưu kinh tế quốc tế sẽ tạo thành một lợi thế cho việc phát triển các ngành công nghiệp phục vụ xuất khẩu và thuận lợi cho việc nhập khẩu các yếu tố sản xuất.

Sự ổn định về chính trị và xã hội của đất nước sẽ tạo thành môi trường thuận lợi cho thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước vào phát triển công nghiệp, mở rộng giao thương với các nước trong khu vực và thế giới, mở rộng quan hệ hợp tác khoa học công nghệ, phục vụ phát triển công nghiệp.

2.2.2.4. Môi trường thể chế

Môi trường thể chế (hệ thống các chủ trương, chính sách…) là biểu hiện cụ thể những quan điểm ý tưởng hành vi của nhà nước trong việc phát triển công nghiệp và phát triển hoạt động kinh tế xã hội của quốc gia. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào quyết định đầu tư và kinh doanh của các chủ thể kinh tế khác nhau mà sử dụng hệ thống các công cụ chính sách, luật pháp và đòn bẩy kinh tế để hướng các chủ thể vào việc thực hiện mục tiêu chung của toàn bộ nền kinh tế. Về cơ bản, việc hình thành các yếu tố của môi trường thể chế thể hiện vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Sự tác động của môi trường thể chế đến quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp được biểu hiện qua những nội dung chủ yếu sau:

- Nhà nước hoạch định chiến lược, quy hoạch phát triển công nghiệp nhằm thực hiện hệ thống các mục tiêu kinh tế xã hội nhất định. Các chiến lược và quy hoạch này là sự định hướng phát triển các ngành và định hướng đầu tư cho các chủ thể kinh tế. Một định hướng đúng sẽ đưa công nghiệp phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững trên cơ sở phát huy các nguồn lực và lợi thế của đất nước.

- Nhà nước ban hành hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách để khuyến khích động viên hoặc tạo áp lực để các nhà đầu tư trong và ngoài nước vận động theo quỹ đạo mà nhà nước đã vạch ra. Môi trường thể chế thông thoáng, ổn định và minh bạch sẽ có tác dụng kích thích các nhà đầu tư phát triển hoạt động đầu tư theo định hướng của nhà nước. Ngược lại, môi trường thể chế khắc nghiệt sẽ bóp nghẹt các ý tưởng đầu tư, định hướng mà nhà nước đặt ra khó có thể thực hiện được.

- Thái độ và sự hành xử của các cơ quan quản lý nhà nước và đội ngũ công chức nhà nước với các nhà đầu tư cũng sẽ tạo nên sự yên tâm hoặc ức chế với các nhà đầu tư trong việc hiện thực hóa các ý tưởng đầu tư và kinh doanh.


2.2.2.5. Môi trường và điều kiện quốc tế

Ngày nay, toàn cầu hóa đã thực sự trở thành xu thế khách quan và có tác động trực tiếp đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, công nghiệp của mỗi nước trở thành một bộ phận của nền kinh tế thế giới và có tác động tương hỗ với công nghiệp của các nước khác. Việc phân tích môi trường và điều kiện quốc tế trở thành một yêu cầu bắt buộc khi xác định phương hướng chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp của mỗi nước.

Toàn cầu hóa kinh tế vừa tạo ra những cơ hội to lớn, vừa đặt ra những thách thức hết sức gay gắt với phát triển công nghiệp của các nước đang phát triển. Trong đó, những cơ hội mang tính chất tiềm năng, những thách thức lại hiện hữu và ngay trong các cơ hội cũng chứa đựng những thách thức. Trong việc hoạch định phương hướng chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, cần phân tích cụ thể những cơ hội và những thách thức không phải chỉ với hệ thống công nghiệp mà còn cả với từng ngành, từng nhóm sản phẩm công nghiệp. Từ đó xác định những nhóm ngành, nhóm sản phẩm chủ lực cần phát triển, những thị trường trọng điểm cần được tập trung và đề ra những giải pháp chủ động đương đầu để vượt qua khó khăn, thách thức.

Toàn cầu hóa còn có nghĩa là quốc tế hóa quá trình phân công lao động xã hội. Theo đó, sẽ có nhiều chủ thể kinh tế ở các nước khác nhau tham gia vào quá trình từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thử sản phẩm, thực hiện các công đoạn khác nhau trong quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm, đến phân phối sản phẩm cho người tiêu dùng cuối cùng và thực hiện những dịch vụ khách hàng. Điều đó, về mặt tổ chức, có nghĩa là các chủ thể kinh tế ở các nước khác nhau tham gia chủ động vào việc thực hiện các khâu khác nhau của chuỗi giá trị toàn cầu. Việc tham gia đó sẽ chi phối trực tiếp việc xác định phương hướng chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp.

Quá trình toàn cầu hóa còn thúc đẩy sự hình thành các định chế kinh tế với những nguyên tắc và phạm vi hoạt động khác nhau, như Tổ chức Thương mại thế giới WTO, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác kinh tế các nước Châu Á và Thái Bình Dương (APEC), các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực hoặc song phương… Việc tham gia các định chế kinh tế quốc tế ấy cũng chi phối mạnh mẽ quá trình chuyển dịch cơ của ngành công nghiệp thông qua các thỏa thuận về chiến lược phát triển chung, mở cửa thị trường, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư…

Ngoài những phân tích, đánh giá về kinh tế cũng cần chú ý thỏa đáng những phân tích và dự báo về chính trị và xã hội có tác động tích cực hoặc có thể gây nên những khó khăn cản trở đối với phát triển công nghiệp của đất nước.


2.2.3. Một số xu thế chung của chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp

Mỗi nước trên thế giới có những điều kiện kinh tế xã hội và những mục tiêu riêng cần thực hiện, do vậy, cơ cấu ngành công nghiệp của các nước rất khác nhau. Nhưng quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung, cơ cấu ngành công nghiệp nói riêng của các nước lại diễn ra theo những xu thế chung mang tính chất phổ biến.

Trong cơ cấu ngành kinh tế, xu thế có tính quy luật đã và đang diễn ra ở tất cả các nước là tỷ trọng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp giảm dần, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng. Đó cũng là quá trình chuyển hóa vị trí các ngành kinh tế trong công cuộc công nghiệp hóa, chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp và từng bước phát triển nền kinh tế tri thức.

Nhiều nghiên cứu của các nhà kinh tế học thế giới đã chỉ rò rằng chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp phụ thuộc vào khả năng tài chính và sức mua (biểu hiện ở thu nhập quốc dân tính theo đầu người). Sự chuyển dịch ấy gắn với quá trình biến đổi lợi thế so sánh: khi giá lao động rẻ và tài nguyên phong phú là lợi thế, các ngành công nghiệp có hàm lượng lao động cao và ngành khai thác tài nguyên phát triển mạnh; khi công nghệ và trình độ lao động được nâng cao, các ngành có hàm lượng công nghệ và hàm lượng vốn cao sẽ phát triển mạnh. Các ngành thuộc nhóm thứ nhất gọi là các ngành công nghiệp nhẹ, các ngành thuộc nhóm thứ hai là các ngành công nghiệp nặng. Từ đó, các nhà kinh tế đã chia quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp thành ba giai đoạn sau đây:

- Giai đoạn sớm: chủ yếu phát triển các ngành khai khoáng, chế biến lương thực, thực phẩm, dệt may, giày dép, nông cụ…

- Giai đoạn giữa: phát triển các ngành lắp ráp cơ khí, điện tử, sản xuất chất dẻo, giấy…

- Giai đoạn muộn: tập trung phát triển các ngành sản xuất hàng hóa lâu bền có giá trị cao, điện tử và các ngành kỹ thuật cao khác.

Trên thực tế, các giai đoạn phát triển công nghiệp trên đây thường có sự đan xen về nội dung, giai đoạn này có thể hàm chứa những nội dung nhất định của giai đoạn khác.

Chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp ở Việt Nam là một trong những nội dung cơ bản của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong giai đoạn từ đầu những năm 1960 đến cuối những năm 1980, cơ cấu ngành công nghiệp được hình thành với đường lối “ưu tiên phát triển công nghiệp nặng trên cơ sở phát triển công nghiệp nhẹ”. Trong giai đoạn này, với sự trợ giúp của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã xây dựng được những cơ sở ban đầu rất quan trọng của một số ngành công nghiệp nặng (điện, luyện kim, vật liệu xây dựng, cơ khí, hóa chất) và công nghiệp nhẹ (dệt may, kim khí tiêu dùng, giày dép, nhựa dân dụng, điện tử dân dụng, sành sứ thủy tinh…). Nhưng cơ cấu công nghiệp ấy bộc lộ ngày


càng rò nhược điểm: mất cân đối nghiêm trọng giữa công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ; quy mô nhỏ bé; trình độ kỹ thuật lạc hậu; không huy động được các nguồn lực trong và ngoài nước vào phát triển công nghiệp; quan hệ giữa các ngành công nghiệp và giữa công nghiệp với các ngành kinh tế khác hết sức lỏng lẻo và kém hiệu quả.

Trong gần 30 năm đổi mới kể từ năm 1986, cùng với những chuyển biến to lớn của toàn bộ nền kinh tế, cơ cấu công nghiệp cũng có những thay đổi cơ bản:

- Công nghiệp trở thành ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu ngành kinh tế và có đóng góp lớn nhất vào sự tăng trưởng cao và liên tục của toàn bộ nền kinh tế.

- Việc hình thành cơ cấu công nghiệp nhiều thành phần đã huy động được những nguồn lực to lớn ở trong và ngoài nước vào mở rộng quy mô và nâng cao trình độ kỹ thuật của công nghiệp.

- Các ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và sản xuất hàng tiêu dùng được phát triển mạnh đã góp phần thỏa mãn nhu cầu hàng tiêu dùng thông thường trong nước và tăng kim ngạch xuất khẩu.

- Công nghiệp nặng được phát triển tập trung hơn vào những ngành thực sự có khả năng bảo đảm hiệu quả kinh tế…

Xuất phát từ mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành một mước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại vào năm 2020, cơ cấu công nghiệp Việt Nam trong những năm tới sẽ chuyển dịch theo những hướng cơ bản sau:

- Phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung nhằm phát huy lợi thế về tài nguyên sinh học, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản đáp ứng nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu.

- Phát huy lợi thế về lao động, đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng với chủng loại sản phẩm đa dạng, chất lượng cao, giá thành hạ thay thế hàng hóa nhập khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu. Chuyển dần từ phương thức gia công cho nước ngoài sang mua nguyên liệu và xuất khẩu trực tiếp. Phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ cho sản xuất hàng tiêu dùng.

- Phát triển có chọn lọc một số ngành công nghiệp nặng với quy mô, bước đi phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam nhằm đáp ứng có hiệu quả nhu cầu đổi mới và nâng cao trình độ công nghề của các ngành kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp, thúc đẩy phân công lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

- Phát triển tập trung một số ngành công nghệ cao gắn với việc thực hiện các chương trình quốc gia về tự động hóa, vật liệu mới, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin.


2.3. ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ TRONG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP

2.3.1. Thực chất, vai trò của công nghệ và đổi mới công nghệ

2.3.1.1. Thực chất của công nghệ

Trong buổi đầu công nghiệp hóa, người ta dùng khái niệm công nghệ với nghĩa hẹp. Đó chỉ là các phương pháp, giải pháp kỹ thuật sử dụng trong các dây chuyền sản xuất sản phẩm. Từ những năm 1960 trở lại đây, do có quan hệ mua bán trong công nghệ nên công nghệ được hiểu theo nghĩa rộng hơn.

Có rất nhiều quan điểm khác nhau về công nghệ nhưng ở đây, chúng ta hiểu theo quan điểm tổng quát cho rằng:

Công nghệ được hiểu là tổng hợp các phương tiện kỹ thuật, kỹ năng, phương pháp hữu hiệu được dùng cho việc chuyển đổi tài nguyên thiên nhiên thành các nguồn lực sản xuất hoặc hàng hóa kinh tế. Quá trình chuyển đổi tài nguyên thiên nhiên, về thời gian, không gian và hình thức chiếm vị trí trọng tâm của các quá trình tăng trưởng kinh tế hiện đại.

Công nghệ gồm 4 thành phần cơ bản, tác động đồng bộ qua lại với nhau để tạo ra bất kỳ một sự biến đổi mong muốn nào:

- Công cụ, máy móc, thiết bị, vật liệu.

- Thông tin, phương pháp, quy trình, bí quyết.

- Tổ chức, thể hiện trong thiết kế tổ chức, liên kết, phối hợp, quản lý các bộ phận trong hệ thống.

- Con người được đào tạo chuyên môn, có kinh nghiệm và kỹ năng kỹ xảo nghề nghiệp.

Bộ phận đầu được coi là “phần cứng”, ba bộ phận sau được gọi là “phần mềm” của công nghệ”.

Như vậy, công nghệ được hiểu với nghĩa rộng hơn, đầy đủ hơn so với kỹ thuật. Đương nhiên, kỹ thuật và công nghệ liên quan mật thiết với nhau và sự phân biệt đó chỉ mang tính chất tương đối. Để sáng tạo ra một công nghệ mới thường đòi hỏi phải có phương tiện kỹ thuật, công nghệ mới đồng thời sáng tạo ra phương tiện kỹ thuật mới.

Trong nhiều thế kỷ trước đây, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, sản xuất thường tách rời nhau. Khoa học đi sau kỹ thuật – công nghệ và chỉ làm được chức năng giải thích, tổng kết các quá trình, hiện tượng tự nhiên xã hội. Cho đến thế kỷ 18, khi mới bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên, nhiều công nghệ, kỹ thuật mới ra đời dựa vào kinh nghiệm sản xuất trực tiếp hơn là dựa vào các phát minh khoa học. Nhưng ngày nay, mối quan hệ khoa học – kỹ thuật – công nghệ - sản xuất và thị trường có sự thay đổi căn bản: kỹ thuật, công nghệ không chỉ phát triển từ kinh nghiệm thực tế mà chủ yếu phải từ kết quả nghiên cứu khoa học. Ngược lại, nghiên cứu khoa học lại dựa


vào kỹ thuật, công nghệ và sản xuất. Trình độ công nghệ và sản xuất phát triển cho phép tạo vốn và phương tiện, thiết bị ngày càng hoàn thiện cho công tác nghiên cứu, thúc đẩy khoa học phát triển ngày một nhanh hơn. Công nghệ được hiểu với nghĩa rộng hơn, đầy đủ hơn so với kỹ thuật. Để sáng tạo ra một công nghệ mới thường đòi hỏi phải có phương tiện kỹ thuật mới. Mặt khác, công nghệ mới sáng tạo ra phương tiện kỹ thuật mới.

2.3.1.2. Thực chất của đổi mới công nghệ

Đổi mới công nghệ thực chất là quá trình phát minh, phát triển và đưa vào thị trường những sản phẩm mới, quy trình công nghệ mới. Đổi mới công nghệ là kết quả của ba giai đoạn kế tiếp nhau: phát minh – đổi mới – truyền bá (thương mại hóa).

Đổi mới công nghệ bao gồm 2 hình thức chủ yếu là: đổi mới nâng cao và đổi mới triệt để.

Đổi mới nâng cao là cải thiện các công nghệ đã tồn tại, làm cho nó “mới mẻ và hoàn thiện hơn”. Đổi mới nâng cao ít tốn thời gian, chi phí và ít rủi ro cho các chủ thể kinh tế.

Đổi mới triệt để là tạo ra các công nghệ thực sự mới mẻ, mang tính đột phá. Đổi mới triệt để là hình thức đổi mới theo tiêu chí sau:

- Tập hợp các đặc tính hiệu quả hoàn toàn mới.

- Giảm chi phí.

- Thay đổi nền tảng cạnh tranh.

Đổi mới triệt để và đổi mới nâng cao thường diễn ra song song với nhau. Sự mở đầu của đổi mới triệt để thành công được nối tiếp bởi một quá trình đổi mới nâng cao, làm tăng hiệu suất và mở rộng phạm vi sử dụng.

Đổi mới công nghệ trong công nghiệp được thể hiện qua các hoạt động cụ thể:

- Chế tạo, sử dụng máy móc thiết bị mới, vật liệu mới, năng lượng mới.

- Áp dụng quy trình, phương pháp công nghệ mới, tiến bộ hơn.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và quản lý.

- Nâng cao chất lượng sản phẩm.

Như vậy, đổi mới sản phẩm và đổi mới quy trình công nghệ là những biểu hiện chủ yếu của kết quả đổi mới công nghệ. Đổi mới công nghệ sẽ dẫn đến đổi mới sản phẩm.

Công nghệ được đổi mới nhờ các nguồn sau:

- Sử dụng công nghệ truyền thống hiện có trong nước, cải tiến và hiện đại hóa công nghệ truyền thống đó.

- Tự nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ mới.

- Nhập công nghệ tiên tiến từ nước ngoài thông qua chuyển giao công nghệ.

Xem tất cả 216 trang.

Ngày đăng: 29/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí