Không gian và thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp - 19

2.3.2. Nhịp điệu thời gian lặp lại

Khi nghiên cứu truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp chúng tôi bắt gặp những điệp khúc khi tác giả nhắc về thời gian như một nỗi niềm băn khoăn, thao thiết. Có những truyện tác giả viết nên bởi sự gộp lại của ba truyện nhỏ, và ở mỗi mẩu chuyện ấy là ba đoạn kết viết gần giống nhau. Những trường hợp ấy có thể thấy rõ trong Con gái thủy thần, xuất hiện một vòng tròn thời gian lặp lại trong cuộc phiêu lưu của nhân vật.

Ở một số truyện khác, tác giả sử dụng điệp khúc về không gian quẩn quanh tù đọng để diễn tả sự mong ngóng, chờ đợi một điều gì đó của những người dân thôn quê chất phác: “Ga chiều huyện lị vắng vẻ. Mấy con gà rã cánh đi trên sân ga. Có khoảng chục người chờ ở cổng. Vẳng lại băng cát-xét nhà nào đang mở”.

“Quyên bảo: Tôi ở đây ba ngày sao mà dài quá. Ga chiều huyện lị vắng vẻ. Vẫn chỉ có khoảng hơn chục người đứng ở sân ga đợi tàu vẳng lại băng cát-xét nhà nào đang mở”.

Bên cạnh đó, sự lặp lại không gian ở nhiều đoạn tả ngắn đã tạo ra những ấn tượng sâu sắc vắng lặng về cảm giác khắc khoải về nhịp điệu thời gian trong tâm hồn người đọc, chẳng hạn trong truyện ngắn Mưa, cụm từ: “Nghe rõ tiếng mưa rơi” lặp lại 08 lần. Có nhiều truyện, không gian như tối sầm lại “dằng dặc những ngày mưa xám xịt, nặng nề, không gian phố nhà thì chìm trong đêm mưa hoặc đêm đen, chỉ có ánh đèn leo lét chảy giọt từ những căn phòng”. Trong đó, thứ ánh sáng duy nhất có thể cảm nhận được là tình yêu.

Tiểu kết chương 2:

Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thời gian đã chia thành hai kiểu thời gian tự sự tương ứng với hai loại truyện ngắn của ông. Một là, thời gian biên niên (trật tự biên niên, tốc độ chậm, thiên về trần thuật đơn nhất ứng với chùm truyện lịch sử giả), ở kiểu truyện này là kiểu truyện sự kiện, hay truyện kể phi tâm lí. Hai là, thời gian phi tuyến tính tốc độ nhanh, nhịp điệu đa dạng, thiên về trần thuật khái quát và trần thuật trùng lặp và chúng thuộc về kiểu truyện tâm tư. Trong tác phẩm, kĩ thuật dòng ý thức đã được tác giả sử dụng đan lồng và trở thành nguyên tắc nghệ thuật chi phối tổ chức trần thuật. Nhân vật có thể tự do đi lại trong tương lai, trong những cuộc hành trình về quá khứ.

CHƯƠNG 3. MỐI QUAN HỆ GIỮA KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN NGHỆ THUẬT


3.1. Tổ chức không gian trong sự kết hợp với thời gian

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.

Không gian thời gian là hai khái niệm không tách rời nhau. Mọi sự vật đều tồn tại trong không gian và thời gian: “Cùng với yếu tố không gian, thời gian nghệ thuật giữ vai trò không thể thiếu được trong việc bộc lộ đời sống riêng tư của con người”. Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, không gian và thời gian đều là hình tượng nghệ thuật, phạm trù này là hình tượng nghệ thuật để thể hiện phạm trù kia, và giữa chúng luôn có sự kết hợp chặt chẽ với nhau.

Nhiều sự kiện trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp thường là những hồi ức mà nhân vật nhớ lại những kỉ niệm ngày bé, thời trai trẻ trong những chuyến hành trình ra đi, mà mốc thời gian đánh dấu kết hợp với không gian là những trận mưa hoặc thiên tai khác. Như vậy, không gian và thời gian trong tác phẩm bao giờ cũng sóng đôi với nhau. Thời gian đã được không gian hoá và vật thể hoá một cách tới hạn và vì thế mà trở nên hữu hình và hiện diện thật sinh động, chân thực. Thời gian không còn là đường viền nữa mà đã tan ngấm vào trong toàn bộ những chi tiết của thế giới nghệ thuật.

Không gian và thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp - 19

3.2. Sự luân chuyển không gian, thời gian nghệ thuật

Có thể thấy sự luân chuyển không gian, thời gian nghệ thuật trở thành một đối tượng thẩm mỹ mang tính quyết định của cấu trúc truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Yếu tố thời gian phức tạp kết hợp với không gian, đã được người kể truyện xáo trộn, phân chia lại. Trên trục không gian, thời gian ấy, số phận con người được tái hiện qua sự luân chuyển liên tục từ vùng này sang vùng khác, từ nông thôn đến thành thị…các vùng miền không gian không tồn tại như những mảnh lẻ rời rạc mà được gắn kết với nhau theo số phận con người.

Thứ nhất, về sự luân chuyển không gian trong Nguyễn Huy Thiệp, có thể thấy nhà văn đã sử dụng cấu trúc ngược sáng để tái hiện đường đi của nhân vật. Mô hình cụ thể của cấu trúc luân chuyển không gian này được định hình như sau: Ban đầu, nhân vật mơ ước tìm thấy điều kì diệu, lẽ sống của cuộc đời mình. Mục đích này sẽ

mở ra hai con đường (không gian thực ảo): muốn tìm; và thực hiện việc đi tìm. Mâu thuẫn xuất hiện khi mơ ước và con đường thực hiện mơ ước trái ngược nhau. Mặt khác, trên con đường đi tìm huyền thoại các nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp bao giờ cũng có một điểm xuất phát đó là: không gian làng quê, với đồng ruộng, con đò, bến nước. Nó được luân chuyển từ xa đến gần.

Từ không gian sông đêm (thế giới bóng tối) luân chuyển không gian sông buổi sớm (thế giới ánh sáng), số phận nhân vật thay đổi. Đó là sự ngẫu nhiên kỳ diệu. Điều này cũng cho thấy, càng gần với không gian tự nhiên, vô vi và hòa mình với tự nhiên (không gian nông thôn, rừng, biển) con người càng gần với nhân tính, cái thiện, cái đẹp sẽ tỏa sáng. Và ngược lại càng xa cách tự nhiên (không gian thành thị) con người càng xa rời bản chất đích thực. Tất cả những gì thuộc về nhân tạo đều dẫn con người gần với “sự bất nhân trong nhân tính”.

Thứ hai, nghiên cứu về sự luân chuyển thời gian trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi nhận thấy có bốn dạng thức thời gian tiêu biểu: sáng; trưa; chiều; tối. Trên toàn cảnh truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, có thể nhận ra thời gian ban ngày được xuất hiện nhiều nhất. Thời gian buổi sáng xuất hiện: 78 lần, thời gian buổi trưa xuất hiện: 13 lần, thời gian buổi chiều xuất hiện: 43 lần; thời gian buổi tối: xuất hiện 43 lần.

Qua đây, chúng tôi rút ra nhận xét: Nguyễn Huy Thiệp có xu hướng ít chọn buổi trưa là thời điểm nhân vật hành động trong tác phẩm của mình. Đồng thời, so với thời gian buổi sáng, chúng tôi thấy tần số của các từ ngữ liên quan đến buổi chiều buổi tối xuất hiện không thấp lắm (43 lần). Do đó, nó càng chứng tỏ tư duy nghệ thuật thiên về miêu tả thời gian buổi sáng của nhà văn (nếu hiểu buổi chiều, tối như là sự luân chuyển nối tiếp và mở đầu một ngày mới). Tuy vậy, bên cạnh thời gian ban ngày, Nguyễn Huy Thiệp cũng tạo ra trong tác phẩm của mình những thời gian đêm tối mang một hình ảnh tượng trưng và rất ám ảnh.

Bên cạnh đó, sự luân chuyển thời gian còn được thể hiện bằng việc nhà văn đưa lịch biểu vào trong tác phẩm của mình. Mở đầu mỗi chương thường xuất hiện các mốc thời gian: Mùa Đông, mùa Xuân, Mùa Hè năm ấy, Ngày 23 tháng Chạp, trước Tết Nguyên đán, hôm thứ Bẩy;… Có lúc, nó bị đứt tung ra bởi những đoạn người kể

chuyện tập trung miêu tả. Điều này cho thấy, việc ngưng đọng thời gian trần thuật trên sự kiện quan trọng, không phải là thủ pháp riêng của Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng luân chuyển thời gian tác phẩm theo những “nhát cắt”, những biến điệu đột ngột trong thời gian nghệ thuật đã tạo nên cảm giác căng thẳng, ngột ngạt, đầy gấp gáp của ông lại mang những nét riêng. Đặc điểm này, bị qui định bởi vị trí người kể chuyện và điểm nhìn của họ. Người kể chuyện Nguyễn Huy Thiệp luôn tách ra ngoài cuộc thoại, ngoài tâm trạng, tác giả chỉ làm người chứng kiến ghi lại những tia âm thanh phát lên từ cuộc thoại. Nó tựa như chính thời đại chính tâm trạng của tác giả đang hiện ra qua chập trùng biến cố thời gian.

3.3. Không gian được tổ chức theo nguyên tắc tương phản

Trong khi phản ánh hiện thực đời sống, Nguyễn Huy Thiệp đã chú trọng nghệ thuật miêu tả tương phản đối lập môi trường sống và sinh hoạt của nhân vật. Tướng về hưu là một truyện ngắn đã thể hiện rất rõ nghệ thuật đó.

Sự đối lập giữa các tầng lớp trong một gia đình trong truyện Tướng về hưu đã được phản ánh qua không gian ngôi nhà. Gia đình tướng Thuấn ở trong “một biệt thự đẹp”, được “xây cất dựa theo thiết kế của một chuyên gia kiến trúc trứ danh” còn chỗ của người giúp việc (ông Cơ và cô Lài): “cha con ông ở dưới nhà ngang, sinh hoạt riêng rẽ”.

Không những thế, qua không gian tương phản ta còn thấy rõ sự hiện hình tính cách nhân vật. Trong không gian gia đình tướng Thuấn, Thuỷ - cô con dâu, một mẫu người khá thực dụng trong xã hội hiện đại, với chồng, cô chửi thẳng: “họ hàng nhà anh kinh bỏ mẹ”. Nhưng đôi lúc Thuỷ cũng tỏ ra đầy mâu thuẫn và đối lập trong bản thân mình, cô sắc sảo, nết na, kính nể bố chồng, quý chồng nhưng lại thích thú đọc thơ của nhân tình “rúc rích với nhau” và chê chồng “anh già rồi”. Ở không gian bệnh viện, có thể cô là một bác sĩ giỏi, nhưng ở gia đình, trước phút lâm chung của mẹ, cô ngăn cản cấp cứu và giảo hoạt với người ở để chuẩn bị đám tang. Lạnh lùng dửng dưng với việc xay thai non cho chó, nhưng Thuỷ lại rất hào phóng cho tiền người ở.

Một đặc điểm dễ nhận diện, đó là truyện Nguyễn Huy Thiệp không dài, nhưng hàm lượng thông tin lớn, trong đó, nó bao hàm nhiều không gian khác nhau, có khi

không gian là một buổi sáng đi săn, hay bó hẹp trong một gia đình…Nhiều sự kiện được nén chặt trong một không gian nhỏ, có những không gian thực tế có thể quan sát, có những không gian nửa thực, nửa hoang đường thuộc về lịch sử hay dã sử, không gian thuộc về điềm triệu tâm linh hay những gì thuộc về cảm giác, tri giác.

Trong chùm truyện “giả cổ tích” và “giả lịch sử” có hai loại không gian được miêu tả tương phản, đối lập, đó là không gian thực - ảo. Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, không gian thực luôn đi kèm không gian ảo tạo ra sự đối lập: thực đến rợn người ảo đến bàng hoàng kinh dị, ta có thể gặp trong Tâm hồn mẹ, Chảy đi sông ơi, Con gái thuỷ thần, Phẩm tiết, Kiếm sắc

Trong Kiếm sắc mạch phát triển của cốt truyện cũng nằm trong trường nghĩa đối lập giữa hai không gian nghệ thuật thực và ảo. Không gian thực là cái chết của cha Lân và hành động giao lại kiếm.

Các yếu tố thời gian, không gian, vị trí địa lý...nhằm định danh cho môi trường hoạt động của nhân vật lại là những yếu tố lưỡng tính. Nếu là các yếu tố vật chất, chúng có thể tạo ra một không gian có khả năng dung chứa và tạo dựng biến cố cho không chỉ một số phận.

Nếu như ở Kiếm sắc, Nguyễn Ánh chỉ xuất hiện trong không gian với tư cách tạo ra môi trường cho nhân vật, thì ở Vàng lửa chức năng của nhân vật này đã thay đổi. Có thể coi Vàng lửa là những vòng xoáy của những tính toán, thủ đoạn và mánh khoé chính trị. Diễn biến cốt truyện phát triển trên cơ sở của những trang hồi ký còn sót lại của người trong cuộc. Tạm thời lược bỏ lời của người kể và đặt những mẩu hồi ký cạnh nhau, chúng ta bắt gặp trong hồi ký của Phăng hàng loạt những đánh giá, những chi tiết, suy nghĩ, hành động đối lập nhau. Các cặp đối lập trải ra liên tục tạo thành một chuỗi vừa tương phản vừa hô ứng nhằm xác lập một miền giá trị: cái tâm chính trị.

Nhân tố thứ ba trong cấu trúc tổng thể của ba truyện ngắn này được nhìn nhận trong sự quy chiếu của Ngô Thị Vinh Hoa làm trung tâm của việc xác lập mô hình tự sự. Phẩm tiết tạo ra thế đối lập kép mà nhân vật nữ Vinh Hoa vừa là nhân vật có chức năng bảo tồn, duy trì phẩm giá vừa là điều kiện xác lập những đối kháng. Ngoài chùm truyện “lịch sử giả”, trong khi miêu tả bức tranh thiên nhiên của nhà văn, về mặt không gian, chúng ta cũng thấy sự đối lập. Tiêu biểu là không gian dòng sông.

Bên cạnh không gian dòng sông, ta còn thấy không gian biển. Đối lập với không gian biển, là những không gian tù đọng, những bến quen ê chề còn có biểu tượng sự khô cạn: những cánh đồng cằn, đất khô nẻ, lòng suối khô cạn, trái tim khô héo. Qua nghệ thuật tương phản đối lập cho thấy, không gian trong truyện Nguyễn Huy Thiệp được tả, nhưng không tả quá chi tiết rườm rà, tác giả chỉ nhấn mạnh đến nét chính, ấn tượng nhất, từ xa đến gần từ thấp thoáng đến chi tiết. Dường như không tận mắt chứng kiến, chưa trải qua, người viết không thể có được những chi tiết như thế.

3.4. Thời gian nhân vật và trình tự thời gian trần thuật được hiện đại hoá

Từ sau 1986, sự đổi mới tư duy nghệ thuật, sự mở rộng phạm trù thẩm mĩ trong văn học khiến truyện ngắn không những đa dạng về đề tài, phong phú về nội dung mà còn có nhiều thể nghiệm, cách tân về thi pháp. Cùng với không gian, thời gian của sinh hoạt thế sự thời gian đời tư phụ thuộc vào những trải nghiệm của cá nhân bị chi phối bởi trạng thái tâm lí tình cảm cụ thể của mình.

Một đặc điểm trong thời gian nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là tư duy thời gian nhân vật trình tự thời gian trần thuật đã được hiện đại hoá. Nhằm đương đại hoá tư duy thời gian của thế giới nhân vật, Nguyễn Huy Thiệp đã đưa vào tác phẩm của mình thời gian đồng hồ. Điều ấy cũng cho thấy thời gian hiện đại đã ùa vào truyện ngắn, chi phối các phát ngôn của người trần thuật. Nói cách khác, thông qua thời gian trần thuật, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã kịp thời tái hiện sinh động bức tranh xã hội đương đại hôm nay.

Mỗi một biến cố, sự kiện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp bao giờ cũng bắt đầu từ một thời điểm cụ thể kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định, được đánh dấu bằng thời gian đồng hồ.

Theo Đặng Anh Đào, trình tự thời gian trần thuật chính là “nghệ thuật xếp đặt những tình tiết hoặc nghệ thuật trình bày các sự kiện trong mối liên hệ với thời gian”. Khi khảo sát từng tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp ta thấy tác giả đã phá vỡ khuynh hướng trình tự thời gian “tuần tự nhi biến” của lối kể chuyện truyền thống để tạo nên sự đồng hiện hoặc đảo thuật, chuyện sau kể trước, chuyện trước kể sau. Cũng giống như nhiều nhà văn khác lấy trần thuật khách quan làm phương thức sử dụng, Nguyễn Huy Thiệp mang giọng trần thuật với những sắc thái riêng. Dưới ngòi bút nhà văn,

dường như mọi hiện tượng cụ thể đều được đặt vào trình tự quan hệ với chủng loại khái quát rộng rãi nhất của nó. Chương này, chương khác, nhan nhản những sự đời, những kiếp đời. Tất cả, được xây dựng trên một nguyên tắc trần thuật đa thanh và qua đó, đã góp phần xác lập một cấu trúc thời gian trần thuật đặc thù của truyện ngắn Việt Nam đương đại.

Tiểu kết chương 3:

Khảo sát mối liên hệ giữa không gian và thời gian trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp cho phép chúng ta hình dung một cách khá cụ thể và xác thực về cơ chế vận động của không - thời gian trong tác phẩm văn học tự sự. Đó là chuỗi thời gian hai lần thời gian nó gắn liền với ý đồ nghệ thuật của tác giả và bị chi phối bởi chỉnh thể nghệ thuật. Nhà văn đã đưa vào truyện ngắn của mình nhiều hình thức không gian và thời gian hết sức linh hoạt. Không gian luôn luôn chuyển đổi kéo theo sự thay đổi thời gian. Có khi không gian vận động như một chiều của thời gian. Từ không gian sinh hoạt xã hội ở thôn quê đến không gian thành thị, từ không gian u ám đến không gian trong trẻo tươi đẹp tuổi thơ. Tất cả đều cho thấy sự vận động qua lại giữa chúng trong cơ chế nghệ thuật của tác phẩm nhằm thể hiện nội dung tư tưởng.

KẾT LUẬN


1. Nghiên cứu không gian thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp giúp ta vừa cảm thụ tác phẩm văn học trong cái cụ thể - sáng tạo của nó, vừa định hình được quan niệm nghệ thuật và phong cách sáng tạo nhà văn. Mặt khác, mối quan hệ giữa không gian và thời gian cho thấy “giữa chúng có một sự giao cắt, tương tác”. Sự tương tác không gian thời gian, chẳng những là một phương tiện của hoạt động trần thuật mà còn là một nhân tố cho thấy được cái nhìn mang tính quan niệm về hiện thực đời sống.


2. Không gian trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp mang tính đặc thù, được thể hiện ở ba cấp độ không gian bối cảnh xã hội, không gian bối cảnh thiên nhiên không gian tâm trạng. Chuyển cái nhìn về thế sự - đời tư, không gian bối cảnh xã hội trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã có sự thay đổi. Nếu như ở văn xuôi giai đoạn 1945 – 1975 chúng ta gặp chủ yếu là kiểu không gian lịch sử rộng lớn (một cánh đồng, mặt trận, một con đường, chiến dịch, hoặc một nhà máy...) nơi đó diễn ra các sinh hoạt cộng đồng: khai hoang, lấn biển, hoặc cơ khí hoá...đến truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp không gian đã mang đậm tính cá nhân riêng tư, với những căn phòng chật hẹp, thế giới đồ vật chen lấn, nó gắn với những buồn vui những cảm quan của đời sống. Bên cạnh đó, không gian bối cảnh thiên nhiên còn có một vai trò quan trọng trong việc thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm. Khi xuất hiện trong tác phẩm của nhà văn, thiên nhiên mang dáng dấp riêng được thể hiện bằng những đoạn tả: như không gian dòng sông, không gian biển, không gian núi rừng, không gian con đường. Không gian thiên nhiên được miêu tả vừa thể hiện không khí chân thực của tác phẩm, vừa thể hiện thái độ quan điểm của nhà văn. Cùng với việc nắm bắt và phân tích tâm lí nhân vật, khám phá con người bên trong, Nguyễn Huy Thiệp đã sử dụng không gian huyền thoại thực - ảo như một phương tiện nghệ thuật hữu hiệu để khắc hoạ không gian tâm trạng.

Xem tất cả 168 trang.

Ngày đăng: 29/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí