3. Vấn đề thời gian trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có hai mặt cơ bản: quan niệm cơ bản của nhà văn về thời gian; và việc nhà văn tổ chức thời gian trong tác phẩm. Quan niệm thời gian của nhà văn trước hết được bộc lộ trực tiếp và phổ biến hơn là qua tổ chức thời gian, một trong những mặt hình thức bên trong của tác phẩm, có quan hệ chặt chẽ với ý thức nghệ thuật của nhà văn. Thời gian trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có thể được nhận dạng thông qua các bình diện chính như: thời gian trần thuật, thời gian tâm trạng và nhịp điệu thời gian. Nghiên cứu thời gian trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi đi đến kết luận, trong truyện ngắn của ông, sự tri giác về thời gian và sự thể nghiệm thời gian tuỳ thuộc vào mỗi nhân vật chứ không có thời gian chung. Riêng phần thời gian trần thuật chúng tôi đã vận dụng lí thuyết thời gian của G. Genette để thấy được sự đảo lộn thời gian sự kiện cũng như tự sự dòng ý thức và đồng hiện thời gian trong chùm truyện “lịch sử giả” và “nhại cổ tích”. Về điều này, Nguyễn Huy Thiệp đã tỏ ra chắc tay trong việc đảo lộn thời gian “tuần tự nhi tiến”, nhằm tạo nên trong tác phẩm của mình một trình tự thời gian biến hoá hơn. Nhà văn có thể làm thời gian đồng hiện cho ta thấy cái hôm nay và ngày mai trong khoảnh khắc ngày hôm nay. Đối với những trường hợp ấy, thời gian như ngưng lại đương tiếp nối hàng dọc, chuyển thành song song hàng ngang, rồi sau đó vận động đi lên, rồi ngưng lại và cứ thế cho đến khi kết thúc.
4. Về mối quan hệ không – thời gian, M. Bakhtin đề xuất khái niệm “chronotope” và ông giới thuyết: “chúng ta dùng khái niệm chronotope (không – thời gian) để chỉ mối quan hệ bản chất giữa không gian và thời gian được thể hiện một cách nghệ thuật trong văn học”. Đối với truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp khung không - thời gian là những tín hiệu nghệ thuật hoà quyện làm một chỉnh thể cụ thể cảm tính và mang tính tổ chức cao. Thời gian trở nên ken dày và trở nên hữu hình một cách nghệ thuật, không gian cũng có độ căng và phản ứng theo những vận động của thời gian. Mối quan hệ này không chỉ có ý nghĩa như một công cụ tổ chức hình thức của tác phẩm mà còn là một phạm trù mang tính lịch sử - văn hoá. Điều này khiến không - thời gian là một công cụ giúp ta nhận biết về tiến trình văn học.
Có thể bạn quan tâm!