Hợp tác văn hoá, giáo dục Việt Nam - Nhật Bản từ 1992 đến 2017 - 7


tốt đẹp từ 2007, tại Việt Nam đã có ngày lễ hội hoa Anh Đào đây là một trong những sự kiện thể hiện sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ giữa hai nước nói chung và nhất là trong giao lưu giới thiệu văn hóa giữa hai nước.

Ngày 8/4/2007, hàng ngàn người dân Thủ đô đã tới trung tâm tiếng Nhật Núi Trúc để ngắm hoa và tìm hiểu văn hóa Nhật Bản tại “Lễ hội hoa Anh Đào Nhật Bản” truyền thống của người Nhật, lần đầu tiên tổ chức ở Hà Nội. Chương trình văn hóa đầy ý nghĩa này do Hội Giao lưu văn hóa Việt – Nhật tổ chức. Theo Thông tấn xã Việt Nam, trong lễ hội hoa Anh Đào lần đầu tại Việt Nam, Nhật Bản đã gửi hoa của 3 cây Anh Đào thật cùng hàng trăm cành hoa Anh Đào bằng lụa để trang trí cho ngày hội thêm rực rỡ sắc màu. Bên cạnh hoa Anh Đào, khách tham dự lễ hội còn được thưởng thức nghệ thuật múa, trà đạo, gấp giấy và ẩm thực Nhật Bản.

Đối với rất nhiều người dân thủ đô đây là một dịp để được ngắm nhìn loài hoa là biểu tượng của nước Nhật, cùng với đó là nhiều nét đặc sắc trong văn hóa Nhật như: Đoàn diễu hành Yosakoi rước kiệu Omikoshi - loại kiệu được sử dụng trong các lễ hội tại đền thờ của Nhật Bản - trên các tuyến phố Núi Trúc - Giảng Võ - Trần Huy Liệu - Nam Cao khiến không khí ngày hội Sakura trở nên tưng bừng, náo nhiệt. Đặc biệt, rất nhiều tranh vẽ với chủ đề “Em vẽ hoa Anh Đào” của thiếu nhi Nhật Bản; ảnh chụp “Mùa xuân - Hoa Anh Đào” của các nghệ sỹ Nhật Bản cũng được gửi sang Việt Nam trong lễ hội này. Các bài giới thiệu về hoa Anh Đào, lễ hội hoa của Nhật Bản được trưng bày trong các gian phòng của lễ hội đã giúp công chúng Việt Nam hiểu thêm về văn hóa, đất nước và con người Nhật.

Được biết, tuần lễ “Hoa anh đào” (Hanami) được diễn ra từ ngày 3 đến ngày 10 tháng 4 dương lịch hàng năm cũng là tuần lễ hội hoa ở Nhật Bản từ khi nước Nhật bỏ lịch âm. Hiện tại, ở Nhật Bản có khoảng 300 loại hoa Anh Đào, trong đó Someiyoshino - hoa Anh Đào có màu hồng nhạt là loại được trồng phổ biến nhất. Ngoài thưởng thức hoa Anh Đào, người Nhật Bản còn dùng hoa và lá Anh Đào để làm bánh kẹo, chế biến món ăn… Lễ hội hoa Anh Đào Nhật Bản lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội đã để lại những ấn tượng rất tốt đối với những người Việt Nam. Qua lễ hội này quan hệ giao lưu văn hóa Việt – Nhật ngày càng phát triển. Để thúc đẩy và tăng cường hơn nữa mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa hai nước lễ hội hoa


Anh Đào Nhật Bản tại Việt Nam đã trở thành một hoạt động thường niên ở các năm sau đó và ngày càng được tổ chức với quy mô lớn hơn.

Năm 2008, lễ hội tiếp tục được tổ chức với quy mô lớn với hơn 120 nghìn khách đến dự. Khách tham quan không chỉ có cơ hội được chiêm ngưỡng hoa Anh Đào mà còn dược chiêm ngưỡng nhiều nét độc đáo của văn hóa Nhật như: lồng đèn cá Chép, điệu múa Yosakoi - đều là những nét đặc trưng của văn hoá Nhật Bản.

Tiếp nối thành công của các năm trước, năm 2009 lễ hội đặc biệt hoành tráng, trong vòng 3 ngày 10, 11, 12/4/2009. Lễ hội 2009 có chủ đề “Lễ hội Hoa anh đào 2009 chào mừng 999 năm Thăng Long - Hà Nội”. Đây là cơ hội giao lưu văn hóa Nhật - Việt thật đặc sắc, để thắt chặt thêm quan hệ hợp tác hữu nghị của nhân dân hai nước chúng ta. Lễ hội hoa Anh Đào năm 2009, Chào mừng 999 năm Thăng Long Hà Nôi, 600 cành hoa Anh Đào lớn được cơ quan đồng tổ chức hãng hàng không quốc gia Việt Nam được vận chuyển bằng đường hàng không sang Hà Nội vào ngày 9/4/2009.

Rút kinh nghiệm năm 2008 năm 2009 ban tổ chức mang sang những loài hoa anh đào đẹp hơn và rực rỡ hơn. Khoảng 600 cành hoa anh đào được bố trí ghép lên 4 gốc cây lớn và được đặt ở khu vực chính vào ngày thứ 3 của lễ hội . Ngoài ra lễ hội năm 2009, còn được bố trí bởi 7 cây hoa anh đào lụa. Với sự chuẩn bị chu đáo lễ hội năm 2009 đã để lại những ấn tượng và những kỷ niệm đẹp cho người đến xem. Không chỉ có hoa anh đào, phía Nhật đã mang tới Việt Nam hàng loạt chương trình độc đáo như: các chương trình biểu diễn giới thiệu văn hóa Nhật Bản như điệu múa dân gian Nhật Yosakoi thu hút 4 đoàn múa từ đất nước mặt trời mọc, múa nón hoa Hanagasa Ondo, kịch Nam kinh Tama Sudare. Các nghệ nhân còn biểu diễn đàn Koto, đàn dây Samisen, nhạc cổ truyền bằng sáo trúc, thời trang Kimono và thời trang Tokyo... Ẩm thực Nhật được giới thiệu qua cách làm mỳ Soba. Đặc biệt, chương trình múa Yosakoi được biểu diễn trên đường phố Văn Cao vào ngày 12/4, với sự tham gia của 10 đội múa từ Nhật Bản và 700 sinh viên, học sinh Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của người dân Thủ đô.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 131 trang tài liệu này.

Ngoài ra, nhân dịp kỷ niệm 999 năm Thăng Long - Hà Nội, các giáo sư tên tuổi tại Nhật còn công bố nhiều tài liệu có giá trị lịch sử của Hoàng thành Thăng


Hợp tác văn hoá, giáo dục Việt Nam - Nhật Bản từ 1992 đến 2017 - 7

Long, khu phố cổ Hà Nội. Tiếp nối thành công của năm 2009. Bước vào năm 2010, những người dân Thủ đô háo hức chờ đợi một lễ hội hoa Anh Đào hoàng tráng hơn, nhưng vì những lí do khác nhau nên lễ hội hoa Anh Đào không được tiếp tục tổ chức. Tuy không tiếp tục được tổ chức nhưng có lẽ còn rất lâu nữa những người từng được tham ra lễ hội hoa Anh Đào các năm trước đó mới có thể quên được những nét độc đáo của lễ hội này.

Có thể nói, những năm gần đây các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước phát triển mạnh, các hoạt động diễn ra rất sôi nổi. Khác với giai đoạn trước chủ yếu là các hoạt động văn hóa Nhật Bản được tổ chức tại Việt Nam, giai đoạn này đã có một số hình ảnh, đặc trưng, những nét văn hóa độc đáo của người Việt được giới thiệu tại Nhật Bản. Dù hoạt động văn hóa đã mang tính hai chiều hơn tuy vậy phía Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đưa hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam ra thế giới.

Số du học sinh và lao động tại Nhật Bản đang tăng lên hàng năm và họ trở thành cầu nối tìm hiểu về văn hoá, giao lưu văn hoá giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Người Việt đến Nhật Bản không chỉ để học kinh nghiệm quản lý kinh tế và một số ngành công nghệ cao hàng đầu của Nhật Bản như điện tử, viễn thông, giao thông, sinh học, kỹ thuật nông nghiệp… mà còn học lịch sử, văn hoá, xã hội, cách thức quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hoá (Kỷ yếu hội thảo, 2005).

Với số lượng lớn các du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hi vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều hơn nữa các hoạt động giao lưu của các du học sinh tổ chức.

Viện trợ văn hóa của Nhật Bản cho Việt Nam‌

Viện trợ văn hóa của Nhật Bản cho Việt Nam là một trong những chương trình quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ văn hóa giữa hai nước. Được thực hiện lần đầu tiên vào năm 1983, với dự án cung cấp trang thiết bị và đồ dùng dạy tiếng Nhật cho Trường đại học Ngoại Thương Hà Nội, chương trình bị gián đoạn trong khoảng gần một thập kỷ vì những biến động không thuận lợi trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đến đầu những năm 1990, chương trình được tiếp tục thực hiện hàng năm,


với quy mô ngày một lớn. Tính đến 2003, đã có trên 30 dự án viện trợ văn hóa không hoàn lại quy mô lớn, tiêu biểu là các dự án viện trợ Nhạc cụ cho giàn nhạc giao hưởng, thiết bị học tiếng Nhật, thiết bị thể thao, thiết bị làm phim hoạt hình, cung cấp chương trình truyền hình cho Đài truyền hình Việt Nam, thiết bị nhà chiếu hình vũ trụ, thiết bị bảo tồn âm nhạc, múa truyền thống, thiết bị bảo tồn thư tịch cổ…

Cũng nằm trong khuôn khổ các chương trình góp phần nâng cao hoạt động văn hóa, giáo dục tại Việt Nam, bên cạnh các “Dự án viện trợ văn hóa không hoàn lại quy mô lớn”. Còn có các “Dự án Viện trợ văn hóa không hoàn lại quy mô nhỏ” (trị giá dưới 10 triệu yên, tương đương khoảng 90.000 đô la Mỹ) được thực hiện khoảng vài dự án trong một năm, do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trực tiếp tiến hành. Đối tượng của các dự án viện trợ này là chính quyền các địa phương, cơ quan học thuật, nghiên cứu, cơ quan văn hóa, cơ quan giáo dục bậc đại học và sau đại học, các tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong lĩnh vực phổ cập giáo dục bậc đại học và sau đại học… Các viện trợ chủ yếu là cung cấp các thiết bị sử dụng trực tiếp cho hoạt động văn hóa, hoạt động giáo dục đại học và sau đại học như các thiết bị học ngoại ngữ, nhạc cụ, phần mềm chương trình, thiết bị âm thanh, ánh sáng, thiết bị nghe nhìn, thiết bị liên quan đến bảo tồn di tích…

Các dự án xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường tiểu học Việt Nam cũng nằm trong khuôn khổ chương trình này. Có thể kể tên một số dự án viện trợ văn hóa không hoàn lại tiêu biểu như: Năm 1991 – 1992, dự án hỗ trợ tài chính cho tổng cục thể dục thể thao. Năm 1992, viện trợ thiết bị bảo quản tư liệu cho Viện Hán Nôm; Năm 1993, mua sắm thiết bị dạy tiếng Nhật trị giá 45,1 triệu yên cho trường đại học Ngoại Ngữ Hà Nội (nay đổi tên thành đại học Hà Nội); dự án trang thiết bị cho việc làm phim hoạt hình Việt Nam. Trong năm 1994, Nhật Bản có kế hoạch giúp Bộ giáo dục và đào tạo nâng cấp, sửa chữa và xây mới nhiều trường phổ thông cơ sở với kinh phí khoảng 14,46 triệu USD. Năm 1995, Nhật đã viện trợ cho Việt Nam 10,5 tỷ yên, trong đó đã giành một khoản lớn cho các hoạt động văn hóa - giáo dục, giúp nâng cấp, xây mới 610 trường tiểu học ở vùng bị lũ lụt trị giá 2 tỷ yên. Ngoài ra Việt Nam còn tranh thủ các khoản viện trợ không hoàn lại quy mô


nhỏ do đại sứ quán Nhật cấp hàng năm để nâng cấp trường tiểu học Quảng Vọng - Thanh hóa (19.402 USD); xây trường tiểu học Phú Hiệp ở Huế (38.342 USD), tranh thủ được 10.000 USD của công ty Marubenni tài trợ cho quỹ giáo dục Việt Nam và hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam. Năm 1996 cung cấp 500 triệu yên cho Nhạc viện Hà Nội và 450 triệu yên cho Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh trong dự án phát triển lĩnh vực âm nhạc (Hoàng Thị Minh Hoa, 2010). Năm 2003 hỗ trợ cho Bảo tàng dân tộc học Việt Nam trên 64 ngàn USD trong “Dự án ghi âm ghi hình di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc thiểu số Việt Nam”. Năm 2004 đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã kí thỏa thuận tài trợ hơn 84.700 USD cho dự án xây dựng trường tiểu học tại xã Phú Lương , thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây.

Năm 2005, đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam ký quyết định viện trợ cho Đài truyền hình Việt Nam với mức 200 ngàn USD nhằm cung cấp cho Đài truyền hình phần mềm của hàng trăm chương trình phim tài liệu giới thiệu về xã hội hiện đại và khoa học kỹ thuật của Nhật Bản, các chương trình giáo dục khoa học, toán học, khoa học tự nhiên của Nhật Bản.

Năm 2008, ký kết viện trợ 67 ngàn USD cho Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh nhằm trang bị phòng nghe nhìn đa phương tiện phục vụ cho khóa học tiếng Nhật hệ chính quy đầu tiên sẽ được tổ chức trong kỳ tuyển sinh năm 2009.

Một trong những hoạt động tieieu biểu của những hỗ trợ từ phía Nhật Bản là xây dựng các trường tiểu học ở những vùng cao. Trong 5 năm (1994 – 1999), Chính phủ Nhật Bản đã viện trợ 9,5 tỉ yên (tương đương khoảng gần 950 ngàn USD) để xây dựng 195 trường tiểu học ở các tỉnh miền núi và vùng ven biển hay bị thiên tai. Từ năm 2001 trở đi, mỗi năm viện trợ cho hàng chục trường tiểu học Việt Nam nâng cấp và xây mới cơ sở vật chất của trường, mỗi dự án có giá trị trung bình từ 80 ngàn đến 90 ngàn USD.

Trong năm 2007, quỹ Nhật Bản cũng tiếp tục hỗ trợ cung cấp dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật Việt Nam. Trong 10 năm (2007 – 2017), Quỹ giao lưu Nhật Bản đã hỗ trợ hơn 13 triệu USD cho Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, y tế, phục hồi chức năng, dạy nghề cho người nghèo và khuyết tật; cung cấp hơn 30.000


dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật ở vùng núi Trung và Bắc Bộ Việt Nam (Bộ Ngoại giao Việt Nam, 2018).

Cùng với đó việc bảo tồn, trùng tu tài sản văn hóa hữu hình - vô hình tại Việt Nam cũng là một trong những lĩnh vực được phía Nhật Bản quan tâm hợp tác, tài trợ. Cho đến nay, các dự án quan trọng đã được thực hiện là: năm 2003, Nhật Bản đã viện trợ 293 triệu yên (khoảng 2,6 triệu USD) không hoàn lại để xây dựng bảo tàng trưng bày di tích văn hoá Mỹ Sơn. Mỗi năm, chính phủ Nhật Bản cũng xem xét viện trợ nhiều tỷ yên để xây dựng hàng trăm trường tiểu học ở các tỉnh miền núi, các vùng bị thiên tai ở Quảng Bình và Thừa Thiên Huế… (Hoàng Thị Minh Hoa, 2010).

Các hoạt động hợp tác bản tồn văn hoá truyền thống của Việt Nam giữa Việt Nam và Nhật Bản‌

Hỗ trợ bảo tồn các di tích tại Huế‌

Trong lĩnh vực bảo tồn các di sản văn hóa Huế, phía Nhật đã tham gia và đóng góp tích cực không chỉ về mặt kinh phí, mà phía Việt Nam còn nhận được sự đóng góp giúp đỡ tích cực về con người người với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Nhật Bản. Năm 1988, một nhóm chuyên gia văn hóa Nhật trong đó có ông Saichi Ijima, Chủ tịch Quỹ Toyota Foundation đã đến khảo sát việc trùng tu di tích cổ ở Huế. Từ đó đến nay, nhiều tổ chức của Nhật Bản liên tục hỗ trợ kinh phí và cử chuyên gia tham gia hợp tác bảo tồn di tích cố đô. Người Nhật khá quan tâm tới việc bảo tồn các di sản văn hóa Huế, đặc biệt là di sản kiến trúc từ rất sớm. Tiêu biểu trong số những chuyên gia Nhật bản có kiến trúc sư - thợ cả Tanaka Fumio, người được Nhật Bản tôn vinh là “báu vật sống” trong lĩnh vực bảo tồn di tích kiến trúc truyền thống, Giáo sư – Tiến sĩ Shigeeda Yutaka, chuyên gia tu bổ di tích kiến trúc cổ Đông phương của Đại học Nihon (Tokyo) và một người Nhật gốc Việt, ông Bùi Chí Trung, Phó Chủ tịch Hội giao lưu văn hóa thành phố Aichi. Trong chuyến đi ấy, nhóm chuyên gia Nhật Bản đã đến khảo sát rất kỹ lưỡng di tích lăng Minh Mạng với ý định sẽ đầu tư vào việc nghiên cứu tu bổ một công trình trong khu di


tích này. Họ chọn “Hữu Tùng Tự” để làm bài thử nghiệm đầu tiên, đồng thời, tiến hành khảo sát lập hồ sơ cho dự án tu bổ Bi Đình lăng Minh Mạng. Tổng kinh phí cho cả hai dự án này là 60.000 USD, được Toyota Foundation tài trợ trong năm tài khóa 1996. Trước đó, Nhật Bản đã giúp đỡ về mặt kinh phí cho các dự án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Huế.

Năm 1991, Chính phủ Nhật Bản, thông qua quỹ ủy thác UNESCO đã tài trợ

100.000 USD để trùng tu công trình Ngọ Môn, cổng chính của Hoàng Thành Huế góp công sức vào việc trùng tu di tích tại cố đô Huế.

Năm 1994, Toyota Foundation đã tài trợ để lắp đặt thiết bị bảo quản cho kho cổ vật trị giá 40.000 USD. Trong các năm sau, nhiều chương trình hợp tác và đầu tư của Nhật Bản tiếp tục được xúc tiến tại Huế. Đại học Showa đã hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật để Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện đo vẽ, khảo sát và lưu trữ dữ liệu của hơn 800 ngôi nhà truyền thống ở Huế và phụ cận. Trong các năm từ 1993 đến 2013, Trung tâm nghiên cứu kiến trúc của đại học Waseda đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nghiên cứu lập dự án phục hồi điện Cần Chánh (trong Hoàng thành Huế) và ký kết một chương trình hợp tác nghiên cứu và bảo tồn di tích Huế (giai đoạn 2003 - 2007), trong đó phía Nhật Bản đóng góp bằng hình thức viện trợ các thiết bị máy móc và phương tiện cơ giới trị giá 1.100.000 USD và cử chuyên gia sang phối hợp thực hiện chương trình.

Trong lĩnh vực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh di sản văn hóa Huế ra thế giới bên ngoài, Nhật Bản là một trong những nước tiên phong. Từ năm 1990, trung tâm nghiên cứu văn hóa UNESCO tại Nhật Bản (ACCU) đã đến Huế thực hiện cuốn phim tư liệu dài gần một giờ để giới thiệu dí tích Huế với thế giới. Những năm sau, Đài NHK và một số hãng truyền hình Nhật Bản khác đã liên tục đến Huế để làm các cuốn phim về di sản văn hóa Huế (cả di sản vật thể lẫn di sản phi vật thể) để giới thiệu với công chúng Nhật Bản và thế giới. Hiện đoàn nghệ thuật của Huế cũng được mời sang Nhật biểu diễn... Bảo tồn di sản văn hóa Huế theo quan điểm Nhật Bản Trong lĩnh vực bảo tồn di tích, các chuyên gia Nhật Bản đã mang đến Huế những quan điểm mới mẻ. Các nhà trùng tu di tích ở Huế đã tiếp thu, vận dụng một số quan điểm này vào việc trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa Huế.


Đến năm 2009, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế đã lập thêm hồ sơ khoa học cho 19 di tích thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế, chuẩn bị cho các dự án trùng tu vào năm 2010. Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế đã phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai thực hiện các chương trình phối hợp nghiên cứu và bảo tồn di tích. Đáng chú ý, trung tâm đã phối hợp với Viện Di sản Thế giới UNESCO Heritage, Đại học Waseda, Đại học Nữ Chiêu Hòa, Đại học Kyoto (Nhật Bản) nghiên cứu bảo tồn di tích Huế và dự án phục nguyên điện Cần Chánh, một công trình kiến trúc tiêu biểu của triều Nguyễn nằm trong khu vực Hoàng thành Huế. (Thông tấn xã Việt Nam, 2010).

Hỗ trợ bảo tồn Nhã nhạc Việt Nam‌

Năm 1994, UNESCO và Việt Nam đã tổ chức tại Thành phố Huế một cuộc tọa đàm quốc tế về bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể vùng Huế. Tham dự cuộc tọa đàm này có bà Noriko Aikawa, giám đốc Vụ văn hóa phi vật thể của UNESCO, và hai Giáo sư âm nhạc học Tokumaru Yoshihiko và Yamakuti Osamu. Trong khi hội thảo có trình diễn nhã nhạc cung đình Huế. Sau khi xem các nghệ nhân lúc đó đã trên 70 tuổi mà còn giữ được truyền thống nhạc cung đình, các nhà văn hóa Nhật Bản đã ưu ái đưa ra một kế hoạch phục hồi âm nhạc cung đình Việt Nam. Ngay sau đó họ lại biến kế hoạch này thành một dự án phục hồi Nhã nhạc với sự tham dự của đại diện bốn nước có truyền thống nhạc cung đình: Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Phía Nhật Bản chịu trách nhiệm tài trợ cho dự án: Cơ quan văn hóa Arion Edo mời đoàn nghệ thuật ca múa nhạc cung đình sang biểu diễn tại Nhật Bản, đài truyền hình NHK thu âm, ghi hình và phát lại chương trình biểu diễn trên sóng cho toàn dân Nhật xem; quỹ Toyota Foundation tài trợ cho đoàn nghiên cứu nhạc học và chuyên viên kĩ thuật Nhật Bản đến Huế thu âm ghi hình Nhã nhạc cung đình làm thành một hồ sơ nghe nhìn đồ sộ tàng trữ tại hai Đại học Tokyo và Osaka; quỹ Japan Foundation tài trợ cho lớp đại học Nhã nhạc cung

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 10/06/2023