Chương 2
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ HỘI THẨM NHÂN DÂN TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
2.1. Khái niệm, đặc điểm, địa vị pháp lý của hội thẩm nhân dân trong tố tụng hình sự
2.1.1. Khái niệm hội thẩm nhân dân trong tố tụng hình sự
Khái niệm về hội thẩm nhân dân
Trong lịch sử tư pháp Việt Nam từ năm 1945 đến nay, thuật ngữ chính thức được dùng để chỉ người (những người) đại diện nhân dân tham gia xét xử tại tòa án hoặc tham gia tố tụng là “phụ thẩm”, “hội thẩm”1. Thực chất, “phụ thẩm”, “hội thẩm” là các cụm từ ghép có gốc Hán tự (Trung Quốc). Ngay trong cuốn Từ điển Hán – Việt của Đào Duy Anh – một trong những cuốn từ điển đồ sộ, được tái bản nhiều lần - cũng không đưa ra định nghĩa “hội thẩm” cụ thể là gì, mà giải thích nghĩa riêng rẽ của hai từ này. Theo đó, “hội” có nghĩa là việc gặp gỡ, họp nhau của người có ý tứ, sự tình hợp nhau để làm việc; “thẩm” được hiểu là “biết rò tình hình - khảo xét kỹ càng - xử đoán”. Căn cứ vào nghĩa hai từ đó, có thể hiểu “hội thẩm” là người thấu suốt tình lý tham gia vào việc xử án. Trong khi đó, Từ điển pháp lý (Dictionnaire juridique) của Pháp định nghĩa, trong ngôn ngữ pháp lý tố tụng, thuật ngữ “hội thẩm” được sử dụng để chỉ những người có thẩm quyền, thành lập và hoạt động theo thể thức tập thể, hỗ trợ thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Thuật ngữ này còn được dùng để chỉ tất cả những ai tham gia vào việc đưa ra các quyết định (phán quyết), bao gồm cả những thành viên không chuyên nghề xét xử trong một số thiết chế tư pháp như tòa án thương mại, tòa án về những vụ việc liên quan đến an sinh xã hội hay tòa án về những vấn đề nông thôn. Từ điển Larousse giải thích nguồn gốc từ “hội thẩm” (Assesseur) trong tiếng Pháp bắt nguồn từ thuật ngữ “Assessor” của tiếng Latinh, có nghĩa là “giúp đỡ hoặc đưa ra lời khuyên”. Các tác giả Từ điển
1 “Phụ thẩm”, “hội thẩm” còn có những cách gọi cụ thể khác như: “phụ thẩm nhân dân”, “hội thẩm nhân dân”, “hội thẩm tòa án nhân dân”, “hội thẩm nhân dân tòa án nhân dân”, “hội thẩm quân nhân” (trong tòa án quân sự). Trong phạm vi nội dung đề tài nghiên cứu này chủ yếu đề cập đến “hội thẩm” (HTND hay hội thẩm TAND) trong TTHS (không bao gồm hội thẩm quân nhân). “Phụ thẩm” tồn tại từ năm 1945 đến năm 1950, kể từ khi có Sắc lệnh số 85-SL ngày 22/5/1950 thì “phụ thẩm” được gọi là “hội thẩm” với một số nhận thức và quy định cụ thể [89].
Larousse cho rằng từ “hội thẩm” trong tiếng Pháp có 4 nghĩa: 1) Là thẩm phán giúp đỡ, hỗ trợ chủ tọa phiên tòa và nghị án cùng với ông ta; 2) Là danh từ dùng để chỉ thành viên của một số thiết chế tư pháp đặc biệt hoặc thành viên của các văn phòng bầu cử quốc gia; 3) Dưới thời đế chế La mã thống trị, hội thẩm là những luật gia cố vấn có nhiệm vụ hỗ trợ về mặt pháp lý cho các thẩm phán ra phán quyết; 4) Trong chế độ cũ (trước cách mạng 1789 ở Pháp), hội thẩm là những người giúp đỡ cho người đứng đầu các tổ chức tư pháp hoặc là những nhân viên tư pháp tham dự hoạt động xét xử với các thẩm phán trong các phiên tòa hình sự. Theo Từ điển phổ thông wikipedia.org trên Internet thì “hội thẩm” là người ngồi bên cạnh một người khác để giúp đỡ người này thực hiện chức năng, nhiệm vụ của họ và bổ sung, hỗ trợ họ khi thấy cần thiết [17, tr.8-10].
Có thể bạn quan tâm!
- Hội thẩm nhân dân trong tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay - 2
- Nhóm Công Trình Nghiên Cứu Về Thực Trạng, Yêu Cầu Và Các Giải Pháp Tăng Cường Vai Trò Của Hội Thẩm Nhân Dân Trong Tố Tụng Hình Sự
- Nhóm Công Trình Nghiên Cứu Về Lý Luận, Lịch Sử Hình Thành, Phát Triển Của Cơ Chế Đại Diện Nhân Dân Trong Tố Tụng Hình Sự
- Vai Trò Và Các Mối Quan Hệ Của Hội Thẩm Nhân Dân Trong Tố Tụng Hình Sự
- Thể Chế Hóa Bằng Pháp Luật Các Vấn Đề Về Hội Thẩm Nhân Dân Trong Tố Tụng Hình Sự
- Các Yếu Tố Tác Động Đến Việc Thực Hiện Chức Năng, Nhiệm Vụ Của Hội Thẩm Nhân Dân Trong Tố Tụng Hình Sự
Xem toàn bộ 201 trang tài liệu này.
Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) thì “hội thẩm nhân dân” được định nghĩa là “Người do HĐND bầu ra trong một thời gian nhất định cùng với thẩm phán làm nhiệm vụ xét xử các vụ án xảy ra ở địa phương” [62, tr.593]. Trong khi đó, Từ điển Luật học ghi “HTND, một chế định quan trọng thể hiện tính chất dân chủ trong hoạt động xét xử của các tòa án Việt Nam. Chế định này được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 và tiếp tục được khẳng định trong các Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và được cụ thể hóa trong BLTTHS và trong Pháp lệnh ngày 14/5/1993 về thẩm phán và HTND. Hội thẩm tham gia vào hoạt động xét xử của tòa án là biểu hiện của việc nhân dân thực hiện quyền lực của mình, tham gia trực tiếp vào vào quản lý công việc của nhà nước và của xã hội….” [60, tr.229-230].
Vấn đề đại diện nhân dân tham gia xét xử đã xuất hiện từ lâu trên thế giới và tùy theo quan điểm, điều kiện, cách thức tổ chức của hệ thống tư pháp, xét xử mà nó có tên gọi, vai trò, cách thức thể hiện khác nhau. Phán quyết do tòa án, cơ quan có chức năng chính đối với việc phân định đúng sai, bảo vệ sự thật, lẽ phải về những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm trong xã hội, với sự tham dự của người dân không những đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật mà còn được thực hiện dựa trên cơ sở các quy phạm đạo đức, những giá trị xã hội nói chung. Việc đại diện nhân dân tham gia vào quá trình xét xử còn là biểu hiện của bản chất dân chủ của chế độ, của nền tư pháp.
Ở Việt Nam, vai trò đại diện nhân dân tham gia xét xử được quy định và thực hiện xuyên suốt trong lịch sử tố tụng ở Việt Nam kể từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay. Dù ở mỗi thời điểm, nó có tên gọi khác nhau, như “phụ thẩm” hay “hội thẩm” và có những quy định liên quan đến đến việc lựa chọn, sự tham gia với những điều chỉnh, thay đổi nhất định, nhưng vẫn luôn được duy trì, thể hiện bản chất của chế độ. Đó là tư tưởng “lấy dân làm gốc”, mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Đại diện nhân dân tham gia xét xử đã và đang một mặt giúp cho các quyết định của tòa án được khách quan, toàn diện, có tính thuyết phục cao, mặt khác còn là một trong những cách thức để nhân dân tham gia quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước, hệ thống tư pháp ở nước ta.
Hội thẩm, do gắn bó trực tiếp với quần chúng nhân dân, không phải là một chuyên gia pháp luật, không chịu sự quản lý giống như thẩm phán, họ thấu hiểu đời sống, tâm tư nguyện vọng của người dân nên khi tham gia xét xử sẽ giúp cho việc phân tích đánh giá các sự việc, hiện tượng, hành vi thực tế, đầy đủ hơn, đồng thời là cầu nối phản ánh của thực tế cuộc sống với tòa án. Từ đó, những chủ trương chính sách nói chung và phán quyết của tòa án nói riêng trở nên thuyết phục, tạo niềm tin cho quần chúng, tăng hiệu quả đối với quá trình giáo dục, thuyết phục trong cộng đồng.
Thực tiễn hơn 75 năm qua ở Việt Nam, “hội thẩm” (bao gồm HTND và hội thẩm quân nhân) là những người được bầu hoặc cử ra để tham gia xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền của tòa án. Cụ thể, đó là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực; có kiến thức pháp luật, hiểu biết xã hội và có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ của hội thẩm.
Từ những phân tích khái quát trên đây có thể định nghĩa về hội thẩm như sau: Hội thẩm là những người đại diện của nhân dân được bầu hoặc cử ra để cùng thẩm phán trực tiếp tham gia xét xử và tiến hành tố tụng những vụ án thuộc thẩm quyền của tòa án theo quy định của pháp luật.
Trên thực tế, HTND (hay hội thẩm TAND) là công dân Việt Nam, do chánh án TAND địa phương (cấp huyện hoặc cấp tỉnh) đề nghị, y ban MTTQ Việt Nam lựa chọn, giới thiệu và do HĐND cùng cấp bầu ra theo nhiệm kỳ để làm nhiệm vụ
xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của tòa án theo quy định [66], [67], [72], [75], [125]. Điều này khác với hội thẩm quân nhân được cử ra để tham gia xét xử trong các phiên tòa quân sự theo quy định của pháp luật [125]. HTND tham gia tố tụng hay xét xử đối với các loại án khác nhau tại TAND địa phương, mà không phân biệt cụ thể là hình sự, hành chính, dân sự.
Khái niệm về tố tụng hình sự và hội thẩm nhân dân trong tố tụng hình sự
Để thấy rò hơn phần nào vị trí, vai trò của HTND trong TTHS cần xác định TTHS là gì. Thực chất, “tố tụng hình sự” là cụm từ ghép gồm “tố tụng” và “hình sự” có nguồn gốc Hán tự. Trải qua lịch sử, cụm từ này ngày nay đã được Việt hóa và trở thành một thuật ngữ pháp lý quen thuộc. Ở đó, “hình sự” là “việc trừng trị những tội xâm phạm đến nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội” [62, tr.570]. “Tố tụng” (tiếng Anh là Procedural) được hiểu là thủ tục, quá trình gồm các hoạt động khác nhau nhằm giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, sai phạm theo quy định của pháp luật. Theo quan niệm pháp lý, “tố tụng” chính là một bộ phận trong pháp luật bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến trình tự, thủ tục tranh tụng như: các quy phạm pháp luật TTHS, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính,….
Theo Từ điển Luật học, TTHS là “trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự được quy định trong BLTTHS theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng và của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và công dân, nhằm phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Luật TTHS chia hoạt động tố tụng hình sự thành các giai đoạn: khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự. Mỗi giai đoạn do cơ quan và người tiến hành tố tụng khác nhau thực hiện” [60, tr.521].
Trên cơ sở các tài liệu về khái niệm từ ngữ, thực tiễn quy định và áp dụng thực hiện, có thể thống nhất về TTHS cơ bản như sau: TTHS là trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật.
Trong toàn bộ quá trình TTHS, xét xử không chỉ có chức năng quan trọng nhất của tòa án mà còn là giai đoạn quan trọng nhất, nhằm áp dụng các biện pháp cần thiết do luật định để kiểm tra lại tính hợp pháp và có căn cứ của toàn bộ các
quyết định mà cơ quan điều tra và viện kiểm sát đã thông qua trước khi chuyển vụ án hình sự sang tòa án, nhằm loại trừ các những hậu quả tiêu cực do sơ xuất, sai lầm hoặc bị lạm dụng đã bị bỏ lọt trong các giai đoạn TTHS trước đó, chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử. Bằng việc xét xử sơ thẩm, thông qua quá trình nghiên cứu hồ sơ, điều tra trực tiếp tại phiên tòa, trên cơ sở kết quả tranh tụng công khai và dân chủ của các bên, HĐXX, trong đó HTND là thành viên, với tính chất là cơ quan trọng tài kiểm tra lại và đánh giá một cách toàn diện, khách quan và đầy đủ các chứng cứ, các tình tiết của vụ án hình sự để giải quyết về bản chất của nó – phán xét về vấn đề tính chất tội phạm (hay không) của hành vi, có tội (hay không) của bị cáo hoặc bằng việc kiểm tra tính hợp pháp, nhằm đạt mục đích trong toàn bộ các giai đoạn TTHS là tuyên một bản án hoặc quyết định có căn cứ, công minh, đúng pháp luật và đảm bảo sức thuyết phục, tránh bỏ lọt tội phạm và kết án oan người vô tội.
Trong khi đó, như đã nêu, ở Việt Nam, HTND là người (hay những người) đại diện của nhân dân tham gia xét xử và tố tụng đối với các vụ án thuộc lĩnh vực hình sự, hành chính, dân sự. Trong TTHS, hoạt động xét xử thuộc hệ thống TAND của nước CHXNCN Việt Nam gồm các tòa án quân sự (tòa án quân sự trung ương; các tòa án quân sự quân khu và tương đương; tòa án quân sự khu vực) và TAND các cấp. Thực tiễn quy định và hoạt động cho thấy, thẩm quyền xét xử của tòa án quân sự bao gồm các vụ án hình sự mà: 1) bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong quân đội nhân dân; 2) xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật (Điều 272 BLTTHS 2015). Ngoài những trường hợp này, còn lại toàn bộ các vụ án hình sự khác đều thuộc thẩm quyền xét xử của TAND. Đồng thời, để phù hợp với tính chất, đặc trưng riêng, hội thẩm ở Việt Nam có hội thẩm quân nhân tham gia xét xử tại các phiên toà quân sự và HTND tham gia xét xử tại các phiên tòa của TAND. Do phạm vi nghiên cứu của đề tài là HTND trong TTHS nên luận án sẽ không đi sâu phân tích những vấn đề về hội thẩm quân nhân và HTND trong tố tụng dân sự, HTND trong tố tụng hành chính.
Cùng với đó, thực tiễn cũng cho thấy ở các thời điểm khác nhau HTND trong TTHS ở nước ta pháp luật cũng có những điều chỉnh nhất định về nhiệm vụ, quyền hạn. Ví như, nếu trước đây hội thẩm tham gia xét xử ở phiên tòa cấp sơ thẩm và có thể ở cấp phúc thẩm thì hiện tại pháp luật quy định “việc xét xử sơ thẩm của tòa án có hội thẩm tham gia” [72], [73], [67]. Đồng thời, theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 thì hội thẩm không chỉ tham gia xét xử mà còn tham gia tố tụng [72]. Điều này có nghĩa HTND hiện nay tham gia xét xử vụ án hình sự ở cấp sơ thẩm là bắt buộc trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn và còn tham gia vào một số hoạt động tố tụng khác. Hơn nữa, do TTHS luôn phức tạp, mang những đặc điểm riêng, đòi hỏi HTND trong TTHS cùng với các tiêu chí, điều kiện chung của HTND còn phải có những điều kiện, kinh nghiệm và bản lĩnh nhất định khi được phân công tham gia xét xử và tiến hành tố tụng vụ án hình sự.
Từ đó, có thể khái niệm về HTND trong TTHS ở Việt Nam hiện nay như sau: HTND trong TTHS là người đại diện cho nhân dân được bầu ra theo nhiệm kỳ để tham gia xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự theo quy định của pháp luật, nhằm phát huy quyền dân chủ, bảo vệ công lý, công bằng, góp phần đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trong xã hội.
2.1.2. Đặc điểm của hội thẩm nhân dân trong tố tụng hình sự
HTND tham gia xét xử ở Việt Nam là một chức danh tư pháp, đại diện cho nhân dân trong hoạt động tố tụng. HTND được HĐND địa phương bầu ra theo nhiệm kỳ để tham gia xét xử sơ thẩm và tiến hành tố tụng các vụ án theo quy định của pháp luật. HTND cùng với thẩm phán trực tiếp xét xử, đưa ra các phán quyết của tòa án, nhưng không phải đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện chuyên môn và là công chức tư pháp chịu sự quản lý, làm việc thường xuyên ở tòa án như thẩm phán. HTND được pháp luật quy định về các quyền, nghĩa vụ và được hưởng các chế độ khi làm nhiệm vụ hội thẩm. Bên cạnh đó, HTND còn là người thường xuyên gắn bó với cộng đồng dân cư, nơi mình công tác, làm việc, tham gia giám sát hoạt động tư pháp, góp phần tuyên truyền pháp luật và là nhịp cầu nối giữa tòa án và người dân.
HTND trong TTHS ở Việt Nam bên cạnh những điểm chung của HTND còn có những đặc điểm riêng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, HTND đại diện cho nhân dân, với tư cách người tiến hành tố tụng, cùng với thẩm phán, trên danh nghĩa thay mặt Nhà nước xét xử đối với người được cho là phạm tội theo quy định của pháp luật hình sự. Quá trình xét xử và quyết định của HĐXX, trong đó HTND là thành viên, liên quan trực tiếp đến những quyền cơ bản của con người. Phán quyết của tòa án trong vụ án hình sự được xem là biện pháp chế tài nghiêm khắc nhất, có tác động trực tiếp, ảnh hưởng về nhiều mặt đối với người bị phán xét và cộng đồng xã hội, do đó đòi hỏi HTND trong TTHS phải có kiến thức pháp luật, sự công tâm, khách quan và tập trung cao độ trong suốt quá trình tham gia vụ án.
Thứ hai, theo các nguyên tắc bình đẳng, độc lập xét xử, quyết định theo đa số và chiếm tỷ lệ cao hơn so với thẩm phán trong HĐXX như quy định hiện nay, quan điểm và quyết định của HTND trong TTHS khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự giữ vai trò hết sức quan trọng đối với phán quyết của tòa án, nhưng HTND trong TTHS lại không đòi hỏi trình độ pháp lý, sự quản lý kèm các chế tài, điều kiện như thẩm phán. Do vậy, để bản án hoặc quyết định của tòa án thực sự khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, HTND trong TTHS cùng với kiến thức về pháp luật còn cần phải dành nhiều thời gian tìm hiểu về vụ án, có tâm huyết, bản lĩnh và trách nhiệm khi tham gia xét xử.
Thứ ba, do hội thẩm chủ yếu làm việc kiêm nhiệm hoặc là người đã nghỉ hưu, hoạt động theo nhiệm kỳ, trong khi án hình sự có thể thuộc nhiều lĩnh vực (liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người; danh dự, nhân phẩm; an ninh quốc gia; chức vụ;…), bị cáo thuộc các đối tượng khác nhau (vị thành niên, phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người nước ngoài,…), do đó để hội thẩm tham gia xét xử vụ án hình sự thực sự hiệu quả, việc đánh giá, quyết định của HĐXX khách quan, đúng đắn đòi hỏi HTND trong TTHS phải có sự hiểu biết đối với tâm lý, hoàn cảnh, điều kiện của bị cáo cũng như các kiến thức chuyên môn.
Thứ tư, phán quyết của tòa án trong vụ án hình sự không chỉ là quyết định đối với bị cáo có tội (hay không có tội), về tội danh, hình phạt đối với bị cáo (hoặc các bị cáo), mà còn quyết định các vấn đề liên quan về dân sự, các biện pháp khác kèm theo trong vụ án. Do đó, đòi hỏi HTND trong TTHS phải mất nhiều thời gian
để nghiên cứu về vụ án, tìm hiểu nhiều quy định của pháp luật cùng với các điều kiện, quan hệ thực tế để có ý kiến, quan điểm, quyết định phù hợp, chính xác.
Thứ năm, so với HTND tham gia xét xử các loại án khác (dân sự, hành chính), HTND trong TTHS luôn chịu sự tác động, áp lực từ nhiều phía và có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý nặng nề hơn nếu để xẩy ra các sai phạm.
Chưa kể, do trực tiếp là “quan tòa”, trong vụ án hình sự, bên cạnh đại diện viện kiểm sát, còn có các luật sư, người đại diện, người bảo vệ quyền lợi cho bị cáo và các đương sự đều hiểu biết pháp luật, tham gia bảo vệ quan điểm riêng, do vậy HTND trong TTHS còn phải tập trung theo dòi diễn biến, sàng lọc thông tin để có nhận định đúng đắn, quyết định độc lập, khách quan. HTND cũng sẽ cùng với thẩm phán đưa ra quyết định cuối cùng đối với vụ án, đối tượng xét xử thuộc nhiều đối tượng với mức độ phạm tội khác nhau, trong khi HTND lại sinh sống, làm việc cùng trên địa bàn với bị cáo hoặc nơi diễn ra vụ án nên HTND trong TTHS và người thân của họ có thể còn trở thành mục tiêu đe dọa, hãm hại, trả thù từ nhiều phía, kể cả sau khi vụ án đã được xét xử.
2.1.3. Địa vị pháp lý của hội thẩm nhân dân trong tố tụng hình sự
Theo Từ điển Giải thích thuật ngữ pháp lý thông dụng thì địa vị pháp lý nói chung được xem là “Tổng thể các điều kiện pháp lý mà pháp luật đòi hỏi để xác định cho một chủ thể có khả năng tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập”. Trong cuốn Từ điển Luật học của Viện khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) khái niệm: Địa vị pháp lý của chủ thể pháp luật là vị trí của chủ thể pháp luật trong mối quan hệ với những chủ thể pháp luật khác trên cơ sở quy định của pháp luật. Nó bao gồm tổng thể các quyền và nghĩa vụ pháp lý của chủ thể đó, qua đó xác lập cũng như giới hạn khả năng của chủ thể đó trong các hoạt động của mình. Thông qua đó, người ta còn có thể phân biệt được chủ thể pháp luật này với chủ thể pháp luật khác, đồng thời cũng thấy được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của chủ thể đó trong các mối quan hệ pháp luật [26, tr.22].
Trên thế giới, đại diện nhân dân tham gia xét xử đã hình thành từ lâu, được coi là đặc thù của tư pháp, góp phần bảo vệ những giá trị mang ý nghĩa lịch sử, cốt lòi của xã hội, đó là xác định sự thật, khách quan, vì công lý, quyền con người. Độc lập xét xử và đại diện nhân dân tham gia xét xử vụ án hình sự theo đó đã trở thành