Nhóm Công Trình Nghiên Cứu Về Lý Luận, Lịch Sử Hình Thành, Phát Triển Của Cơ Chế Đại Diện Nhân Dân Trong Tố Tụng Hình Sự

cấu pháp lý hiện tại cho nghĩa vụ của họ và sự biện minh của nó) của các tác giả QIU Qunran, YAN Chen đăng trên Tạp chí Luật Thanh Hoa Trung Quốc, số 12/2019, giới thiệu về sự hình thành, phát triển và tổ chức hoạt động của chế định HTND ở Trung Quốc.

Các công trình, tài liệu này cho thấy, đảm bảo độc lập xét xử là vấn đề vô cùng quan trọng để tạo nên sự công bằng, dân chủ trong xã hội. Vai trò đại diện nhân dân tham gia xét xử được áp dụng trong TTHS ở hầu hết các nước và cơ chế này ngày càng được quan tâm nghiên cứu. Dù mang tên gọi khác nhau, như “bồi thẩm”, “hội thẩm” hay “thẩm phán không chuyên” với các mô hình tố tụng khác nhau, nhưng đều mang tính đại diện cho quần chúng nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử án hình sự. Sự tham gia của họ là yếu tố quan trọng góp phần để phán quyết của tòa án được minh bạch, bảo đảm công bằng, công lý và bảo vệ quyền con người. “Bồi thẩm”, “hội thẩm”, “thẩm phán không chuyên” là những công dân bình thường, không đòi hỏi cao về trình độ văn hóa, kiến thức pháp luật và việc tham gia cùng với các thẩm phán chuyên nghiệp xét xử đối với các vụ án hình sự nghiêm trọng được xem là quyền và nghĩa vụ công dân. Tùy theo mỗi mô hình tố tụng khác nhau mà vai trò xét xử của họ được thể hiện khác nhau, nhưng về cơ bản đó không phải là những người xét xử chuyên nghiệp, quyết định của họ mang tính tập thể và họ được bảo vệ, bảo đảm các quyền lợi khi làm nhiệm vụ.

Xét xử có sự tham gia của người dân không những góp phần làm cho các vụ án, nhất là các vụ án hình sự nghiêm trọng được giải quyết “thấu tình đạt lý”, mà còn đảm bảo tính công bằng, nhân văn. Mặc dù còn có những quan điểm, cách tổ chức thực hiện khác nhau, nhưng cơ bản các nhà nghiên cứu cùng có nhận định thống nhất về việc xác định vai trò độc lập của tòa án và vai trò của người dân tham gia xét xử là xu hướng chung của các nền tư pháp trên thế giới.

1.2.2. Nhóm công trình nghiên cứu về lý luận, lịch sử hình thành, phát triển của cơ chế đại diện nhân dân trong tố tụng hình sự

Trong số các công trình nghiên cứu ở nước ngoài, vấn đề công dân tham gia vào hoạt động xét xử đến nay vẫn được bàn đến khá nhiều, nhưng tùy theo quan điểm và hoàn cảnh lịch sử của mỗi nước mà có cách nhìn nhận, quy định và áp dụng thực hiện khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng, trong xã

hội dân chủ thì sự độc lập của tư pháp là vô cùng quan trọng và việc tham gia của người dân vào hoạt động xét xử đã xuất hiện từ lâu trên thế giới.

Cuốn sách “Bàn về tinh thần pháp luật” của Montesquieu (Hoàng Thanh Đạm dịch), do Nxb Thời đại phát hành năm 2019, không chỉ là tác phẩm kinh điển về triết học, luật học thể hiện quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền, mà còn khẳng định tính độc lập xét xử được xem như một trong những nguyên tắc của xã hội dân chủ, tự do.

Trong cuốn sách “Chế độ dân chủ: Nhà nước và xã hội” của N.M.Voskresenskaia, N.B Davletshina (Phạm Nguyên Trường dịch) được Nxb Tri thức ấn hành năm 2008, các tác giả nhận định, một trong các quyền tự do quan trọng nhất của công dân trong chế độ dân chủ được thể hiện ở một tòa án công bằng. N.M.Voskresenskaia, N.B Davletshina khẳng định, từ xa xưa, người Hy Lạp cổ đại đã dùng rất nhiều hội thẩm, số lượng này phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của phiên tòa nhưng bao giờ cũng là số lẻ.

Cuốn sách “Sự chuyển dịch cả hệ thống pháp luật tư (tái bản lần thứ 3)” của tác giả John H. Merryman, do Nxb Stanford U in năm 2007, đã nêu ra một trong những quan điểm được nhiều chuyên gia pháp luật thừa nhận là tính cưỡng chế pháp lý cao hơn của các phán quyết của tòa.

Vai trò đại diện nhân dân trong hoạt động tư pháp, xét xử cũng đã được thể hiện từ rất sớm và cụ thể trong quan điểm của các lãnh tụ, nhà nghiên cứu cộng sản. Trong đó, có thể kể đến các công trình: V.I Lênin toàn tập (tập 36) do Nxb Tiến bộ Matxcơva xuất bản năm 1997; cuốn sách “Quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền” của L. B. Aleksandriya được Nxb Tiến bộ Matxcơva xuất bản năm 1991; cuốn sách “Những đặc trưng mang tính bản chất của quyền tư pháp” của L.A. Vosposposiya do Nxb Stavropol phát hành năm 2003; Luận án phó tiến sĩ có đề tài “Các vấn đề pháp lý của quyền tư pháp và thực hiện quyền tư pháp ở Kư-rgư-xtan” của T.I. Zheneva năm 2006.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 201 trang tài liệu này.

Các công trình đều chỉ ra những điểm chung, đó là vai trò của người dân trong tố tụng nói chung và trong TTHS nói riêng đã được hình thành và phát triển từ lâu trên thế giới. Đại diện nhân dân tham gia xét xử các vụ án hình sự là biểu hiện của tinh thần dân chủ, sự thận trọng, nghiêm ngắn trong quy trình tố tụng và phán

quyết của tòa án. Quan điểm và quy định của cơ chế đại diện nhân dân trong TTHS luôn được quan tâm, nghiên cứu, để rồi từ các quan điểm, nhận thức khác nhau, nó trở thành những nguyên tắc chung được các quốc gia ủng hộ, thừa nhận trong quá trình xây dựng pháp luật và áp dụng thực hiện.

Hội thẩm nhân dân trong tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay - 4

1.2.3. Nhóm công trình nghiên cứu về thực trạng, yêu cầu và các giải pháp tăng cường vai trò đại diện của người dân trong tố tụng hình sự

Nghiên cứu liên quan đến tính độc lập trong xét xử của tòa án có “IBA’ Code of Minimum Standard of Judicial Independence” (Bộ tiêu chuẩn tối thiểu về độc lập xét xử) được IBA thông qua vào tháng 10/1982; “Tuyên bố toàn cầu về độc lập xét xử tại Montreal (Canada)” do Hội nghị thế giới lần thứ nhất về độc lập xét xử đã thông qua vào tháng 6/1983; “The U.N. Basic Principles on Judicial Independence” (Các nguyên tắc cơ bản của Liên hợp quốc về độc lập xét xử), được thông qua vào tháng 9/1985. Đây là các kết quả nghiên cứu lâu dài, trở thành những tài liệu hàm chứa các nguyên tắc, tiêu chuẩn cơ bản để xác định về tính độc lập xét xử, được hầu hết các nước trên thế giới thừa nhận, lấy làm căn cứ đánh giá và thực hiện.

Về thực trạng hoạt động xét xử ở Việt Nam, có “Asia Development Bank trong Law and Policy Reform at the Asia Development Bank” (Cải cách chính sách và pháp luật ở khu vực ngân hàng phát triển châu Á) do Ngân hàng Phát triển châu Á phát hành vào tháng 3 năm 2004 [134], đưa ra 6 khuyến nghị nhằm bảo đảm xét xử độc lập ở Việt Nam. Đặc biệt, để bảo đảm nguyên tắc thẩm phán và hội thẩm độc lập, chỉ tuân theo pháp luật trong xét xử đã khuyến nghị xây dựng khuôn khổ cho các bản án, quyết định của tòa án; hoàn thiện pháp luật tố tụng và thiết kế cấu trúc quản lý và quản trị phù hợp của tòa án. Năm 2012, D. Linzer, Jeffrey K. Staton đã tiến hành một khảo sát kỹ thuật đối với 191 quốc gia trên thế giới, trong đó xếp Việt Nam đứng thứ 146/191 các nước có tiến hành khảo sát liên quan đến việc bảo đảm xét xử độc lập, thông qua việc xem xét đánh giá quy định của pháp luật [143]. Thực trạng và giải pháp nâng cao vai trò của nhân dân trong xét xử cũng được thể hiện trong Dự án 00058492 (Tăng cường tiếp cận công lý và báo vệ quyền tại Việt Nam - Báo cáo khảo sát thực trạng quản lý hành chính tòa án nhân dân tại Việt Nam), hoạt động do Chương trình phát triển Liên hợp quốc thực hiện năm 2012 với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam. Dự án này đã chỉ ra thực trạng tổ chức, hoạt động của ngành tòa án ở Việt Nam dưới nhiều góc độ sát thực, đồng thời nêu ra các

giải pháp khuyến nghị nhằm tăng cường hiệu quả đối với công tác quản lý, điều hành và hoạt động của tòa án, hoạt động xét xử.

Qua các nghiên cứu cho thấy, ở mỗi quốc gia, vai trò của người dân trong hoạt động TTHS thông qua việc tổ chức, hoạt động của tòa án vẫn có những điểm khác nhau. Điều đó thể hiện ở việc lựa chọn, số lượng, cách thức tổ chức đến vai trò của bồi thẩm trong xét xử, nhưng nhìn chung ở các vụ án hình sự, nhất là những vụ án hình sự nghiêm trọng đều có đại diện nhân dân tham dự. Không những vậy, ở các nước phát triển, bồi thẩm hay hội thẩm luôn chiếm số lượng lớn và xu hướng mở rộng sự tham gia của người dân vào hoạt động xét xử tiếp tục được các nước thử nghiệm, áp dụng. Tại Việt Nam, “ADB trong Law and Policy Reform at the Asian Development Bank” Dự án 00058492 là các tài liệu có giá trị thiết thực, khách quan để tác giả có thêm những thông tin hữu ích để củng cố cho việc phân tích, đánh giá và đưa ra các đề xuất, kiến nghị trong luận án.

1.3. Đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu và những vấn đề đặt ra nghiên cứu trong luận án

Kết quả tổng quan tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy đến nay đã có khá nhiều công trình được công bố liên quan đến hoạt động xét xử và chế độ xét xử có đại diện nhân dân tham gia. Về tổng thể, có thể đánh giá như sau:

Thứ nhất, quan niệm về việc người dân tham gia vào hoạt động xét xử hay trong TTHS, tuy chưa phải ở đâu và lúc nào cũng có sự thống nhất, nhưng cơ bản các công trình nghiên cứu đều cho thấy đây là vấn đề đã được quan tâm, áp dụng từ lâu trên thế giới và là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá về một xã hội dân chủ. Phần lớn các nghiên cứu này đã đề cập đến vấn đề lý luận về lịch sử hình thành, phát triển và mô hình tố tụng có sự tham gia của người dân; chỉ ra sự cần thiết của độc lập xét xử, vai trò đại diện nhân dân trong xét xử cần được phát huy. Ở Việt Nam, cơ chế đại diện nhân dân tham gia xét xử được ghi nhận dưới thời Pháp thuộc, tuy nhiên nó chưa phản ánh đầy đủ bản chất, giá trị của nó trong thực tế, mà chỉ đến sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong chính quyền cách mạng mới thực sự đề cao vai trò của người dân trong xã hội và xét xử. Trải qua hơn 75 năm qua, vấn đề phát huy quyền dân chủ của nhân dân trong tư pháp nói chung và trong tư pháp hình sự nói riêng luôn được quan tâm, nghiên cứu và được xem là một trong những biểu hiện của tư tưởng nhân văn, bản chất chế độ.

Thứ hai, các công trình nghiên cứu đều thống nhất, hoạt động xét xử là một lĩnh vực đặc thù. Việc người dân tham gia xét xử góp phần quan trọng để các phán quyết của tòa án được công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị cho là phạm tội. Trong khi các quy định của pháp luật, mặc dù được xem là hành lang pháp lý và là căn cứ cơ bản để duy trì, quản lý xã hội, nhưng để tránh lạm quyền, phát huy những giá trị xã hội, tính nhân bản rất cần có sự tham gia của cộng đồng xã hội trong hoạt động xét xử, bởi nó liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của các cá nhân và cộng đồng. Dẫu vậy, nhưng ở mỗi quốc gia, tùy theo quan điểm, nhận thức, tình hình chính trị - xã hội khác nhau lại có mô hình tố tụng với việc đại diện nhân dân tham gia xét xử khác nhau.

Thứ ba, nếu như ở Việt Nam, HTND tham gia xét xử là nguyên tắc hiến định, do HĐND bầu theo nhiệm kỳ và chiếm tỷ lệ cao trong HĐXX, trực tiếp cùng các thẩm phán xét xử trong các phiên tòa hình sự sơ thẩm, thì ở các nước áp dụng chế định bồi thẩm đoàn (hoặc xen kẽ bồi thẩm đoàn và hội thẩm, hay thẩm phán không chuyên), các bồi thẩm viên thường được lựa chọn ngẫu nhiên với số lượng lớn nhưng không trực tiếp đưa ra quyết định cuối cùng, toàn bộ nội dung phán quyết của tòa án. Mỗi mô hình, cách thức tổ chức xét xử có những điểm khác nhau, nhưng một điểm chung nhất là đối với các vụ án hình sự nghiêm trọng đều có đại diện nhân dân tham gia xét xử.

Thứ tư, đối với chế định HTND, một số công trình đã chỉ ra thực tiễn quy định, việc áp dụng thực hiện pháp luật, cũng như một số ưu điểm, hạn chế, bất cập và đề xuất các giải pháp khắc phục. Nhưng về cơ bản vẫn chủ yếu thể hiện ở việc giới thiệu, phản ánh các vấn đề chung hoặc chỉ ra một số khía cạnh cụ thể với các giải pháp liên quan, mà chưa nghiên cứu một cách toàn diện, chuyên sâu về HTND trong TTHS. Việc quy định và tổ chức thực hiện chế định HTND ở nước ta nhìn chung đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng cũng còn nhiều hạn chế, bất cập, cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện. Hiện vẫn còn những hạn chế trong nhận thức, quy định pháp luật cũng như trong quá trình áp dụng pháp luật về HTND trong TTHS. Trong khi hội thẩm và thẩm phán cùng xét xử, nhưng điều kiện, năng lực của hội thẩm và thẩm phán không giống nhau. Cùng với đó, quy trình thủ tục lựa chọn, quản lý, cũng như các chế độ đãi ngộ,… đối với hội thẩm còn nhiều điểm bất hợp lý. Một số giải pháp đã được nêu ra nhưng về cơ bản vẫn còn chung chung, chủ yếu đề

xuất điều chỉnh quy định của pháp luật; nâng cao vai trò, năng lực xét xử cho các HTND; cải thiện điều kiện làm việc, chế độ cho HTND,… Thậm chí, có ý kiến đề ra việc áp dụng mô hình bồi thẩm đoàn hay xen kẽ giữa chế định HTND và bồi thẩm đoàn trong xét xử, nhưng lại chưa gắn với các yếu tố lịch sử, điều kiện thực tế của Việt Nam về cơ bản vẫn chỉ mang tính gợi mở.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá về kết quả nghiên cứu kết hợp với việc tìm hiểu về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và những vấn đề liên quan trên cả phương diện lý luận, thực tiễn và yêu cầu thực tế, tác giả xác định luận án cần nghiên cứu, giải quyết các nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, làm rò thêm về lịch sử hình thành, quan điểm, vai trò, địa vị pháp lý và đặc điểm của HTND trong TTHS để thấy sự cần thiết của cơ chế đại diện nhân dân trong tố tụng nói chung và trong TTHS nói riêng. Luận án cần nghiên cứu, làm rò một cách toàn diện, từ nhận thức, nhu cầu thể chế hóa pháp luật, đến việc quy định, tổ chức thực hiện và các yếu tố đảm bảo vai trò của HTND trong TTHS.

Thứ hai, ở các quốc gia, vấn đề lựa chọn đại diện của người dân được quy định và thực hiện ra sao, vai trò của hội thẩm hay bồi thẩm trong quá trình tố tụng (hay chỉ đơn thuần trong xét xử) theo các mô hình TTHS khác nhau có các ưu điểm, khuyết điểm thế nào. Tại Việt Nam, nếu duy trì chế định hội thẩm như hiện nay thì điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn, quản lý, hoạt động và trách nhiệm của hội thẩm sẽ quy định, áp dụng thực hiện ra sao cho phù hợp.

Thứ ba, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới, cùng với hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, hoạt động tư pháp, xét xử cũng đặt những yêu cầu mới. Ở đó, cần nghiên cứu để đề xuất quy định và thực hiện ra sao để HTND trong TTHS vừa phát huy được những yếu tố mang tính lịch sử truyền thống, vừa phù hợp với đặc điểm chính trị - xã hội, yêu cầu đổi mới, hội nhập.

Thứ tư, phân tích, đánh giá về thực trạng cũng như các yêu cầu của HTND trong TTHS ở Việt Nam; cơ chế hình thành, tổ chức hoạt động, các mối quan hệ của hội thẩm trong tình hình mới không chỉ được thể hiện ở giai đoạn xét xử mà còn ở các nội dung khác trong hoạt động tố tụng, từ đó nêu ra các giải pháp mang tính toàn diện, thực tế về HTND trong TTHS nhằm phát huy hiệu quả vai trò của HTND khi tham gia xét xử án hình sự hiện nay.

Kết luận Chương 1

Tổng quan tình hình nghiên cứu trong nước và ngoài nước liên quan đến đề tài cho thấy, chế định HTND nói chung và HTND trong TTHS nói riêng đã được xem xét, nghiên cứu dưới nhiều góc độ, quy mô và phạm vi khác nhau. Trong một tổng thể có thể đánh giá cơ bản như sau:

Thứ nhất, các công trình nghiên cứu về cơ bản đã chỉ ra được vai trò, địa vị pháp lý, cũng như các mặt tích cực và những hạn chế, thiếu sót trong quy định, hoạt động của HTND ở Việt Nam vừa qua. Nhưng những vấn đề lý luận về HTND trong TTHS vẫn chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ và sâu sắc; chưa làm rò những yếu tố căn bản dẫn đến sự bất cập trong quy định và trong quá trình thi hành pháp luật về HTND trong TTHS ở Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, vẫn còn một số vấn đề vẫn chưa được nhận thức một cách thống nhất, chẳng hạn như sự tham gia của hội thẩm (hay bồi thẩm) trong tố tụng là hoàn toàn thể hiện tính dân chủ, công bằng trong xã hội hay còn do yếu tố lịch sử, văn hóa truyền thống và quan điểm của lực lượng thống trị xã hội quyết định.

Thứ hai, địa vị pháp lý của hội thẩm, cơ sở hình thành, sự tham gia của HTND trong TTHS như thế nào, vai trò của đội ngũ này trong xét xử liên quan đến phán quyết cuối cùng của tòa án và sự tác động ra sao khi hội thẩm làm nhiệm vụ xét xử và tham gia tố tụng vẫn chỉ ở góc độ chung, do đó luận án cần làm rò hơn những đặc điểm của HTND trong TTHS.

Thứ ba, hầu hết các công trình đều xác định cần có sự điều chỉnh, bổ sung quy định về mặt pháp lý nhằm cụ thể hơn về chế định hội thẩm. Ở đó, cùng với việc nâng cao vai trò của HTND thì cũng cần làm rò hơn trách nhiệm của hội thẩm trong hoạt động xét xử. Các nhà nghiên cứu đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường vai trò, hiệu quả của hội thẩm ở nước ta. Trong đó, đáng chú ý như việc cần nâng cao hơn năng lực chuyên môn, điều kiện làm việc, công tác quản lý, chế độ đãi ngộ,… cho đội ngũ hội thẩm. Tuy nhiên, các giải pháp vẫn đề cập dưới các góc độ riêng hoặc về HTND nói chung mà chưa thể hiện sự đồng bộ, nhất là đối với HTND trong TTHS.

Do luận án là công trình nghiên cứu một cách toàn diện về HTND trong TTHS ở Việt Nam nên sẽ có rất nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết. Trên cơ sở kế

thừa những kết quả nghiên cứu, luận án cần làm rò mục đích, ý nghĩa, quan điểm, vị trí, vai trò của HTND trong TTHS; có cơ sở lý luận đầy đủ và xem xét thực tiễn quy định, hoạt động của HTND trong TTHS ở nước ta hiện nay. Bên cạnh đó, luận án vận dụng các phương pháp tiếp cận liên ngành, đa ngành trong nghiên cứu để thấy được tầm quan trọng cũng như thực trạng của chế định HTND ở Việt Nam trong thời gian qua; làm rò những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém trong quy định, hoạt động của HTND trong TTHS; phân tích một số mô hình tiêu biểu về sự tham gia của người dân trong hoạt động xét xử trên thế giới và cả việc quy định, thực hiện trước đây ở Việt Nam; đồng thời xem xét các mối quan hệ, tác yếu tố tác động đến HTND và đặc biệt là các điều kiện chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội trong xu thế phát triển, hội nhập với thế giới của Việt Nam. Từ đó, luận án đưa ra yêu cầu và giải pháp phù hợp nhằm tăng cường vai trò HTND trong TTHS ở nước ta hiện nay.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 07/06/2022