nghiêm ngặt quy định nội bộ về quản trị rủi ro trong đầu tư trái phiếu; (iii) Phát triển và nâng cao chất lượng nhân lực cho hoạt động đầu tư trái phiếu; (iv) Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quản lý nhà nước và tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư nhằm đảm bảo an toàn trong đầu tư trái phiếu của NHTM; (v) Hoàn thiện và phát triển hệ thống các nhà tạo lập thị trường.
5. Kết cấu luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục bài báo công bố kết quả nghiên cứu đề tài luận án của tác giả, danh mục tài liệu tham khảo, các phụ lục, Luận án gồm có 04 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu
Chương 2: Cơ sở lý luận về hoạt động đầu tư trái phiếu của các ngân hàng thương mại
Chương 3: Thực trạng đầu tư trái phiếu của các ngân hàng thương mại Việt
Nam
Chương 4: Định hướng đầu tư trái phiếu của các ngân hàng thương mại Việt
Nam và một số giải pháp, khuyến nghị
Có thể bạn quan tâm!
- Hoạt động đầu tư trái phiếu của các ngân hàng thương mại Việt Nam 1683880233 - 1
- Hoạt động đầu tư trái phiếu của các ngân hàng thương mại Việt Nam 1683880233 - 2
- Các Nghiên Cứu Về Tổ Chức Hoạt Động Đầu Tư/đầu Tư Trái Phiếu Tại Ngân Hàng Thương Mại
- Giá Trị Khoa Học Và Thực Tiễn Của Các Nghiên Cứu Đã Công Bố
- Căn Cứ Vào Trái Phiếu Có Kèm Phiếu Lãi Hay Không
Xem toàn bộ 247 trang tài liệu này.
CHƯƠNG 1:
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1.1. TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
Những vấn đề lý luận và thực tiễn về hoạt động đầu tư trái phiếu của các NHTM chưa thực sự là một hướng nghiên cứu nhận được nhiều sự quan tâm từ giới học giả trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Là một bộ phận cấu thành danh mục đầu tư chứng khoán của các NHTM, hoạt động đầu tư trái phiếu chưa được nghiên cứu một cách độc lập, riêng rẽ, dù đây là công cụ đầu tư tài chính quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn nhất đối với các NHTM hiện nay. Các nghiên cứu về lĩnh vực này chủ yếu xoay quanh hoạt động đầu tư chứng khoán nói chung của các NHTM, vốn đang chiếm được sự chú ý gần đây của không chỉ giới học thuật mà cả các nhà hoạch định chính sách. Xu hướng nghiên cứu này thực sự gia tăng kể từ khủng hoảng tài chính thế giới 2007-2009, bắt nguồn từ khủng hoảng thị trường cho vay thế chấp mua nhà dành cho nhóm khách hàng có độ tin cậy tín dụng dưới chuẩn (sub-prime) tại Mỹ và lan ra các nước khác trên thế giới. Tác động của nó đã không dừng lại ở đây mà lan rộng và bùng phát trở thành cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế có mức độ tàn phá lớn trên phạm vi toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng được cho là có nguồn gốc sâu xa từ sự bất cân đối về nguồn vốn tín dụng giữa nhu cầu thực của nền kinh tế và nguồn vốn dồi dào từ chính sách tiền tệ được thả lỏng với lãi suất thấp. Áp lực sử dụng nguồn vốn dư thừa khi nhu cầu tín dụng suy giảm cùng những sáng tạo tài chính đã dẫn đến bùng nổ cho vay dưới chuẩn (Mạc Quang Huy, 2009, tr. 43). Sự tham gia sâu của ngân hàng vào các hoạt động đầu tư, đầu cơ trên thị trường tài chính đồng thời là nguồn cơn đóng góp vào sự kiệt quệ của hệ thống ngân hàng trong khủng hoảng tín dụng này, trong đó trung tâm là ngành ngân hàng đầu tư.
Từ bối cảnh đó, hoạt động mua bán, giao dịch chứng khoán của các NHTM
đang ngày càng trở thành một vấn đề được quan tâm hơn so với trong quá khứ. Các nghiên cứu thường xoay quanh mối quan ngại rằng sự phát triển của hoạt động đầu tư đã làm suy yếu các hoạt động ngân hàng truyền thống thông qua hai kênh: sự phát triển của hệ thống tài chính và các hoạt động ngân hàng tỏ ra kém sinh lợi. Với mối quan ngại này, nhiều nghiên cứu về hoạt động đầu tư nói chung và hoạt động đầu tư trái phiếu nói riêng của các NHTM đã được thực hiện trên cả phương diện lí thuyết và thực nghiệm. Theo khảo sát của NCS, các nghiên cứu tập trung vào ba mảng vấn đề có sự liên hệ lẫn nhau:
Thứ nhất, nhiều nghiên cứu đã tập trung khám phá mối quan hệ giữa hoạt động đầu tư với hoạt động ngân hàng truyền thống của các NHTM, đặc biệt là hoạt động cho vay. Các tác giả đã nghiên cứu ảnh hưởng từ việc các ngân hàng theo đuổi các chiến lược đầu tư đến việc phân bổ nguồn lực cũng như hiệu quả của hoạt động cho vay trong các NHTM.
Thứ hai, một số công trình đã thực hiện các nghiên cứu thực nghiệm nhằm khám phá mức độ tham gia của hoạt động đầu tư trong các NHTM có ảnh hưởng như thế nào đến rủi ro và lợi nhuận của ngân hàng.
Thứ ba, với nhiều bằng chứng xác thực về ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động đầu tư đến các hoạt động ngân hàng khác, câu hỏi đặt ra là liệu các NHTM có nên tham gia vào hoạt động này, cách thức tham gia, mô hình hoạt động, tổ chức điều hành hoạt động đầu tư chứng khoán nói chung và trái phiếu nói riêng trong các NHTM như thế nào? Với góc độ này, nhiều tác giả đã thực hiện các nghiên cứu về sự tham gia của các NHTM vào thị trường chứng khoán, mô hình tổ chức, quản lý hoạt động đầu tư nói chung và đầu tư trái phiếu nói riêng trong các NHTM nhằm kiểm soát đồng thời tận dụng những lợi ích không thể chối cãi từ việc đa dạng hoá hoạt động kinh doanh của NHTM.
Nội dung tổng quan dưới đây sẽ trình bày các nghiên cứu điển hình về cơ sở lí thuyết và thực nghiệm đã được công bố trong nước và quốc tế theo hai mảng vấn đề nêu trên.
1.1.1. Các nghiên cứu về mối quan hệ giữa hoạt động đầu tư/đầu tư trái phiếu của ngân hàng thương mại với hoạt động ngân hàng truyền thống
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007, hoạt động đầu tư, tự doanh của các ngân hàng đã bị giám sát chặt chẽ. Hoạt động này xảy ra khi một NHTM chọn cách kiếm lời từ thị trường thay vì thu phí từ hoạt động giao dịch của khách hàng. Tự doanh có thể là giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa, tiền tệ hay các công cụ tài chính khác. Quy tắc Volcker ở Mỹ, Vickers ở Anh, Liikanen và các đề xuất của Ủy ban châu Âu ở EU đều nhằm mục đích hạn chế rủi ro được cho là phát sinh từ các hoạt động giao dịch này của các ngân hàng bằng cách tách biệt riêng rẽ các hoạt động đầu tư, tự doanh khỏi hoạt động truyền thống của các ngân hàng thương mại (Lehmann, 2016; Krahnen, Noth và Schüwer, 2017). Mối quan ngại làm nền tảng cho các quy tắc này là việc các ngân hàng đang tham gia vào lĩnh vực đầu tư đầy rủi ro dựa trên nguồn vốn giá rẻ có được từ những đặc quyền của mình, và sau đó đe dọa ngừng cung cấp các dịch vụ ngân hàng truyền thống. Đặc biệt, trong thời kỳ khủng hoảng, các ngân hàng có thể có xu hướng đầu cơ với việc mua chứng khoán với giá bán tháo (fire-sale) và kỳ vọng giá tăng trong quá trình phục hồi kinh tế, hơn là cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp. Một mặt, hoạt động đầu tư của các NHTM có thể góp phần tăng tính thanh khoản của thị trường. Mặt khác, nó có thể dẫn đến sự lan tỏa của các cú sốc về giá chứng khoán đối với nền kinh tế thực dưới hình thức khủng hoảng tín dụng.
Từ những quan ngại này, các nghiên cứu và tranh luận trong giới học thuật và những nhà hoạch định chính sách có xu hướng gia tăng xoay quanh tác động của hoạt động đầu tư chứng khoán của các NHTM đến nguồn cung tín dụng và TTCK. Một quan điểm được đưa ra trong nhiều nghiên cứu giai đoạn này đó là việc các NHTM gia tăng hoạt động đầu tư chứng khoán dẫn đến hệ quả là nguồn cung tín dụng giảm (Stein, 2013). Đồng thuận với quan điểm này, Shleifer and Vishny (2010) và Diamond and Rajan (2011) cho rằng trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, cơ hội từ các thương vụ bán tháo trên thị trường chứng khoán có thể thúc đẩy các ngân hàng gia tăng mức độ đầu tư của mình và giảm nguồn lực cho hoạt động cho
vay vào nền kinh tế thực. Khi gặp khó khăn về nguồn vốn, xu hướng này cũng có thể diễn ra khi các ngân hàng phân bổ vốn từ hoạt động cho vay để chuyển sang thu lợi từ đầu tư. Arping (2013) đưa ra quan điểm tương tự và lập luận: trong khi hành vi này là tối ưu cho các ngân hàng xét từ góc độ tối đa hóa lợi nhuận, việc các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng có thể cản trở tăng trưởng thực trong nền kinh tế. Ngay cả khi vượt qua các giai đoạn khủng hoảng, mô hình lý thuyết được đưa ra bởi Boot và Ratnovski (2016) cho rằng trong điều kiện khan hiếm về nguồn vốn, việc phân bổ nguồn lực dành cho hoạt động kinh doanh chứng khoán ngắn hạn có xu hướng làm giảm nguồn cung tín dụng cho các hoạt động cho vay dài hạn. Sự phân bổ này làm các NHTM giảm động lực trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ cho vay dài hạn. Hơn nữa, Krahnen, Noth và Schüwer (2017) chỉ ra rằng các ngân hàng sẽ tính toán chi phí vốn của họ bằng cách lấy trung bình giữa chi phí vốn của hoạt động đầu tư (rủi ro cao) và chi phí vốn của hoạt động cho vay (rủi ro thấp), hơn là sử dụng chi phí tài trợ riêng biệt. Điều này dẫn đến sự thay đổi tương đối trong lợi nhuận của hoạt động đầu tư và cho vay, trong đó lợi nhuận của hoạt động đầu tư tăng lên khi chi phí tài trợ trung bình thấp hơn chi phí tài trợ riêng biệt của hoạt động đầu tư và ngược lại. Do đó, các ngân hàng sẽ tăng động lực cắt giảm vốn cho vay trong khi tăng vốn cho giao dịch chứng khoán.
Nhìn chung, những nghiên cứu trên tập trung lập luận về mối liên hệ trong việc các NHTM gia tăng hoạt động đầu tư chứng khoán và sự thu hẹp quy mô tín dụng vào nền kinh tế. Một trong những nghiên cứu thực nghiệm điển hình đầu tiên kiểm định lý thuyết trên được thực hiện bởi Abbassi và cộng sự (2015). Các tác giả đã nghiên cứu về hoạt động đầu tư, giao dịch chứng khoán của các NHTM và tác động lan tỏa của nó đến quy mô cung ứng tín dụng. Tác giả đã sử dụng tập dữ liệu về hoạt động tự doanh của các ngân hàng chi tiết đến mã chứng khoán cùng thông tin tín dụng chi tiết đến từng món vay trong giai đoạn 2005-2012 theo mỗi quý ở Đức. Qua phân tích dữ liệu chi tiết đến mã chứng khoán giao dịch, các tác giả nhận thấy rằng trong thời kỳ khủng hoảng, các ngân hàng có ưu thế về đầu tư đều gia tăng quy mô giao dịch chứng khoán, đặc biệt những chứng khoán có mức giảm giá
sâu. Điều này diễn ra mạnh mẽ nhất đối với các ngân hàng có thế mạnh về đầu tư và có quy mô vốn lớn, đồng thời tập trung vào những chứng khoán có xếp hạng thấp và kỳ hạn dài. Bằng chứng thực nghiệm này phù hợp với các lý thuyết về tính chất cộng hưởng giữa nguồn vốn và tài sản của ngân hàng đã được chỉ ra trong rất nhiều nghiên cứu trước đó (Diamond và Dybvig, 1983; Diamond và Rajan, 2001; Kashyap, Stein, và Rajan, 2002; Gennaioli, Shleifer, và Vishny, 2013; Hanson, Shleifer, Stein, và Vishny, 2014). Sự cộng hưởng này được thể hiện qua việc các ngân hàng có quy mô vốn lớn sẽ đầu tư vào những chứng khoán có mức độ rủi ro cao trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế (chứng khoán có mức giảm giá sâu, đặc biệt là những chứng khoán xếp hạng thấp và kỳ hạn dài). Hơn nữa, các ngân hàng có thế mạnh trong hoạt động đầu tư có xu hướng giảm quy mô cho vay trong thời kỳ khủng hoảng, với người đi vay tương ứng, tức là sự suy giảm về cho vay xảy ra ở cấp độ doanh nghiệp. Do ở Đức, nguồn cung tín dụng từ các ngân hàng có ưu thế trong hoạt động đầu tư chiếm tỷ trọng lớn, đồng thời các NHTM giữ vị trí then chốt trong hệ thống tài chính quốc gia, thực tế trên hàm ý những tác động đáng kể đến khả năng cung ứng tín dụng cho các doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng.
Câu hỏi đặt ra là liệu các ngân hàng có nên tham gia vào hoạt động đầu tư chứng khoán? Mặc dù đã có những động thái của một số cơ quan quản lý nhằm hạn chế hoạt động tự doanh của các ngân hàng, những tác động tích cực từ chính sách này không thực sự r ràng. Nghiên cứu của các tác giả chỉ ra rằng tuy các giao dịch chứng khoán có thể tạo ra sự lấn án đối với hoạt động cho vay, trong giai đoạn khủng hoảng, việc ngân hàng đầu cơ vào những chứng khoán có mức giảm giá sâu (đặc biệt là các chứng khoán dài hạn và xếp hạng thấp) đóng vai trò như một biện pháp giảm thiểu rủi ro. Với vai trò là những nhà đầu tư quan trọng trên thị trường này, các hạn chế về giao dịch chứng khoán của các ngân hàng có thể ảnh hưởng đến tính thanh khoản của các thị trường. Đây là những vấn đề đặt ra mà các tác giả để ngỏ cho những nghiên cứu tiếp theo.
Năm 2019, nghiên cứu của Kurz, M. và Kleimeier, S. với sự mở rộng không gian và thời gian nghiên cứu so với nghiên cứu của Abbassi (2015) đã đóng góp
những khám phá sâu sắc và đa chiều về hoạt động tự doanh của NHTM trong mối quan hệ với hoạt động tín dụng. Mục tiêu của nghiên cứu hướng đến kiểm định hai giả thuyết: giả thuyết thứ nhất, các ngân hàng có chuyên môn, kinh nghiệm trong đầu tư cung cấp cho nền kinh tế ít tín dụng hơn so với các ngân hàng khác, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng; giả thuyết thứ hai: nguồn cung tín dụng thấp hơn dẫn đến giảm đầu tư và giảm tăng trưởng việc làm đối với các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn vốn từ các ngân hàng. Nghiên cứu sử dụng mẫu trên phạm vi toàn cầu bao gồm 135 ngân hàng từ 21 quốc gia và khoản cho vay của họ cho 8.242 công ty từ 81 nền kinh tế mới nổi và phát triển trong giai đoạn 2003-2016. Các ngân hàng trong nghiên cứu có trụ sở tại tại Mỹ, Canada, Anh, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ireland, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Brazil và Úc. Nghiên cứu sử dụng cơ sở dữ liệu của Thomson Reuters LPC DealScan được tác giả kết hợp thủ công với cơ sở dữ liệu Compustat của Standard & Poor để có bộ dữ liệu với thông tin đồng bộ giữa ngân hàng và người đi vay tương ứng. Điều này cho phép tác giả cung cấp ước tính về các tác động kinh tế thực tế về đầu tư và tăng trưởng việc làm. Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy các ngân hàng tham gia sâu vào hoạt động kinh doanh chứng khoán cung cấp cho doanh nghiệp mức tín dụng ít hơn khoảng 19% so với các ngân hàng ít tham gia vào hoạt động đầu tư chứng khoán, tỷ lệ này còn tăng thêm 3,25% trong điều kiện khủng hoảng. Các kết quả định lượng cũng cung cấp bằng chứng đáng tin cậy rằng nguồn cung tín dụng giảm từ các ngân hàng tham gia sâu vào hoạt động chứng khoán đã có tác động tiêu cực với những người đi vay của họ. Các doanh nghiệp có xu hướng đầu tư ít vốn hơn và mở rộng lực lượng lao động với tỷ lệ thấp hơn khi họ phụ thuộc nhiều vào các ngân hàng này để cấp vốn. Với quy mô nghiên cứu toàn cầu, các tác giả đã có những khám phá mới mẻ về hoạt động cho vay và đầu tư của các ngân hàng trên thị trường quốc tế. Xét về tổng thể các ngân hàng tham gia sâu vào hoạt động đầu tư chứng khoán có mức cho vay ít hơn , nhưng các ngân hàng này lại có xu hướng cung cấp tín dụng nhiều hơn ở thị trường thế giới. Mặc dù vậy, trong giai đoạn khủng hoảng, các ngân hàng này lại cắt giảm
quy mô cho vay nước ngoài ở mức độ lớn hơn so với các ngân hàng ít tham gia vào hoạt động đầu tư chứng khoán. Bên cạnh đó, tác giả chỉ ra rằng có sự khác biệt đáng kể giữa các ngân hàng ở Mỹ và các ngân hàng khác trong mẫu nghiên cứu. Các ngân hàng ngoài nước Mỹ tham gia nhiều vào hoạt động kinh doanh chứng khoán chỉ thu hẹp nguồn cung tín dụng của họ trong thời kỳ khủng hoảng, tuy nhiên, đối với các ngân hàng ở Mỹ có sự tham gia sâu vào hoạt động kinh doanh chứng khoán, kết quả nghiên cứu ghi nhận quy mô tín dụng thu hẹp trong cả thời kỳ khủng hoảng và ổn định kinh tế.
Cuối cùng, tác giả chỉ ra rằng những tác động lan tỏa từ hoạt động đầu tư chứng khoán đến hoạt động tín dụng dẫn đến những hệ quả bất lợi cho nền kinh tế vì các doanh nghiệp giảm khả năng mở rộng vốn đầu tư và lao động. Điểm cuối cùng này đã đóng góp thêm thông tin quan trọng cho cuộc tranh luận về các quy định mới nhằm tách hoạt động đầu tư chứng khoán khỏi hoạt động truyền thống của các ngân hàng thương mại, mở ra hướng nghiên cứu về bài toán đánh đổi giữa chi phí - lợi ích của các quy định hạn chế hoạt động đầu tư chứng khoán của các NHTM. Tuy nhiên, nghiên cứu của tác giả cũng có những hạn chế về dữ liệu, khi tập người đi vay chỉ bao gồm những doanh nghiệp được niêm yết trên các sàn chứng khoán, điều này hàm ý rằng những người đi vay này hoàn toàn có khả năng bù đắp nguồn cung tín dụng ngân hàng suy giảm bằng các nguồn tài trợ khác.
1.1.2. Các nghiên cứu về ảnh hưởng của hoạt động đầu tư/đầu tư trái phiếu đến kết quả kinh doanh của ngân hàng
Những tranh luận về ảnh hưởng của các quy định mới ban hành sau khủng hoảng kinh tế thế giới 2007-2008 (Volcker Rule, Vickers, Liikanen…) nhằm cấm hoặc hạn chế hoạt động giao dịch của các NHTM trên thị trường tài chính đã thúc đẩy các nghiên cứu về ảnh hưởng của hoạt động đầu tư nói chung và hoạt động đầu tư trái phiếu nói riêng đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng. Trước đó, nhiều nghiên cứu đã khám phá mối quan hệ giữa đa dạng hóa hoạt động và hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại nhưng ghi nhận nhiều kết quả trái ngược về mối quan hệ giữa 2 yếu tố này. Một số nghiên cứu trước cho rằng việc đa dạng hóa