Hoạt động của Ngân hàng Đông Dương tại Việt Nam từ năm 1875 đến năm 1945 - 2


MỞ ĐẦU


1. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

1.1. Một trong những công cụ chủ chốt giúp một nước tư bản có thể thực hiện tốt việc khai thác thuộc địa đó là nắm trong tay hệ thống tiền tệ. Khi có được công cụ này, chính quyền thực dân có thể quản lý tài chính, quản lý đầu tư, quản lý tín dụng và quản lý thanh toán. Người Pháp hiểu rất rõ điều này. Để chuẩn bị cho việc hoàn tất công cuộc xâm chiếm thuộc địa ở Đông Dương theo ý đồ riêng của chính quyền thực dân, năm 1875, Pháp cho thành lập Ngân hàng Đông Dương và phát hành tiền Đông Dương. Đồng Đông Dương không lâu sau đó đã chiếm vị trí trọng yếu trong hệ thống lưu thông tiền tệ ở Việt Nam và trở thành công cụ để thực dân Pháp đặt nền tảng cai trị lâu dài ở nước ta nói riêng và các nước Đông Dương nói chung thông qua Hiệp ước Patenôtre (1884).

Quá trình ra đời của Ngân hàng Đông Dương, sự mở rộng hoạt động về phạm vi địa lý và phạm vi kinh tế cho đến khi Liên bang Đông Dương ra đời qua Hiệp ước Patenôtre (1884) cho thấy cách thức và phương pháp khai thác thuộc địa của Pháp được tổ chức và vận hành theo đúng trật tự: khởi sự từ việc thành lập Ngân hàng Đông Dương, Pháp tổ chức đưa đồng Đông Dương vào lưu thông và biến ngân hàng này thành bộ máy đầu tư. Núp dưới vỏ bọc phát triển kinh tế ở Đông Dương, bộ máy này trở thành công cụ cai trị và khai thác thuộc địa của Pháp.

1.2. Nghiên cứu lịch sử về quá trình hình thành và phát triển của Ngân hàng Đông Dương, một định chế tài chính đặc thù, như là một biểu trưng cho sự hiện diện của thực dân Pháp ở Việt Nam, trong mối liên hệ với chính sách khai thác, bóc lột thuộc địa kiểu thực dân là một vấn đề có ý nghĩa khoa học, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học; song hiện tại vẫn còn nhiều khoảng trống nhất định trong việc làm rõ vị trí lịch sử của Ngân hàng Đông Dương trong việc thực hiện chính sách khai thác thuộc địa của Pháp.

Hiện nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu về Ngân hàng Đông Dương của các tác giả trong và ngoài nước. Các công trình nghiên cứu ấy đã đưa lại một


nguồn tư liệu hết sức phong phú, những nhận định khoa học và những gợi mở quan trọng cho những nhà nghiên cứu sau này kế thừa và phát huy. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu một nghiên cứu có tính chất chuyên sâu và có hệ thống về quá trình hình thành và hoạt động của Ngân hàng Đông Dương tại Việt Nam được đặt trong mối tương quan với chính sách cai trị thuộc địa của thực dân Pháp, núp dưới vỏ bọc phát triển kinh tế ở Đông Dương.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 231 trang tài liệu này.

1.3. Việt Nam đang trên con đường chuyển mình, phát triển và hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. Tuy nhiên, những gì diễn ra trong lịch sử đã tạo nên yếu tố nền tảng, mang nét rất đặc trưng. Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bên cạnh những yếu tố tiêu cực, mang bản chất bóc lột thuộc địa của chủ nghĩa thực dân thì mô hình Ngân hàng Đông Dương cũng mang lại những kinh nghiệm quý báu, những bước đi đầu tiên cho quá trình phát triển của hệ thống ngân hàng hiện nay. Nghiên cứu về Ngân hàng Đông Dương không chỉ có ý nghĩa về lịch sử mà còn có thể rút ra một số đặc điểm, kinh nghiệm và bài học quản lý gợi ý cho chính sách phát triển tài chính - ngân hàng của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay.

1.4. Kể từ khi đất nước ta chuyển từ nền kinh tế hành chính, tập trung, bao cấp bước sang thời kỳ Đổi mới (1986), theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Các ngân hàng cổ phần vốn trong nước cũng như vốn nước ngoài thi nhau thành lập, hình thành một hệ thống ngân hàng, đóng vai trò hết sức quan trọng đối với đời sống đất nước, đặc biệt trong nền kinh tế quốc dân. Với những hoạt động sôi động của chúng, nền kinh tế Việt Nam có những chuyển biến tích cực, vượt bậc, góp phần đưa đất nước vượt qua khủng hoảng và đưa nước ta trở thành nước phát triển trung bình. Bên cạnh những thành tích to lớn đó, hệ thống ngân hàng nước ta cũng để lại những hệ lụy không nhỏ liên quan đến hoạt động yếu kém, đặc biệt là làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng... mà cho đến nay Chính phủ vẫn đang tập trung xử lý, để lành mạnh hóa ngành ngân hàng.

Hoạt động của Ngân hàng Đông Dương tại Việt Nam từ năm 1875 đến năm 1945 - 2


Với những lý do trên, chúng tôi chọn đề tài: “Hoạt động của Ngân hàng Đông Dương tại Việt Nam từ năm 1875 đến năm 1945” làm Luận án tiến sĩ Lịch sử, chuyên ngành Lịch sử Việt Nam.

2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu

2.1. Mục tiêu nghiên cứu

Trên cơ sở khảo cứu nguồn tài liệu tin cậy, luận án tập trung nghiên cứu sự ra đời của Ngân hàng Đông Dương và các chi nhánh của nó tại Việt Nam từ năm 1875 đến năm 1945 đồng thời làm rõ chức năng phát hành tiền, chức năng là ngân hàng thương mại và hoạt động đầu tư tài chính của ngân hàng. Từ đó, luận án đánh giá thực chất, rút ra những tác động của Ngân hàng Đông Dương đối với kinh tế, xã hội Việt Nam lúc bấy giờ.

2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Để đạt được mục tiêu trên, luận án tập trung giải quyết một số nhiệm vụ sau:

- Thứ nhất, làm rõ bối cảnh ra đời, hoạt động phát hành tiền và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Đông Dương từ năm 1875 đến năm 1945.

- Thứ hai, làm rõ hơn về hoạt động của Ngân hàng Đông Dương với chức năng là Ngân hàng Thương mại.

- Thứ ba, đi sâu nghiên cứu về hoạt động đầu tư tài chính của Ngân hàng Đông Dương tại Việt Nam.

- Thứ tư, tìm hiểu rõ những tác động của Ngân hàng Đông Dương đối với kinh tế, xã hội và đời sống của người dân Việt Nam.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là sự ra đời và hoạt động của Ngân hàng Đông Dương tại Việt Nam từ năm 1875 đến năm 1945.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

3.2.1. Về thời gian, trên cơ sở những tài liệu hiện có, tác giả xác định phạm vi nghiên cứu của đề tài chỉ giới hạn nghiên cứu về hoạt động của Ngân hàng Đông


Dương tại Việt Nam từ năm 1875 đến năm 1945. Sở dĩ chúng tôi lấy mốc năm 1875 làm mốc mở đầu nghiên cứu vì năm 1875 Ngân hàng Đông Dương được thành lập tại Paris và cũng trong năm đó, chi nhánh đầu tiên của nó được chọn mở ở Sài Gòn (19/4/1875). Năm 1945 được chọn làm mốc kết thúc vì Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và cho phát hành tiền Việt Nam thay thế cho đồng Đông Dương (cũng từ năm 1940, nước Pháp bị Đức chiếm đóng và Ngân hàng Đông Dương đặt trụ sở tại Paris cũng ngưng việc phát hành giấy bạc, vì không chở qua được).

3.2.2. Về không gian địa lý, luận án xác định phạm vi nghiên cứu là hoạt động của Ngân hàng Đông Dương tại Việt Nam trên địa bàn Nam Kỳ, Bắc Kỳ và Trung Kỳ.

3.2.3. Về nội dung, luận án tập trung nghiên cứu về hoạt động của Ngân hàng Đông Dương với các chức năng là:

- Ngân hàng Phát hành, ở đây luận án đi sâu về hoạt động phát hành và hoạt động tiền tệ. Tìm hiểu các loại tiền được phát hành ở hai chi nhánh của Ngân hàng Đông Dương tại Việt Nam là chi nhánh Sài Gòn và chi nhánh Hải Phòng. Qua đó đánh giá tác động của hoạt động phát hành tiền đối với kinh tế, xã hội Việt Nam thời thuộc Pháp.

- Ngân hàng Thương mại, luận án đi sâu tìm hiểu về hoạt động tín dụng cho vay, hoạt động hối đoái, kinh doanh vàng bạc của ngân hàng và đánh giá những tác động của nó đối với kinh tế, xã hội Việt Nam.

- Đầu tư tài chính, ở phần này, luận án chỉ tìm hiểu những lĩnh vực mà ngân hàng trực tiếp bỏ vốn đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần hay tài trợ cho các công ty Pháp và ảnh hưởng của những hoạt động đó đến kinh tế, xã hội Việt Nam.

Những vấn đề nằm ngoài giới hạn về thời gian, không gian và nội dung nêu trên sẽ không thuộc phạm vi và đối tượng nghiên cứu của đề tài.


4. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu

4.1. Nguồn tài liệu

Để hoàn thành Luận án, chúng tôi dựa trên các nguồn tài liệu chủ yếu sau:

- Tài liệu lưu trữ: Để thực hiện đề tài, chúng tôi đã tiếp cận và khai thác nguồn tư liệu lưu trữ bằng tiếng Pháp và tiếng Việt hiện có ở Việt Nam, lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I (Hà Nội), Trung tâm lưu trữ Quốc gia II (TP.HCM), và ở Pháp như Trung tâm lưu trữ Quốc gia hải ngoại Pháp (Archives Nationales d’Outre-Mer - ANOM, thành phố Aix - En - Provence, Cộng hòa Pháp), Thư viện Quốc gia Pháp (Bibliothèque Nationale de France - BnF), Thư viện Quốc gia Việt Nam. Phần lớn những tài liệu đó là những tài liệu gốc có liên quan trực tiếp đến đề tài.

- Tài liệu tham khảo: Trong quá trình triển khai luận án, chúng tôi đã tiếp cận các công trình chuyên khảo của các học giả trong và ngoài nước có nội dung đề cập trực tiếp đến sự ra đời và hoạt động của Ngân hàng Đông Dương. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiếp cận khai thác một số công trình nghiên cứu, các bài viết được công bố trên các tạp chí kinh tế thời thuộc địa như Buletin économique de l’Indochine, Bulletin officiel de la Cochinchine française, Eveil économique de l’Indochine, Journal officiel de l’Indochine française,… và các tạp chí nghiên cứu chuyên ngành (tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, tạp chí Xưa và nay…), các luận án, luận văn, báo chí chính thống định kỳ và một số trang website uy tín trong và ngoài nước có nội dung liên quan đến Ngân hàng Đông Dương.

4.2. Phương pháp nghiên cứu

Về phương pháp luận, để giải quyết những vấn đề do đề tài đặt ra, chúng tôi dựa vào chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lênin về kinh tế - chính trị (những khái niệm về tiền, về kinh tế - chính trị). Ở đây, chúng tôi sử dụng quan điểm sử học Mác xít nhằm đánh giá một cách khách quan về hoạt động của Ngân hàng Đông Dương tại Việt Nam từ năm 1875 đến năm 1945. Quan điểm sử học Mác xít cũng là kim chỉ nam để chúng tôi xử lý nguồn tư liệu trên tinh thần khoa học và đảm bảo tính lịch sử.


Trong quá trình giải quyết nhiệm vụ của đề tài đặt ra, chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu chuyên ngành là phương pháp lịch sử, phương pháp logic và các phương pháp khác như: phương pháp đối chiếu so sánh, phương pháp thống kê, phương pháp phân tích, tổng hợp, phương pháp điền dã (trong quá trình làm luận án chúng tôi đã đi tới Hà Nội, Hải Phòng và Singapore để tìm hiểu về Ngân hàng Đông Dương chi nhánh Hà Nội, Hải Phòng và Ngân hàng Indosuez)... nhằm xem xét một cách trung thực, khách quan về những hoạt động của Ngân hàng Đông Dương tại Việt Nam từ năm 1875 đến năm 1945 theo yêu cầu của đề tài đặt ra.

5. Đóng góp của luận án

- Luận án là công trình đầu tiên ở Việt Nam phục dựng lại bức tranh toàn cảnh, chi tiết và hệ thống về quá trình hình thành và phát triển của Ngân hàng Đông Dương tại Việt Nam trong suốt thời gian từ năm 1875 đến năm 1945.

- Luận án chỉ ra mối liên hệ biện chứng giữa hoạt động của Ngân hàng Đông Dương và chính sách cai trị thuộc địa của thực dân Pháp, thông qua hoạt động chủ yếu là cho vay (cung cấp tín dụng), hối đoái và đầu tư.

- Từ việc nghiên cứu hoạt động của Ngân hàng Đông Dương tại Việt Nam từ năm 1875 đến năm 1945, luận án đã đánh giá, rút ra những tác động của Ngân hàng Đông Dương đối với kinh tế, xã hội Việt Nam, đồng thời chỉ ra những đóng góp của Ngân hàng Đông Dương đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay.

- Luận án góp phần bổ sung thêm vào hệ thống tư liệu và lập luận khoa học đối với việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử, nhất là lịch sử ngành tài chính - ngân hàng ở Việt Nam thời cận đại.

- Kết quả nghiên cứu của đề tài là một nguồn tài liệu để các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo thuộc các lĩnh vực tài chính, ngân hàng tham khảo, bổ khuyết để xây dựng các giải pháp quản lý ngành tài chính - ngân hàng ngày càng hoàn thiện và hiệu quả hơn.


6. Bố cục của luận án

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Phụ lục, Tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận án gồm bốn chương:

Chương 1: Tổng quan về vấn đề nghiên cứu.

Chương 2: Sự ra đời và hoạt động phát hành tiền của Ngân hàng Đông Dương tại Việt Nam.

Chương 3: Hoạt động của Ngân hàng Đông Dương với chức năng là Ngân hàng Thương mại và đầu tư tài chính.

Chương 4: Tác động của của Ngân hàng Đông Dương đối với kinh tế - xã hội Việt Nam.


CHƯƠNG 1

TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU


Liên quan tới đề tài này, từ trước đến nay đã có một số công trình nghiên cứu đề cập đến sự ra đời của Ngân hàng Đông Dương và các chi nhánh của nó; hoạt động của Ngân hàng Đông Dương và tác động của nó đối với tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc. Cụ thể là:

1.1. Các công trình nghiên cứu về sự ra đời của Ngân hàng Đông Dương và các chi nhánh của nó tại Việt Nam

1.1.1. Tác giả người nước ngoài

Nghiên cứu về hoạt động của Ngân hàng Đông Dương ở Việt Nam đã được nhiều học giả ngoài nước quan tâm ở nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau. Từ những năm nửa cuối thế kỷ XIX, học giả nước ngoài đã từng đến sinh sống và làm việc ở Việt Nam đã ghi nhận lại quá trình người Pháp xâm lược Việt Nam và cả những kế hoạch cho việc thành lập Ngân hàng Đông Dương trong thời gian sớm nhất. Nguồn tư liệu của các tác giả nước ngoài đóng vai trò hết sức quan trọng vì phần lớn các tác giả đều là những nhân vật chủ chốt hay ít nhiều gì cũng có quan hệ mật thiết với chính quyền thực dân.

Chúng tôi đã tiếp cận với công trình nghiên cứu bằng tiếng Pháp mang tính khái quát nhất về sự ra đời của Ngân hàng Đông Dương và các chi nhánh của nó ở Việt Nam, đó là cuốn Histoire de la Banque de l’Indochine (1875-1975), Fayadd, Paris, 1981 (Lịch sử Ngân hàng Đông Dương (1875-1975) của Marc Meuleau được René Ngọc Nhân dịch và đăng trên trang web http://renengocnhan.wordpress.com). Công trình đã cho thấy dự án của ông Kresser với việc thành lập Ngân hàng Đông Dương trong bối cảnh lịch sử Việt Nam và nước Pháp cuối thế kỷ XIX. Cùng với thời gian thành lập chi nhánh Ngân hàng Đông Dương ở Nam Kỳ, tác giả còn cho biết vì sao phải thành lập các chi nhánh ngân hàng ở Hải Phòng (1885), Hà Nội (1887), Đà Nẵng (1891), Cần Thơ và Nam Định (1926), Vinh (1927), Quy Nhơn (1928), Huế (1929) và ở Đà Lạt (1943). Có thể nói đây là một công trình khoa học

Xem tất cả 231 trang.

Ngày đăng: 12/05/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí