Xác Định Các Chức Danh Công Việc Và Loại Lao Động Được Trả Lương Linh Hoạt.


(3) Thoả ước lao động tập thể của các đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Quy chế nhân viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

TƯLĐTT là căn cứ pháp lý rất quan trọng cho việc quản lý, sử dụng nhân lực và bảo đảm các chính sách, chế độ cho người lao động. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam chưa xây dựng được thỏa ước lao động trong phạm vi Tập đoàn nhưng có Quy chế nhân viên. Đối với các đơn vị thuộc Tập đoàn đều đã xây dựng thỏa uớc lao động tập thể.

a. Về vấn đề tiền lương, Quy chế nhân viên của Tập đoàn đã thống nhất những nội dung có tính định hướng và nguyên tắc chung:

- Tiền lương thấp nhất của lao động Việt nam làm việc trong Tổng công ty không thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định, và cao nhất cũng không hơn mức lương trả cho lao động nước ngoài (cùng chức danh) đang làm việc cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt nam, sau khi đã khấu trừ khoản tiền để lại cho gia đình tại nước họ, đồng thời chi phí tiền lương phải phù hợp với kết quả sản xuất kinh doanh.

- Các đơn vị phải xây dựng hệ thống mức lao động làm cơ sở để tổ chức lao động và tính đơn giá tiền lương. Những công việc có tính đặc thù, chưa thể xây dựng mức, giao cho giám đốc các đơn vị thoả thuận với công đoàn, tổ chức lao động hợp lý và thoả thuận các mức lương trên cơ sở những quy định của Chính phủ, tương quan với giá công trên thị trường lao động và bảo đảm khuyến khích người lao động.

- Quy chế trả lương do giám đốc các đơn vị sau khi thống nhất với công đoàn cùng cấp, tiến hành đăng ký với Tập đoàn. Quy chế trả lương được xây dựng phù hợp với yêu cầu tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, được công đoàn cùng cấp thoả thuận, được đăng ký với Tập đoàn là văn bản pháp quy cao nhất quy định về trả lương của các đơn vị.

b. Phương thức trả lương linh hoạt được quy định tại TƯLĐTT của các đơn vị thành viên và đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu, mục tiêu cần đạt được của cách


thức trả lương linh hoạt. Dưới đây giới thiệu một số quy định trong TULĐTT của những đơn vị sử dụng LĐCMKTC và áp dụng phương thức trả lương linh hoạt:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 244 trang tài liệu này.

- Điều 15, TƯLĐTT Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí ghi:” Căn cứ quy trình sản xuất, phạm vi hoạt động, giá cung ứng lao động quốc tế, Tổng giám đốc tiến hành trả lương linh hoạt cho lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, điều kiện lao động đặc thù như thuyền trưởng, máy trưởng theo hướng khuyến khích người lao động tích cực tham gia sản xuất kinh doanh và phù hợp với quy định của Nhà nước, Tập đoàn” .

- Điều 13, khoản 13.1, TƯLĐTT Tổng công ty cổ phần Khoan và dịch vụ khoan dầu khí ghi: “Đối với các chức danh làm việc trên biển có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, điều kiện lao động đặc thù… như thợ trên cao, thợ bơm dung dịch khoan, thợ lái cẩu, kiểm định viên … là người Việt nam đang đảm nhận các công việc tại giàn khoan biển, Tổng giám đốc có trách nhiệm bố trí lao động một cách thích hợp, phù hợp với quy trình sản xuất kinh doanh hàng ngày và tổ chức trả lương một cách linh hoạt để khuyến khích các chức danh này đảm nhận công việc mà trước đây Tổng công ty phải thuê chuyên gia nước ngoài”.

Hoàn thiện phương thức trả lương linh hoạt cho người lao động chuyên môn kỹ thuật cao trong ngành dầu khí Việt Nam - 13

- Điều 12 TƯLĐTT Trường Đào tạo nhân lực dầu khí (nay là Trường Cao đẳng nghề Dầu khí - đơn vị chủ quản lao động sửa chữa, kiểm tra, lắp ráp các công trình dưới biển) ghi:”…Đối với chức danh lao động đặc thù như thợ lặn trưởng kiêm thợ kiểm tra lắp ráp, sửa chữa các công trình dưới biển, Trường có trách nhiệm bố trí thời gian làm việc đúng quy trình lặn, đảm bảo an toàn trong quá trình kiểm tra, lắp ráp, sửa chữa các công trình, đồng thời áp dụng phương thức trả lương linh hoạt để khuyến khích người lao động. Mức lương áp dụng cho loại lao động này không thấp hơn tiền lương và phụ cấp của thợ lặn bậc 4/4 khi làm việc cùng khu vực và mức cao nhất không hơn mức lương thuê chuyên gia nước ngoài (đã trừ phần để lại nuôi gia đình)”.

- Điều 7 TƯLĐTT Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí ghi: “Đối với các chức danh kỹ sư giám sát hợp đồng dầu khí, Tổng giám đốc có trách nhiệm thông báo tới các nhà thầu khí bố trí hợp lý để hoàn thành vụ được giao đồng thời


có nhiệm thường xuyên tổng hợp tình hình trả lương của các chức danh này để điều chỉnh tiền lương một cách linh hoạt nhằm khuyến khích các chức danh này làm việc có hiệu quả và tránh những biến động lao động do giá công không phù hợp”.

ii. Điều kiện về tài chính:

- Nguồn quỹ lương là tiền đề vật chất cho việc thực hiện trả lương linh hoạt. Đối với công ty mẹ, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, quỹ lương được xây dựng theo quy định tại Nghị định 141/2007/NĐ- CP ngày 05 tháng 09 năm 2007 của Chính phủ. Đặc biệt trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, năm 2008, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho phép xây dựng quỹ lương theo cơ chế đặc thù, theo đó, quỹ lương hình thành trên cơ sở loại lao động được sử dụng; mức lương xác định theo hệ số lương của Nhà nước và lương tối thiểu được xác định theo thị trường lao động dầu khí.

Đối với công ty cổ phần, áp dụng theo quy định tại Nghị định 114/2002/NĐ-CP, theo đó tiền lương vận dụng theo quy định của nhà nước, hoặc tự xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương để xây dựng quỹ lương trả cho người lao động.

- Về cơ bản nguồn tài chính của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn hoàn toàn đủ khả năng để đảm bảo chi trả tiền lương theo các quy định trên. Số liệu Biểu 2.7. đã phản ánh điều đó.

iii. Điều kiện tổ chức lao động:

Do đặc điểm công việc và dây chuyền sản xuất (đã trình bày ở mục 2.2.2) nên các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác, dịch vụ kỹ thuật dầu khí có thể và cần thiết phải tổ chức lao động linh hoạt. Tính linh hoạt trong tổ chức lao động thể hiện:

Linh hoạt về thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi. Tức là thời gian làm việc và thời gian ngừng việc (nghỉ ngơi, bảo dưỡng) không theo quy định thông thường, mà phụ thuộc rất chặt chẽ vào đặc điểm tổ chức công việc của dây chuyền. Chẳng hạn, Tàu dịch vụ kỹ thuật dầu khí, tàu vận tải dầu thô là 6


tháng làm việc ngoài biển, 6 tháng vào bờ nghỉ; các công việc giám sát, khai thác dầu khí trên giàn khoan hoặc kiểm tra, sửa chữa, lắp công trình dầu khí dưới biển là 15 ngày làm việc ngoài biển và 15 ngày vào bờ nghỉ.

Linh hoạt trong hợp đồng thuê lao động và bố trí lao động theo công việc, khuyến khích hình thức kiêm nhiệm nhằm tiết kiệm nhân lực, tăng nhịp độ hoạt động của ca, kíp làm việc. Chẳng hạn: thuyền trưởng, máy trưởng tàu dịch vụ dầu khí, nếu theo luật lao động thì đây là công việc phải ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, nhưng yêu cầu của phía cung ứng (người lao động) chỉ ký xác định thời hạn, thậm chí chỉ ký hợp động 6 tháng hoặc theo công việc…

Đa dạng hoá các hình thức giao khoán (theo kết quả công việc, theo biên chế, theo chức năng) đồng thời linh hoạt trong đánh giá kết quả lao động, làm cơ sở cho trả lương linh hoạt.

iv. Điều kiện về thị trường lao động:

Hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam ngoài các đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đảm nhiệm, còn có trên 55 đơn vị liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài, nhà thầu dầu khí nước ngoài từ các nước Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Nhật bản, Hàn Quốc,…, tiến hành. Nguồn cung ứng LĐCMKTC dầu khí cho các doanh nghiệp dầu khí trong nước và các liên doanh, nhà thầu dầu khí nước ngoài được lấy từ nguồn lao động của các nước và lao động dầu khí Việt Nam đã trưởng thành trong những năm qua. Tuy nhiên, lao động nước ngoài có chi phí nhân công và các chi phí khác cao, bên cạnh đó là sự am hiểm về phong tục, tập quán Việt Nam còn hạn chế, nên các doanh nghiệp dầu khí tại Việt Nam ít sử dụng lao động nước ngoài, thay vào đó họ tìm kiếm nguồn lao động dầu khí Việt Nam (LĐCMKTC) đã trải qua các hoạt động quản lý và sản xuất kinh doanh từ thực tiễn. Vì vậy, trên thị trường lao động dầu khí tại Việt Nam đã xuất hiện nhu cầu về LĐCMKTC lớn hơn cung lao động và một giải pháp xuất hiện, đó là đưa ra các mức lương hấp dẫn và linh hoạt hơn theo thị trường để thu hút lao động. Trước thực tế đó, các doanh nghiệp dầu khí


Việt Nam đã có những chính sách để thu hút lao động. Cụ thể: các quy chế trả lương của công ty mẹ, các công ty con đều cho phép trả lương linh hoạt cho lao động chuyên môn kỹ thuật cao phù hợp với giá công lao động trên thị trường và đảm bảo tương quan tiền lương trong nội bộ công ty, Tập đoàn. Tuy vậy, trước yêu cầu đòi hỏi của thị trường lao động dầu khí, đặc biệt là loại thị trường LĐCMKTC, do tính khan hiếm của nguồn cung ứng, những chính sách hiện hành về thu hút và đãi ngộ nhân lực vẫn bộc lộ một số bất cập, đó là:

Thứ nhất, theo yêu cầu của Bộ Luật lao động, phải có chính sách ưu đãi với lao động chuyên môn kỹ thuật cao, tuy nhiên trên thực tế các chính sách ưu đãi này còn mờ nhạt và cứng nhắc, kết quả hỏi 425 lao động chuyên môn kỹ thuật cao thì 93,41% trả lời chính sách là thiếu cụ thể. Các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn do nhà nước sở hữu 100% vốn, lệ thuộc quá nhiều vào hệ thống thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do nhà nước ban hành. Còn các doanh nghiệp cổ phần thuộc Tập đoàn, mặc dù được Chính phủ cho phép tự xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, nhưng do bước đầu tiến hành nên còn nhiều lúng túng, thậm chí chưa có những đột phá mới so với các quy định và hướng dẫn về chính sách tiền lương mà nhà nước đang ban hành, nên tính linh hoạt và thích ứng với thị trường chưa cao.

Thứ hai, về năng lực tài chính của doanh nghiệp dầu khí, nhìn chung đủ khả năng để đáp ứng yêu cầu trả lương linh hoạt. Tuy nhiên, khi thiết lập nguồn quỹ lương, vẫn vấp phải những quy định kém linh hoạt từ chính sách hiện hành, có thể đơn cử về nguồn quỹ lương của một số chức danh như sau:

+ Ở một số chức danh như thuyền trưởng, máy trưởng, thợ lặn trưởng vận dụng theo quy định của doanh nghiệp Nhà nước tại Nghị định 141/2007/NĐ-CP cho phép lập kế hoạch quỹ lương theo lao động định biên, hệ số lương theo Nghị định 205/2004/NĐ-CP, mức lương tối thiểu tăng thêm không quá 2 lần mức lương tối thiểu do Nhà nước công bố. Do vậy, nếu định biên sát với thực tế thì việc vận dụng cách trả lương như trên sẽ thiếu nguồn. Thí dụ thuyền trưởng hiện trả là 33.356.336 đồng/tháng, nhưng tính theo quy định chỉ là 5,26 x


650.000x(1+2) + 150.000x26 = 14.157.000 đồng/tháng (bằng 42,44% số thực trả). Để có phần tiền lương trả thêm cho chức danh này, thường phải dựa vào phần quỹ lương tiết kiệm do không phải thuê chuyên gia nước ngoài và một phần quỹ lương ứng với doanh thu vượt kế hoạch. Mặc dù vậy, cách làm này vẫn còn bất cập bởi hai lý do, một là, quỹ lương thuê chuyên gia nước ngoài được dự kiến từ đầu năm, do vậy trong năm nếu số dự kiến đó vừa sát với thực tế thì sẽ không có phần quỹ lương tiết kiệm; hai là, quỹ lương ứng với phần doanh thu vượt kế hoạch đang vận dụng theo phương pháp tính lũy thoái của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, do đó nguồn quỹ lương bị hạn chế. Thêm nữa, nếu giá cả dịch vụ giảm mà khối lượng công việc thực hiện giữ ổn định thì doanh thu sẽ giảm, khi đó không có phần doanh thu vượt kế hoạch, nên không có quỹ lương vượt kế hoạch, hiện tượng thiếu quỹ lương sẽ xẩy ra và là gánh nặng chi phí trong năm sau của doanh nghiệp.

+ Đối với chức danh giám sát các hợp đồng dầu khí, năm 2008, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã cho phép xây dựng theo cơ chế đặc thù nhưng do vẫn dựa vào hệ số lương mà nhà nước quy định nên khi thị trường biến động lớn về giá công lao động thì nguồn quỹ lương không đảm bảo để trả lương.

2.3.2.2. Xác định các chức danh công việc và loại lao động được trả lương linh hoạt.

Đây là nội dung rất quan trọng nhằm xác định đúng đối tượng áp dụng phương thức trả lương linh hoạt. Cả lý thuyết và thực tế đều thống nhất rằng, nếu khâu này không bảo đảm chính xác, hợp lý, thì trả lương linh hoạt sẽ kém hiệu quả hoặc thậm chí làm triệt tiêu ý nghĩa tích cực của phương thức trả lương linh hoạt. Vì vậy,xác định đúng chức danh công việc và loại lao động để áp dụng phương thức trả lương linh hoạt là rất cần thiết.

Do tính chất và đặc điểm của công việc trong tất cả các khâu từ tìm kiếm thăm dò, đến khai thác vận chuyển, chế biến, tàng trữ dầu khí được tiến hành trong một không gian rộng lớn, thường xuyên biến động về điều kiện làm việc, đòi hỏi cao đối với đội ngũ nhân viên cả về trình độ chuyên môn, cả về cường độ


lao động. Vì vậy phương thức trả lương tuỳ thuộc đặc điểm tổ chức lao động của từng loại và những yêu cầu cụ thể của từng nhóm công việc. Có những công việc trả lương theo phương thức truyền thống, có những công việc phải trả lương linh hoạt do tổ chức lao động linh hoạt, có những công việc phải trả lương linh hoạt có giới hạn do quan hệ cung cầu lao động dầu khí trong nuớc và khu vực.

i. Các chức danh trả lương linh hoạt do tổ chức lao động linh hoạt.

Như đã trình bày trên, hoạt động thăm dò khai thác dầu khí được tiến hành ngoài biển, do đó cách thức tổ chức lao động phải thay đổi so với tổ chức lao động để thực hiện các công việc trên bờ. Vì vậy, trên dây chuyền sản xuất kinh doanh dầu khí đã xuất hiện nhiều khâu công việc, nhiều công đoạn (ứng với nó là nhiều loại lao động làm việc) đòi hỏi phải có hình thức tổ chức thích hợp. Ví dụ lao động trên giàn khoan biển phải trực tiếp làm việc ngoài biển là 15 ngày/tháng, ngày làm việc 12 h và vào bờ (đất liền) nghỉ ngơi là 15 ngày, để đảm bảo quy định của Luật lao động về thời giờ làm việc và nghỉ ngơi. Tương tự như vậy, cũng nhằm chấp hành các quy định của Luật lao động, những lao động làm việc trên Tàu dịch vụ kỹ thuật dầu khí, phải duy trì thời gian làm việc 6 tháng ngoài biển, ca làm việc trong ngày là 12h, thời điểm bắt đầu và kết thúc ca làm việc là không tuần tự, còn thời gian vào bờ nghỉ ngơi là 6 tháng. Một số trường hợp khác như thợ lặn trưởng thì thời gian làm việc cũng linh hoạt tương ứng theo công việc thực hiện. Cách tổ chức thời gian làm việc như vậy được gọi là linh hoạt, hay nói theo các nhà quản trị nhân sự dầu khí, đây chính là kiểu tổ chức lao động linh hoạt. Mục đích của tổ chức lao động linh hoạt là bảo đảm các hoạt động trên dây chuyền được thông suốt, liên tục trong mọi hoàn cảnh (như phần đặc điểm đã lưu ý). Tương ứng với nó, đã hình thành các mức lương linh hoạt, nhằm khuyến khích người lao động quan tâm hơn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, chấp hành tối đa những yêu cầu về tiến độ thực hiện nhiệm vụ, chất lượng công việc, điều kiện làm việc khắc nghiệt, đồng thời đảm bảo thực hiện đúng chế độ đãi ngộ với người lao động khi làm việc và phân biệt với các mức đãi ngộ khi nghỉ ngơi.


Hiện nay, các đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia đang áp dụng tổ chức lao động linh hoạt cho ba nhóm công việc chủ yếu, đó là:

- Nhóm 1, gồm các chức danh công việc trên tàu dịch vụ kỹ thuật dầu khí;

- Nhóm 2, gồm các chức danh công việc khoan, khai thác dầu khí trên giàn khoan ngoài biển;

- Nhóm 3, gồm các chức danh công việc kiểm tra, sửa chữa, lắp ráp các công trình dưới biển.

Tương ứng với 3 nhóm chức danh công việc trên là các nhóm LĐCMKTC được bố trí áp dụng phương thức trả lương linh hoạt. Theo thống kê năm 2008, tổng LĐCMKTC của Tập đoàn là 6436 người, nhưng xác định sẽ phải trả lương linh hoạt là 2695 người chiếm 41,87% LĐCMKTC, trong đó lao động 3 nhóm trên là 2014 người. Số lao động này được bố trí theo bảng phân công lao động tại mỗi loại dịch vụ và hình thành các công việc theo bản mô tả nội dung nhiệm vụ và giao khoán công việc. Mỗi loại lao động vừa có tính chuyên môn hóa cao, nhưng lại có khả năng kiêm nhiệm cùng lúc một số chức năng, mà những lao động thông thường không thể làm được. Dưới đây mô tả nội dung các công việc trên và xác định loại lao động trả lương linh hoạt:

a. Các chức danh công việc trên tàu dịch vụ kỹ thuật dầu khí:

Tàu dịch vụ kỹ thuật dầu khí thực hiện vận tải, xếp dỡ hàng hoá và tiến hành cứu hộ cho người và thiết bị, vật tư kỹ thuật trên các giàn khoan đang hoạt động ngoài biển bao gồm:

- Chở hàng hoá từ đất liền ra giàn và từ giàn vào đất liền.

- Xếp dỡ hàng hoá.

- Cứu hộ, cứu nạn trên biển cho người và các công trình dầu khí. Hàng mà tàu dịch vụ kỹ thuật dầu khí vận chuyển gồm:

- Trang thiết bị máy móc, thiết bị khoan;

- Chất nổ, chất phóng xạ, xăng dầu, hoá chất khác phục vụ cho tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí;

- Các loại chất thải độc hại từ giàn khoan.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 15/09/2022