Cạnh tranh. Tính đến thời điểm tác giả viết luận văn này, luật duy nhất đề cập trực tiếp đến phương thức BHĐC là luật Cạnh tranh. Theo tác giả, đó là lí do nhà làm luật đưa Luật cạnh tranh là căn cứ khi ban hành Nghị định 42 và có thể khẳng định pháp luật về BHĐC là một bộ phận quan trọng trong pháp luật Cạnh tranh.
Tuy nhiên, pháp luật cạnh tranh chỉ điều chỉnh một phần trong các nội dung quản lý hoạt động BHĐC khi có dấu hiệu bất chính xảy ra. Cụ thể, hành vi BHĐC bất chính là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Phần điều chỉnh liên quan đến quản lý hành chính đối với hoạt động BHĐC không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật Cạnh tranh. Nó là tập hợp những quy phạm pháp luật có tính chất quản lý hành chính riêng.
Trên cơ sở phân tích ở trên, chúng ta có thể đưa ra định nghĩa về pháp luật về BHĐC như sau:
Pháp luật về Bán hàng đa cấp là một bộ phận quan trọng của pháp luật cạnh tranh điều chỉnh những mối quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình nhà nước quản lý hoạt bán hàng đa cấp.
1.2.2 Nội dung pháp luật về bán hàng đa cấp
1.2.2.1. Chủ thể của quan hệ pháp luật bán hàng đa cấp.
Có nhiều chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật BHĐC bao gồm: Nhà nước với vai trò quản lý, doanh nghiệp BHĐC, người tham gia BHĐC, khách hàng là NTD. Chủ thể chính tham gia quan hệ pháp luật BHĐC bao gồm doanh nghiệp BHĐC và người tham gia BHĐC:
Thứ nhất, doanh nghiệp BHĐC có thể là doanh nghiệp trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm đem bán hoặc là doanh nghiệp phân phối các sản phẩm từ các thương nhân khác nhau, nó có thể là doanh nghiệp trong nước hoặc nước ngoài tùy thuộc vào mức độ mở cửa thị trường của mỗi nước cũng như môi trường kinh doanh nội địa. Doanh nghiệp BHĐC có thể được thành lập dưới các hình thức khác nhau như công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên, công ty cổ phần. Pháp luật mỗi quốc gia quy định về điều kiện (dào cản) để các doanh nghiệp tham gia phân phối sản phẩm theo phương thức BHĐC khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm
tình hình thị trường, quy mô dân số, quan điểm xây dựng…
Thứ hai, người tham gia BHĐC tham gia vào mạng lưới BHĐC thông qua hợp đồng. Lợi nhuận của người này nhận được từ phía công ty BHĐC thông qua việc bán hàng của chính mình và của những người khác thuộc hệ thống do mình lập ra. Về địa vị pháp lý, người tham gia BHĐC có địa vị hết sức đặc biệt. Họ vừa được ví như là người đại lý, nhân viên tiếp thị, vừa là nhân viên bán hàng cũng là người vận chuyển sản phẩm đến tay NTD. Pháp luật của mỗi quốc gia quy định những điều kiện đối với người tham gia căn cứ vào đặc điểm nhân thân, mức độ nhận thức, mật độ dân cư, chính sách lao động…
Có thể bạn quan tâm!
- Hoàn thiện pháp luật về Bán hàng đa cấp tại Việt Nam theo kinh nghiệm một số nước trên thế giới - 1
- Hoàn thiện pháp luật về Bán hàng đa cấp tại Việt Nam theo kinh nghiệm một số nước trên thế giới - 2
- Hoàn thiện pháp luật về Bán hàng đa cấp tại Việt Nam theo kinh nghiệm một số nước trên thế giới - 4
- Hoàn thiện pháp luật về Bán hàng đa cấp tại Việt Nam theo kinh nghiệm một số nước trên thế giới - 5
- Một Số Nét Về Ngành Công Nghiệp Bán Hàng Đa Cấp Tại Việt Nam
Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.
1.2.2.2. Nhà nước-chủ thể đặc biệt của quan hệ pháp luật bán hàng đa cấp
Nhà nước là chủ thể đặc biệt trong quan hệ pháp luật BHĐC. Sự tham gia của nhà nước giữ vai trò điều tiết và quản lý. Ví dụ: Mức hoa hồng trả cho người tham gia thường bị khống chế ở một mức độ nhất định (Việt Nam không quá 40% [26, Điều 27, Khoản 2]).
Nhà nước thể hiện vai trò của mình thông qua việc ban hành các văn bản pháp luật điều chỉnh về BHĐC; ban hành bộ thủ tục đăng ký để được cấp GĐK, chế độ báo cáo, chế độ thanh, kiểm tra phát hiện và xử lý vi phạm (nếu có)… Nhà nước có chính sách khuyến khích tạo điều kiện hoặc kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp này tùy thuộc quan điểm của họ theo từng thời kỳ khác nhau.
Ngoài ra, nhà nước còn là một chủ thể có quyền năng đặc biệt vì chỉ có nhà nước mới quyết định được việc có hay không cho phép sự tồn tại của phương thức BHĐC ở mỗi nước.
1.2.2.3. Các hiệp hội có liên quan
Sự ra đời cũng như tham gia vào các hiệp hội đánh dấu sự phát triển quan hệ hợp tác của các doanh nghiệp BHĐC. Hiệp hội ra đời và tồn tại đem lại nhiều lợi ích cho thành viên, đặc biệt hiệp hội có tiếng nói lớn hơn và giúp truyền tải tốt hơn nguyện vọng của các thành viên tới cơ quan có thẩm quyền và cộng đồng.
1.2.2.4. Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp
Quan hệ BHĐC giữa doanh nghiệp BHĐC với người tham gia vào mạng lưới BHĐC được xác lập và thực hiện thông qua hình thức pháp lí là hợp đồng. Có thể hiểu rằng hợp đồng tham gia BHĐC là việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ trong quan hệ BHĐC giữa các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật này. Với tư cách là hình thức pháp lí của quan hệ pháp luật BHĐC, hợp đồng tham gia BHĐC có những dấu hiệu pháp lí sau:
- Chủ thể của hợp đồng: Doanh nghiệp BHĐC và người tham gia BHĐC;
- Hình thức của hợp đồng là phương tiện để ghi nhận kết quả mà các bên đã thỏa thuận với nhau. Nó có thể thể bằng lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể. Tuy nhiên, với tính chất phức tạp của quan hệ BHĐC, khả năng phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng là rất lớn nên hợp đồng tham gia BHĐC luôn phải được thể hiện dưới những hình thức đảm bảo rõ ràng nhất để giúp cho quá trình thực hiện và giải quyết tranh chấp trở nên thuận tiện hơn.
- Đối tượng của hợp đồng: Đối tượng của hợp đồng tùy thuộc vào từng quốc gia khác nhau. Nhiều quốc gia thừa nhận cả hàng hóa và dịch vụ nhưng có những quốc gia chỉ công nhận hàng hóa là đối tượng của hợp đồng này.
- Nội dung cơ bản của hợp đồng: Nội dung của hợp đồng là thỏa thuận giữa các bên về quyền và nghĩa vụ trong quan hệ BHĐC. Pháp luật về BHĐC thường có những quy định hướng dẫn về những nội dung chủ yếu của hợp đồng tham gia BHĐC như: Chủ thể, hàng hóa, cách tính tiền hoa hồng, quyền và nghĩa vụ của các bên, chấm dứt thanh lý hợp đồng, xử lý khi có tranh chấp và vi phạm hợp đồng…
1.2.2.5. Kiểm soát hoạt động bán hàng đa cấp
BHĐC là một biện pháp tiên tiến trong việc đem sản phẩm đến gần hơn với NTD. Tuy nhiên, phương thức BHĐC cũng tiềm ẩn rất nhiều những nguy cơ ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của NTD, của người tham gia và gây xáo trộn trật tự xã hội. Bởi vậy, vấn đề kiểm soát hoạt động BHĐC là cần thiết. Các cơ chế có thể được áp dụng đối với việc kiểm soát hoạt động BHĐC gồm: Bồi thường dân sự; Xử lý hành chính; Xử lý hình sự.
1.3. Vấn đề học hỏi kinh nghiệm một số nước trên thế giới về bán hàng đa cấp của Việt Nam
1.3.1. Nhu cầu học hỏi kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện pháp luật Việt Nam về bán hàng đa cấp
Thứ nhất, thế giới ngày càng phẳng hơn, thế giới mở ra với xu thế chính trong quan hệ quốc tế vẫn là hội nhập. Đứng trước xu thế chính đó, Việt Nam không thể tự cô lập, tách mình ra khỏi cộng đồng quốc tế trở thành một ốc đảo. Chúng ta cũng đã nhận định được đúng đắn vấn đề này. Do vậy, quan điểm đối ngoại của Việt Nam là hội nhập và muốn làm bạn với tất các nước trong cộng đồng quốc tế để học hỏi, tiếp thu và rút ngắn khoảng cách phát triển giữa chúng ta và thế giới [14, 15]. Chúng ta cần phải tích cực hội nhập sâu sắc và tiếp thu những thành tựu của các nước trong cộng đồng quốc tế trong đó có thành tựu lập pháp liên quan đến pháp luật về quản lý hoạt động BHĐC .
Thứ hai, BHĐC trên thế giới có lịch sử phát triển gần 80 năm nhưng vào Việt Nam rất muộn (chưa tròn hai chục năm). Chúng ta đi sau nên việc học tập kinh nghiệm của các nước có quá trình điều chỉnh lâu dài và phù hợp là điều cần thiết và hợp quy luật. Ra đời từ đầu thế kỉ 20, BHĐC gắn liền với tên tuổi của nhà hóa học người Mỹ Carl Renborg (1887-1973). Ông là người đầu tiên ứng dụng ý tưởng tiếp thị mạng lưới vào trong cuộc sống, tạo ra một hệ thống kinh tế, một ngành kinh doanh được coi là có triển vọng nhất trong thế kỷ 21 [21]. Thời điểm được coi là bắt đầu phương thức kinh doanh này là cuối năm 1939 đầu 1940. Hiện nay, KDĐC đã và đang phát triển mạnh ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp các châu lục, với hơn 30.000 công ty lớn đã áp dụng phân phối hàng hóa theo mô hình BHĐC [53].
Thứ ba, nền công nghiệp BHĐC trên thế giới đã gặt hái được nhiều thành tựu và cũng bộc lộ những khuyết điểm. Do vậy, việc tìm hiểu và học tập kinh nghiệm các nước sẽ giúp cho Việt Nam giảm thiểu được những khiếm khuyết phát huy được những mặt tích cực của phương thức này. Năm 2013, doanh số bán lẻ theo phương thức BHĐC toàn cầu đạt 178,52 tỉ USD [51]. Tại Mỹ KDTM phát triển rất mạnh mẽ.
Hiệp hội BHTT (DSA – Direct selling association), một cơ quan thuộc ngành công nghiệp Mỹ, đã đưa ra báo cáo năm 1990, con số thành viên của hiệp hội này kinh doanh theo phương thức đa cấp mới chỉ đạt 25%, nhưng đến năm 1999 con số này tăng lên tới 77,3% [47]. Các công ty lớn như Avon, Electrolux, Tupperware, và Kirby dù ban đầu rất thành công với phương thức kinh doanh đơn cấp nhưng sau đó cũng đã chuyển sang KDĐC [49]. Đến năm 2009, 94,2% thành viên của hiệp hội đã kinh doanh theo phương thức đa cấp. Số lượng NPP của những công ty đó chiếm 99,6% số lượng nhân viên bán hàng của toàn bộ các công ty thành viên, và trong đó doanh số bán hàng của hiệp hội có đến 97,1% doanh số bán hàng từ các công ty BHĐC [45]. Số liệu báo cáo năm 2011, DSA có 200 thành viên [46] và ước tính tại Mĩ hiện có khoảng hơn 2.000 công ty hoạt động kinh doanh theo mô hình BHĐC. Cứ 10 gia đình tại Mĩ thì có một người làm trong ngành, chiếm khoảng 15% dân số, có khoảng
500.000 người trở thành triệu phú nhờ BHĐC [36]. Bên cạnh những thành tựu trên, chúng ta cũng sẽ rất thảng thốt khi nghe đến các vụ lừa đảo đa cấp làm rúng động thị trường trên thế giới như: Vụ việc của PrimeAmerica làm thiệt hại cho nền kinh tế Hoa Kỳ 57.6 tỷ USD/năm hay vụ việc ủy ban SEC (U.S Securities And Exchange Commission) của Hoa Kỳ - một cơ quan có sứ mệnh bảo vệ nhà đầu tư, duy trì công bằng, trật tự và hiệu quả của thị trường cũng như tạo điều kiện cho việc tạo lập nguồn vốn, đã ra quyết định chấm dứt hoạt động của Công ty ZEEKREWARDS.COM với 1,5 triệu NPP vì bị kết luận kinh doanh đa cấp bất chính.
Thứ tư, BHĐC là phương thức do nước ngoài du nhập vào Việt Nam nên chúng ta tiếp thu bị động. Cả người dân và chính quyền đều chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để đón nhận phương thức mới mẻ này. Trong khi chính quyền còn bộc lộ những yếu kém về năng lực quản lý thì người dân lại vô cùng nhẹ dạ cả tin. Muốn chuyển từ bị động sang chủ động đòi hỏi chúng ta phải học tập kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện pháp luật trong nước. Năm 1998, tại TP. Hồ Chí Minh một nhóm người từ Đài Loan sang Việt Nam liên doanh với Công ty Incomex và kinh doanh dưới hình thức BHĐC đánh dấu sự xuất hiện lần đầu tiên của phương thức BHĐC tại Việt Nam [33].
1.3.2. Nguyên tắc học hỏi kinh nghiệm quốc tế
Chúng ta đi sau, chúng ta chậm phát triển hơn nên việc học hỏi một cách chủ động và có chọn lọc là cần thiết. Chúng ta cần đặc biệt chú ý tới 02 nguyên tắc khi tiếp thu kinh nghiệm quốc tế là:
Thứ nhất, kinh nghiệm của các nước phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của Việt Nam. Đặc thù, hoàn cảnh của mỗi quốc gia khác nhau là khác nhau, do vậy, quá trình hình thành, phát triển và điều chỉnh bằng pháp luật đối với hoạt động BHĐC cũng khác nhau. Chúng ta cần phải lưu tâm đến nguyên tắc này nếu không muốn bị xa vào tình trạng thiếu thực tế khi điều chỉnh dẫn đến hiệu quả không cao.
Thứ hai, kinh nghiệm các nước đã được kiểm chứng qua thực tiễn quản lý, kiểm soát, điều hành. Tính thực tiễn cần được đặt ở một ví trí rất cao khi đánh giá và học tập những quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động BHĐC của các nước. Phải thấy được quá trình điều chỉnh bằng pháp luật một cách toàn diện và lâu dài của các nước mới thấy được những ưu điểm, nhược điểm của nó, từ đó làm cơ sở rút ra những vấn đề nào nên học tập vấn đề nào không. Kết hợp hệ quy chiếu này với hoàn cảnh, điều kiện Việt Nam sẽ giúp chúng ta có được một sự tiếp thu khoa học, khách quan và giàu tính sáng tạo đem lại hiệu quả cao trong thực tiễn.
1.3.3. Kinh nghiệm của một số nước
1.3.3.1. Malaysia
Giới thiệu chung:
Malaysia là một quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, thành viên sáng lập của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có những điểm tương đối gần gũi với Việt Nam về vị trí địa lí, văn hóa. Đây là lí do tại sao tác giả chọn Malaysia là quốc gia đầu tiên để học hỏi kinh nghiệm về quản lý hoạt động BHĐC. Malaysia theo mô hình liên bang bao gồm 13 bang và 02 vùng liên bang. Malaysia theo thể chế quân chủ nghị viện, lưỡng viện với hệ thống pháp luật theo hệ thống pháp luật của Anh [60]. Tính đến 02/2013 dân số Malaysia là 29.179.952 người trong đó người Malay chiếm 50.4%, người Trung Quốc chiếm 23.7% và các dân tộc khác chiếm 25,9 % [61].
Số liệu về BHTT tại Malaysia
Theo báo cáo của Liên đoàn các Hiệp hội BHTT thế giới năm 2013 doanh thu từ hoạt động BHTT của Malaysia đạt con số tương đối ấn tượng là 4,659 tỷ USD (chiếm khoảng 3% doanh số BHTT toàn cầu – tương đương với mức doanh số của Pháp, một quốc gia có dân số cao hơn rất nhiều là 65,8 triệu người năm 2013 [80]). Số lượng NPP đạt 4.250.000 người (chiếm hơn 15% dân số) [43].
Trong các sản phẩm BHĐC của Malaysia, thảo dược và thực phẩm bổ sung có doanh thu cao nhất chiếm khoảng 33%, tiếp đó là mỹ phẩm & EPC đạt 23%, thiết bị gia dụng 13%, thực phẩm, đồ dùng gia đình chiếm 8%, sản phẩm thêu/đồ lót chiếm 6%, đồ uống chiếm 6% [62].
Hiệp hội Bán hàng trực tiếp tại Malaysia
Hiệp hội BHTT Malaysia (DSAM - Direct Selling Association of Malaysia) được thành lập năm 1978, là hiệp hội thương mại quốc gia với mục tiêu thúc đẩy và quảng bá ngành BHTT và giữ vai trò người phát ngôn thực tiễn cho ngành công nghiệp này. Hiệp hội có 64 thành viên, trong đó 50% thành viên là các công ty đa quốc gia. Sau 30 năm, vào năm 2008, biểu tượng của DSAM đã được thay đổi và sử dụng cho đến nay, tương xứng với tầm ảnh hưởng và sự phát triển của ngành công nghiệp BHTT [62].
Cơ quan quản lý hành chính đối với hoạt động BHTT
Bộ Thương Mại Nội Địa, Hợp Tác Và Bảo Vệ Quyền Lợi Người Tiêu Dùng (MDTCC - Ministry of Domestic Trade, Co-operatives and Consumerism) là cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động BHTT tại Malaysia. Được thành lập ngày 27/10/1990, cơ quan này ra đời để đẩy mạnh sự phát triển của thương mại nội địa và bảo vệ quyền lợi của NTD Malaysia [63]. Để thực hiện hoạt động quản lý hành chính đối với hoạt động BHTT tại quốc gia này, nhà làm luật đã ban hành rất nhiều văn bản và giao cho MDTCC tổ chức và thực hiện như:
Đạo Luật Bán hàng Trực tiếp 1993 (Luật 500);
Năm 2011, Đạo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bán Hàng Trực tiếp và Chống Bán Hàng theo Mô Hình Kim Tự Tháp 1993 được ban hành;
Đạo Luật Cạnh Tranh 2010, Đạo Luật Bảo Vệ Dữ Liệu Cá Nhân 2010, Đạo Luật Kiểm Soát Giá và Chống Đầu Cơ 2011, Đạo Luật Bảo vệ NTD 1999.
Một số nét chính trong quy định pháp luật quản lý hoạt động BHTT
Yêu cầu về giấy phép:Để hoạt động theo phương thức BHTT tại Malaysia, việc đăng ký để được cấp giấy phép là một yêu cầu bắt buộc [43, Điều 4]
Đối tượng được phân phối theo phương thức BHTT: Pháp luật Malaysia thừa nhận BHTT đối với cả hàng hóa và dịch vụ. Trong đó: hàng hóa được định nghĩa là tất cả các loại động sản ngoại trừ các quyền tài sản khác, thương phiếu, cổ phiếu, trái phiếu và tiền; dịch vụ bao gồm các quyền và lợi ích bất kỳ loại trừ việc cung cấp hàng hóa và thực hiện các công việc theo hợp đồng dịch vụ, và một tham chiếu đến từ dịch vụ trong Luật 500 liên quan đến BHTT và bán hàng kim tự tháp; [43, Điều 2]
Khách hàng của kênh phân phối theo phương thức BHTT tại Malaysia chỉ có thể là cá nhân [43, Điều 1(3)(a)].
Đối tượng BHTT tại Malaysia được mở rộng khi nhà làm luật thừa nhận cả hàng hóa và dịch vụ đều là đối tượng của hoạt động này. Nhà làm luật cũng quy định rõ những hàng hóa, những dịch vụ nào được tiến hành phân phối theo phương thức BHTT. Qua đó, chúng ta thấy rằng thị trường BHTT của Malaysia là tương đối rộng mở đối với nhà đầu tư.
Tên gọi và định nghĩa:Tại Malaysia, hoạt động phân phối theo phương thức BHĐC được gọi là: Bán hàng trực tiếp. Theo pháp luật Malaysia, hoạt động BHTT được định nghĩa bao gồm: Bán hàng tận cửa, bán hàng qua thư điện tử và bán hàng qua giao dịch điện tử. Bán hàng tận cửa được định nghĩa là phương thức bán hàng hóa hoặc dịch vụ được thực hiện theo cách thức: Một người hoặc bất kỳ người nào được ủy quyền đến các địa điểm mà không phải là địa điểm kinh doanh cố định hoặc tiến hành thông qua các cuộc điện thoại để tìm ra những người có thể ký hợp đồng trở thành người mua hàng hóa, dịch vụ. Sau đó, người này hoặc một số người khác đàm phán với những người mua tiềm năng để ký những hợp đồng tương tự.