Hoàn thiện pháp luật thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay - 5

Mặt khác, khi áp dụng hệ thống nhiều mức thuế suất, trong những trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ chịu thuế để sản xuất và bán những sản phẩm được miễn trừ thuế, hoặc trong trường hợp thuế suất thuế đầu vào thấp và thuế suất thuế đầu ra cao hoặc ngược lại thì tính công bằng trong việc xác định nghĩa vụ thuế GTGT đã không được đảm bảo.

Tuy việc áp dụng thống nhất một mức thuế suất sẽ làm cho thuế GTGT mang tính chất lũy thoái nhiều hơn, người giàu được lợi hơn người nghèo, do đó, không đảm bảo tính công bằng theo chiều dọc của thuế. Song cũng phải thấy rằng tính chất lũy thoái của thuế GTGT có thể được bù lại nếu kết hợp với việc cải cách những sắc thuế trực thu.

Do đó, theo kinh nghiệm áp dụng của các nước cũng như phân tích của các chuyên gia kinh tế, cơ cấu thuế suất lý tưởng nhất là ngoài thuế suất bằng không (0%) đối với hàng hóa xuất khẩu, chỉ áp dụng thống nhất một mức thuế suất dương. Phần lớn sự phức tạp tạo ra đối với doanh nghiệp là do áp dụng cơ cấu nhiều thuế suất. Vì vậy, không nên áp dụng cơ cấu nhiều thuế suất để tạo ra một sự ưu đãi cho dân cư có thu nhập thấp và đánh thuế cao đối với hàng hóa cao cấp, mặc dù các chính trị gia cho rằng làm như thế là rất hợp lý. Bởi trước hết cơ cấu nhiều thuế suất sẽ bóp méo hành vi lựa chọn tiêu dùng cũng như nhà sản xuất. Việc áp dụng một mức thuế suất thuế GTGT thấp hơn đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mặc dù có thể giúp đỡ được chút ít cho tầng lớp dân cư có thu nhập thấp nhưng không hề ảnh hưởng định hướng khuyến khích sản xuất, với thuế GTGT không phải là chi phí của nhà kinh doanh. Hơn nữa, thuế GTGT tỏ ra là công cụ tồi để thực hiện chức năng trợ giúp xã hội đối với người nghèo, rõ ràng các chế độ điều tiết thu nhập, trợ giá, trợ cấp xã hội…có thể dễ dàng đạt được mục tiêu giúp đỡ người nghèo trực tiếp và hữu hiệu hơn nhiều. Mặt khác, việc áp dụng một mức thuế suất thuế GTGT cao hơn trên hàng hóa, dịch vụ được coi là xa xỉ cũng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nên việc sử dụng những công cụ như thuế tiêu thụ đặc biệt và các khoản phụ thu khác là những

phần bổ sung tốt nhất cho thuế GTGT để thu thuế cao hơn đối với một số hàng hóa, dịch vụ loại này. Đó là chưa tính đến chi phí quản lý hành chính thuế tăng rất nhiều theo số lượng của thuế suất được áp dụng làm cho hiệu quả của thuế GTGT bị giảm sút.

Như vậy, về nguyên tắc một sắc thuế được coi là lý tưởng khi sắc thuế này được áp dụng trung lập đối với tất cả các loại hình giao dịch kinh tế, theo đó tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ sẽ chịu cùng mức thuế suất. Nếu điều này đạt được, thuế GTGT sẽ đạt được tính trung lập tuyệt đối và do đó sẽ không làm bóp méo hành vi và quyết định tiêu dùng. Hiện nay, có đến một nửa các quốc gia đã áp dụng hệ thống một thuế suất trong tổng số các nước áp dụng thuế GTGT.

Phương pháp tính thuế GTGT: Phương pháp tính thuế GTGT là những cách thức tính toán số thuế GTGT phải nộp của các đối tượng nộp thuế vào NSNN.

Xuất phát từ lý thuyết GTGT, các chuyên gia kinh tế thế giới đã đưa ra bốn phương pháp tính thuế GTGT [46, tr. 3-5]. Song thực tiễn áp dụng thuế GTGT các nước thường tính theo phương pháp khấu trừ hay còn gọi là phương pháp hóa đơn. Theo đó pháp luật của các nước thường qui định: Hàng tháng đối tượng nộp thuế lấy tổng số thuế GTGT đầu ra thu được khi bán hàng trừ đi tổng số thuế GTGT đầu vào phải trả khi mua hàng. Nếu kết quả là một số dương thì đó là số thuế GTGT phải nộp vào NSNN. Nếu kết quả là một số âm thì được chuyển bù trừ vào số số thuế GTGT phải nộp của tháng sau hoặc đề nghị cơ quan thuế hoàn lại theo qui định của pháp luật.

Việc xác định nghĩa vụ thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ hoàn toàn loại trừ khả năng thuế tính chồng lên thuế. Vì vậy, hầu hết các nước đều xác định phạm vi nghĩa vụ thuế GTGT theo phương pháp này, mặc dù chi phí quản lý hành chính cao hơn. Sở dĩ vậy, bởi:

- Việc tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ phải dựa vào hóa đơn. Ở đây hóa đơn vừa là chứng từ của một nghiệp vụ kinh doanh (nghiệp vụ chuyển giao hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ) vừa là căn cứ pháp lý để tính

thuế. Vì vậy, nó gắn kết nghĩa vụ nộp thuế với nghiệp vụ kinh doanh của các doanh nghiệp - một nghĩa vụ hết sức quan trọng của các chủ thể khi thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 117 trang tài liệu này.

- Khi tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ phải đánh thuế đúng và đủ đối với mọi đối tượng chịu thuế GTGT, không phân biệt đối tượng chịu thuế đó ở khâu sản xuất hay ở khâu lưu thông. Vào khâu cuối của chu trình kinh tế, số thuế GTGT mà người tiêu dùng cuối cùng thực sự phải chịu đúng bằng thuế suất nhân với giá bán lẻ chưa có thuế GTGT. Số thuế này cũng đúng bằng tổng số thuế GTGT do các đơn vị khác nhau nộp khi mua hàng hóa, dịch vụ mà khấu trừ luân phiên trong quá trình luân chuyển của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đó.

- Tính thuế theo phương pháp khấu trừ đảm bảo sự động viên kịp thời một phần thu nhập quốc dân bởi có thể xác định được nghĩa vụ nộp thuế theo tuần, theo tháng, theo quý hoặc theo năm và có những trường hợp động viên trước được số thuế GTGT phải nộp vào NSNN như trường hợp thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu. Điều này đảm bảo tập trung nhanh nguồn thu cho NSNN. Trong khi đó phương pháp trực tiếp muốn tính toán được số thuế GTGT phải nộp đòi hỏi phải có lượng thời gian nhất định và tương đối dài, bởi muốn tính được GTGT thì phải xác định được lợi nhuận mà việc này trong thực tế diễn ra rất chậm. Mặt khác nhìn vào tài khoản kế toán rất khó phân biệt doanh thu bán hàng cũng như giá vốn (giá đầu vào) của từng loại sản phẩm có thuế suất khác nhau. Đặc biệt, với thuế GTGT có nhiều thuế suất thì việc tổ chức công tác kế toán để theo dõi tiền công và lợi nhuận hoặc chênh lệch đầu ra và đầu vào cho từng thuế suất riêng biệt là hết sức phức tạp.

Hoàn thiện pháp luật thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay - 5

Trong thực tế vận hành thuế GTGT tại các nước phát triển, luật chỉ qui định duy nhất một phương pháp tính thuế GTGT là: Thuế GTGT phải nộp vào NSNN bằng thuế thu khi bán hàng trừ đi thuế GTGT phải trả khi mua hàng, xét theo từng kỳ hạch toán. Bên cạnh đó, qui định sử dụng thêm hệ số qui đổi để tính thuế GTGT theo giá đã bao gồm cả thuế trong đó. Hệ số qui

đổi, thực chất chỉ là thủ thuật toán học, không vi phạm bản chất thuế GTGT, không gây ra hiện tượng đánh thuế chồng chéo. Hệ số qui đổi được qui định thống nhất trong cả nước, áp dụng đồng thời với phương pháp tính thuế GTGT trên giá bán chưa có thuế. Cả hai cách tính đều có giá trị khấu trừ thuế như nhau. Qui định như vậy sẽ cho phép mọi hoạt động kinh tế thuộc diện chịu thuế GTGT không phân biệt bán theo giá đã có thuế hay giá chưa có thuế, nếu lập hóa đơn hợp pháp đều có khả năng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Cả người mua, cả người bán không phân biệt theo cách tính thuế đều gặp thuận tiện khi tính toán mua bán hàng hóa, dịch vụ và thanh toán thuế GTGT trong thực tế [28, tr. 48].

Tóm lại, tính thuế theo phương pháp khấu trừ là phương pháp đặc thù, độc đáo của thuế GTGT, là điểm cốt lõi để phân biệt thuế GTGT với thuế doanh thu và các loại thuế khác. Chính nhờ phương pháp khấu trừ mà thuế GTGT thể hiện được ưu thế nổi bật về tính trung lập kinh tế, không làm tăng giá thành sản xuất, cũng không phụ thuộc vào độ dài hay ngắn của chu trình sản xuất và lưu thông của hàng hóa, dịch vụ.

Song về phương diện pháp lý, chúng tôi nhận thấy rằng việc xác định phạm vi nghĩa vụ khi nộp thuế và khi khấu trừ thuế cũng sẽ nẩy sinh những bất cập nếu số thuế được khấu trừ lại dựa trên những hóa đơn chứng từ phản ánh các nghiệp vụ phát sinh không trung thực, hoặc những hóa đơn chứng từ khống, thì rõ ràng lúc này số thuế thực nộp không còn phản ánh đúng phạm vi mức độ của nghĩa vụ thuế GTGT. Vì vậy, một trong những vấn đề được coi là cốt tử khi xác lập cơ chế điều chỉnh pháp luật thuế GTGT, đặc biệt ở nước ta hiện nay cần xây dựng sao cho trước hết có tác dụng tạo lập thói quen lập và sử dụng hóa đơn chứng từ hợp lệ và cùng với các biện pháp đồng bộ khác để nhằm đảm bảo cho hóa đơn, chứng từ luôn phản ánh trung thực, đầy đủ thu nhập và hoạt động kinh doanh của các chủ thể có nghĩa vụ thuế.

Hoàn thuế GTGT: Hoàn thuế GTGT đứng ở các góc độ khác nhau có nhiều cách nhìn nhận khác nhau. Xét góc độ nghiệp vụ thu thuế, hoàn thuế

GTGT chỉ đơn thuần là một biện pháp kỹ thuật trong công tác hành thu. Xét góc độ kinh tế - tài chính hoàn thuế GTGT là việc nhà nước trả lại số thuế GTGT mà đối tượng nộp thuế đã nộp cho NSNN trong một số trường hợp nhất định [21, tr. 76]. Xét góc độ pháp lý, hoàn thuế GTGT là quyền của đối tượng nộp thuế được nhà nước trả lại một khoản tiền nhất định khi có đầy đủ các yếu tố cấu thành do luật định.

Hoàn thuế là quyền pháp lý của đối tượng nộp thuế được xuất hiện trên cơ sở yếu tố luật định một cách khách quan. Nếu nộp thuế là nghĩa vụ pháp lý của đối tượng nộp thuế được xuất hiện trên cơ sở yếu tố luật định một cách khách quan thì hoàn thuế là quyền pháp lý của đối tượng nộp thuế cũng được xuất hiện trên cơ sở yếu tố luật định một cách khách quan. Luận cứ khoa học pháp lý cơ bản này cần phải được khẳng định khi xem xét vấn đề hoàn thuế. Bởi lẽ:

- Nếu vấn đề hoàn thuế không được qui định trong luật thuế thì sẽ không xuất hiện quyền pháp lý này ở các đối tượng nộp thuế.

- Nếu luật thuế không qui định vấn đề hoàn thuế thì cơ quan thuế không có quyền ra quyết định hoàn thuế cho bất cứ một đối tượng nào. Quyết định hoàn thuế của cơ quan thuế chỉ mang tính chất tuyên bố, xác nhận quyền hoàn thuế của từng đối tượng cụ thể khi các chủ thể này hội đủ các điều kiện hoàn thuế do luật định.

Sẽ có những ảnh hưởng theo xu hướng tiêu cực trong quá trình thực hiện các luật thuế nếu có sự nhầm lẫn: quyền hoàn thuế được xuất hiện trên cơ sở quyết định hoàn thuế của cơ quan thuế. Với sự nhầm lẫn này dễ làm nảy sinh tư tưởng ban phát từ phía cơ quan thuế và sự chạy chọt để được hoàn thuế từ phía đối tượng nộp thuế.

Dưới giác độ là quyền chủ thể, các đối tượng thuộc diện hoàn thuế được phép thực hiện một số hành vi nhất định như có quyền yêu cầu cơ quan thuế phải thực hiện hoàn thuế khi đã đáp ứng đủ các điều kiện pháp luật qui định; nếu trường hợp cơ quan thuế ra quyết định hoàn thuế không đúng,

không kịp thời thì có quyền khiếu kiện hành chính theo thủ tục tư pháp và vấn đề này sẽ thuộc quyền phán quyết của Tòa hành chính.

Tương ứng với những xử sự được phép là những xử sự phải có của các chủ thể thuộc diện được hoàn thuế. Trước hết các chủ thể này phải thể hiện rõ ý chí về quyền hoàn thuế của mình bằng văn bản, cụ thể phải có đơn (công văn) xin hoàn thuế; nếu trường hợp không có đơn xin hoàn thuế thì coi như chủ thể đó khước từ quyền của mình. Thứ hai phải có nghĩa vụ chứng minh hội đủ các điều kiện hoàn thuế bằng việc cung cấp các bằng chứng, tài liệu cần thiết đã được qui định cụ thể trong các văn bản pháp luật. Nghĩa vụ chứng minh gắn liền với trách nhiệm kê khai đúng, trung thực và chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu kê khai. Nếu không chứng minh được và không thực hiện đúng trách nhiệm thì được coi là không hội đủ các điều kiện hoàn thuế, vì vậy, không được hưởng quyền hoàn thuế. Trong trường hợp này cơ quan thuế có quyền không ra quyết định hoàn thuế.

Thông thường, việc hoàn thuế xảy ra trong hai trường hợp:

Một là, trường hợp có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

Việc hoàn thuế trong trường hợp này mang tính chất ưu đãi, tài trợ của nhà nước đối với các chủ thể có hoạt động xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ áp dụng thuế suất 0% nhằm khuyến khích tối đa xuất khẩu, tạo điều kiện hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Thực chất những chủ thể này nhận được một khoản tài trợ của nhà nước thông qua việc hoàn thuế.

Hai là, trường hợp có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết.

Về nguyên tắc, nếu trong kỳ nộp thuế mà thuế đầu vào được khấu trừ không hết thì sẽ phát sinh quyền hoàn thuế. Như vậy hoàn thuế là hệ quả của hành vi khấu trừ thuế đầu vào, nếu số thuế đầu vào được khấu trừ trong kỳ không hết thì nhà nước có nghĩa vụ hoàn thuế cho doanh nghiệp.

Ngoài ra về phương diện lý luận cũng cần phải phân biệt hoàn thuế với thoái thu thuế, thoái trả thuế.

Sau khi các chủ thể trực tiếp hoặc gián tiếp chuyển một phần tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho nhà nước thông qua hình thức điều tiết thu nhập bằng công cụ thuế thì phần tài sản đó thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Bởi ở đây dòng tiền đã được chuyển vào NSNN là hợp pháp hoàn toàn căn cứ vào pháp luật, phù hợp với pháp luật. Vì vậy, việc nhà nước hoàn thuế đồng nghĩa với việc nhà nước chuyển dịch một phần tài sản của mình cho một số chủ thể nhất định đáp ứng đủ các điều kiện được hoàn thuế. Tuy nhiên, việc chuyển dịch quyền sở hữu về tài sản trong trường hợp này không mang tính chất dân sự, không có thỏa thuận ý chí giữa các bên thông qua công cụ hợp đồng, mà thông qua một quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (quyết định hoàn thuế của cơ quan thuế) tức cơ quan thuế trên cơ sở qui định của pháp luật có quyền đơn phương đưa ra quyết định mà không cần sự thỏa thuận của chủ thể bên kia.

Hoàn thuế cũng là một khoản chi của NSNN, vì vậy, khi hoàn thuế phải đảm bảo đầy đủ các nguyên tắc chi NSNN qui định ở Luật NSNN. Điều này hoàn toàn khác với thoái thu thuế - là trường hợp một số chủ thể vì lý do khách quan hoặc do nhầm lẫn đã nộp một khoản tiền vào NSNN mà đáng lẽ ra là không phải nộp. Nghĩa là đã có dòng tiền vào NSNN không có căn cứ pháp lý, nên phải trả lại cho người đã nộp. Khoản tiền này không phải là khoản thu của NSNN, nên thoái thu thuế cũng không phải là khoản chi của NSNN. Vì vậy, trình tự thủ tục hoàn thuế khác với trình tự thủ tục thoái thu thuế. Như vậy, khác với thoái thu thuế là trường hợp không rơi vào đối tượng chịu thuế, doanh nghiệp không có nghĩa vụ thuế nhưng do nhầm lẫn doanh nghiệp đã thực hiện nghĩa vụ thuế, còn hoàn thuế là trường hợp rơi vào đối tượng chịu thuế, doanh nghiệp có nghĩa vụ thuế và đã nộp thuế vào NSNN nhưng được nhà nước cho phép lấy lại số thuế đã nộp.

So với thoái trả thuế, nếu đứng ở góc độ kinh tế - tài chính hoàn thuế cũng như thoái trả thuế đều là việc nhà nước trả lại một khoản tiền nhất định cho đối tượng nộp thuế. Song theo chúng tôi, xét phương diện pháp lý giữa chúng có những điểm khác nhau. Nếu theo quan điểm hoàn thuế là hệ quả của

hành vi khấu trừ thuế GTGT đầu vào thì hoàn thuế chỉ đơn thuần là một biện pháp kỹ thuật trong công tác hành thu; nếu theo quan điểm hoàn thuế GTGT mang tính chất ưu đãi tài trợ của nhà nước thì lại là biện pháp nhằm thực hiện chính sách kinh tế - xã hội của nhà nước. Còn thoái trả thuế GTGT là hệ quả của hành vi quyết toán thuế GTGT theo định kỳ hoặc khi doanh nghiệp sáp nhập, chia tách, giải thể hoặc doanh nghiệp không còn là đối tượng nộp thuế GTGT nhưng có số thuế GTGT nộp thừa, nên không mang tính chất ưu đãi, tài trợ của nhà nước và cũng không phải là một biện pháp kỹ thuật trong công tác hành thu. Mặc dù về trình tự, thủ tục thực hiện quyền hoàn thuế và thoái trả thuế có nhiều điểm chung, như các chủ thể phải thể hiện rõ ý chỉ của mình về quyền này bằng việc phải có đơn xin hoàn thuế hoặc thoái trả thuế và hoàn thuế đều phải có nghĩa vụ chứng minh hội đủ các điều kiện theo qui định của pháp luật.


KẾT LUẬN CHƯƠNG 1


1. Pháp luật thuế GTGT là cơ sở pháp lý của việc tổ chức thu thuế GTGT, một sắc thuế mang tính hiện đại nhưng kỹ thuật thu rất phức tạp.

2. Xét về mặt lý thuyết, thuế GTGT là thuế đánh vào phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Hầu hết pháp luật thuế GTGT các nước đều xác định giá trị gia tăng thông qua giá trị trao đổi, tức thuế GTGT đánh trên giá trị trao đổi tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ, theo đó một trong những cơ sở để tính thuế GTGT là giá tính thuế, mà giá trị trao đổi của hàng hóa, dịch vụ chỉ được xác lập khi thông qua hoạt động cung ứng hàng hóa, dịch vụ như chuyển giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, những hoạt động này được coi là tiền đề làm phát sinh nghĩa vụ thuế GTGT.

3. Luận văn thiết kế, xây dựng những nội dung chủ yếu của pháp luật thuế GTGT. Cụ thể, luận văn tập trung xây dựng lý luận về những vấn đề: Đối tượng chịu thuế GTGT và sự kiện pháp lý làm phát sinh nghĩa vụ thuế GTGT; thời điểm phát sinh nghĩa vụ thuế GTGT; phạm vi, mức độ nghĩa vụ thuế GTGT.

Xem tất cả 117 trang.

Ngày đăng: 12/05/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí