Hoàn thiện pháp luật thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay - 2

chỉnh pháp luật kết hợp với sự vận dụng của những quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước về đổi mới kinh tế, quản lý nhà nước về kinh tế, hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế theo hướng chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới mà cụ thể là quan điểm cải cách hệ thống thuế và pháp luật về thuế. Đồng thời, luận văn sử dụng các phương pháp tư duy trừu tượng, phương pháp phân tích tổng hợp, so sánh, diễn giải, qui nạp và kiểm chứng… để giải quyết những vấn đề đặt ra trong luận văn.

5. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung của luận văn gồm 3 chương:

Chương 1: Những vấn đề lý luận chung về pháp luật thuế giá trị gia tăng.

Chương 2: Pháp luật thuế giá trị gia tăng và thực trạng pháp luật thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam.

Chương 3: Nguyên tắc, phương hướng và các giải pháp hoàn thiện pháp luật thuế giá trị gia tăng.

Chương 1‌‌

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG

VỀ PHÁP LUẬT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 117 trang tài liệu này.

1.1. KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM CỦA THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG


Hoàn thiện pháp luật thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay - 2

1.1.1. Khái niệm thuế giá trị gia tăng

Thuế ra đời là một sự cần thiết khách quan, gắn liền với sự ra đời, tồn tại và phát triển của nhà nước, bởi thuế là nguồn lực vật chất bảo đảm cho nhà nước tồn tại và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình. Ph. Ăngghen đã chỉ rõ: "Để duy trì quyền lực công cộng cần có sự đóng góp của những người công dân cho nhà nước, đó là thuế má…" [30, tr. 552]. Việc huy động để tập trung nguồn của cải xã hội vào trong tay nhà nước có thể thực hiện bằng nhiều cách khác nhau: đóng góp bắt buộc, vận động dân đóng góp tự nguyện hoặc vay, nhưng thuế là quan hệ thu nộp thông qua biện pháp huy động, tập trung của cải có tính bắt buộc đối với mọi thành viên trong xã hội. Việc ấn định các thứ thuế và trực tiếp thực hiện thu thuế của nhà nước là một trong những dấu hiệu cơ bản của nhà nước, cùng với các dấu hiệu khác khiến cho nhà nước khác với các tổ chức tiền nhà nước cũng như các tổ chức tồn tại song hành cùng nhà nước trong hệ thống chính trị của một nước.

Dưới góc độ kinh tế - tài chính, thuế được hiểu là một khoản đóng góp bắt buộc từ các thể nhân và pháp nhân cho nhà nước theo mức độ và thời hạn được pháp luật qui định nhằm sử dụng cho mục đích công cộng [21, tr. 5].

Dưới góc độ pháp lý, các chuyên gia về luật thuế nhận định thuế là nghĩa vụ pháp lý của các tổ chức và cá nhân phải chuyển một phần tài sản thuộc quyền sở hữu của mình vào NSNN khi có đầy đủ các yếu tố cấu thành do luật thuế qui định [28, tr. 7].

Mặc dù có nhiều cách định nghĩa về thuế nhưng chúng ta đều có thể nhận thấy nét chung sau: thuế là khoản thu nộp mang tính bắt buộc mà các tổ chức hoặc cá nhân phải nộp cho nhà nước khi có đủ những điều kiện nhất định [52, tr. 10].

Thuế ban đầu xuất hiện có hình thức biểu hiện rất đơn giản dưới dạng hiện vật như quan hệ phu phen, cống nạp, sau đó chuyển dần sang hình thức giá trị. Cùng với sự phát triển, những loại thuế và hình thức thuế phức tạp hơn cũng dần hình thành. Khi nền sản xuất xã hội phát triển, năng suất lao động được nâng cao và nhu cầu chi tiêu của nhà nước tăng lên, nhà nước không ngừng cải tiến bổ sung các loại thuế để thực hiện việc quản lý nền kinh tế và tăng thêm nguồn thu cho mình. Hiện nay, các vấn đề về thuế không chỉ dừng lại trong phạm vi từng nước mà còn mang tầm vóc quốc tế. Vì vậy, một trong những nội dung quan trọng trong việc thiết lập các mối quan hệ giữa các nước, từng khu vực và trên phạm vi toàn cầu đó là vấn đề thuế khóa.

Trước khi có thuế GTGT, các nước áp dụng thuế doanh thu, tuy nhiên, loại thuế này có nhược điểm là tính trùng lắp do thuế đánh lên toàn bộ doanh thu của quá trình từ sản xuất đến tiêu dùng. Khi quá trình sản xuất ra sản phẩm càng qua nhiều khâu, của nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh khác nhau thì tiền thuế trên một đơn vị sản phẩm càng nhiều do thuế đã đánh đi, đánh lại trên doanh thu và tính trùng lên cả tiền thuế nhiều lần. Để khắc phục nhược điểm này, năm 1936, Pháp đã cải tiến thuế doanh thu từ việc tính và nộp ở từng khâu sang hình thức tính và nộp một lần vào công đoạn cuối cùng của quá trình sản xuất (tức là trước khi sản phẩm được đưa vào lưu thông lần đầu). Việc đánh thuế độc lập một lần như vậy khắc phục được hiện tượng đánh thuế trùng lắp, nhưng cách tính này lại phát sinh nhược điểm là việc thu thuế bị chậm trễ so với trước, vì chỉ khi hàng hóa đi vào lưu thông thì Nhà nước mới thu được thuế.

Trước một thực tế là Nhà nước vừa muốn thu được nhiều thuế và thu kịp thời, vừa muốn thúc đẩy sản xuất phát triển để bồi dưỡng nguồn thu cho

giai đoạn sau, các nhà kinh tế đã liên tục sửa đổi, bổ sung cho thuế doanh thu ngày càng hoàn thiện. Trên cơ sở đánh thuế doanh thu một lần trước khi đưa sản phẩm vào lưu thông, vào đầu những năm năm mươi, một người Đức tên là Carl Friendrich Von Simens đã nghĩ ra một chính sách thuế có thể thay thế cho thuế doanh thu, đó là thuế GTGT tính trên phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ khi qua mỗi công đoạn từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Thuế này ra đời đánh dấu một hướng tư duy mới và sẽ khắc phục được các nhược điểm của thuế doanh thu đã nói ở trên.

Mặc dù được khai sinh ở Đức, nhưng vào thời điểm này những lý luận của Carl Friendrich Von Simens đưa ra đã không đủ sức thuyết phục được Chính phủ nên thuế GTGT không được thực hiện đầu tiên ở nước Đức.

Trên thực tế thì thuế GTGT được nghiên cứu và áp dụng đầu tiên tại Cộng hòa Pháp ngày 1/7/1954 vì Pháp là một trong những nước có nền công nghiệp rất phát triển (tiến hành cách mạng công nghiệp sớm), mặt khác Pháp cũng là nước rất quan tâm đến lĩnh vực tài chính mà trọng tâm đổi mới là thuế gián thu. Ban đầu thuế GTGT ở Pháp ra đời chỉ nhằm vào một số ngành cá biệt, mãi đến năm 1968 thuế GTGT mới được áp dụng cho mọi ngành nghề và trong mọi lĩnh vực.

Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường đã chứng minh được sự thành công của việc điều tiết nền kinh tế bằng phương pháp gián tiếp là chủ yếu. Trong bối cảnh đó với những ưu điểm đặc biệt của thuế GTGT mà nó đã nhanh chóng được triển khai, áp dụng rộng rãi. Riêng tại châu Á có thể thấy rằng, thuế GTGT ngày càng trở thành một sắc thuế phổ biến trong khu vực này. Khởi đầu tại Hàn Quốc (1977) và ngay sau đó nhiều nước đã áp dụng như Indonexia (1984), Đài Loan (1986), Philippin (1988)…

Hiện nay trên thế giới đã có rất nhiều nước chuyển sang áp dụng thuế GTGT để hợp nhất và hiện đại hóa cơ cấu thuế khóa của mình. Các nước thành viên của liên minh châu Âu đã chọn thuế GTGT như một giải pháp tốt

nhất để thống nhất việc đánh thuế, khuyến khích quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tăng năng suất lao động. Khi được đưa vào hệ thống luật thuế, nguồn thu từ thuế GTGT đã trở thành một phần quyết định trong tổng thu đối với các nước sử dụng nó.

Thuật ngữ thuế GTGT, tiếng anh là Value Added Tax (VAT), tiếng pháp là Taxe Sur la Valeur Ajoutee (TAV), thường được dùng để chỉ một loại thuế gián thu, tính trên phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Vì thuế được tính trên phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ nên đối tượng nộp thuế phải là các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có giá trị tăng thêm, nhưng thực chất phần thuế mà họ nộp lại do người mua hàng hóa, dịch vụ phải thanh toán khi trả tiền hàng hóa, dịch vụ.

1.1.2. Đặc điểm của thuế giá trị gia tăng

Dựa vào các đặc điểm của thuế GTGT, chúng ta có thể nhận diện thuế GTGT với các loại thuế khác.

Thứ nhất, thuế GTGT là thuế gián thu.

Dưới giác độ kinh tế -tài chính thuế gián thu là thuế không trực tiếp đánh vào thu nhập và tài sản của người nộp thuế mà đánh một cách gián tiếp thông qua giá cả hàng hóa và dịch vụ [21, tr. 3]. Dưới giác độ pháp lý, thuế gián thu được hiểu là loại thuế mà người gánh chịu thuế là khách hàng, nhưng người nộp thuế lại là người bán hàng, nhà nhập khẩu [52, tr. 15]. Nói cách khác, thuế gián thu là việc người tiêu dùng (người chịu thuế) chuyển một phần tài sản thuộc quyền sở hữu của mình vào NSNN thông qua một người thứ ba - người sản xuất, kinh doanh (người nộp thuế).

Xét trong mối quan hệ tay ba: nhà nước, người chịu thuế và người nộp thuế thì người nộp thuế đóng vai trò trung gian thu thuế hộ nhà nước rồi nộp vào NSNN.

Đối với thuế GTGT, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện thu thuế GTGT khi bán các hàng hóa, dịch vụ. Tiền thuế GTGT được tính trên cơ sở giá bán hàng hóa, dịch vụ và người mua phải trả trong giá thanh toán của hàng hóa, dịch vụ. Sau khi bán được hàng hóa, dịch vụ các cơ sở sản xuất kinh doanh nộp thuế vào NSNN thay cho người tiêu dùng. Như vậy, người mua không trực tiếp nộp thuế GTGT vào NSNN mà trả thuế thông qua giá thanh toán hàng hóa và dịch vụ cho người bán, trong đó bao gồm cả khoản thuế GTGT. Người bán thực hiện nộp khoản thuế GTGT phải nộp (đã được người mua trả) vào NSNN. Do đối tượng nộp thuế GTGT và đối tượng chịu thuế GTGT không đồng nhất, thuế GTGT được coi là một loại thuế gián thu điển hình.

Sự không đồng nhất giữa người nộp thuế và người chịu thuế dẫn đến thân phận pháp lý của mỗi đối tượng là khác nhau, có những quyền và nghĩa vụ khác nhau. Vì vậy, đối với thuế GTGT nói riêng và thuế gián thu nói chung việc phân biệt người chịu thuế và người nộp thuế rất quan trọng về phương diện pháp lý.

Trong nhiều trường hợp người nộp thuế GTGT cũng đồng thời là người chịu thuế GTGT, tất nhiên là đối với các hàng hóa, dịch vụ khác nhau. Ví dụ, cơ sở sản xuất kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT để tiêu dùng chứ không sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó để sản xuất, kinh doanh thì cơ sở sản xuất kinh doanh là người chịu thuế GTGT. Còn đối với hàng hóa, dịch vụ do cơ sở sản xuất, bán ra thì cơ sở kinh doanh lại là đối tượng nộp thuế. Sự khác biệt thân phận pháp lý ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của mỗi đối tượng, như trong vai trò là người tiêu dùng (người chịu thuế), cơ sở kinh doanh không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa, dịch vụ mua sử dụng cho mục đích tiêu dùng.

Thứ hai, thuế GTGT chỉ đánh vào giá trị gia tăng.

Thuế GTGT chỉ đánh trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ tại mỗi công đoạn sản xuất, lưu thông và đến cuối chu kỳ sản xuất, kinh doanh hoặc

cung cấp dịch vụ. Đánh thuế ở tất cả các khâu nhưng cơ sở xác định số thế phải nộp chỉ là phần giá trị mới tăng thêm của khâu sau so với khâu trước nên nếu coi giá thanh toán tính đến khi người tiêu dùng thụ hưởng hàng hóa, dịch vụ đã xác định trước và không thay đổi, các phần giá trị hàng hóa, dịch vụ có bị chia nhỏ và đánh thuế thì tổng số thuế GTGT phải nộp qua các khâu chính là số thuế cuối cùng tính trên tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng chịu. Cụ thể, tại các công đoạn khác nhau của chu trình kinh tế, người có nghĩa vụ thuế phải tính toán lập hóa đơn cho khách hàng để đóng thuế GTGT đối với số hàng hóa, dịch vụ đang được chuyển giao; khấu trừ phần thuế đã nộp của các bộ phận cấu thành của giá thành hoặc chi phí và chỉ nộp vào Kho bạc nhà nước số chênh lệch giữa thuế đã thể hiện trên hóa đơn cho khách hàng và phần thuế được khấu trừ. Vì vậy, thuế GTGT có quan hệ chặt chẽ với giá cả, là yếu tố cấu thành giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Việc đánh thuế chỉ trên phần giá trị tăng thêm mà không phải đối với toàn bộ giá trị hàng hóa, dịch vụ làm cho số thuế GTGT áp dụng trong mỗi khâu của quá trình lưu thông không gây ra những đột biến về giá cả cho người tiêu dùng. Đặc điểm này của thuế GTGT còn yêu cầu pháp luật điều chỉnh phải tìm ra cách thức, phương thức phù hợp, có tính khả thi để xác định chính xác phần giá trị tăng thêm làm căn cứ tính thuế.

Có thể nhận thấy, Luật Thuế GTGT ở nước ta hiện nay cũng như Luật Thuế GTGT của các nước trên thế giới xác định giá trị gia tăng thông qua giá bán. Tuy nhiên, cần phân biệt rằng biểu hiện bằng tiền (giá bán) của hàng hóa, dịch vụ là giá trị trao đổi chứ không phản ánh giá trị thực của hàng hóa, dịch vụ đó. Giá trị trao đổi là hình thức biểu hiện của giá trị song không đồng nhất với giá trị. Nhiều trường hợp giá trị gia tăng nhưng giá trị trao đổi vẫn không thay đổi như người ta có thể gia công thêm cho hàng hóa nhưng giá bán ra vẫn không thay đổi, hoặc ngược lại, giá trị không gia tăng nhưng giá trị trao đổi gia tăng, điều này phụ thuộc vào giá trị sử dụng của vật, thị hiếu của khách hàng và quan hệ cung cầu trên thị trường (không theo cùng một tỷ lệ) giữa giá trị và giá trị trao đổi, nghĩa là có sự thoát ly tương đối giữa giá trị

trao đổi và giá trị. Mặt khác, giá trị có giá trị cá biệt của từng nhà sản xuất nhưng giá trao đổi chỉ là sự thừa nhận chung của xã hội tại một thời điểm nhất định nào đó đối với những sản phẩm cùng chủng loại đặc tính [28, tr. 9].

Thứ ba, thuế GTGT có phạm vi điều tiết rộng.

Thuế GTGT thu vào mọi tổ chức, cá nhân có tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thông qua việc mua bán trao đổi hàng hóa, dịch vụ.

Suy cho cùng, đối tượng điều tiết của thuế GTGT là phần thu nhập của người tiêu dùng sử dụng để mua hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, xét về mặt nguyên tắc thuế GTGT chỉ đánh vào khâu tiêu dùng cuối cùng, không đánh vào khâu sản xuất kinh doanh, nên chỉ cần thu thuế ở khâu bán hàng hóa, dịch vụ cuối cùng là đủ. Song trên thực tế rất khó phân biệt đâu là tiêu dùng cuối cùng, đâu là tiêu dùng trung gian nên cứ có hành vi chuyển giao tài sản hoặc cung cấp dịch vụ là phải tính thuế GTGT. Nếu đó là tiêu dùng trung gian thì số thuế sẽ được tự động chuyển vào giá bán hàng cho người mua ở giai đoạn sau.

Người chịu thuế GTGT là người tiêu dùng cuối cùng hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế GTGT. Người tiêu dùng cuối cùng là người sử dụng hàng hóa, dịch vụ không vì mục đích tạo ra hàng hóa, dịch vụ khác và làm cho hàng hóa, dịch vụ đó thoát ra khỏi chu trình lưu thông. Phạm vi người chịu thuế GTGT rất rộng. Mọi đối tượng tồn tại trong xã hội, cho dù là tổ chức hay cá nhân, người có thu nhập thấp hay có thu nhập cao, làm gì và ở đâu, khi mua hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế GTGT để tiêu dùng đều phải thanh toán cho nhà kinh doanh một khoản thuế GTGT kèm theo giá bán của hàng hóa hoặc dịch vụ cần mua. Ngay bản thân các nhà kinh doanh, nếu khi tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế GTGT nhưng không nhằm phục vụ cho việc tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ khác là người chịu thuế GTGT. Bởi lúc này các nhà kinh doanh với tư cách là người tiêu dùng cuối cùng đối với hàng hóa, dịch vụ phải chịu thuế GTGT. Việc đánh thuế đối với mọi đối tượng trên phạm vi lãnh thổ thể hiện rõ nét sự công bằng của thuế

Xem tất cả 117 trang.

Ngày đăng: 12/05/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí