tài chính nói chung và chính sách thuế nói riêng cũng như thể hiện được mục tiêu, định hướng cơ bản trong chủ trương đường lối phát triển kinh tế của Đảng.
Pháp luật thuế GTGT cơ bản đã phản ánh được bản chất của thuế GTGT cũng như cơ chế vận hành của thuế GTGT.
Chính vì lẽ đó qua hơn 10 năm thực hiện thuế GTGT đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế-xã hội của đất nước và đã đạt được những mục tiêu đề ra của cải cách thuế, cụ thể:
a) Thuế GTGT góp phần khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Việc hoàn thuế GTGT đầu vào đối với các dự án đầu tư đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển công nghệ, đầu tư đổi mới tài sản cố định, góp phần thúc đẩy vốn đầu tư xã hội tăng trưởng. Thông qua áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu đã tạo điều kiện để doanh nghiệp hạ giá hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, từ đó khuyến khích xuất khẩu tăng trưởng mạnh qua các năm, cụ thể là:
- Số thuế GTGT hoàn cho các dự án đầu tư và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ tăng qua các năm: năm 1999 là 2.700 tỷ đồng, chiếm 15,7% tổng thu từ thuế GTGT của năm, đến năm 2005 là 14.830 tỷ đồng (32,4% tổng thu từ thuế GTGT), năm 2006 là 18.037 tỷ đồng (32,7% tổng thu từ thuế GTGT) và năm 2007 là 24.650 tỷ đồng (34,2% tổng thu từ thuế GTGT).
- Vốn đầu tư toàn xã hội so GDP tăng qua các năm: năm 2003 là 35,5%, năm 2004 là 36,2%, năm 2005 là 39,8%; 2006 là 40,9% và dự kiến năm 2007 đạt khoảng 40,4%.
- Kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng cao cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với năm trước: năm 2003 đạt xấp xỉ 20 tỉ USD tăng 19%, năm 2004 đã tăng lên là 26 tỉ USD tăng 28,9%, năm 2005 đạt 33,0 tỉ USD tăng 21,9% và năm 2006 đạt 39,6 tỷ USD tăng 20%, năm 2007 đạt 48 tỷ USD tăng 22,4%.
b) Việc áp dụng thuế GTGT thay cho thuế doanh thu phù hợp với thông lệ quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các cam kết trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Hầu hết các nước trên thế giới đã áp dụng thuế GTGT. Việc ban hành Luật Thuế GTGT không những khắc phục được những bất cập của thuế doanh thu là thu trùng thuế qua các khâu sản xuất, lưu thông, phân phối mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm!
- Phạm Vi, Mức Độ Nghĩa Vụ Thuế Giá Trị Gia Tăng
- Hoàn thiện pháp luật thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay - 5
- Quá Trình Xây Dựng Và Thực Hiện Pháp Luật Thuế Giá Trị Gia Tăng Ở Việt Nam
- Căn Cứ Tính Thuế Và Phương Pháp Tính Thuế
- Hoàn thiện pháp luật thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay - 9
- Đăng Ký, Kê Khai, Nộp Thuế, Quyết Toán Thuế Giá Trị Gia Tăng
Xem toàn bộ 117 trang tài liệu này.
Theo cam kết khi hội nhập kinh tế quốc tế, nước ta phải cắt giảm thuế nhập khẩu, đồng thời phải bãi bỏ các khoản trợ cấp trực tiếp từ ngân sách cho doanh nghiệp, việc thu thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu, hoàn thuế cho hàng hóa xuất khẩu đã góp phần điều chỉnh cơ chế kinh tế phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước và bù đắp cho Ngân sách phần thiếu hụt do cắt giảm thuế nhập khẩu.
c) Thuế GTGT là nguồn thu quan trọng và ổn định của NSNN, tăng cường tài chính quốc gia, đảm bảo nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo và củng cố an ninh, quốc phòng
Năm 1999 số thu từ thuế GTGT là 17.113 tỷ đồng, chiếm 23% trong tổng thu NSNN tổng thu từ thuế, phí và lệ phí, đến năm 2007, các con số này là 72.022 tỷ đồng tương ứng là 30,6%. Số thu thuế GTGT năm sau so với năm trước tăng bình quân là 19,13%. Dự báo trong những năm tới, số thu từ thuế GTGT vẫn giữ vai trò quan trọng cho ngân sách quốc gia.
d) Thuế GTGT đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện pháp luật về kế toán, thuế của doanh nghiệp, từ đó, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, hiện đại hóa và đổi mới phương thức quản lý thuế
Để thực hiện nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, doanh nghiệp cần thực hiện tốt chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ. Từ đó giúp doanh nghiệp hạch toán đầy đủ doanh thu, chi phí, xác định chính xác kết quả kinh doanh và nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật thuế của các đối tượng nộp thuế.
Áp dụng thuế GTGT vừa đặt ra yêu cầu, vừa tạo điều kiện để cơ quan thuế hiện đại hóa, đổi mới phương thức quản lý thuế (chuyển từ cơ chế cơ quan thuế trực tiếp tính thuế và ra thông báo nộp thuế sang cơ chế đối tượng nộp thuế tự tính, tự kê khai, nộp thuế theo thủ tục đơn giản, công khai, minh bạch; thực hiện phương pháp quản lý rủi ro: phân loại đối tượng nộp thuế trên cơ sở đó tập trung quản lý thanh tra, kiểm tra những đối tượng có hành vi gian lận về thuế).
Tuy nhiên, bên cạnh những cái được và mặc dù Luật Thuế GTGT 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành mới đi vào áp dụng từ 1/1/2009, pháp luật về thuế GTGT ở nước ta còn tồn tại những nhược điểm là:
Thứ nhất, pháp luật thuế GTGT ở nước ta hiện nay chưa phản ánh chuẩn xác và khoa học bản chất của thuế GTGT, thể hiện ở các qui định về đối tượng chịu thuế GTGT, đối tượng không thuộc diện chịu thuế GTGT, phương pháp tính thuế GTGT…
Thứ hai, Luật Thuế GTGT còn thiếu cụ thể và rất đơn giản nên tính ổn định và bền vững của pháp luật đã không được bảo đảm. Mặc dù pháp luật có thuộc tính phổ biến, khái quát vươn lên trên những cái cụ thể nên pháp luật có giá trị ổn định hóa, bền vững các quan hệ xã hội ở mức cao nhất khi các quan hệ đó về thực chất luôn luôn biến đổi. Nhưng cũng phải thấy rằng bên cạnh giá trị ổn định hóa, bền vững hóa các quan hệ xã hội thì pháp luật đồng thời lại có thể tạo ra những điểm yếu, hạn chế của chính pháp luật. Nếu khái quát quá, pháp luật có thể bỏ qua nhiều cái cụ thể, tạo ra nhiều lỗ hổng, vì vậy, kéo theo sự tùy tiện trong quá trình áp dụng pháp luật. Để xử lý vấn đề này cần phải ban hành, bổ sung nhiều văn bản giải thích, điều chỉnh cụ thể. Đây là
mâu thuẫn khách quan luôn luôn tồn tại nhưng chưa được giải quyết tốt trong Luật Thuế GTGT. Nhưng điều đáng nói là ở chỗ, những văn bản này được ban hành như là những giải pháp tình thế không được dựa trên một cơ sở lý luận có hệ thống về điều chỉnh pháp luật thuế GTGT, làm cho sắc thuế GTGT dần dần bị nhào nặn bóp méo. Chính điều này đã phá vỡ tính ổn định và bền vững của pháp luật thuế GTGT.
Thứ ba, nhiều nội dung cơ bản thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thuế GTGT lại được qui định ở các văn bản dưới luật như nghị định của Chính phủ hoặc thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính nên không đảm bảo nguyên tắc luật định của thuế cũng như giá trị pháp lý của các qui định này. Mặt khác, các văn bản qui định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành Luật có nhiều qui định không phù hợp với Luật. Dù rằng đó là các giải pháp tình thế để giải quyết những vướng mắc nẩy sinh trong quá trình thực hiện thuế GTGT, song nó phá vỡ nguyên tắc pháp chế trong quá trình xây dựng pháp luật cũng như trong quá trình thực hiện Luật.
Thứ tư, việc sử dụng một số thuật ngữ chưa chính xác dẫn đến nhiều cách nhận thức, việc áp dụng không được thống nhất.
2.3.2. Nội dung và những vấn đề đặt ra đối với pháp luật thuế giá trị gia tăng ở nước ta hiện nay
2.3.2.1. Phạm vi áp dụng thuế giá trị gia tăng
Đối tượng chịu thuế và đối tượng không chịu thuế GTGT
Điều 2, Luật Thuế GTGT qui định: "Hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng qui định tại Điều 4 của Luật này". Điều 4, Luật Thuế GTGT qui định về đối tượng không thuộc diện chịu thuế GTGT.
Như vậy, về nguyên tắc của thuế GTGT thì mọi hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng ở Việt Nam đều thuộc đối tượng chịu thuế GTGT nhằm đảm bảo cho quá
trình luân chuyển khấu trừ thuế GTGT được đồng bộ, thống nhất (theo nguyên tắc khấu trừ); các hàng hóa, dịch vụ không được tiêu dùng tại Việt Nam không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Tuy nhiên, trong từng thời kỳ, Nhà nước cũng cần phải thực hiện một số chính sách kinh tế xã hội nhất định như: ưu tiên đối với một số hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của các tầng lớp dân cư, chính sách đối với người có thu nhập thấp, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất, chính sách quốc phòng, an ninh, tính hiệu quả trong quản lý thuế và một số chính sách khác... Tại các văn bản pháp luật về thuế GTGT hiện hành qui định có 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT. Nhìn chung, các hàng hóa, dịch vụ này thường có một số tính chất cơ bản sau đây:
* Hàng hóa, dịch vụ mang tính chất thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống cộng đồng, không mang tính chất kinh doanh (Dịch vụ y tế, dịch vụ thú y; dạy học, dạy nghề; vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện; phát sóng phát thanh, truyền hình theo chương trình bằng nguồn vốn NSNN; dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố và khu dân cư; duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng; dịch vụ tang lễ).
* Hàng hóa, dịch vụ thuộc các hoạt động được ưu đãi vì mục tiêu xã hội, nhân đạo (Hàng hóa nhập khẩu là hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại; quà tặng cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân...; hàng hóa bán cho tổ chức quốc tế, người nước ngoài để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam...).
* Hàng hóa, dịch vụ của một số ngành cần khuyến khích phát triển:
- Sản phẩm nông nghiệp;
- Sản phẩm muối;
Mặt khác, các sản phẩm này khó theo dõi, hạch toán thuế GTGT đầu ra, đầu vào, hơn nữa nếu đánh thuế thì chi phí quản lý hành chính thuế của
ngành thuế và chi phí tuân thủ của người nộp thuế lớn, gây ra không hiệu quả về mặt xã hội.
- Thiết bị, máy móc, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; cho thuê máy bay, dàn khoan, tàu thuỷ thuộc loại trong phát chưa sản xuất được dùng cho sản xuất, kinh doanh; thiết bị, máy móc, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng và vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ dầu khí.
Việc qui định trên nhằm khuyến khích các doanh nghiệp phát triển và ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại trong khi trong nước chưa thể sản xuất được.
- Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản khai thác chưa qua chế biến.
Mục tiêu cơ bản là nhằm hạn chế xuất khẩu các sản phẩm khoáng sản thô chưa qua chế biến, tiết kiệm tài nguyên quý hiếm của quốc gia, khuyến khích chế biến sản phẩm thô thành sản phẩm tinh để xuất khẩu, qua đó phát triển các ngành công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị gia tăng trong nước, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh.
- Chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ; phần mềm máy tính: nhằm khuyến khích phát triển công nghệ phần mềm, là yếu tố quan trọng để tăng năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, qua đó tác động mạnh đến phát triển nền kinh tế.
* Hàng hóa nhập khẩu nhưng thực chất không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam: hàng chuyển khẩu, quá cảnh, mượn đường qua Việt Nam; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng xuất khẩu, tái nhập khẩu...
* Hàng hóa, dịch vụ khó xác định giá trị tăng thêm, do đó khó xác định được thuế GTGT:
Dịch vụ tín dụng, quỹ đầu tư, hoạt động kinh doanh chứng khoán; bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm người học, bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm cây trồng và tái bảo hiểm.
* Hàng hóa mang tính chất phục vụ nhu cầu đặc biệt của Nhà nước hoặc cần bảo mật như: vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ an ninh quốc phòng, dự trữ quốc gia...
* Hàng hóa, dịch vụ khác thuộc diện không chịu thuế khác như chuyển quyền sử dụng đất...
Về cơ bản, các hàng hóa, dịch vụ trên đều có những lý do phù hợp để không chịu thuế GTGT. Nói chung, việc qui định đối tượng không chịu thuế GTGT là nhằm chủ trương thực hiện ưu đãi về thuế nhưng trong quá trình áp dụng nhiều trường hợp lại có kết quả ngược lại với ý đồ của các nhà hoạch định chính sách cũng như ý đồ của các nhà làm luật. Sự ưu đãi này đã đưa đến nhiều bất ổn cho các chủ thể thực hiện các nghiệp vụ này do bắt nguồn từ cơ chế khấu trừ, đặc biệt trong trường hợp các ngành thường xuyên sử dụng nguyên vật liệu thuộc diện không chịu thuế để sản xuất ra các sản phẩm chịu thuế và ngược lại. Ví dụ, các doanh nghiệp sản xuất bột canh thì nguyên liệu đầu vào chủ yếu là muối - hàng hóa thuộc diện không chịu thuế, do không được hưởng lợi thế khấu trừ thuế nên khi áp dụng thuế GTGT sẽ phải tăng giá bán hoặc giảm giá mua để đảm bảo nghĩa vụ nộp thuế và lợi nhuận.
Ngược lại, đối với các doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm thuộc diện không chịu thuế, do không có thuế GTGT đầu ra để khấu trừ nên toàn bộ số thuế GTGT đã trả khi mua nguyên liệu, máy móc, thiết bị sẽ phải tính cả vào giá thành sản phẩm, làm đội giá bán hàng, gây khó khăn cho tiêu thụ của doanh nghiệp.
Đồng thời, một số quy định chưa được rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong việc xác định một mặt hàng, dịch vụ cụ thể thuộc đối tượng chịu thuế hay thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Ví dụ: Điều 5, Luật Thuế GTGT quy định: "Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu" thuộc diện không chịu thuế GTGT.
Thực tế xảy ra vướng mắc đối với trường hợp doanh nghiệp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ngoài việc trực tiếp chăn nuôi, nuôi trồng còn tổ chức hình thức chăn nuôi là ký hợp đồng chăn nuôi với các hộ gia đình có tay nghề, có cơ sở hạ tầng (ao, đầm, chuồng, trại…), doanh nghiệp cung cấp con giống, thuốc men, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi. Hộ gia đình tổ chức nuôi và giao trả sản phẩm và được thanh toán tiền công chăn nuôi theo hợp đồng. Đối với trường hợp này, doanh thu của các hộ gia đình là doanh thu từ dịch vụ chăn nuôi, vậy có thuộc diện không chịu thuế GTGT hay không? Và khi thu hồi sản phẩm, doanh nghiệp bán sản phẩm chưa qua chế biến có thuộc đối tượng chịu thuế hay không? Các quy định tại pháp luật thuế GTGT hiện hành chưa xử lý thỏa đáng được các vướng mắc này.
Mặt khác, việc Luật Thuế GTGT phân ra đối tượng chịu thuế và đối tượng không thuộc diện chịu thuế như hiện nay theo chúng tôi là cũng chưa chính xác về mặt khoa học. Bởi vì khi nói đến đối tượng không thuộc diện chịu thuế là nói đến những hàng hóa, dịch vụ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thuế GTGT, nên về nguyên tắc không được qui định trong Luật thuế. Còn những hàng hóa, dịch vụ được liệt kê ở Điều 4 Luật Thuế GTGT trong quá trình sản xuất, kinh doanh đến tiêu dùng vẫn phát sinh giá trị gia tăng nên những hàng hóa, dịch vụ này đều thuộc diện chịu thuế GTGT nhưng được miễn trừ thuế vì những lý do khác nhau. Vì vậy, nếu kết cấu điều luật theo hướng qui định đối tượng chịu thuế (hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản