Hoàn thiện môi trường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Dương - 2

DANH MỤC CÁC BẢNG, HÌNH VẼ, ĐỒ THỊ


Bảng 2.1: Dân số trung bình của tỉnh Bình Dương từ năm 1997 đến năm 2015 30

Bảng 2.2: Số học sinh tốt nghiệp qua các hệ đào tạo 32

Bảng 2.3: Cơ cấu vốn FDI theo ngành kinh tế và quy mô dự án FDI còn hiệu lực giai đoạn 1998-2015 tại Bình Dương 64

Hình 2.1: Bản đồ KCN tỉnh Bình Dương 47

Biểu đồ 2.1: Dân số trung bình của tỉnh Bình Dương từ năm 1997 đến 2015 52

Biểu đồ 2.2: Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Bình Dương giai đoạn 2011-2015 53

Biểu đồ 2.3: Số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Bình Dương được cấp phép mới hằng năm (từ 1997 đến 2015) 59

Biểu đồ 2.4: Tổng vốn đăng ký mới của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Bình Dương hằng năm (từ 1997 đến 2015) 61

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.

Biểu đồ 2.5: Tỷ trọng vốn đầu tư theo khu vực trên địa bàn tỉnh Bình Dương theo giá hiện hành 62

PHẦN MỞ ĐẦU

Hoàn thiện môi trường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Dương - 2


1. Tính cấp thiết của đề tài


Trong quá trình phát triển kinh tế hiện nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư của bất kỳ một quốc gia hay địa phương nào. Đối với Việt Nam, một nước đang trong quá trình công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH), nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, trong đó vốn FDI có vai trò đặc biệt quan trọng. Ngoài tác động phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, qua các hoạt động FDI còn tạo cơ hội giải quyết việc làm, tiếp nhận kỹ thuật công nghệ sản xuất, kinh nghiệm kinh doanh, năng lực quản lý, điều hành, giúp các chủ thể trong nước và nền kinh tế nói chung đẩy nhanh quá trình phát triển.

Một trong những yếu tố quan trọng để thu hút nhiều dự án FDI đó chính là việc hoàn thiện môi trường thu hút FDI của một địa phương hay quốc gia. Đối với địa phương tiếp nhận đầu tư, việc nhận thấy rõ lợi thế hay bất lợi ở môi trường đầu tư (MTĐT) sẽ giúp cho địa phương đó xác định xây dựng chiến lược thu hút FDI. Đối với doanh nghiệp, việc nghiên cứu MTĐT giúp cho họ có cái nhìn tổng quát về pháp luật, kinh tế, chính trị xã hội có liên quan đến hiệu quả sản xuất kinh doanh,… để nhà đầu tư biết mình được ưu đãi những gì, có thuận lợi gì và phải thực hiện những nghĩa vụ gì, khắc phục những khó khăn gì. Một MTĐT được đánh giá cao là MTĐT không chỉ thu hút nhà đầu tư mới mà còn có khả năng giữ chân được các nhà đầu tư hiện có, tái đầu tư mở rộng, góp phần phát triển bền vững nước tiếp nhận đầu tư và thúc đẩy đầu tư trong nước phát triển (Nguyễn Xuân Thiện, 2014).

Đối với Bình Dương, một địa phương được tái lập chưa lâu (từ năm 1997), một tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, đầu tư FDI lại càng có vai trò quan trọng. Hiện nay, Bình Dương là tỉnh có số vốn đầu tư ngước ngoài đứng thứ hai trong cả nước (sau thành phố Hồ Chí Minh), tiếp tục khẳng định là một “địa chỉ đỏ” về thu hút đầu tư FDI trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bình Dương, tính đến tháng 3/2017, Bình Dương đã thu hút 2.892 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 27 tỷ USD. Việc thu hút đầu tư có

chọn lọc, bài bản trong xây dựng và phát triển các khu công nghiệp (KCN) đã đạt được những kết quả đáng kể. Nhờ đó, phần lớn các dự án FDI trên địa bàn tỉnh đều được bố trí vào các KCN hoặc cụm quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp, chiếm 65,8% tổng vốn FDI tại tỉnh (tính toán của tác giả).

Nhận thức được tầm quan trọng của MTĐT, trong những năm qua Bình Dương đã tập trung nguồn lực cải cách MTĐT. Đáng chú ý là việc nhất quán cơ chế “một cửa” nhằm giảm thiểu tối đa những phiền hà trong thủ tục hành chính. Về cơ bản, cơ sở hạ tầng như cầu đường, trang thiết bị cho cơ sở lao động, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý sát sao và hiệu quả cũng được chú trọng; hệ thống giao thông thuận lợi và kết nối là những ưu thế cạnh tranh được Bình Dương sớm ý thức và đầu tư có bài bản (Nguyễn Thị Vân, 2012). Các đối tác nước ngoài ngày càng đánh giá cao Bình Dương như là điểm đến giàu tiềm năng và hứa hẹn ở Việt Nam.

Dù đạt được một số kết quả khả quan như trên, nhưng ở Bình Dương, môi trường thu hút vốn FDI thời gian qua cũng tồn tại những hạn chế nhất định, như: kỹ thuật, công nghệ chậm đổi mới, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chưa phát triển, trình độ quản lý của Nhà nước ở một số mặt còn hạn chế, sản xuất tập trung chủ yếu vào những ngành có công nghệ tương đối thấp và thâm dụng lao động như dệt may, da giày, chế biến nông sản… Các ngành công nghệ cao hơn như công nghiệp điện, điện tử, cơ khí… dù đã được đẩy mạnh, nhưng mới chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Sự ưu ái của Nhà đầu tư nước ngoài dành cho Bình Dương không hoàn toàn nhờ việc cải thiện các lợi thế so sánh động, mà chủ yếu dựa vào yếu tố tĩnh đã được củng cố từ lâu, đó là cơ sở hạ tầng (Ngọc Khanh, 2015).

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X, nhiệm kỳ 2015- 2020 đã đề ra mục tiêu tổng quát là đưa Bình Dương trở thành thành đô thị loại I trước năm 2020. Để đáp ứng các yêu cầu của quá trình phát triển, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI là điều kiện quan trọng. Tình hình đó đòi hỏi phải nghiên cứu, tìm kiếm những giải pháp hoàn thiện hơn nữa môi trường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có hiệu quả, xem đó là vấn đề quan trọng, đột phá để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020 và các giai đoạn tiếp theo. Đó là lý do mà tác giả chọn đề tài: “Hoàn thiện môi trường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Dương” để nghiên cứu.

2. Tổng quan tình hình nghiên cứu

Tại Việt Nam và trên thế giới, có nhiều công trình nghiên cứu về FDI và MTĐT. Các công trình chủ yếu chú trọng vào tình hình thu hút nguồn vốn FDI tại một số quốc gia, vùng, khu vực, tình hình thực hiện nguồn vốn FDI, vai trò nguồn vốn FDI đến nước chủ đầu tư và nước nhận đầu tư.

2.1. Tình hình nghiên cứu của các tác giả nước ngoài

- Chính sách kinh tế mới do V.I. Lê-nin đề ra vào mùa xuân năm 1921 nhằm mục đích tiến hành công cuộc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội sao cho phù hợp với điều kiện tồn tại thực tế khách quan. “Điều quan trọng là ở chỗ việc chúng ta thay đổi chính sách kinh tế là hoàn toàn căn cứ vào những điều kiện thực tế và sự tất yếu do hoàn cảnh thực tế đặt ra”. V.I. Lênin đã chỉ ra: “Chính sách kinh tế mới có ý nghĩa là thay chế độ trưng thu lương thực thừa bằng chế độ thu thuế, là chuyển sang việc khôi phục chủ nghĩa tư bản trên một mức độ lớn. Tô nhượng cho các nhà tư bản ngoại quốc,... cho các nhà tư bản tư nhân thuê, việc đó chính là trực tiếp khôi phục lại chủ nghĩa tư bản và việc đó gắn liền với nguồn gốc của chính sách kinh tế mới” (Lênin, 1921). Chính sách kinh tế mới có ý nghĩa lý luận, thực tiễn đối với các nước đi theo con đường xây dựng CNXH. Đặc biệt, những vấn đề như thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, phát triển kinh tế tư bản nhà nước, sự liên kết giữa kinh tế tư bản tư nhân, nhất là tư bản nước ngoài với nhà nước XHCN... là những vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng để phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng XHCN ở nước ta trong điều kiện mở cửa và hội nhập.

- Tác giả Shaari, Mohd Shahidan Bin; Hong, Thien Ho; Shukeri, Siti Norwahida (2012), với bài báo Foreign direct investment and economic growth: Evidence from Malaysia, đã trình bày được kết quả của mối quan hệ đầu tư trực tiếp nước ngoài với tăng trưởng kinh tế dựa trên tổng sản phẩm quốc nội hàng năm của Malaysia từ năm 1971 đến năm 2010.

- Rashmi Banga (2003), Impact of government policies and Investment agreements on FDI inflow, Ủy ban của Ấn Độ nghiên cứu các quan hệ kinh tế quốc tế đã đề cập tới đầu tư trực tiếp nước ngoài của 15 nước Đông, Nam và Đông Nam Á cùng với lượng hóa tác động của chính sách đầu tư và MTĐT quốc tế tới dòng

chảy vốn FDI vào các nước tới năm 2001. Ngoài chính sách đầu tư thì nghiên cứu này không chú trọng tới các yếu tố khác của MTĐT của các nước nhận đầu tư.

- “Báo cáo phát triển thế giới 2005: Môi trường đầu tư tốt hơn cho mọi người” - ấn phẩm quan trọng này của WB (Ngân hàng thế giới tại Việt Nam), đã bàn về tính chất then chốt của MTĐT tốt, giải thích sự chậm chạp trong cải thiện MTĐT, vai trò của can thiệp có chọn lọc và các thoả thuận quốc tế trong cải thiện MTĐT, sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế đối với các nước đang phát triển để cải thiện MTĐT.

- Vi Nít San Say (2011), Tạo lập môi trường đầu tư nước ngoài ở Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, trình bày một cách hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn tạo lập MTĐT nước ngoài ở Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào. Từ đó đề xuất phương hướng, giải pháp khuyến khích đầu tư nước ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội.

2.2. Tình hình nghiên cứu của các tác giả trong nước

- TS. Đinh Văn Ân và TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh (2008) đồng chủ biên cuốn sách: “Thực hiện đầu tư trực tiếp nước ngoài sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Kết quả điều tra 140 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”. Cuốn sách nhận dạng các yếu tố của hai nhóm yếu tố có ảnh hưởng đến triển khai thực hiện và hoạt động của dự án sau khi Việt nam gia nhập WTO: Nhóm 1 – nhóm yếu tố đến từ thực hiện cam kết WTO và nhóm 2 – một yếu tố nội tại của nền kinh tế. Các yếu tố nội tại của nền kinh tế ảnh hưởng đến thực hiện dự án đầu tư được đánh giá thông qua kết quả điều tra 140 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm nhận dạng một số yếu tố gây trở ngại đến thực hiên dự án FDI.

- Nguyễn Khắc Thân – Chu Văn Cấp (1996), Những giải pháp chính trị, kinh tế nhằm thu hút có hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. Nội dung chính dựa trên thực trạng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian từ năm 1988 đến năm 1995, tác giả đưa ra những đề xuất kinh tế, chính trị nhằn thu hút hiệu quả vốn FDI vào Việt Nam.

- Tổng kết 17 năm thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam của Ban biên tập Luật đầu tư chung đề cập tới tình hình thu hút và sử dụng vốn FDI kể từ cuối năm 1987 cho đến năm 2004, đồng thời đưa ra những kết quả đạt được và tồn tại của tình hung thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI để làm tài liệu tham khảo cho

việc ban hành Luật đầu tư chung. Tài liệu không quá chú trọng tới yếu tố của MTĐT và ảnh hưởng của MTĐT đến FDI.

- Nguyễn Văn Tuấn (2005) viết cuốn sách “Đầu tư trực tiếp nước ngoài và phát triển kinh tế Việt Nam” đã chỉ ra những tác động của nguồn vốn FDI với kinh tế nước ta trong thời kỳ CNH.

- Lê Minh Toàn (9/2004), Tìm hiểu đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, đã cung cấp cho người đọc những khái niệm cơ bản về đầu tư trực tiếp nước ngoài, các hình thức đầu tư và đặc điểm của nó.

- Bùi Huy Nhượng (2006), Một số biện pháp thúc đẩy việc triển khai thực hiện các dự án FDI tại Việt Nam, tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Ngoài lý thuyết và thực trạng về thu hút FDI, luận án đã tập trung trình bày về tình hình triển khai các dự án FDI và đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện các dự án FDI. Lý thuyết và thực trạng MTĐT cũng như ảnh hưởng của MTĐT không thuộc phạm vi luận án nên tác giả không tập trung trình bày.

- Đề tài cấp bộ, TS. Phạm Văn Hùng chủ nhiệm (2008), Tác động của minh bạch hóa hoạt động kinh tế đến đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đề cập đến lý thuyết, thực trạng minh bạch hóa hoạt động kinh tế và tác động của nó đến thu hút FDI của Việt Nam. Từ đó đề tài đưa ra giải pháp tăng cường minh bạch hóa hoạt động kinh tế nhằm thu hút có hiệu quả nguồn vốn FDI.

- Luận án tiến sĩ Kinh tế: Lê Thị Thúy Nga (2013), Hoàn thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tại Học Viện Chính trị Hành chính. Luận án đã trình bày cơ sở lý luận và thực tiễn về hoàn thiện MTĐT trong hội nhập kinh tế quốc tế. Thực trạng quan điểm và giải pháp cơ bản nhằm tiếp tục hoàn thiện MTĐT ở Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.

- Luận án tiến sĩ Nguyễn Thị Ái Liên (2011), Môi trường đầu tư với hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Đánh giá được quá trình cải thiện MTĐT và phân tích ảnh hưởng của MTĐT tới quá trình thu hút và triển khai thực hiện các dự án FDI ở Việt Nam. Từ đó rút ra các tồn tại cơ bản nhằm đưa ra giải pháp khắc phục những khó khăn trọng yếu nhằm cải thiện các yếu tố rào cản của MTĐT đến quá trình thu hút và giải ngân nguồn vốn này.

- Luận văn thạc sĩ Lý Xuân Hưng (2006), Môi trường đầu tư và vấn đề thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Đồng Nai, tại trường Đại học kinh tế Tp Hồ Chí Minh đã trình bày một cách rõ nét về vấn đề FDI và vấn đề cải thiện MTĐT tại tỉnh Đồng Nai.

- PGS, TS. Nguyễn Hồng Sơn - TS. Nguyễn Quốc Việt (2014) đồng chủ biên cuốn sách “Môi trường đầu tư hướng tới sự phát triển bền vững tại Việt Nam”, NXB Chính trị quốc gia. Cuốn sách tập hợp 14 bài viết có giá trị của các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế, nêu ra những ý kiến, quan điểm khoa học liên quan đến MTĐT của Việt Nam trên con đường hướng đến phát triển bền vững: Phần thứ nhất của cuốn sách đề cập đến thực trạng MTĐT của Việt Nam hiện nay, tập trung vào các môi trường thể chế, ổn định kinh tế vĩ mô, nguồn nhân lực, so sánh, xem xét trong mối liên quan với các nước trong khu vực. Phần thứ hai của cuốn sách đề cập đến các khía cạnh của MTĐT hướng đến phát triển bền vững trong một số ngành, lĩnh vực cụ thể như: quản lý nguồn nước, khai thác hải sản, thương mại, đầu tư công và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

- Ngoài các tạp chí, sách báo, có rất nhiều trang web viết về vấn đề cải thiện môi trường thu hút FDI vào Việt Nam cũng như vào các tỉnh, các vùng kinh tế…

- Trên địa bàn nghiên cứu cũng có nhiều bài viết về vấn đề này, nhưng thừơng mới được đề cập ở mức báo cáo của các cơ quan chức năng, các bài viết trên các trang web như: www.binhduong.gov.vn; http://baobinhduong.vn/,...

2.3. Đánh giá chung tình hình nghiên cứu

Nhìn chung đã có nhiều tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu về FDI và môi trường thu hút FDI. Thành tựu chung của các nghiên cứu trên đây là đã chỉ ra khá đầy đủ và toàn diện nhiều vấn đề lý luận và nhiều dẫn chứng thực tiễn của việc hình thành và cải thiện môi trường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các nghiên cứu sau có tính kế thừa và phát huy kết quả của các nghiên cứu trước. Đây sẽ là cơ sở lý luận làm nền tảng để tác giả vận dụng vào nghiên cứu.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, chưa có đề tài nào nghiên cứu về việc hoàn thiện môi trường thu hút FDI trên địa bàn tỉnh Bình dương một cách đầy đủ, đặc biệt trong điều kiện định hướng phát triển Bình Dương trở thành thành đô thị loại I trước năm 2020 (theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X đề ra).

Do đó việc thực hiện đề tài nghiên cứu về hoàn thiện môi trường thu hút FDI trên địa bàn tỉnh Bình dương trên cơ sở kế thừa những nghiên cứu đã có sẽ có ý nghĩa lý luận và thực tiễn nhất định.

3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu của đề tài là hệ thống hoá cơ sở lý luận và thực tiễn việc hoàn thiện môi trường thu hút FDI, từ đó tìm ra những giải pháp nhằm hoàn thiện hơn nữa môi trường thu hút FDI ở Bình Dương.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

- Hệ thống hoá cơ sở lý luận và thực tiễn về môi trường thu hút đầu tư FDI trên địa bàn một tỉnh.

- Phân tích thực trạng về môi trường thu hút vốn FDI ở Bình Dương.

- Đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện môi trường thu hút vốn FDI ở Bình Dương trong thời gian tới.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận văn là môi trường thu hút vốn FDI.

4.2. Đối tượng khảo sát của luận văn

- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

- Các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan đến MTĐT trực tiếp nước ngòi trên địa bàn tỉnh Bình Dương (Sở Kế hoạch & Đầu tư, Ban Quản lý Các KCN, Sở Ngoại vụ, Sở Công thương, UBND tỉnh,…)

4.3. Phạm vi nghiên cứu

Về nội dung: Môi trường thu hút FDI bao gồm nhiều yếu tố, được chia thành 02 nhóm: các yếu tố cứng (điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý…) không thể hoặc khó thay đổi; các yếu tố mềm (chính sách, pháp luật, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực…) là các yếu tố có thể tác động, thay đổi được. Trong luận văn này, tác giả tập trung nghiên cứu các yếu tố mềm có tác động đến môi trường thu hút FDI.

Về thời gian: thời gian nghiên cứu giới hạn từ năm 2005 đến nay (một số dữ liệu được cập nhật từ năm 1997 – khi Bình Dương được tái lập). Những giải pháp và kiến nghị được đề xuất cho giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2025.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 06/10/2023