Hoàn thiện cơ chế thực hiện chính sách bảo hiểm y tế tại thành phố Hồ Chí Minh đến 2020 - 2


DANH MỤC CÁC BẢNG

Bảng 1.1 Sự khác biệt giữa BHYT xã hội và BHYT tư nhân 10

Bảng 1.2 Phương pháp chi trả bảo hiểm y tế 11

Bảng 1.3 Sơ lược lịch sử hình thành Bảo hiểm y tế Việt Nam 25

Bảng 1.4 Mức đóng phí BHYT theo hình thức hộ gia đình 26

Bảng 1.5 Mức hưởng BHYT cho các đối tượng tham gia 27

Bảng 1.6 Mức hưởng BHYT khi khám chữa bệnh trái tuyến 27

Bảng 2.1 Mối quan hệ giữa chính quyền địa phương và cơ quan bảo hiểm xã hội 36

Bảng 2.2 Kết quả thực hiện BHYT tại TPHCM 37

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 96 trang tài liệu này.

Bảng 2.3 Mối quan hệ tài chính và nâng cao chất lượng KCB 50

Bảng 3.1 Hệ thống đòn bẩy tài chính nâng cao chất lượng KCB 69

Hoàn thiện cơ chế thực hiện chính sách bảo hiểm y tế tại thành phố Hồ Chí Minh đến 2020 - 2


1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI‌‌‌


MỞ ĐẦU

Từ xưa đến nay, quá trình hình thành và phát triển của bất cứ quốc gia nào cũng cần hội đủ 3 nguồn lực: nhân lực, vật lực, tài lực. Trong đó, nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng nhất của sự phát triển một quốc gia. Chính vì lẽ đó, Chính phủ mỗi nước rất quan tâm đến vấn đề chăm lo sức khoẻ cho người dân. Tuy nhiên, do nguồn lực tài chính là giới hạn nên mỗi quốc gia đều tự tìm những con đường tài chính và y tế riêng cho hoạt đông chăm sóc sức khoẻ nói chung và bảo hiểm y tế nói riêng.

Việt Nam trong hơn 20 năm đổi mới nền kinh tế, hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới nên không thể nằm ngoài quy luật phát triển chung của thế giới. Vì vậy, phát triển chính sách bảo hiểm y tế luôn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Thật vậy, Nghị quyết của Bộ Chính trị số 21-NQ/TW do Ban chấp hành Trung ương ban hành ngày 22/11/2012 đề cập về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020.

Trên con đường xây dựng một nền y tế phát triển và hiệu quả, Việt Nam đang quan tâm nhiều hơn công tác khám chữa bệnh, ngoài việc xây dựng mạng lưới và cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh đến gần người dân, thì cần thiết phải có một nguồn lực về tài chính đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Bảo hiểm y tế ở Việt Nam được xác định là một cơ chế tài chính chủ đạo trong tương lai, thực hiện mục tiêu phát triển hiệu quả của ngành y tế. Thực tiễn sau hơn 20 năm thực hiện chính sách BHYT, Việt Nam đã thu được những kết quả khả quan, nguồn tài chính BHYT ngày càng tăng và đóng góp một phần đáng kể cho sự nghiệp chăm sóc khỏe nhân dân. Đến nay đã có hơn 70% dân số cả nước tham gia và hệ thống chính sách BHYT, quỹ BHYT đã phần nào đảm bảo sự an toàn tài chính đối trước các rủi ro bệnh tật cho hàng triệu người bệnh và hộ gia đình.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng như một số nước trên thế giới, phát triển BHYT đang phải đối mặt với sự leo thang của chi phi y tế ngày một gia tăng. Vậy yếu tố nào làm gia tăng chi phí y tế, trong đó chính sách BHYT thực hiện ra sao? Thực tế


cho thấy có nhiều yếu tố tác động như nhu cầu khám chữa bệnh (tuổi thọ, cơ cấu bệnh tật, mức sống,...); khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, khả năng cung ứng dịch vụ; gói quyền lợi y tế người dân được thụ hưởng từ chính sách BHYT và điểm quan trọng là hình thức thanh toán BHYT chưa thật sự phù hợp làm ảnh hưởng đến quyền lợi cho người tham gia BHYT cũng như ảnh hưởng đến khả năng cân đối quỹ BHYT. Trong những năm gần đây, tình trạng nợ đọng, trốn đóng quỹ BHYT ở đối tượng lao động chính quy trong các doanh nghiệp lại có xu hướng gia tăng. Trong khi đây là nguồn thu cơ bản của quỹ BHYT, đã làm cho quỹ BHYT gặp nhiều áp lực về tài chính.

Từ trước đến nay đã có một số nghiên cứu về chính sách BHYT và áp dụng thí điểm phương thức thanh toán BHYT tại một số địa phương. Tuy nhiên các nghiên cứu chưa phân tích cụ thể các yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến cơ chế thực hiện chính sách BHYT, đặc biệt là chưa đánh giá đầy đủ ảnh hưởng về chính sách BHYT tác động đến từng đối tượng tham gia.

Do đó, để phát triển chính sách BHYT một cách bền vững và đúng quy luật cần thiết phải tiếp tục nghiên cứu một cách có hệ thống, sâu rộng các hoạt động thực hiện chính sách như phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thực hiện chính sách BHYT như phương pháp thực hiện thanh toán BHYT cho từng giai đoạn phát triển của chính sách là những vấn đề luôn được quan tâm trong tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, từ khi Luật Bảo hiểm y tế ra đời, đối tượng tham gia BHYT mở rộng, nguồn lực tài chính BHYT ngày càng lớn, đã có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về những hoạt động thực hiện chính sách BHYT mà những ảnh hưởng của các hoạt động này cuối cùng lại tác động trực tiếp đến quyền lợi sức khoẻ của chính người tham gia BHYT.

Từ khi Luật bảo hiểm y tế sửa đổi số 46/2014/QH13 được Quốc hội nước Việt Nam thông qua ngày 13/06/2014 có nhiều ưu điểm vượt trội hơn Luật bảo hiểm y tế trước đây là Luật số 25/2008/QH12 do Quốc hội nước Việt Nam ban hành ngày 14/11/2008 cũng như gặp phải các bất cập trong thời đại mới. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu chính sách BHYT, đặc biệt nghiên cứu những ưu điểm và hạn chế


trong thực trạng thực hiện chính sách BHYT hiện nay rất cần thiết. Nhận thức được thực tế trên, tác giả mạnh dạn chọn đề tài: "Hoàn thiện cơ chế thực chính sách bảo hiểm y tế tại thành phố Hồ Chí Minh đến 2020" làm đề tài luận văn tốt nghiệp cao học kinh tế, chuyên ngành kinh tế chính trị.

Đề tài "Hoàn thiện cơ chế thực chính sách bảo hiểm y tế tại thành phố Hồ Chí Minh đến 2020" có kết cấu gồm 3 chương:

Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về chính sách bảo hiểm y tế và cơ chế thực hiện chính sách bảo hiểm y tế.

Chương 2: Thực trạng cơ chế thực hiện chính sách bảo hiểm y tế tại TPHCM.

Chương 3: Giải pháp hoàn thiện cơ chế thực hiện chính sách bảo hiểm y tế tại TPHCM đến năm 2020


2. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI‌

Luận văn thạc sĩ của Châu Công Thái (2015): "Phân tích trục trặc trong việc tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Phú Yên." có giá trị tham khảo rất lớn cho quá trình học viên thực hiện đề tài. Trong luận văn, Châu Công Thái đã cung cấp nhiều khái niệm cơ bản về bảo hiểm, y tế, các hoạt động của bảo hiểm y tế, cũng như khái quát về chính sách bảo hiểm y tế Việt Nam trong thời gian gần đây. Đặc biệt, nghiên cứu của Châu Công Thái về những bất cập trong công tác thực hiện chính sách bảo hiểm y tế tại Phú Yên đã góp phần không nhỏ cho tác giả trong việc hình thành bố cục luận văn.

Luận văn thac sĩ của Nguyễn Thanh Huyền (2011). "Đo lường tác động của lựa chọn ngược lên quyết định mua Bảo hiểm y tế tự nguyện ở Việt Nam và tác động của nó lên bội chi quỹ Bảo hiểm y tế" cũng có giá trị tham khảo. Trong đề tài, Nguyễn Thanh Huyền đã nêu lên các khái niệm bảo hiểm, bảo hiểm y tế, cũng như tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm y tế giai đoạn Luật bảo hiểm sửa đổi 2014 chưa ban hành, đồng thời Nguyễn Thanh Huyền cũng giải thích rõ các nguyên nhân dẫn đến sự lựa chọn trái chiều của người dân đối việc lựa chọn mua bảo hiểm.


Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ của Bùi Hữu Phước (2010). “Đẩy nhanh tiến trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân ở Việt Nam – Giải pháp có hiệu quả thực hiện chính sách an sinh” có giá trị tham khảo cao. Tác giả Bùi Hữu Phước đã trình bày các ưu điểm và bất cập trong quá trình thực hiện chính sách BHYT từ năm 1992 đến năm 2010, cụ thể là các ưu điểm của Luật BHYT (2008) đã mang lại một số thành tựu trong công tác thực hiện chính sách BHYT tại Việt Nam cũng như trình bày các lợi ích to lớn của bảo hiểm y tế toàn toàn dân đối với chính sách an sinh xã hội. Có thể nói, thế mạnh của đề tài của Bùi Hữu Phước tập trung nghiên cứu bảo hiểm y tế toàn dân ở giác độ là một phần thiết yếu của chính sách an sinh xã hội chứ không tập trung nghiên cứu chính sách BHYT ở giác độ tài chính để nhận thấy BHYT toàn dân cũng là một nguồn tài chính to lớn ngoài ngân sách nhà nước cho việc thực hiện nghiệm vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Một đề tài khác nữa của Bùi Hữu Phước (2005) “Những giải pháp thực hiện bảo hiểm y tế ở Việt Nam” cũng nghiên cứu về công tác thực hiện bảo hiểm y tế ở Việt Nam. Trong đề tài này, Bùi Hữu Phước không chỉ cung cấp cái nhìn khái quát về quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm y tế của Nhà nước trong giai đoạn trước khi Luật BHYT (2008) ra đời, mà còn cung cấp cho tác giả các giải pháp tình thế để hoàn thiện hệ thống bảo hiểm y tế vào thời điểm năm 2005, đây là một nguồn tư liệu quan trọng để tác giả tham khảo và hình thành nên các ý chính trong luận văn này.

Luận văn thạc sĩ của Nguyễn Thị Tứ (2007) “Phát triển và hoàn thiện hệ thống bảo hiểm y tế tại Việt Nam” đã trình bày các khái niệm về bảo hiểm y tế, hệ thống hóa bảo hiểm y tế trong giai đoạn sắp có Luật BHYT (2008) được ban hành. Mặc dù, đề tài của Nguyễn Thị Tứ có không gian là toàn Việt Nam nên chỉ đưa ra các giải pháp có tính hệ thống chung cho tất cả các tỉnh, thành, chưa đề cập đến các giải pháp cụ thể cho từng địa phương. Tuy nhiên, đề tài của Nguyễn Thị Tứ vẫn có giá trị tham khảo to lớn vì nó gần gũi nhất với luận văn mà tác giả thực hiện.

Đề tài của Đào Quang Sơn (2004) “Xây dựng lộ trình tiến đến bảo hiểm y tế toàn dân tại Việt Nam” đã trình bày rõ ràng các lộ trình cần thiết trong việc tiến đến


thực hiện bảo hiểm toàn dân mà Nhà nước đang kiên trì thực hiện. Đề tài cũng tương tự như đề tài của Bùi Hữu Phước (2010) khi đề cập đến các ưu điểm của bảo hiểm y tế toàn dân và có điểm nội bật là trình bày được lộ trình rõ ràng để tiến đến bảo hiểm y tế toàn tại thời điểm đó. Tuy nhiên, đề tài chỉ có tính tham khảo vì thời gian thực hiện đề tài này là 10 năm về trước.

Đồng thời, các đề tài của Nguyễn Hữu Ngọc (2001) “Hoàn thiện bảo hiểm y tế tại Việt Nam” và đề tài của Nguyễn Thị Hưởng (2002) “Các giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý bảo hiểm y tế ở Việt Nam” cũng có giá trị tham khảo về lịch sử cũng như thực trạng thực hiện bảo hiểm y tế tại thời điểm 2001-2002.

Ngoài ra, học viên còn tham khảo các tài liệu có giá trị học thuật trong quá trình thực hiện luận văn thạc sĩ, bao gồm: các Luật định do Quốc hội Việt Nam thông qua; các nghị định, quyết định do Ban Chấp hành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế ban hành; cùng vớ các tài liệu giáo trình của Bộ Y Tế, Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Điểm mới của đề tài học viên thực hiện là nghiên cứu đến cơ chế thực hiện chính sách bảo hiểm y tế trong thời điểm Luật bảo hiểm y tế sửa đổi (2014) được triển khai tại toàn quốc, trong đó đề tại tập trung nghiên cứu thực trạng cơ chế thực chính sách bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh năm 2015. Kết hợp với kinh nghiệm một số tỉnh thành khác đang triển khai chính sách bảo hiểm y tế, học viên tổng hợp và đề xuất các giải pháp trọng tâm hoàn thiện cơ chế thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho giai đoạn đến năm 2020.


3. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

Việc thực hiện nghiên cứu đề tài "Hoàn thiện cơ chế thực hiện chính sách bảo hiểm y tế ở thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020" nhằm thực hiện các mục tiêu sau:

Cơ sở lý luận và thực tiễn về chính sách bảo hiểm y tế.

Hệ thống hóa và làm sáng tỏ về mặt lý luận và thực tiễn trong cơ chế thực hiện chính sách bảo hiểm y tế nhằm phục vụ mục tiêu an sinh xã hội.


Phân tích thực trạng thực hiện chính sách bảo hiểm y tế tại TPHCM, rút ra các mặt ưu điểm, bất cập còn tồn tại và nguyên nhân của những bất cập trên.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài, học viên đề xuất các giải pháp đến các cơ quan quản lý, cơ quan thực hiện chính sách BHYT, các cơ sở khám chữa bệnh nhằm góp phần hoàn thiện cơ chế thực hiện chính sách BHYT tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.


4. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU‌

Đối tượng nghiên cứu nghiên cứu của Luận văn là chính sách bảo hiểm y tế và quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm y tế ở thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến nhiều khía cạnh như: chất lượng khám chữa bệnh, vấn đề tài chính bảo hiểm y tế như nguồn thu và thanh toán bảo hiểm y tế, công tác triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm y tế của các cơ quan có trách nhiệm.

Giới hạn phạm vi nghiên cứu:

Giới hạn về góc độ nghiên cứu: Luận văn đề cập đến chính sách bảo hiểm y tế; luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, thực trạng cơ chế thực hiện chính sách bảo hiểm y tế tại thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2015.

Giới hạn về không gian, thời gian: Luận văn nghiên cứu về chính sách và việc thực hiện bảo hiểm y tế trong năm 2015, đề xuất giải pháp đến 2020.


5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đề tài được thực hiện dựa trên nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau có mối quan bổ trợ cho nhau nhằm thực hiện nhiệm vụ và đạt mục đích của luận văn. Cụ thể là các phương pháp sau:

Phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử: xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện chính sách bảo hiểm y tế qua từng thời kỳ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.


Phương pháp thu thập thông tin, thống kê: tổng hợp dữ liệu thứ cấp trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm y tế tại TPHCM và các tỉnh, thành khác vào thời điểm là năm 2015.

Phương pháp dự báo: trong quá trình xử lý dữ liệu, tác giả đã sử dụng phương pháp dự báo để phát hiện và dự đoán xu hướng phát triển của chính sách bảo hiểm y tế. Thêm vào đó, luận văn còn thực hiện bằng phương pháp so sánh, phân tích và tổng hợp…


6. Ý NGHĨA THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

Bằng việc tập trung nghiên cứu về cơ chế thực hiện chính sách bảo hiểm y tế năm 2015, đề tài góp phần nâng cao nhận thức cơ sở lý luận về chính sách bảo hiểm y tế, cơ chế thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, khẳng định việc đầu tư vào chính sách bảo hiểm y tế và sử dụng nguồn tài chính dành cho công tác khám chữa bệnh hợp lý là một phần quan trọng trong công tác thực hiện chính sách an sinh xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh.

Kết quả nghiên cứu của luận văn tập trung phân tích và chỉ ra những ưu điểm và bất cập trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm y tế năm 2015 và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế ở thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.

Ngoài ra, đề tài còn có giá trị tham khảo cho các tỉnh, thành phố khác trên cả nước và có giá trị tài liệu tham khảo cho các công trình nghiên cứu khác.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 31/10/2023