Câu Chuyện Nhân Vật Mỵ Ê Nhìn Từ Góc Nhìn Lý Luận Nghiên Cứu Giới

Liệt nữ là hình mẫu lí tưởng mà các triều đại phong kiến luôn hướng đến để giáo dục đạo đức cho người phụ nữ. Xét về nguồn gốc văn hóa có thể thấy, người phụ nữ lấy cái chết không nề hà hi sinh thân xác thịt để bảo vệ thân danh tiết hiện tượng như Mỵ Ê không phải là hiện tượng cá biệt. Đây thực chất là một nét văn hóa khá nổi bật ở Việt Nam hay nói chung là của toàn bộ vùng văn hóa phương Đông thời trung đại. Càng ở các giai đoạn sau thì liệt nữ lại càng xuất hiện với tần số nhiều hơn trong văn học và các sử liệu. Một tác phẩm ―văn học hải ngoại‖ như Nam ông mộng lục cũng kể lại một câu chuyện tương tự về người đàn bà sẵn sàng xem thường cái chết, dám hi sinh thân xác để thực hiện thuyết ―tòng phu‖: ―Năm Đinh Hợi, niên hiệu Vĩnh Lạc, vào ngày đại quân bình định đất Giao Chỉ, có một người đầu mục tên là Ngô Miễn nhảy xuống nước tự tử, vợ là Nguyễn Thị ngửa mặt lên trời than rằng: ―Chồng ta thờ chúa, một đời ăn lộc, từ chỗ Trung quan được lên tham dự Chính phủ, nay vì nghĩa mà chết, thế là chết đáng chỗ, còn oán hận gì. Nếu thiếp muốn sống há không còn nơi nào sao? Nhưng cái nghĩa vợ chồng, cái ơn vua tôi ta không nỡ lòng phụ bạc. Thà chết theo nhau vậy‖. Nói đoạn, cũng nhảy xuống nước mà chết‖ [121; tr.83-84]. Thế kỉ XVI, qua Truyền kì mạn lục, Nguyễn Dữ đã chú ý đến hình ảnh những người phụ nữ lí tưởng có những cách ứng xử rất nổi bật là cách ứng xử xem nhẹ thân xác, sẵn sàng hy sinh thân thể để bảo vệ thân danh tiết. Cách ứng xử này là nguồn gốc của hành động tự vẫn để chứng minh tiết hạnh ở các nhân vật như Nhị Khanh, Vũ Nương và Lệ Nương trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, Chuyện người con gái Nam Xương Chuyện Lệ Nương. Hàng trăm câu chuyện về tấm gương liệt nữ dám tự tử để giữ gìn tiết hạnh trong Đại Nam thực lục cũng đã chứng minh cho nét văn hóa này ở hình mẫu người phụ nữ lí tưởng. Trong Đại Nam thực lục, những liệt nữ được ngợi ca về trinh tiết thường được đặt vào những thử thách bị ép đi bước nữa như trường hợp Nhị Khanh của Nguyễn Dữ. Đứng trước thử thách kiểu này, mỗi liệt phụ đều có cách ứng xử khắc kỷ để khẳng định lòng trinh liệt: Có người lấy dao rạch mặt để chứng minh tiết hạnh

―Trương Thị Vân, người huyện Chân Định, Nam Định, 23 tuổi, góa chồng ở vậy nuôi con, trong làng có kẻ hào phú muốn ép lấy, Thị Vân lấy con dao rạch mặt, nó bèn thôi‖ [91;T2, tr.675]; Có người tự vẫn để giữ tiết ―Vũ Thị Lự, người xã Hạ Bì, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, lấy người cùng làng là Phạm Huy Thái, đẻ được hai con gái. Năm 19 tuổi, chồng chết, trong ba năm cư tang, mỗi bữa cơm đều cúng và khấn, coi như chồng còn sống. Có

người nhà giàu yêu nàng có nhan sắc, muốn lấy làm vợ, nàng không chịu. Cha mẹ đẻ và cha mẹ chồng thương còn trẻ góa chồng, lại chưa có con trai, nên định ép duyên. Hôm dẫn cưới, nàng bèn gieo mình xuống sông để tự tử, may có người cứu được‖ [91;T4, tr.1043]; Có người thì cắt tóc, thề không đổi chí ―Vũ Thị Phí người Châu Ôn, tỉnh Lạng Sơn, 26 tuổi, sinh được một con trai, vừa được ba tháng thì chống chết, đã mãn tang chồng, có người nối cầu lấy làm vợ kế, cha mẹ cũng khuyên bảo, nhưng thị tự cắt tóc, thề không đổi chí, ở góa ở nhà chồng, trên thờ bố mẹ chồng, dưới nuôi con đến trưởng thành, trước sau toàn tiết, không ai nói vào đâu được‖ [91;T5, tr.182]…Ngoài ra, sách Tang thương ngẫu lục có kể lại câu chuyện về liệt phụ Đoàn phu nhân nhảy xuống sông chết theo chồng và được người đời ngợi ca về đức hạnh như sau: ―Đoàn phu nhân là vợ thứ của Du Lĩnh hầu Ngô phúc Du, người làng Trảo Nha (Hà Tĩnh). Hầu là con nhà tướng, trong năm Cảnh Hưng, quản đốc đội quân tiên phong. Tháng sáu năm Bính ngọ (1786), bị chết tại trận. Bà vợ cả quy y cửa phật, Đoàn thị đẹp mà không có con, được Hầu coi như vợ chính. Chưa bao lâu, phu nhân đem việc dặn dò người nhà của Trình Hầu, rồi đến lập một đàn chay ở chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng chỗ tu của bà vợ cả. Làm chay xong, phu nhân cùng bà vợ cả cùng lũ con của Hầu ra đặt trước bài vị ở bến Thúy Ái, nơi hầu chết trận khi trước, ngoảnh về phía nam chiêm hồn để tế, mọi người xa gần kéo nhau đến xem đông lắm. Đoạn, phu nhân ăn mặc chải chuốt, son phấn điểm trang, bơi một chiếc thuyền con ra giữa dòng, gieo mình xuống nước mà chết. Dân ở đây lập miếu thờ‖ [96; tr.65-66]…

Tóm lại, liệt nữ, liệt phụ là những nhân vật có trong lịch sử từ thời Lí với ghi chép đầu tiên về liệt nữ Mỵ Ê. Nho giáo từ các thế kỷ XIV trở đi dần chiếm địa vị chủ đạo của đời sống tư tưởng xã hội, ảnh hưởng đến lĩnh vực sáng tác và viết sử. Câu chuyện Mỵ Ê được nhà nho kể lại theo mục đích diễn ngôn của Nho giáo về phụ nữ. Cảm hứng này thống nhất với việc Đại Việt sử ký toàn thư biên soạn ở thế kỷ XV ghi lại các trường hợp phụ nữ chết theo chồng như chúng tôi đã trình bầy ở trên. Và từ thực tế lịch sử đó các tác giả nho gia mới dựng lên những câu chuyền li kì hơn để tăng thêm sức thuyết phục cho những giáo điều của nho giáo nhằm áp đặt mọi chuẩn mực lên người phụ nữ một cách đầy vô lí, bất công. Với cách nhìn thiên kiến ấy thì những người phụ nữ không sống theo đúng bổn phận ―tòng nhất chi chung‖ thì đều bị xem là dâm phụ, đối nghịch với liệt nữ, kiểu như nhân vật A Kim trong Lĩnh Nam chích quái.

3.1.3. Câu chuyện nhân vật Mỵ Ê nhìn từ góc nhìn lý luận nghiên cứu giới

Để nghiên cứu nhân vật liệt nữ Mỵ Ê với tư cách là ―người nữ‖ trong bối cảnh

―văn hoá giới‖ thời trung đại chúng tôi triển khai một số vấn đề lý luận về giới làm cơ sở nền tảng cơ bản để nghiên cứu vấn đề.

Giới (Gender) là một thuật ngữ khoa học được sử dụng trong nhiều lĩnh vực. Những hướng tiếp cận không giống nhau với vấn đề giới đã cho ra đời số lượng định nghĩa khá phong phú về thuật ngữ này. Tuy nhiên, chúng tôi không đi sâu phân tích từng định nghĩa mà chỉ hướng tới đưa ra một quan niệm đáng tin cậy nhằm làm chỗ dựa trong tiến trình nghiên cứu.

Trong cuốn sách nổi tiếng Giới tính thứ hai (Le Deuxième) bà Simone de Beauvoir đã có một câu nói khẳng định bất hủ: ―Người ta sinh ra không phải là phụ nữ mà là trở thành phụ nữ‖. Luận điểm này của bà Beauvoir nhằm đạp đổ bản chất luận cho rằng phụ nữ sinh ra đã là

―phụ nữ‖. Ý của bà nghĩa là: khi sinh ra, người ta chỉ là nam, nữ theo nghĩa giới tính bản năng, còn người phụ nữ không có bẩm sinh, không có một nữ tính muôn thuở mà là sản phẩm của văn hóa xã hội, của giáo dục gia đình, nhà trường, xã hội. Sống trong xã hội Việt Nam theo Nho giáo, nam quyền, người phụ nữ Việt Nam chung thủy, chính chuyên, nhưng khi đi sang phương Tây, sống trong môi trường văn hóa nữ quyền, họ có thể có những ứng xử vượt ra ngoài những qui phạm ấy. Áp lực của môi trường văn hóa rất mạnh, tạo nên cách hành xử suy nghĩ của con người. Vì thế để phân tích người phụ nữ trong văn học cần lý giải hoàn cảnh xã hội, truyền thống văn hóa ảnh hưởng-đó là lý do người ta nghiên cứu hình tượng phụ nữ ở xã hội nam quyền, nơi nam giới thống trị, các chuẩn mực đạo đức, sắc đẹp, hành vi của phụ nữ phục vụ cho nam giới…Qua quan điểm của Simone de Beauvoir chúng ta thấy rằng: người ta trở thành phụ nữ/đàn ông là do quá trình giáo dục của một nền văn hoá-xã hội nhất định. Chẳng hạn, mô hình không gian Nội- Ngoại, Âm- Dương ở Trung Quốc cổ trung đại cho thấy sự hình thành, phân công nam nữ về phương diện văn hoá-xã hội: mọi chuẩn mực ở người phụ nữ đều do nam giới qui định và áp đặt nhằm bảo vệ cho lợi ích của đàn ông.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 190 trang tài liệu này.

Chúng ta biết rằng Simone de Beauvoir đưa ra luận điểm bất hủ trong cuốn sách được xem là ―Thánh Kinh của chủ nghĩa nữ quyền‖ trên vào năm 1949 khi con người đã bước sang thời kì hiện đại, thể chế xã hội mới đã thay thế thể chế xã hội cũ vốn tàn bạo khắc nghiệt. Hơn thế đến năm 1949, lịch sử đấu tranh của giới nữ đã trải qua một hành trình dài kể từ năm 1857 khi các công nhân ngành dệt tại thành phố New York đấu tranh đòi một số quyền lợi về lao động, đặc biệt sự kiện Hội phụ nữ do Quốc Tế thứ II (Quốc tế xã hội chủ nghĩa) tổ chức ngày 8/3/1910 quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày Quốc tế Phụ Nữ. Điều đó cho thấy sự bất công đối

với nữ giới vẫn còn đeo đẳng và phổ biến trong xã hội kể cả đến ngày hôm nay. Nguyên nhân của tình trạng này thiết nghĩ là vì trật tự nam quyền vốn có một lịch sử được bảo trợ bởi kiến trúc thượng tầng, đã ăn sâu vào đời sống văn hoá, hằn sâu trong tiềm thức trí não khiến mỗi người hành xử theo đó như một lẽ đương nhiên. Xét ở khía cạnh nào đó nó như một vô thức tập thế. Chẳng thế mà nhà văn nổi tiếng trong văn học đương đại Việt Nam Nguyễn Huy Thiệp trong tác phẩm Con gái thần đã mượn lời nhân vật nam nói lên phần nào nỗi bất công này: ―Tôi thấy tính gia trưởng huỷ hoại bao nhiêu số phận con người. Tôi cũng thấy những ngộ nhận giới tính và đạo đức giết chết vẻ diễm lệ trên khuôn mặt thiếu nữ‖. Như vậy tiếng nói của Beauvoir là tiếng nói khẳng định tinh thần nữ quyền nhằm xác lập các giá trị nữ giới trong đời sống xã hội.

Hệ thống nhân vật và thi pháp thể hiện chúng trong văn học trung đại Việt Nam giai đoạn từ thế kỉ X đến thế kỉ XV - 13

Phát biểu về giới của bà Beauvoir cho phép ta hình dung cách tiếp cận về thuật ngữ này. Đó là người phụ nữ trong mối quan hệ với đàn ông. Thế giới không thể không có đàn ông và càng không thể không có đàn bà. Chúng tôi cũng nhất trí với quan điểm cho rằng:

―Khái niệm giới không chỉ đề cập đến nam và nữ mà cả mối quan hệ giữa nam và nữ. Trong mối quan hệ ấy có sự phân biệt về vai trò, trách nhiệm, hành vi hoặc sự mong đợi mà xã hội đã quy định cho mỗi giới. Những quy định/mong đợi xã hội này phù hợp với các đặc điểm văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội và tôn giáo; vì thế nó luôn biến đổi theo các giai đoạn lịch sử và có khác biệt giữa các cộng đồng, xã hội‖ [158; tr.42].

Giới do vậy là một thuật ngữ để chỉ vai trò xã hội, hành vi ứng xử xã hội và những đòi hỏi, yêu cầu đối với nam và nữ. Nó là sản phẩm của xã hội - văn hóa.

Trong đời sống hằng ngày, thuật ngữ giới (gender) thường bị dùng lẫn lộn với giới tính (sex). Thực chất đây là hai phạm trù tương hỗ nhưng không đồng nhất. Nếu giới tính chỉ nhấn mạnh đến tính nam/nữ (Trung văn dịch là tính biệt) thì giới nhấn mạnh đến sự phân biệt nam/nữ trên cả phương diện xã hội (dịch sang Trung văn có nghĩa là xã hội tính biệt - giới tính nam/nữ xét trên phương diện xã hội).

Như vậy, khái niệm giới mà chúng tôi sử dụng không những chỉ phương diện giới tính và giải thích người đàn ông và phụ nữ ở khía cạnh sinh lý mà còn quan tâm đến cả phương diện văn hóa - xã hội của họ như trong mối quan hệ gia đình, quan hệ nam nữ.

Nghiên cứu về giới không phải xu hướng mới trong lịch sử nhân loại học. Nó có thể đã được nói đến từ thời cổ đại cả ở phương Đông lẫn phương Tây. Các học giả Trung Hoa cổ đại đã bàn luận tới giới tính công khai và nghiêm túc như một trong những đề tài quan trọng nhất của sự nghiên cứu con người. Quả thực, cho đến nay, khoa học về giới đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực: Người ta nghiên cứu giới theo quan điểm sinh lý, chỉ ra sự khác biệt về

cấu tạo cơ thể, về sức khoẻ, về tính dục giữa nam và nữ để ứng dụng vào y học, sinh học… Người ta cũng có thể nghiên cứu giới theo quan điểm xã hội để ứng dụng trong phân công lao động xã hội giữa nam và nữ, giải quyết vấn đề ngành nghề cho nam và nữ, so sánh và cân đối thu nhập giữa nam và nữ, đo lường độ tuổi nghỉ hưu phù hợp cho nam và nữ… Giới cũng có thể được nghiên cứu trong tâm lý học để chỉ ra được đặc trưng dị biệt trong tâm lý giữa phái nam và phái nữ….Giới cũng có thể được nghiên cứu theo quan điểm văn hoá để chỉ ra cái nhìn về giới của nam và nữ đối với nhau, chỉ ra địa vị gia đình và xã hội của nam giới và nữ giới v.v…

Trong nghiên cứu văn học, người ta có thể vận dụng phương pháp nghiên cứu giới của nhân vật văn học để tìm hiểu các kiểu hình tượng nam/nữ. Chẳng hạn, nhân vật người anh hùng Võ Tòng trong bộ tiểu thuyết chương hồi Thủy hử nổi tiếng khi được quan sát từ góc nhìn giới sẽ bộc lộ đặc điểm và cũng là hạn chế của quan niệm anh hùng cổ trung đại: người anh hùng nghĩa hiệp, tài năng nhưng lại thiếu tình yêu người đẹp, thậm chí lạnh lùng đến tàn bạo đối với người phụ nữ có tình yêu phóng túng. Hay nghiên cứu nhân vật phụ nữ như nàng Kiều trong Truyện Kiều từ quan điểm giới, người ta có thể thấy quan niệm trinh tiết nghiệt ngã của Nho giáo đã trói buộc nàng Kiều, khiến nàng mang mặc cảm tội lỗi vì mình không còn trong trắng, và từ chối sống tình vợ chồng với Kim Trọng sau mười lăm năm ly biệt, chờ đợi. Qua đó, hiểu được một cách toàn diện những nguyên nhân dẫn đến bất hạnh của Kiều, từ nguyên nhân xã hội đến nguyên nhân thuộc về quan niệm giới. Nói khác đi, vấn đề giới giúp cho việc nhận thức nhân vật toàn diện hơn. Trước đây, nhân vật nam/nữ thường chỉ được nhìn theo quan điểm giai cấp, áp bức hay bị áp bức, theo quan điểm đạo đức, đáng khen hay đáng chê thì với điểm nhìn giới, chúng ta thấy thêm những phương diện khác của nhân vật.

Trên đây là mấy vấn đề lý thuyết lý luận về giới. Dựa trên nền tảng của cách tiếp cận của lí thuyết phê bình nữ quyền này, chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu mẫu hình liệt nữ-Mỵ Ê trong Việt điện u linh (VĐUL): Câu chuyện về Mỵ Ê cho thấy quá trình hình thành những chuẩn mực đạo đức cho phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến (thực chất là vấn đề trinh tiết chung thủy với một người đàn ông trong khi đàn ông năm thê bảy thiếp) đã bắt đầu với nhân vật Mỵ Ê do nhà nho hư cấu, tạo dựng. Đây là quan niệm đạo đức Nho giáo. Sự tinh vi của hình thức giáo dục đạo đức phụ nữ này: kể chuyện hành xử của phụ nữ ngoại tộc để cho thấy trinh tiết là phẩm giá phổ biến cho mọi nền văn hóa; nhân câu chuyện lập đền thờ, phong thần cho Mỵ Ê: nhà nho làm thơ, viết văn, lập đền thờ là các mô hình tuyên truyền tinh vi mà sau này, các đời khác nhà nước phong kiến đều mô phỏng - ví dụ, lập đền thờ Vũ Thị Thiết, làm thơ khen ngợi nhiều phụ nữ tuẫn tiết theo chồng…

3.2. Nghệ thuật thể hiện nhân vật liệt nữ Mỵ Ê

3.2.1. Ngoại hình

Ngoại hình là một trong những đặc điểm quan trọng của con người nói chung và nữ giới nói riêng. Mức độ và thái độ miêu tả vẻ đẹp ngoại hình người phụ nữ là một nhân tố thể hiện quan niệm về cái đẹp nữ tính của mỗi người, mỗi thời kì. Nếu như trong các tác phẩm văn học hiện đại, vẻ đẹp ngoại hình người phụ nữ được đề cao và trân trọng như cội nguồn tạo nên sự hấp dẫn của nữ tính thì ở các truyện về người phụ nữ lí tưởng theo kiểu liệt nữ, trinh tiết như Mỵ Ê trong VĐUL, vẻ đẹp ấy dường như đã bị lấn át bởi những tiêu chuẩn về vẻ đẹp đạo đức.

Thái độ kỳ thị nữ sắc của Nho gia đã dẫn đến nguyên tắc miêu tả ít quan tâm vẻ đẹp ngoại hình người phụ nữ lý tưởng, đặc biệt né tránh cái đẹp thân xác của họ trong khi đức hạnh lại được khắc sâu với thái độ ngưỡng mộ, thậm chí tôn thờ. Điều này khiến người đọc hình dung giá trị của người phụ nữ không phải ở thân thể mà chủ yếu là ở đức hạnh theo chuẩn mực Nho giáo. Tất nhiên, đức hạnh là đáng quý, nhưng nếu như người phụ nữ vừa có đức hạnh, lại vừa có vẻ đẹp hấp dẫn thân thể về nữ tính thì là một kết hợp lý tưởng. Song dường như đối với người xưa, có một lựa chọn mang tính chất loại trừ, hoặc là đức hạnh, hoặc là đẹp, hấp dẫn chứ không có sự kết hợp. Bởi thế nếu những người phụ nữ có vẻ đẹp ngoại hình hấp dẫn thường được miêu tả theo mô-típ là biểu tượng của sự quyến rũ nhục dục, của sự nguy hiểm. Phật giáo chủ trương

―tiết dục‖, ―diệt dục‖, coi sắc là cái cần kiêng kỵ nên nhan sắc phụ nữ bị xem thường trong mắt các tín đồ đạo Phật. Tam tổ thực lục có kể lại câu chuyện ca ngợi thiền sư Huyền Quang vượt qua sắc dục, giữ lòng chay bạch với thái độ e sợ, cảnh giác với người phụ nữ nhan sắc là nàng Điểm Bích. Hoặc là truyện Rắn báo oán - Câu chuyện huyền thoại hóa cuộc đời Nguyễn Thị Lộ được ghi lại trong Tang thương ngẫu lục với cốt truyện như sau: Tục truyền rằng, thời Nguyễn Trãi còn dạy học ở làng Nhị Khê, khi dọn gò ngoài đồng làm chỗ dạy học, học trò của ông đã đánh một con rắn trắng cụt đuôi. Đêm ấy, ông đọc sách dưới đèn, con rắn trắng leo lên xà nhà nhỏ một giọt máu xuống giữa cuốn sách, thấm ướt chữ đại đến ba trang giấy (ý sẽ báo oán đến ba đời dòng họ Nguyễn Trãi). Khi hiển đạt, một hôm đi chầu về, lúc qua phố Hàng Chiếu, Nguyễn Trãi gặp một cô gái xinh đẹp, dùng thơ từ để xướng họa với ông. Rồi ông yêu mến cưới về làm thiếp. Khoảng năm Thiệu Bình, cô gái ấy thường đi lại vào trong cấm, vua Thái Tông yêu cho làm chức Nữ học sĩ. Khi vua băng hà, triều đình đem nàng ra tra hỏi, nàng khai là do Nguyễn Trãi xui nên ông mới phải tội. Khi lâm hình, người con gái ấy hóa thành rắn, bơi xuống nước đi mất. [96; tr.102-103]. Việc liên hệ Thị Lộ xinh đẹp tài hoa với rắn báo oán

không phải là ngẫu nhiên. Trong tâm thức của người Việt, rắn không bao giờ là con vật biểu trưng cho sự tốt đẹp, an toàn mà thường ám chỉ sự nguy hiểm, đen tối. Câu chuyện trên đây tuy phi lý nhưng ít nhất ở một thời nó đã được cộng đồng trung đại chấp nhận, thể hiện quan niệm của một bộ phận cộng đồng đó về sự nguy hiểm của nữ sắc.

Quan điểm kỳ thị nữ sắc của các học giả Nho gia thời trung đại không chỉ thể hiện qua những giai thoại, liệt truyện mà còn được chính thức hóa bằng nhiều phát ngôn. Sử gia Ngô Sĩ Liên khi ghi chép chuyện Nguyễn Thị Lộ đã bình luận: ―Nữ sắc làm hại người ta quá lắm. Thị Lộ chỉ là một người đàn bà thôi, Thái Tông yêu nó mà thân phải chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, chẳng nên răn lắm ư?‖ [75; tr.578]. Tác giả Khóa hư lục viết Giới sắc văn với những lời lẽ đầy nghiêm khắc khi đánh giá về những yếu tố ngoại hình hấp dẫn của người phụ nữ: ―Tóc mượt lưng ong dễ khiến mịt mờ tâm tính; mặt hoa da phấn dễ xui rời rã tinh thần. Mắt đưa lấp lánh như dao, ai không đứt ruột; lưỡi uốn ngọt ngào tựa sáo, hết thảy nghiêng tai. Người đắm đuối, nghĩa tình xa bỏ; kẻ đam mê, đạo đức tiêu tan. Trên thì phong giáo đắm chìm; dưới thì cửa nhà táng loạn. Không kể kẻ phàm người học; đều say áo pháp điểm trang. Cương kỷ quốc gia đổ vỡ chốn Tô đài… Độc giác gần nữ am mà trở về cõi tục; Chân Quân xa thán phụ mà được lên thiên đàng. Kẻ lánh sắc được ngũ thần thông; kẻ phạm sắc mất toàn giới hạnh‖ [133; tr.98]. Còn Nguyễn Trãi thì có thơ Giới sắc để răn dạy nam giới, khuyên người quân tử né tránh nữ sắc, nên coi nữ sắc là kẻ thù (Nguyễn Trãi - Quốc âm thi tập - Bài 190).Lê Thánh Tông khi vịnh về Dương Quý Phi thì coi người con gái đẹp này là yêu ma mê hoặc Đường Huyền Tông, gây nên viễn cảnh mù mịt đáng sợ của vương triều (Cổ tâm bách vịnh).

Quan niệm né tránh, e sợ nữ sắc như trên vốn chính là quan niệm của nhiều học giả Trung Hoa thời cổ đại. Tuân Tử từng tuyên bố: ―Ham sắc đẹp của người con gái là chuốc lấy cái ác nghiệt vậy‖. Vương Sung đời Hán viết: ―Yêu khí sinh ra sự xinh đẹp, nên những người xinh đẹp phần lớn là ác… Người có sắc đẹp có mang châm độc‖ [154; tr.290]… Những phát ngôn này đều xuất phát từ điểm nhìn nam giới, đều thể hiện cái nhìn nghiêm khắc với người con gái đẹp của Nho gia.

Cách miêu tả này đã từng xuất hiện khá nhiều trong văn học Phương Đông nói chung và văn học Việt Nam nói riêng. Đọc Truyện yêu nữ Châu Mai trong Thánh Tông di thảo, ta có thể thấy vẻ đẹp ngoại hình của người phụ nữ được nhấn mạnh nhưng không phải để ca ngợi

mà nhằm cảnh báo, răn đe nam giới cảnh giác trước người phụ nữ đẹp. Gắn người con gái đẹp với yêu ma nghĩa là vô tình hay hữu thức nhà văn đã thể hiện thái độ e sợ đối với nữ sắc: ―Đến năm Hồng Đức thứ sáu (1475), nó (yêu quái) lại hiện thành một người con gái đẹp tuyệt trần, trạc mười sáu tuổi, mắt long lanh như nước mùa thu, môi đỏ như son vẽ, tóc mây mặt hoa, cười nói duyên dáng, làm cho người ta phải động lòng‖ [132; tr.23]. Hay những truyện viết về người phụ nữ phản diện trong Truyền kì mạn lục như Chuyện cây gạo, Chuyện kì ngộ ở Trại Tây, Truyện nàng Tuý Tiêu, Nghiệp oan của Đào Thị, Chuyện yêu quái ở Xương Giang…khi miêu tả người phụ nữ có ngoại hình đẹp, hấp dẫn về phương diện giới tác giả không chỉ gắn họ với hồn ma mà còn xây dựng những kết cấu truyện nhấn mạnh bi kịch của người đàn ông khi bị quyến rũ bởi những người phụ nữ này. Mô-típ quen thuộc trong các truyện về họ là: những người đàn ông mê đắm sắc dục nếu không sớm tỉnh ngộ thường sẽ phải trả giá đắt. Tiêu biểu nhất có thể kể đến trường hợp Trình Trung Ngộ trong Chuyện cây gạo và sư bác Vô Kỷ trong Chuyện nghiệp oan của Đào Thị. Miêu tả nhân vật Trình Trung Ngộ, nhà văn tô đậm chi tiết chàng trai này vì mê đắm sắc đẹp của Nhị Khanh mà bị Nhị Khanh ám khiến hồn vía không còn như người thường rồi cuối cùng chết trong không gian rùng rợn. Tương tự như vậy là hiện tượng sư Vô Kỷ trong Chuyện nghiệp oan của Đào Thị bị mê hoặc và cám dỗ bởi sắc đẹp của Hàn Than mà trễ nải kinh kệ, cuối cùng cũng ốm lai nhai rồi đi theo tiếng gọi của Hàn Than xuống âm phủ. Cả Trình Trung Ngộ và Vô Kỷ đều được xây dựng theo mô-típ nhân vật vì mê đắm sắc dục mà phải chịu hậu quả bi thảm.

Đọc VĐUL thì cảm giác của chúng ta lại hoàn toàn khác. Chúng ta chỉ biết Mỵ Ê đẹp nhưng không thể có được cảm nhận gì về sắc đẹp ấy vì Lý Tế Xuyên không có dụng ý đi vào miêu tả hay hình tượng hoá vẻ đẹp của nàng. Chúng ta biết điều này thông qua duy nhất một dòng tường thuật của tác giả: ―khi đến sông Lí Nhân, nhà vua nghe đồn sắc đẹp của Mỵ Ê liền mật sai quan Trung thứ với nàng đến chầu nơi ngự thuyền‖. Mỵ Ê là người phụ nữ đẹp, điều đó không có gì phải nghi ngờ cả vì nàng là vợ một ông vua mà vua thì có bao giờ lấy vợ xấu, không có nhan sắc! Hơn nữa sắc đẹp của nàng khiến vua nhà Lý cũng phải ―tò mò‖ và muốn được nàng hầu hạ. Tuy nhiên điều chúng tôi muốn nói ở đây là tác giả VĐUL đã không nhấn mạnh vào miêu tả vẻ đẹp nữ tính của nàng. Cái đẹp của nàng vẫn trừu tượng chung chung và mờ nhạt chứ chưa cụ thể. Đây chính là quan niệm và giới hạn của một thời. Sang thế kỉ XVI Nguyễn Dữ cũng vẫn chưa thoát ra được quan niệm này. Đọc những truyện viết về người phụ nữ lí tưởng chính diện trong Truyền kì mạn lục

Xem tất cả 190 trang.

Ngày đăng: 18/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí