Yêu Cầu Hoàn Thiện Pháp Luật Về Giao Kết Hợp Đồng Trong Bán Đấu Giá


theo nội dung Điều 48 - Xử lý vi phạm đối với người tham giá đấu giá tài sản

- Nghị định 05.

Thực tế hiện nay, chỉ có phiên đấu giá nào người bán đấu giá thấy có dấu hiệu bị quấy rối, gây nhiễu, làm ảnh hưởng tới diễn biến và kết quả của cuộc bán đấu giá… thì họ mới mời đại diện cơ quan công an tham gia để giúp giữ gìn trật tự. Nhưng diễn biến của cuộc bán đấu giá nhiều lúc rất khó lường và khó kiểm soát, không đơn giản chỉ là bạo lực nên trong các phiên đấu giá nên mời đại diện cơ quan công an sở tại có mặt giám sát để được khách quan. Khi có bằng chứng khách hàng thông đồng dìm giá thì phải hủy kết quả đấu giá ngay, thậm chí có thể lập biên bản hủy kết quả đấu giá chỉ cần có chữ ký của ba bên là người có tài sản bán đấu giá, người bán đấu giá tài sản và đại diện cơ quan công an.


Chương 3:

ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ GIAO KẾT HỢP ĐỒNG TRONG BÁN ĐẤU GIÁ


3.1 YÊU CẦU HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ GIAO KẾT HỢP ĐỒNG TRONG BÁN ĐẤU GIÁ

Việt Nam đang trên con đường xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, không ngừng củng cố và nâng cao pháp chế xã hội chủ nghĩa. Mà để đạt được những mục tiêu đó, một điều không thể thiếu đó là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật. Nói cách khác, nếu không có một hệ thống pháp luật phát triển toàn diện, cả về chất và về lượng, thì sẽ không thể có được một nền pháp chế, và lại càng không thể có được một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa như chúng ta đang hướng tới, bởi trong yêu cầu của nhà nước pháp quyền hay một nền pháp chế đều yêu cầu việc tuân thủ pháp luật một cách tuyệt đối và nghiêm chỉnh.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 116 trang tài liệu này.

Lịch sử bán đấu giá đã trải qua nhiều ngàn năm, từ mô hình sơ khai thời kỳ chiếm hữu nô lệ, đến mô hình đấu giá hiện đại kiểu Anh, kiểu Hà Lan. Pháp luật về bán đấu giá cũng theo những bước phát triển của lịch sử nói chung và lịch sử pháp lý nói riêng mà dần dần có những biến đổi, hoàn thiện. Giống như một quá trình gọt rũa kỳ công và lâu dài, cho đến nay, mô hình ấy đã định hình và trở nên phổ biến. Nó không chỉ dừng lại trong khuôn khổ một quốc gia mà đã mang hơi thở của quốc tế. Người ta vận dụng nó tuỳ vào từng điều kiện và hoàn cảnh, kết hợp nó một cách khéo léo, uyển chuyển cho phù hợp với các môi trường, từ những quốc gia đã có một hệ thống pháp luật phát triển và một thị trường bán đấu giá sôi động, đến những quốc gia mới bắt đầu xây dựng cho mình một mô hình bán đấu giá ở những buổi ban đầu.


Giao kết hợp đồng trong bán đấu giá - 11

Tiếp thu những tinh hoa nhân loại, hoà mình vào dòng chảy chung, Việt Nam trong những năm gần đây cũng đã đang xây dựng cho mình một thị trường bán đấu giá. Cùng với nó, đặt nền móng, cơ sở cho nó tồn tại và phát triển, những quy phạm pháp luật về bán đấu giá cũng đã được ban hành. Để có thể xây dựng thành công mô hình bán đấu giá tại Việt Nam, nhà nước ta không thể không hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá.

Từ những văn bản quy phạm pháp luật về bán đấu giá tài sản đầu tiên ở việt Nam như Luật Thương mại năm 1997, Nghị định số 86/CP ngày 19 tháng 12 năm 1996 của Chính phủ về việc ban hành quy chế bán đấu giá tài sản, cho đến các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về bán đấu giá như Bộ luật Thương mại 2005 và Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản thay thế cho Nghị định 86/CP, cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, có thể nói pháp luật về bán đấu giá tài sản ở Việt Nam đã trải qua một bước tiến đáng kể. Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ra đời cùng với quy chế bán đấu giá tài sản đã khắc phục được phần nào những bất cập của Nghị định 86/CP, nhận được sự ủng hộ của dư luận xã hội và tạo được động lực để thúc đẩy mô hình bán đấu giá phát triển tại Việt Nam. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng pháp luật về bán đấu giá nói chung và nội dung giao kết hợp đồng trong bán đấu giá nói riêng vẫn còn nhiều bất cập.

Từ những phân tích trên đây về thực trạng, nguyên nhân của vấn đề giao kết hợp đồng bán đấu giá, chúng ta lại càng thấy yêu cầu hoàn thiện pháp luật quốc gia về bán đấu giá nói chung và giao kết hợp đồng trong bán đấu giá nói riêng là một yêu cầu nghiêm túc và mang tính cấp thiết. Càng sớm có những khắc phục những điểm còn bất cập trong quy định về giao kết hợp đồng trong bán đấu giá bao nhiêu thì chúng ta sẽ càng sớm xoá tan được tâm lý e ngại, nghi ngờ, thiếu niềm tin vào mô hình mua bán hàng hoá mới mẻ này


tại Việt Nam bấy nhiêu. Có xây dựng được một môi trường bán đấu giá lành mạnh và phát triển tại Việt Nam, xây dựng được niềm tin của người dân vào mô hình bán đấu giá và khung pháp lý về bán đấu giá chúng ta mới có hy vọng đưa bán đấu giá trở thành một trong những thị trường mua bán hàng hoá sôi động, góp phần thúc đẩy kinh tế quốc gia phát triển.

3.2 ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ GIAO KẾT HỢP ĐỒNG TRONG BÁN ĐẤU GIÁ

Yêu cầu hoàn thiện pháp luật Việt Nam về giao kết hợp đồng trong bán đấu giá đã được đặt ra. Những vụ việc phát sinh trong thời gian qua liên quan đến nội dung giao kết hợp đồng trong bán đấu giá đã minh chứng cho mức độ cần thiết của việc sớm hoàn thiện pháp luật quốc gia về lĩnh vực này. Trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật về giao kết hợp đồng, giao kết hợp đồng trong bán đấu giá và những vụ việc đã phát sinh trên thực tế trong thời gian qua tại Việt Nam, người viết xin đưa ra một vài định hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam về giao kết hợp đồng trong bán đấu giá như sau:

3.2.1 Hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến giao kết hợp đồng

Để có thể hoàn thiện pháp luật Việt Nam về giao kết hợp đồng trong bán đấu giá, trước tiên phải hoàn thiện các quy định có liên quan đến giao kết hợp đồng.

Thứ nhất, cần phải bổ sung các quy định để dễ dàng nhận diện đề nghị giao kết hợp đồng và phân biệt đề nghị giao kết hợp đồng với lời mời đưa ra lời đề nghị giao kết. Điều đó sẽ giúp tránh những nhầm lẫn đáng tiếc, dẫn đến những tranh chấp không đáng có bởi thực tế bây giờ vẫn có nhiều người nhầm thư mời thầu, báo giá, trưng bày hàng hoá có niêm yết giá hay thông báo bán đấu giá, đưa ra giá khởi điểm trong bán đấu giá là lời đề nghị giao kết.

Việc phân biệt đề nghị giao kết và lời mời đưa ra lời đề nghị giao kết là rất quan trọng vì hai hành vi này dẫn tới hậu quả hoàn toàn khác nhau. Khi bên


được đề nghị giao kết chấp nhận dề nghị giao kết hợp đồng sẽ dẫn tới hậu quả là hình thành quan hệ hợp đồng. Còn khi bên được mời đề nghị giao kết nhận lời bên đề nghị, hậu quả dẫn tới chỉ là hình thành quan hệ đề nghị giao kết hợp đồng. Khi hợp đồng đã được giao kết (thể hiện qua lời đề nghị và sự chấp thuận), các bên sẽ bị ràng buộc bởi quyền và nghĩa vụ còn nếu mới chỉ là lời mời đề nghị giao kết, các bên sẽ không bị ràng buộc nhiều về nghĩa vụ pháp lý.

Thứ hai, cần bổ sung các điều luật quy định mang tính đặc thù về giao kết hợp đồng thông qua đấu giá.

Dựa trên những nguyên tắc chung, quy định chung về giao kết hợp đồng, cần xây dựng những quy định mang tính chuyên biệt để điều chỉnh quan hệ đặc thù: giao kết hợp đồng trong bán đấu giá. Cùng là lời đề nghị giao kết và chấp nhận giao kết, song như phân tích ở các phần trước, giao kết hợp đồng trong bán đấu giá có nhiều điểm khác biệt với các quan hệ mua bán hàng hoá thông thường khác, từ việc đưa ra lời đề nghị thế nào, hình thức đưa ra lời đề nghị ra sao, sự ràng buộc trong việc đưa ra lời đề nghị và hậu quả pháp lý của việc đưa ra lời đề nghị, cho đến việc chấp nhận đề nghị và hậu quả pháp lý của nó, các vấn đề pháp lý khác như rút lại giá đã trả và từ chối mua …

Thứ ba, cần phân biệt rõ đâu là đề nghị giao kết, đâu là chấp nhận giao kết trong một cuộc bán đấu giá và yêu cầu riêng của từng giai đoạn như thế nào, hậu quả pháp lý của mỗi hành vi ra sao...

Đây là việc rất quan trọng. Thực tế đã chứng minh, các nhà tổ chức bán đấu giá gặp lúng túng và khó thống nhất về việc xác định đâu là thời điểm hợp đồng được giao kết trong một cuộc bán đấu giá để từ đó xác định hậu quả pháp lý của từng giai đoạn.


Về điểm này, chúng ta có thể học tập cách quy định của Luật bán đấu giá Trung Quốc về cách mà họ phân chia chủ thể. Cùng là một người, nhưng trước khi hợp đồng được giao kết thì gọi là người trả giá (bidder), còn sau khi hợp đồng đã được giao kết, hàng hoá đã được quyết định bán thì người đó lại có một địa vị pháp lý khác hẳn, với tên gọi khác: người mua (buyer).

3.2.2 Xiết chặt hơn chế tài xử lý vi phạm

Pháp luật khác với các quy phạm xã hội khác ở chỗ nó có định hướng hành vi một cách rõ ràng xem thế nào là đúng, thế nào là sai, trước những tình huống nhất định phải làm như thế nào để được pháp luật bảo vệ và nếu vi phạm các quy phạm pháp luật thì hậu quả pháp lý của hành vi ấy như thế nào. Chế tài quá nặng hoặc quá nhẹ đều sẽ gây nên những phản ứng tiêu cực. Nếu chế tài quá nặng sẽ làm cho người tham gia vào quan hệ pháp luật sợ hãi, có tâm lý né tránh việc tham gia vào quan hệ pháp luật hoặc phản ứng lại pháp luật. Nếu chế tài quá nhẹ sẽ gây tâm lý “nhờn”, coi thường pháp luật đối với những người tham gia. Một chế tài phù hợp với mức độ vi phạm sẽ gây dựng được niềm tin của người tham gia vào quan hệ pháp luật và phòng ngừa được những hành vi vi phạm. Chính vì thế, một quy phạm pháp luật được xây dựng một cách khoa học phải đáp ứng được các yêu cầu về nội dung, hình thức, pháp lý..., trong đó có yêu cầu về sự phù hợp của chế tài.

Thứ nhất, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lũng đoạn kết quả các cuộc bán đấu giá kể trên là do chế tài xử lý vi phạm chưa nghiệm. Từ việc phân tích về chế tài xử lý vi phạm tại phần nguyên nhân, từ việc tham khảo và tổng hợp tài liệu, sách báo và sự phân tích của các chuyên gia, người viết xin đưa ra kiến nghị: Sửa đổi, bổ sung khoản 1, điều 48 Nghị định 05/2005/NĐ-CP theo hướng buộc bồi thường thiệt hại (nếu có) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với người tham gia đấu giá có hành vi phá rối, cản trở cuộc đấu giá hoặc liên kết thông đồng dìm giá.


Truy cứu trách nhiệm hình sự với các hành vi phá rối, cản trở cuộc đấu giá hoặc liên kết thông đồng dìm giá là một việc cần thiết bởi:

Với tất cả những thủ đoạn hòng phá rối, cản trở cuộc đấu giá như đe doạ người tổ chức đấu giá, đe doạ dùng vũ lực với những người tham gia đấu giá khác (có dấu hiệu có sự tham gia của các tổ chức xã hội đen), cố tình gây rối nhằm gây mất trật tự và phá hỏng cuộc bán đấu giá hoặc những thủ đoạn nhằm thông đồng, dìm giá như mượn “quân xanh”, hô giá thật cao rồi sau đó từ chối mua để cho người trả giá liền kề có cơ hội trục lợi…diễn ra khá phổ biến tại hầu khắp các địa phương trên cả nước và ngày càng có nguy cơ lan tràn thì rõ ràng, đây không còn là vấn đề dừng lại ở những đòi hỏi giải pháp mang tính riêng lẻ và cá biệt. Đã là những hành vi gây thiệt hại cho nhà nước và xã hội một cách có tổ chức, mức độ gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng ( và trong tương lai có thể là hàng trăm tỷ đồng nếu như không sớm có biện pháp phòng ngừa và xử lý kịp thời), gây hậu quả xấu về mặt xã hội, làm mất niềm tin của mọi người vào môi trường bán đấu giá nói chung và môi trường thương mại trong nước nói riêng…, thì rõ ràng việc chỉ dừng lại ở truất quyền tham gia đấu giá và không được hoàn trả tiền đặt trước như hiện nay đối với những người có hành vi này là quá nhẹ.

Đây là một hoạt động thương mại, đòi hỏi cần phải có “tự do” và việc mua – bán là hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện và thoả thuận. Ở đây, trong quan hệ giao kết hợp đồng trong bán đấu giá, người mua và người bán, xét về mặt hình thức, về cơ bản đã đạt được sự thoả thuận trên cơ sở pháp luật về bán đấu giá. Và về nguyên tắc, nhà nước chỉ quản lý nhà nước về mặt kinh tế, tức là quản lý vĩ mô trên cơ sở thiết lập hành lang pháp lý an toàn cho các quan hệ chứ không can thiệp quá sâu vào các quan hệ kinh tế, để cho các quan hệ mang tính kinh tế được phát triển đúng quy luật giá trị, quy luật cung cầu… Song nếu để cho những vụ việc đáng tiếc về bán đấu giá xảy ra và gây ra


nhiều hậu quả xã hội như thời gian vừa qua thì có lẽ, việc can thiệp mạnh tay hơn nữa vào quan hệ này là việc cần làm.

Khi đã tội phạm hoá đối với những hành vi phá rối, cản trở cuộc đấu giá hoặc liên kết thông đồng dìm giá thì tức là chế tài đặt ra đối với hành vi này sẽ nghiêm khắc hơn rất nhiều. Và đã là hình phạt thì bao giờ cũng vậy, nó sẽ có sức mạnh tạo áp lực về tinh thần đối với người phải chịu hơn là các biện pháp chế tài khác. Người muốn có hành vi phá rối, cản trở cuộc đấu giá hoặc liên kết thông đồng dìm giá lúc này sẽ phải cân nhắc kỹ hơn rất nhiều giữa việc theo đuổi một mối lợi với phải chịu hình phạt (rất có thể là phạt tù) so với cân nhắc xem chấp nhận bị xử lý vi phạm (truất quyền tham gia đấu giá và không được hoàn trả tiền đặt trước) để mua được hàng hoá/ tài sản và việc không mua được được hàng hoá/ tài sản, cái nào có lợi hơn cái nào.

Thứ hai, như đã phân tích ở những phần trên, chế tài đối với việc từ chối mua theo quy định của pháp luật đấu giá là quá nhẹ, hậu quả kinh tế quá nhỏ và không đủ để ngăn chặn tình trạng lũng đoạn cuộc bán đấu giá, thông đồng dìm giá. Theo người viết, ở đây, cần phải xiết chặt hơn chế tài của điều luật, cho thấy rõ hậu quả bồi thường thiệt hại do đã vi phạm hợp đồng đã giao kết bằng việc quy định: khi tài sản được đem bán cho người trả giá liền kề nếu giá liền kề ít nhất bằng giá khởi điểm thì người đã từ chối mua phải chịu trách nhiệm thanh toán phần giá trị chênh lệnh giữa giá mình đã trả so với giá bán hàng hoá/ tài sản cho người trả giá liền kề; khi người trả giá liền kề không đồng ý mua hoặc trả giá liền kề thấp hơn giá khởi điểm thì cuộc bán đấu giá coi như không thành và người từ chối mua phải chịu một khoản tiền phạt ít nhất bằng số tiền chi phí để tổ chức cuộc bán đấu giá và cuộc đấu giá tổ chức lại sau đó để bán hàng hoá/tài sản. Nếu quy định như vậy, người có ý định rút lại giá đã trả sẽ phải cân nhắc kỹ hơn khi thực hiện hành vi vì hậu quả kinh tế đem lại do hành vi đó là không nhỏ.

Xem tất cả 116 trang.

Ngày đăng: 10/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí