phần của Biển Đông với bờ biển dài 3260 km. Diện tích vùng biển Việt Nam chiếm khoảng 1.000.000 km2 với trung bình 100 km2 thì có 1 km bờ biển, tỷ lệ này cao gấp 6 lần tỷ lệ của các nước ven biển trên thế giới. Theo thống kê trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì có đến 28 tỉnh, thành phố có biển, bao gồm 125 huyện ven biển và 12 huyện đảo với gần một nửa dân số sống tại các tỉnh, thành phố ven biển. Trong vùng biển, đảo thuộc chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông,
hai quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng), Trường Sa (Khánh Hòa) cùng hơn 3000 hòn đảo lớn, nhỏ gần và xa bờ, hợp thành một phòng tuyến bảo vệ, kiểm soát và làm chủ các vùng biển và thềm lục địa của nước ta.
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có vị trí hết sức quan trọng, án ngữ giữa Biển Đông, nơi có những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất thế giới đi qua. Do vị trí nằm trải dài theo hướng bờ biển Việt Nam, Hoàng Sa và Trường Sa là những vị trí tiền tiêu bảo vệ sườn Đông của đất nước, cũng như các vùng biển và bờ biển của Tổ quốc. Về kinh tế, hai quần đảo này chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên sinh vật và khoáng sản phong phú, đa dạng, đặc biệt là chiếm hơn 70% trữ lượng dầu khí của Biển Đông. Vì thế, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không chỉ có ý nghĩa trong hoạt động kinh tế, kiểm soát các tuyến đường biển qua lại Biển Đông mà còn có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng đối với Việt Nam.
Với vị trí chiến lược như vậy, Biển Đông là nơi chứa đựng những tranh chấp có mức độ phức tạp trên thế giới, nhất là xoay quanh vấn đề chủ quyền đối với các vùng biển, đảo. Trong xu thế toàn cầu hóa, các tranh chấp diễn ra phức tạp ảnh hưởng đến hòa bình và hợp tác trong khu vực Biển Đông. Những năm gần đây, tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp khi các cuộc tranh chấp ngày càng trở nên căng thẳng. Những nguy cơ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia đã gây ra làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân Việt Nam với mong muốn bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Đông.
Vì vậy, tăng cường giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho các tầng lớp nhân dân, trong đó có lực lượng HS, đồng thời định hướng những hành vi đúng đắn theo quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước là một yêu cầu cấp thiết. Một trong những phương pháp hiệu quả nhất là đưa nội dung giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo Tổ quốc vào trong hoạt động dạy học ở các nhà trường trên phạm vi cả nước, nhất là đối với các bộ môn có ưu thế về công tác giáo dục như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng…, cũng như thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp và hoạt động ngoại khóa. Đây là một nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng và cấp bách của các nhà trường trên toàn quốc hiện nay.
2.2.2. Thực tiễn việc giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo cho học sinh trong dạy học lịch sử ở trường THPT
2.2.2.1. Tình hình giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo cho học sinh tại các địa phương những năm vừa qua
Trên cơ sở đặc điểm cũng như tình hình biển, đảo Việt Nam hiện nay, Đảng và Nhà nước đưa ra nhiều chủ trương để tăng cường giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo cho nhân dân, trong đó có thanh thiếu niên. Đặc biệt, nội dung giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo được các trường THPT trên cả nước quan tâm đưa vào trong nội dung dạy học cũng như trong các hoạt động ngoại khóa.
Có thể bạn quan tâm!
- Định Hướng Của Đảng, Nhà Nước, Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo Về Giáo Dục Nói Chung Và Giáo Dục Ý Thức Chủ Quyền Biển, Đảo Nói Riêng
- Nội Dung Giáo Dục Ý Thức Chủ Quyền Biển, Đảo Cho Học Sinh Trong Dạy Học Lịch Sử Ở Trường Thpt
- Giáo Dục Hs Biết Đánh Giá Về Giá Trị, Tiềm Năng Kinh Tế Biển, Đảo Và Thực Trạng Tài Nguyên, Môi Trường Biển, Đảo Việt Nam
- Những Vấn Đề Cần Giải Quyết Để Khắc Phục Thực Trạng
- Hướng Dẫn Hs Khai Thác Và Sử Dụng Các Nguồn Tư Liệu Gốc Phản Ánh Về Chủ Quyền Biển, Đảo
- Hướng Dẫn Hs Khai Thác Đồ Dùng Trực Quan Để Lĩnh Hội Kiến Thức Về Chủ Quyền Biển, Đảo
Xem toàn bộ 230 trang tài liệu này.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo cho HS trong nhà trường, từ năm học 2011 - 2012, Bộ GD & ĐT triển khai việc biên soạn và phát hành “Tài liệu hướng dẫn dạy học nội dung giáo dục về tài nguyên và môi trường biển, đảo cho học sinh THPT” để phục vụ cho công tác giảng dạy của GV và học tập của HS. Từ đó, tại các tỉnh và thành phố trong cả nước, lần lượt các hoạt động giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo cho HS được tiến hành trong cả chương trình nội khóa lẫn ngoại khóa. Đi đầu thực hiện và bước đầu đạt được kết quả đáng kể có thể kể đến một vài tỉnh, thành phố sau:
Tại Hà Nội - thủ đô của đất nước, các hoạt động giáo dục được tiến hành bằng nhiều hình thức, nhất là thông qua HĐNK. Nhiều trường thành lập câu lạc bộ “Khám phá Việt Nam - Biển, đảo quê hương”; tổ chức xếp hình bản đồ Việt Nam; tổ chức Ngày hội anh tài có chủ đề “Pharos” - Ngọn hải đăng hướng về nơi biển đảo xa xôi; tổ chức nhiều hoạt động từ thiện kêu gọi giúp đỡ các gia đình, trẻ em khó khăn vùng sâu, vùng xa, nhất là các vùng biên giới, hải đảo…
Tại Quảng Bình, Ban Tuyên Giáo tỉnh ủy, Sở GD & ĐT phối hợp cùng Lữ Đoàn Hải quân 83 (Đà Nẵng) tổ chức tuyên truyền về biển, đảo cho HS tại các trường THPT trên địa bàn hai huyện Bố Trạch và Lệ Thủy nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ biên giới, hải đảo. Ngoài ra, các trường THPT còn tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về biển, đảo, vẽ tranh, triển lãm hình ảnh về biển, đảo Tổ quốc…
Gắn liền với quần đảo Hoàng Sa nên công tác giáo dục, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo ở thành phố Đà Nẵng được chú trọng. Từ năm học 2011 - 2012, nội dung giáo dục chủ quyền biển, đảo được đưa vào hoạt động dạy học của nhà trường các cấp, chính thức đưa bài “Lịch sử Đà Nẵng, lịch sử chủ quyền Hoàng Sa” vào phần lịch sử địa phương trong chương trình lịch sử chính khóa cấp THCS và THPT. Các trường học thường xuyên tổ chức HĐNK về chủ đề biển, đảo với nhiều hình
thức, góp phần giáo dục sâu sắc ý thức chủ quyền biển, đảo cho HS như: THPT Trần Phú tổ chức Hội trại “Thắp lửa Hoàng Sa”; THPT Ngũ Hành Sơn sưu tầm các tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa và lập hẳn một phòng trưng bày; THPT Thái Phiên, THPT Thanh Khê thành lập câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”;…
Sở GD & ĐT Quảng Ngãi tổ chức các hoạt động tuyên truyền hướng về biển, đảo cho HS, đặc biệt là tại huyện đảo Lý Sơn; biên soạn tài liệu giảng dạy phục vụ công tác giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo cho HS các cấp. Các đơn vị trường học vùng ven biển có nhiều ý tưởng trong việc triển khai giảng dạy chủ quyền biển, đảo. Bên cạnh đó, công tác tổ chức các HĐNK cũng được chú trọng như: THPT Bình Sơn tổ chức các cuộc thi vẽ tranh, thuyết trình; THPT Ba Gia tổ chức hội thi “Biển, đảo trong trái tim em”, THPT Lý Sơn tổ chức tìm hiểu nhà truyền thống đội Hoàng Sa, dọn vệ sinh bờ biển… Đặc biệt, cuộc thi vẽ tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo vào ngày lễ “Khao lề thế lính Hoàng Sa” hằng năm do UBND tỉnh tổ chức, hay hội thi “Tìm hiểu lịch sử, quê hương đất nước con người Quảng Ngãi” với hình thức sân khấu hóa… mang lại hiệu quả giáo dục thiết thực.
Từ năm học 2012 - 2013, Sở GD & ĐT Bình Định đã tích cực hưởng ứng và tổ chức các hoạt động bổ ích hướng về biển, đảo Tổ quốc với nhiều hình thức đa dạng, hấp dẫn như: THPT Quốc Học Quy Nhơn, THPT Nguyễn Thái Học hay Trần Cao Vân tổ chức các HĐNK với chủ đề “Biển, đảo quê hương”, “Non sông bờ cõi”, “Ngày hội biển, đảo”…; tổ chức tuyên truyền về biên giới, hải đảo cho HS tại 6 trường THPT trên toàn tỉnh là: THPT Trưng Vương, THPT Nguyễn Thái Học (Quy Nhơn), THPT số 3 Phù Cát, THPT Nguyễn Hồng Ðạo (Phù Cát), THPT Mỹ Thọ, THPT Nguyễn Trung Trực (Phù Mỹ); đặc biệt là tổ chức HĐNK với chủ đề “Vòng tay yêu thương” cho gần 300 HS trên xã đảo Nhơn Châu (Quy Nhơn)…
Phú Yên là một trong số 28 tỉnh thành giáp biển, với đường bờ biển dài gần 200km. Sớm nhận thức được vai trò và vị trí của biển, đảo, tiếp thu chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ GD & ĐT, ngay từ năm học 2011 - 2012, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở GD & ĐT đã tiến hành tập huấn và triển khai nội dung “Tài liệu hướng dẫn dạy học nội dung giáo dục về tài nguyên và môi trường biển, đảo cho học sinh THPT” cho các cán bộ, GV và HS các cấp trên địa bàn tỉnh và bước đầu đạt được kết quả đáng kể. Nội dung giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo cho HS ở các trường phổ thông được triển khai ngày càng phổ biến với nhiều hình thức đa dạng, phong phú không chỉ trong chương trình nội khóa mà còn đẩy mạnh HĐNK, nhất là đối với các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân và Giáo dục quốc phòng.
Tỉnh Khánh Hòa gắn với huyện đảo Trường Sa cũng sớm biên soạn các tài liệu giảng dạy, học tập, phục vụ cho công tác giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo cho HS. Công tác giáo dục chủ quyền biển, đảo được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức đa dạng, bước đầu thể hiện tính khả thi và mang lại hiệu quả. Kiến thức lịch sử, địa lý về Trường Sa được lồng ghép vào chương trình môn Lịch sử và Địa lý tại các trường THCS và THPT với các chuyên đề “Biển, đảo Khánh Hòa - thế mạnh phát triển kinh tế của tỉnh”, “Hoàng Sa và Trường Sa, phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời”…Còn trong các HĐNK, kiến thức về tầm quan trọng của biển, đảo; trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa được chú trọng, tiêu biểu: THPT Hà Huy Tập, THPT ISCHOOL, THPT Nguyễn Thái Học tổ chức ngoại khóa “Biển đảo quê hương”, “Em yêu biển đảo quê hương”; THPT chuyên Lê Quý Đôn tổ chức cuộc thi “Biển, đảo Tổ quốc tôi”…
Tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và nhiều địa phương ven biển khác, công tác giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo cho HS cũng được chú trọng triển khai với nhiều hình thức đa dạng từ các cuộc thi kiến thức, đến thi vẽ tranh, tuyên truyền, phát tờ rơi, thiết kế áp-phích về chủ đề biển, đảo, hay tổ chức triển lãm tranh ảnh về những người lính đảo… Đây là những hoạt động hết sức thiết thực, phù hợp với lứa tuổi từng cấp học nên mang lại hiệu quả giáo dục cao.
Ở các tỉnh Nam Bộ, công tác tuyên truyền và giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo cũng diễn ra ở nhiều trường học các cấp. Tại thành phố Hồ Chí Minh, các trường Tiểu học tổ chức cuộc thi vẽ tranh với chủ đề biển, đảo; các trường THCS và THPT phát động cuộc thi tìm hiểu về biển, đảo Tổ quốc, triển lãm tranh ảnh về các vùng biển, đảo Việt Nam. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Đồng Tháp…, các hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường biển, đảo với nhiều hình thức phong phú. Tại Kiên Giang, Cà Mau - các tỉnh cực Nam của Tổ quốc gắn liền với biển, đảo, các trường học rất chú trọng đến công tác giáo dục chủ quyền biển, đảo, đặc biệt có sự chỉ đạo đưa vào nội dung giảng dạy các môn Lịch sử, Địa lí, GDCD, Sinh học… những nội dung tuyên truyền về chủ quyền và bảo vệ môi trường biển, đảo cho HS.
Nhìn chung, từ năm học 2011 - 2012, nhiều trường THPT trên cả nước đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo và triển khai thực hiện việc giáo dục HS với đa dạng các hình thức. Bên cạnh việc lồng ghép nội dung biển, đảo vào bài học nội khóa các môn học, hàng loạt các hoạt động ngoại khóa với chủ đề biển, đảo Tổ quốc được tổ chức tại khắp các địa phương.
2.2.2.2. Khảo sát và điều tra thực tiễn việc giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo cho HS trong DHLS tại các trường THPT
Để nắm bắt thực tế tình hình giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo cho HS trong DHLS ở trường THPT, chúng tôi đã tiến hành điều tra, khảo sát đối với 96 GV và 2.160 HS tại 24 trường THPT trên địa bàn 14 tỉnh (8 tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, 2 tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, 2 tỉnh Nam Bộ, 1 tỉnh Bắc Trung Bộ và 1 tỉnh Tây Nguyên) (xem phụ lục 1). Nội dung khảo sát tập trung vào ba vấn đề: tầm quan trọng của giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo trong dạy học lịch sử ở trường THPT; các hình thức và biện pháp giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo trong DHLS ở các trường THPT; nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong công tác giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo trong DHLS ở trường THPT (xem phụ lục 3 và 4).
* Nội dung điều tra, khảo sát
- Đối với GV lịch sử: Chúng tôi tập trung làm rõ một số vấn đề chủ yếu như:
+ Sự cần thiết phải giáo dục ý thức về chủ quyền biển, đảo cho HS trong dạy học nói chung và dạy học lịch sử nói riêng ở trường THPT.
+ Những nội dung về vấn đề biển, đảo trong SGK Lịch sử hiện hành.
+ Hình thức và phương pháp dạy học những nội dung về biển, đảo trong các bài học lịch sử nội khóa và các HĐNK.
+ Nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong công tác giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo cho HS trong dạy học lịch sử ở trường THPT.
+ Những ý kiến đề xuất góp phần nâng cao hiệu quả dạy học bộ môn cũng như nâng cao hiệu quả giáo dục chủ quyền biển, đảo trong DHLS ở trường THPT.
- Đối với HS: Tập trung làm rõ một số vấn đề cơ bản như sau:
+ Tìm hiểu sự hứng thú học tập của HS đối với bộ môn lịch sử nói chung và vấn đề chủ quyền biển, đảo Việt Nam nói riêng.
+ Nhận thức của HS về vấn đề chủ quyền biển, đảo thông qua các môn học.
+ Các hình thức giáo dục chủ quyền biển, đảo được tổ chức trong nhà trường (hình thức, tần suất, hiệu quả).
+ Sự hiểu biết của các em về vấn đề chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
+ Những khó khăn của HS khi tìm hiểu, học tập những nội dung liên quan đến chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong bộ môn lịch sử.
+ Đề xuất của HS về công tác giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo trong dạy học lịch sử (về nội dung, hình thức, biện pháp).
* Phương pháp điều tra, khảo sát
Để hiểu rõ thực trạng công tác giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo ở các trường THPT, chúng tôi tiến hành các phương pháp khảo sát như dùng phiếu điều tra, phỏng vấn trực tiếp cán bộ quản lí, GV, HS, quan sát, dự giờ... Sau khi thu thập và xử lý các nguồn thông tin từ thực tiễn ở trường THPT với đa dạng các loại hình trường, trên nhiều vùng miền khác nhau, chúng tôi rút ra một số nhận xét như sau:
- Về phía GV lịch sử:
Chúng tôi tiến hành khảo sát với 96 GV lịch sử của 24 trường THPT (mỗi trường khảo sát 04 GV), kết quả khảo sát thể hiện ý kiến như sau:
+ Khi hỏi về sự cần thiết phải giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo trong DHLS ở trường THPT: có 78,26% GV cho rằng, đây là việc làm rất cần thiết; 21,74% cho là cần thiết; không có ý kiến nào cho đây là việc làm không cần thiết.
+ Đánh giá bộ môn có ưu thế trong việc giáo dục cho HS về ý thức chủ quyền biển, đảo ở trường THPT: có 52,78% GV cho rằng, môn Lịch sử có ưu thế nhất; có 26,19% ý kiến GV cho là môn Địa lý; 21,30% ý kiến chọn môn GDCD và môn GDQP. Như vậy, đa số GV thấy được vai trò của bộ môn lịch sử trong công tác giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo cho HS.
+ Liên quan đến các hình thức và biện pháp giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo trong dạy học lịch sử ở trường THPT: có đến 82,15% ý kiến cho rằng, cần sử dụng linh hoạt, hiệu quả các hình thức và phương pháp dạy học, kết hợp giữa dạy học bài nội khóa với HĐNK, giữa phương pháp dạy học hiện đại và truyền thống nhằm phát huy được tính tích cực, độc lập của HS. Tuy nhiên, một số GV (17,85%) không muốn đưa nội dung chủ quyền biển, đảo trong dạy học bộ môn.
+ Xét về thực trạng tiến hành công tác giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo cho HS tại các trường THPT hiện nay: có đến 76,17% ý kiến cho rằng có đề cập tới vấn đề giáo dục chủ quyền biển, đảo cho HS trong dạy học bộ môn; 14,23% GV có dạy lồng ghép nội dung chủ quyền biển, đảo trong bài học lịch sử nội khóa; 9,60% ý kiến cho rằng, vấn đề giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo cho HS được đưa vào dạy lồng ghép trong các môn như Địa lý, GDCD và GDQP.
+ Khi đề nghị GV chọn hình thức giáo dục chủ quyền biển, đảo cho HS trong dạy học bộ môn: có đến 62,88% cho rằng, nên thực hiện việc giáo dục chủ quyền biển, đảo trong dạy học bài lịch sử nội khóa; 25,77% chọn hình thức ngoại khóa để tuyên truyền giáo dục về vấn đề biển, đảo; một số GV (11,35%) cho rằng, HS phải tự tìm hiểu, khai thác trên các kênh thông tin khác (mạng Internet, TV, báo chí…). Đặc biệt, 93,62% GV nhất trí rằng, giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo cho HS cần được tiến hành trong cả bài học lịch sử nội khóa và các HĐNK.
+ Xét đến nội dung về chủ quyền biển, đảo trong chương trình SGK, hầu hết GV (96,14%) đều nhấn mạnh: vấn đề xác lập, thực thi liên tục chủ quyền biển, đảo của nhà nước ta qua các thời kì lịch sử và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của các thế hệ người Việt Nam cần được đưa vào SGK phần lịch sử Việt Nam ở tất cả các khối lớp. Việc đưa vào chương trình có thể lồng ghép theo bài học hoặc được xây dựng thành các chủ đề riêng về vấn đề chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
- Về phía HS:
Chúng tôi tiến hành khảo sát đối với 2.160 HS ở 24 trường THPT (mỗi trường khảo sát 90 HS, trong đó có 30 HS lớp 10; 30 HS lớp 11; 30 HS lớp 12), hầu hết các em đều quan tâm đến vấn đề chủ quyền biển, đảo và hợp tác tốt, đó là điều kiện quan trọng giúp chúng tôi có thể điều tra và thu nhận kết quả, cụ thể:
+ Đa số HS (82,50%) cho rằng, việc đưa nội dung giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo vào trong dạy học lịch sử ở trường THPT là rất cần thiết; chỉ có 14,00% cho rằng không cần thiết vì làm cho nội dung môn học thêm nặng nề; số ít HS (3,5%) cho rằng, nên đưa nội dung này vào các môn học khác.
+ Tìm hiểu kiến thức của HS về những vấn đề cơ bản nhất liên quan đến chủ quyền biển, đảo Việt Nam nói chung, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng: chỉ có 26,75% HS trả lời đúng các câu hỏi, còn lại đa số (73,25) trả lời sai hoặc không trả lời. Đây là một thực trạng đáng buồn vì những nội dung khảo sát rất cơ bản và gần gũi, được học ở nhiều môn khác nhau.
+ Các câu hỏi liên quan tới hình thức giáo dục chủ quyền biển, đảo đã được tiến hành trong dạy học lịch sử ở trường THPT: có 63,85% HS cho rằng, vấn đề chủ quyền biển, đảo được đưa vào dạy lồng ghép trong chương trình nội khóa ở một số môn như Lịch sử, GDCD, Địa lý, GDQP; 31,52% HS cho rằng nhà trường đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tuyên truyền có quy mô toàn khối hoặc toàn trường; cũng có 4,63% HS cho rằng, nội dung chủ quyền biển, đảo Tổ quốc chưa được quan tâm đưa vào dạy trong các môn học ở trường THPT.
+ Khi hỏi về những khó khăn trong quá trình học tập các nội dung giáo dục về chủ quyền biển, đảo: 79,50% HS cho rằng, nhà trường rất thiếu phương tiện, tài liệu học tập về chủ đề biển, đảo; 68,12% HS lại cho rằng, GV bộ môn tiến hành giáo dục những nội dung về biển, đảo chưa thực sự hấp dẫn HS; 32,08% HS cho rằng, chương trình học của các em đã quá nặng nề nên không còn đủ thời gian để đưa thêm nội dung về chủ quyền biển, đảo; cá biệt, có 2,80% cho rằng, kiến thức về chủ quyền biển, đảo không thực sự cần thiết nên không cần tìm hiểu.
2.2.2.3. Nhận xét chung về thực trạng giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo trong DHLS ở trường THPT
Thông qua việc khảo sát, điều tra GV và HS tại các trường THPT trên nhiều địa bàn khác nhau, chúng tôi có căn cứ để rút ra nhận xét chung về thực trạng giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo trong dạy học lịch sử ở trường THPT như sau:
- Về phía GV lịch sử:
+ Hầu hết GV đều nhận thức được vai trò, ý nghĩa của việc giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo trong dạy học nói chung và dạy học lịch sử nói riêng, trong đó, môn lịch sử là môn học có ưu thế. Có đến 92,5% GV được khảo sát cho rằng, nên đưa nội dung giáo dục chủ quyền biển, đảo vào chương trình SGK để dạy học cho HS. Tuy nhiên, nhiều GV tỏ ra khá lúng túng khi khai thác các nội dung liên quan đến vấn đề chủ quyền biển, đảo trong chương trình giảng dạy, nhất là việc lựa chọn và vận dụng các hình thức và biện pháp sư phạm phù hợp với đối tượng HS.
+ Thực tế, nhiều GV đã cố gắng lồng ghép nội dung chủ quyền biển, đảo vào trong bài học lịch sử, song chỉ sử dụng một phương pháp dạy học duy nhất đó là trình bày miệng, chưa kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học hiện đại, do đó, giờ học nhàm chán, đơn điệu, thiếu sức hấp dẫn đối với HS. Trong nhiều trường hợp, GV lạm dụng các loại tài liệu tham khảo về biển, đảo dẫn đến tình trạng "quá tải", làm cho giờ học trở nên nặng nề, mất tính đặc trưng của bài học lịch sử. Sự kết hợp linh hoạt các hình thức và biện pháp tổ chức dạy học của không ít GV còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả giáo dục chủ quyền biển, đảo chưa cao.
- Về phía HS:
+ Hầu hết HS các trường THPT đều quan tâm đến vấn đề chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng mức độ hiểu biết khác nhau tùy theo các vùng miền. Đa số HS nhận thức được ý nghĩa của vấn đề giáo dục chủ quyền biển, đảo và cho rằng, cần đưa nội dung giáo dục chủ quyền biển, đảo vào dạy học, nhất là đối với môn lịch sử. Tuy nhiên, vẫn còn không ít HS thiếu quan tâm hoặc thờ ơ với vấn đề chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Điều đó cho thấy sự hạn chế về ý thức trách nhiệm công dân của không ít HS.
+ Nói về các hình thức tổ chức và biện pháp giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo trong dạy học lịch sử, đa số HS cho rằng, nên giáo dục chủ quyền biển, đảo trong cả bài học nội khóa và các hoạt động ngoại khóa, đồng thời, GV cần đổi mới phương pháp dạy học để nội dung chủ quyền biển, đảo đưa vào dạy học trở nên hấp dẫn, gần gũi và thu hút sự quan tâm của HS.
+ Dù nhận thức được tầm quan trọng, nhưng hiểu biết của HS về vấn đề chủ