Thích Đại Sán. Đặc biệt, các bản đồ cổ do chính người Trung Quốc vẽ từ năm 1909 trở về trước như Thiên hạ thống nhất chi đồ (1461), Dư địa đồ (1561), Hoàng Minh đại thống nhất tổng đồ (1635), Hoàng triều phủ sảnh châu huyện toàn đồ (1862), Quảng Đông tỉnh đồ (1897), Đại Thanh đế quốc vị trí khu hoạch đồ (1909) đều chỉ thể hiện lãnh thổ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, trong khi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm cách xa đảo Hải Nam về phía nam.
+ Tư liệu cổ của phương Tây: nhật ký của các nhà hàng hải Bồ Đào Nha (từ thế kỉ XV), người Hà Lan, Pháp (từ thế kỉ XVI); bản đồ cổ, từ điển địa lí của các nhà nghiên cứu phương Tây về Biển Đông từ các thế kỷ XV - XIX phản ánh rõ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam với tên gọi là Paracels. Tiêu biểu như: Bản đồ của Van Langren (Hà Lan) vẽ năm 1595, hay An Nam đại quốc họa đồ của Louis Taberd (Pháp) vẽ năm 1838 đều thể hiện rõ lãnh thổ của vương quốc An Nam, trong đó có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, được chú thích là Paracels (hay Paracel) thuộc chủ quyền của Cocinchina (tức An Nam).
- Sự khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử được thể hiện hết sức mạnh mẽ qua các hoạt động: quản lý hành chính liên tục, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền, vẽ bản đồ, cử các đội ra đo đạc và khai thác:
+ Từ thời Lý (1009 - 1225), theo Đại Việt sử kí toàn thư, thời vua Lý Anh Tông, liên tiếp trong các năm 1171, “vua đi tuần các hải đảo, xem hình thế núi sông, muốn biết dân tình đau khổ và đường đi xa gần thế nào”; đến năm 1172, “vua lại đi tuần các hải đảo ở địa giới các phiên bang nam bắc, vẽ bản đồ và ghi chép phong vật rồi về”. Có thể thấy, nhà Lý rất quan tâm đến các vùng biển, đảo và tình hình đời sống của dân chúng ven các vùng biển thuộc quốc gia Đại Việt thời bấy giờ.
+ Thời Trần (1226 - 1400), số thuyền chiến đã tăng lên nhiều, kĩ thuật thủy chiến cũng thuần thục hơn, nhất là trên cửa sông, biển. Trong các cuộc chiến đấu, nhà Trần có thể huy động hàng ngàn chiến thuyền, lập nên những chiến công hiển hách như trận Vân Đồn (cuối năm 1287), trận Bạch Đằng (1288). Theo một số ghi chép, các thuyền chiến thời Trần khá lớn, có thuyền lên đến 100 mái chèo, dài đến 30 m, rộng hơn 4 m, có khả năng vươn xa ra biển khơi để chiến đấu.
+ Thời Lê Sơ (1428 - 1527), kĩ thuật thuyền bè tiến thêm một bước, đáp ứng yêu cầu chinh phạt và quản lý các vùng lãnh thổ ngày càng được mở rộng, trong đó có các vùng biển, đảo về phía nam. Tiêu biểu, năm 1469, dưới thời vua Lê Thánh Tông, bộ Hồng Đức bản đồ đã vẽ khá đầy đủ và chi tiết các vùng lãnh thổ, trong đó có các quần đảo ven biển miền Trung như Hoàng sa và Trường Sa.
+ Trong suốt các thế kỉ XVII - XIX, các chúa Nguyễn, triều Tây Sơn, triều Nguyễn đều thực hiện sứ mệnh của nhà nước đối với các vùng biển, đảo thiêng liêng, nhất là ở Hoàng Sa và Trường Sa. Việc tổ chức quá trình chiếm hữu thực sự và thực thi liên tục chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua hoạt động của đội dân binh Hoàng Sa cũng như lực lượng thủy quân như: khảo sát và vẽ bản đồ hành chính thể hiện khá đầy đủ các vùng lãnh thổ (tiêu biểu thời vua Minh Mạng); cử đội Hoàng Sa ra các quần đảo đo đạc thủ trình, vẽ bản đồ có các quần đảo; xây dựng chùa miếu, trồng cây, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền, khai thác các sản vật quý, thu lượm hàng hóa từ các tàu đắm…
+ Trong thời kì thực dân Pháp đô hộ (1884-1954): Pháp thực thi chủ quyền trên các vùng biển, đảo Việt Nam, nhất là đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách tích cực. Tiêu biểu: năm 1887, Pháp ký với triều đình Mãn Thanh “Công ước hoạch định biên giới trên bộ và trên biển”, trong đó, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam thuộc Pháp; năm 1899, Toàn quyền Đông Dương Pôn Đume kí sắc lệnh xây dựng hải đăng ở quần đảo Hoàng Sa; năm 1933, Thống đốc Nam Kỳ J.Krautheimer sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa; năm 1938, Toàn quyền Đông Dương I.Brévie ký Nghị định cho Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên; cũng năm 1938, Pháp dựng bia chủ quyền trên đảo Hoàng Sa, đặt hải đăng và trạm khí tượng; năm 1950, Pháp chuyển giao cho chính phủ Quốc gia Việt Nam quyền quản lí Hoàng Sa; năm 1951, tại Hội nghị San Francisco, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Trần Văn Hữu của Chính phủ Quốc gia Việt Nam tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam mà không một đại biểu nào phản bác về lời tuyên bố này.
Có thể bạn quan tâm!
- Nhận Xét Chung Các Công Trình Đã Công Bố, Những Vấn Đề Luận Án Kế Thừa Và Tiếp Tục Nghiên Cứu
- Định Hướng Của Đảng, Nhà Nước, Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo Về Giáo Dục Nói Chung Và Giáo Dục Ý Thức Chủ Quyền Biển, Đảo Nói Riêng
- Nội Dung Giáo Dục Ý Thức Chủ Quyền Biển, Đảo Cho Học Sinh Trong Dạy Học Lịch Sử Ở Trường Thpt
- Thực Tiễn Việc Giáo Dục Ý Thức Chủ Quyền Biển, Đảo Cho Học Sinh Trong Dạy Học Lịch Sử Ở Trường Thpt
- Những Vấn Đề Cần Giải Quyết Để Khắc Phục Thực Trạng
- Hướng Dẫn Hs Khai Thác Và Sử Dụng Các Nguồn Tư Liệu Gốc Phản Ánh Về Chủ Quyền Biển, Đảo
Xem toàn bộ 230 trang tài liệu này.
+ Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước (1954 - 1975): Ở miền Bắc, các vùng biển, đảo được tổ chức quản lý và khai thác, phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam, chính quyền Việt Nam Cộng hòa tiếp tục quản lý hành chính, khảo sát và thực thi chủ quyền trên các vùng biển, đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tiêu biểu: năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa cho lập bia chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, ra Sắc lệnh 143-NV sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Phước Tuy; tháng 7-1961, theo Sắc lệnh 174-NV, quần đảo Hoàng Sa được sáp nhập vào tỉnh Quảng Nam; tháng 9- 1973, thực hiện Nghị định 420-BNV, quần đảo Trường Sa sáp nhập vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy; năm 1974, khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa, nhà cầm quyền Việt Nam Cộng hòa đã phản ứng mạnh mẽ và tận dụng mọi cơ hội để khẳng định chủ quyền của mình.
+ Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, các vùng biển, đảo miền Nam lần lượt được giải phóng và tiếp quản. Đặc biệt, từ ngày 14-4 đến ngày 29-4-1975, hải quân nhân dân Việt Nam đã lần lượt giải phóng các đảo ở quần đảo Trường Sa. Ngay sau đó, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và tuyên bố quyền bảo vệ chủ quyền ở các quần đảo này.
+ Từ năm 1975 đến nay: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đẩy mạnh việc bảo vệ chủ quyền các vùng biển, đảo của Việt Nam trên Biển Đông, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Về mặt hành chính, năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị định tổ chức quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thành đơn vị hành chính cấp huyện. Sau nhiều lần điều chỉnh, huyện đảo Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng và huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Về pháp lý, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quan trọng: Hiến pháp năm 1980, 1992, Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật Biển 2012... Các văn bản này khẳng định chủ quyền đối với các vùng biển, đảo theo luật pháp quốc tế, trong đó, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam.
2.1.4.3. Giáo dục HS biết đánh giá về giá trị, tiềm năng kinh tế biển, đảo và thực trạng tài nguyên, môi trường biển, đảo Việt Nam
* Giá trị, tiềm năng kinh tế biển, đảo Việt Nam hết sức to lớn:
- Giá trị và tiềm năng du lịch: Có lợi thế đường bờ biển dài trên 3.000 km, cùng với cảnh quan ven bờ và các đảo, nước ta có rất nhiều bãi biển đẹp. Mặt khác, đáy biển thuộc các vùng biển nước ta có quần thể sinh vật biển đa dạng, phong phú các loài, nhiều rạn san hô màu hoang sơ hiếm có đã tạo thành những điểm du lịch biển nổi tiếng, hấp dẫn du khách, tiêu biểu như: vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), đảo Bạch Long Vĩ, Cát Bà (Hải Phòng), vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), phố cổ Hội An và đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam), di tích Vũng Rô (Phú Yên), vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận), biển Phan Thiết, Mũi Né (Bình Thuận), biển Vũng Tàu, Côn Đảo, Phú Quốc... Đây là tiềm năng du lịch biển to lớn, phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế. Nếu biết đầu tư và khai thác hợp lý, du lịch biển Việt Nam có khả năng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn vào quá trình phát triển kinh tế đất nước theo hướng hiện đại.
- Giá trị và tiềm năng hải sản: Với 28 tỉnh và thành phố ven biển, nguồn thủy hải sản phong phú trên các vùng biển, đảo không chỉ cung cấp nguồn sống chủ
yếu cho ngư dân, mà còn là nguồn đóng góp quan trọng vào tổng sản phẩm kinh tế quốc dân. Đặc biệt, thủy sản là một trong những ngành kinh tế thế mạnh của Việt Nam, có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới, thu lại nguồn lợi nhuận cao. Trên các vùng biển Việt Nam, hiện có hơn 11.000 loài sinh vật thủy sinh và 1.300 loài sinh vật trên đảo được biết đến, với khả năng khai thác cho phép là trên 1 triệu tấn mỗi năm. Ngành thủy sản nước ta tăng trưởng liên tục và khá ổn định, mang lại cuộc sống ổn định cho cư dân các vùng ven biển, đồng thời mang lại nguồn ngoại tệ từ xuất khẩu khá lớn. Từ năm 2009, Việt Nam đã nằm trong tốp 10 nước xuất khẩu thủy sản đứng đầu thế giới, trong đó, nhiều mặt hàng thủy sản trở nên nổi tiếng trên thị trường quốc tế như tôm hùm, cá ngừ đại dương, cá tra, cá basa…
- Giá trị và tiềm năng dịch vụ giao thông vận tải biển: Nằm ở vị trí hết sức quan trọng về hàng hải, dịch vụ vận tải biển Việt Nam đang ngày càng được chú trọng, mạng lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 50 cảng biển lớn nhỏ và gần 170 bến cảng, cùng với đó là hệ thống các cảng sông đã tạo ra mạng lưới dịch vụ vận tải biển với tiềm năng khai thác to lớn. Đây được xem là điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế nói chung và hoạt động thương mại của nước ta nói riêng, giảm bớt lưu lượng tàu xe quá tải trên bộ, đồng thời thúc đẩy quá trình giao lưu giữa các vùng miền trong nước, nhất là mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại với thị trường các nước trên thế giới. Nhiều cảng biển đáp ứng tốt yêu cầu vận tải của tàu thuyền các nước trên thế giới như cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Sài Gòn, Vũng Tàu… Có thể khẳng định, ngành vận tải biển Việt Nam có khả năng mang lại giá trị kinh tế cao, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa thương mại hiện nay.
- Giá trị và tiềm năng khoáng sản biển: Trong các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, nguồn khoáng sản hết sức đa dạng và giàu tiềm năng để khai thác, góp phần to lớn vào phát triển kinh tế chung của đất nước. Các nguồn khoáng sản dễ khai thác như cát, sỏi, muối, titan, monazite,... có trữ lượng khá lớn, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và có thừa để xuất khẩu. Đặc biệt, trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, dầu thô và khí đốt là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quan trọng, không những đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, mà còn là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của nền kinh tế quốc dân. Ngoài ra, nguồn năng lượng gió, mặt trời…ở các vùng biển, đảo cũng góp phần đáng kể vào nguồn năng lượng của quốc gia, giải quyết khá lớn nhu cầu năng lượng cho bộ đội và cư dân các vùng biển, đảo.
* Thực trạng về tài nguyên và môi trường biển, đảo:
Việt Nam được mệnh danh là quốc gia có “rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”, tuy nhiên, các nguồn tài nguyên nói chung, tài nguyên biển nói riêng đang
ngày càng cạn kiệt theo thời gian. Không chỉ nguồn tài nguyên dần vơi cạn, vấn đề môi trường biển, đảo cũng đang là thực trạng đáng báo động, cụ thể là:
+ Nguồn nước bị ô nhiễm do tình trạng xả rác bừa bãi của cư dân ven biển và khách du lịch; chất thải công nghiệp từ khai khoáng, đóng tàu, khai thác dầu khí, xây dựng, công nghiệp chế biến; thức ăn thừa và phế thải từ nuôi trồng thủy sản... Hậu quả của ô nhiễm nguồn nước là hết sức nghiêm trọng, đặc biệt là gây bệnh tật cho con người và ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của đa dạng các loài sinh vật biển.
+ Các nguồn lợi từ biển bị khai thác một cách bừa bãi, hủy diệt, thiếu bền vững. Hải sản bị đánh bắt bằng các phương tiện “hủy diệt” như mìn, hóa chất, xung điện, lưới nhỏ; san hô khai thác để nung vôi, làm đồ trang trí; các loại khoáng sản khai thác tối đa nhưng không có phương án tái tạo; vận tải, du lịch biển, tài nguyên địa chiến lược… chưa được đầu tư khai thác đúng mức và thiếu tính bền vững.
+ Môi trường xung quanh các vùng ven biển, các đảo và quần đảo ngày càng xấu đi, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của cư dân và tiềm năng du lịch biển. Sự bùng nổ dân số và quá trình đô thị hóa gắn liền với các công trình xây dựng đồ sộ làm cho môi trường biển ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng hơn. Do đó, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển là vấn đề sống còn và cấp bách, ảnh hưởng lâu dài đến sự tồn tại và phát triển của từng quốc gia, dân tộc. Do đó, giáo dục HS đánh giá đúng thực trạng, từ đó có ý thức và trách nhiệm bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, đảo là một trong những nội dung quan trọng khi thực hiện mục tiêu giáo dục ở các môn học nói chung, môn lịch sử nói riêng tại các trường phổ thông.
2.1.4.4. Giáo dục HS trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, nhất là bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Từ thời phong kiến đến nay, Việt Nam luôn đấu tranh cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực cũng như của thế giới. Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp liên quan đến vấn đề biển, đảo, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với pháp luật quốc tế, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.
Thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay, bằng nhận thức đúng đắn và hiểu biết của mình, cần biết cách vận dụng kiến thức vào thực tiễn qua những hành động thiết thực, tiếp bước truyền thống cha ông ra sức bảo vệ và giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, trong đó có các vùng biển, đảo - phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của đất nước Việt Nam. Với sự nhận thức đúng đắn, hiểu biết sâu sắc và kĩ năng vận dụng kiến thức về biển, đảo vào thực tiễn, HS các trường phổ thông cần:
Thứ nhất, thể hiện trách nhiệm và sẵn sàng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia nói chung, bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói riêng của công dân Việt Nam bằng các biện pháp phù hợp, theo đúng chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước.
Thứ hai, biết ơn các thế hệ người Việt Nam đã dày công xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc thông qua những việc làm cụ thể (thăm hỏi gia đình cựu chiến binh, chiến sĩ hải quân; chăm sóc di tích về biển, đảo…).
Thứ ba, có ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, đảo trước thực trạng khai thác bất hợp lý và ô nhiễm hiện nay qua những hành động vừa sức, thiết thực.
Thứ tư, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng về bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên cơ sở nhận thức đúng đắn chủ trương của Đảng và Nhà nước; sẵn sàng là một tuyên truyền viên, thành viên tích cực trong cuộc vận động hướng về biển, đảo Tổ quốc.
2.1.5. Vai trò, ý nghĩa của việc giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo cho học sinh trong DHLS ở trường THPT
Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, việc giáo dục cho thế hệ trẻ ý thức trách nhiệm công dân nói chung, ý thức chủ quyền biển, đảo nói riêng đặc biệt quan trọng. Biển, đảo có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng của Việt Nam. Do tầm quan trọng của biển, đảo nên cuộc chạy đua trong sự phát triển kinh tế biển cũng như phát triển lực lượng quân sự trên biển và sự tranh chấp về biển, đảo diễn ra gay gắt và ngày càng căng thẳng. Với tốc độ gia tăng về dân số và sự tăng trưởng về kinh tế như hiện nay, nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên không tái tạo được trên đất liền ngày càng cạn kiệt. Các nước có biển đều vươn ra biển, xây dựng chiến lược biển, tăng cường tiềm lực về mọi mặt để khai thác tiềm năng biển và Việt Nam cũng nằm trong xu thế đó.
Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, biển luôn gắn liền với quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như gắn liền với đời sống người Việt. Tuy nhiên, đây cũng là nơi kẻ thù lợi dụng để xâm lược. Chính vì vậy, bảo vệ chủ quyền biển, đảo không chỉ mang ý nghĩa bảo vệ một địa bàn sống, địa bàn phát triển kinh tế, mà còn là bảo vệ một địa bàn chiến lược lợi hại, nằm trong thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
Bởi vậy, giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo cho HS luôn là mối quan tâm và là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia ở mọi thời đại, trong đó môn lịch sử giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi vì, mỗi thế hệ đi vào cuộc sống, hướng theo sự phát triển chung của nhân loại và dân tộc không thể không
mang theo mình những giá trị của quá khứ. Cứ như vậy, trong dòng phát triển bất tận của lịch sử, các thế hệ nối tiếp nhau sáng tạo và thừa kế các di sản quí báu mà tiến lên. Đây là những định hướng quan trọng chỉ đạo việc đào tạo thế hệ trẻ, kế tục và phát triển sự nghiệp cách mạng trên bước đường phát triển và hội nhập hiện nay.
Trước tình hình mới của đất nước, phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia nói chung và bảo vệ biên giới, biển, đảo nói riêng. Do đó, việc giáo dục cho HS ý thức và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Với chức năng và nhiệm vụ của mình, bộ môn lịch sử ở trường phổ thông có ưu thế trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng và cấp thiết đó:
Thứ nhất, DHLS phải cung cấp cho HS những kiến thức cơ bản và hệ thống về các vùng biển, đảo Việt Nam; biết được những nét chính về quá trình xác lập, thực thi và đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, đặc biệt đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; biết được những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế, xã hội của các vùng biển, đảo Việt Nam. Qua đó, HS được bổ sung và khắc sâu kiến thức cơ bản của bài học lịch sử, hiểu được vai trò của biển, đảo trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc và trong quá trình phát triển đất nước hiện nay. Ví dụ: Khi dạy bài 23 - lớp 12: Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội ở miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam (1973 - 1975), GV cung cấp kiến thức cho HS: trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, các tỉnh ven biển và các vùng biển, đảo miền Trung được giải phóng; chỉ rõ trên lược đồ diễn biến cuộc Tiến công và nổi dậy Xuân 1975 vị trí quan trọng của các tỉnh, thành phố ven biển và các vùng biển, đảo ở miền Nam.
Thứ hai, thông qua dạy học lịch sử nói chung, dạy học chủ quyền biển, đảo nói riêng để giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, tự hào về lịch sử lâu đời của dân tộc; bồi dưỡng ý thức độc lập dân tộc, bảo vệ sự thống nhất đất nước trong bất kì hoàn cảnh nào. Đồng thời, giáo dục lòng biết ơn đối với các thế hệ cha ông, các anh hùng dân tộc đã chiến đấu vì độc lập, tự do, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, trong đó có chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Từ đó, HS xác định rõ trách nhiệm của bản thân đối với quê hương, đất nước, xác định động cơ học tập và lao động đúng đắn, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Ví dụ: Khi dạy bài bài 22 - lớp 12: Nhân dân hai miền trực tiếp chiến đấu chống đế quốc Mĩ xâm lược. Nhân dân miền Bắc vừa chiến đấu vừa sản xuất (1965 - 1973), thông qua một số sự kiện như: quân Mĩ ném bom đánh phá đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) hay quân Mĩ ném bom đánh phá ác liệt tuyến vận tải biển của ta để ngăn chặn sự chi viện cho miền
Nam, GV phân tích: dù bị đánh phá ác liệt nhưng quân dân trên đảo Cồn Cỏ vẫn kiên cường bám đảo chiến đấu; những chiến sĩ vận tải biển vẫn vượt qua mưa bom lửa đạn để thực hiện nhiệm vụ chi viện cho miền Nam, nhiều cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Với việc phân tích kết hợp với tranh ảnh, mẩu chuyện lịch sử, GV giáo dục HS lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất của quân dân ta trong cuộc kháng chiến bảo vệ sự thống nhất lãnh thổ Tổ quốc, trong đó có các vùng biển, đảo thiêng liêng. Qua đó, HS biết ơn các thế hệ cha ông, xác định động cơ học tập đúng đắn, ý thức trách nhiệm của bản thân đối với Tổ quốc.
Thứ ba, dạy học lịch sử nói chung và dạy học vấn đề chủ quyền biển, đảo nói riêng có ý nghĩa lớn trong việc hình thành và phát triển kỹ năng, năng lực cho HS:
- Kỹ năng phát hiện, phân tích nguyên nhân xuất hiện và quá trình phát triển của các sự kiện, hiện tượng lịch sử. Điều này góp phần hình thành ở HS quan điểm lịch sử đúng đắn khi xem xét về các vấn đề chủ quyền biển, đảo.
- Năng lực đánh giá điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, mối quan hệ tác động qua lại giữa biển, đảo với đời sống con người, nhất là các quốc gia ven biển.
- Năng lực đánh giá vai trò của biển, đảo trên các lĩnh vực của đời sống. Qua đó, HS có thái độ và hành vi đúng đắn đối với vấn đề chủ quyền biển, đảo hiện nay.
- Nâng cao năng lực tư duy (phân tích, tổng hợp, so sánh, đánh giá,…) để hình thành khái niệm, rút ra quy luật, bài học lịch sử để vận dụng vào thực tiễn, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Tóm lại, giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo cho HS là việc làm cần thiết và có ý nghĩa, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện HS. Đặc biệt, thông qua dạy học lịch sử, nhất là phần lịch sử Việt Nam, GV giúp HS nhận thức đúng đắn về vấn đề chủ quyền biển, đảo Tổ quốc qua những kiến thức cơ bản và khoa học, từ đó, HS có thể vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn bằng thái độ, hành vi, hành động phù hợp, cùng với nhân dân cả nước chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Đồng thời, việc giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo một cách hiệu quả sẽ tạo hứng thú học tập, giúp HS thêm yêu thích lịch sử, qua đó góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dạy học bộ môn ở trường THPT.
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.1. Đặc điểm tình hình biển, đảo Việt Nam hiện nay
Việt Nam là quốc gia nằm bên bờ Tây của Biển Đông, giáp với Biển Đông ở cả ba phía Đông, Nam và Tây Nam. Các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam là một