DNNVV là thực sự cần thiết để thúc đẩy phát triển nền kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế đang phát triển như nước ta hiện nay.
2.3 CÁC NGHIÊN CỨU VỀ NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KHẢ NĂNG VAY VỐN NGÂN HÀNG CỦA DNNVV
2.3.1. Nghiên cứu ở nước ngoài
Harif and Zali (2004). Bằng cách phỏng vấn và tìm hiểu 10 NHTM lớn nhất và đóng vai trò quan trọng nhất trong việc cấp tín dụng tại Malaysia (như Ngân hàng Malayan Bank Bhd, Public Bank Bhd, RHD Bank Bhd,...), tác giả dùng hàm phân tích nhân tố để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tài trợ vốn tín dụng ngân hàng của các DNNVV, áp dụng thang đo Likert để phỏng vấn và chấm điểm đánh giá tầm quan trọng của các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng vay vốn ngân hàng của các DNNVV tại Malaysia. Kết quả cho thấy có 12 nhân tố tác động đến khả năng vay vốn ngân hàng của DNNVV tại Malaysia đó là: năng lực tài chính của doanh nghiệp, nguồn trả nợ vay, mục đích sử dụng vốn, khả năng kinh doanh của DN, trình độ của chủ doanh nghiệp, ý kiến của cán bộ thẩm định cho vay, tư cách khách hàng, điều kiện nền kinh tế, tài sản thế chấp và vốn của DN. Trong 12 nhân tố tác động đến khả năng vay vốn của doanh nghiệp thì tư cách khách hàng, tài sản thế chấp, năng lực tài chính và nguồn trả nợ của DN giữ vai trò quan trọng nhất chiếm phần lớn trong thang điểm và đánh giá của ngân hàng
Bài nghiên cứu của Zhao et al. (2006). Bằng cách sử dụng mô hình hồi quy OLS và mô hình logit dựa trên mẫu số liệu gồm 342 DNNVV, các tác giả đã xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng vay vốn và lượng vốn vay được từ ngân hàng của các DNNVV ở Thành phố Thành Đô, Trung Quốc. Kết quả ước lượng và phân tích cho thấy rằng quy mô của công ty, tính sẵn lòng chấp nhận các điều kiện của ngân hàng, mối quan hệ thân thiết với ngân hàng đóng một vai trò quan trọng, trong đó quy mô của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến khả năng vay vốn và số vốn vay ngân hàng của các DNNVV. Một số nhân tố như doanh thu, lợi nhuận ròng, điểm tín dụng của doanh nghiệp không có ảnh hưởng đến khả năng vay vốn của doanh nghiệp.
Bài nghiên cứu của Sebhatu (2014). Với mẫu gồm 87 doanh nghiệp nhỏ và vừa tọa lạc tại thành phố Asmara, Kenya và bằng cách sử dụng mô hình hồi quy logit, tác giả đã xác định được tuổi của chủ sở hữu/người quản lý doanh nghiệp có ảnh hưởng quan trọng đến khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong khi đó trình độ học vấn của chủ sở hữu/người quản lý doanh nghiệp không có ảnh hưởng quan trọng đến khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp.
Bài nghiên cứu của Kira (2013). Nghiên cứu được thực hiện vào năm 2012 bằng cách khảo sát mẫu gồm 164 doanh nghiệp tại Tanzanian. Nghiên cứu này tìm hiểu các nhân tố liên quan đến nội tại của doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp ảnh hưởng như thế nào đến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Bằng phương pháp nghiên cứu định lượng, tác giả đã xác định được các nhân tố tác động đến khả năng vay vốn của doanh nghiệp gồm trình độ học vấn của người quản lý doanh nghiệp, kinh nghiệm hoạt động kinh doanh, nơi đặt trụ sở của doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, quy mô doanh nghiệp, số năm thành lập doanh nghiệp, tài sản đảm bảo và tính minh bạch thông tin của doanh nghiệp.
Bài nghiên cứu của Kimutai and Ambrose (2013). Nghiên cứu này sử dụng cả dữ liệu sơ cấp và dữ liệu thứ cấp. Dữ liệu sơ cấp được thu thập bằng cách phát bảng câu hỏi đến các nhà phê duyệt tín dụng của các ngân hàng. Ngoài ra, dữ liệu thứ cấp thì được thu thập từ các thống kê sẵn có tại Ngân hàng trung ương của Kenya. Bằng phương pháp thống kê mô tả, tác giả đã xác định các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng vay vốn và lượng vốn vay được của các doanh nghiệp tại Kenya bao gồm 03 nhân tố chính, đó là tư cách doanh nghiệp ( đại diện bởi các yếu tố là lịch sử rủi ro của doanh nghiệp và thu nhập của doanh nghiệp), đặc điểm khoản vay ( đại diện bởi các yếu tố như : lãi suất, tài sản đảm bảo, thời hạn khoản vay) và tư cách của người quản lý doanh nghiệp (đại diện bởi các yếu tố như lịch sử tín dụng, tuổi và giới tính).
Có thể bạn quan tâm!
- Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng vay vốn ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam trên địa bàn Tp.HCM - 1
- Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng vay vốn ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam trên địa bàn Tp.HCM - 2
- Vai Trò Của Tín Dụng Ngân Hàng Đối Với Dnnvv
- Khả Năng Đáp Ứng Các Điều Kiện Của Ngân Hàng :
- Thực Trạng Cho Vay Doanh Nghiệp Nhỏ Và Vừa Tại Ngân Hàng Tmcp Xuất Nhập Khẩu Việt Nam Trên Địa Bàn Tphcm
- Tình Hình Cho Vay Dnnvv Tại Eximbank Khu Vực Tp.hcm Giai
Xem toàn bộ 101 trang tài liệu này.
Bài nghiên cứu của Said et al. ( 2013). Nghiên cứu này đã được các tác giả thực hiện bằng cách khảo sát thông qua bảng trả lời câu hỏi của 36.492 doanh nghiệp tại Ai Cập
nhằm tìm hiểu các nhân tố tác động đến khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kết quả các tác giả đã xác định được các nhân tố như loại hình doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh hiện tại, số lượng lao động, vốn tự có và doanh thu thuần có ảnh hưởng quan trọng đến khả năng vay vốn ngân hàng. Ngoài ra, bài nghiên cứu cũng đã tìm ra được nếu quy mô doanh nghiệp càng nhỏ thì xác xuất gặp những khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng sẽ càng lớn.
Bài nghiên cứu của Khalid and Kalsom (2012). Với mẫu khảo sát gồm 76 doanh nghiệp SMEs tại Tripoli và Sabha, Libya và bằng cách sử dụng mô hình hồi quy logit, các tác giả đã xác định được phương án kinh doanh và kinh nghiệm của người quản lý/người chủ sở hữu doanh nghiệp thật sự có ảnh hưởng đến khả năng vay vốn ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Lybia.
Bài nghiên cứu của Cresanta et al. (2002). Các tác giả đã sử dụng dữ liệu từ cuộc khảo sát tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa cấp quốc gia năm 1993. Từ cuộc khảo sát này, các tác giả đã có được các dữ liệu như hạn mức tín dụng, nguồn tín dụng, các điều khoản hợp đồng của doanh nghiệp từ các ngân hàng khác nhau để làm dữ liệu cho bài nghiên cứu của mình. Kết quả, các tác giả đã xác định được mối quan hệ với ngân hàng của các doanh nghiệp thật sự cần thiết để các doanh nghiệp có hạn mức tín dụng cao hơn từ các ngân hàng.
2.3.2 Nghiên cứu ở Việt Nam
Tống Văn Thắng (2008). Trong luận văn tốt nghiệp thạc sỹ, tác giả đã sử dụng mô hình logit để phân tích biến phụ thuộc Y là khả năng vay được vốn của doanh nghiệp. Kết quả kiểm định chỉ ra rằng tỷ suất lợi nhuận, giá trị tài sản có tác động mạnh đến khả năng vay vốn ngân hàng của các DNNVV. Trong khi đó, các yếu tố như số năm hoạt động, thành viên của Hiệp hội doanh nghiệp Kiên Giang, chủ doanh nghiệp có người thân, bạn bè làm chủ một (hay nhiều) doanh nghiệp khác không ảnh hưởng đến khả năng vay vốn của doanh nghiệp.
Nguyễn Quốc Nghi (2010). Thông qua số liệu thu thập được từ 389 doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Thành phố Cần Thơ và sử dụng phương pháp phân tích hồi quy logit, kết quả nghiên cứu cho thấy, những nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ của chính phủ là tuổi của doanh nghiệp, trình độ học vấn của chủ doanh nghiệp, quy mô doanh nghiệp, tốc độ tăng doanh thu và các mối quan hệ xã hội của doanh nghiệp. Trong đó, nhân tố các mối quan hệ xã hội ảnh hưởng mạnh nhất đến khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hạ Thị Thiều Dao và cộng sự (2014). Nguồn số liệu chính của bài nghiên cứu lấy từ cuộc điều tra DNNVV lần thứ 7 năm 2011 do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương chủ trì thực hiện. Cuộc điều tra thực hiện phỏng vấn sâu 2.552 DNNVV tại 10 thành phố; trong đó tập trung nhiều ở 4 tỉnh là TP.HCM (603 DN), Nghệ An (354 DN), Hà Tây (350 DN) và Hà Nội (393 DN). Bộ dữ liệu đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của DN. Tuy nhiên, trong giới hạn bài viết này, nhóm tác giả chỉ tập trung xoay quanh các đặc điểm của DN liên quan đến vấn đề tín dụng. Cụ thể trong 2.552 DN được khảo sát có 757 DN đề nghị vay, tập trung chủ yếu vào các loại hình ngân hàng chiếm 86,92%; trong đó có 210 DN (chiếm 27,74%) gặp khó khăn khi vay vốn. Nghiên cứu sử dụng kết hợp phương pháp định lượng thông qua phân tích mô hình logit đo lường khả năng tiếp cận tín dụng của 757 DNNVV và phương pháp định tính thông qua bảng câu hỏi bán cấu trúc nguyên nhân thiếu kết nối giữa DN và ngân hàng tại Bến Tre. Những phát hiện chính trong nghiên cứu này cho thấy trình độ chủ DN, tài sản thế chấp, giá trị tài sản của doanh nghiệp, nguồn vay của doanh nghiệp từ NHCSXH, khoảng cách đến nơi vay vốn và nơi doanh nghiệp đặt trụ sở có ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tiếp cận tín dụng của DNNVV.
Nguyễn Minh Phục (2011). Trong đề tài này, tác giả đã sử dụng hai mô hình: mô hình probit để xác định khả năng vay vốn của các DNNVV trên địa bàn thành phố Cần Thơ và mô hình ước lượng bình phương bé nhất (OLS) để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến lượng vốn vay được của các DNNVV. Tác giả đã đưa ra 8 yếu tố để nghiên cứu là: tuổi
của doanh nghiệp, trình độ học vấn, kinh nghiệm quản lý, ngành nghề kinh doanh, tổng tài sản và mối quan hệ nghiệp vụ, tỷ suất lợi nhuận và tỷ số nợ. Kết quả mô hình Probit cho thấy có 5 trong 8 yếu tố được đưa vào mô hình có ý nghĩa về mặt thống kê là trình độ học vấn, kinh nghiệm quản lý, ngành nghề kinh doanh, tổng tài sản và mối quan hệ nghiệp vụ có tác động đến khả năng vay vốn ngân hàng của các DNNVV trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Kết quả ước lượng mô hình OLS có 2 yếu tố ảnh hưởng đến lượng vốn vay ngân hàng của các DNNVV trên địa bàn thành phố Cần Thơ là trình độ học vấn của người quản lý và tổng tài sản của doanh nghiệp.
Trương Quang Thông (2009). Bài nghiên cứu đã khảo sát bằng hai hình thức là gửi thư và phỏng vấn trực tiếp các chủ hoặc giám đốc điều hành từ 200 doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có quan hệ trong lĩnh vực đào tạo, tư vấn với Viện nghiên cứu kinh tế phát triển – Đại học kinh tế Tp.HCM và các doanh nghiệp nhỏ và vừa là hội viên của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam. Kết quả bài nghiên cứu đã xác định được một số lý do chính ngân hàng từ chối cho doanh nghiệp vay vốn là do doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo, ngân hàng khó khăn về nguồn vốn nên hạn chế cho vay và cuối cùng là các ngân hàng cho rằng báo cáo tài chính của doanh nghiệp không minh bạch, đầy đủ.
2.4 Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng vay vốn ngân hàng của DNNVV
Có thể nói rằng, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng vay vốn ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều đó có thể xuất phát từ nhiều phía, từ bản thân nội tại của các doanh nghiệp, từ chính sách tín dụng của các ngân hàng tại mỗi thời kỳ hoặc cũng có thể xuất phát từ các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và Ngân hảng nhà nước. Chi tiết cụ thể như sau :
2.4.1 Các nhân tố xuất phát từ năng lực nội tại của doanh nghiệp :
2.4.1.1 Tổng tài sản của doanh nghiệp
Tổng tài sản của doanh nghiệp thông thường bao gồm tài sản lưu động và tài sản cố định. Khi thẩm định doanh nghiệp, các ngân hàng sẽ quan tâm nhiều hơn đến tài sản lưu
động của doanh nghiệp vì tài sản lưu động càng lớn thì càng thể hiện năng lực của doanh nghiệp, khả năng thanh toán nợ vay sẽ được đảm bảo hơn. Do đó, tổng tài sản của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến khả năng vay vốn và số vốn vay được của doanh nghiệp.
Trên cơ sở 3.404 công ty nhỏ tại Mỹ, Petersen and Rajan (1995) đã chia các công ty trên thành 6 nhóm dựa trên tổng tài sản và thấy rằng chỉ một phần của nhóm công ty trên được vay vốn ngân hàng nhưng tỷ lệ các công ty trong nhóm có tổng tài sản lớn vay được vốn ngân hàng là 91% trong khi đó các công ty trong nhóm có tổng tài sản nhỏ là 34%.
Điều này cho ta thấy rằng, tổng tài sản của doanh nghiệp cũng là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vay vốn ngân hàng của các DNNVV.
2.4.1.2 Ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp
Hiện nay các DNNVV hoạt động trong tất cả các ngành nghề của nền kinh tế. Các ngành nghề khác nhau thì cũng sẽ có những rủi ro khác nhau. Theo đó, Nhà nước cũng sẽ có những chính sách ưu tiên hoặc hạn chế việc phát triển các ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, thông qua các chính sách về vốn tín dụng và lãi suất trong từng thời kỳ. Do đó, việc doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh nào tất nhiên sẽ ành hưởng đến khả năng vay vốn và lượng vốn vay được của doanh nghiệp. Hiện nay, theo chính sách của Ngân hàng nhà nước thì một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, công nghiệp phụ trợ và xuất khẩu thì sẽ được các tổ chức tín dụng ưu tiên cung ứng vốn tín dụng với lãi suất thấp.
Kira (2013) với bài nghiên cứu được thực hiện vào năm 2012 bằng cách khảo sát mẫu gồm 164 doanh nghiệp tại Tanzanian đã xác định rằng ngành nghề kinh doanh thực sự có ảnh hưởng đến khả năng vay vốn của doanh nghiệp.
2.4.1.3 Số năm hoạt động của doanh nghiệp
Số năm hoạt động của doanh nghiệp là một trong những tiêu chí cần thiết để ngân hàng xét cấp tín dụng đối với doanh nghiệp. Theo đó, số năm hoạt động của doanh nghiệp
càng cao thì khả năng vay được vốn từ ngân hàng của doanh nghiệp đó càng lớn. Một doanh nghiệp nếu đã thành lập lâu năm trên thương trường thì ít nhiều các doanh nghiệp đó đều tạo dựng được thương hiệu, uy tín riêng, do đó tính cạnh tranh sẽ cao hơn các doanh nghiệp mới thành lập. Ngoài ra, các chủ doanh nghiệp sẽ được đào tạo và trưởng thành hơn theo thời gian, nâng cao năng lực quản lý, qua đó giúp doanh nghiệp có thêm nhiều đối tác trong hoạt động đầu vào và đầu ra, giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định và vững chắc, nâng cao khả năng trả được nợ vay cho ngân hàng.
Tarek Zarook et al. (2013) bằng cách khảo sát 557 doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Lybia đã xác định được số năm thành lập của doanh nghiệp là một nhân tố có ý nghĩa quan trọng ảnh hưởng đến khả năng vay vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, Nguyễn Quốc Nghi (2010) đã chứng minh được rằng số năm hoạt động của doanh nghiệp là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ của chính phủ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, số năm hoạt động của doanh nghiệp là một trong những nhân tố được đưa vào mô hình trong bài nghiên cứu để xem xét liệu nhân tố này có tác động đến khả năng vay vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa hay không.
2.4.1.4 Doanh thu của doanh nghiệp
Bên cạnh tài sản, doanh thu của doanh nghiệp cũng là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng vay vốn của doanh nghiệp. Khi thẩm định doanh nghiệp, các ngân hàng thường dựa vào nhiều yếu tố để xem xét liệu mình có nên mở hầu bao đối với doanh nghiệp này không. Khi cho vay, điều mà các ngân hàng chú trọng nhất là khả năng trả nợ của doanh nghiệp chứ không phải là các chỉ số tài chính được thể hiện trên báo cáo tài chính và cũng không phải là tài sản đảm bảo của doanh nghiệp. Bởi lẽ, hơn ai hết các ngân hàng hiểu rằng, khi một khoản nợ có vấn đề thì việc xử lý tài sản đảm bảo của doanh nghiệp để thu hồi nợ là một điều không hề đơn giản, mất nhiều thời gian và công đoạn.
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp thông thường sẽ được thể hiện qua doanh thu của doanh nghiệp. Bởi vì, đây là yếu tố quyết định ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là doanh thu của doanh nghiệp càng cao thì có thể kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ càng cao, qua đó cải thiện được mối quan ngại của ngân hàng đối với doanh nghiệp.
El-said et al. ( 2013) trong một bài nghiên cứu của mình bằng cách khảo sát 36.492 doanh nghiệp tại Ai Cập đã xác định được doanh thu thuần có ảnh hưởng quan trọng đến khả năng vay vốn ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, Mohd Harif and Md.Zali (2004) cũng đã tìm thấy rằng năng lực tài chính và nguồn trả nợ của DN có tác động mạnh nhất đến khả năng vay vốn ngân hàng của DNNVV tại Malaysia. Do đó, có thể nói rằng, doanh thu của doanh nghiệp là một nhân tố không thể bỏ qua trong việc xem xét tính ảnh hưởng của nó đến khả năng vay vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2.4.1.5 Tài sản đảm bảo
Tài sản đảm bảo là tài sản mà bên bảo đảm dùng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận bảo đảm. Tài sản đảm bảo do các bên thỏa thuận và thuộc sở hữu của bên có nghĩa vụ hoặc thuộc sở hữu của người thứ ba mà người này cam kết dùng tài sản đó để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ đối với bên có quyền. Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có, tài sản hình thành trong tương lai và được phép giao dịch. Tài sản đảm bảo tồn tại dưới ba hình thức chủ yếu là vật, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản đảm bảo là vật như phương tiện giao thông, kim khí đá quý, máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, hàng hóa. Tài sản đảm bảo là các giấy tờ có giá như trái phiếu, cổ phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, thương phiếu, tín phiếu và các giấy tờ khác trị giá được bằng tiền. Tài sản đảm bảo là quyền tài sản như quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đòi nợ, quyền được nhận bảo hiểm, quyền góp vốn kinh doanh, quyền khai thác tài nguyên, lợi tức và các quyền phát sinh từ tài sản cầm cố, các quyền tài sản khác.