lượng giáo dục. Cùng với việc quan tâm xây dựng cơ sở vật chất trường học, Đảng bộ Thành phố đặc biệt coi trọng vấn đề nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh. Phong trào cải tiến phương pháp giảng dạy thường xuyên được phát động và được đông đảo các thầy, cô giáo hưởng ứng. Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo” cũng được phát động, có tác dụng thiết thực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường. Nhiều điển hình tập thể tiên tiến xuất hiện, nổi bật là các Trường phổ thông cơ sở Độc Lập, Nha Trang, Đội Cấn, Phú Xá, Hương Sơn, Trưng Vương, Nguyễn Huệ...[2, tr105].
Từ năm 1983 đến năm 1985, mô hình trường vừa học, vừa làm trong các đơn vị sản xuất được mở rộng. Cơ sở vật chất của các trường học được nâng cấp từng bước; tỷ lệ kiên cố hóa, ngói hóa trường học ngày càng tăng lên. Tiếp tục phấn đấu từng bước chuyển biến chất lượng theo yêu cầu cải cách giáo dục. 100% giáo viên cấp 1, 2 phổ cập trung học hoàn chỉnh, nhiều giáo viên có trình độ sơ cấp chính trị, có kiến thức qua lớp quản lý kinh tế 3-6 tháng. Ngành tập trung tổ chức mỗi giáo viên học 1 nghề phụ. Tu sửa, xây dựng cơ sở vật chất cho dạy và học, không học ca 3, đẩy mạnh phân cấp quản lý giáo dục.
Năm 1985 thành phố Thái Nguyên được công nhận là đơn vị hoàn thành phổ cập cấp I bổ túc văn hóa cho nhân dân trên địa bàn. Trong giai đoạn 1981- 1985 toàn bộ các trường theo hình thức đào tạo phổ thông cơ sở (dạy 2 bậc học cấp I. II), không có trường phổ thông cơ sở Tư thục được phép hoạt động theo quy định của Nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được bậc phổ thông cơ sở Thành phố vẫn còn nhiều hạn chế: Công tác quản lý cơ sở vật chất chưa tốt; tốc độ xây dựng trường, lớp chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh, nhiều trường còn phải học 3 ca, chất lượng đội ngũ giáo viên chưa thật đáp ứng được yêu cầu của cuộc cải cách giáo dục...
1.2.2. Thời kỳ từ năm 1986 đến năm 2008
Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 12/1986 là mốc mở đầu cho công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước Việt Nam. Đại hội chỉ rõ: “Chặng đường đầu tiên là một bước quá độ nhỏ trong bước quá độ lớn” và nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát của những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo” [50, tr. 41- 42]. Trong đó, chủ trương của Ngành Giáo dục trong thời kỳ này là đa dạng hóa các loại hình trường, lớp, các hình thức đào tạo, quy chế các trường, lớp dân lập, tư thục đã được ban hành.
Tại thành phố Thái Nguyên, Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ X (30/9 - 4/10/1986) thông qua Nghị quyết quyết định phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ trong nhiệm kỳ. Đảng bộ và Nhân dân thành phố Thái Nguyên cùng cả nước bước vào công cuộc đổi mới, trong đó việc chăm lo cải thiện, từng bước nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho Nhân dân là một trong những mục tiêu hàng đầu. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ X đã nêu lên nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể trên lĩnh vực văn hóa - giáo dục - xã hội: “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa ở cả 3 ngành học, kể cả văn hóa, đạo đức, hướng nghiệp, dạy nghề và lao động sản xuất. Riêng bổ túc văn hóa đến năm 1990 phấn đấu hoàn thành phổ cập cấp I toàn Thành phố. Tăng cường chất lượng công tác nuôi dạy trẻ. Phát động quần chúng tham gia xây dựng trường sở, nhằm khắc phục và phấn đấu giảm bớt các lớp phải học ca 3... Tăng cường củng cố rạp hát ngoài trời, tăng cường cơ sở vật chất cho rạp và các đội chiếu bóng...” [5, tr36].
Thực hiện Nghị quyết Đại hội, chất lượng 3 bậc học và đội ngũ giáo viên được nâng lên. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để xây dựng cơ sở vật chất, tiếp tục ngói hóa, giải quyết đầy đủ bàn, ghế cho học sinh,
nỗ lực xóa 3 ca và quan tâm đến đời sống giáo viên. Ngay trong năm học 1986- 1987, từ 80 lớp phải học ca ba, đã giảm xuống còn 31 lớp. Mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh tế, các ngành học, cấp học Thành phố vẫn cố gắng vươn lên, trở thành đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh Bắc Thái trong năm học 1987-1988. Trong năm học này, ngành Giáo dục Thành phố có đội học sinh giỏi đi thi, đạt được giải của tỉnh và toàn quốc. Nhiều trường phổ thông cơ sở đạt danh hiệu trường tiên tiến. Năm học 1988-1989 tỷ lệ tốt nghiệp của bậc phổ thông cơ sở đạt 95,1%, trong đó có 16/32 trường đỗ tốt nghiệp 100%.
Đại hội đại biểu Thành phố Thái Nguyên lần thứ XI (29/3-30/3/1989) đã thông qua Nghị quyết quyết định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong 2 năm (1989-1990) trong đó giáo dục vẫn là một trong những mục tiêu hàng đầu của Đảng bộ Thành phố: “Ổn định từng bước đời sống nhân dân, trước hết đối với công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang, các đối tượng chính sách...; giải quyết việc làm cho người lao động; nâng cao chất lượng sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa...” [29, tr. 1-2].
Có thể bạn quan tâm!
- Giáo dục trung học cơ sở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên 2009 - 2017 - 1
- Giáo dục trung học cơ sở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên 2009 - 2017 - 2
- Giáo Dục Trung Học Cơ Sở Thành Phố Thái Nguyên Trước Năm 2009
- Cơ Sở Vật Chất Xây Dựng Cơ Bản Thcs Năm Học 2005-2006
- Hệ Thống Trường Lớp, Cơ Sở Vật Chất, Đội Ngũ Cán Bộ, Giáo Viên Và Học Sinh Thcs
- Đội Ngũ Cán Bộ, Giáo Viên Và Học Sinh Trung Học Cơ Sở
Xem toàn bộ 119 trang tài liệu này.
Nhận thức rõ vị trí hàng đầu của sự nghiệp giáo dục trong chiến lược con người. Đảng bộ đã có sự đầu tư thích đáng cho Ngành Giáo dục Thành phố. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI chỉ rõ: Trong 2 năm tới, công tác giáo dục phải hướng trọng tâm vào việc từng bước ổn định tình hình và nâng cao chất lượng. Phải đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân; tiếp tục điều chỉnh cải cách giáo dục theo hướng nâng cao chất lượng kiến thức văn hóa và rèn luyện đạo đức cho học sinh. Phải đảm bảo các nhu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất của các trường; giải quyết đủ bàn ghế cho các trường phổ thông cơ sở, kiên quyết xóa bỏ học ca 3. Đổi mới công tác quản lí giáo dục, mở rộng quyền chủ động cho trường học, phân cấp cho các phường, xã trong công tác quản lý, phát triển và tự trang trải kinh phí giáo dục.
Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền, ngành Giáo dục thành phố Thái Nguyên có những bước chuyển biến mới so với thời
gian trước. Một số trường học đã biết gắn các hoạt động giáo dục với 3 chương trình kinh tế lớn. Đội ngũ giáo viên được củng cố và nâng cao dần về chất lượng. Tuy nhiên, một bộ phận giáo viên còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, chưa thật sự yêu ngành, yêu nghề. Hiện tượng học sinh lười học, phạm pháp hình sự, tiêu cực xã hội ở lứa tuổi học sinh có chiều hướng tăng lên. Nhằm khắc phục tình trạng này, ngày 4/9/1989 Ban Thường vụ Thành ủy ra Nghị quyết 01/NQ-TP “Về công tác giáo dục 1989-1990”. Nghị quyết xác định mục tiêu chung là “Tiếp tục củng cố, ổn định và phát triển sự nghiệp giáo dục phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội theo hướng đổi mới với trọng tâm là tiếp tục điều chỉnh cải cách giáo dục, kiên quyết xóa mù chữ, thực hiện phổ cập cấp I, quan tâm tốt chất lượng toàn diện. Đổi mới phương pháp dạy và học, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo trên các mặt chính trị, đạo đức, văn hóa, khoa học và giáo dục... Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục theo hướng tiêu chuẩn hóa; đa dạng hóa các loại trường lớp từ mầm non đến phổ thông. Thực hiện dân chủ hóa trường học. Phấn đấu giữ vững là đơn vị dẫn đầu về công tác giáo dục của tỉnh” [29].
Ban Thường vụ Thành ủy cũng vạch ra những nhiệm vụ và một số biện pháp thực hiện chủ yếu, trong đó nhấn mạnh: “Xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy mô loại hình phải phù hợp với yêu cầu và khả năng kinh tế của thành phố và từng cơ sở phường, xã. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo mục tiêu, phù hợp với yêu cầu của cải cách giáo dục, trước hết quan tâm giải quyết chất lượng đạo đức và văn hóa... đầu tư các điều kiện cần thiết để thực hiện công tác giáo dục”.
Quán triệt thực hiện Nghị quyết 01 của Ban Thường vụ Thành ủy, các trường giữ vững nền nếp dạy và học, một số trường công tác đào tạo bắt đầu chuyển hướng đa dạng. Để nhanh chóng xóa bỏ tình trạng học ca 3 và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, Thành ủy tập trung giải quyết sự yếu kém về cơ sở vật chất của các trường học. Ngân sách dành cho sự nghiệp giáo dục
năm 1990 trên 1,5 tỷ đồng, trong đó 250 triệu đồng dành cho việc mua sắm bàn ghế và xây dựng phòng học. Nhờ vậy, từ chỗ có 43 lớp phải học ca 3 đầu năm học, cuối năm học chỉ còn 12 lớp. Bậc phổ thông cơ sở đã quy hoạch mạng lưới trường, lớp, xây dựng và nâng cao chất lượng mô hình trường chuyên, lớp chọn.
Bước sang giai đoạn 1991-1995 sự nghiệp Giáo dục Thành phố đã có bước phát triển về chất. Năm 1991 có 24 phường, xã (trong tổng số 25 phường, xã) được công nhận hoàn thành xóa nạn mù chữ. Năm học 1991-1992 thi tốt nghiệp cấp II đạt 94,5%. Bậc Phổ thông cơ sở có 21 em học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc; 61 thầy cô giáo đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, 21 thầy cô giáo đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh [6].
Trên cơ sở quán triệt “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chỉ nghĩa xã hội” và “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000” được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, những mục tiêu kinh tế - xã hội của Đảng bộ tỉnh Bắc Thái, Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Thái Nguyên lần thứ XII vòng 2 (20/1-22/1/1992) tiếp tục quan tâm đến chiến lược con người, quyết định trong những năm trước mắt phải tiếp tục đổi mới công tác giáo dục, ổn định và nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ thành phố vẫn giữ được sự ổn định về kinh tế, từ đó tạo cơ sở vững chắc cho sự nghiệp giáo dục phát triển.
Những năm 1993-1995, Ngành Giáo dục phát triển nhanh. Số học sinh năm 1993 tăng 4,3% so với năm 1992. Hệ thống trường, lớp đầy đủ, khang trang hơn trước, 100% số trường đã được ngói hóa và chấm dứt tình trạng học “ca 3”. Thành ủy chủ trương tập trung đầu tư cho trường chuyên, lớp chọn nhằm đào tạo nhân tài cho đất nước. Ngoài việc mở rộng các loại hình trường, lớp bán công, bán trú ngành Giáo dục Thành phố còn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Năm học 1993-1994 khối phổ thông cơ sở thành phố Thái Nguyên có 47 trường (18 trường cấp 1, 15 trường cấp 2 và 14 trường Phổ thông cơ sở) với 1724 giáo viên, 1038 lớp, 38.327 học sinh. Trong đó, cấp 2: 386 lớp, 15.185 học sinh; kết quả thi tốt nghiệp cấp 2 đạt 96%, tỷ lệ lên lớp bình quân đạt 95%. Khối phổ thông cơ sở đã có 88 em học sinh đạt giải cuộc thi học sinh giỏi của tỉnh, 3 em học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, chất lượng giáo dục toàn diện của học sinh được quan tâm, tỷ lệ học sinh có đạo đức tốt, khá chiếm 91% [7]. Thành phố đã đầu tư trên 700 triệu đồng vào việc xây dựng, tu sửa trường học, chỉ đạo đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, nhiều nơi đã huy động được sự hỗ trợ ngân sách của các địa phương, các đơn vị và sự đóng góp của Nhân dân để xây dựng cơ sở vật chất các nhà trường, tạo điều kiện kinh phí tổ chức đi thăm quan, du lịch cho giáo viên và học sinh. Ngành Giáo dục Thành phố là đơn vị tiên tiến cấp tỉnh.
Năm học 1994-1995 Thành phố thực hiện chủ trương tách riêng các trường cấp 1, cấp 2. Quy hoạch lại hệ thống trường sở, đa dạng hóa các loại hình trường lớp. Từng bước xây dựng kiên cố các trường học, có kế hoạch đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy và học ở các nhà trường. Duy trì phổ cập cấp 1, phấn đấu phổ cập cấp 2 ở các xã, phường có đủ điều kiện. Năm học 1994-1995 khối phổ thông cơ sở trên địa bàn Thành phố có 49 trường (19 trường tiểu học, 17 trường THCS và 13 trường phổ thông cơ sở) với 1690 giáo viên và 38.363 học sinh.
Ngành Giáo dục Thành phố đã chỉ đạo làm tốt các chương trình trong các ngành học, đặc biệt là chương trình chuyên, chương trình giáo dục công nghệ, chương trình lồng ghép... Duy trì và mở rộng các loại hình trường, lớp, từng bước tiêu chuẩn hóa độ ngũ giáo viên bằng việc thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, mở các lớp đại học tại chức, cử cán bộ, giáo viên đi đào tạo và đào tạo lại, tổ chức các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên thanh lịch, thi đồ dùng dạy học từ cơ sở đến thành phố giúp đội ngũ giáo viên nâng cao chất lượng về
chuyên môn, lý luận và đạo đức. Đội ngũ cán bộ quản lí và giáo viên đến năm 1995 Thành phố có 1.731 người; trong đó 178 người có trình độ đại học, 862 người có trình độ cao đẳng, số còn lại có trình độ trung cấp sư phạm. 100% giáo viên ở các trường phổ thông cơ sở được tiêu chuẩn hóa (có trình độ đại học và cao đẳng). Năm học 1994-1995, Thành phố có 76 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 390 giáo viên dạy giỏi cấp thành phố... Ngành Giáo dục Thành phố còn luôn chăm lo cải thiện đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho đội ngũ giáo viên. Thành ủy cũng chủ trương đưa chương trình giáo dục dân số, pháp luật, luật lệ an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường... vào các trường học đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh thành phố.
Ngày 6/11/1996, tại kì họp lần thứ 10, Quốc hội khóa VI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết chia tách và điều chỉnh địa giới một số tỉnh trong cả nước. Tỉnh Bắc Thái được tách thành hai tỉnh: Bắc Kạn và Thái Nguyên từ ngày 1/1/1997. Thành phố Thái Nguyên đặt tại tỉnh Thái Nguyên. Như vậy thành phố Thái Nguyên sau 31 năm là tỉnh lị thuộc tỉnh Bắc Thái - từ nay là thủ phủ của tỉnh Thái Nguyên, là trung tâm quan trọng về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khoa học kỹ thuật, giáo dục và là đầu mối giao thông của các tỉnh Việt Bắc. Việc tái lập lại tỉnh Thái Nguyên hoàn toàn không làm thay đổi vị trí, nhiệm vụ chính trị của thành phố Thái Nguyên với dân số trên
205.000 người.
Từ năm 1996 đến năm 1998, quy mô giáo dục ở các cấp học của thành phố Thái Nguyên tiếp tục được mở rộng; chất lượng dạy và học được nâng lên. Số học sinh tốt nghiệp các cấp đều đạt trên 95%. 100% các trường học được ngói hóa trong đó có trên 40% trường học có nhà cao tầng.
Năm học 1997-1998 có 95,42% học sinh tốt nghiệp THCS. Bước vào năm học 1998-1999 khi ngành Giáo dục Thành phố bắt đầu thực hiện Luật giáo dục 1998, Ngành đã chỉ đạo củng cố kiện toàn tổ chức cán bộ của các nhà trường,
việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, quy hoạch hệ thống trường lớp theo hướng chuẩn hóa đang từng bước được triển khai tích cực. Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII về giáo dục và đào tạo, chất lượng giáo dục toàn diện của các trường được nâng lên, đặc biệt là công tác đảng trong trường học được trú trọng, các tổ chức cơ sở đảng được củng cố; số giáo viên được kết nạp đảng ngày 1 tăng. Chủ trương điều chuyển giáo viên trong ngành giáo dục phổ thông đã được chỉ đạo chặt chẽ, từng bước giải quyết những khó khăn về tình trạng mất cân đối cơ cấu giáo viên giữa các trường. Năm 1998 có 8/25 đơn vị xã phường hoàn thành phổ cập giáo dục THCS.
Năm học 1999-2000 sự nghiệp Giáo dục Thành phố có nhiều tiến bộ, tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 96,25%. Tính đến tháng 3/2000 đã có 19/25 phường xã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS [8], đến tháng 12/2000 thành phố cơ bản hoàn thành phổ cập giáo dục THCS, tạo tiền đề cho sự phát triển của ngành giáo dục thành phố trong những năm đầu của thế kỷ 21 [9].
Luật Giáo dục số 11/1998/QH10 ngày 02/12/1998 được ban hành quy định chi tiết, cụ thể hệ thống giáo dục của cả nước, trong đó giáo dục phổ thông có hai bậc học là bậc tiểu học và bậc trung học; bậc trung học có hai cấp học là cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông. Như vậy giáo dục phổ thông đã được chia thành 3 cấp học, cụ thể:
- Cấp 1: Từ lớp 1 đến lớp 5, cuối lớp 5 phải thi bằng Tiểu học.
- Cấp 2: Từ lớp 6 đến lớp 9, cuối lớp 9 phải thi bằng Trung học cơ sở rồi thi nhập học vào lớp 10 trường công lập.
- Cấp 3: Từ lớp 10 đến lớp 12, cuối lớp 12 thi bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Cũng từ năm 1998 Trung ương đã có chủ trương xã hội hóa sự nghiệp giáo dục. Mọi tổ chức, gia đình và công dân đều có trách nhiệm chăm lo sự nghiệp giáo dục, xây dựng phong trào học tập và môi trường giáo dục lành mạnh, phối hợp với nhà trường thực hiện mục tiêu giáo dục.