Giáo dục trung học cơ sở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên 2009 - 2017 - 2

sinh vào học Trung học cơ sở là những học sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học.

Do đặc điểm tâm, sinh lý ở độ tuổi vị thành niên rất phức tạp cho nên việc giáo dục học sinh ở cấp học trung học cơ sở có vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, trau dồi đạo đức, làm cơ sở cho việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở.

Nhận thức được vị trí, vai trò hết sức quan trọng của bậc học, trong những năm qua, ngành Giáo dục không ngừng đẩy mạnh nâng cao chất lượng dạy và học của cấp trung học cơ sở, song bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chất lượng giáo dục của cấp học vẫn còn bộc lộ nhiều yếu, kém, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) có hệ thống các trường học từ bậc tiểu học đến trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp, đào tạo nghề, cao đẳng, đại học chuyên nghiệp... dày đặc. Trong đó, các trường THCS có số lượng không nhỏ. Để đánh giá khách quan, toàn diện về những kết quả đã đạt được của sự phát triển giáo dục THCS của thành phố Thái Nguyên. Trên cơ sở đó, rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác giáo dục trung học cơ sở nói chung, tác giả chọn “Giáo dục trung học cơ sở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên (2009 - 2017)” làm đề tài luận văn thạc sĩ.

2. Lịch sử nghiên cứu

Cho tới nay, vấn đề giáo dục giành được sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học. Tuy nhiên, nghiên cứu về sự nghiệp giáo dục Việt Nam nói chung và của tỉnh Thái Nguyên nói riêng thì mới có một số công trình tiêu biểu như:

Năm 1995, cuốn sách “Năm mươi năm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo (1945-1995)” của Bộ Giáo dục và Đào tạo được xuất bản đã khái quát về bức tranh giáo dục Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1995, trong đó có ngành giáo dục phổ thông giai đoạn 1975-1995. Cuốn sách đã cung cấp cho đọc giả những tài liệu cơ bản về đường lối, chính sách và tình hình phát triển phổ thông và những đánh giá, nhận xét về giáo dục Việt Nam trong giai đoạn này [24].

Năm 2004, cuốn sách “Lịch sử giáo dục Việt Nam” của tác giả Bùi Minh Hiển được xuất bản đã khái quát được lịch sử giáo dục Việt Nam qua các thời kỳ, trong đó nghiên cứu về giáo dục phổ thông ở nước ta từ năm 1975 đến năm 2000 [26].

Năm 2005, sách “Nguyễn Văn Huyên toàn tập - Văn hóa và giáo dục Việt Nam” của tác giả Nguyễn Văn Huy là một trong những cuốn sách quý, sưu tầm và tuyển chọn những hoạt động cho sự nghiệp giáo dục của ông Nguyễn Văn Huyên trong gần 30 năm với cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục từ cuối năm 1945 đến năm 1975. Trong cuốn sách này đã thể hiện nhiều dạng văn bản rất có giá trị đó là hệ thống các chỉ thị, nghị quyết, sắc lệnh, công văn, biên bản họp liên quan đến các hoạt động giáo dục và quản lý giáo dục do Chủ tịch Hồ Chí Minh và do Nguyễn Văn Huyên ký; đồng thời là những bài đăng trên báo, tạp chí; những báo cáo, tham luận tại hội nghị; thư gửi học sinh, giáo viên... liên quan đến giáo dục [28].

Năm 2005, Luận văn “Giáo dục phổ thông Thái Nguyên từ khi tái lập tỉnh đến nay (1997-2005)” của tác giả Nguyễn Minh Tuấn đã tập trung nghiên cứu về sự phát triển và những đặc điểm của giáo dục phổ thông tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 1997 đến 2005 [48].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 119 trang tài liệu này.

Năm 2009, Luận văn “Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lãnh đạo sự nghiệp giáo dục - đào tạo từ năm 1997 đến 2005” của tác giả Lý Trung Thành đã trình bày một cách hệ thống về vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đối với sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo giai đoạn 1997-2005 [46].

Năm 2011, Luận văn “Giáo dục phổ thông tỉnh Thái Nguyên (1945- 1954)” của tác giả Bùi Thị Hoa đã tập trung nghiên cứu về giáo dục tỉnh Thái Nguyên trước cách mạng tháng Tám năm 1945, giáo dục phổ thông tỉnh Thái Nguyên trong 02 giai đoạn 1945-1949 và 1950-1954 [27].

Giáo dục trung học cơ sở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên 2009 - 2017 - 2

Năm 2015, Luận án Tiến sĩ “Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lãnh đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông từ năm 1997 đến năm 2010” của tác giả Đoàn Thị Yến đã tập trung làm rõ quá trình Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên quán triệt, vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng về giáo dục vào điều kiện thực tiễn của địa

phương trong những năm 1997 - 2010; làm rõ những thành tựu, sự phát triển mà GDPT tỉnh Thái Nguyên đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, qua đó phân tích những ưu điểm, hạn chế của Đảng bộ tỉnh trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp GDPT trong những năm 1997 - 2010 để rút ra được một số kinh nghiệm lịch sử cho những năm tiếp theo [51].

Năm 2016, Đề tài khoa học và công nghệ cấp đại học “Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lãnh đạo phát triển sự nghiệp giáo dục phổ thông thời kỳ 1997-2012” của tác giả Đoàn Thị Yến đã tập trung nghiên cứu chủ trương và sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đối với sự nghiệp giáo dục phổ thông từ năm 1997 đến 2005; Đảng bộ lãnh đạo đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục phổ thông từ năm 2006 đến 2012 [52].

Năm 2018, Luận văn “Giáo dục phổ thông huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên (1986-2016)” của tác giả Dương Thị Thảo đã tập trung nghiên cứu về tình hình giáo dục phổ thông huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên qua các giai đoạn: trước năm 1986; từ 1986 đến năm 2016, qua đó đã đánh giá tổng quan về giáo dục phổ thông của địa phương từ năm 1986-2016... [47].

Các công trình nghiên cứu trên cho thấy, trong nhiều năm nay, bậc THCS ít dành được sự quan tâm, nghiên cứu từ các học giả. Hầu hết những công trình đều tập trung nghiên cứu về quản lý các hoạt động giáo dục; giáo dục đạo đức học sinh THCS, đạo đức học sinh tại một trường hoặc một địa phương nào đó thuộc tỉnh Thái Nguyên; cũng có một số công trình nghiên cứu đề cập sơ lược về nội dung giáo dục trung học cơ sở khi tìm hiểu về giáo dục phổ thông, do đó chưa tái hiện được tổng thể bức tranh xây dựng và phát triển của giáo dục bậc THCS tỉnh Thái Nguyên nói chung cũng như thành phố Thái Nguyên nói riêng. Chính vì vậy, tác giả lựa chọn nghiên cứu về “Giáo dục trung học cơ sở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên (2009-2017)”.

3. Đối tượng, phạm vi, mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là hệ thống giáo dục trung học cơ sở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên 2009 - 2017.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

Về không gian: Luận văn giới hạn phạm vi nghiên cứu là các trường trung học cơ sở thuộc địa bàn thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, do Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Nguyên quản lý.

Về thời gian: Luận văn nghiên cứu “Giáo dục trung học cơ sở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2017”. Sở dĩ tác giả chọn từ năm 2009 vì đây là mốc thời gian Ngành Giáo dục thực hiện theo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung (do Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 25/11/2009).

Về nội dung: Giáo dục trung học cơ sở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên (hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giáo viên, học sinh, các hoạt động giáo dục và kết quả đạt được)... giai đoạn 2009-2017. Bên cạnh đó, tác giả cũng tìm hiểu giáo dục trung học cơ sở thành phố Thái Nguyên từ năm 1962 (theo quyết định số 114 ngày 19/10/1962 của Phủ Thủ tướng, thị xã Thái Nguyên trở thành thành phố Thái Nguyên) đến năm 2009 để thấy được quá trình phát triển giáo dục bậc trung học cơ sở thành phố Thái Nguyên.

3.3. Mục tiêu nghiên cứu

- Nghiên cứu về thành tựu, kết quả giáo dục trung học cơ sở thành phố Thái Nguyên từ năm 2009 đến năm 2017.

- Qua nghiên cứu “Giáo dục trung học cơ sở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên 2009 - 2017” rút ra bài học kinh nghiệm trong giáo dục trung học cơ sở của thành phố Thái Nguyên.

3.4. Nhiệm vụ nghiên cứu

Luận văn tập trung làm rõ những vấn đề khoa học sau đây:

- Khái quát về thành phố Thái Nguyên (vị trí địa lý, dân cư, kinh tế ) và tình hình giáo dục THCS thành phố Thái Nguyên trước năm 2009. Nghiên cứu về hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất phục vụ giáo dục, những kết quả đạt được của giáo dục trung học cơ sở thành phố Thái Nguyên từ năm 2009 đến năm 2017.

- Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của luận văn, tác giả rút ra bài học kinh nghiệm, đánh giá, đề xuất một số giải pháp tiếp tục phát triển giáo dục trung học cơ sở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

4. Nguồn tài liệu, phương pháp nghiên cứu

4.1. Nguồn tài liệu

Tác giả dựa trên nguồn tư liệu chính như sau để thực hiện luận văn:

- Tài liệu thành văn: Bao gồm các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của trung ương, của tỉnh Thái Nguyên; các báo cáo, số liệu thống kê của UBND tỉnh, Thành ủy Thái Nguyên, UBND thành phố Thái Nguyên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Nguyên; các báo cáo của các trường… có nội dung liên quan đến giáo dục THCS của thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

- Tài liệu điền dã: Hình ảnh trường, lớp, các hoạt động giáo dục tác giả có được trong quá trình đi thực tế điền dã.

4.2. Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện đề tài, tác giả sử dụng phương pháp lịch sử và phương pháp logic là chủ đạo nhằm tìm hiểu, hệ thống quá trình ra đời, phát triển của giáo dục trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Thái Nguyên qua các thời kỳ. Từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn giáo dục THCS của thành phố Thái Nguyên.

Cùng với đó, tác giả sử dụng phương pháp thống kê, phân tích, tổng hợp để làm rõ giá trị tài liệu và nội dung của các tài liệu sử dụng trong nghiên cứu; phương pháp điền dã nhằm thu thập tư liệu ảnh tại thực địa.

5. Đóng góp của luận văn

Trên cơ sở giải quyết nhiệm vụ đặt ra, luận văn đóng góp sau:

- Tái hiện quá trình giáo dục trung học cơ sở thành phố Thái Nguyên từ năm 2009 đến năm 2017.

- Kết quả nghiên cứu chỉ rõ mặt tích cực và hạn chế của giáo dục trung học cơ sở trong giáo dục phổ thông của thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái

Nguyên. Qua đó rút ra được bài học kinh nghiệm, một số kiến nghị, đề xuất về giáo dục trung học cơ sở trong thời gian tới.

6. Bố cục Luận văn

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận văn được chia làm 3 chương, cụ thể:

Chương 1: Khái quát về thành phố Thái Nguyên và giáo dục trung học cơ sở thành phố trước năm 2009

Chương 2: Thực trạng giáo dục trung học cơ sở thành phố Thái Nguyên từ năm 2009 đến năm 2017.

Chương 3: Những kết quả và bài học kinh nghiệm của giáo dục THCS thành phố Thái Nguyên (2009-2017).

Chương 1

KHÁI QUÁT VỀ THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN VÀ GIÁO DỤC TRUNG HỌC CƠ SỞ THÀNH PHỐ TRƯỚC NĂM 2009


1.1. Khái quát về thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Năm 1962, Phủ Thủ tướng ban hành quyết định số 114 ngày 19/10/1962 công nhận thị xã Thái Nguyên trở thành thành phố Thái Nguyên với diện tích tự nhiên hơn 100 km2, dân số khoảng 60.000 người. Thành phố có vị trí thuận lợi, cách thủ đô Hà Nội 80 km, phía bắc giáp huyện Đồng Hỷ và huyện Phú Lương, phía đông giáp thành phố Sông Công, phía tây giáp huyện Đại Từ, phía nam giáp huyện Phú Bình và thị xã Phổ Yên.

Thành phố Thái Nguyên mang những nét chung của khí hậu vùng Đông Bắc Việt Nam, chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới. Hằng năm có 2 mùa rõ rệt, lượng mưa trung bình từ 1.700 mm đến 2.000 mm. Địa hình của Thành phố nằm trên vùng trung du với những dãy đồi, núi thấp, độ cao trung bình từ 30 m - 50 m, xen kẽ những cánh đồng hẹp; có nền dốc dần theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Chất đất chủ yếu là đất sỏi pha với đất sét có độ chua trung tính. Với chất đất, địa hình và khí hậu như vậy thuận lợi cho phát triển các loại cây nông, lâm nghiệp có giá trị kinh tế tương đối cao, trong đó, tiêu biểu là cây chè. Thành phố Thái Nguyên có nhiều vùng chè nổi tiếng như Phúc Trìu, Phúc Xuân, đặc biệt là chè Tân Cương.

Thành phố Thái Nguyên cũng là địa phương hội tụ nhiều dân tộc, trong đó có 8 dân tộc chủ yếu sinh sống là: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Mông, Sán Chay, Hoa và Dao.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, địa giới thành phố Thái Nguyên cũng có những thay đổi. Năm 1965, do nhu cầu phát triển kinh tế và tăng cường khả năng quốc phòng, hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên được sáp nhập thành tỉnh Bắc Thái, lấy thành phố Thái Nguyên làm tỉnh lỵ. Từ một thị xã nhỏ bé

dưới thời thuộc Pháp, thành phố Thái Nguyên trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh Bắc Thái và vùng trung du miền núi phía Bắc, bao gồm 16 phường và 8 xã ngoại thành. Phạm vi thành phố không ngừng được mở rộng, với vị trí then chốt là cửa ngõ phía Bắc, là cái áo giáp che chở thủ đô Hà Nội, trái tim của tổ quốc vừa là chìa khóa của miền châu thổ Bắc Bộ và là một trong những thị trường quan trọng nhất của Bắc Kỳ, thành phố Thái Nguyên đã trở thành đầu mối giao thông giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất (năm 1975), thành phố Thái Nguyên có 18 đơn vị hành chính gồm 6 xã, 2 thị trấn và 10 tiểu khu(1) với số dân là 163.223 người [2, tr6].

Từ năm 1997, tỉnh Bắc Thái được tách ra thành hai tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên, thành phố Thái Nguyên là đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Thái Nguyên. Với vị trí quan trọng của địa phương, thành phố Thái Nguyên không ngừng được mở rộng và phát triển.

Năm 2005 thành phố có diện tích 173 km2 với dân số trên 23 vạn người; thành phố có 26 đơn vị hành chính gồm 18 phường, 8 xã.

Đến năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1615/QĐ-TTg công nhận thành phố Thái Nguyên là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thái Nguyên. Nhìn chung, so với các địa phương khác trong tỉnh, thành phố Thái Nguyên có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển một nền kinh tế tương đối toàn diện với cơ cấu phát triển kinh tế chủ đạo của thành phố là: Công nghiệp - thương mại dịch vụ - nông lâm nghiệp… cụ thể:

Thành phố Thái Nguyên là đầu mối giao thông quan trọng lưu thông giữa các huyện, thị trong tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng Việt Bắc, giữa các tỉnh vùng Trung du miền núi Bắc bộ với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và Thủ đô


1 10 tiểu khu: Tân Long, Quan Triều, Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng, Chiến Thắng, Phú Xá, Trung Thành, Tân Thành, Hương Sơn, Trưng Vương

Xem tất cả 119 trang.

Ngày đăng: 02/04/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí