Tại Bangkok – Thái Lan. Đây có cò thể nói là thiên đường của ẩm thực đường phố. Ẩm thực đường phố tại đây phát triển cả về chất lượng và số lượng. Nhiều du khách đến và nặng lòng với thành phố bởi những món ăn hấp dẫn, tươi ngon, giá rẻ, đặc sắc có thể tìm thấy trên bất kỳ con phố nào. Tất cả các xe, quầy, hàng ẩm thực bày bán trên đường phố đều phải có giấy phép kinh doanh và được điều hành bởi Cục Quản lý Đô thị Bangkok. Các gian hàng này không được hoạt động vào thứ hai cách tuần vì đây là ngày dọn vệ sinh đường phố. Tất cả các guyên nguyên liệu chế biến luôn được giám sát chặt chẽ, các gian hàng được sắp xếp quy hoạch, không gian ẩm thực sạch. Các khu ẩm thực đường phố nổi tiếng: khu Yaowarat, chợ Ratchawat, đường Charoen Krung, Petchaburi Soi 5, Sukhumvit 38…
Penang – Malaysia: Các quầy hàng sặc sỡ sắc màu, đa dạng chủng loại phản ánh rõ nét sự pha trộn trong nét văn hóa đặc trưng của Malaysia, giữa ẩm thực Malay và Ấn Độ. Đồ ăn ngon rẻ có mặt ở khắp mọi nơi. Các khu ẩm thực đường phố nổi tiếng: Lorong Baru, Persiaran Gurney, Lebuh Presgrave, Jalan Batu Ferringhi.
Đài Bắc, Đài Loan, đây không chỉ là thành phố công nghệ, nơi đây còn nổi tiếng châu Á bởi văn hóa ẩm thực đường phố. Đến mỗi khu chợ đêm ở Đài Bắc, du khách sẽ trở nên phấn khích khi được bao quanh bởi mùi thơm nồng nàn pha trộn của đậu nành, rượu gạo, dầu mè, thịt nướng và tiếng mời chào rộn ràng của các chủ quầy. Các khu ẩm thực đường phố nổi tiếng: chợ đêm Shilin, chợ đêm Raohe, Tonghua, phố Huaxi…
Sydney-Úc, Ẩm thực đường phố ở đây của có lẽ là an toàn nhất thế giới với những quầy hàng đường phố và xe chở thực phẩm vô cùng sạch sẽ và tuân theo sự hướng dẫn an toàn thực phẩm nghiêm ngặt, kiểm tra vệ sinh thường xuyên của thành phố. Không giống như các trung tâm bán hàng rong của Singapore, xe chở thực phẩm Sydney nằm rải rác khắp thành phố và thường xuyên di chuyển. Cách tốt nhất để bạn biết được chính xác vị trí của các cửa hàng đang ở đâu là tải ứng dụng xe tải thực phẩm của thành phố Sydney. Những địa điểm ẩm thực nổi tiếng như chợ đêm của mì (Night Noodle Markets) trên đường Hyde Park, Cabramatta hoặc Marrickville, ở ngoại ô Phía Tây Sydney.
Berlin - Đức, là nơi khiến món bánh mì kebab trở nên nổi tiếng. Thành phố châu Âu nổi tiếng với những món ăn đường phố như xúc xích cà ri (currywurst), sa lát
khoai tây, giò heo bắp cải muối, bánh rán, thịt viên. Các khu ẩm thực đường phố nổi tiếng: Wochenmarkt, chợ Neue Heimat, chợ Bite Club, chợ Platoon Kunsthalle…
London – Anh, thủ đô của xứ sở sương mù cũng là nơi có thể thỏa mãn những tín đồ ẩm thực đường phố với nhiều món ngon lành, hấp dẫn, khó lòng cưỡng lại. Các món du khách không nên bỏ qua khi đến London là humburger, tacos cá ngừ, bánh mì kẹp xúc xích, waffle, smokestak…Các khu ẩm thực đường phố nổi tiếng: chợ Wapping, Parliament Hill Farmers, London Bridge Farmers, Twickenham Farmers…
Istanbul – Thổ Nhĩ Kỹ, ẩm thực đườn phố ở đây rất đa dạng với nhiều món ăn cho bạn chọn lựa như bánh sandwich, xúc xích, và bia lạnh. Đây có thể coi thành phố mỏ vàng của nhiều loại ẩm thực từ bánh mì tròn (simit) tới pizza Thổ Nhĩ Kỳ (lahmacun). Mặc dù các món ăn tại đây rất sạch sẽ, tuy nhiên để đảm bảo an toàn vệ sinh tốt nhất, bạn nên dùng các món thịt và hải sản được nấu chín. Các cửa hàng món ăn đường phố có thể được tìm thấy trên hầu hết khu vực ở Istanbul. Truy cập vào Blog Istanbul Eats sẽ cung cấp các địa điểm cập nhật và bình luận về thức ăn đường phố ngon nhất của thành phố. Món ăn đặc trưng của thành phố này là Lahmacun (phong cách bánh pizza Thổ Nhĩ Kỳ bao phủ trong thịt xay, hành tây và gia vị), mısır (ngô nướng); kokorec (ruột cừu xiên que nướng trên than).
Có thể bạn quan tâm!
- Giải pháp khai thác ẩm thực đường phố nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh - 1
- Giải pháp khai thác ẩm thực đường phố nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh - 2
- Cơ Sở Lý Luận Và Thực Tiễn Về Ẩm Thực Đường Phố Trong Phát Triển Du Lịch
- Cơ Sở Vật Chất Du Lịch Và Các Dịch Vụ Phục Vụ Phát Triển Du Lịch
- Đánh Giá Của Khách Du Lịch Quốc Tế Về Ẩm Thực Đường Phố
- Các Khu Phố, Điểm Ẩm Thực Đường Phố Khách Du Lịch Quốc Tế Thường Tới
Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.
1.5.2. Kinh nghiệm phát triển ẩm thực đường phố trong nước
Trong nước, nhiều địa phương có các phố ẩm thực nổi tiếng mà du khách luôn phải ghé thăm. Chẳng hạn, Hà Nội có phố ẩm thực đường phố nổi tiếng gắn liền với tên nhũng con phố như Phố nộm Hồ Hoàn Kiếm, Phố hải sản Cầu Gỗ, Phố hoa quả dầm Tô Tịch, Phố bia hơi Tạ Hiện, Phố lòng nướng Gầm Cầu, Phố lẩu Phùng Hưng, Phố chân gà nướng Lý Văn Phúc, Phố bít tết Hòe Nhai, Phố ốc Hồ Tây ...
Tại Sapa (Lào Cai), du khách mê mẩn bởi các “phố đồ nướng” như: Cầu Mây, Nhà thờ đá, với những món ẩm thực dân dã: trứng nướng, khoai nướng, sắn (mì) nướng, ngô (bắp) nướng, hay mía nướng, trứng vịt lộn nướng, bánh dầy nướng, phèo nướng, dạ dày nướng, đậu phụ nướng…
Phố cổ Hội An (Quảng Nam) cũng có các khu phố ẩm thực du lịch với những món ăn nổi tiếng ba miền và đặc biệt là các món đặc sản của 3 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi như: cơm gà, cao lầu, bánh bao, bánh vạc, bánh đập, hến xào, mì Quảng, chè bắp, bánh bèo, hoành thánh…
Tại Đà Nẵng có khu ẩm thực Huỳnh Thúc Kháng, khu ẩm thực chợ Cồn… với các món: mì Quảng, bún chả cá, bún cá thu/cá ngừ, bún mắm thịt heo, bún bò, xôi gà, cháo vịt, bánh tráng cuốn thịt heo, bánh tráng đập, bún thịt nướng, bánh xèo/nem nướng, bánh canh, bánh bèo, bánh bột lọc, bánh nậm, bánh đúc, bánh kẹp, lẩu hải sản, tôm hùm, các món mực hấp và nướng, các món cá biển hấp và nướng, các món ốc biển hấp và nướng, các món tôm hấp và nướng, ghẹ hấp/rang muối/rang me, bào ngư nướng hành, cầu may nướng hành, nghêu/sò nướng, gỏi cá (trích /cơm/chuồn), gỏi trứng cá chuồn, gỏi sứa, gỏi búp chuối, cá rô Xuân Thiều, mít trộn, mít non trộn sứa, ốc bươu xào/hấp, ốc hút, bê thui, bò lá lốt, các món chè, cháo ngọt, xôi đường, thạch rau câu…
Nha trang có khu vực đường Hoàng Văn Thụ gần chợ Đầm có nhiều quán ăn vỉa hè phục vụ đa dạng các món ăn đường phố như nem nướng, thịt bò nướng, bún chả cá, bánh căn, bánh đập thịt nướng, bánh ướt, cùng với các món ăn hải sản tại Hải sản làng chài….
Quy Nhơn – Bình Định, FLC Quynhon Beach & Golf Resort đã xây dựng một khu ẩm thực dựa trên concept đường phố khiến du khách ngỡ như đang dạo chơi trong một khu chợ quê dân dã, bình dị. Nét duyên dáng của nhà tranh, quang gánh càng thêm nổi bật giữa không gian phố biển sầm uất. Du khách tự do khám phá và chọn lựa, tận mắt chứng kiến những món ăn đường phố được chế biến ngay tại chỗ dưới bàn tay của các đầu bếp tài hoa với những món ăn trứ đanh đã gắn với địa danh Bình Định như Bánh xèo tôm nhảy, nem nướng, hay những đặc sản miền Trung nổi tiếng như Mỳ Quảng, Hến xúc bánh tráng, cao lầu xá xíu… cùng quầy hải sản và xiên que thơm ngon hấp dẫn.
Tóm tắt chương 1
Với mục tiêu làm rõ hệ thống cơ sở lí luận trong việc phát triển ẩm thực đường phố trong phát triển du lịch chương này đã thể hiện các nội dung sau:
Thứ nhất đã nêu được các khái niệm liên quan tới ẩm thực đường phố, cùng với đó là làm rõ các đặc điểm của thực đường phố và vai trò của ẩm thực đường phố trong phát triển du lịch, vai trò của ẩm thực đường phố trong phát triển du lịch.
Thứ hai là đưa ra các điều kiện chung và các điều kiện cụ thể để một quốc gia, địa phương cần có để khai thác ẩm thực đường phố trong phát triển du lịch.
Thứ ba là khái quát các hoạt động kinh doanh ẩm thực đường phố ở một số nước trên thế giới cũng như một số tỉnh thành tại Việt Nam. Đây cũng có thể coi là bài học kinh nghiệm trong việc định hướng và thực hiện các giải pháp khai thác ẩm thực đường phố trong việc phát triển du lịch của Thành phố.
Chương 2: THỰC TRẠNG KHAI THÁC ẨM THỰC ĐƯỜNG PHỐ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRONG THU HÚT KHÁCH DU LỊCH QUỐC TẾ
2.1. Khái quát về thành phố Hồ Chí Minh
2.1.1. Vị trí địa lý
Thành phố Hồ Chí Minh (tên gọi cũ là Sài Gòn) là thành phố lớn nhất Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những trung tâm kinh tế và văn hóa, giáo dục quan trọng nhất của nước này. Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố thuộc trung ương được xếp loại đô thị loại đặc biệt của Việt Nam với diện tích tự nhiên 2.096 km²,nằm ở đồng bằng hạ lưu sông Đồng Nai – Sài Gòn, giữa khu vực chuyển tiếp từ cự Nam Trung Bộ sang đồng bằng sông Cửu Long. Lãnh thổ TP.HCM có tọa độ 10°10' – 10°38' Bắc và 106°22' – 106°54', phía Bắc giáp tỉnh Bình Dương, Tây Bắc giáp tỉnh Tây Ninh , Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, Đông Nam giáp tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, Tây và Tây Nam giáp tỉnh Long An và Tiền Giang. Khí hậu của thành phố được chia thành hai mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, lượng mưa bình quân năm 1.979 mm và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm 27,55ºC, không có mùa đông, điều này đã tạo điều kiện cho hoạt động du lịch của thành phố diễn ra xuyên suốt trong năm.
2.1.2. Hệ thống giao thông
Thành phố Hồ Chí Minh là cửa ngõ để đến vùng Đông, Tây Nam bộ, Nam Trung bộ và các vùng khác của Việt Nam. Ngoài ra TP.HCM cũng nằm gần các trung tâm du lịch lớn của Đông Nam Á (Malaysia, Thái Lan, Singapore,… ) có khả năng nối tour với các láng giềng để hình thành những chương trình du lịch hấp dẫn. Từ các thị trường trọng điểm (Nhật, Đài Loan)… đến TP.HCM bằng đường hàng không thuận tiện và mất ít thời gian.
Thành phố Hồ Chí Minh còn có cảng biển để đón tàu du lịch lớn, hệ thống đường sông nối liền các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và sang tận Campuchia, đường sắt dẫn đến các tỉnh miền Trung, miền Bắc và Trung Quốc, mạng lưới đường bộ nội thành và liên tỉnh ngày càng được mở rộng và nâng cấp.
Trong nước, việc kết nối giao thông từ TP.HCM đi các tỉnh và ngược lại hết sức thuận tiện. Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất chỉ cách trung tâm thành phố 7km, là
sân bay lớn nhất nước với hàng chục đường bay nội địa và quốc tế. Có các đường bay nội địa từ Tp. Hồ Chí Minh tới Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Nha Trang, Phú Quốc, Pleiku, Quy Nhơn, Rạch Giá, Vinh. TP. Hồ Chí Minh có quốc lộ 1A, đường sắt Thống nhất và quốc lộ 13 xuyên Đông Dương. Khoảng cách từ Tp. Hồ Chí Minh đến các điểm du lịch tại các tỉnh cũng tương đối gần như cách Tây Ninh 99km, Biên Hòa (Đồng Nai) 30km, Mỹ Tho 70km, Vũng Tàu 110km, Cần Thơ 168km, Đà Lạt 308km, Nha Trang 450km, Buôn Ma Thuột 375km…. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho việc phát triển các hoạt động du lịch trong và ngoài nước.
2.1.3. Đặc điểm kinh tế - xã hội
Là trung tâm kinh tế văn hóa chính trị lớn nhất của cả nước. Trong những năm qua, TP.HCM có tốc độ phát triển kinh tế khá cao trung bình khoảng 7,7% /năm, đóng góp cho nhân sách nhà nước ước đạt 245,9 nghìn tỷ đồng (2014). Thu nhập bình quân đầu người tăng không ngừng qua các năm, năm 2014 thu nhập bình đầu người của thành phố là 5.100 USD/người, tăng 13,5% so với năm 2013.
Dân số khoảng 8.146,3 nghìn người (2015), chủ yếu là dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer, Chăm từ các vùng miền trong cả nước, cùng với đó là là một số lượng người nước ngoài đến định cư, buôn bán, làm ăn. Mỗi dân tộc đề có những nét văn hóa ẩm thực khác nhau, chính điều này đã tạo nên bức tranh đa sách màu về văn hóa ẩm thực của thành phố.
Các đơn vị hành chính bao gồm các 19 quận và 5 huyện (2017): Quận 1, Quận 2, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 6, Quận 7, Quận 8, Quận 9, Quận 10, Quận 11, Quận 12, Quận Tân Bình, Quận Bình Thạnh, Quận Phú Nhuận, Quận Thủ Đức, Quận Gò Vấp, Quận Bình Tân, Quận Tân Phú, Huyện Nhà Bè, Huyện Cần Giờ, Huyện Hóc Môn, Huyện Củ Chi, Huyện Bình Chánh.
2.1.4 . Văn hóa ẩm thực thành phố
Trải qua hàng trăm năm biến động thăng trầm của lịch sử, có thể nói văn hoá ẩm thực của cả thế giới như đã hội tụ tại TP.HCM khiến thành phố có một nền văn hóa ẩm thực đa dạng và nhiều sắc thái. Tại đây người ta không chỉ tìm thấy sắc màu của ẩm thực truyền thống ba miền Bắc – Trung – Nam mà người ta còn có thể tìm thấy các nền văn hóa ẩm thực khác trên thế giới như Pháp, Mỹ, Nhật, hàn Quốc,
Trung Quốc, Thái Lan….
Ẩm thực TP.HCM trước hết là sự kết tinh của các món ăn ngon, độc đáo của đất Nam Bộ. Ðó là những món ăn mang hương vị đồng quê của vùng sông nước dân dã nhưng đầy sức hấp dẫn như châu chấu, ve sầu chiên giòn, cá lóc nướng trui, cá rô kho tộ, cá bống dừa kho tiêu, canh chua cá lóc, gà nướng muối ớt, lươn hấp trái bầu, ếch xào lăn, tôm lụi Bạc Liêu, chuột đồng rô ti, rắn nướng lèo, mắm sống, mắm kho, nấm tràm Phú Quốc, hủ tiếu Mỹ Tho….
Rất nhiều món ăn độc đáo của các tỉnh phía Bắc cũng đã trở thành một phần của ẩm thực Sài Gòn như phở, chả cá, bún, miến, nem Hà Nội; bánh cuốn Tây Hồ; bánh tôm Hồ Tây; cơm bắc. Các món ăn miền Trung cũng rất quen thuộc ở nơi đây như bún bò Huế, nem tré Huế, mì Quảng, cao lầu Hội An….
Trong tiến trình phát triển của xã hội, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nhiều nền văn hóa ẩm thực lớn trên thế giới cũng đã có mặt tại nơi đây. Khách du lịch nước ngoài có thể tìm thấy các món ăn ưa thích của dân tộc mình ở phần lớn các khách sạn, nhà hàng trong thành phố như vịt quay Bắc Kinh, cari dê, thịt xông khói kiểu Pháp, xúc xích Ðức, hamburger Mỹ, thịt nướng kiểu Nga, sushi Nhật Bản và say sưa hương vị thịt nướng của Tiệp Khắc với đủ các loại rượu bia nổi tiếng nhất. Những dịch vụ ăn uống chuyên món nước ngoài ngày một phát triển về số lượng, quy mô lẫn độ phong phú. Ta có chợ Campuchia, có phố người Hoa, có khu ẩm thực Nhật “Little Japan”.
Trong lĩnh vực đồ uống thì TP.HCM phải gọi là "thủ đô" của đồ uống, riêng cà phê thì có cà phê vỉa hè, cà phê rang xay, cà phê mang đi. Ðồ uống từ nguyên liệu vườn quê như nước rau má, nước sâm, sinh tố đủ loại, các loại nước ép từ trái cây. Sữa thực vật thì có các loại sữa đậu nành, đậu xanh, đậu phộng, bắp (ngô), mè (vừng). Nước sấu, chè Bưởi là đặc sản của Hà Nội, các loại chè Huế như chè huối, chè trôi nước, chè kê, chè khoai sọ, chè đậu ván, chè bột lọc, chè đậu xanh, chè đậu đỏ, chè thập cẩm, chè khoai môn… thì nay cũng có mặt tại thành phố.
Phân tích về sự ưu đãi đặc biệt này, Nguyễn Nhã (2009) : “Từ lâu TP.HCM đã là nơi đất lành chim đậu, nhiều người dân từ các địa phương về sinh sống, làm ăn. Tại thành phố, nhiều nguyên liệu vật liệu để chế biến các món ăn từ đồng bằng cho đến cao nguyên hay các sản vật từ biển, sông, hồ đều xuất hiện và rất dễ tìm mua. Vì vậy, sự phong phú, đa dạng, hấp dẫn của các món ăn nơi đây cũng là điều hiển nhiên”.
Trên thực tế, nhiều du khách đến TP.HCM chỉ vì muốn được khám phá ẩm thực độc đáo nơi đây. Thậm chí nhờ ẩm thực mà nhiều du khách quốc tế mới biết đến TP.HCM. Trong cuộc khảo sát trực tiếp, Chị Linda (khách du lịch đến từ Mỹ) cho biết: "Đây là lần thứ ba tôi tới thành phố HCM. Tôi đã đi du lịch rất nhiều nơi và tại mỗi điểm đến tôi đều thưởng thức ẩm thực ở nơi đó nhưng tôi thấy ẩm thực đường phố TP.HCM là ngon, rẻ và hợp khẩu vị nhất. món ăn ở đây tôi rất thích như bún bò Huế, cơm tấm, bánh xèo Nam bộ… bởi hương vị rất đậm đà, nhiều loại rau ăn kèm có mùi vị rất lạ. Thức ăn đường phố ở đây rất tuyệt vời. Và điều làm tôi thích thú hơn cả là khi đi dạo các con đường rất dễ bắt gặp hình ảnh người gánh hàng rong, hình ảnh này rất nên thơ và cổ xưa".
Tạp chí ẩm thực thế giới Food and Wine (2013) đã bình chọn TP.HCM là một trong những thành phố có món ăn đường phố ngon hàng đầu thế giới, trong đó món chả giò, bánh mì được nhiều tạp chí bình chọn là một trong 12 món ăn ngon nhất thế giới.
Kênh CNN (2016), chuyên mục Du lịch đã đánh giá TP.HCM là “kinh đô của ẩm thực Việt Nam”; đồng thời là thành phố trong top 23 các thành phố có thức ăn đường phố hấp dẫn nhất thế giới.
Ông Paul Le, Tổng Thư ký Hội Ẩm thực Escoffier Pháp (2016) chia sẻ: Ở TP.HCM có thể lựa chọn nhiều hình thức thưởng thức ẩm thực ở đường phố lẫn trong nhà hàng sang trọng với đa dạng phong cách ẩm thực do chính các đầu bếp truyền thống hoặc đầu bếp được quốc tế công chứng nhận thực hiện.
Trong hội thảo Marketing tại TP.HCM, Philp Kotler (2013) gợi ý: “Việt Nam nên trở thành bếp ăn của thế giới”. Điều này có lẽ xuất phát từ việc các món ăn Việt Nam được rất nhiều người nước ngoài yêu thích. Món ăn của Việt Nam ít dầu, mỡ hơn món ăn Trung Quốc, ít cay hơn món ăn của Thái Lan và Hàn Quốc, ít thịt hơn các món ăn của châu Âu và nhẹ nhàng, dễ tiêu hoá sau khi ăn. Trong chế biến cũng như trong trang trí và kết hợp gia vị cho các món ăn đã ứng dụng nguyên lý điều hoà Âm- Dương cho thực khách.
Như vậy có thể thấy ẩm thực đường phố TP.HCM rất đa dạng và phong phú, đã tạo được sức hút mạnh mẽ đối với du khách quốc tế, đặc biệt được đánh giá cao bởi các chuyên gia ẩm thực, các nhà kinh tế và các tổ chức có uy tín trên thế giới.