Giải pháp hoàn thiện hoạt động thanh toán quốc tế theo phương thức tín dụng chứng từ tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam, chi nhánh Vũng Tàu - 7


Kết luận chương 3.

Trên cơ sở định hướng phát triển kinh doanh của Vietcombank Hội sở chính và của Vietcombank Vũng Tàu, cùng với phương hướng phát triển hoạt động thanh toán quốc tế của Vietcombank Vũng Tàu, chương 3 đã đề xuất một số kiến nghị để hoàn thiện hoạt động thanh toán quốc tế theo phương thức tín dụng chứng từ gồm các giải pháp cho Vietcombank Vũng Tàu, Vietcombank Hội sở chính, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và một số đề xuất đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn về nghiệp vụ, chính sách, nhận thức và hành động,... nhằm bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp liên quan và đem lại nguồn thu dịch vụ tối đa cho Vietcombank Vũng Tàu.

Kết luận

Trong xu hướng toàn cầu hóa nền kinh tế và thương mại quốc tế ngày càng phát triển, thanh toán quốc tế đã trở thành một dịch vụ cơ bản, không thể thiếu của các Ngân hàng thương mại, đồng thời cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự thực hiện thành công của hợp đồng ngoại thương. Hoạt động thanh toán quốc tế còn có vai trò quan trọng giúp phát triển kinh tế của đất nước. Một quốc gia không thể phát triển với chính sách đóng cửa kinh tế, chỉ dựa vào tích lũy trong nước mà phải phát huy lợi thế so sánh, kết hợp giữa sức mạnh trong nước với thế giới bên ngoài. Trong bối cảnh hiện nay khi các quốc gia đều ưu tiên cho ngoại thương trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước, vai trò của thanh toán quốc tế ngày càng được khẳng định.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung nhiều khu công nghiệp, khu dân cư, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng thương mại trong nước, giữa ngân hàng trong nước và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Vietcombank Vũng Tàu đã tìm ra cho mình một số giải pháp, hướng đi mới để thu hút khách hàng, mở rộng các loại hình hoạt động thanh toán quốc tế. Vietcombank Vũng Tàu xác định phương thức thanh toán tín dụng chứng từ với những ưu điểm nổi trội là một nghiệp vụ quan trọng hàng đầu cần phát triển.

Bằng việc hệ thống hoá những lý luận cơ bản về thanh toán quốc tế và phương thức tín dụng chứng từ, luận văn phân tích và đánh giá thực trạng hoạt động thanh toán quốc tế theo phương thức tín dụng chứng từ tại Vietcombank Vũng Tàu, đồng thời tìm ra một số nguyên nhân dẫn đến những hạn chế còn tồn tại.

Tiếp theo đó, luận văn đề cập đến định hướng phát triển hoạt động thanh

toán quốc tế ở Vietcombank Vũng Tàu. Trên cơ sở nghiên cứu học tập và thực tiễn công tác, tác giả đề ra một số giải pháp hoàn thiện hoạt động thanh toán quốc tế theo phương thức tín dụng chứng từ mang tính thực tiễn, hiệu quả như các giải pháp về nghiệp vụ, chính sách, công tác khách hàng... Tất cả nhằm giúp hoạt động thanh toán quốc tế theo phương thức tín dụng chứng từ tại Vietcombank Vũng Tàu ngày càng phát triển.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Đăng Dờn chủ biên (2006), Thanh toán quốc tế, Nhà xuất bản tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 59 trang tài liệu này.

2. Nguyễn Đăng Dờn chủ biên (2006), Tín dụng Ngân hàng (Nghiệp vụ Ngân hàng thương mại), Nhà xuất bản Thống Kê, TP.HCM.

3. Trần Hoàng Ngân (2003), Thanh toán Quốc tế, NXB Thống kê, TP.HCM.

Giải pháp hoàn thiện hoạt động thanh toán quốc tế theo phương thức tín dụng chứng từ tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam, chi nhánh Vũng Tàu - 7

4. Phòng TK HĐQT (2012), “Cổ đông chiến lược của Vietcombank: Thành công và kỳ vọng”, Tạp chí Vietcombank, số 09/2012, trang 29 - 31.

5. Phòng Tổng hợp NHNN Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Báo cáo Tổng hợp năm 2009, 2010 và 2011

6. Phòng TTQT Vietcombank Vũng Tàu, Báo cáo Hoạt động TTQT của Vietcombank Vũng Tàu năm 2009, 2010 và 2011

7. Vietcombank Vũng Tàu, Báo cáo kết quả kinh doanh của Vietcombank Vũng Tàu năm 2009, 2010 và 2011

Các Website:

http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/CHHFCA/vietcombank-mizuho-su- hop-tac-ben-vung-toan-dien.html

http://vietcombank.com.vn/Investors/CCCD.aspx http://www.vietcombank.com.vn/News/Vcb_News.aspx?ID=4661

PHỤ LỤC

1. Quy trình vận hành của phương thức tín dụng chứng từ.

1.1 Các bên tham gia trong phương thức tín dụng chứng từ.

Các bên tham gia phương thức tín dụng chứng từ gồm có:

+ Người xin mở L/C: thông thường là người mua hay nhà nhập khẩu.

+ Người hưởng lợi: là người bán hay nhà xuất khẩu.

+ Ngân hàng mở hay ngân hàng phát hành thư tín dụng: là ngân hàng phục vụ nhà nhập khẩu, cung cấp tín dụng cho nhà nhập khẩu và là ngân hàng thường được hai bên nhập khẩu và xuất khẩu thỏa thuận, lựa chọn và được chỉ định trong hợp đồng thương mại. Nếu chưa thoả thuận trước, nhà nhập khẩu có quyền lựa chọn ngân hàng.

+ Ngân hàng thông báo thư tín dụng: là ngân hàng phục vụ nhà xuất khẩu, thông báo cho nhà xuất khẩu biết thư tín dụng đã mở. Ngân hàng này thường ở nước nhà xuất khẩu và có thể là ngân hàng chi nhánh hoặc đại lý của ngân hàng phát hành thư tín dụng.

Ngoài các bên tham gia như trên còn có thể có các ngân hàng khác cùng tham gia, bao gồm:

+ Ngân hàng xác nhận: là ngân hàng tự gắn trách nhiệm sẽ cùng ngân hàng mở thư tín dụng bảo đảm việc trả tiền cho nhà xuất khẩu trong trường hợp ngân hàng phát hành thư tín dụng không thanh toán. Ngân hàng xác nhận có thể chính là ngân hàng thông báo thư tín dụng hay là một ngân hàng khác do nhà xuất khẩu yêu cầu, thường là một ngân hàng lớn, có uy tín trên thị trường tài chính quốc tế.

+ Ngân hàng thanh toán: có thể là ngân hàng mở thư tín dụng hoặc có thể là ngân hàng khác được ngân hàng mở thư tín dụng chỉ định thay mình

trả tiền hay chiết khấu hối phiếu cho nhà xuất khẩu.

+ Ngân hàng thương lượng: là ngân hàng đứng ra kiểm tra bộ chứng từ và thường là ngân hàng thông báo L/C. Trường hợp L/C quy định thương lượng tự do thì bất kỳ ngân hàng nào cũng có thể là ngân hàng thương lượng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp L/C chỉ định thương lượng tại một ngân hàng nhất định.

Ngân hàng chuyển nhượng, ngân hàng hoàn trả, ngân hàng đòi tiền, ngân hàng chấp nhận, ngân hàng chuyển chứng từ, tất cả được giao trách nhiệm cụ thể trong thư tín dụng.

1.2 Quyền lợi và nghĩa vụ của các ngân hàng trong phương thức tín dụng chứng từ.

(i) Quyền và nghĩa vụ của ngân hàng phát hành L/C: Ngân hàng phát hành là ngân hàng theo yêu cầu của người xin mở L/C hoặc nhân danh chính mình phát hành một thư tín dụng. Họ phải có trách nhiệm hướng dẫn khách hàng cung cấp đủ hồ sơ, thủ tục để phát hành L/C. Khi L/C đã được mở, ngân hàng phát hành có trách nhiệm chuyển L/C đó đến người hưởng thông qua ngân hàng thông báo do khách hàng chỉ định hoặc một ngân hàng đại lý của họ tại nước người hưởng. Khi nhận được bộ chứng từ xuất trình theo L/C do ngân hàng phục vụ người hưởng hoặc ngân hàng được chỉ định gửi đến, họ phải kiểm tra tính hợp lệ của chứng từ và có quyết định phù hợp trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được chứng từ đó. Mặt khác, theo Điều 7 UCP600, Ngân hàng phát hành phải thanh toán nếu tín dụng có giá trị:

* Trả tiền ngay, trả tiền về sau hoặc chấp nhận bởi ngân hàng phát hành;

* Trả tiền ngay bởi một ngân hàng được chỉ định và ngân hàng được chỉ định đó không trả tiền.

* Trả tiền sau bởi một ngân hàng được chỉ định và ngân hàng được chỉ

định không cam kết trả tiền sau hoặc có cam kết trả tiền sau nhưng không trả tiền khi đáo hạn;

* Chấp nhận bởi một ngân hàng được chỉ định và ngân hàng được chỉ định không chấp nhận một hối phiếu ký phát đòi tiền họ hoặc có chấp nhận nhưng không trả tiền khi hối phiếu đáo hạn; hoặc

* Thương lượng bởi một ngân hàng được chỉ định và ngân hàng được chỉ định đó không thương lượng thanh toán.

Ngân hàng phát hành bị ràng buộc không huỷ ngang đối với việc thanh toán tính từ thời điểm phát hành thư tín dụng. Đổi lại, họ được quyền thu phí phát hành, phí tu chỉnh L/C (nếu có), phí sai khác của bộ chứng từ và các phí dịch vụ khác có liên quan như phí swift, phí tra soát….

(ii) Quyền và nghĩa vụ của ngân hàng xác nhận L/C: Ngân hàng xác nhận là ngân hàng, theo yêu cầu và theo sự uỷ quyền của ngân hàng phát hành, đem thêm sự xác nhận của mình đối với một thư tín dụng. Việc có đồng ý xác nhận thư tín dụng hay không là tùy ngân hàng này. Khi một ngân hàng được ngân hàng phát hành uỷ quyền và yêu cầu xác nhận một thư tín dụng nhưng ngân hàng này không sẵn sàng làm việc đó, họ phải thông báo ngay không chậm trễ cho ngân hàng phát hành là chỉ có thể thông báo thư tín dụng mà không xác nhận. Khi ngân hàng xác nhận đồng ý xác nhận thư tín dụng, họ bị ràng buộc không huỷ ngang đối với việc thanh toán hoặc thương lượng tính từ thời điểm xác nhận thư tín dụng của mình. Ngân hàng xác nhận cam kết trả tiền cho một ngân hàng được chỉ định khác khi ngân hàng này đã thanh toán hoặc đã thương lượng thanh toán cho một xuất trình phù hợp và đã chuyển giao chứng từ cho ngân hàng xác nhận. Việc hoàn trả số tiền của một xuất trình phù hợp với một thư tín dụng có giá trị thanh toán bằng chấp nhận hoặc trả tiền sau vào lúc đáo hạn, dù cho là ngân hàng được chỉ định đã trả tiền hoặc đã mua trước hạn hay không. Sự cam kết của ngân hàng xác

nhận hoàn trả tiền cho ngân hàng được chỉ định là độc lập với sự cam kết của ngân hàng xác nhận đối với người hưởng. Ngân hàng xác nhận được quyền thu phí xác nhận L/C.

(iii) Quyền và nghĩa vụ của ngân hàng thông báo: Ngân hàng thông báo thông báo tín dụng theo yêu cầu của ngân hàng phát hành. Ngân hàng này có thể do người bán chỉ định hoặc do chính ngân hàng phát hành lựa chọn. Ngân hàng thông báo, nếu không phải là ngân hàng xác nhận, thông báo tín dụng và mọi sửa đổi liên quan không kèm bất cứ cam kết thanh toán hoặc thương lượng thanh toán nào. Các ngân hàng thông báo hiểu rằng tự nó đã thỏa mãn về tính chân thật bề ngoài của tín dụng hoặc của sửa đổi và thông báo phải phản ánh chính xác các điều kiện và điều khoản của tín dụng hoặc sửa đổi. Nếu một ngân hàng được yêu cầu thông báo một tín dụng hoặc sửa đổi nhưng quyết định không làm việc đó thì nó phải thông báo ngay cho ngân hàng mà nó đã nhận tín dụng, sửa đổi hoặc thông báo từ ngân hàng này. Đổi lại việc đó, ngân hàng thông báo có quyền thu phí thông báo tín dụng và/hoặc sửa đổi tín dụng.

1.3 Quy trình thanh toán theo phương thức tín dụng chứng từ.

Sơ đồ 1.5: Quy trình thanh toán tín dụng chứng từ

(trong đó ngân hàng phát hành cũng là ngân hàng thanh toán)

Ngân hàng phát hành

Ngân hàng thông báo/ thương lượng

(3)

(7)

(8)

(11) (10) (2) (9) (6) (4)

Người mở (Nhà NK)

Người hưởng (Nhà XK)

(1)

(5)

(1) Hai bên XNK ký kết hợp đồng thương mại.

(2) Nhà nhập khẩu làm thủ tục yêu cầu ngân hàng phát hành mở L/C cho nhà xuất khẩu thụ hưởng.

(3) Ngân hàng phát hành mở L/C theo yêu cầu của nhà nhập khẩu và nhờ ngân hàng thông báo chuyển giao cho nhà xuất khẩu.

(4) Ngân hàng thông báo L/C chuyển L/C cho nhà xuất khẩu.

(5) Dựa vào nội dung L/C, nhà xuất khẩu giao hàng cho nhà nhập khẩu.

(6) Nhà xuất khẩu sau khi giao hàng lập bộ chứng từ liên quan gửi đến ngân hàng được chỉ định (ngân hàng thương lượng) để được thanh toán.

(7) Ngân hàng thương lượng chuyển bộ chứng từ đến ngân hàng mở L/C xem xét trả tiền.

(8) Ngân hàng mở L/C sau khi kiểm tra chứng từ nếu thấy phù hợp thì trích tiền chuyển sang ngân hàng thương lượng để ghi có cho người thụ hưởng. Nếu không phù hợp thì từ chối thanh toán và thông báo cho nhà nhập khẩu về tình trạng bộ chứng từ.

(9) Ngân hàng thương lượng ghi có và báo có cho nhà xuất khẩu.

(10) Trường hợp chứng từ phù hợp, ngân hàng mở L/C trích tài khoản và báo nợ cho nhà nhập khẩu đồng thời giao chứng từ để nhà nhập khẩu nhận hàng.

(11) Trường hợp chứng từ không phù hợp, nhà nhập khẩu xem xét chấp nhận trả tiền và ngân hàng mở L/C giao bộ chứng từ để nhà nhập khẩu có thể nhận hàng.

Qua nội dung và trình tự các bước tiến hành phương thức tín dụng chứng từ như đã mô tả, chúng ta thấy rằng phương thức tín dụng chứng từ đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên xuất và nhập khẩu. Bên xuất khẩu được ngân hàng đứng ra cam kết trả tiền còn bên nhập khẩu được ngân hàng đứng ra xem xét, kiểm tra bộ chứng từ nhằm đảm bảo cho bên nhập khẩu nhận đầy

đủ, kịp thời và chính xác hàng hóa đặt mua khi trả tiền. Trong phương thức này ngân hàng đóng vai trò chủ động trong thanh toán chứ không chỉ làm trung gian đơn thuần như những phương thức thanh toán khác nên được sử dụng nhiều nhất trong thanh toán quốc tế. Tuy vậy, phương thức thanh toán tín dụng chứng từ chỉ có thể sử dụng trong quan hệ thanh toán mậu dịch, còn trong thanh toán phi mậu dịch vẫn phải dùng phương thức chuyển tiền.

2. Ưu nhược điểm của phương thức tin dụng chứng từ.

Phương thức tín dụng chứng từ ngày càng được sử dụng rộng rãi trong thanh toán quốc tế nhờ có nhiều ưu điểm hơn so với các phương thức thanh toán khác. Với phương thức thanh toán này, quyền lợi của nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu đều được bảo đảm. Cụ thể:

2.1 Đối với nhà xuất khẩu.

2.1.1 Ưu điểm.

- Được một cam kết thanh toán chắc chắn không phải từ người mua mà từ một ngân hàng. Do vậy, khả năng nhận được tiền sau khi giao hàng và xuất trình bộ chứng từ hoàn hảo là gần như chắc chắn.

- Hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro có thể xẩy ra đối với khách hàng mới chưa có uy tín và thương hiệu trên thị trường.

- Có thể yêu cầu một ngân hàng khác xác nhận thư tín dụng trong trường hợp người bán chưa tin tưởng tuyệt đối vào năng lực của ngân hàng phát hành.

- Được tư vấn về mặt chuyên môn trong nghiệp vụ thanh toán bằng thư tín dụng từ ngân hàng.

2.1.2 Nhược điểm.

- Đòi hỏi người bán phải thực hiện đầy đủ các điều khoản và điều kiện của thư tín dụng nếu muốn được thanh toán.

- Phí dịch vụ thư tín dụng thường cao hơn so với các phương thức thanh

toán khác.

2.2 Đối với nhà nhập khẩu.

2.2.1 Ưu điểm.

Nhà nhập khẩu cũng có lợi khi chọn phương thức tín dụng chứng từ:

- Nhà nhập khẩu được bảo đảm rằng chỉ khi nào người bán đáp ứng đầy đủ các điều khoản và điều kiện của thư tín dụng thì mới được thanh toán.

- Nhà nhập khẩu có thể thương lượng những điều khoản thương mại có lợi hơn khi sử dụng phương thức này.

- Nhà nhập khẩu có thể chứng minh khả năng thanh toán của mình qua việc được một ngân hàng phát hành L/C. Đây là điều rất quan trọng khi ký hợp đồng thương mại với khách hàng mới.

- Được tư vấn về chuyên môn trong nghiệp vụ thanh toán bằng thư tín dụng.

2.2.2 Nhược điểm.

- Thư tín dụng không thể bảo đảm cho người mua rằng hàng hóa được giao có chất lượng và số lượng thực tế đúng như hợp đồng đã ký kết vì các bên chỉ giao dịch qua chứng từ. Do vậy điều quan trọng là người mua phải tự xem xét, đánh giá uy tín của người bán khi thực hiện phương thức thanh toán này, tránh các ký kết quá vội vàng vì tưởng gặp giá hời với doanh nghiệp ma, ngoài số đăng ký kinh doanh không hề có người và trụ sở làm việc. Tuy nhiên, luật pháp các nước Tây Âu, Bắc Âu và Singapore trừng phạt nghiệm khắc các hành vi lừa đảo như trên.

- Để được ngân hàng phát hành mở L/C cho mình, người mua hoặc phải ký quỹ hoặc phải có các biện pháp bảo đảm tiền vay.

- Phí dịch vụ liên quan đến thanh toán bằng thư tín dụng thường cao hơn so với các phương thức thanh toán khác.

2.3 Đối với các ngân hàng.

Nghiệp vụ tín dụng chứng từ mang lại cho ngân hàng những khoản thu dịch vụ rất lớn như phí phát hành L/C, phí tu chỉnh, phí thanh toán, phí thông báo, phí kiểm chứng từ, lãi chiết khấu,…chiếm tỷ trọng cao trên tổng thu dịch vụ hàng năm của ngân hàng.

Thực hiện tốt nghiệp vụ này sẽ nâng cao vị thế, uy tín của ngân hàng trên trường quốc tế. Mối quan hệ giữa ngân hàng và các tổ chức quốc tế không ngừng được mở rộng, càng làm tăng khả năng xử lý và giải quyết nghiệp vụ tại ngân hàng.

Thông qua nghiệp vụ tín dụng chứng từ, ngân hàng còn có thể cung cấp các dịch vụ khác như tín dụng, chuyển tiền, tư vấn, bảo lãnh cho khách hàng,

... vừa giúp tăng thu dịch vụ vừa tạo điều kiện mở rộng các thị phần khác.

---------------------------------o0o------------------------------------

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 08/04/2022