ước mơ du học của Thứ không phải hám lợi giàu sang mà chỉ là mong muốn được đi xa mở rộng tầm nhìn, vốn sống, nâng cao trình độ hiểu biết để làm những việc có ích cho đời. Thứ từng "thích làm một việc gì có ảnh hưởng đến xã hội ngay" và mong muốn đem "những sự đổi thay lớn lao đến cho xứ sở mình". Hơn một lần Thứ mơ ước: "mình cũng là một vĩ nhân, một anh hùng vượt lên trên sự tầm thường để chỉ nghĩ đến một cái gì vĩ đại thôi. Y nghĩ đến những phương kế để xoay ngược lại, đồng thời xếp đặt cho người với người ổn thoả hơn"...
Như vậy, Nam Cao cũng giống với Thạch Lam, Xuân Diệu ở chỗ đã thức tỉnh sâu sắc về ý thức cá nhân, về sự tồn tại có ý nghĩa của cá nhân trên đời. Họ hết sức nhạy cảm với những kiếp sống nhỏ bé, cơ cực, sống mòn mỏi, lay lắt, quẩn quanh bế tắc. Nhưng có lẽ không ai trong số họ lại đau đớn khôn nguôi, phẫn uất cao độ như Nam Cao trước tình trạng con người không sao thoát khỏi lối sống mòn, sống đời thừa. Trước Cách mạng không có nhà văn nào có cách nhìn sâu sắc, có tầm triết lí, tổng hợp khái quát cao về tình trạng chết mòn của con người như nhà văn lớn Nam Cao. Mỗi nhân vật của ông là một kiểu đời thừa, một lối sống mòn, một cách chết mòn. Một cuộc sống vô lí, vô ích, vô nghĩa, "chết mà chưa sống","chết mà chưa làm gì cả", "chết trong lúc sống". Nam Cao không chấp nhận sự sống của con người chỉ là sự tồn tại sinh học. Ông coi đó không phải là cuộc sống xứng đáng của con người: "Có thú vị gì cái lối sống co quắp vào mình, cái lối sống quá ư loài vật, chẳng còn biết một việc gì ngoài cái việc kiếm thức ăn đổ vào dạ dày?". Cuộc sống xứng đáng với danh hiệu cao quý của con người, theo quan niệm của Nam Cao, là phải có đời sống tinh thần cao đẹp, sống với đầy đủ giá trị của sự sống. Xuất phát từ tư tưởng cao sâu đó, Nam Cao đã xây dựng một hệ thống các nhân vật trí thức với những ước mơ khát vọng sống cống hiến và thực hiện lý tưởng hết sức cao đẹp.
2.2.2. Khát khao cống hiến và thực hiện lí tưởng của người trí thức tiểu tư sản
Hầu hết nhân vật trí thức nghèo của Nam Cao đều ôm ấp những ước mơ đẹp đẽ, những dự định lớn lao. Thứ trong Sống mòn từng có một niềm ao ước lớn: "Thứ vẫn không thể nào chịu được rằng sống chỉ là làm thế nào cho mình và vợ con mình có cơm ăn, áo mặc thôi. Sống là để làm một cái gì đẹp hơn nhiều, cao quý hơn nhiều. Mỗi người sống, phải làm thế nào cho phát triển đến tận độ những khả năng của loài người chứa đựng ở trong mình. Phải gom góp sức lực của mình vào công cuộc tiến bộ chung. Mỗi người chết đi, phải để lại một chút gì cho nhân loại" [6; 705].
Mang sẵn trong mình khát vọng đó khi làm nhà giáo Thứ đã nuôi bao ước vọng cải tạo cái trường, mong đem lại một cái gì có ích cho đời. "Y sẽ tổ chức lại cái trường. Y sẽ sửa sang lại cho nhà trường sạch sẽ hơn, có vẻ hơn...Y thành thực yêu nghề và yêu các trẻ em. Y rất tận tâm. Y dạy có phương pháp và chăm. Y đã làm cho cái trường này được tín nhiệm...Đến khi nhà trường thuộc hẳn tay y... Nó sẽ tiến hơn nhiều...", "Bởi vậy, suốt một năm đầu, y là một ông thầy rất tận tâm. Y soạn bài, giảng bài, chấm bài rất kĩ càng, bao nhiêu tâm lực bao nhiêu thì giờ đều dùng cả cho nhà trường, cho lũ học trò"[6; 573]. Chẳng bao lâu, Thứ đã rơi vào sự thất vọng, vì biết đó chỉ là những ước mơ viển vông, không bao giờ thực hiện nổi. Thực chất anh chỉ là một kẻ làm thuê, để có đồng lương cho khỏi chết đói.
Nhân vật trí thức nghèo của Nam Cao thường là nhà văn, nhà giáo và chúng ta dễ dàng nhận ra bóng dáng của tác giả trong đó. Hơn ở bất cứ đâu, với nhân vật Hộ trong Đời thừa, Nam Cao đã gửi gắm đầy đủ nhất tâm sự sâu kín, hoài bão lớn của ông về sự nghiệp văn chương cũng như quan niệm về sáng tác. Hộ là người rất mê văn. Anh bảo với vợ: "Tôi mê văn hoá nên mới khổ. Ấy thế mà tuy khổ thì khổ thật, nhưng thử có người giàu bạc vạn
nào thuận đổi lấy cái địa vị của tôi chưa chắc tôi đã đổi. ..."[5; 240-241]. Như vậy, ở Hộ, văn chương là một niềm vui to lớn, không có lạc thú vật chất nào sánh được.
Có thể bạn quan tâm!
- Giá trị và vị trí của Sống mòn trong sự nghiệp viết của Nam Cao - 2
- Sáng Tác Của Nam Cao Trước Và Sau Cách Mạng Tháng Tám - 1945
- Người Trí Thức, Một Trong Hai Chủ Đề Lớn Mà Nam Cao Theo Đuổi
- Cắt Nghĩa Các Nguyên Nhân Dẫn Đến Sự Sống Mòn Của Người Trí Thức
- Người Trí Thức Trong Quan Hệ Với Gia Đình Và Làng Quê
- Nghệ Thuật Đúc Kết Triết Lí Của Nam Cao
Xem toàn bộ 101 trang tài liệu này.
Nhưng Hộ không chỉ say mê thưởng thức văn chương, mà anh còn ôm ấp một "hoài bão lớn" về nghề văn. Văn chương không chỉ là sở thích, lạc thú trong đời mà còn là sự nghiệp, là lí tưởng sống của anh: "Đầu hắn mang một hoài bão lớn. Hắn khinh những lo lắng tủn mủn về vật chất. Hắn chỉ lo vun trồng cho cái tài của hắn ngày một thêm nảy nở. Hắn đọc, ngẫm nghĩ, tìm tòi, nhận xét và suy tưởng không biết chán. Đối với hắn lúc ấy, nghệ thuật là tất cả; ngoài nghệ thuật không còn có gì đáng quan tâm nữa". [5; 235-236]
Như vậy với Đời thừa, và sau đó là Sống mòn, Nam Cao đã đề cập gần như trực diện tới vấn đề cá nhân, nói lên yêu cầu được khẳng định và phát triển của cá nhân - vấn đề mà lâu nay người ta tưởng chỉ đặt ra trong văn học lãng mạn đương thời. Và phần nhiều cái "tôi" trong văn học lãng mạn trong khi giãy giụa "nổi loạn" chống lại xã hội thù địch với nó, nó càng ngày càng khép kín, chỉ còn "tự phát triển" trong sự đối lập với xã hội; thì ở Nam Cao, yêu cầu khẳng định và phát triển cá nhân luôn gắn liền với trách nhiệm xã hội, hướng theo lí tưởng nhân đạo tiến bộ. Hoài bão cá nhân mà Hộ và Thứ say mê đạt tới để tự khẳng định mình trước cuộc đời là một sự nghiệp "trồng người" cao cả, là thứ văn chương chân chính, mang tinh thần nhân đạo cao đẹp, "một tác phẩm thực sự có giá trị (...) làm cho người gần người hơn", "nó ca ngợi tình thương, lòng bác ái, sự công bình...".
Có lẽ trong văn học đương thời không ai ngoài Nam Cao đã đặt ra vấn đề cá nhân một cách đúng đắn và tiến bộ như vậy. Nhưng chính cái xã hội có khả năng khơi dậy niềm khát khao cống hiến và thực hiện lí tưởng của người trí thức tiểu tư sản cũng lại đã đẩy họ vào tình trạng bị đè bẹp, bế tắc không lối thoát.
Đọc Nam Cao trước 1945, ta thấy dường như các nhân vật đều thể hiện sự bế tắc, bất lực của mình trước cuộc sống. Cuộc đời Nam Cao cũng từng có những tính toán, lo toan, những khát vọng chân chính cháy bỏng mà không thực hiện được. Hộ trong Đời thừa khao khát trở thành nhà văn có ích cho đời, nhưng vì phải kiếm tiền, anh không thể viết thận trọng, nghiêm túc theo yêu cầu của nghệ thuật chân chính. Anh "cho in nhiều cuốn văn viết vội vàng (...) phải viết những bài báo để người ta đọc rồi quên ngay sau lúc đọc". Đây là điều vô cùng đau đớn đối với một người như Hộ. Nhà văn chân chính nơi anh đã cảm thấy hết sức đau đớn, nhục nhã chứng kiến "gã bất lương", "đê tiện" cũng chính là anh đang làm thứ hàng giả: "Chao ôi! Hắn viết những gì? Toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn chương bằng phẳng và quá ư dễ dãi. Hắn chẳng đem một chút mới lạ gì đến cho văn chương"[5; 236]
Là người hiểu rõ văn chương là một hoạt động sáng tạo không ngừng, phải "khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có", Nam Cao đã để cho nhân vật Hộ cay đắng nhận ra mình "là một kẻ vô ích, một ngưòi thừa", bởi vì, "hắn chẳng đem một chút mới lạ gì đến văn chương". Người nghệ sĩ sáng tạo trước đây trong Hộ đã chết. Hộ đau buồn vô hạn vì cảm thấy đời mình đã bỏ đi, không gì cứu vãn được: "Thôi thế là hết! Ta đã hỏng! Ta đã hỏng đứt rồi!". Tấn bi kịch tinh thần đau đớn của Hộ là ở đó. Đây là bi kịch của con người có ý thức sâu sắc về sự sống, muốn vươn lên một cuộc sống chân chính, trong đó cá nhân được phát triển bằng sự nghiệp tinh thần có ích cho xã hội, nhưng đã bị nhấn chìm trong lối sống mà anh ta rất khinh ghét vì không xứng đáng với con người: "Còn gì đau đớn cho một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì để nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt?"[5; 236]
Trong Sống mòn, tiếng kêu đó lại cất lên một cách thống thiết hơn: "Đau đớn thay những kiếp sống khao khát muốn vươn lên cao nhưng lại bị áo cơm ghì sát đất!". Cũng như nhà văn Hộ, anh giáo Thứ đau đớn vì cuộc đời khốn nạn cứ bắt anh phải sống "cái lối sống quá ư loài vật, chẳng biết một việc gì ngoài cái việc đổ thức ăn vào dạ dày!". Đó là nỗi đau tinh thần to lớn, không nguôi và không có gì có thể xoa dịu được đối với người trí thức khát khao sáng tạo, khát khao khẳng định trước cuộc đời "khát khao muốn lên cao"...Và nhân vật Đích cũng vậy, anh đã xây dựng được một ngôi trường với nhiều học sinh theo học nhưng ước mơ của anh vẫn không dừng lại ở đó, Đích quyết định ra đi lập nghiệp và hy vọng sẽ làm một việc to tát hơn. Nhưng cuộc đời không chiều theo ý muốn, căn bệnh lao đã cướp đi ước mơ và khát vọng của anh, anh phải quay về ngôi trường do mình xây dựng và nằm chờ chết. Như vậy anh chết mà chưa được sống.
Có thể nói rằng những bất công đau khổ, những mặt đen tối tiêu cực của chế độ thực dân phong kiến đã ngấm sâu khắp cơ thể xã hội, đến từng đơn vị nhỏ nhất. Từ một góc phố nghèo, từ một cuộc sống cay đắng vì chuyện cơm áo, cảnh mòn mỏi của một trí thức nghèo...khái quát lên bức tranh hiện thực xã hội Sống mòn với nhóm những nhà giáo nghèo sống vật vã trong cảnh đời tù túng, bế tắc, mòn mỏi, bất lực những năm 1941 – 1945. Đồng thời nhà văn Nam Cao đã lên án sâu sắc cái hiện thực xã hội tàn nhẫn đã vùi dập mọi ước mơ, hoài bão của con người, tước đi ý nghĩa sự sống chân chính thật sự xứng đáng với con người.
Nguyễn Đình Thi đã nhận xét thật sâu sắc: "Sống mòn tả cuộc sống thiểu não, quẩn quanh nhỏ nhen của mấy người trí thức tiểu tư sản nghèo, một cuộc sống mù xám cứ "mốc lên, rỉ đi, mòn ra, mục ra" không có lối thoát. Rộng hơn là vận mệnh, mấy con người ấy ta thấy đặt ra một cách ám ảnh về vấn đề vận mệnh chung của cả một xã hội chua xót đau đớn, buồn thảm, tủi
nhục trong đó đời sống không còn ý nghĩa, quay về phía nào cũng thấy dựng lên những bức tường bế tắc"[55; 49].
2.3. Sự thui chột, đổ vỡ dần khát vọng sống của người trí thức và nguyên nhân
2.3.1. Sự thui chột, đổ vỡ và bế tắc của người trí thức
Một hình ảnh trở đi trở lại trong những trang văn của Nam Cao là hình ảnh một trí thức mải đọc, chăm đọc để chuẩn bị cho nghề. Đó là Thứ trong Sống mòn với khao khát làm một thầy giáo tận tâm với nghề: "còn chút thì giờ nào y đọc rất chăm (...) Phải có một cái trình độ học thức khá cao. Phải luyện tài. Có học, có tài, y mới có đủ năng lực để mà phụng sự cái lý tưởng của y."[6; 542]; Là Điền trong Giăng sáng "sẵn lòng từ chối một chỗ làm kiếm nổi mỗi tháng hàng trăm bạc, nếu có thể kiếm được năm đồng bạc về nghề văn..."; Là Hộ trong Đời thừa, khi còn là một người viết văn thận trọng, với mơ ước thành nhà văn nổi tiếng: "Hắn đọc, ngẫm nghĩ, tìm tòi, nhận xét và suy tưởng không biết chán. Đối với hắn lúc ấy, nghệ thuật là tất cả; ngoài nghệ thuật không còn gì đáng quan tâm nữa...". Tóm lại, những Thứ, Điền, Hộ... đều có chung một niềm ao ước được vào nghề với tất cả tín niệm thiêng liêng, cao cả của nghề nghiệp. Tất nhiên không phải họ không biết đến những vất vả tủi cực của nghề nghiệp, nhưng họ nguyện đánh đổi mọi thiệt thòi để có thể chuyên tâm với nghề.
Nhưng trong bối cảnh xã hội phong kiến thực dân ngột ngạt trước 1945, để bước vào nghề họ không khỏi băn khoăn: Viết cho ai đọc, và viết để làm gì? Nếu viết thì viết những gì?
Để giải đáp những câu hỏi đó, nhân vật Điền trong Giăng sáng đã phải trải qua sự dằn vặt bên trong đầy đau đớn. Trên sự đối lập tuyệt đối giữa một bên là ước mơ và tưởng tượng của Điền - "những người đàn bà nhàn hạ, vừa tắm bằng một thứ nước thơm tho, mặc áo lụa xanh, ngả tấm
thân mềm trên chiếc ghế xích đu và đưa đẩy đôi chân thưỡn thẹo"... Họ là những người sẽ "đọc văn Điền", "sẽ yêu Điền", "sẽ gửi cho Điền những bức thư xinh xinh ướp nước hoa"... với bên kia là sự thực mặn chát trong cảnh nghèo khổ của nhà Điền, và chung quanh Điền: cảnh vợ gào, con khóc, hết tiền hết gạo, trăm thứ việc phải tiêu...Óc Điền đầy những lo lắng nhỏ nhen, không một phút nào không phải nghĩ đến tiền. Và Điền đã phải nhanh chóng đi tới cái kết thúc: "Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Điền".
Đó là chiến thắng của nhân vật Điền trước hoàn cảnh. Nhưng không phải lúc nào người trí thức kiểu Nam Cao cũng ghi được chiến thắng như Điền. Nhân vật Hộ trong Đời thừa phải dấn thân vào một vòng luẩn quẩn, bế tắc và tha hoá kéo dài trong bi kịch. Viết Đời thừa Nam Cao nhằm dựng lên những bi kịch tinh thần hết sức đau đớn của người trí thức nghèo, bi kịch gắn liền với những mâu thuẫn giữa khát vọng sống một cuộc đời có ý nghĩa với cái hiện thực nghèo khổ, đói khát đã tha hoá tâm hồn con người khiến người trí thức phải sống một “đời thừa”. Đó còn là bi kịch giữa một lẽ sống cao đẹp đầy nhân văn với thực tế những đau khổ về mặt tinh thần đã khiến con người trở thành kẻ vũ phu. Trong cái vòng luẩn quẩn của những bi kịch ấy, người tri thức nghèo đã bán dần phần hồn của mình để kiếm lấy từng đồng xu cho cuộc sống hết sức nghèo đói và vất vả, bào mòn dần nhân phẩm của con người, làm mất đi những giá trị đẹp đẽ của cuộc sống.
Trong Sống mòn cũng vậy, khi nhìn lại, ta thấy các nhân vật trí thức trong tác phẩm: Thứ, San, Đích, họ đều là những nhân vật ít nhiều có tài năng, có khát vọng, hoài bão mong muốn làm một điều gì đó tốt đẹp cho mình, cho vợ con, cho gia đình và cho cả xã hội. Nhưng nỗi buồn cơm áo, sự hiếm hoi của những cơ hội việc làm đã ghì chặt họ trong cái nền ẩm thấp,
ngột ngạt của ngôi trường tư thục nhỏ bé, trong cái sân đất chật hẹp của nhà ông Học, trong những nỗi nhớ về làng quê, trong những bữa ăn nghèo nàn trở đi trở lại hàng ngày. Điều đó khiến họ rơi vào tâm trạng đầy thất vọng buộc phải chấp nhận cuộc sống tầm thường "sống mòn", thậm chí rơi vào cảnh thất nghiệp, bế tắc và sống vô nghĩa.
Nhân vật Thứ trong Sống mòn vốn yêu trường, yêu trẻ là vậy mà giờ đây anh lại chẳng mặn mà gì với công việc dạy học, anh vẫn phải gồng mình lên cố sống, một cuộc sống mòn mỏi tăm tối. Ngay những đoạn mở đầu của tác phẩm, người đọc đã thấy điều này trong tâm trạng của Thứ:
"...Nắng chảy thành vũng trên sàn. Hai vũng sáng, trước cửa nhỏ và mập mờ, cứ dần dần lan rộng thêm, rõ thêm. Sau cùng thì rõ ràng là hai hình chữ nhật lệch có rọc đen. Một chút phản quang hắt lên trần, lên những bức tường quét vôi vàng và kẻ chì nâu. Nó hắt cả lên cái đi – văng Thứ đang ngồi khiến y nheo nheo mắt nhìn lên. Mặt trời đã nhô lên hẳn.
Thứ ngồi tránh sang một bên, rồi lại cúi xuống lần lượt giở mấy quyển sách giáo khoa để trên đùi. Y tìm những bài để dạy hôm nay. Y dạy học đã hai năm. Cái chương trình học của lớp nhất, lớp nhì y đã thuộc gần nhập tâm, chỉ thuộc thêm một chút nữa là y đã có thể làm như một giáo sư toán học cũ của y, nhớ đến cả lời giải những bài tính đố mà ông có thể đọc thuộc lòng được đầu bài, nên quanh năm dạy học không cần dùng đến một quyển sách nào. Trong việc soạn bài không cần cẩn trọng quá như hồi mới đến trường, có lẽ cũng do đấy một phần. Nhưng một phần lớn lại vì cớ khác.
Có thể nói rằng y đã chán nghề. Không phải vì nghề dạy học tư không thích hợp với y. Nhưng cái nghề bạc bẽo làm sao! để bớt số giáo viên, một mình y dạy lớp nhất xong lại phải dạy lớp nhì kế theo ngay, nên mỗi ngày phải dạy đúng tám giờ. Tám giờ nói luôn luôn...Công việc mệt mỏi quá đi cày. Thế mà lương mỗi tháng chỉ vẻn vẹn có hai chục bạc" [6; 534-535].