Giá trị và vị trí của Sống mòn trong sự nghiệp viết của Nam Cao - 2


Tác giả Hà Minh Đức trong bài viết Nam Cao phê phán và tự phê phán, đã có nhận xét thiên về nội dung – tư tưởng: "Trong truyện ngắn và tiểu thuyết của Nam Cao, những nhân vật trí thức nghèo thường có ý thức tự phê phán lại là bóng dáng của chính tác giả. Điền trong Giăng sáng, Hộ trong Đời thừa, Thứ trong Sống mònđều là những nhân vật cùng một kiểu tính cách, một loại tâm trạng. Trong bản chất họ là những người tốt, giàu ước mơ, muốn đóng góp và trở thành người có ích cho đời. Họ coi trọng tri thức, muốn đem tri thức để cải tạo cuộc sống. Nhưng trớ trêu thay họ lại là nạn nhân của hoàn cảnh" [16; 204-205].

Tác giả Trần Đăng Suyền trong bài viết Thời gian và không gian trong thế giới nghệ thuật của Nam Cao lại có những phân tích tìm hiểu trên phương diện nghệ thuật, tập trung ở không gian và thời gian. Tác giả kết luận: "Cái thời gian hằng ngày để tìm kiếm miếng ăn đã choán gần hết những giây phút sáng tạo của Thứ trong Sống mòn. Không gian trong sáng tác của Nam Cao là không gian hướng nội, không gian nhỏ hẹp, không gian được kiến tạo trong tầm nhìn của nhân vật" [42; 230].

Như vậy, mặc dầu chỉ là đan xen vào phân tích, tìm hiểu thế giới nghệ thuật của tác phẩm Nam Cao nói chung nhưng các tác giả đã cho thấy những đặc điểm cơ bản của tiểu thuyết Sống mòn. Theo đó, Sống mòn là tác phẩm đã đề cập đến cái đói và miếng ăn (Nguyễn Đăng Mạnh), là tiếng nói mang dáng dấp tiếng nói của người trong cuộc. Sống mòn đã vẽ ra một không gian mang tính hướng nội rõ nét, thời gian thì quẩn quanh xen lẫn những việc làm tẻ nhạt, buồn chán. Thái độ của Nam Cao trong các tác phẩm, kể cả Sống mòn là khá rõ ràng, không nước đôi, không lưỡng lự. Nam Cao là nhà văn luôn trung thực với chính mình, là nhà văn nghiêm nhặt, các nhân vật chính trong tác phẩm nói về người trí thức đa phần là mẫu hình của Nam Cao, là hiện thân của một khía cạnh, một phẩm chất, một tính tình của Nam Cao. Bởi thế, hầu


hết các tác giả nghiên cứu đều đánh giá cao tầm tư tưởng đạo đức của người trí thức Nam Cao. Đây chính là một trong những lí do quan trọng để công chúng bạn đọc ở bất kì một giai đoạn lịch sử nào từ sau 1945 đều yêu mến trang văn của Nam Cao. Dĩ nhiên để chinh phục được bạn đọc với những "con mắt tinh đời", ngoài yếu tố tư tưởng, nhà văn còn phải biết chuyển hoá tư tưởng đó vào tác phẩm một cách nghệ thuật. Các thủ pháp, biện pháp nghệ thuật mà nhà văn sử dụng phải thật sự phù hợp với tư tuởng, đem lại hiệu quả thẩm mĩ cao. Các tác giả khi nghiên cứu về Nam Cao cũng đã đánh giá cao nhà văn về phương diện sử dụng các biện pháp nghệ thuật, đặc biệt là lối hành văn, cách kết cấu tác phẩm, kiến tạo không gian, thời gian…

2.2. Đỗ Đức Hiểu, ở bài viết Hai không gian sống trong "Sống mòn", nhận xét: "Như vậy, sức năng động của Sống mòn, chính là sự xung đột giữa không gian xã hội ("xó nhà quê" và ngoại ô Hà Nội nhem nhuốc) và không gian tinh thần, mơ ước, không gian hồi tưởng, không gian khát vọng; Thứ vào Sài Gòn, nuôi giấc mộng đi Pháp, đến Mác – xây. Thứ chăm học, lúc nào cũng đọc sách, đọc để mở rộng tầm mắt ra không gian thế giới để nhìn sâu vào tâm hồn con người. Thứ "sẽ đi bất cứ đâu" "sẽ ra đi" "sẽ đi liều"; song hiện tại anh đang ở trên con tàu mang anh về "làng mạc xo ro" và "Hà Nội sẽ lùi, lùi dần", Hà Nội "vẫn lùi". "Sống tức là đã thay đổi..." [42; 178]. Đặc biệt, khi bàn đến nghệ thuật kiểu tiểu thuyết tự truyện trong Sống mòn, Đỗ Đức Hiểu nhấn mạnh: "Tiểu thuyết kiểu tự truyện này gợi người đọc nhớ đến Rutxô, nhà văn Pháp đầu tiên viết tự truyện trong Tự thú, gợi nhớ đến Gide, nhà văn đa dạng có ảnh hưởng sâu rộng trong văn xuôi Việt Nam 1930 – 1945: "Xê dịch", "bướm trắng", "cái đẹp thuần tuý", "sống là thay đổi", và ở Sống mòn, sự phá vỡ cái tầm thường, cái sáo mòn, cái đóng kín, cái tù hãm trong bản thân mỗi người; về một phương diện, tác phẩm Gide là văn chương của người trí thức đi tìm bản thân mình trên con đường vô tận. Sống mòn gây


xáo trộn, gây tình trạng bất ổn trong tâm tư con người, nó hé mở cuộc sống tự do, chân chính của người trí thức" [42; 181].

Trong bài Bút pháp tự sự đặc sắc trong "Sống mòn", Nguyễn Ngọc Thiện đã có một cách nhìn tập trung khá đầy đủ về Sống mòn từ đề tài, cốt truyện và một số thủ pháp nghệ thuật (lối kể chuyện, người kể chuyện, điểm nhìn trần thuật, sự vận động tâm lí v.v...). Tác giả khẳng định: "Cái độc đáo của giọng văn trong Sống mòn không phải là tự làm mình làm mẩy, uốn éo giả tạo, lên gân, căng mình ra trong cái thói đạo đức giả, mà là hàm chứa một nỗi đau nội tại, một lời trách cứ thâm trầm, một sự dằn vặt vì tin rằng cái nhân bản và lương tâm không phải là một điều gì xa lạ, phải cưỡng bức mới có thể tiếp nhận nổi.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 101 trang tài liệu này.

Đọc Nam Cao, nhiều lúc cứ phải thảng thốt giật mình: tác giả ít đề cập đến những biến cố trọng đại, mà đi sâu vào thế giới vi mô của đời sống bên trong, những điều nhỏ nhặt trong sinh hoạt gia đình, những cái rất vặt vãnh, đời thường. Nhưng sự phán xét lại nghiêm cẩn trong những điều nho nhỏ đó, từ đó có thể rút ra những bài học đạo đức, luân lí sâu xa. Những trang văn của Nam Cao hiện rõ hình ảnh về con đường, về quá trình tìm tòi căng thẳng, vật vã đầy ưu tư của con người lương thiện hướng về chân lí, công bằng, cái cao cả và điều lành, với một tinh thần nhân ái độ lượng".[42; 184].

Nhìn chung nhiều nhà nhiên cứu đã đánh giá cao đóng góp của Nam Cao nói chung và Sống mòn nói riêng đối với văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 trên các bình diện nội dung và nghệ thuật. Hầu hết các nhận xét đều tập trung ở việc cho thấy tác phẩm đã vẽ ra một bức tranh quẩn quanh, không đáng sống, làm mòn mỏi những kiếp người. Các tác giả nghiên cứu đều chỉ ra rằng, Sống mòn là tác phẩm về đề tài người trí thức, Nam Cao đã thông qua người trí thức để phản ánh về một xã hội mà ở đó quyền sống của con người bị chèn ép, miếng cơm manh áo trở thành nỗi ám ảnh ngay cả đối với người trí thức. Các ý kiến đánh giá về Sống mòn đa phần tập trung phân tích ở

Giá trị và vị trí của Sống mòn trong sự nghiệp viết của Nam Cao - 2


nhân vật Thứ - nhân vật trung tâm, điển hình trong tác phẩm. Ở Thứ toát lên tất cả những sự bần cùng, bức bối, những bức bách mà con người không thể chịu đựng được nổi. Cuộc sống thì ngưng trệ, mọi hoạt động diễn ra cứ quanh quẩn, đơn điệu, nhàm chán. Không gian để nhân vật hoạt động thì cũng lặp đi lặp lại. Hơn nữa, đó còn là không gian thiếu sự sống, một không gian không hứa hẹn sự tươi sáng trở lại. Thông qua việc phân tích các nhân vật trong tác phẩm, đặc biệt là nhân vật Thứ, phân tích các bình diện nghệ thuật khác, các tác giả đã đánh giá cao ngòi bút sắc sảo, tài năng của Nam Cao, đánh giá Nam Cao là tác giả đem đến một cách tiếp cận mới về hiện thực với tầm tư tưởng vượt thời đại.

Như vậy, chúng ta nhận thấy, các bài viết đã dành toàn bộ dung lượng để nói về Sống mòn hay chỉ nói đến Sống mòn trong quá trình phân tích toàn bộ tác phẩm Nam Cao đều đã chỉ ra được các đặc điểm cơ bản của tiểu thuyết trên bình diện nội dung tư tưởng và các biện pháp nghệ thuật đã được sử dụng... Nói chung là gần như các đặc điểm cơ bản của Sống mòn đều được nhìn nhận, phân tích. Tuy nhiên, chưa có bài viết nào đi thật sâu vào giá trị vị trí của tiểu thuyết Sống mòn trong sự nghiệp viết của Nam Cao nói riêng và văn học hiện thực phê phán nói chung, một cách hoàn chỉnh và sâu sắc. Nhận thấy khoảng trống đó, chúng tôi mạnh dạn triển khai đề tài với mong muốn tìm hiểu, tổng hợp và xác lập một cách có hệ thống, đầy đủ các nghiên cứu về Sống mòn. Đặc biệt bàn về giá trị của Sống mòn ở cả phương diện nội dung và nghệ thuật. Đồng thời khẳng định vị trí của Sống mòn là một kết thúc vẻ vang cho sự nghiệp viết của Nam Cao. Do vậy, một số kết luận, kết quả phân tích, tìm hiểu của chúng tôi, tất yếu sẽ có sự tương đồng nhất định với kết quả nghiên cứu của những người nghiên cứu trước. Và để triển khai được đề tài trong quá trình nghiên cứu chúng tôi sẽ kết hợp tìm hiểu phân tích các tác phẩm khác của Nam Cao cùng viết về người trí thức như Giăng sáng, Đời thừa, Mua nhà, Nước mắt, Lão Hạc,Truyện người hàng xóm...


3. Đối tượng nghiên cứu

Như tên đề tài đã xác định, đối tượng nghiên cứu của đề tài là "Giá trị và vị trí của tiểu thuyết Sống mòn trong sự nghiệp viết của Nam Cao".

4. Nhiệm vụ và mục đích nghiên cứu

Xác định Sống mòn có giá trị kết thúc vẻ vang sự nghiệp của Nam Cao và là đỉnh cao cuối cùng kết thúc trào lưu hiện thực xuất sắc của văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 trên phương diện nội dung và nghệ thuật.

5. Phương pháp nghiên cứu

Luận văn sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu sau:

- Phương pháp nghiên cứu lịch sử.

- Phương pháp phân tích, tổng hợp.

- Phương pháp so sánh, đối chiếu.

6. Đóng góp của luận văn

- Nghiên cứu một cách có hệ thống về giá trị và vị trí Sống mòn trong sự nghiệp của Nam Cao nói riêng và trào lưu văn học hiện thực 1930 – 1945 nói chung.

- Kết quả nghiên cứu đề tài có thể làm tài liệu tham khảo cho những người quan tâm nghiên cứu Nam Cao, yêu mến tác phẩm Sống mòn, đặc biệt là giáo viên ở các trường THPT.

7. Cấu trúc luận văn

Tương ứng với nhiệm vụ, mục đích đề ra, ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, luận văn của chúng tôi gồm ba chương:

Chương 1. Bối cảnh xã hội 1941 -1945, đời sống văn học và sự nghiệp sáng tác của Nam Cao.

Chương 2. Giá trị nội dung của Sống mòn. Chương 3. Giá trị nghệ thuật của Sống mòn.


Chương 1

BỐI CẢNH XÃ HỘI 1941 – 1945, ĐỜI SỐNG VĂN HỌC VÀ SỰ NGHIỆP SÁNG TÁC CỦA NAM CAO


1.1 Bối cảnh xã hội Việt Nam thời kì tiền Cách mạng 1941 - 1945

Xã hội Việt Nam thời kì tiền Cách mạng là xã hội phong kiến thực dân lộn xộn nhốn nháo, tàn bạo đầy bất công, ngang trái không mang lại niềm tin cho bất cứ ai. Điều này đã được phản ánh rất rõ trong sáng tác của các nhà văn như Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan,... và các sáng tác của Nam Cao. Con người bị đẩy đến tận đáy sâu của sự nghèo đói về vật chất, sự áp bức tận cùng về mặt tinh thần. Hẳn Nam Cao đã phải chứng kiến rất nhiều những cái chết, nhất là chết đói, cảnh những người đi ở bị chửi rủa, bị đánh đập. Tâm trạng bất an của mỗi con người có lẽ càng được tô đậm thêm bởi những thất bại của các phong trào yêu nước đầu thế kỉ.

Một sự kiện có lẽ tác động sâu sắc hơn nữa đến tâm hồn nhạy cảm của Nam Cao đó là chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ vào tháng 9 – 1939, với hàng chục triệu người chết, hàng chục triệu người bị thương. Xã hội Việt Nam lúc này là một địa ngục với sự xuất hiện của người Nhật, dân ta phải chịu cảnh "một cổ hai tròng", khắp nơi nạn đói hoành hành, bọn đầu trâu mặt ngựa tác oai tác quái, người chết hàng loạt và khủng khiếp nhất là nạn đói năm 1945 với hai triệu người chết đói. Và chính bản thân nhà văn cũng đã trực tiếp chịu hậu quả của nó khi cái trường tư mà ông đang dạy đã phải đóng cửa để lấy cơ sở làm chỗ nuôi ngựa cho quân đội Nhật. Như vậy thời đại của Nam Cao không chỉ có vấn đề cái nghèo đói, sự áp bức về mặt vật chất, thể chất mà rõ ràng đã có sự khủng hoảng đến tận cùng trong đời sống tinh thần của con người với một không khí tối tăm u ám ngột ngạt, tức nước vỡ bờ dẫn đến bùng nổ cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945.


Trước tình thế bi đát của lịch sử đất nước, trước thảm trạng thân phận của con người, là nhà văn vốn vô cùng nhạy cảm và luôn có những khát vọng tìm tòi cống hiến, Nam Cao đã nhận thức được một cách sâu sắc sự bấp bênh của kiếp người, và cảm thấy sự bất an không còn là tâm trạng của riêng ông, riêng tầng lớp ông, mà đã trở thành một tâm trạng chung của cả cộng đồng. Tất cả những điều đó đều thể hiện trên những trang viết của ông, đặc biệt là Sống mòn. Đó là những cơn đói vật vã, sự tha hoá của con người, là thứ không gian làng quê hay đô thị với vẻ u ám tù túng và mỏi mệt, là những cảnh sống trong âm thầm bóng tối, là những chuyến đi trễ nải mỏi mệt. Trong thế giới ấy, ta sẽ thấy hiện lên hình ảnh những nhà giáo, nhà văn câm lặng trong sự thui chột của tài năng và khát vọng, những con người sống phấp phỏng, bất an trong kiếp sống mòn mỏi...

1.2 Các khuynh hướng văn học

Trong bối cảnh xã hội như vậy, văn học hiện đại Việt Nam giai đoạn này đã có nhiều chuyển biến. Văn học Cách mạng rút vào bí mật nhưng vẫn phát triển mạnh mẽ. Thơ ca cách mạng trong tù và thơ ca cách mạng ngoài nhà tù phát triển. Văn học Cách mạng nói nhiều đến tương lai, một tương lai sáng sủa đang tiến gần. Thơ Tố Hữu là một tiếng nói khác với Thơ mới. Tập Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh cũng ra đời trong thời kì này. Đến giai đoạn này thơ tuyên truyền kết hợp với thơ trữ tình cách mạng càng thấm thía, sâu sắc hơn. Hàng loạt bài chính luận của đồng chí Trường Chinh xuất hiện trên các báo chí của Đảng vào thời kì này cũng có nhiều giá trị văn học. Có thể nói văn học Cách mạng trong những năm tiền khởi nghĩa góp phần quan trọng vào cuộc vận động cách mạng của Đảng, đập tan chế độ thuộc địa, giành thắng lợi trong những ngày tháng 8 lịch sử 1945.


Trào lưu văn học lãng mạn bao gồm các nhà thơ mới và chủ yếu là các cây bút văn xuôi Tự lực văn đoàn, vốn mang nội dung chủ yếu là khát vọng về một đời sống giải phóng cá nhân dựa trên cơ sở cảm nhận sâu sắc về cái tôi. Nhưng trong bối cảnh xã hội Việt Nam những năm 1941 – 1945, văn học lãng mạn đã đi vào bế tắc, cực đoan của đời sống cá nhân, đó là sự nhận thức về thực tế đáng chán của thực tại và ý thức chối bỏ bằng cách thoát li nó. Đó là khi Nguyễn Tuân viết Vang bóng một thời mong tìm lại những dấu ấn vàng son của lịch sử, những giá trị văn hoá cổ truyền của dân tộc. Văn xuôi lãng mạn vốn luôn có ý thức đấu tranh cho hạnh phúc cá nhân, nỗ lực chống lại lễ giáo phong kiến; cho đến lúc này, Tự lực văn đoàn lại viết về những trí thức mất phương hướng đi vào đời sống truỵ lạc như nhân vật Trương trong Bướm trắng của Nhất Linh.... Thơ mới khủng hoảng nghiêm trọng, với đủ các biểu hiện hỗn loạn: Thơ điên của Hàn Mặc Tử, thơ loạn, thơ say của Vũ Hoàng Chương. Tất cả đều là những hình thức cùng đường, bi quan và bế tắc của chủ nghĩa cá nhân.

Bên cạnh đó, văn học hiện thực từ chỗ trực diện phê phán giai cấp thống trị, bênh vực, cảm thông với những thân phận bị chà đạp như trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng (Số đỏ, Giông tố), Ngô Tất Tố (Tắt đèn). Đến giai đoạn này Vũ Trọng Phụng đã mất vì bệnh hiểm nghèo, Ngô Tất Tố không viết tiểu thuyết nữa chuyển sang khảo cứu dịch thuật. Một thế hệ nhà văn hiện thực mới ra đời: Nam Cao, Mạnh Phú Tứ, Nguyễn Lạp, Bùi Hiển, Kim Lân... Đặc biệt Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc của trào lưu văn học hiện thực Việt Nam. Sáng tác của ông thực sự là những “bức tranh” chân thực nhất về hiện thực xã hội đương thời; tác phẩm của ông vừa là lời kết tội đanh thép với bè lũ tay sai, thống trị, vừa là lời cảm thương, thông cảm cho số phận người dân sống trong xã hội bất công, đen tối.

Xem tất cả 101 trang.

Ngày đăng: 22/01/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí