4.1.3.1. Đối với ngành hàng cao su
- Về chế biến: Giữ ổn định diện tích cao su ở mức 800.000 ha – 900.000 ha hiện nay. Phát triển cao su mang tính bền vững, sử dụng giống cây cao su vừa lấy mủ vừa lấy gỗ phục vụ cho công nghiệp chế biến sản phẩm cao su và gỗ.
Khuyến khích đầu tư phát triển ngành cao su trong mối liên kết chuỗi (trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ cao su) để hình thành những tập đoàn, DN cao su tiên tiến, hiện đại, cụ thể:
Liên kết đầu tư chế biến sâu, phát triển các sản phẩm cao su công nghiệp (săm lốp, găng tay, đệm mút...) với các cơ sở chế biến cao su sơ chế;
Đầu tư xây dựng phòng phân tích, kiểm chứng chất lượng cao su tham chiếu quốc gia đạt tiêu chuẩn quốc tế.
- Về thị trường: Phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su (ANRPC), Hội đồng Doanh nghiệp Cao su Đông Nam Á (Asean Rubber Business Council - ARBC), Hội đồng Cao su quốc tế Ba bên (International Tripartite Rubber Council - ITRC) để điều tiết lượng cung cao su phù hợp với nhu cầu tăng trưởng của thế giới, hạn chế thấp nhất rủi ro về sự sụt giá giao dịch trên thị trường toàn cầu.
Tiếp tục duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Đa dạng hóa thị trường, mở rộng, phát triển các thị trường tiềm năng như Ấn độ, Châu Âu, Nhật bản, Hàn quốc, Đài Loan....
4.1.3.2. Đối với ngành hàng gỗ cao su
- Về chế biến: Đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, đẩy mạnh việc sản xuất và tái canh cao su có chứng chỉ quản lý rừng bền vững để đáp ứng nhu cầu gỗ cao su hợp pháp, chất lượng cao, đảm bảo đủ cho công nghiệp chế biến gỗ cao su.
Có thể bạn quan tâm!
- Tổng Hợp Đầu Tư Hạ Tầng Sản Xuất, Xã Hội Của Vrg Từ 2011 - 2018
- Đánh Giá Chung Sự Phát Triển Của Ngành Cao Su Việt Nam
- Định Hướng Và Giải Pháp Phát Triển Ngành Cao Su Trong Quá Trình Cnh, Hđh Nông Nghiệp, Nông Thôn Việt Nam Đến Năm 2030
- Giải Pháp Chuyển Đổi Số Để Tăng Cường Hiệu Quả Chuỗi Cung Ứng Ngành Cao Su Hướng Đến Phát Triển Bền Vững
- Phát triển ngành cao su Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đến năm 2030 - 22
- Phát triển ngành cao su Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đến năm 2030 - 23
Xem toàn bộ 224 trang tài liệu này.
Thiết kế và chuyển giao các mẫu sản phẩm đồ gỗ cao su mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, tiết kiệm nguyên liệu, tạo ra thương hiệu riêng biệt cho sản phẩm gỗ cao su Việt Nam.
Áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa để giảm chi phí lao động và tận dụng nguồn nguyên liệu đưa vào chế biến, đảm bảo độ đồng đều và ổn định của chất lượng sản phẩm.
Đầu tư các nhà máy chế biến gỗ có công nghệ tiên tiến và công suất phù hợp với từng vùng nguyên liệu rừng trồng. Khuyến khích đầu tư phát triển chế biến, tiêu thụ sản phẩm gỗ cao su trong mối liên kết chuỗi để hình thành những tập đoàn, DN chế biến gỗ tiên tiến, hiện đại.
- Về thị trường: Hợp tác, liên kết DN chế biến gỗ trong nước với các DN nước ngoài đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Xây dựng hệ thống thông tin điện tử, hỗ trợ DN chế biến gỗ cao su về thông tin thị trường, các quy định pháp lý về gỗ hợp pháp của các quốc gia; tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường tiềm năng như: Úc, Nga, Canada, Ấn Độ, châu Phi và Nam Mỹ.
Đẩy nhanh việc ký kết, phê chuẩn và thực hiện các thỏa thuận song phương và đa phương về sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ với các nước nhập khẩu.
4.2. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGÀNH CAO SU VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH CNH, HĐH NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2030
4.2.1. Giải pháp về quy hoạch và quản lý diện tích cao su gắn với CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn
Từ thực trạng phát triển ngành cao su và báo cáo của ANRPC cho thấy thị trường cao su thế giới có xu hướng dư cung và dần cân bằng lại trong giai đoạn 2017 - 2024, nhưng có khả năng thiếu hụt từ sau năm 2024 do các nước ngưng trồng mới trong thời kỳ giá thấp 2012 - 2019, sẽ tạo cơ hội cho giá cao su tăng trở lại. Mục tiêu của việc quy hoạch và quản lý diện tích cao su nhằm phát triển ngành cao su hiệu quả, đúng hướng, theo cung-cầu thị trường, xu hướng phát triển cao su của thế giới. Khai thác mọi tiềm năng, lợi thế của các yếu tố đầu vào cả về tự nhiên, xã hội, tối đa hóa hiệu quả kinh tế, xã hội và vai trò tích cực của ngành cao su trong tiến trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Thêm vào đó, diện tích cao su thanh lý để tái canh hoặc chuyển đổi sang các hoạt động kinh tế khác cũng rất cần được quy hoạch chặt chẽ để góp phần cân đối cung cầu cao su và ổn định nguồn nguyên liệu cao su và gỗ cao su cho sản xuất.
Để thực hiện giải pháp, việc rà soát và cập nhật kịp thời thực trạng sản xuất cao su là việc các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện nhằm phát huy tối đa năng suất và hiệu quả kinh tế, giảm rủi ro cho người trồng và nâng cao vai trò cây cao su trên cơ sở quy hoạch, quản lý diện tích, sản lượng cao su phù hợp với thị trường và điều kiện sinh thái, nhất là trong chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc, phục hồi rừng và bảo vệ rừng.
Các địa phương cần có kế hoạch rà soát một cách tổng thể diện tích trồng cao su của địa phương mình từ đó có chủ trương và biện pháp điều chỉnh quy hoạch phù hợp. Trên cơ sở đó thực hiện việc phê duyệt giao đất, cho thuê đất hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đơn vị, DN, hộ gia đình, trồng cao su theo quy hoạch và quy định của Luật đất đai. Quy hoạch phát triển cao su của địa phương phải phù hợp với trung ương, quy hoạch của cấp dưới phải là cơ sở để tham mưu cho việc hình thành quy hoạch của cấp trên. Trong quy hoạch cần tránh chồng lấn giữa các ngành, các lĩnh vực.
Việc các địa phương tăng cường thông tin cho nông dân biết về giá cả, tình hình sản xuất, tiêu thụ cao su trên thế giới và trong nước là cần thiết trong quá trình hoàn thiện, bổ sung quy hoạch và quản lý diện tích trồng cây cao su được hiệu quả. Có thể xem xét chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn đối với các vườn cao su nằm ngoài vùng quy hoạch, sinh trưởng kém, phát triển không đồng đều.
Các địa phương khuyến khích các hộ trồng cao su thuộc địa bàn quy hoạch thành lập hợp tác xã, hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh hay góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất với các DN trồng cao su. Như vậy những quỹ đất lớn phù hợp để trồng cao su và phát triển công nghiệp chế biến cao su sẽ được hình thành, góp phần đem lại lợi ích kinh tế xã hội cho cộng đồng cũng như các chủ thể tham gia như DN, hộ nông dân và địa phương.
Các địa phương, DN, hộ trồng cao su không nên tiếp tục mở rộng diện tích trong giai đoạn cung vượt cầu, giá mủ cao su không có lợi cho người sản xuất là việc các cơ quan quản lý nhà nước cần có khuyến cáo. Về giải pháp kỹ thuật, có thể giảm đầu tư phân bón, thay đổi chế độ cạo mủ để giảm chi phí nhân công đối với
những vườn cao su ở thời kỳ kinh doanh. Có thể khuyến cáo nông dân tiết giảm chi phí đầu tư và trồng xen, chăn nuôi để tăng thu nhập đối với cao su đang giai đoạn kiến thiết cơ bản. Có thể duy trì chậm mở miệng cạo đối với những diện tích cao su đã đến giai đoạn khai thác cũng như có thể thanh lý và chuẩn bị tái canh sớm những vườn cao su lớn tuổi. Phương châm cần quán triệt trong quá trình quy hoạch cao su là “không bằng mọi giá chạy theo số lượng diện tích”. Trong trước mắt và dài hạn, phải đánh giá lại diễn biến thị trường để xác định việc mở rộng hay thu hẹp diện tích trồng cao su. Những giải pháp quản lý kỹ thuật, thâm canh, tổ chức sản xuất hiệu quả từ DN đến các hộ tiểu điền trồng cao su cần thực hiện trên cơ sở khoa học để nhìn nhận, đánh giá lại quá trình sản xuất .
Quy hoạch và quản lý quy hoạch tốt sẽ tăng năng suất vườn cây, tối đa hóa hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, tính bền vững ngành cao su góp phần thúc đẩy nhanh tiến trinh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Hộp 8. Ý kiến chuyên gia -- 08 về xu thế phát triển ngành cao su
So với các cây trồng dài ngày khác, cây cao su có vai trò, vị trí đặc biệt trong quá trình xây dựng nông thôn mới và góp phần tích cực vào sự phát triển của đất nước, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước Đông Nam Á. Ngành cao su Việt Nam hiện nay đang phát triển hướng đến hợp nhất giữa công nghiệp sơ chế và chế biến cao su theo hướng phát triển bền vững trong chuỗi sản xuất gồm cao su, sản phẩm cao su, đồ gỗ cao su và khu công nghiệp dich vụ cao su nhằm tăng hàm lượng khoa hoc công nghệ, gia tăng giá trị sản phẩm bảo đảm hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, thúc đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn . Đây là xu hướng phát triển của ngành cao su các nước trên thế giới. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống và tất cả các thành phần tham gia chuỗi sản xuất cao su nếu không sẽ bị tụt hậu.
4.2.2. Giải pháp về quản lý chất lượng và cơ cấu chủng loại cao su
Mục tiêu của giải pháp này là nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định, đồng đều theo đúng tiêu chuẩn thế giới và phù hợp với nhu cầu thị trường. Kinh
nghiệm của ngành cao su ở một sô nước trên thế giới cho thấy: Với một diện tích trồng cây cao su hợp lý, thực hiện các quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt và cơ cấu chủng loại sản phẩm phù hợp, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng khắt khe của các DN trong và ngoài nước thì tổng giá trị thu được từ cao su cao hơn nhiều so với việc phát triển diện tích trồng cao su đại trà nhưng năng suất thấp, việc kiểm soát chất lượng lỏng lẻo với những tiêu chuẩn, quy chuẩn lạc hậu không theo kịp với sự phát triển của công nghệ. Do đó quản lý chất lượng và cơ cấu chủng loại sản phẩm cao su phù hợp là một trong những giải pháp cần có sự quan tâm đúng mức. Để thực hiện giải pháp:
- Xem xét thành lập Hội đồng Cao su hoặc Ban Điều phối ngành Cao su. Ngoài các cơ quan quản lý nhà nước trong Hội đồng hoặc Ban Điều phối cần có sự tham gia, hỗ trợ của hiệp hội ngành hàng và các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực sơ chế, chế biến cao su để quản lý, giám sát chứng nhận chất lượng sản phẩm và phê duyệt việc cấp giấy phép cho các nhà máy.
- Cần vận dụng các văn bản pháp luật được ban hành về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá để sớm hình thành những văn bản pháp lý về hệ thống quản lý chất lượng cao su cấp quốc gia trên cơ sở của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (2007) và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (2006).
- Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3769:2016 (đối với cao su khối), TCVN 6314:2007 (đối với cao su ly tâm) cần được chuyển thành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để có tính bắt buộc áp dụng tại Việt Nam đối với tất cả các tổ chức, DN và cá nhân có liên quan.
- Cần có tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở chế biến cao su để yêu cầu các nhà máy chế biến cao su phải tuân thủ những quy định về công nghệ, quy trình kỹ thuật từ khâu tiếp nhận, kiểm tra nguyên liệu đầu vào đến khâu sản phẩm đầu ra. Sản phẩm phải kèm giấy kiểm phẩm chất lượng và giấy chứng nhận hợp quy của những cơ quan, tổ chức được Nhà nước công nhận.
- Các nhà máy cao su cần thành lập phòng kiểm phẩm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật trên cơ sở kiểm chứng của Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam hoặc tiêu chuẩn VILAS. Nhãn cao su tiêu chuẩn SVR và nhãn “Viet Nam Rubber”của thương hiệu
Cao su Việt Nam chỉ được phép sử dụng với những nhà máy có sản phẩm cao su đạt tiêu chuẩn quốc gia.
- Việc không sử dụng những hóa chất cấm, hóa chất có hại trong quy trình bảo quản, sơ chế, chế biến cao su phải được tuân thủ.
- Ngoài việc không sử dụng hóa chất bị cấm trong canh tác và bảo quản cao su, tiểu điền trồng cao su và người cạo mủ cũng cần học hỏi thêm kỹ năng trồng, chăm sóc và cạo mủ cây cao su đúng quy trình kỹ thuật. Trong quá trình cạo mủ không để lẫn tạp chất và phải lưu trữ mủ chén, mủ đông và mủ tạp trong điều kiện sạch sẽ. Thu hoạch mủ và bán liền trong ngày là thói quen cần hạn chế, để tránh bị ép giá mủ nước khi phải bán trong ngày, có thể chuyển một phần sang sơ chế tại chỗ mủ tờ chưa xông khói.
Quản lý chất lượng sản phẩm tốt và cơ cấu chủng loại cao su phù hợp sẽ ổn định được khâu tiêu thụ với giá bán cao, nâng cao hiệu quả, uy tín, thương hiệu của DN.
4.2.3. Giải pháp tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất và tiêu thụ cao su
Ngành chế biến cao su phát triển thuận lợi nhờ sự hỗ trợ phát triển sản xuất cao su với nguồn nguyên liệu dồi dào.Tuy nhiên ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển chế biến sâu, tăng cao tỉ lệ hàm lượng chất xám trong sản phẩm mới là yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững ngành cao su. Ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật nhằm mục tiêu tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cao su, phát triển nhanh chế biến sản phẩm cao su công nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu và tăng tiêu thụ nội địa, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành.
Để thực hiện giải pháp, ngành cao su cần:
- Có chính sách tập trung hỗ trợ cho công tác nghiên cứu và phát triển. Thông qua Quỹ Khoa học Công nghệ của quốc gia, của các tỉnh và các nguồn ngân sách, có thể đặt hàng Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, các viện nghiên cứu và các trường đại học trong nước các đề tài nghiên cứu về giống và công nghệ sản xuất, chế biến sản phẩm cao su...
- Thường xuyên tham gia các hội thảo khoa học, kỹ thuật về sản xuất, ché biến với các tổ chức cao su quốc tế như Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su (ANRPC), Tổ chức Nghiên cứu Cao su quốc tế (International Rubber Study Group) để nắm bắt các thông tin, khoa học công nghệ tiến bộ ứng dụng cho ngành cao su Việt Nam.
- Tăng cường hợp tác với các nước để phát triển ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chế biến cao su, hạ giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả đầu tư.
- Đẩy nhanh cơ giới hóa, tự động hóa trong khai thác, chế biến các vùng cao su tập trung nhằm tăng nhanh năng suất lao động và hiệu quả của ngành cao su.
- Trích lập Quỹ Nghiên cứu-Phát triển riêng của các DN và thành lập các đơn vị hay bộ phận nghiên cứu-phát triển (R&D) để nghiên cứu phát triển công nghệ chế biến cao su, tăng cường liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu trong hoạt động ứng dụng công nghệ mới đối với ngành cao su.
Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong sản xuất và chế biến sẽ tăng năng suất vườn cây cả mủ và gỗ cao su, thúc đẩy phát triển nhanh công nghiệp chế biến cao su, qua đó tăng lượng chế biến cao su nội địa, tăng giá trị cao su, tối đa hóa hiệu quả ngành cao su.
4.2.4. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực
Nguồn lực con người, vốn, tài nguyên thiên nhiên, cơ sở vật chất - kỹ thuật, khoa học - công nghệ là những yếu tố cơ bản để quyết định sự thành công và phát triển của DN.
Ngành cao su là ngành thâm dụng lao động và có kỹ thuật nghiệp vụ. Với quy mô diện tích 941.300 hec-ta, ngành cao su Việt Nam có khoảng 400.000 lao động vườn cây và hơn 100.000 lao động cho các ngành công nghiệp chế biến sản phẩm cao su và gỗ cao su với khoảng 263.876 hộ gia đình tham gia trồng và khai thác cao su (VRA, 2019). Nếu không có kế hoạch chuẩn bị cho nguồn nhân lực, sẽ có tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng, cả lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Điều này đã là vấn đề của ngành cao su Thái Lan khi phải tuyển dụng lao động nhập cư để đối phó với vấn đề thiếu hụt lao động (Preecha Nobnorb và Wanno Fongsuwan, 2014) [89].
Mục tiêu của giải pháp về nguồn nhân lực là nhằm đào tạo, nâng cao tay nghề người lao động, trình độ quản lý và tính sáng tạo của đội ngũ cán bộ kỹ thuật đáp ứng nhu cầu đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và chế biến các sản phẩm cao su.
Để thực hiện được mục tiêu trên cần thực hiện một số yêu cầu sau:
- Cần có chính sách ưu đãi đối với lao động nông nghiệp trong ngành cao su để họ nhận được các lợi ích nhiều hơn hoặc ít nhất tương đương với tiêu chuẩn, chế độ của người lao động các ngành nghề khác.
- Đào tạo cán bộ quản lý kỹ thuật trong nước thông qua Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su và cử đi nước ngoài đào tạo chuyên sâu cho cán bộ khuyến nông các huyện và các DN trong vùng quy hoạch cao su.
- Đào tạo chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cho các hộ tiểu điền, các DN nhỏ, thay đổi tác phong làm việc, nâng cao trình độ cho lao động ngành cao su ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
- Tuyển chọn lực lượng lao động trẻ và con em đồng bào dân tộc học các trường kỹ thuật nghiệp vụ của ngành cao su để phục vụ sản xuất tại địa phương.
- Có chế độ, chính sách đãi ngộ đặc biệt cho cán bộ trẻ có học vấn tại các vùng sâu, vùng xa trong các vùng quy hoạch phát triển cao su.
- Bố trí, sắp xếp tạo điều kiện ổn định cuộc sống lâu dài cho người lao động, đặc biệt là đồng bào người dân tộc tại chỗ.
- Hợp tác với các nước trong khu vực về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên ngành cao su.
Nguồn nhân lực là nhân tố quyết định việc khai thác, sử dụng và tái tạo tất cả các nguồn lực. Phát triển nguồn nhân lực sẽ đảm bảo được ổn định sản xuất trong dài hạn, đáp ứng được các nhu cầu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để hiện đại hóa SX- KD, nâng cao tính cạnh tranh và phát triển bền vững ngành cao su.