Người Trí Thức Trong Quan Hệ Với Gia Đình Và Làng Quê


vào hùa với San trộn sạch đĩa đậu để trêu tức Oanh. Khi thấy San được Dung quý mến và có cảm tình thì Thứ ganh tị, so đo vì y nghĩ một người như y xứng đáng có được tình cảm ấy hơn San. Khi nhận được tin Đích bị bệnh nặng, khó lòng qua khỏi thì phần “con” trong Thứ lộ ra “Thứ chẳng rỏ giọt nước mắt nào”, thậm chí tàn nhẫn hơn là thầm mong cho Đích chết “giá Đích chết ngay đi”. Để rồi, Thứ đau đớn “tột cùng” và đã khóc cho sự ra đi, cằn cỗi của tâm hồn mình. Như vậy với đồng nghiệp: San, Đích, Oanh hàng ngày họ cùng nhau lao động, phải suy tư vật lộn với cuộc sống, với những tính toán khắt khe dẫn đến đố kị và ghen ghét. Họ đều là những con người có học, có lí tưởng nhưng cuộc sống không phải là một mặt bằng để con người muốn gì cũng được. Nên họ mãi nghèo đói, thất nghiệp, chết mòn, chết dần, dằn vặt lẫn nhau. Nhưng qua đó người trí thức như Thứ có cơ hội nhìn lại mình, rồi tự vấn lương tâm và cảm thấy hối hận. Chính sự tự vấn và hối hận, xấu hổ với bản thân là nét cơ bản tạo nên đặc trưng hiện thực Nam Cao, và chủ nghĩa nhân đạo Nam Cao.

Trong mối quan hệ với đồng nghiệp, người trí thức của Nam Cao có cơ hội nhìn nhận lại chính mình, cố gắng vươn lên một cuộc sống tốt đẹp hơn. Và như trên đã nói, nhân vật trí thức của Nam Cao khác so với người trí thức trong các sáng tác của Tự lực văn đoàn, họ không phải là người sống cách biệt với nhân dân. Họ là những nhà giáo, nhà văn sống vừa ở tỉnh, vừa ở quê. Thứ trong Sống mònđã có lúc đi xa vào tận Sài Gòn, "kiếm ăn bằng rất nhiều nghề, kể cả những nghề mà những người tự xưng là trí thức không làm. Y trà trộn với phu phen, với thợ thuyền. Y mặc bà ba đi chích thuốc hít ở nhà thương...". Thứ xem đó là những năm tháng đẹp đẽ, có ý nghĩa nhất trong cuộc đời mình. Chung quanh Thứ, bên cạnh cái trường tư thục ngoại ô Hà Nội, ngoài mối quan hệ đồng nghiệp còn có cả những người dân lao động nghèo khổ, chạy ăn từng bữa: Gia đình ông Học chuyên làm nghề đậu phụ, họ


có một mái ấm với hạnh phúc đơn sơ, đó là những tiếng cười của trẻ thơ, của bà vợ khi nghe ông Học thổi kèn tàu để giải trí; là Mô, anh "loong toong" của nhà trường được tác giả nhắc đến nhiều lần trong truyện; là gia đình một anh phu xe; một chị vú em không hay ngủ ngồi vá áo suốt đêm; là những bà Ngã, ông Hai Mợn, Cô Viên, Tiền, Hiền trong Truyện người hàng xóm...Đó là những người buộc phải rời quê ra tỉnh để kiếm miếng cơm, để tìm công việc làm ăn. Nhập vào đời sống của thợ thuyền, phu phen, của những người buôn thúng bán mẹt, của những con sen đứa ở, người trí thức tiếp tục thấu hiểu hơn những túng đói, khổ đau và bế tắc. Cái xóm ngoại ô có tên "xóm Bài Thơ" trong Truyện người hàng xóm gồm những "dãy nhà lá đóng cửa, thấp lè tè, cái nhô ra, cái thụt vào. Những mái lá xác xơ trông tiều tuỵ như những cái nón rách trên gáy những người ăn mày ngồi xúm xít với nhau, ngủ gục cho đỡ lạnh". Cái ngoại ô không lúc nào yên nghỉ bởi "nỗi khổ cực chưa chịu ngủ - Nó nhảy nhót, nó quằn quại, nó rên rỉ, nó nghiến ngấu một lần chót như một con bệnh vật vã chán, cho đến lúc không còn hơi sức mới chịu nằm yên mà thiếp đi...". Sống cuộc sống những con người lao động nghèo khổ này, những trí thức tiểu tư sản sẽ có điều kiện nhìn rõ bản thân mình hơn. Trong cảnh ngộ chung mà nhân dân lao động phải chịu đựng, và nhất là trong sự so sánh với số phận những người nghèo khổ hơn mình, tâm trạng những nhân vật trí thức như Thứ, Hiền, Lộc rõ ràng sẽ bớt phần ảm đạm hơn. Bởi vì cuộc sống của người trí thức tiểu tư sản tuy có bấp bênh, song vẫn chưa có gì đáng sợ bằng cuộc đời những người lao động. Họ sẽ không có lí gì mà bi quan tuyệt vọng, trong khi người lao động khổ cực hơn họ nhiều mà vẫn biết sống nhân ái, kiên trì và tin tưởng.

Và hơn thế, trong mối quan hệ với nhân quần, khi gắn cảnh ngộ và số phận mình với lớp người lao khổ nông thôn và thành thị, người trí thức của Nam Cao như muốn chia sẻ với họ những thống khổ càng lúc càng đè nặng.

45

Thật cảm động và xót xa khi nghe câu chuyện giữa nhà văn Lộc với Hiền và Tiền trong Truyện người hàng xóm:

"...Anh Hiền này! Anh thì bán sức làm việc của anh đi để kiếm ăn. Tôi thì tôi bán chiếc óc của tôi để sống; còn Tiền, không thể bán óc hay bán sức chân tay, thì bán những cái vuốt ve, bán tuổi xuân của mình cho thiên hạ để không chết đói. Rút cục lại thì: úm ba la! Ba ta cùng khổ cả!"

Nhìn lại toàn bộ cảnh sống của những người trí thức và tầng lớp lao động nghèo thành thị, ta thấy hiện lên những trang đời đặc sắc trong văn Nam Cao. Trong bức tranh đó ta sẽ có dịp mở rộng và thấm thía thêm một hiện thực bi thảm - hiện thực "Nửa đêm" (tên một truyện ngắn của Nam Cao) những năm tiền Cách mạng, đồng thời yêu mến và thêm cảm phục tài năng của Nam Cao - một nhà văn hiện thực xuất sắc trong văn học Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 101 trang tài liệu này.

2.4.2. Người trí thức trong quan hệ với gia đình và làng quê

Đã bao lần người trí thức kiểu Nam Cao phải quặn lòng khi nghĩ đến gia đình. Nhờ vào sự chắt chiu, sự hy sinh của cả cái đại gia đình luôn luôn túng đói ấy mà họ mới có được cái chữ, để nhích lên trên, để nhìn xa hơn đám quần chúng thất học quanh mình. Do vậy, hình ảnh xuất hiện trở đi trở lại nhiều lần trong văn Nam Cao đó là cảnh sống nông thôn lúc nào cũng âm thầm lạnh lẽo.

Giá trị và vị trí của Sống mòn trong sự nghiệp viết của Nam Cao - 7

Thứ trong Sống mòn luôn nghĩ đến cái làng quê của anh bao giờ cũng nghèo xơ xác, trong đó có hiện lên khuôn mặt những người thân yêu ruột thịt của mình, từ người già đến trẻ em không được ăn no mà mỗi ngày chỉ được ăn một bữa cầm chừng, lúc nào cũng âu sầu vì túng đói, vì nợ nần, vì thiên tai lụt bão, vì trăm thứ tai vạ. Đó là kỷ niệm về gia đình trong bữa cơm ngày đói với hình ảnh bà ngoại nuốt nước bọt thầm, hay một đứa em lấm lét nhìn trộm nồi cơm để ước lượng xem nó có còn hy vọng được thêm một lượt xới nữa


chăng... Kỷ niệm ấy bao nhiêu lần đã trở về trong trí óc nhân vật Thứ; Hay sự đặc cách với bát cơm lồng buổi chiều vợ giành cho chồng, mỗi lần Thứ bưng bát cơm mà "nước mắt ứa ra, miếng cơm nghẹn lại, y phải duỗi cổ ra để nuốt và thiếu chút nữa là y đã oà lên khóc" [6; 584].

Và cái làng quê in dấu bao nhiêu kỉ niệm sầu tủi cả một đời Thứ, mỗi lần về thăm nhà vừa thương nhớ vừa bực giận, mỗi lần ra đi vừa bực giận vừa lưu luyến không nỡ rời xa vì những nỗi lủng củng, bất hoà giữa bố mẹ, vợ con. Những gương mặt thân yêu sầu não của bà ngoại già nua, người vợ hiền và đàn em khiến lòng Thứ không khỏi quặn thắt lại. Đó cũng là nguồn an ủi, là niềm tin, điểm tựa tinh thần cho Thứ.

Như vậy, mối quan hệ với gia đình sẽ giúp cho tinh thần trách nhiệm đối với cuộc sống của người trí thức được củng cố lại sau những lúc sa sút về tinh thần, sau những đợt "giận cá chém thớt". Nhà văn Hộ trong Đời thừa sau những cơn say cũng đã có lúc tỉnh táo lại, nhận ra những lỗi lầm của mình, khi nhìn vào khuôn mặt nhẫn nhục, bạc mệnh một đời của vợ. Cơn hối hận toả ra làm cho lòng anh dịu hẳn. "Kẻ mạnh chính là kẻ biết đỡ người khác trên đôi vai của mình"; mỗi người trong họ đều còn lắm duyên nợ với đời, còn bao nhiêu mối dây ràng buộc họ không thể vứt bỏ tất cả. Điều quan trọng họ không phải là người nhẫn tâm, dửng dưng trên đau khổ của người khác, dù đôi khi họ vẫn mơ ước: "Giá người ta vẫn có thể nghĩ đến mình mà chẳng thiệt gì đến ai" (Mua nhà). Hay cảnh vợ chồng Thứ sau những cơn giận hờn làm khổ nhau rồi lại làm lành với nhau, "người ta yêu nhau nhưng bao giờ cũng làm khổ nhau", giận hoặc thương vẫn chỉ một giọng sầu tủi, biết là không thể xa nhau được: "Cuộc sống phũ phàng. Đời thì buồn mà kiếp người thì khổ lắm. Đời Thứ và đời Liên không dưng cũng đủ buồn, đủ khổ lắm rồi. Sao họ còn muốn gây buồn, gây khổ cho nhau nữa". Thật não nuột biết bao cảnh hai vợ chồng Thứ nhìn nhau trước lúc chia tay, "những con mắt rất ảo


não, rất ngậm ngùi, thương lẫn cho nhau, nói với nhau tất cả nỗi buồn mênh mông của đời mình". Họ buồn rầu nhìn bóng nắng chậm chạp nhích trên thềm như muốn níu lấy từng giây phút gần nhau. Ta hiểu vì sao trong quan hệ với nhân quần, tâm hồn của những Thứ, Điền, Hộ đang bỏng cháy lên vì những uất ức tủi hờn trong cuộc đời, lại có lúc dịu hẳn đi và trong trẻo ngọt ngào như một dòng suối mát.

Ngôi làng Đại Hoàng nghèo xơ xác và những kỉ niệm tuổi thơ không chỉ một lần xuất hiện trong những trang văn của Nam Cao mà nó còn theo ông suốt cuộc đời. Đó là một cái làng quê u tịch đôi khi như chết lặng vì cái nắng trưa gay gắt của mùa hè, xao xác vào những ngày thu, tơi tả vào mùa mưa bão, quạnh vắng vào những đêm trăng...Không có chủ định tả cảnh (so với Tô Hoài, Nam Cao ít tả cảnh) nhưng làng quê trong sáng tác của Nam Cao vẫn hiện lên thật sống động, bởi nó luôn luôn gắn với những mảnh đời, những số phận bất hạnh của người nông dân nghèo. Họ phải chịu đựng những oan ức bất công, để cứ thế mà câm lặng nín nhịn hoặc vùng vẫy chống trả một cách tuyệt vọng. Có thể nói, Nam Cao đã góp thêm một màu sắc mới cho bức tranh về làng quê Việt Nam những năm tiền cách mạng - đó là sắc xám, là nỗi lo cứ trĩu dần lên của cái đói, những cái chết đói theo nhiều kiểu khác nhau: cảnh chết no, cảnh chết treo, cảnh chết ăn bả độc, chết vì say và điên khùng...Cứ như thế, dường như Nam Cao đã linh cảm trước cái nạn đói khủng khiếp hai triệu người chết năm 1945. Chính bản thân gia đình ông, con gái út của ông cũng là nạn nhân trong số đó. Như vậy với tâm thế là người trong cảnh ngộ, Nam Cao đã viết về làng quê mình với biết bao xót xa đau đớn.

Hơn thế, tình yêu sâu nặng với quê hương, gia đình còn được nhà văn gửi gắm vào bút danh - Nam Cao. Những kỷ niệm đẹp của thời ấu thơ, những mảnh đời đầy đau xót từ bao người thân đều được ghi lại trong văn của ông thật thấm thía. Kể chuyện dì Hảo, con nuôi bà Xã Vận, Nam Cao nhớ đến mẹt


bánh đúc ngon, gắn với tuổi trẻ thích ăn quà vặt của con nhà nghèo: "Có lẽ lúc sinh tôi ra, ông trời đã định cho tôi một cái kiếp chẳng giàu sang, nên phú sẵn cho tôi cái tính thích những món ăn rẻ tiền của những người nghèo túng. Lúc có tôi thì nhà tôi chẳng còn nghèo. Thế mà tôi cứ thấy ăn cơm gạo đỏ, thổi khô khô, rồi rau muống luộc chấm tương ngon hơn cơm tám với thịt đông, mà cái bánh đúc xay nấu khéo còn đậm vị gấp nghìn lần cái bún tuy trắng, tuy mềm nhưng nhạt bép..." (Dì Hảo).

Hoà mình vào quần chúng để càng thấm thía hơn những túng đói, khổ đau của mọi người, xoá bỏ sự cách biệt với quần chúng; tri âm với gia đình và quê hương, người trí thức kiểu Nam Cao như được tiếp thêm sức mạnh trong cuộc đời nhiều bi kịch để sống tốt hơn. Đó cũng chính là động lực để sau Cách mạng tháng Tám, ông là người sớm giác ngộ và một lòng đi theo phụng sự cho kháng chiến.


Chương 3

GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT CỦA SỐNG MÒN


3.1. Nghệ thuật phân tích tâm lí và đúc kết triết lí bậc thầy

3.1.1. Nghệ thuật phân tích tâm lí của Nam Cao

Như chúng ta đã biết, Nam Cao không phải là nhà văn đầu tiên đặt nền móng cho văn xuôi Việt Nam đi vào khai thác chiều sâu tâm lí nhân vật. Từ những năm 1930, tâm trạng của một số nhân vật khao khát yêu đương tự do và trăn trở trong những bi kịch gia đình đã được miêu tả qua một số tác phẩm của Tự lực văn đoàn (Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, Gánh hàng hoa, Lạnh lùng...). Đặc biệt tiểu thuyết Ngày mới của Thạch Lam đã chú ý việc khai thác và miêu tả tâm lí nhân vật, nhưng tâm lí nhân vật của Thạch Lam nhiều khi bị chi phối và phát triển theo ý định chủ quan của tác giả. Do đó sắc thái tâm lí không thật đa dạng, và sự diễn biến tâm lí dễ bị gò ép.

Phải đến sáng tác văn xuôi của Nam Cao thì nghệ thuật phân tích tâm lí có những bước phát triển mới. Hoàn cảnh xã hội của thời kì Đại chiến thế giới thứ hai bị xáo trộn dữ dội và ngột ngạt tù đọng. Sự xáo trộn này là do những biến động của một xứ sở bị chiến tranh tàn phá, và tình trạng u uất nặng nề dưới hai tầng áp bức của Pháp - Nhật. Áp lực của môi trường đã đẩy các nhân vật vào hoàn cảnh bị phân hoá và biến chất. Những kiểu người cầm cự một cách kiên trì mệt mỏi với hoàn cảnh xã hội để tự bảo vệ chính phẩm chất của mình đã tạo nên biết bao trạng thái tâm lí phong phú phức tạp. Mơ ước của tuổi trẻ về nghề nghiệp và tương lai; những lăn lộn với đời sống khó khăn, cơ cực; sự nhận rõ và thấu hiểu bản chất của cuộc sống và nỗi thất vọng đến đau đớn của cá nhân, đó là những dấu ấn mới của hiện thực giai đoạn này. Là một nhà văn của chủ nghĩa hiện thực tâm lí, Nam Cao có khuynh hướng tìm vào nội tâm, đi sâu vào thế giới tinh thần của con người. Ông có biệt tài miêu tả,


phân tích tâm lí nhân vật. Tâm lí nhân vật trở thành trung tâm chú ý, là đối tượng trực tiếp của ngòi bút Nam Cao. Ông tỏ ra sắc sảo trong việc phân tích và diễn tả những trạng thái, những quá trình tâm lí phức tạp, những hiện tượng dở khóc dở cười, mấp mé ranh giới giữa thiện và ác, giữa hiền và dữ, giữa con người với con vật. Những trạng thái tâm lí trên biểu hiện ở hai loại nhân vật chủ yếu: người lao động và người trí thức tiểu tư sản.

Người lao động trong sáng tác của Nam Cao bộc lộ nhiều trạng thái tâm lí u uất. Đó là tâm trạng như bị nén lại trong câm lặng của dì Hảo (Dì Hảo). Người phụ nữ này không thể không có những suy nghĩ đau đớn xót xa về cảnh ngộ của riêng mình. Dì Hảo đã nén lại để nhẫn nại chịu đựng; Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên, sống trong tuổi già cô đơn, con cái đi xa. Lúc trò chuyện tâm tình với ông giáo và những khi vắng vẻ lại chỉ biết tâm sự với con chó có tên là cậu Vàng để vợi đi nỗi buồn chứa chất trong lòng nhưng rồi cũng phải bán nó; Trạng thái tâm lí biến chất, buồn chán khi bị con người và xã hội vùi dập vào bước đường cùng dẫn đến phá phách, vô mục đích trong cuộc sống, buông xuôi mệt mỏi dẫn đến tự sát của Chí Phèo trong Chí Phèo; Tâm trạng và sự tha hoá biến chất ở Mô trong Sống mòn khi bà mẹ vợ bị xe cán gãy chân, phải vào nhà thương "Mặt nó sưng lên, như giận dỗi ai. Nó giận trời, giận đời, giận mẹ vợ, giận ông tổ, giận chiến tranh, giận tất cả mọi người"; "chây lười và bướng bỉnh"[6; 736]. Trong Sống mòn, ta thấy còn xuất hiện bức chân dung tinh thần của những người ở nhà quê nghèo khó vất vả, quanh năm lo làm ăn lam lũ, suy tính cũng với mục đích làm sao kiếm ra nhiều tiền, làm sao cho khoẻ mạnh, hàng ngày lao động vất vả để lo miếng cơm manh áo cho gia đình. Cuộc sống lao động chân tay vất vả đã đành, thế mà họ lại phải nặng tâm với những suy nghĩ và sự đối xử với mọi người. Cuộc đời bà ngoại của Thứ chất chưa biết bao sự buồn tẻ, mỏi mệt của con người trong cuộc sống. Bà lấy phải người chồng cờ bạc, không quan tâm vợ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/01/2024