Người Trí Thức, Một Trong Hai Chủ Đề Lớn Mà Nam Cao Theo Đuổi


Chương 2

GIÁ TRỊ NỘI DUNG CỦA SỐNG MÒN


2.1. Người trí thức, một trong hai chủ đề lớn mà Nam Cao theo đuổi

2.1.1. Người nông dân trong quá trình bần cùng hoá và lưu manh hoá

Nam Cao là nhà văn của nông thôn, mỗi tác phẩm của ông là một lời tố khổ chân thực và cảm động về cuộc sống tối tăm, thê thảm của người nông dân. Nhà văn luôn tỏ thái độ trân trọng, xót thương đối với những người nông dân nghèo bần cùng hoá.

Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, lại ở một vùng quê mà bọn cường hào chia bè kéo cánh "cá lớn nuốt cá bé", đục khoét bóc lột người dân, Nam Cao am hiểu thấm thía một cách sâu sắc số phận những người nông dân nghèo khổ.

Nông thôn trong tác phẩm Nam Cao là nông thôn Việt Nam vốn triền miên trong bần cùng, giờ đây đang tiến tới thảm hoạ khủng khiếp 1945. Đó là lúc mà xã hội Việt Nam đang chao đảo, ngột ngạt và bế tắc nhất. Đời sống của người nông dân bị đe doạ hơn bao giờ hết. Viết về người nông dân trong thời kì cùng quẫn bế tắc này, Nam Cao cố gắng nhìn sâu vào bản chất của sự vật, và bày tỏ thái độ đồng cảm, xót thương đối với những tâm hồn lao khổ. Không giống một số các nhà văn lãng mạn khác, Nam Cao không nhìn người nông dân với con mắt khinh bỉ, giễu cợt nhưng cũng không thi vị hoá, lý tưởng hoá họ. Trái tim, giàu lòng yêu thương nhân đạo và sự hiểu biết sâu sắc về con người, đời sống nông thôn đã giúp Nam Cao vẽ lên được những hình tượng người nông dân hết sức sinh động. Từ làng quê nghèo đói xơ xác của mình, nhà văn đã khái quát lên cả một thực trạng nông thôn Việt Nam đang trong thời kì nhức nhối. Đọc sáng tác của Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, chúng ta từng bắt gặp những con người bị đẩy đến chân tường phải sống cảnh


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 101 trang tài liệu này.

"kiến bò trong chảo nóng" và đã chứng kiến không ít những số phận éo le. Nhưng đến Nam Cao, cảnh nghèo, cái đói thấm thía qua từng trang sách khiến người đọc cứ day dứt mãi không nguôi về bi kịch của những con người bị đẩy đến tận đáy sâu thẳm của xã hội.

Như ta đã biết, phần lớn truyện ngắn viết về đề tài nông dân của Nam Cao ra đời vào những năm tiền Cách mạng. Do vậy dấu ấn về một thời kì đen tối của xã hội in đậm trong nhiều truyện ngắn của Nam Cao. Vẫn là những chủ đề quen thuộc như nhiều nhà văn hiện thực khác cùng thời: đời sống khó khăn, thóc cao gạo kém, con người phải vật lộn để kiếm sống; nhưng trong tác phẩm của Nam Cao, cái đói như một sức mạnh vô hình thít chặt lấy số phận người nông dân.

Giá trị và vị trí của Sống mòn trong sự nghiệp viết của Nam Cao - 4

Bà cái Tí trong Một bữa no sống lay lắt, vật vờ với tuổi già và bệnh tật. Bà lê lết đi làm thuê, làm mướn với cái sức vóc không bằng người khác làm cố, cũng đủ cho chủ nhà ngứa mắt. Thế là bà bị đuổi việc, bị đói, ăn xin miết rồi người ta cũng không cho. Bà nghĩ đến và ao ước đến cái chết chứ không phải ao ước được sống vì sống là khổ, là nhục. Thật tội nghiệp cái "sáng suốt" của bà lão đã nghĩ ra cách là đi kiếm một bữa no để rồi bội thực mà chết đầy đau đớn. Vì thế dù bị bà phó Thụ mắng như tát nước vào mặt, bà lão đành "cúi đầu, như một con mẹ ăn cắp lúa, bị tuần sương tóm được". Khi người ta lườm nguýt thì bà cũng mặc: "Vậy thì bà cứ ăn, ăn đến kì no. Đã ăn rình thì ăn ít cũng là ăn. Đằng nào cũng mang tiếng rồi thì dại gì mà chịu đói?"

Dần trong Một đám cưới là cô gái lớn lên trong cảnh nghèo khó, từ bé phải đi ở cho địa chủ. Mẹ mất, mới mười lăm tuổi Dần đã phải quán xuyến việc nhà giúp bố. "Nhưng ông giời hình như không muốn cho bố con Dần ngóc đầu lên. Cuộc sống ngày một khó thêm. Gạo kém, thóc cao. Ngô, khoai cũng khó chuốc được mà ăn". Cái đói buộc phải tính, bố Dần thu xếp gửi hai đứa con nhỏ cho nhà hàng xóm để lên rừng kiếm ăn, còn Dần thì cho cưới.


Đó là một đám cưới chạy đói, không đón đưa, không may mặc, không cỗ bàn, một đám cưới có 6 người cả nhà gái nhà trai: "cả bọn đi lùi lũi trong sương lạnh và bóng tối như một gia đình xẩm lẳng lặng dắt nhau đi tìm chỗ ngủ...".

Đó là cảnh lão Hạc ăn bả chó tự tử để tránh chết đói. Đứa con trai của lão Hạc vì nghèo mà bỏ đi cao su chỉ còn một con chó vàng là nguồn an ủi duy nhất trong cuộc sống của lão, thì cuối cùng lão cũng đành phải bán nốt. Tưởng chừng cuộc sống tàn bạo lần đẩy con người đến thế cùng như vậy sẽ thủ tiêu hết mọi mầm mống tốt đẹp lương thiện trong một con người!... Nhưng thoáng một cái, sự việc bỗng dưng xảy ra, cái chết vật vã của lão Hạc đã làm cho Nam Cao hiểu, cái chết tràn đầy một thứ tình hy sinh cao cả. Bao nhiêu vốn liếng tích luỹ được lão Hạc chỉ muốn để dành lại nguyên vẹn cho con, lão sợ hao hụt đi vì những tiêu phí vô ích cho cái đời tàn của mình trong khi cuộc sống chung quanh không còn hy vọng gì có thể sống được. Truyện Lão Hạc cũng như nhiều thiên truyện khác của Nam Cao đều có sức gợi lên cho chúng ta cái cảm giác buốt xót lên vì sức đè quá nặng nề của cuộc đời cũ, của cái đói.

Và còn biết bao truyện thương tâm về người nông dân bị đày đoạ nhục nhằn xung quanh cái đói (Dì Hảo, Trẻ em không được ăn thịt chó, Nghèo, Từ ngày mẹ chết, Đòn chồng, Điếu văn...). Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng chung quy lại là cảnh nghèo, và cái chết của họ mang một ý nghĩa tố cáo xã hội sâu sắc. Nam Cao đã miêu tả một cách thấm thía và cảm động về những số phận bần cùng hoá của người nông dân lương thiện.

Trong mảng đề tài về nông dân, bên cạnh loại nhân vật nông dân bần cùng hoá thì còn có những nhân vật nông dân bị lưu manh hoá mặc dù bị đẩy vào hoàn cảnh khốn cùng nhưng họ vẫn vươn lên chống lại sự tha hoá. Và tiêu biểu hơn cả cho loại nhân vật này là Chí Phèo (Chí Phèo). Viết về họ, Nam Cao muốn kết án sâu sắc xã hội tàn bạo đã tàn phá cả về thể xác và linh


hồn người nông dân lao động, đồng thời cũng phát hiện và khẳng định bản chất lương thiện đẹp đẽ của họ ngay trong khi họ bị vùi dập mất cả hình người, tính người như một hiện tượng chống lại sự tha hoá.

Đọc Chí Phèo, ta thấy buồn thương cho những kiếp người không còn được sống cuộc sống tối thiểu của con người. Đời Chí Phèo là một đời say triền miên "tràn từ cơn này sang cơn khác". Trong mỗi cơn say Chí Phèo chửi rủa lung tung nhưng càng phá phách lại càng huỷ hoại thêm đời mình. Chí Phèo chỉ muốn giết người để đi ở tù, "đi ở tù còn có cơm mà ăn bây giờ về làng, về nước một thước cắm dùi không có". Có thể nói Chí Phèo là tiêu biểu cho lớp người nông dân lao động bị bần cùng hoá, trên quá trình phân hoá đã đi theo con đường lưu manh hoá. Trong cơn say triền miên Chí Phèo đã trở nên mất phương hướng, trở thành tay sai của bọn thống trị trong làng và là nỗi lo sợ của bao gia đình vô tội khác. Bên cạnh việc miêu tả quá trình tha hoá của Chí Phèo do hoàn cảnh xã hội tạo nên, với đôi mắt sắc sảo, đầy nhân ái, Nam Cao còn phát hiện được trong tâm hồn cằn cỗi đó những nét đẹp đẽ lương thiện còn xót lại. Trong đáy sâu tâm hồn của Chí Phèo, vẫn còn có những đốm sáng lương thiện mà hoàn cảnh đen tối của xã hội chưa thể dập tắt hết được. Sự gặp gỡ với Thị Nở và bát cháo hành ấm nóng tình người đã đánh thức dậy những tình cảm, những khát khao xưa kia của Chí. Chí muốn làm người lương thiện, muốn hoà nhập với xã hội loài người biết bao. Thị Nở sẽ mở đường cho Chí Phèo. Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được. Họ cũng sẽ thấy rằng hắn không thể làm hại được ai. Họ sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện.... Như vậy, Thị Nở đã đến với Chí Phèo như một tia chớp, đánh thức trong Chí những lương tri và tình cảm trong sáng của người nông dân. Nhưng rồi cái tia chớp ấy vụt tắt, và với Chí Phèo tất cả lại là một đêm tối mênh mông không lối thoát. Xã hội thực dân phong kiến không mở đường cho Chí


quay về với cuộc sống bình thường ngay cả khi Chí khao khát nhất, tỉnh táo nhất. Cuối cùng không còn biết sống như thế nào Chí đành liều quẫy mạnh một cái, có quẫy rồi chết cũng còn hơn chết mòn, chết mỏi trong những tai hoạ cứ dồn ép mãi không biết đến bao giờ cho hết được.

Như vậy trước Cách mạng tháng Tám có ít nhà văn hiểu được mọi ngõ ngách sâu kín, những hy sinh thầm lặng mà cao quý trong tâm hồn người nông dân như Nam Cao. Đó chính là chỗ mạnh đưa cái tài của nhà văn lên đến vị trí đỉnh cao, nhưng trước hết là ở cái tâm "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" tức là ở tấm lòng tri âm của nhà văn đối với người nông dân nghèo khổ.

2.1.2. Người trí thức tiểu tư sản nghèo trong vật lộn với cuộc mưu sinh và bế tắc về đời sống tinh thần

Sinh ra ở nông thôn, nhưng Nam Cao sống nhiều với tầng lớp tiểu tư sản nghèo ở thành thị. Là nhà văn nghèo kiêm thầy giáo dạy trường tư thường xuyên bị thất nghiệp "phải bán dần sự sống của mình cho khỏi chết đói", Nam Cao am hiểu sâu sắc cuộc sống của những con người này. Tác phẩm của ông đã ghi lại trung thực cuộc sống quẩn quanh, mòn mỏi bế tắc của người trí thức tiểu tư sản, đồng thời phản ánh một thời kì xã hội đen tối ngột ngạt trước Cách mạng tháng Tám, tiêu biểu là những sáng tác nổi tiếng như: Giăng sáng, Đời thừa, Nhìn người ta sung sướng... đặc biệt là tiểu thuyết Sống mòn. Với những tác phẩm này, Nam Cao không chỉ diễn tả một cách sinh động tình trạng sống dở, chết dở của họ mà còn khám phá ra những tấn bi kịch tinh thần có tầm cỡ thời đại. Đó là bi kịch của người trí thức có ý thức sâu sắc về giá trị của sự sống, muốn làm nên một sự nghiệp tinh thần cao cả, nhưng phải vật lộn với cuộc mưu sinh và kết cục bị cuộc sống tàn nhẫn đó đẩy vào Đời thừa, Sống mòn.

Điền trong Giăng sáng không một phút nào "không phải nghĩ đến tiền. Óc Điền đầy những lo nghĩ nhỏ nhen. Một đôi khi chợt nhớ lại cái mộng xưa, Điền lại thở dài. Điền tự an ủi: có tiền rồi sẽ viết. Nhưng Điền biết chẳng bao


giờ Điền viết nữa, bởi chắc chắn là suốt đời Điền cũng không có tiền". Cái ý nghĩ ngao ngán ấy toả một vùng bóng đen u ám lên cái truyện có tên Giăng sáng. Và kết thúc truyện sẽ là cảnh Điền ngồi viết "giữa tiếng con khóc, tiếng vợ gắt gỏng, tiếng léo xéo đòi nợ ngoài đầu xóm. Và cả tiếng chửi bới của một người láng giềng ban đêm mất gà".

Nếu Giăng sáng cho ta thấy hình ảnh chính bản thân Nam Cao trong cơn vật lộn với cuộc sống mưu sinh để viết văn thì ở Đời thừa là sự sa ngã cả về thể xác và tinh thần của Hộ trước hoàn cảnh. Là một nhà văn từng ấp ủ nhiều hoài bão nghề nghiệp, là một người mang danh là có học thức, nên đã có một cử chỉ hào hiệp dang tay cứu vớt một người đàn bà bị ruồng bỏ, sau này sẽ là vợ của Hộ. Nhưng do quá chật vật vì sinh kế, Hộ chạy theo cách viết dễ dãi để kiếm tiền. "Trước kia, với cách viết thận trọng của hắn, hắn chỉ kiếm được vừa đủ một mình hắn sống một cách eo hẹp, có thể nói là cực khổ". Còn bây giờ, khi đã có một gia đình cần phải đỡ vực "hắn phải cho in nhiều cuốn văn viết vội vàng. Hắn phải viết những bài báo để người ta đọc rồi quên ngay sau lúc đọc". Cảm nhận rõ sự hư hỏng đó, Hộ thấy mình là một "thằng khốn nạn", một "kẻ bất lương", '"một kẻ vô ích, một người thừa". Đó là nguyên cớ đẩy Hộ vào tâm trạng buồn chán khủng khiếp, và để quên đi nỗi buồn anh la cà vào quán rượu, trong cơn say anh hành hạ đánh đập vợ con một cách vũ phu...Như vậy trước những khó khăn của đời sống, nhà văn Hộ đã rơi vào hai cái chết: thể xác và tinh thần.

Viết về đề tài này, Nam Cao đặc biệt đi sâu vào bi kịch tâm hồn của người trí thức nghèo, đặt ra những vấn đề có ý nghĩa xã hội vượt ra khỏi phạm vi của đề tài. Do vậy, bên cạnh những nhân vật trí thức như nhà văn Điền, Hộ cần bổ sung hình ảnh nhân vật là nhà giáo để hoàn chỉnh bức chân dung người trí thức tiểu tư sản nghèo trong vật lộn với cuộc mưu sinh và bế tắc về đời sống tinh thần. Thứ trong Sống mòn là một thanh niên được học hành, có hoài bão, chí hướng. Sau khi lấy được bằng Thành chung, y vào Sài Gòn tìm kế

25

mưu sinh. Nhưng sau 3 năm, nghèo khó, bệnh tật, y phải về quê, chịu cảnh thất nghiệp. Sau đó Thứ lại lên Hà Nội làm thầy giáo trường tư mong thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ ở quê nhà. Thứ hết lòng vì công việc nhưng việc nhiều mà chỉ được trả những đồng lương còm cõi, lại bị bớt xén khẩu phần ăn hằng ngày, y khó chịu, chán nản, đôi khi muốn trả miếng nhưng rồi tự cảm thấy xấu hổ và ân hận. Y nhận thấy cuộc sống của mình và những người xung quanh chẳng có ý nghĩa gì. Kiếp sống nghèo khổ đã thui chột ước mơ, hoài bão và đẩy y đến cảnh “sống mòn”. Y trở nên ti tiện với bạn bè, nhỏ nhen với vợ. Cho đến khi có nguy cơ trường vỡ, y mới vỡ lẽ là ngay cả cái kiếp làm thuê đó, cái cảnh "sống mòn" mà y đang cưỡng lại đó, cũng còn là cần thiết để có cái mà nương tựa. Mất luôn cả cái chân giáo khổ trường tư, y sẽ lại bị hất ra lề đường. Y phải về quê ăn bám vợ. Thứ chua chát hình dung đời mình sẽ mục ra, và sẽ “chết mà chưa kịp sống”.

Tất cả những Thứ, Điền, Hộ họ đều ao ước trở thành nhà văn có tên tuổi, khao khát trở thành nhà giáo tận tuỵ với nghề. Nhưng trong quá trình nhập cuộc với đời, tiếp xúc với thực tế khắc nghiệt, trải qua những cuộc vật lộn kiếm sống, họ bị quăng quật nhừ tử cả thể xác lẫn tinh thần.

Như vậy, Nam Cao là nhà văn của những người trí thức nghèo, của những kiếp "sống mòn" có hoài bão, có tâm huyết tài năng, muốn vươn lên cao nhưng lại bị chuyện áo cơm ghì sát đất. Nếu như mỗi tác phẩm viết về đề tài người nông dân của Nam Cao đều là sự trả ơn, gửi gắm ân tình với người nghèo khổ thì mỗi trang viết về đề tài người trí thức đều chứa đựng tâm sự, nỗi đau và niềm khát khao cháy bỏng của chính nhà văn.

2.2. Khát vọng sống và cống hiến của người trí thức kiểu Nam Cao

2.2.1. Khát vọng sống cao đẹp của người trí thức kiểu Nam Cao

Mỗi con người chúng ta sinh ra đều mong muốn sẽ tạo cho mình một cuộc sống tươi đẹp, là một người có ích cho gia đình, xã hội và cao hơn nữa là


khát vọng xây dựng một xã hội phát triển, giàu mạnh văn minh. Để đạt được điều đó, chúng ta phải nỗ lực hành động, phấn đấu không ngừng. Bản thân nhà văn Nam Cao là con người như vậy. Xuất thân trong một gia đình nghèo đông anh em, duy nhất chỉ mình Nam Cao được học hành và lĩnh cái sứ mệnh đi học để có công ăn việc làm và đỡ vực cả một gia đình lam lũ đói nghèo. Nam Cao từng làm nhiều nghề để kiếm sống và đến với văn chương đầu tiên vì mục đích mưu sinh. Trong quá trình viết văn ông đã bộc lộ rõ những quan điểm nghệ thuật hết sức tiến bộ và gửi gắm tư tưởng của mình vào những nhân vật trí thức như là Hộ (Đời thừa), Điền (Giăng sáng), Thứ (Sống mòn)... Tất cả họ đều có chung một con đường xuất thân. Đó là tình cảnh chung của một số đông thanh niên trong những gia đình có thể gọi là hơi có "máu mặt" ở thôn quê muốn cho con mình vượt khỏi cuộc đời bức bối, trói buộc của ông cha. Rời bỏ cái làng quê nghèo túng chật hẹp với những tục lệ khắt khe, họ nhập cuộc vào xã hội mới sôi động của chốn thị thành. Mang theo nhiều ước mơ của tuổi trẻ, họ bất chấp tất cả những khó khăn của thực tại. Họ mong ước một lẽ sống lớn, khao khát một cuộc sống sâu sắc, mãnh liệt có ích và có ý nghĩa.

Hộ trong Đời thừa hằng tâm niệm: "Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thoả mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của mình"; và mơ ước viết một tác phẩm "chứa đựng một cái gì lớn lao", một tác phẩm có giá trị chung cho cả nhân loại, đem lại lòng yêu thương lẫn nhau giữa con người. Hộ từng thốt lên một cách cuồng nhiệt: "Đói rét không nghĩa lí gì đối với một gã tuổi trẻ say mê lý tưởng. Lòng hắn đẹp. Đầu hắn mang một hoài bão lớn"... Yêu nghề, mải mê vì nghề, hy sinh mọi thứ vì nghề, tuy không đặt nghề viết cao hơn mọi nghề. "Tạng người y không cho y cầm súng cầm gươm. Y sẽ cầm bút mà chiến đấu" [6; 542]. Đó là suy nghĩ trong một lúc bốc hứng lên của nhà giáo thất nghiệp trong Sống mòn. Nhân vật Thứ đã chịu cực khổ làm nhiều nghề để mong sao được đi du học,

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/01/2024