đầu được hình thành như một khoa học riêng và giá trị trở thành khái niệm trung tâm của giá trị học. Hiện nay, khái niệm giá trị được sử dụng trong nhiều ngành khác nhau như: kinh tế học, tâm lý học, đạo đức học, xã hội học…với nhiều nghĩa rộng, hẹp khác nhau.
Xung quanh khái niệm giá trị cũng có nhiều quan niệm khác nhau tùy thuộc cách tiếp cận hay theo mục đích nghiên cứu.
Tiếp cận từ góc độ đạo đức học, giá trị được xem xét trong phạm vi đời sống đạo đức của con người. Giá trị đạo đức chính là những thái độ, hành vi, lối sống được con người lựa chọn, được đánh giá là có ý nghĩa tích cực đối với đời sống xã hội, phù hợp với những chuẩn mực đạo đức của xã hội trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.
Tiếp cận từ góc độ triết học:
Giá trị là những thành tựu của con người góp vào sự phát triển đi lên của lịch sử xã hội, phục vụ cho lợi ích và hạnh phúc của con người. Giá trị xuất hiện từ mối quan hệ xã hội giữa chủ thể và đối tượng, nghĩa là từ thực tiễn và chiến đấu của con người xã hội. Giá trị vì thế được xác định bởi sự đánh giá đúng đắn của con người, xuất phát từ thực tiễn và được kiểm nghiệm qua thực tiễn [136, tr.10].
Từ điển Bách khoa toàn thư Xô viết định nghĩa:
Giá trị là sự khẳng định hoặc phủ định ý nghĩa của các đối tượng thuộc thế giới xung quanh đối với con người, giai cấp, nhóm hoặc toàn bộ xã hội nói chung. Giá trị được xác định không phải bởi bản thân các thuộc tính tự nhiên, mà là bởi tính chất cuốn hút (lôi cuốn) của các thuộc tính ấy vào phạm vi hoạt động sống của con người, phạm vi các hứng thú và nhu cầu, các mối quan hệ xã hội, các chuẩn mực và các phương thức đánh giá ý nghĩa nói trên được biểu hiện trong các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức, trong lý tưởng, tâm thế và mục đích [Dẫn theo 136, tr.51-52].
Từ nhiều cách định nghĩa khác nhau về giá trị, có thể thấy những điểm
chung của các định nghĩa. Đó là:
Có thể bạn quan tâm!
- Lối Sống Mới - Lối Sống Xã Hội Chủ Nghĩa, Xây Dựng Lối Sống Mới Ở Việt Nam Hiện Nay
- Tầm Quan Trọng, Nội Dung Xây Dựng Lối Sống Mới Cho Sinh Viên Việt Nam Trong Bối Cảnh Toàn Cầu Hóa Hiện Nay
- Nội Dung Cơ Bản Của Việc Xây Dựng Lối Sống Mới Cho Sinh Viên Hiện Nay
- Vai Trò Của Giá Trị Đạo Đức Truyền Thống Dân Tộc Đối Với Việc Xây Dựng Lối Sống Mới Cho Sinh Viên Trong Bối Cảnh Toàn Cầu Hóa Hiện Nay Giá Trị
- Toàn Cầu Hóa Và Tác Động Của Nó Đến Việc Phát Huy Giá Trị Đạo Đức Truyền Thống Trong Xây Dựng Lối Sống Mới Cho Sinh Viên Hiện Nay
- Thực Trạng Việc Phát Huy Giá Trị Đạo Đức Truyền Thống Dân Tộc Trong Xây Dựng Lối Sống Mới Cho Sinh Viên Việt Nam Trong Bối Cảnh Toàn Cầu Hóa Hiện Nay
Xem toàn bộ 180 trang tài liệu này.
- Giá trị là ý nghĩa của những sự vật, hiện tượng vật chất hay tinh thần có khả năng thỏa mãn nhu cầu tích cực của con người và góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
- Giá trị mang tính lịch sử khách quan - do yêu cầu của thực tiễn trong
đó con người sống và hoạt động.
- Giá trị được xác định trong mối quan hệ thực tiễn của con người, được xác định bởi sự đánh giá đúng đắn của con người, xuất phát từ thực tiễn và được kiểm nghiệm qua thực tiễn.
Cho nên, "nói đến giá trị tức là muốn khẳng định mặt tích cực, mặt chính diện, nghĩa là đã bao hàm quan điểm coi giá trị gắn liền với cái đúng, cái tốt, cái hay, cái đẹp; là nói đến cái có khả năng thôi thúc con người hành động và nỗ lực vươn tới" [17, tr.16].
Hình thức biểu hiện của giá trị rất phong phú, đa dạng tùy thuộc vào sự đa dạng trong nhu cầu của con người. Do đó, các giá trị được chia thành giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Giá trị vật chất biểu hiện rõ trong đời sống kinh tế, còn giá trị tinh thần biểu hiện ở tư tưởng, đạo đức, văn hóa, nghệ thuật... Giá trị tinh thần được chia thành các loại cơ bản như: giá trị khoa học, giá trị đạo đức, giá trị thẩm mỹ, giá trị chính trị. Tuy nhiên, sự phân biệt này chỉ có ý nghĩa tương đối vì các giá trị này có liên hệ, tác động qua lại với nhau. Một phát minh nào đó được đánh giá là có giá trị khoa học thì cũng có thể chứa đựng trong đó cả giá trị đạo đức.
Như vậy, giá trị là nhằm chỉ việc đánh giá những thành quả lao động sáng tạo về vật chất và tinh thần của con người. Nó có tác dụng định hướng, đánh giá và điều chỉnh các hoạt động xã hội nhằm vươn tới cái đúng, cái tốt đẹp, vì một xã hội phát triển bền vững, văn minh và tiến bộ.
Giá trị đạo đức là một trong những yếu tố cấu thành hệ thống các giá trị tinh thần của đời sống xã hội. Giá trị đạo đức là những chuẩn mực, những khuôn mẫu lý tưởng, qui tắc ứng xử được lựa chọn nhằm điều chỉnh và đánh giá hành vi ứng xử giữa con người với con người, con người với xã hội.
Chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội của con người nhưng sự điều chỉnh này dựa trên cơ sở tự nguyện, tự giác của các chủ thể hoạt động. Cho nên, giá trị đạo đức được đánh giá là có ý nghĩa tích cực đối với đời sống xã hội, được lương tâm đồng tình, dư luận biểu dương. Giá trị đạo đức biến đổi theo sự biến đổi của đời sống xã hội.
Giá trị đạo đức, xét theo chiều thời gian (lịch đại) có thể phân thành giá trị đạo đức truyền thống và giá trị đạo đức hiện đại. Giá trị đạo đức truyền thống là sản phẩm của quá trình phát triển lâu dài của lịch sử dân tộc, đó chính là những giá trị đạo đức tốt đẹp được thể hiện trong những chuẩn mực đạo đức phổ biến, có tác động tích cực tới cộng đồng, điều chỉnh quan hệ giữa cá nhân và xã hội để tạo nên sự thống nhất hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội...
Truyền thống, xét về mặt đặc trưng, là những gì mang tính ổn định, đã được cộng đồng thừa nhận và ăn sâu vào tâm lý, tập quán xã hội từ thế hệ này sang thế hệ khác của dân tộc. Khi nói đến truyền thống cần phân biệt những truyền thống lạc hậu, lỗi thời cần phải khắc phục, loại bỏ; còn những truyền thống tốt đẹp, những truyền thống tạo nên các giá trị và bản sắc riêng cần phải được duy trì, bảo tồn và phát triển, Giáo sư Trần Văn Giầu gọi là giá trị truyền thống.
Giá trị đạo đức truyền thống chính là những giá trị tốt đẹp, thể hiện trong những chuẩn mực đạo đức phổ biến, có tác động tích cực tới cộng đồng, điều chỉnh hành vi cá nhân cũng như mọi mối quan hệ trong xã hội, được đông đảo thừa nhận, mang tính ổn định tương đối và ăn sâu vào tâm lý, tập quán xã hội từ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác của dân tộc.
Vì vậy, có thể nói, giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc là những phẩm chất đạo đức đặc thù nhất, bản chất nhất, đặc trưng cho cốt lõi văn hóa, tinh thần của dân tộc, góp phần tạo nên cốt cách, lối sống của cộng đồng dân tộc đó.
Phát huy giá trị đạo đức truyền thống
Phát huy là tạo điều kiện và làm cho cái tốt, cái đẹp, cái hợp lý tỏa tác dụng và tiếp tục nảy nở, phát triển thêm. Trên cơ sở đó phát huy giá trị đạo đức truyền thống là làm cho những giá trị chuẩn mực, cái hay, cái đẹp, cái có ý nghĩa và đã được khẳng định trong đời sống tiếp tục tồn tại, thích nghi và phát triển theo thời gian. Đây là hoạt động có tính kế thừa, bao gồm việc bảo tồn những giá trị đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát triển chúng trong điều kiện lịch sử mới. Việc phát huy giá trị đạo đức truyền thống cần bảo đảm các yêu cầu: thứ nhất là tạo sự thống nhất trong đa dạng về bản sắc văn hóa; thứ hai là chú trọng đến việc bảo tồn bản sắc dân tộc; thứ ba là phát huy giá trị đạo đức truyền thống phải đặt trong mối quan hệ với yếu tố đối lập. Nhận diện mặt phản đạo đức, phản văn hóa, mặt đối lập với giá trị để dần dần loại bỏ khỏi tiến trình phát triển; thứ tư là đặt phát huy giá trị trong quan hệ với kinh tế. Việc xây dựng và phát triển kinh tế cần nhằm mục tiêu cuối cùng là văn hóa, là đạo đức, là tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện. Đạo đức không chỉ là kết quả của kinh tế mà còn là mà phải là động lực của sự phát triển bền vững về kinh tế. Mặt khác, việc phát triển đạo đức phải trên nền tảng kinh tế, xem kinh tế là môi trường để giá trị đạo đức được phát huy. Phải từ tính quyết định của cái thứ nhất đối với cái thứ hai.
Các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc
Nói đến các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc ta là nói đến đặc thù của đạo đức Việt Nam với những phẩm chất tốt đẹp đã hình thành và được lưu truyền, chọn lọc, kế thừa từ thế hệ này đến thế hệ khác. Đó là các giá trị nhân văn mang tính cộng đồng, tính ổn định tương đối, thể hiện trong các chuẩn mực mang tính phổ biến có tác dụng điều chỉnh hành vi của con người.
Trong hệ thống các giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam có không ít những giá trị mà chúng ta có thể thấy ở các dân tộc khác bởi lẽ trong cái dân tộc bao giờ cũng có cái nhân loại và cái dân tộc không thể đứng ngoài cái nhân loại. Tuy nhiên, cái làm nên sự đặc thù, độc đáo, nét riêng trong các giá trị truyền
thống đạo đức chỉ có ở Việt Nam chính là được tạo nên bởi những điều kiện tự nhiên đặc thù, hoàn cảnh lịch sử - xã hội mà dân tộc Việt Nam đã trải qua.
Do đó, việc nghiên cứu để xác định các giá trị đạo đức truyền thống dân
tộc đã được rất nhiều các nhà khoa học quan tâm.
GS Trần Văn Giàu cho rằng, giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam bao gồm: yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa [43, tr.94].
GS Vũ Khiêu cho rằng, trong những truyền thống quý báu của dân tộc, nổi bật lên nhất là truyền thống đạo đức và khẳng định truyền thống đạo đức cao đẹp của dân tộc ta bao gồm: lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết, lao động cần cù và sáng tạo; tinh thần nhân đạo, lòng yêu thương và quý trọng con người, trong đó yêu nước là bậc thang cao nhất trong hệ thống giá trị đạo đức của dân tộc [67, tr.74-86].
Theo kết quả nghiên cứu về "Con người Việt Nam - mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội" (KX.07) cũng đã bước đầu khẳng định: cốt lõi của các giá trị truyền thống là đạo đức, phẩm chất nhân cách con người Việt Nam bao gồm: tinh thần yêu nước, vì nghĩa, lòng thương người [22, tr.32-34].
Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay, khẳng định: "Những giá trị văn hóa truyền thống vững bền của dân tộc Việt Nam là lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng sâu sắc, đạo lý "thương người như thể thương thân", đức tính cần cù, vượt khó, sáng tạo trong lao động... [26, tr.19]. Nghị quyết Hội nghị lần thứ V, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một lần nữa khẳng định:
Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan
dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống... [27, tr.56].
Dựa trên những quan điểm của các nhà khoa học cũng như của Đảng ta, có thể cho rằng các giá trị đạo đức truyền thống cơ bản của dân tộc ta bao gồm:
- Chủ nghĩa yêu nước.
- Lòng nhân ái, bao dung.
- Ý thức cộng đồng, tinh thần đoàn kết.
- Truyền thống cần cù, tiết kiệm, sáng tạo trong lao động, tinh thần lạc quan.
- Lòng dũng cảm, bất khuất.
- Tinh thần hiếu học.
Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử, các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cũng hình thành gắn liền với những điều kiện lịch sử cụ thể. Đó là kết quả của quá trình tiếp thu sáng tạo tinh hoa tư tưởng nhân loại, văn hóa lớn của thế giới để nâng cao những giá trị đạo đức của dân tộc mình. Trong hệ thống giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, chủ nghĩa yêu nước là "tiêu điểm của các tiêu điểm, giá trị của các giá trị" [43, tr.94], là "động lực tình cảm lớn nhất của đời sống dân tộc, đồng thời là bậc thang cao nhất trong hệ thống giá trị đạo đức của dân tộc ta" [67, tr.74].
Chủ nghĩa yêu nước là tình yêu đối với đất nước, lòng trung thành với Tổ quốc biểu hiện ở khát vọng và hành động tích cực để phục vụ cho Tổ quốc. Yêu nước là tình cảm phổ biến của nhân dân các dân tộc trên thế giới.
V.I. Lênin đã từng khẳng định: "Chủ nghĩa yêu nước là một trong những tình cảm sâu sắc nhất đã được củng cố qua hàng trăm, hàng nghìn năm tồn tại của các tổ quốc biệt lập" [81, tr.226]. Song, sự hình thành sớm hay muộn, nội dung cụ thể, hình thức và mức độ biểu hiện của nó tùy thuộc vào điều kiện lịch sử đặc thù của từng dân tộc.
Lịch sử Việt Nam đã cho thấy sức mạnh to lớn của chủ nghĩa yêu nước
của nhân dân ta. Mỗi người dân Việt Nam đều đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên
hết, khi có giặc ngoại xâm thì sẵn sàng hy sinh thân mình vì vận mệnh của đất nước, lúc hòa bình thì biết chăm lo xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước - đây là những minh chứng đầy sức thuyết phục. Lòng yêu nước đã trở thành triết lý sống, triết lý nhân sinh, trở thành chủ nghĩa yêu nước. GS Trần Văn Giàu đã khẳng định:
Chủ nghĩa yêu nước là sản phẩm của bản thân lịch sử Việt Nam, được bắt đầu từ tình cảm tự nhiên của mỗi người đối với quê hương mình tiến lên thành lý tưởng và hệ thống tư tưởng làm chủ của nhận thức đúng sai, tốt xấu, nên chăng và chỉ đạo rất nhiều phương lược xây dựng và bảo vệ nước nhà [43, tr.17].
Chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam được hình thành, trải qua nhiều thử thách và khẳng định qua sự thăng trầm của lịch sử, được bổ sung và phát triển qua từng thời kỳ, là một trong những giá trị truyền thống cao quý và bền vững nhất của dân tộc ta. Chủ nghĩa yêu nước là "sợi chỉ đỏ xuyên qua toàn bộ lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại" [43, tr.100] là "dòng chủ lưu của đời sống Việt Nam, trở thành một dạng triết lý xã hội và nhân sinh trong tâm hồn Việt Nam" [73, tr.63]. Như vậy, yêu nước trở thành mạch tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt, chi phối đời sống đạo đức, tinh thần, là chuẩn mực đạo đức, triết lý nhân sinh, kim chỉ nam định hướng hoạt động cho con người Việt Nam.
Truyền thống yêu nước của dân tộc ta bao giờ cũng gắn bó chặt chẽ với
lòng thương yêu và quý trọng con người, coi con người là thứ đáng quý nhất.
Lòng nhân ái, bao dung là truyền thống mang giá trị đạo đức của dân tộc ta. Từ ngàn xưa, trong cuộc sống lao động sản xuất cũng như trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, người Việt Nam đã sống hết lòng vì nghĩa cả, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau để cùng vượt qua khó khăn, gian khổ... Những tình cảm này đã trở thành triết lý sống đầy chất nhân văn, nhân ái: “Thương người như thể thương thân”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo”, “Lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”... những tư tưởng này được nhân dân ta tôn trọng giữ gìn và chuyển giao qua các thế hệ, trở thành một truyền thống đạo đức tốt đẹp của Việt Nam.
Lòng thương người truyền thống của dân tộc ta còn bao hàm cả lòng vị tha với những kẻ lầm đường lạc lối, biết lập công chuộc tội, trở về với chính nghĩa “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại” và "mở đường hiếu sinh" với kẻ thù một khi chúng đã bị thất bại.
Như vậy, lòng nhân ái yêu thương con người là một trong những truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta, đó là nguồn gốc, là cơ sở sâu xa và bền vững của chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, chủ nghĩa nhân đạo hiện thực.
Ý thức cộng đồng, tinh thần đoàn kết là nhân tố tinh thần được bắt nguồn từ chủ nghĩa yêu nước và nó trở thành động lực thúc đẩy quá trình phát triển của lịch sử dân tộc.. Nhờ đoàn kết mà cha ông ta đã tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Muốn tồn tại và phát triển, vượt qua được những thử thách và gian nguy, chúng ta phải “chung lưng đấu cật”, trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, nhân dân ta nhận thức sâu sắc rằng “đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”, “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Tinh thần đoàn kết cộng đồng hình thành một cách tất yếu và đáp ứng đòi hỏi khách quan của lịch sử. Đoàn kết sẽ là nguồn sức mạnh lớn lao để nhân dân ta đánh thắng mọi thế lực ngoại xâm.
Ý thức cộng đồng, tinh thần đoàn kết của nhân dân ta là một điểm tựa tinh thần vững chắc, là động lực to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công" [93, tr.350]. Trước lúc đi xa, Người còn nhắn nhủ: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta" và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên "... cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình" [95, tr.510].
Truyền thống cần cù, tiết kiệm, sáng tạo trong lao động: cần cù, sáng tạo là một truyền thống đạo đức có từ bao đời của dân tộc ta, là biểu hiện thái độ của con người trong hoạt động sáng tạo ra của cải vật chất và các giá trị tinh thần. Đây còn là một đức tính quý báu của dân tộc ta được các thế hệ nối tiếp nhau giữ gìn, bồi đắp và phát triển.