Sự Cần Thiết Phải Hoàn Thiện Các Quy Định Của Bộ Luật Dân Sự Về Đơn Phương Chấm Dứt Thực Hiện Hợp Đồng

trong các trường hợp sau: a) Bên thuê không trả tiền thuê theo quy định trong hợp đồng cho thuê tài chính;…" [2]. Khoản 2 Điều 498 BLDS năm 2005 quy định: "Trong trường hợp các bên thỏa thuận việc trả tiền thuê theo kỳ hạn thì bên cho thuê có quyền ĐPCDHĐ, nếu bên thuê không trả tiền trong ba kỳ liên tiếp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc có quy định khác" [27]. Trong vụ việc này, bị đơn đều không trả tiền thuê quy định trong cả ba hợp đồng từ 7 kỳ liên tiếp đến 11 kỳ liên tiếp nên bên cho thuê có quyền ĐPCDHĐ. Như vậy, Tòa đã vận dụng hai quy định trên cho nguyên đơn được ĐPCDHĐ là đúng nhưng cần nêu rõ việc chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính là ĐPCDHĐ để tránh nhầm lẫn với các trường hợp chấm dứt hợp đồng như: huỷ bỏ hợp đồng, chấm dứt do thoả thuận...

- Về quyết định việc thanh toán: Tòa cần đề cập đến nghĩa vụ thanh toán và việc BTTH với tư cách là hậu quả pháp lý của việc ĐPCDHĐ theo quy định của Điều 426 BLDS năm 2005: Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán, bên có lỗi trong việc hợp đồng bị ĐPCD phải BTTH. Đồng thời Tòa cần vận dụng các quy định sau để quyết định việc thanh toán:

+ Khoản 4 Điều 490 BLDS năm 2005: "Khi bên thuê chậm trả tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê trả lại tài sản thuê và trả tiền thuê trong thời hạn chậm trả và phải bồi thường thiệt hại; bên thuê phải trả tiền phạt vi phạm do chậm trả tài sản thuê nếu các bên có thỏa thuận" [27].

+ Khoản 4 Điều 26 Nghị định số 16/2001/NĐ-CP quy định nghĩa vụ của bên thuê tài chính:"Trả tiền thuê theo thoả thuận trong hợp đồng cho thuê tài chính và thanh toán các chi phí có liên quan đến việc nhập khẩu, thuế, lệ phí đăng ký quyền sở hữu, bảo hiểm đối với tài sản thuê" [2].

+ Khoản 1 Điều 28 Nghị định số 16/2001/NĐ-CP:

Trong trường hợp hợp đồng cho thuê tài chính bị chấm dứt trước thời hạn theo một trong các trường hợp quy định tại khoản 1

Điều 27 của Nghị định này, bên thuê phải thanh toán ngay toàn bộ số tiền thuê còn lại cho bên cho thuê. Nếu bên thuê không thanh toán được tiền thuê, bên cho thuê có quyền thu hồi ngay lập tức tài sản cho thuê và bên thuê phải bồi thường thiệt hại vật chất cho bên cho thuê. Sau khi thu hồi tài sản cho thuê bên cho thuê có quyền chuyển nhượng hoặc cho bên khác thuê tài sản [2].

Theo các quy định trên, Toà cần yêu cầu bị đơn thanh toán ngay tiền gốc, tiền bảo hiểm và tiền lãi phát sinh (tiền lãi phải tính từ thời điểm phải trả là cuối kỳ đã trả cuối cùng trước khi nợ chứ không phải từ ngày 08/9/2006). Nếu không thanh toán ngay thì nguyên đơn có quyền thu hồi ngay tài sản cho thuê và bị đơn phải BTTH vật chất cho nguyên đơn. Mặc dù quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định số 16/2001/NĐ-CP là "thu hồi ngay lập tức tài sản cho thuê" nhưng điểm e mục 27.4.1 Thông tư số 06/2005/TT-NHNN ngày 12/10/2005 hướng dẫn Nghị định này lại quy định thời hạn mà "bên thuê phải có trách nhiệm hoàn trả tài sản cho bên cho thuê" lên đến 30 ngày. Điểm b mục này còn quy định "Sau khi thu hồi tài sản cho thuê, trong thời gian tối đa là 60 (sáu mươi) ngày, bên cho thuê phải xử lý xong tài sản cho thuê. Số tiền thu được từ việc xử lý tài sản cho thuê dùng để thanh toán khoản tiền còn thiếu của bên thuê và các chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi tài sản cho thuê. Nếu số tiền thu được không đủ thanh toán, bên thuê có trách nhiệm thanh toán số tiền còn thiếu đó cho bên cho thuê". Quy định của Thông tư này khá cụ thể và hợp lý khi đưa ra một lối thoát cho bên thuê trong việc thanh toán nhưng chưa được Toà vận dụng. Tòa quyết định bị đơn phải thanh toán số tiền đó là đúng nhưng không nêu rõ thời hạn thanh toán. Hợp lý nhất là quy định thanh toán ngay sau khi bản án có hiệu lực. Có lẽ do xác định bị đơn chưa thanh toán ngay được nên Tòa quyết định thu hồi, phát mãi tài sản thuê để thanh toán khoản tiền còn thiếu là đúng quy định tại điểm b mục 27.4.1 Thông tư số 06/2005/TT-NGNN nhưng Toà chưa nêu rõ ai thu hồi, phát mãi; Tòa cần quy định nguyên đơn thực hiện việc này. Bản án còn nêu trong

trường hợp sau khi thu hồi, xử lý tài sản thuê, nếu số tiền thu không đủ thanh toán số nợ, nguyên đơn có quyền yêu cầu phát mãi tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất như hai bên đã trình bày để thu hồi nợ là hợp lý trong việc thu hồi nợ để bảo vệ quyền của nguyên đơn nhưng chưa có quy định về việc này trong ĐPCDHĐ cho thuê tài chính.

Việc Tòa không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn đòi bị đơn phải bồi thường do thanh lý hợp đồng trước hạn với số tiền là 62.398.529 đồng chưa hợp lý. Hội đồng xét xử nhận định: Nguyên đơn không chứng minh được số tiền 62.398.529 đồng là thiệt hại thực tế; đây là hợp đồng cho thuê tài chính thực chất là hoạt động cho vay, tín dụng; nguyên đơn đã được chấp nhận tính lãi theo mức lãi suất nợ quá hạn trên số dư nợ gốc cho đến khi thanh toán hết nợ; vì thế không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 490 BLDS quy định "Khi bên thuê chậm trả tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê… bồi thường thiệt hại" [27], Khoản 1 Điều 27 Nghị định số 16/2001/NĐ-CP cũng quy định: "… nếu bên thuê không thanh toán được tiền thuê, bên cho thuê có quyền thu hồi ngay lập tức tài sản cho thuê và bên thuê phải bồi thường thiệt hại vật chất cho bên cho thuê…" [2] và khoản 4 Điều 426 BLDS quy định: "Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện phải bồi thường thiệt hại" [27]. Vậy Tòa cần tuyên án về việc bị đơn phải BTTH cho nguyên đơn chứ không thể phủ nhận chỉ vì số tiền nguyên đơn yêu cầu không có cơ sở nhưng cần xác định rõ BTTH như thế nào - vấn đề này hiện pháp luật quy định chưa rõ ràng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.

Nếu các bên có thỏa thuận về việc bên thuê chậm trả tài sản thuê sẽ bị phạt vi phạm thì bị đơn còn phải chịu phạt vi phạm (theo khoản 4 Điều 490 BLDS năm 2005) nhưng các bên không thỏa thuận nên Tòa không đề cập là đúng.

Tóm lại: Qua trích dẫn và bình luận hai vụ việc tranh chấp và các bản án của TAND trên chúng ta thấy dù BLDS năm 2005 cũng như những văn bản pháp luật khác về HĐDS đã đi vào cuộc sống nhưng nhiều chủ thể HĐDS

Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 - 12

vẫn chưa nắm vững, áp dụng đúng quy định của pháp luật khi giao kết, thực hiện, chấm dứt hợp đồng nên phát sinh nhiều bất cập, phức tạp, thậm chí rối ren trong quá trình quan hệ hợp đồng và nhiều vụ việc phải yêu cầu toà án giải quyết. Pháp luật nước ta quy định về ĐPCDHĐDS vừa thiếu, vừa chồng chéo, thiếu nhất quán (như nhiều quy định về thanh toán hay BTTH ở vụ việc thứ hai), không hợp lý khiến cho việc áp dụng gặp nhiều khó khăn, bất cập không chỉ với các bên của hợp đồng mà còn với các cơ quan xét xử. Trong khi đó, TAND đã áp dụng pháp luật xử lý vụ việc chưa thuyết phục, chưa đầy đủ.

Từ khâu lập pháp đến khâu hành pháp, từ chủ thể hợp đồng đến cơ quan chức năng giải quyết đều còn thể hiện nhiều hạn chế, bất cập.

Chương 3

PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN

CÁC QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ VỀ ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG


Qua những nội dung đã trình bày, đánh giá tại chương 1 và chương 2 của luận văn, tác giả muốn chỉ ra rằng mặc dù những quy định của BLDS năm 2005 về ĐPCDHĐ đã đầy đủ và hợp lý hơn so với các văn bản pháp luật trước đó, tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho các chủ thể áp dụng trong quá trình quan hệ hợp đồng và các cơ quan chức năng áp dụng giải quyết những vụ việc được yêu cầu. Tuy nhiên, thực trạng quy định và áp dụng pháp luật về ĐPCDHĐDS vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Từ những lý luận cơ bản và đánh giá thực trạng tại chương 2, sau đây tác giả luận văn xin trình bày phương hướng hoàn thiện những vấn đề này.

3.1. Sự cần thiết phải hoàn thiện các quy định của Bộ luật Dân sự về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng

Thực tế cho thấy, với nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển thì quan hệ HĐDS cũng ngày càng đa dạng, rộng mở, đặc biệt là sau khi hợp nhất các loại hợp đồng kinh tế - thương mại - dân sự từ khi BLDS năm 2005 có hiệu lực. Khi soạn thảo hợp đồng, các chủ thể dựa trên quy định của pháp luật dân sự và thực tế nhu cầu, khả năng, tình hình của họ để thoả thuận nội dung của HĐDS. Tuy nhiên, "cần phải nhìn nhận hợp đồng không phải là một giá trị bất biến mà nó là một công cụ linh hoạt, uyển chuyển. Quá trình thực hiện hợp đồng có thể phát sinh những tình tiết mà các bên cần phải xem xét" [9, tr. 19]. Vì thế, "trên thực tế khi ký hợp đồng, các bên không thể tiên liệu trước được tất cả các tình huống vi phạm hợp đồng dẫn tới quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng" [10]. không phải chủ thể nào cũng nắm vững và vận

dụng hợp lý các quy định của pháp luật dân sự trong giao kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng và họ cũng khó dự liệu hết những diễn biến tình hình xảy ra nên những thoả thuận về ĐPCDHĐ thường thiếu và không hợp lý, thậm chí nhiều hợp đồng còn không có thoả thuận về ĐPCDHĐ. Vì thế khi có những vấn đề phát sinh một bên muốn chấm dứt hợp đồng gặp ít nhiều khó khăn, nhiều vụ việc dẫn đến tranh chấp phức tạp phải yêu cầu TAND giải quyết vừa tốn kém thời gian, tiền của mà có khi không thuyết phục.

Trong khi đó, thực trạng quy định của pháp luật về ĐPCDHĐDS cũng có nhiều bất cập. Mặc dù ở nước ta, việc điều chỉnh quan hệ HĐDS bằng pháp luật đã diễn ra từ lâu, song nó chỉ được hoàn thiện hơn và phát triển mạnh khi nước ta bước vào công cuộc đổi mới với nền kinh tế thị trường nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chỉ tính từ năm 1989 đến nay Nhà nước đã quan tâm ban hành nhiều văn bản luật như: Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989, Pháp lệnh HĐDS năm 1991, BLDS năm 1995, Luật Thương mại 1997, Luật Thương mại năm 2005, BLDS năm 2005…cũng như nhiều văn bản dưới luật như nghị định, thông tư để điều chỉnh các quan hệ HĐDS nói chung và ĐPCDHĐDS nói riêng. Tuy nhiên, do có những hạn chế về mặt khách quan, chủ quan mà những văn bản pháp luật đó chưa thực sự mang tính "chuẩn mực", quy định về ĐPCDHĐDS còn nhiều bất cập, thiếu hợp lý. Đó là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến những thiếu sót, trục trặc, tranh chấp trong việc thoả thuận và thực hiện việc ĐPCDHĐ ở rất nhiều HĐDS cũng như việc áp dụng pháp luật giải quyết những vấn đề liên quan đến ĐPCDHDDS.

Vì thế, hoàn thiện các quy định của pháp luật về HĐDS nói chung và ĐPCDHĐDS nói riêng là một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là các các quan lập pháp. Sau đây là những bất cập của pháp luật về ĐPCDHĐDS mà luận văn đã phân tích, tìm ra tại chương 1 và chương 2 cần hoàn thiện:

3.1.1. Về cơ sở của quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dân sự và số lượng hợp đồng dân sự có quy định cụ thể về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng

Khoản 1 Điều 426 BLDS năm 2005 quy định "một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng nếu các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định" [27]. Tức là nếu các bên không thoả thuận về việc một bên có quyền ĐPCDHĐ thì pháp luật phải có quy định, nếu không khi ở vào những điều kiện chủ thể thấy "cần đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng" nhưng lại không có quyền ấy. Nếu như phần chung về HĐDS (mục 7 chương

XVII) BLDS năm 2005 không quy định cụ thể quy định của pháp luật về quyền này đối với từng loại HĐDS thì trong các quy định về HĐDS thông dụng tại BLDS phải có quy định cụ thể nhưng chỉ có một số HĐDS thông dụng có quy định về ĐPCDHĐ trong khi nhiều HĐDS thông dụng và HĐDS không thông dụng không có quy định về ĐPCDHĐ và vì thế nếu các chủ thể hợp đồng cũng không có thoả thuận về quyền này thì khi xảy ra vấn đề, sự kiện nào đó dù muốn ĐPCDHĐ cũng không có quyền.

Dù có 26 điều trong BLDS năm 2005 đề cập đến cụm từ ĐPCDHĐ nhưng chỉ tập trung vào một số loại HĐDS là: Hợp đồng thuê tài sản (nói chung), Hợp đồng thuê nhà ở, Hợp đồng thuê khoán tài sản, Hợp đồng dịch vụ, Hợp đồng vận chuyển hành khách, Hợp đồng gia công, Hợp đồng bảo hiểm, Hợp đồng ủy quyền, Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất và Hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất (Điều 714 quy định các điều quy định về hợp đồng thuê quyền sử dụng đất cũng được áp dụng với Hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất). Nhiều HĐDS thông dụng như: Hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng trao đổi tài sản, hợp đồng tặng cho tài sản, hợp đồng vay tài sản, hợp đồng mượn tài sản, hợp đồng vận chuyển tài sản, hợp đồng gửi giữ tài sản, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất… và nhiều loại HĐDS không thông dụng khác không có quy định cụ thể về ĐPCDHĐ trong BLDS năm 2005.

Nếu những HĐDS này cũng không có quy định của pháp luật về ĐPCDHĐ thì chỉ có thể căn cứ vào thỏa thuận của các bên khi giao kết để xác định quyền ĐPCDHĐ, lý do ĐPCDHĐ và việc giải quyết ĐPCDHĐ. Nếu không có thỏa thuận nữa thì… chịu.

3.1.2. Về nguyên nhân dẫn đến đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng

Theo Điều 426 BLDS năm 2005 thì nếu có thỏa thuận hay có quy định của pháp luật về quyền ĐPCDHĐ của một bên thì khi có cơ sở đó bên có quyền được ĐPCDHĐ nhưng quyền đó chỉ được sử dụng khi có nguyên nhân nào đó khiến bên có quyền ĐPCDHĐ không muốn duy trì việc thực hiện tiếp hợp đồng nữa. Điều 426 không quy định rõ những nguyên nhân ấy mà trong các quy định cụ thể về ĐPCDHĐ ở chương XVIII về các HĐDS thông dụng và chương XXIX về Hợp đồng thuê, thuê lại quyền sử dụng đất mới nêu ra các trường hợp, các lý do, dù còn chung chung bất cập cũng xếp được ra hai loại là: có vi phạm của đối tác và không có vi phạm của đối tác.

- Với ĐPCDHĐ do có vi phạm của đối tác: đa số các HĐDS có quy định cụ thể về ĐPCDHĐ tại BLDS năm 2005 được ĐPCD là do đối tác của bên có quyền ĐPCDHĐ đã vi phạm hợp đồng, chủ yếu là do vi phạm về thực hiện công việc thỏa thuận trong hợp đồng (8 điều) và vi phạm về thời hạn hợp đồng (4 điều). Vi phạm về địa điểm (3 điều), vi phạm về giá, phương thức thanh toán (1 điều), vi phạm đạo đức xã hội, an ninh trật tự trong quá trình thực hiện hợp đồng (2 điều) và vi phạm sự thiện chí, trung thực trong quá trình thực hiện hợp đồng (1 điều) được quy định hạn chế hơn có phải do những vi phạm này ít ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ thể hợp đồng hơn, ít nghiêm trọng hơn nên quy định ít hơn? Khi phân tích thực trạng quy định của BLDS năm 2005 về những nguyên nhân dẫn đến ĐPCDHĐ ở một số HĐDS, tác giả thấy có nhiều bất cập như:

+ Với ĐPCDHĐ do đối tác vi phạm thời hạn hợp đồng:

Xem tất cả 129 trang.

Ngày đăng: 11/04/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí