Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 - 9

lệ không được ĐPCDHĐ kể cả khi tiếp tục thực hiện hợp đồng không mang lại lợi ích cho mình, đó là "trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác". Nếu có thỏa thuận giữa các bên từ khi giao kết hay quy định của pháp luật là không được ĐPCDHĐ cả khi việc tiếp tục hợp đồng không có lợi cho bên này hay bên kia (hiếm khi các bên chấp nhận thỏa thuận như vậy). Quy định trên là phù hợp với thực tiễn, góp phần bảo vệ quyền lợi cho chủ thể hợp đồng khi ở điều kiện bất lợi mà mình không có lỗi.

* Điều 588 về ĐPCDHĐ ủy quyền quy định:

1. Trong trường hợp uỷ quyền có thù lao, bên uỷ quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được uỷ quyền tương ứng với công việc mà bên được uỷ quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu uỷ quyền không có thù lao thì bên uỷ quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được uỷ quyền một thời gian hợp lý... 2. Trong trường hợp uỷ quyền không có thù lao, bên được uỷ quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên uỷ quyền biết một thời gian hợp lý; nếu uỷ quyền có thù lao thì bên được uỷ quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên uỷ quyền [27].

Hợp đồng uỷ quyền là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, còn bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Trong quan hệ ủy quyền, người được ủy quyền thay mặt người ủy quyền thực hiện một số hành vi nhất định làm phát sinh hậu quả pháp lý, liên quan đến quyền lợi của các bên trong quan hệ hợp đồng hoặc lợi ích của người đã ủy quyền. Tương tự như hợp đồng dịch vụ và hợp đồng gia công, đối tượng của hợp đồng ủy quyền là những hành vi pháp lý, những hành vi này không bị

pháp luật cấm và không trái với đạo đức xã hội. Cho nên pháp luật quy định trong quá trình thực hiện hợp đồng, xét thấy việc tiếp tục thực hiện hợp đồng không mang lại lợi ích cho mình hoặc không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng, họ đều có quyền ĐPCDHĐ bất cứ lúc nào mà không cần điều kiện có sự vi phạm hợp đồng của bên đối tác.

Đánh giá các quy định trên: Các trường hợp ĐPCDHĐ nêu trên đều xuất phát từ ý thức chủ quan của một bên chủ thể hợp đồng khi thấy việc tiếp tục thực hiện hợp đồng không có lợi cho mình, không đảm bảo an toàn cho người khác, an toàn cho xã hội hay họ thấy không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng được, ví dụ do sức khỏe không đảm bảo, do không có khả năng thực hiện… và việc ĐPCDHĐ (nếu có thỏa thuận hay quy định của pháp luật) giúp bảo vệ quyền lợi cho họ khi ở vào hoàn cảnh nói trên. Lợi ích không đạt được có thể là tăng giá như tiền gia công sản phẩm theo giá thị trường tăng hoặc kết quả công việc, sản phẩm không còn phù hợp nữa... Khi ấy các bên có thể thỏa thuận để điều chỉnh lại các điều khoản của hợp đồng cho phù hợp, nếu các bên không thỏa thuận hoặc một trong các bên không chấp nhận thỏa thuận thì họ có quyền ĐPCDHĐ. Những quy định về quyền ĐPCDHĐ trên phù hợp với thực tiễn nhưng pháp luật quy định chưa cụ thể về "lợi ích không đạt được", "không mang lại lợi ích cho mình", "không có lợi cho mình" và chưa có quy định ĐPCDHĐ vì lý do này với một số hợp đồng khác như: hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng vận chuyển tài sản, hợp đồng thuê quyền sử dụng đất… để bảo vệ quyền lợi cho chủ thể hợp đồng.

- Về ĐPCDHĐ do yếu tố khách quan:

Trong các quy định về ĐPCDHĐ của BLDS năm 2005 chưa thấy đề cập đến "sự kiện bất khả kháng" hay "trở ngại khách quan" và việc ĐPCDHĐ do có sự kiện bất khả kháng hay trở ngại khách quan. "Sự kiện bất khả kháng" mà xảy ra ngoài ý muốn và các bên không thể dự đoán trước, cũng như không thể tránh và khắc phục được, dẫn đến không thể thực hiện hoặc không thể

thực hiện đúng hoặc đầy đủ nghĩa vụ, bên chịu sự cố này có thể được miễn trừ trách nhiệm của hợp đồng hoặc kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng.

Sự kiện bất khả kháng là một thuật ngữ có nguồn gốc tiếng Pháp "force majeure" có nghĩa là "sức mạnh tối cao" hoặc "sức người không thể kháng cự nổi". Sự kiện này xảy ra chỉ sau khi ký hợp đồng, thực tế mang tính khách quan (không phải do lỗi của bất kỳ bên tham gia hợp đồng nào, xảy ra không liên quan đến hành vi của con người; không thể lường trước được về nguyên nhân, diễn biến cũng như hậu quả của sự kiện), có thiệt hại xảy ra và không thể khắc phục được thiệt hại mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép; không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu. Sự kiện bất khả kháng có thể là những hiện tượng do thiên nhiên gây ra (thiên tai) như lũ lụt, hỏa hoạn, bão, động đất, sóng thần… Việc coi các hiện tượng thiên tai có thể là sự kiện bất khả kháng được áp dụng khá thống nhất trong luật pháp và thực tiễn của các nước trên thế giới. Sự kiện bất khả kháng cũng có thể là những hiện tượng xã hội như chiến tranh, bạo loạn, đảo chính, đình công, cấm vận, thay đổi chính sách của chính phủ… Tuy nhiên cách hiểu và thừa nhận các hiện tượng xã hội là sự kiện bất khả kháng là rất đa dạng trên toàn thế giới và nhiều điểm chưa có sự thống nhất. Ngoài ra, trong thực tiễn, các bên trong quan hệ hợp đồng còn đưa những sự kiện xảy ra cho chính bản thân mình là sự kiện bất khả kháng như: thiếu nguyên liệu, mất điện, lỗi mạng vi tính, bên cung cấp chậm trễ giao hàng,… là sự kiện bất khả kháng để hưởng chế độ miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng. Về lý luận thì các sự kiện này không đương nhiên được coi là sự kiện bất khả kháng nếu các bên không thỏa thuận hay pháp luật có quy định.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.

Còn trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan mang lại, xảy ra có liên quan đến hành vi của con người; không thể biết trước được về quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; không yêu cầu về thiệt hại xảy ra; không yêu cầu về biện pháp khắc phục; không thể khởi kiện, yêu cầu

trong phạm vi thời hiệu. Ví dụ: chuyến công tác bị kéo dài không về kịp do bạo động làm giao thông bị đình trệ…

Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 - 9

Chúng ta có thể tham khảo vận dụng một số quy định của pháp luật nước ngoài về sự kiện bất khả kháng và khó khăn trở ngại và việc áp dụng chúng trong ĐPCDHĐDS như:

+ Điều 94 (phần chung) của Luật Hợp đồng Trung Quốc năm 1999 cho phép một bên đình chỉ hợp đồng khi hợp đồng không thể thực hiện được do hiện tượng bất khả kháng. Ví dụ, Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, người sử dụng đất dùng quyền sử dụng đất của mình để bảo đảm thực hiện NVDS như nghĩa vụ trả nợ ngân hàng. Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất là hợp đồng phụ tồn tại bên cạnh hợp đồng chính là hợp đồng tín dụng; nhưng khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về trưng mua, trưng dụng quyền sử dụng đất đó, thì hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất bị chấm dứt do đối tượng của hợp đồng là quyền sử dụng đất không còn. Mặc dù, hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ nhưng trong trường hợp này để bảo vệ quyền lợi của ngân hàng, bên cho vay tiền, thì ngân hàng có thể ĐPCDHĐ và không phải BTTH. Với hợp đồng thuê nhà cũng vậy, giả sử hợp đồng thuê nhà được ký kết có thời hạn 12 tháng, nhưng hợp đồng được thực hiện 3 tháng thì có quyết định nhà nước trưng dụng ngôi nhà đó 2 tháng; trong trường hợp này một trong hai bên có thể ĐPCDHĐ thuê nhà và không phải BTTH hoặc nếu các bên không muốn chấm dứt hợp đồng thì vẫn có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng sau thời hạn 2 tháng nhà nước trưng dụng ngôi nhà đó. Khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ, có thể làm cho người có nghĩa vụ rất khó khăn trong việc thực hiện hoặc không thể thực hiện nghĩa vụ khi bên có nghĩa vụ có thể ĐPCDHĐ và không phải BTTH.

+ Điều 7.1.7 của Bộ nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế PICC (Principles of International Commercial Contracts) của UNIDROIT (viết tắt

theo tiếng Pháp là insitut International pour I’Unification des Droits Privé - Viện Thống nhất tư pháp quốc tế) quy định về trường hợp bất khả kháng:

1) Bên có nghĩa vụ được miễn trừ hậu quả do việc không thực hiện của bên mình, nếu chứng minh được rằng việc không thực hiện là do một trở ngại vượt khỏi tầm kiểm soát của mình, và không thể mong chờ một cách hợp lý ở mình xem xét được những trở ngại này vào thời điểm ký kết hợp đồng, dự đoán hay vượt qua được trở ngại hoặc dự đoán được hay vượt qua được hậu quả của trở ngại đó.

2) Khi trở ngại chỉ có ý nghĩa tạm thời, sự miễn trừ có hiệu lực trong một thời hạn hợp lý có tính đến các hậu quả của trở ngại đối với việc thực hiện hợp đồng.

3) Bên có nghĩa vụ phải thông báo cho bên có quyền về sự tồn tại của trở ngại và ảnh hưởng của chúng đối với khả năng thực hiện của mình. Nếu thông báo không đến tay người nhận trong khoảng thời hạn hợp lý kể từ khi bên có nghĩa vụ biết hoặc buộc phải biết về trở ngại, bên có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm BTTH gây ra do không nhận được thông báo.

4) Những quy định của điều khoản này không ngăn cấm các bên thực hiện quyền huỷ hợp đồng, hoãn thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thanh toán tiền lãi cho khoản tiền đến hạn [21].

Như vậy, bên thực hiện nghĩa vụ hay bên hưởng quyền do gặp trở ngại khách quan mà không thể thực hiện quyền và nghĩa vụ thì có thể ĐPCDHĐ.

+ Trong luật pháp quốc tế có những điều khoản điều chỉnh hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi (hardship): Điều khoản này được gọi là điều khoản đàm phán lại hợp đồng khi có sự thay đổi do hoàn cảnh dẫn đến khó khăn đặc biệt trong việc thực hiện hợp đồng, được gọi ngắn gọn là "hardship". Khái niệm "hardship" xuất hiện trong thực tiễn thương mại vào những năm 1960 và được trình bày lần đầu tiên trong các nghiên cứu của Marcel Fontaine, in

trong quyển "Pháp luật hợp đồng quốc tế", xuất bản năm 1989. Khái niệm này cũng đã được thừa nhận trong nhiều hệ thống pháp luật, nhưng thuật ngữ "hardship" được sử dụng trong bảng tiếng Pháp của Bộ nguyên tắc UNIDROIT đã được chấp nhận rộng rãi trong thực tiễn thương mại quốc tế.

Trong một số trường hợp, để có cơ chế thích hợp trong việc bảo đảm lợi ích các bên nhằm phân chia hợp lý rủi ro và tái lập sự cân bằng của hợp đồng, các nhà kinh doanh thương mại quốc tế đã đưa vào hợp đồng của họ một điều khoản ("hardship") cho phép bên gặp khó khăn đặc biệt được yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng. Điều khoản này quy định cho phép một bên trong hợp đồng có quyền xin điều chỉnh hợp đồng, khi có những thay đổi về hoàn cảnh và môi trường kinh tế, tới mức gây ảnh hưởng đặc biệt xấu đến quyền lợi của một bên, làm mất đi cân bằng kinh tế của hợp đồng, làm cho việc thực hiện hợp đồng trở nên cực kỳ khó khăn và tốn kém. Theo đó, điều khoản hardship quy định những cơ chế can thiệp hợp lý vào hiệu lực hợp đồng, như cho phép các bên yêu cầu TAND điều chỉnh hoặc nếu không điều chỉnh được thì cho chấm dứt hợp đồng, nhằm tái lập sự cân bằng về lợi ích giữa các bên trong hợp đồng, theo những căn cứ, thủ tục, điều kiện chặt chẽ và hạn chế. Ở Pháp, sau Đại chiến thế giới thứ hai, một đạo luật do Quốc hội ban hành ngày 22/4/1949 cũng cho phép tòa án giải hiệu các hợp đồng ký kết trước ngày 02/9/1939 mà việc thực hiện (giao hàng hay làm một công việc) trở nên quá nặng nhọc cho người có nghĩa vụ, vì tình hình chiến tranh hay do sự thay đổi kinh tế không thể dự đoán được khi giao kết hợp đồng. Như vậy, điều khoản hardship tuy không được thừa nhận rộng rãi trong án lệ, nhưng lại được ghi nhận trong luật thực định khi xảy ra những biến cố đặc biệt, ví dụ khi có sự mất giá đồng tiền trong thời kỳ hậu chiến, như vừa nêu trên, và được chấp nhận khá phổ biến trong thực tiễn thương mại. Ở Mỹ, các án lệ Mineral Park land Co. v. Howard, 156 P. 458 Cal. 1916 và án lệ Waegemann v. Montgomary Ward & Co., Inc. CA9 Cal 713 F2d 452 (1983) cũng như Điều 2 - 609 UCC lại thừa nhận và cho áp dụng điều khoản đàm phán lại hợp đồng do thay đổi

hoàn cảnh. Theo đó, "nếu chi phí để thực hiện nghĩa vụ trong thực tế đã thay đổi đáng kể, lớn hơn gấp 10 lần chi phí đã dự kiến vào thời điểm giao kết hợp đồng, thì bên phải thực hiện nghĩa vụ có thể yêu cầu tòa án tuyên bố chấm dứt quan hệ hợp đồng vì lý do không thể thực hiện được" [19, tr. 205].

Điều khoản hardship được thể hiện trong Bộ nguyên tắc luật hợp đồng chung Châu Âu (PECL phiên bản 1999 - 2002), với tên gọi "Sự thay đổi hoàn cảnh" (change of Circumstances) tại khoản 2 Điều 6: 111 quy định:

Tuy nhiên, nếu việc thực hiện hợp đồng trở nên quá khó khăn bởi vì có sự thay đổi về hoàn cảnh, các bên buộc phải tiến hành thoả thuận với quan điểm là chỉnh sửa hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng, với điều kiện là: (a) Việc thay đổi hoàn cảnh xảy ra sau thời gian ký kết hợp đồng; (b) khả năng xảy ra sự thay đổi về hoàn cảnh không phải là một trong những tình huống mà các bên buộc phải tính đến khi ký kết hợp đồng; và (c) rủi ro về sự thay đổi không phải là một tình huống, theo như hợp đồng, bên bị ảnh hưởng bị yêu cầu là phải gánh chịu [22].

Cũng theo UNIDROIT tại Điều 6.2.3 PICC, hệ quả của việc áp dụng điều khoản hardship cho phép: (i) bên bị bất lợi được đưa ra yêu cầu đàm phán lại hợp đồng (một cách không chậm trễ và có căn cứ) và nếu đã yêu cầu đàm phán lại hợp đồng thì không được tạm đình chỉ thực hiện nghĩa vụ; (ii) nếu các bên không thể thỏa thuận lại được hợp đồng trong thời gian hợp lý thì mỗi bên có thể yêu cầu TAND giải quyết; TAND nếu xét thấy hợp lý thì có thể hoặc cho chấm dứt hợp đồng theo điều kiện và thời điểm do tòa ấn định, hoặc cho sửa đổi nhằm thiết lập lại sự cân bằng giữa các nghĩa vụ hợp đồng. PECL cũng xử lý hậu quả của việc áp dụng quy định về sự thay đổi hoàn cảnh, như quy định tại Điều 6:111, khoản 3:

Nếu các bên không đạt được thoả thuận trong khoảng thời gian hợp lý, toà án có thể: (a) chấm dứt hợp đồng vào ngày và

theo những điều kiện do toà án xác định; hoặc (b) sửa đổi hợp đồng nhằm phân chia thiệt hại và lợi ích phát sinh do hoàn cảnh thay đổi cho các bên theo một cách thức công bằng và bình đẳng [22].

Pháp luật hợp đồng Việt Nam hiện hành chưa chấp nhận cơ chế hardship và BLDS hiện hành chưa có quy định cụ thể nào về ĐPCDHĐ do có sự kiện bất khả kháng, khó khăn trở ngại xảy ra. Tuy vậy, trong các văn bản pháp luật chuyên ngành vấn đề sự kiện bất khả kháng, khó khăn trở ngại cũng đã được đề cập đến ở một mức độ nhất định như quy định cho phép điều chỉnh phí bảo hiểm khi xảy ra những biến cố làm tăng mức độ rủi ro của đối tượng được bảo hiểm trong Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (Điều 20); quy định cho phép các bên thỏa thuận thay đổi giá bán trong hợp đồng khi có những thay đổi của Nhà nước về chính sách tiền lương, chính sách giá các mặt hàng do Nhà nước kiểm soát giá trong Luật Đấu thầu năm 2005 (Điều 50 và 57); hoặc trường hợp Chính phủ cho phép điều chỉnh giá tiền mua hóa giá nhà thuộc quyền sở hữu nhà nước do giá vàng tăng đột biến; hay việc cho phép điều chỉnh giá trong hợp đồng xây dựng hình thức "giá cố định" và hình thức "giá trọn gói" do "giá vật liệu xây dựng biến động ngoài khả năng kiểm soát của chủ đầu tư và nhà thầu"… Tuy nhiên, đây chỉ là những quy định tương đối đặc thù để giải quyết các tranh chấp liên quan trong các hợp đồng chuyên biệt, nên không được xem là căn cứ chung để giải quyết các tranh chấp liên quan trong các hợp đồng khác. Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng có điểm a khoản 1 Điều 48 về Hình thức hợp đồng trọn gói có đề cập đến sự kiện bất khả kháng trong thực hiện hợp đồng, cụ thể:

a) Giá hợp đồng không được điều chỉnh trong quá trình thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng theo thỏa thuận trong hợp đồng (là những tình huống thực tiễn xảy ra nằm ngoài tầm kiểm soát và khả năng lường trước của chủ đầu tư, nhà thầu, không liên quan đến sai phạm hoặc sơ xuất của chủ đầu tư, nhà

Xem tất cả 129 trang.

Ngày đăng: 11/04/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí