Đời sống văn hóa của cư dân ven biển Hà Tĩnh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa - 8


Dưới góc độ dân tộc học, sử học,… một số học giả đề cập đến phương thức mưu sinh, nét đặc trưng về phong tục, tập quán, đời sống tín ngưỡng của nhóm cư dân ven biển Hà Tĩnh trong xã hội truyền thống và ở thời kỳ tiền CNH, HĐH. Về thực trạng đời sống văn hoá của cư dân ven biển Hà Tĩnh trước những tác động mạnh mẽ của sự nghiệp CNH, HĐH hiện nay là mục tiêu nghiên cứu của đề tài luận án, chưa có công trình nào đề cập đến. Do đó, các công trình nghiên cứu của các tác giả đi trước được tổng quan ở chương này là những tài liệu quý báu để NCS kế thừa, tiếp thu vào luận án, cũng là cơ sở nền tảng gợi ý cho ý tưởng luận án.

Đời sống văn hoá là một phạm trù rộng, trên cơ sở các khái niệm, quan niệm đời sống văn hoá của các học giả đi trước, NCS xác định đời sống văn hoá được nghiên cứu trong luận án là đời sống văn hoá tinh thần, luận án tập trung đề cập đến những sinh hoạt văn hoá tinh thần của cư dân ven biển Hà Tĩnh thời kỳ CNH, HĐH. Tuy nhiên, đời sống văn hoá tinh thần được các tác giả nêu ra cũng mang nội hàm rộng, gồm nhiều thành tố, luận án chỉ giới hạn ở một số thành tố cơ bản trong đời sống văn hoá tinh thần để khảo sát và đưa ra nhận định chung cho những biến đổi đời sống văn hoá tinh thần của cư dân ven biển Hà Tĩnh thời kỳ CNH, HĐH, là: tín ngưỡng, lễ hội, phong tục và tiêu dùng văn hoá.

Bước sang thời kỳ CNH, HĐH, xuất phát từ tiềm năng, thế mạnh, nền kinh tế vùng ven biển Hà Tĩnh phát triển đa dạng hoá các ngành nghề, trong đó nổi bật với ba mô hình kinh tế: đánh bắt; du lịch và kinh tế tổng hợp. Với sự ra đời của các khu kinh tế dặc thù, trọng điểm, nhiều ngành nghề mới ra đời và phát triển ở vùng ven biển Hà Tĩnh. Trước những thay đổi về kinh tế, đời sống vật chất của cư dân ven biển Hà Tĩnh được nâng lên, kéo theo đời sống văn hoá của cư dân cũng có những biến đổi mạnh mẽ, diễn ra theo nhiều xu hướng khác nhau, biểu hiện ngày càng mạnh mẽ, rò nét và nhanh chóng (sẽ được trình bày cụ thể ở các chương sau).


Chương 2

THỰC TRẠNG ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ CỦA CƯ DÂN

VEN BIỂN HÀ TĨNH QUA TÍN NGƯỠNG, LỄ HỘI, PHONG TỤC


Tín ngưỡng, lễ hội, phong tục là những sinh hoạt văn hóa tinh thần, thể hiện nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân, cầu mong một cuộc sống bình an, may mắn, hạnh phúc, làm ăn phát đạt. Sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội, phong tục trong ĐSVH thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn Thánh, Thần và những người đã mang lại cuộc sống bình yên, những giá trị về vật chất và tinh thần cho cộng đồng và cá nhân,…Ở vùng ven biển Hà Tĩnh, thực trạng tín ngưỡng, lễ hội, phong tục được thể hiện như sau:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 262 trang tài liệu này.

2.1. Tín ngưỡng

Ở phần này, luận án khảo sát thực trạng đời sống tín ngưỡng của cư dân ven biển Hà Tĩnh qua hai nội dung cơ bản là các tín ngưỡng (thần chủ, cơ sở thờ tự) và sinh hoạt tín ngưỡng (niềm tin, nghi lễ,…)

Đời sống văn hóa của cư dân ven biển Hà Tĩnh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa - 8

2.1.1. Các tín ngưỡng

2.1.1.1. Tín ngưỡng chung của cộng đồng

Tín ngưỡng chung của cộng đồng cư dân vùng ven biển Hà Tĩnh hiện nay rất phong phú, đa dạng, bao gồm:

* Tín ngưỡng thờ thần biển:

Tín ngưỡng thờ thần biển là tín ngưỡng phụng thờ các linh vật, nhiên thần, nhân thần có thần tích, thần phả, truyền thuyết,…mang những yếu tố liên quan đến biển, phát huy vai trò, sự linh ứng ở môi trường biển, bao gồm:

1/. Tín ngưỡng thờ Cá Ông (cá Voi): Cư dân vùng ven biển Hà Tĩnh cũng giống với cư dân ven biển của cả nước nói chung (nhất là cư dân ven biển các tỉnh duyên hải Trung Bộ) xem cá Voi là vị thần cứu tinh mỗi khi gặp sóng to bão tố ở ngoài biển khơi, có lòng nhân ái giống như con người (Nhân Ngư). Ở Hà Tĩnh hiện nay, theo khảo sát của NCS hầu hết các làng dọc ven biển từ huyện Nghi Xuân cho đến huyện Kỳ Anh đều có miếu thờ cá Voi, cư dân gọi các miếu nay bằng những


tên tôn kính như: miếu Ông, miếu Đức Ông, miếu Ngư Ông, miếu Nhân Ngư. Tiêu biểu cho các miếu thờ này hiện nay ở các xã: Xuân Hội, Xuân Hải, Xuân Trường, Xuân Yên, Xuân Phổ, Xuân Thành, Cổ Đạm, Cương Gián (huyện Nghi Xuân); Thạch Kim, Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà); Thạch Văn, Thạch Hải, Thạch Bàn (huyện Thạch Hà); Cẩm Dương, Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên); Kỳ Ninh, Kỳ Phú, Kỳ Lợi (huyện Kỳ Anh);… Bên cạnh các miếu thờ cá là nghĩa trang cá (mộ Cá), ở xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) sau khu vực miếu thờ Đức Ngư Ông có trên 100 ngôi mộ cá. Có một số xã, người dân đóng các hòm gỗ lớn để đựng xương cá và thờ trong miếu, đó là các xã Kỳ Ninh, Kỳ Phú, Kỳ Lợi (huyện Kỳ Anh). Ở xã Xuân Phổ (huyện Nghi Xuân) có hai đền Cá nằm gần nhau được gọi là đền ông, đền mụ; xã Xuân Hội cũng thuộc huyện Nghi Xuân có tới ba đền cá được bố trí gần nhau là đền Ông, đền Cô và đền Cậu, trong đó đền Ông thờ cá voi to, đền Cô và đền Cậu thờ cặp cá voi nhỏ, trong ba ngôi đền có hơn chục tiểu sành đựng hài cốt cá voi. Ở xã Thạch Hải miếu thờ cá Ông Voi được bố trí kiểu tiền miếu hậu lăng, có hàng rào bao bọc có lối đi xung quanh tạo thành khuôn viên bao gồm mộ và sân. Hầu hết các ngôi miếu thờ cá ở vùng ven biển Hà Tĩnh đều được bố trí sát bờ biển, rất thuận tiện cho ngư dân mỗi khi ra khơi lên thắp hương cầu khấn.

2/. Tín ngưỡng thờ Tứ vị Thánh Nương (Đại Càn Thánh Nương): Các truyền thuyết về Tứ vị Thánh Nương có rất nhiều, nhưng theo thần tích tại các đền thờ Bà ở Hà Tĩnh cho biết: Bà là Hoàng hậu nhà Nam Tống (Trung Quốc) cùng hai cô công chúa và bà nhũ mẫu chết trên biển và trôi dạt về đền Cờn (Quỳnh Lưu, Nghệ An), cư dân địa phương vớt xác, chôn cất và lập nên đền Cờn để thờ Bà. Sau khi chết Bà được thượng đế ban cho làm thần biển, vào năm 1312 Bà đã giúp vua Trần Anh Tông đánh thắng giặc Chiêm Thành, thắng trận trở về vua cho dựng lại đền thờ Bà to đẹp hơn ở cửa Cờn. Hiện nay, ở vùng ven biển Hà Tĩnh có bốn nơi thờ Tứ vị Thánh Nương là: Đền Thánh Mẫu (còn gọi là Miếu Bà) ở xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà; Đền Cả (còn gọi là đền Đại Càn) ở xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân (ghi rò thờ Thánh Mẫu Đại Càn - tức mẹ con bà Thái Hậu nhà Tống) [17, tr.458]; Đền thờ bà Càn cùng thái hậu Quang Thục (mẹ vua Lê Thánh Tông) ở làng Hoàng Vân xã Cẩm


Dương, huyện Cẩm Xuyên; Đền Ngu, xã Thạch Trị phối thờ Tứ vị Thánh Nương và một số vị thần khác. Ngoài ra, ở chân rú Voong, làng Hải Khẩu, xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh có ngôi miếu nhỏ, có người cho rằng đó là miếu thờ Đại Càn Thánh Nương, có người lại cho rằng đó là miếu thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, hiện nay chưa tìm thấy thần tích. Thế nhưng, nếu đúng ngôi miếu ở chân rú Voong thờ Tứ vị Thánh Nương (Đại Càn Thánh Nương), thì cả 5 huyện ven biển của Hà Tĩnh đều có đền thờ Bà và vị trí các ngôi đền (miếu) đều nằm gần các cửa biển xưa hoặc nay của Hà Tĩnh. Như vậy, tín ngưỡng thờ Tứ vị Thánh Nương, về bản chất được các nhà nghiên cứu (cũng như truyền thuyết) cho biết đó là tín ngưỡng thờ thần Biển.

3/. Thờ Sát Hải, tức là Hoàng Tá Thốn - một tướng giỏi đời Trần (thế kỷ 13), quê ở cửa Vạn Phần, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, có tài lặn xuống biển đục thủng thuyền chiến quân giặc, góp phần đánh tan quân Nguyên ở sông Bạch Đằng (năm 1288). Sau khi mất, ông được phong là Sát Hải Đại tướng quân, Thiên Hồng nguyên soái chi thần, trông coi các cửa bể, nhân dân nhớ ơn lập đền thờ Ông ở nhiều nơi [31, tr.291]. Hiện nay, Ông được thờ ở các đền: Đền Ngu, xã Thạch Trị (Thạch Hà); đền Đô Thống ở xã Xuân Hội (Nghi Xuân); Đền Sát Hải Đại Tướng Quân ở xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà), đền Sát Hải Đại Vương, xã Kỳ Ninh (Kỳ Anh), ...

4/. Thờ Tam Lang hay Tam Lang thần (ba con rắn). Theo chuyện kể: Ngày xưa, khi vua Lê Thánh Tông đích thân đem quân đi đánh Chiêm Thành. Khi đoàn thuyền của nhà vua qua cửa sông Đan Nhai (Xuân Hội), bỗng nhiên sóng gió nổi lên, hiện ra ba quả trứng trên mặt nước, đoàn thuyền không vượt qua được, nhà vua bèn cầu khấn: “Nếu thần giúp ta dẹp yên giặc, khi hồi quân sẽ được phong thưởng”. Sau lời cầu khấn của nhà vua gió yên sóng lặng, thuyền đi như bay… Thắng trận trở về, nhớ lại lời hứa vua cho lập đền thờ “Chân Long đại vương”, phong hiệu thần “Tam Lang” [31, tr.314]. Hiện đền thờ Tam Lang có ở các xã: Thạch Trị, Thạch Hải (huyện Thạch Hà), Xuân Hội, Xuân Hải (huyện Nghi Xuân).

* Tín ngưỡng thờ Mẫu:

Bên cạnh thờ thần biển, ở vùng ven biển Hà Tĩnh còn phổ biến với tín ngưỡng thờ Mẫu. Hầu hết các làng/xã vùng ven biển Hà Tĩnh đều có đền thờ Mẫu,


tiêu biểu hiện nay có các đền (miếu) như: Miếu thờ Liễu Hạnh công chúa ở xã Kỳ Nam; đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (còn gọi là đền Bà Hải) ở xã Kỳ Ninh và xã Kỳ Lợi; đền thờ Đức Mẹ xã Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh); đền Bà chúa ở xã Cẩm Dương (huyện Cẩm Xuyên); đền thờ Nữ Hoa công chúa ở xã Thạch Hải; đền thờ Đức mẹ ở xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà); đền Tam toà Thánh Mẫu ở xã Thạch Kim và xã Mai Phụ (huyện Lộc Hà); đền thờ Mai Hoa công chúa ở xã Cổ Đạm; đền Bà Thần ở xã Xuân Trường; phủ thờ hai bà phi thời nhà Lê ở xã Xuân Yên (huyện Nghi Xuân),… Các đền thờ Mẫu ở vùng ven biển Hà Tĩnh, ngoài Thánh Mẫu Liễu Hạnh và các Thiên thần, có cả các Nhân thần (Những nhân vật lịch sử đã hy sinh vì quốc gia, dân tộc).

* Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng:

Thành Hoàng làng là vị thần rất quen thuộc đối với cư dân các làng xã, hay phố nghề (nơi đô thị) ở nước ta, được cư dân xem là vị thần tối linh, có thể bao quát, chứng kiến toàn bộ đời sống của dân làng, bảo vệ, phù hộ cho dân làng làm ăn phát đạt, khoẻ mạnh và thường được thờ ở đình làng. Hầu hết các làng/xã ở vùng ven biển Hà Tĩnh đều có đình, đền hoặc miếu thờ Thành Hoàng [PL4a, tr.218]. Thành Hoàng làng ở vùng ven biển Hà Tĩnh phần lớn là nhân thần, những người có công với dân, với nước, có công lập làng, hoặc sáng lập ra nghề làm ăn nuôi sống cư dân, được gọi là tổ nghề. Thông thường, ở mỗi làng thờ một vị Thành Hoàng, song ở vùng ven biển Hà Tĩnh, một số làng thờ hai, ba hoặc nhiều vị Thành Hoàng, và cũng có những vị Thành Hoàng được thờ ở nhiều làng [PL4b,tr.219].

* Tín ngưỡng thờ các vị thần khác:

1/. Thờ bản thổ, tức thờ thổ công long thần của làng/xã. Đền thờ bản thổ ở các làng ven biển Hà Tĩnh nhiều không kể hết, hầu như làng ven biển nào cũng có đền thờ bản thổ, phổ biến nhất là ở huyện Kỳ Anh và huyện Nghi Xuân. Ở hai huyện này, thường mỗi xã có đến mấy nơi thờ, do xã có nhiều làng và mỗi làng đều có bản thổ riêng của làng mình. Ngoài hai huyện Kỳ Anh và Nghi xuân, ở các huyện ven biển khác như Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên hiện nay dấu tích thờ bản thổ chỉ còn thấy ở xã Thạch Hải, chưa tìm thấy ở các xã khác.


2/. Thờ Cao Sơn Cao Các (còn gọi là Cao Các đại vương), thần là Cao Hiển, người Bảo Sơn bên Tàu, vào khoảng năm Khánh Lịch (1014 - 1048) đỗ tiến sĩ làm quan đến chức Thừa tướng, do dẹp yên “tứ di”, nên sau khi mất được phong là “Cao Sơn đại vương”. Ở nước ta và ở Hà Tĩnh có nhiều nơi thờ, riêng vùng ven biển Hà Tĩnh hiện có ở các xã: Thạch Bàn, Thạch Trị (huyện Lộc Hà); Xuân Hải, Xuân Thành, Cương Gián (huyện Nghi Xuân); và một số xã của huyện Kỳ Anh. Ngoài các xã vùng ven biển, Cao Sơn Cao Các còn được thờ nhiều ở các xã vùng núi Hà Tĩnh.

3/. Thờ ngũ phương: Tức thờ bốn phương và trung tâm, miếu phía đông thờ Đông phương Thanh đế, cờ và áo mão đều màu xanh. Miếu phía tây thờ Tây phương Bạch đế, cờ áo mão đều màu trắng. Miếu phía nam thờ Nam phương Xích đế, cờ, áo mão đều màu đỏ. Miếu phía bắc thờ vị Bắc phương Hắc đế, cờ, áo, mão đều màu đen. Chính giữa làng có miếu thờ vị Trung ương Hoàng đế, cờ biển áo mão đều màu vàng. Thờ ngũ phương dấu vết hiện nay còn thấy ở các xã: Thạch Kim (huyện Lộc Hà), Xuân Thành, Xuân Trường, Cương Gián (huyện Nghi Xuân).

Ngoài ra, rải rác ở một số xã ven biển huyện Nghi Xuân có thờ Tiên hiền (tức những người dân trong xã ngày trước có công với làng) như ở xã Xuân Hội; thờ Bạch Thạch ở xã Cương Gián (tương truyền thần là con trai bà Liễu Hạnh công chúa, vì thần có tiếng linh thiêng, nên một số xã thờ thần); thờ thần Đại toát nam ở xã Xuân Trường và xã Xuân Phổ, vị thần này có hiệu “môn hạ thị lang, hành khiển chư giang hải đại toát”; đền thờ Cẩm sơn hầu ở xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tương truyền, do Nguyễn Trọng Hạ (một hiệu sinh quê ở làng) nhặt được một chiếc áo từ biển trôi vào, trên cổ áo có thêu ba chữ “Cẩm sơn hầu”, Hạ đem về và đặt bàn thờ, sau đó làng lập đền thờ [17, tr.99]. Riêng các xã ven biển huyện Kỳ Anh, phổ biến có đền thờ Đức Thánh Tiên,… Tuy nhiên, các tín ngưỡng thờ cúng này chỉ thấy ở các xã trên, chưa tìm thấy ở các xã, huyện khác trong vùng.

2.1.1.2. Tín ngưỡng trong gia đình

Bên cạnh tín ngưỡng chung của cộng đồng, tín ngưỡng trong gia đình của cư dân ven biển Hà Tĩnh hiện nay cũng phong phú và đa dạng, trong đó tiêu biểu có các tín ngưỡng sau đây:


* Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tức thờ những người có cùng huyết thống đã mất, như: cụ, kỵ, ông, bà, cha, mẹ... những người có công sinh thành, nuôi dưỡng và có ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của thế hệ những người đang sống.

Từ lâu, thờ cúng tổ tiên đã trở thành một tập tục truyền thống, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam nói chung, là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hoá Việt. Ở nước ta, thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng phổ biến của nhiều vùng, miền, dân tộc. Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, ý thức “con người có tổ, có tông” được bảo tồn trong còi tâm linh và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, và cùng với tiến trình lịch sử của dân tộc được bồi lắng, kết tụ những giá trị đạo đức quý báu của con người Việt Nam. Vì vậy, thờ cúng tổ tiên còn là biểu hiện của đạo lý dân tộc, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Trong các gia đình cư dân ven biển Hà Tĩnh, xưa cũng như nay, gia đình nào cũng có bàn thờ tổ tiên, bàn thờ tổ tiên được bố trí ở nơi trang trọng nhất trong nhà (hoặc thuyền trước đây). Trên bàn thờ tổ tiên, ngoài ngũ sự, một số gia đình thờ ảnh của ông bà, cha mẹ (những người quá cố), thường là ảnh của thế hệ trước đặt ở vị trí cao hơn thế hệ sau. Ngoài thờ cúng tổ tiên, bàn thờ gia tiên còn là nơi thờ gia thần, trong đó vị thần quen thuộc nhất là Táo quân (thần bếp) (cũng có khi đồng nhất thần bếp với thổ công).

Cùng với thờ gia tiên, cư dân ven biển Hà Tĩnh còn có nhà thờ họ. Hiện nay, cư dân ven biển Hà Tĩnh rất quan tâm đến việc trùng tu, xây dựng nhà thờ họ. Các dòng họ đều có nhà thờ họ, những dòng họ giàu có, con cháu phát đạt thường dâng cúng những bộ đồ thờ quý giá vào nhà thờ họ.

* Thờ Thiên thần (bằng cách lập cột Thiên đài phía trước sân nhà): Hầu hết các gia đình cư dân ven biển Hà Tĩnh những năm gần đây đều xây cột thiên đài phía trước sân. Cột thiên đài thường được xây bằng gạch (hoặc đổ bằng bê tông), phía trên có ban thờ, trên ban thờ được đặt bát hương thờ các thiên thần (thần linh trên trời xuống hạ giới). Theo quan niệm của cư dân, Thiên thần là vị nữ thần Cửu thiên huyền nữ (nữ thần bản mệnh), một trong những vị thần bảo vệ con người theo tuổi sinh.

* Thờ thần tài: Đối với những gia đình cư dân có làm nghề buôn bán, thường có một khám thờ nhỏ đặt ở góc nhà, sát với mặt đất, mặt khám thờ hướng ra


cửa chính để thờ thần tài (hoặc ông địa). Mục đích thờ Thần Tài, nhằm cầu mong tài lộc đến với gia đình ngày càng nhiều. Thần Tài, theo tín ngưỡng dân gian là một vị thần mang đến tài lộc, của cải, sự sung túc cho gia đình, mỗi khi làm việc gì, gia chủ thường cầu khấn Thần Tài. Tín ngưỡng thờ Thần Tài chỉ mới xuất hiện ở vùng ven biển Hà Tĩnh giai đoạn CNH, HĐH, khi mà các nghề dịch vụ xuất hiện và phát triển mạnh ở đây.

Bên cạnh các tín ngưỡng thờ cúng trên đây. Những năm qua, do xuất phát từ lòng ngưỡng mộ, biết ơn sâu sắc tới công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Bác Hồ), các gia đình cư dân vùng ven biển Hà Tĩnh đã lập ban thờ Bác Hồ trong gia đình. Ban thờ Bác Hồ được các gia đình thiết lập riêng và đặt cao hơn bàn thờ gia tiên. Cùng với thờ Bác Hồ, một số gia đình cư dân ven biển Hà Tĩnh còn thờ ảnh Phật trong nhà. Thờ ảnh Phật thường chỉ có ở những gia đình có thành viên là Phật tử, các Phật tử ở vùng ven biển Hà Tĩnh chủ yếu là các cụ bà cao tuổi, nhàn rỗi, hàng ngày các cụ thường đến chùa thắp hương và ăn chay vào ngày rằm, mồng một hàng tháng để cầu phúc cho con cháu. Còn đối với những gia đình cư dân theo đạo Công giáo trong nhà thường có thờ ảnh chúa Giêsu.

2.1.2. Sinh hoạt tín ngưỡng

Như đã đề cập ở mục 2.1.1, các tín ngưỡng của cư dân vùng ven biển Hà Tĩnh hiện nay rất phong phú. Ở mục 2.1.2 (Sinh hoạt tín ngưỡng) không có điều kiện đề cập đến sinh hoạt của tất cả các tín ngưỡng hiện có ở vùng ven biển Hà Tĩnh (như đã nêu ở trên), NCS chỉ đề cập đến sinh hoạt của một số tín ngưỡng chủ yếu [PL4.1, tr.196], có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cư dân ven biển Hà Tĩnh xưa cũng như nay. Trong quá trình đề cập có so sánh, đối chiếu với sinh hoạt của các tín ngưỡng này trước đây (xưa-trước thời kỳ CNH, HĐH) để nhận diện sự biến đổi.

Trước hết là sinh hoạt tín ngưỡng thờ cá Ông. Đây là sinh hoạt tín ngưỡng mang nét đặc thù của cư dân vùng biển và được ngư dân thực hành chu đáo. Tuy nhiên, hiện nay sinh hoạt tín ngưỡng này có xu hướng giảm trong cư dân, chỉ còn phổ biến ở khu kinh tế đánh bắt và ở các làng nghề đánh bắt của khu kinh tế du lịch [PL4.1, tr.196]. Từ xưa đến nay, ngư dân vùng ven biển Hà Tĩnh vẫn thực hành tang lễ cho Cá Voi, mỗi lần nhìn thấy xác cá voi trôi dạt vào bờ, nhân dân lại tổ chức mai

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 10/06/2022