Trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an - 2


MỞ ĐẦU

1. Lý do lựa chọn đề tài luận án

Từ những năm 1990 nhiều nhà Tâm lý học quan tâm nghiên cứu về trí tuệ cảm xúc và đã khẳng định vai trò quan trọng của chức năng tâm lý này. Thậm chí có quan điểm cho rằng việc quyết định sự thành công của một con người là do trí tuệ cảm xúc. Đây chính là nguồn cảm hứng để lĩnh vực này được bùng nổ trong những năm đầu thế kỷ XXI và cho đến nay vẫn thu hút sự quan tâm của các nhà chuyên môn và của cả xã hội.

Trí tuệ cảm xúc là một dạng năng lực tổng hợp, có vai trò quan trọng trong đời sống và hoạt động của mỗi cá nhân. Nó không chỉ là yếu tố đảm bảo hiệu quả của hành động mà còn là yếu tố hướng đạo, dẫn đường cho hành động, đặc biệt trong những tình huống cấp bách hay bất ngờ. Ngoài ra trí tuệ cảm xúc còn là yếu tố thúc đẩy hay kìm hãm một hành động. Người có năng lực trí tuệ cảm xúc sẽ có nhiều cơ hội và khả năng thành công trong cuộc sống và công việc. Trí tuệ cảm xúc hay kỹ năng con người đóng vai trò quan trọng hơn các kỹ năng về mặt kỹ thuật trong việc quyết định một người quản lý tài năng hay chỉ là một người đảm nhiệm vị trí tròn vai. Tuy nhiên, để có thể định lượng trí tuệ cảm xúc mức độ nào và làm thế nào để phát triển trí tuệ cảm xúc của cá nhân thì lại không hề đơn giản. Chính vì thế, nghiên cứu về trí tuệ cảm xúc vừa là yêu cầu khách quan về mặt học thuật vừa có giá trị thực tiễn sâu sắc.

Ở Việt Nam, từ những năm 2000 trở lại đây, vấn đề trí tuệ cảm xúc đã được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn trên các đối tượng và ngành nghề khác nhau như: Trí tuệ cảm xúc của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh; trí tuệ cảm xúc của các doanh nhân, các nhà quản lý xã hội; trí tuệ cảm xúc của các sĩ quan, học viên quân đội được thực hiện dưới dạng đề tài khoa học, luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có đề tài nào đi sâu tìm hiểu về trí tuệ cảm xúc của đối tượng là cán bộ Công an Nhân dân. Do vậy, đây là “khoảng trống”, nội dung mới cần được quan tâm nghiên cứu.


Cục An ninh điều tra - Bộ Công an (A09) là cơ quan có chức năng trực tiếp điều tra giải quyết vụ án theo thẩm quyền được phân công. Điều tra viên là những người tiến hành hoạt động điều tra vụ án trong hoạt động tố tụng hình sự, là những người có thẩm quyền tiến hành hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật. Điều tra viên là chức danh tư pháp hình sự dùng để chỉ cán bộ có nhiệm vụ, quyền hạn điều tra vụ án hình sự. Họ là người trực tiếp tiến hành các biện pháp điều tra theo quy định của pháp luật, tiếp xúc trực tiếp với đối tượng phạm tội nên trong quá trình điều tra vụ án, họ là những người giữ vai trò là chủ thể tác động tâm lý đến đối tượng phạm tội. Do đó, cảm xúc, hành vi của điều tra viên có tác động to lớn đến đối tượng phạm tội và ngược lại.

Trong bối cảnh như vậy, nghiên cứu về trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an góp thêm mảnh ghép có tính đặc thù trong bức tranh có lý luận và thực tiễn về trí tuệ cảm xúc trong tâm lý học ở nước ta. Thực tế cho thấy, trong quá trình hoạt động một số điều tra viên còn có trí tuệ cảm xúc chưa tốt, được biểu hiện qua: kiểm soát cảm xúc chưa tốt, chưa có sự đồng điệu cảm xúc với các đối tượng giao tiếp; điều tra viên còn gặp khó khăn khi nắm bắt cảm xúc của đối tượng; hay tức giận khi không có sự hợp tác của đối tượng, khi mục đích chưa đạt được. v.v…. dẫn đến quá trình điều tra của điều tra viên gặp nhiều khó khăn, kết quả hoạt động điều tra bị ảnh hưởng tiêu cực. Thực trạng này đặt ra yêu cầu khách quan cần nghiên cứu và tìm ra giải pháp khắc phục kịp thời. Chính vì vậy, nghiên cứu về trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra - Bộ Công an là vấn đề mang tính cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Như vậy, ở cả phương diện lý luận và thực tiễn, có thể khẳng định nghiên cứu về trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra - Bộ Công an là vấn đề mới, mang tính cấp thiết và có ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc. Xuất phát từ những lý do trên, tác giả luận án lựa chọn: “Trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an” làm đề tài nghiên cứu của mình.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 261 trang tài liệu này.


2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

Trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an - 2

Mục đích nghiên cứu

Nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an, trên cơ sở đó đề xuất một số biện pháp tâm lý - xã hội nhằm phát triển trí tuệ cảm xúc cho điều tra viên; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra vụ án.

Nhiệm vụ nghiên cứu

Để đạt được mục đích nghiên cứu, đề tài giải quyết những nhiệm vụ nghiên cứu sau:

- Tổng quan các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan đến đề tài luận án.

- Xây dựng cơ sở lý luận về trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an.

- Khảo sát, đánh giá thực trạng trí tuệ cảm xúc, thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an.

- Đề xuất các biện pháp tâm lý - xã hội nhằm phát triển trí tuệ cảm xúc cho điều tra viên ở Cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an.

3. Khách thể, đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Khách thể nghiên cứu

Khách thể nghiên cứu chính: 255 điều tra viên thuộc Cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an.

Khách thể nghiên cứu bổ trợ: 55 cán bộ quản lý ở Cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an.

Đối tượng nghiên cứu

Trí tuệ cảm xúc củ điều tra viên, cụ thể: Biểu hiện, mức độ và các yếu tố ảnh hưởng đến trí tuệ cảm xúc của điều tra viên.

Phạm vi nghiên cứu

Về nội dung: Đề tài tập trung nghiên cứu biểu hiện, mức độ và các yếu tố ảnh hưởng đến trí tuệ cảm xúc của điều tra viên trong hoạt động điều tra.


Về địa bàn: Đề tài nghiên cứu ở Cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an.

Về thời gian: Đề tài nghiên cứu từ tháng 11/2017 - 12/2021.

4. Giả thuyết khoa học

Trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra ở mức độ cao nhưng không đồng đều ở các mặt biểu hiện, trong đó: năng lực nhận biết cảm xúc có mức độ cao nhất; năng lực sử dụng cảm xúc và điều khiển cảm xúc có mức độ thấp hơn.

Trí tuệ cảm xúc giữa các điều tra viên ở Cục An ninh điều tra có sự khác nhau nhất định theo các biến số như: giới tính, thâm niên công tác, trình độ học vấn, kinh nghiệm hoạt động của điều tra viên.

Trí tuệ cảm xúc của điều tra viên chịu sự tác động của nhiều yếu tố cả về chủ quan và khách quan. Trong đó, các yếu tố chủ quan có ảnh hưởng mạnh hơn; Có thể phát triển trí tuệ cảm xúc của điều tra viên thông qua các biện pháp tác động phù hợp vào các mặt biểu hiện và các yếu tố ảnh hưởng đến trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an.

5. Cơ sở lý luận, phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

Cơ sở lý luận

Những nghiên cứu của luận án dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về hoạt động và xây dựng đội ngũ cán bộ Công an nhân dân. Ngoài ra, ở luận án cũng nghiên cứu, vận dụng các Chỉ thị, hướng dẫn của Bộ Công an về công tác điều tra và chức trách, nhiệm vụ của điều tra viên.

Phương pháp luận

Luận án được nghiên cứu dựa trên cơ sở phương pháp luận của khoa học tâm lý và các nguyên tắc tiếp cận như: Nguyên tắc tiếp cận hoạt động; nguyên tắc tiếp cận hệ thống, cấu trúc; nguyên tắc tiếp cận nhân cách; nguyên tắc tiếp cận thực tiễn. Các nguyên tắc trên là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình nghiên cứu của luận án.


Tiếp cận hoạt động

Tâm lý, ý thức được nảy sinh bởi hoạt động. Hoạt động là quy luật chung nhất của tâm lý người. Sự phát triển phức tạp và các chuyển hoá của hoạt động kéo theo sự phát triển phức tạp và chuyển hoá của tâm lý. Ngoài ra, phản ánh tâm lý không bao giờ tách rời hoạt động, hoạt động vừa tạo ra tâm lý vừa sử dụng phản ánh tâm lý làm khâu trung gian của hoạt động, tác động vào đối tượng.

Nghiên cứu tâm lý đặc biệt chú ý đến sự vận động của hệ thống các quan hệ giữa các thành tố cấu trúc vĩ mô của hoạt động - một bên là điều kiện, mục đích, động cơ và bên kia ứng với các thao tác, hành động và hoạt động.

Vì vậy nghiên cứu trí tuệ cảm xúc của điều tra viên không tách rời hoạt động của chính họ nghĩa là thông qua các hoạt động của điều tra viên, các mặt biểu hiện trí tuệ cảm xúc sẽ được xem xét, nghiên cứu một cách cụ thể. Việc đưa ra các phương hướng tổ chức các hoạt động là một trong những cách góp phần thay đổi mức độ trí tuệ cảm xúc của điều tra viên.

Tiếp cận hệ thống - cấu trúc

Trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra được biểu hiện trên các mặt về năng lực nhận biết cảm xúc; năng lực thấu hiểu cảm xúc; năng lực vận dụng cảm xúc và năng lực điều khiển cảm xúc. Những nội dung này tác động qua lại, chi phối và ảnh hưởng lẫn nhau tạo ra một chỉnh thể thống nhất trong phẩm chất trí tuệ của điều tra viên. Đồng thời, trí tuệ cảm xúc chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố, vì vậy để nghiên cứu đầy đủ, toàn diện và đề ra những biện pháp phù hợp nhằm phát triển trí tuệ cảm xúc thì cần có sự tiếp cận nghiên cứu mang tính hệ thống.

Tiếp cận nhân cách

Tiếp cận nhân cách chính là tiếp cận với những con người cụ thể đang sống và hoạt động. Nguyên tắc tiếp cận nhân cách đòi hỏi khi nghiên cứu tâm lý con người phải tiếp cận với từng con người cụ thể với toàn bộ ưu, nhược điểm của các thuộc tính, phẩm chất tâm lý của cá nhân đó. Nghiên cứu trí tuệ cảm xúc của


điều tra viên theo quan điểm tiếp cận nhân cách đòi hỏi phải nhìn nhận mỗi điều tra viên là một nhân cách cụ thể, là sản phẩm của điều kiện xã hội - lịch sử, sản phẩm của giáo dục và trong môi trường hoạt động nghề nghiệp chuyên biệt gắn với quá trình tự rèn luyện của cá nhân. Do đó, khi nghiên cứu trí tuệ cảm xúc của điều tra viên cần tiếp cận toàn diện nhân cách của điều tra viên theo chuẩn mực chung về phẩm chất, năng lực của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an và tuân theo những yêu cầu về chức trách, nhiệm vụ của điều tra viên.

Tiếp cận thực tiễn

Trí tuệ cảm xúc cả điều tra viên chịu tác động và ảnh hưởng bởi những yếu tố nhất định trong điều kiện thực tiễn. Tiếp cận trí tuệ cảm xúc của điều tra viên phải gắn liền với việc tìm hiểu hai điều kiện thực tiễn hoạt động của điều tra viên và gắn với từng trường hợp cụ thể.

Con người là một thực thể xã hội. Hành vi của cá nhân được xem là kết quả tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác nhau. Vì vậy nghiên cứu trí tuệ cảm xúc của điều tra viên trong mối tương quan với nhiều yếu tố như: yếu tố tâm lý cá nhân, tâm lý xã hội, điều kiện hoàn cảnh kinh tế xã hội.

Phương pháp nghiên cứu

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu và giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu đề ra, đề tài sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu:

Phương pháp nghiên cứu văn bản tài liệu: Phân tích, tổng hợp, khái quát hoá các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan đến trí tuệ cảm xúc của điều tra viên nhằm xây dựng cơ sở lý luận cho đề tài.

Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn: Phương pháp trắc nghiệm, điều tra bằng bảng hỏi, đánh giá nhóm, quan sát, phỏng vấn sâu, phân tích chân dung tâm lý điển hình.

Phương pháp xử lý và phân tích số liệu bằng thống kê toán học: Sử dụng phần mềm SPSS 20.0 để xử lý số liệu điều tra thực trạng trí tuệ cảm xúc của điều tra viên, thực trạng các yếu tố ảnh hưởng.

Mục đích và cách thức thực hiện của từng phương pháp được trình bày ở chương 3.


6. Những đóng góp mới của luận án

Đóng góp về lý luận

Luận án góp phần làm phong phú thêm về lý luận trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an theo cách tiếp cận mới.

Luận án làm rõ trí tuệ cảm xúc của điều tra viên là một năng lực tổng hợp trong cấu trúc nhân cách của điều tra viên. Luận án tập trung luận giải những biểu hiện, tiêu chí đánh giá trí tuệ cảm xúc của điều tra viên. Đồng thời, luận án tập trung phân tích rõ vị trí, vai trò của các yếu tố ảnh hưởng đến trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an.

Đóng góp về thực tiễn

Luận án làm sáng tỏ thực trạng trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an trên các mặt biểu hiện và dựa trên các chỉ báo đánh giá về trí tuệ cảm xúc. Luận án chỉ ra, trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an ở mức cao nhưng không đồng đều ở các mặt biểu hiện; trong đó năng lực thấu hiểu cảm xúc ở mức độ biểu hiện cao nhất. Để xác định được mối quan hệ giữa các biểu hiện trí tuệ cảm xúc của điều tra viên, thông qua tiến hành kiểm định tương quan. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, các mức độ biểu hiện trí tuệ cảm xúc của điều tra viên có mối tương quan thuận, chặt chẽ.

Kết quả nghiên cứu của luận án chỉ rõ, trí tuệ cảm xúc của điều tra viên chịu ảnh hưởng của hai nhóm yếu tố chủ quan và khách quan; trong đó, các yếu tố chủ quan có ảnh hưởng mạnh hơn các yếu tố khách quan đối với trí tuệ cảm xúc của điều tra viên.

Xác định được các biện pháp tâm lý - xã hội, nhằm phát triển trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an. Đồng thời, phân tích 02 chân dung tâm lý điển hình để thấy được bức tranh tổng thể trí tuệ cảm xúc thông qua các mặt biểu hiện cũng như sự tác động của các yếu tố chủ quan và khách quan đến trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra.


7. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án

Về lý luận

Luận án bổ sung, làm phong phú thêm lý luận Tâm lý học về trí tuệ cảm xúc của điều tra viên. Bổ sung thêm hướng nghiên cứu về cảm xúc đối với khách thể là những người công tác trong lực lượng vũ trang, cụ thể là trong hoạt động điều tra hình sự.

Xây dựng các mặt biểu hiện, mức độ biểu hiện để đánh giá trí tuệ cảm xúc của điều tra viên. Chỉ ra được các yếu tố ảnh hưởng đến trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra.

Về thực tiễn

Kết quả nghiên cứu thực tiễn của luận án làm cơ sở khoa học cho việc phát triển trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra.

Kết quả nghiên cứu này có thể dùng làm tài liệu tham khảo trong giảng dạy và nghiên cứu về đời sống tình cảm cá nhân, trong nghiên cứu và rèn luyện kiểm soát cảm xúc phục vụ cho đào tạo cán bộ của Ngành.

8. Kết cấu của luận án

Luận án được trình bày trên các nội dung gồm: Mở đầu, 4 chương (12 tiết), kết luận, kiến nghị, danh mục các công trình của tác giả đã công bố, tài liệu tham khảo và phụ lục.

Xem tất cả 261 trang.

Ngày đăng: 14/10/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí