"mai mối" bạn gái của mình (ế chồng) cho chồng mình. Bà luôn dặn chồng "làm gì cũng phải có mức độ, trong tất cả các cô anh cặp bồ em thấy cái cô Thủy ấy là được nhất!". Chuyện kể khó ai có thể tin được, nhưng đó là sự thật mà cả làng tôi chứng kiến. Vợ chồng thím tôi đã mất, còn cô bạn gái của thím vẫn còn và có một người con với chú tôi”… Có phải tác giả bài viết đang cổ súy cho việc đàn ông ngoại tình, quan hệ ngoài luồng một cách hợp pháp dưới cái mác “nhu cầu cao”, “vợ không đáp ứng đủ”…? Điều này không những duy trì bất BĐG mà còn vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức lối sống, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Thứ năm, cách thức mô tả nhân vật trong các tin bài về bạo lực giới vẫn củng cố định kiến với giới nữ.
Về khía cạnh này đã có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu, đặc biệt là các dự án của CSAGA, Oxfam với các bản tin nhặt sạn giới trên truyền thông và hướng dẫn dành cho nhà báo [100]. Công trình “Báo điện tử: Hiệu quả truyền thông về bạo lực gia đình” của Phạm Hương Trà đã mô tả rất kỹ càng sự phản ánh về bạo lực gia đình trên BMĐT Việt Nam trong khoảng thời gian 2009 - 2010, từ khuôn mẫu bạo lực, hình thức bạo lực cho đến nguyên nhân bạo lực, từ chân dung của người bị bạo lực và người gây bạo lực được phản ánh trên BMĐT cho đến ngôn ngữ, hình ảnh được sử dụng trong các bài viết. Theo đó, tác giả khẳng định: Mặc dù khuôn mẫu BLGĐ được phản ánh khá đầy đủ nhưng sự tập trung vào việc khuếch đại hình thức bạo lực của chồng đối với vợ có thể khiến công chúng có cái nhìn thiên lệch về khuôn mẫu BLGĐ. Thêm vào đó, sự thiếu nhạy cảm giới khi nhìn nhận vấn đề BLGĐ thể hiện trong cách tiếp cận vấn đề, lí giải sự việc đã củng cố thêm những sai lệch trong nhận thức của công chúng về BLGĐ đồng thời làm giảm hiệu quả của công tác truyền thông” [131, 166].
Trong nghiên cứu của chúng tôi, do phạm vi khảo sát hạn chế nên chuyên mục Pháp luật không được lấy mẫu nghiên cứu. Chuyên mục này theo đánh giá của chúng tôi vẫn tồn tại rất nhiều tin bài thể hiện định kiến giới. Tuy nhiên, các tin bài trong mục Tâm sự, Gia đình mà chúng tôi khảo sát cũng có khá nhiều bài viết thể hiện sự thiếu nhạy cảm giới. Các bài viết mang thông điệp củng cố quan niệm: Bạo lực = Nam tính. Đánh vợ = Dạy vợ; nhìn nhận sai về nguyên nhân bạo lực (mâu thuẫn gia đình, cuộc tranh cãi, mối bất hòa, hậu quả của ghen tuông…); đổ lỗi cho nạn nhân (lắm điều, từ chối yêu, về muộn, mặc váy ngắn…); bao biện, giảm thiểu cho hành vi bạo lực bằng các cách sử dụng các thủ thuật ngôn ngữ khác nhau (nóng giận, mất bình tĩnh, bị ma men điều khiển,
không kiềm chế được cảm xúc, quá ghen tuông, bị xúc phạm, “ma xui quỷ khiến”…) vẫn tồn tại trên BMĐT.
Hình ảnh nữ phụ thuộc hoặc bị động thường gặp trong những tin/bài viết về quan hệ hôn nhân - gia đình, các vụ án hiếp dâm hoặc bạo lực gia đình… Ngay cả khi những tin bài này nhằm ủng hộ và bênh vực cho nữ thì việc dừng lại ở mô tả hiện tượng, bề mặt của sự kiện khiến sự mô tả của báo chí dễ rơi vào tình trạng khắc sâu tâm lý phụ nữ phải phụ thuộc vào nam giới.
Bài viết 102 tháng tù cho người chồng đoạt mạng vợ vì mặc váy ngắn (VnE ngày 03/7/2015) là một ví dụ. Bài báo tỏ ra khá dễ dãi khi đưa chi tiết vợ “mặc váy ngắn” để “giật tít” gây sự chú ý, dẫn đến việc khiến người đọc nhầm tưởng đó chính là nguyên nhân chính dẫn đến án mạng. Trong khi đó, nội dung bài báo có nhắc đến tình tiết bị cáo vốn hay ghen, vì không hài lòng khi vợ mặc váy “đến ngang đầu gối” đi đám cưới một người bạn nên tức giận đi uống rượu say, về nhà đánh vợ đến mức tử vong. Vụ việc lẽ ra cần được nhìn nhận ở góc độ bạo lực, bạo hành gia đình, tránh kiểu giật tít câu view để vô tình đẩy người phụ nữ vào thế bị động, trở thành người có lỗi trong khi chính chị phải thiệt mạng vì sự vũ phu mất nhân tính của chồng.
Cách giải thích nguyên nhân của hành vi bạo lực trong bài viết Là đàn ông, đừng làm phụ nữ khóc (Giadinh, 8/3/2016) cũng gián tiếp bênh vực và làm giảm nhẹ mức độ bạo lực của người chồng. Người phụ nữ bị chồng đánh như một thói quen: “Anh đánh chị vì chị chưa kịp dạ khi anh gọi từ ngoài ngõ hay chị mải cho con ăn mà chưa dọn cơm cho chồng. Vui buồn gì anh cũng đánh, trời nhỡ mưa hay trót nắng anh cũng kiếm cớ đánh chị như một thói quen”, nhưng vẫn tìm được lí do bao biện cho chính người chồng vũ phu: “Chị bảo ngày xưa anh không thế, có lẽ bây giờ vì thời cuộc nhá nhem, công việc thất thường nên anh chán chường say sưa bét nhè như vậy. Đôi lần ngồi khóc trong bếp, chị nghĩ hẳn có hai con người trong thân xác của chồng, nên tự ủi an và bằng lòng sống tiếp”.
Tương tự như vậy, bài viết Bức thư để lại sau cái tát nảy lửa khi thấy vợ rót bia ở quán nhậu (Giadinh, 21/6/2015) kể chuyện một anh chàng thất nghiệp mấy tháng trời, vợ phải giấu chồng đi tiếp thị bia để có tiền trang trải cuộc sống. Khi theo dõi và phát hiện ra bí mật của vợ, anh chồng ngay lập tức “lao ngay vào quán, đấm vào mặt tên khách kia, tát vợ một cái rõ đau và kéo Nga về nhà cho bằng được”. Anh chàng còn dùng những lời lẽ nặng nề trách móc vợ: “Tại sao trong hàng trăm công việc có thể làm thêm, cô lại chọn cái nghề đốn mạt ấy? Cô có chồng rồi mà sao vẫn trơ mặt ra đứng rót bia và để cho nhiều gã chèo kéo như thế? Tôi không thể chịu đựng được nữa”. “ Huy tức giận đóng sầm cửa lại, chạy xe đi
thẳng một mạch mà không đợi Nga giải thích”. Người chồng trong câu chuyện không chỉ có hành động bạo lực thể xác, mà anh ta còn có hành động bạo lực lời nói, cao hơn là bạo lực tinh thần đối với vợ mà không cho cô có cơ hội giải thích. Điều đáng nói là tất cả những hành động bạo lực của người chồng được giải thích bằng nguyên nhân nghe khá hợp với “lẽ thường” - đó là do “cảm thấy mình bị xúc phạm rất nặng nề” khi thấy vợ rót bia cho những người đàn ông khác.
Có thể bạn quan tâm!
- Mô Hình Phân Công Lao Động Theo Giới (Theo Mô Hình 24 Giờ Trong Ngày)
- Bài Viết Chỉ Trích Mai Phương Thúy “Chỉ Mong Cởi Để Lên Báo”
- Bài Viết “Lí Do Trai Một Đời Vợ Hơn Đứt Trai Tân” (Giadinh, 06/8/2015)
- Định Kiến Giới Trong Hình Thức Tác Phẩm Báo Mạng Điện Tử
- Ba Hình Ảnh Đều Là Ảnh Nạn Nhân Trong Bài Viết “Chồng Trung Quốc Chém 5 Người Gia Đình Vợ” (Tt, 19/2/2016)
- Những Hạn Chế Từ Thực Trạng Định Kiến Giới Trên Báo Mạng Điện Tử Việt Nam Hiện Nay.
Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.
Những câu chuyện viện dẫn và cổ súy cho những quan điểm truyền thống thiếu BĐG như đàn ông nóng tính, hay mất kiểm soát cảm xúc và hành vi, hay ghen, tính sĩ diện cao nên dễ cảm thấy bị mất thể diện…, phụ nữ nên nhẫn nhịn, tránh động đến những “giới hạn” của đàn ông… đang tồn tại trên BMĐT sẽ khắc sâu thêm ĐKG, làm cho việc thu hẹp khoảng cách về vị thế giữa nam và nữ vẫn đang là bài toán khó chưa có đáp án. Trong trường hợp này, rất cần sự thể hiện chính kiến của nhà báo trên lập trường BĐG, nhạy cảm giới để tránh cho độc giả những hiểu lầm rằng báo chí đang cổ vũ cho việc phụ nữ phải nhịn nhục, cam chịu, hay báo chí đang bao biện, thanh minh, bênh vực cho những hành vi bạo lực của nam giới.
2.1.2.2. Trong mối quan hệ xã hội
Nếu như trong mối quan hệ gia đình, hình ảnh người phụ nữ được miêu tả trong nội dung tin tức vẫn theo những khuôn mẫu truyền thống chứa đầy định kiến, thì trong mối quan hệ xã hội, những khuôn mẫu mang định kiến này dường như vẫn đang được duy trì và cổ xúy trong các bản tin.
Thứ nhất, vị thế và tiếng nói giữa nam và nữ được mô tả trong nội dung tin tức vẫn có sự chênh lệch khá lớn.
Tỉ lệ nam/nữ được mô tả là thủ phạm/nạn nhân trong các bản tin khá khác biệt. Nam giới vẫn thường được mô tả là thủ phạm, tội phạm hay nạn nhân của tai nạn, chiến tranh; còn nữ giới vẫn được mô tả là nạn nhân của bạo lực tình dục, bạo lực gia đình, thực hành văn hóa… (Xem biểu đồ 2.7). Việc duy trì những khuôn mẫu này có thể dẫn đến tình trạng bạo lực giới, đặc biệt là bạo lực tình dục, bạo lực gia đình gia tăng, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Những tư tưởng cũ kỹ đã ăn sâu vào nếp nghĩ của số đông như: đàn ông thường nóng tính, ưa bạo lực, phụ nữ nên nhẫn nhịn, chịu đựng, “Chồng giận thì vợ bớt lời/Cơm sôi nhỏ lửa biết đời nào khê”… cần được dần loại bỏ trên truyền thông nhằm hướng tới mối quan hệ hài hòa, bình đẳng, được tôn trọng giữa nam và nữ trong cuộc sống gia đình cũng như các quan hệ xã hội.
Biểu đồ 2.7: Tỉ lệ nam/nữ được mô tả là nạn nhân/thủ phạm trên BMĐT
Nguồn: NCS tổng hợp từ kết quả khảo sát Việc mô tả vị thế giữa nam và nữ trên truyền thông khá chênh lệch. Nam giới vẫn được mô tả trong vai trò là lãnh đạo, quản lý, đại diện chính quyền, đại diện doanh nghiệp, đoàn thể… nhiều hơn nữ giới. Nữ giới chủ yếu được mô tả trong vai trò là công dân, công chúng, nhân viên, người nổi tiếng (MC, người mẫu, ca
sĩ, diễn viên)… (Xem biểu đồ 2.8)
Biểu đồ 2.8: Vị thế và giới tính của nam/nữ trên BMĐT
Nguồn: NCS tổng hợp từ kết quả khảo sát
Tương tự như vậy, tỉ lệ nam giới được dẫn lời, trích ý kiến với tư cách là chuyên gia, lãnh đạo, đại diện chính quyền lớn hơn nữ giới. Khi được phỏng vấn trực tiếp, nam giới thường được hỏi về các vấn đề kinh tế, chính trị hoặc kỹ thuật, trong khi nữ giới thường được hỏi về các vấn đề liên quan đến hôn nhân, nghề nghiệp (ca sĩ, diễn viên, người dẫn chương trình…). (Xem biểu đồ 2.9)
Biểu đồ 2.9: Giới tính và tiếng nói của nhân vật trong tin bài trên BMĐT
Nguồn: NCS tổng hợp từ kết quả khảo sát
Thứ hai, việc xây dựng chân dung nữ lãnh đạo, quản lý vẫn dựa theo những mô-tip truyền thống “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “vừa hồng, vừa chuyên”.
Nhìn tỷ lệ giới tính của nhân vật là lãnh đạo, quản lý trên các trang BMĐT, chúng ta cảm thấy vui mừng vì tỷ lệ lãnh đạo, quản lý là nữ cao hơn nam giới. (Xem biểu đồ 2.10). Trừ báo Tuổi trẻ, hai báo còn lại là Giadinh và VnE đều có tỷ lệ nữ giới là lãnh đạo, quản lý cao hơn nam giới. Tính chung cả ba trang BMĐT, trong 1325 tin bài đề cập đến hình ảnh lãnh đạo, quản lý, có tới 37.1% là nữ, 22,9 % là nam và 40% là cả hai giới. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng, vừa phản ánh đúng thực tế đời sống xã hội với những đổi thay tích cực của một bộ phận lớn chị em phụ nữ tự tin, năng động, tài năng, vừa thể hiện sự biến chuyển trong nhận thức về giới của những người làm báo trong quá trình sản xuất tin bài.
Biểu đồ 2.10: Giới tính của nhân vật là lãnh đạo, quản lý trên các báo
Nguồn: NCS tổng hợp từ kết quả khảo sát Tuy nhiên, nhìn riêng số liệu của báo Tuổi trẻ - một chuyên trang về các vấn đề thời sự, chính trị, kinh tế - thì tỷ lệ nữ trong vai trò lãnh đạo, quản lý nhỏ hơn rất nhiều so với nam giới (22,6 % so với 36,2% trong tổng số 177 tin bài). Hai trang còn lại chuyên về lĩnh vực văn hóa, giải trí, vì thế nhân vật lãnh đạo được khai thác chủ yếu trong vai trò là trợ lý, người quản lý cho ca sĩ, người mẫu, giám đốc các công ty giải trí, ông/bà chủ các nhà hàng, cửa hàng thời trang, mỹ phẩm… Nhìn chung, đúng như những gì mà các công trình nghiên cứu về định kiến giới với lãnh đạo nữ trên truyền thông đã chỉ ra: “Tần suất xuất hiện của nữ lãnh đạo trong các bài báo và bản tin là rất thấp so với nam lãnh đạo, đặc biệt là trong khối các cơ quan nhà nước. Điều này cho thấy hình ảnh lãnh đạo nữ đã không được phản ánh một cách đầy đủ trong tin tức dù sự tham gia và cống hiến của họ vào lực lượng lao động rất quan trọng. Sự thiếu vắng hình ảnh lãnh đạo nữ trong tin tức không những là minh chứng cho việc tiếng nói và ý kiến của nữ giới không được thể hiện một cách đầy đủ mà còn gửi một thông điệp ngầm tới công chúng rằng rằng lãnh đạo nữ không có quyền lực, hoặc không có phẩm chất
lãnh đạo để xứng đáng đưa vào các bản tin” [58, 29]
Bên cạnh đó, kết quả phân tích định tính cũng cho thấy, nữ lãnh đạo được chú ý miêu tả yếu tố ngoại hình và các thông tin bên lề như gia đình, con cái nhiều hơn nam lãnh đạo.
Lý Nhã Kỳ là một doanh nhân giàu có và nổi tiếng. Cô được biết đến là chủ của một số thương hiệu nữ trang và thời trang cao cấp. Tuy nhiên, trong bài viết Lý Nhã Kỳ, mỹ nhân lạ lùng của showbiz (Giadinh, 14/12/2016), nữ doanh nhân được mô tả bằng giọng điệu khá mỉa mai, châm biếm, hàm ý không ghi nhận thực lực của cô, cho rằng danh tiếng mà cô có được là nhờ các “chiêu trò” lạ lùng mà một trong số đó là nhận cha mẹ nuôi, anh nuôi với những người giàu có, nổi tiếng: “Thương hiệu kim cương, thời trang cao cấp mang tên cô được ra mắt sau đó để đáp ứng nhu cầu của các nghệ sĩ tên tuổi và giới thượng lưu. Chưa dừng ở đó, Lý Nhã Kỳ đã tạo được sự ảnh hưởng của mình với giới doanh nhân, người nổi tiếng ở các nước trong khu vực, thậm chí là ở châu Âu. Không ai biết bằng cách nào, dựa vào mối quan hệ nào để cô tạo dựng được tên tuổi của mình, nhưng có một cách được cô chia sẻ nhiều lần là có rất nhiều bố mẹ và anh nuôi”. Việc khai thác đời tư và quan hệ cá nhân một cách thiếu thiện chí cho thấy tác giả mang cái nhìn định kiến giới đối với nhân vật, không ghi nhận thực lực của nhân vật, nhấn mạnh vào các chi tiết đời tư với hàm ý bóc mẽ, kỳ thị cũng là biểu hiện của bất bình đẳng giới.
Một bài viết khác phỏng vấn diễn viên Kim Cương - là vợ và cũng là quản lý của ca sĩ Ưng Hoàng Phúc: Kim Cương: “Anh Phúc luôn dành tình yêu cho con trai riêng của tôi” (Giadinh, 23/11/2015) cũng xoáy sâu vào những “bất lợi” của nhân vật khi đưa ra những câu hỏi như: “Chị có ngại việc con riêng, con chung trong gia đình sau khi bé thứ hai chào đời?”, hay “Trải qua cảm giác đổ vỡ, nhiều người dần mất niềm tin vào hôn nhân, còn chị?”… khiến cho nhân vật dường như càng trở nên mặc cảm thua kém so với người chồng nổi tiếng, trẻ trung, đào hoa. Vì vậy, mặc dù Kim Cương tự nguyện “trở thành người phụ nữ đứng sau lưng Ưng Hoàng Phúc”, nhưng chúng ta vẫn có cảm giác cô đang mặc cảm, đang chấp nhận hy sinh, thậm chí đang phải “đánh đổi”, phải “trả giá” vì đã ly hôn và có con riêng. Giá như bài viết chỉ khai thác khía cạnh tình cảm hòa hợp giữa Kim Cương với chồng và gia đình chồng, sự ăn ý giữa họ trong công việc hay niềm hạnh phúc của người phụ nữ khi mang thai được yêu thương, chăm sóc thì yếu tố nhạy cảm giới sẽ được thể hiện rõ hơn rất nhiều.
Cũng khai thác hình ảnh nữ lãnh đạo, bài viết Nữ giáo sư mang cơ hội cho hàng ngàn cặp vợ chồng đăng trên VnEpress ngày 8/3/2015 tiêu biểu cho mô-tip xây dựng hình tượng nhân vật lãnh đạo nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Bài viết ca ngợi giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, người đầu tiên mang kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm về Việt Nam. Tuy nhiên, từ tiêu đề nhấn mạnh “nữ giáo sư”, từ sapo, hai tít phụ (Nếu yêu gia đình sẽ biết cách thu xếp và Vị nữ giáo sư với món tủ…bún riêu) cho đến nội dung của cả bài viết đều cố gắng mô tả hình ảnh nhân vật ở khía cạnh “vừa hồng vừa chuyên”: “bên cạnh các thành tựu đáng nể trong sự nghiệp, ở khía cạnh gia đình giáo sư Phượng còn là một người mẹ, người bà tuyệt vời”, “không chỉ là một vị giáo sư cần mẫn, tài năng, bà còn rất thích nấu ăn và nấu khá ngon”… Bài viết còn chia sẻ tâm sự của nữ giáo sư khi cảm thấy “có lỗi” vì không thể dành thời gian cho cháu ngoại và những cố gắng của bà để thay đổi điều này… Việc cố lái nhân vật theo hướng chia sẻ về việc làm thế nào để cân bằng giữa công việc và thời gian dành cho gia đình có thể làm “tròn”, làm “sáng” hơn hình tượng nhân vật, song xét ở góc độ giới, việc này gây áp lực lớn đối với giới nữ, “giữ chặt” họ trong vai trò là người phụ nữ của gia đình bên cạnh vai trò là người phụ nữ có vị trí trong xã hội, thành công trong sự nghiệp.
Viết thế nào để phản ánh đúng bản chất những giá trị văn hoá tốt đẹp, đồng thời lên án nhằm xoá bỏ những quan niệm, suy nghĩ lạc hậu ẩn dưới nhãn mác của cái gọi là “giá trị văn hóa” hay “truyền thống văn hóa” làm cản trở quyền bình đẳng, tiến bộ của nam giới và phụ nữ là một yêu cầu đặt ra đối với người làm báo. Khi viết về một nhân vật thành đạt nào đó, nên tập trung nhiều hơn đến tư cách, đạo đức và sự đóng góp của họ đối với cộng đồng; không nên áp đặt hay phán xét họ với những vai trò của ông bố, bà mẹ trong gia đình. Nên khuyến khích những mẫu hình văn hoá thể hiện BĐG, phù hợp với sự phát triển tiến bộ, văn minh của xã hội
Thứ ba, các bài viết về mua bán dâm, quấy rối tình dục, hiếp dâm và xâm hại tình dục trên BMĐT cổ xúy những quan niệm truyền thống bất lợi cho giới nữ.
Nhiều bài viết vẫn củng cố quan niệm: “Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”, sách nhiễu tính dục là “đặc quyền”, là “bản chất” tự nhiên của nam giới. Hành vi hung hăng trong quan hệ tính dục của nam giới là bình thường và tự nhiên, vì thế thường duy trì việc đổ lỗi và gây áp lực cho nạn nhân, giảm nhẹ mức độ của hành vi quấy rối.