Trong 300 bài viết đề cập đến công danh sự nghiệp, có tới 134 bài mô tả nhân vật là nữ, 114 bài mô tả nhân vật là nam và 52 bài là cả hai giới. Điều này đang phản ánh một thực tế của đời sống xã hội hiện đại - đó là ngày càng nhiều phụ nữ tham gia đảm nhiệm các vị trí mà trước đây là địa hạt riêng của nam giới, từ thương trường cho tới chính trường đều có sự góp mặt ngày càng nhiều của những gương mặt nữ giới tự tin, độc lập. Tuy nhiên, chính những bài viết này lại tồn tại những định kiến đối với giới nữ một cách khó nhận biết nhưng lại mạnh mẽ và dai dẳng nhất. Điều này chúng tôi sẽ đề cập cụ thể hơn ở phần sau của luận án.
Như trên đã nói, vị trí của nam và nữ được BMĐT mô tả vẫn gắn chặt với các định khuôn đã tồn tại lâu dài trong xã hội. Những khuôn mẫu đó được BMĐT truyền tải thành những thông điệp rõ ràng qua những bài viết cập nhật từng ngày từng giờ, có sức lan tỏa mạnh mẽ nhờ sự hỗ trợ của uy tín truyền thông và ưu thế của công nghệ thông tin.
Thứ nhất, BMĐT vẫn duy trì định kiến về các bên trong những cuộc hôn nhân đổ vỡ hay những mối quan hệ đứt gánh giữa đường, trong đó người phụ nữ dù ở vị trí nào cũng là đối tượng chịu định kiến nhiều hơn.
Ở đó, ngoại tình dường như được coi là “năng lực riêng” của nam giới, còn đối tượng bị coi thường, chỉ trích, hứng “gạch đá” dư luận phần lớn lại là phụ nữ với những cụm từ thể hiện rõ sự miệt thị: “tiểu tam”, “con giáp thứ 13”, “cô vợ nhỏ trong bóng tối”… Trong bài viết Tự thú cay đắng của kẻ thứ ba (Giadinh, 19/7/2016), nhân vật là người phụ nữ đã li hôn trót “sa chân” vào mối tình với người đồng nghiệp đã có gia đình. Rõ ràng là từ đầu đến cuối đều do người đàn ông chủ động tiếp cận, dần chiếm lấy trái tim cô, nhưng cũng từ đầu đến cuối, anh ta không hề chịu bất cứ áp lực nào từ dư luận cũng như từ chính kẻ thứ ba đang khổ sở là cô, mà chỉ có cô bị bạn thân khuyên nhủ, trách móc, chỉ có cô tự dằn vặt, hành hạ chính bản thân mình: “Mai luôn tự dằn vặt chính mình, cô cảm thấy mình đã làm một chuyện thấp hèn và dơ bẩn chính là cướp người đàn ông của kẻ khác”, “làm sao cô có thể để con trai bé bỏng biết cô đang qua lại với người đàn ông đã có gia đình? Làm sao cô có thể nhẫn tâm phá vỡ gia đình của kẻ khác, gia đình của anh cũng có đứa trẻ ngây thơ bằng tuổi với con cô, làm sao cô có thể nhẫn tâm như vậy?”, “sau này con trai cô lớn lên, có thể nó sẽ nghĩ mẹ nó là người mẹ tồi tệ, có thể nó sẽ gánh chịu những lời bêu rếu của người đời vì
biết mẹ nó là kẻ thứ ba”… Hình như trong chuyện này chỉ mình cô là tội đồ đáng nguyền rủa, là nguyên nhân của mọi sự đổ vỡ, sai lầm.
Ở đó, người phụ nữ là tiểu tam bị chỉ trích đã đành, người phụ nữ đường đường là “chính thất” tưởng sẽ luôn được bênh vực, được cảm thông, nhưng đôi khi cũng bị chỉ trích khá gay gắt. Họ là những người chịu hậu quả của việc ngoại tình nhưng lại bị trách ngược như là nguyên nhân gây nên sự đổ vỡ. Bài viết Chồng đi chinh phục gái giàu, trở về trắng tay (Giadinh, 22/9/2014) giải thích lí do người chồng U50 bỏ vợ và 2 con để đi theo “tiếng gọi của con tim” như thế này: “Tôi khổ sở với cương vị một chủ tịch Hội Phụ nữ phường nhưng lại bị chồng bỏ. Vì sao ư? “Em không có lỗi gì cả. Nhưng hai mươi mấy năm qua anh thấy hôn nhân mình bình lặng đến nhàm chán. Anh xin em, hãy để anh sống cho mình. Cô ấy rất giàu, em không phải lo cho anh chén cơm manh áo. Anh muốn trải nghiệm bản thân để thấy mình đủ sức chinh phục phụ nữ nhà giàu”, lý do để Dũng bỏ tôi là thế!”. Vậy là nguyên nhân anh chồng ra đi là vì vợ quá nhàm chán, hay còn vì chị là chủ tịch Hội phụ nữ phường nữa? Vợ nhàm chán thì chồng sẽ ngoại tình. Lỗi của phụ nữ là đã để cho hôn nhân của mình quá bình lặng, để chồng cảm thấy không được sống cho mình, vì thế anh ta chọn cách ra đi… Các viết này không chỉ đổ lỗi vô lý cho người phụ nữ, mà còn cố tình bao biện, làm giảm nhẹ mức độ xấu xa của hành động ngoại tình, vô trách nhiệm với vợ con ở người đàn ông.
Trong tất cả các bài viết về ly hôn, ngoại tình mà “người thứ ba” là nữ thì mặc nhiên “tiểu tam” đó sẽ trở thành tội đồ. Tuy nhiên, nếu người thứ ba là nam thì cục diện sẽ khác, vì người bị chỉ trích nặng nề lúc này không phải là người đàn ông mà lại chính là người phụ nữ chẳng may say nắng kia. Lí do là gì ư? Vẫn là những “lẽ thường” đã trở thành chân lí mà ai cũng công nhận là hiển nhiên đúng đắn như trong bài viết Ngoại tình để dạy cho đàn ông một bài học?! (Giadinh, 20/11/2014): “Nhắc đến ngoại tình, người ta thường lên án đàn ông dù số lượng quý bà gia nhập “sân chơi” này ngày càng nhộn nhịp, xôm tụ chẳng kém quý ông. Tuy nhiên, hệ luỵ thường nghiêng về phía các chị em nếu chuyện ngoại tình vỡ lỡ, cho dù lý do đưa đẩy họ đến với cuộc chơi này là gì chăng nữa. Không chỉ xã hội lên án, người tình quay lưng, chồng trừng phạt, con cái không còn tôn trọng mà phụ nữ sau ngoại tình còn đối diện với sự ê chề, nhục nhã cũng như sự cắn rứt lương tâm không ngừng. Trái với đàn ông thường tự hào về bề dày
"chiến tích", phụ nữ luôn đau khổ nhiều hơn vì khi ngoại tình, họ thường yêu đậm sâu chứ không đơn thuần chỉ là sự đổi trao xác thịt”…
Và thật lạ là ngay cả những người phụ nữ đứng ngoài cuộc trót lên tiếng bênh vực “chính thất”, tẩy chay “tiểu tam” cũng có nguy cơ trở thành đối tượng bị chỉ trích, lên án vì thích thị phi, vì ghen ăn tức ở, vì trăm ngàn những tật xấu mà chỉ cần nói ra là người ta gán ngay cho “đàn bà”. Bài viết Phụ nữ ơi, xin ngừng chửi Ngọc Trinh! (Giadinh, 13/12/2016) là một ví dụ cho trường hợp này. Tác giả bài viết sau khi phân tích sự việc Ngọc Trinh dù bị “ném đá” bởi chị em phụ nữ vì thừa nhận đang yêu đại gia hơn cô tới 45 tuổi nhưng vẫn “bình an vô sự”, thậm chí càng đẹp hơn, nổi hơn, đã khuyên chị em phụ nữ rằng: “Vậy nên, phụ nữ tốt hơn hết hãy dành thời gian để tự tạo spotlight cho mình. Đừng để cái bụng mỡ, thân hình phì nhiêu vì ăn nhiều tập ít làm chồng chỉ nhìn đã ngấy, chứ đừng nói đến chuyện “ăn”… Đừng để cái đầu chỉ toàn chuyện thi phi, ghen ăn tức ở, so sánh chồng mình với chồng nhà người ta làm chồng cảm thấy mệt đầu, ức chế. Cũng đừng để những chuyện thiên hạ hay thế giới ảo cướp hết những khoảng thời gian quý báu mà vợ chồng có thể dành cho nhau, hay có thể dành để tự “nâng level” cho bản thân…” Thế mới thấy phụ nữ sao mà vất vả, thiệt thòi! Trên bất kì phương diện nào, sắm bất kì vai nào cô đều có nguy cơ trở thành đối tượng hứng trọn “gạch đá” của dư luận, của chồng con, của người tình, của người thân, thậm chí trong khi người đàn ông có quyền tự hào về “chiến tích” trong các mối quan hệ tay ba thì người phụ nữ bị áp lực dằn vặt bản thân, lương tâm cắn rứt như một sự tra tấn tinh thần tàn khốc.
Hậu đổ vỡ, dễ dàng nhận thấy người đàn ông vẫn được xem trọng hơn người đàn bà “đã một lần đò” hoặc vướng scandal ngoại tình, chia tay. BMĐT dành nhiều bài viết đề cao hình ảnh những người đàn ông “gà trống nuôi con” hoặc có trách nhiệm với con cái sau ly hôn. Trong khi đó, phụ nữ được mô tả chật vật hơn rất nhiều khi làm mẹ đơn thân hoặc cố gắng vượt qua cú sốc tâm lý hậu tan vỡ. Bài viết Lí do trai một đời vợ hơn đứt trai tân (Giadinh, 06/8/2015) liệt kê rất nhiều ưu điểm của người đàn ông đã ly hôn. Hay như bài viết Hạnh phúc khi quyết định gắn đời mình với người từng ly hôn (VnE, 20/11/2014) chia sẻ tâm sự của một cô gái đang hạnh phúc vì đã tìm được một nửa đích thực của mình cho dù người đó đã ly hôn và có con riêng, và cô cũng phải hy sinh rất nhiều khi quyết định gắn bó với anh.
Có thể bạn quan tâm!
- Mô Hình Cơ Chế Tác Động Của Báo Chí Đối Với Dư Luận Xã Hội
- Mô Hình Phân Công Lao Động Theo Giới (Theo Mô Hình 24 Giờ Trong Ngày)
- Bài Viết Chỉ Trích Mai Phương Thúy “Chỉ Mong Cởi Để Lên Báo”
- Tỉ Lệ Nam/nữ Được Mô Tả Là Nạn Nhân/thủ Phạm Trên Bmđt
- Định Kiến Giới Trong Hình Thức Tác Phẩm Báo Mạng Điện Tử
- Ba Hình Ảnh Đều Là Ảnh Nạn Nhân Trong Bài Viết “Chồng Trung Quốc Chém 5 Người Gia Đình Vợ” (Tt, 19/2/2016)
Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.
Hình 2.2: Bài viết “Lí do trai một đời vợ hơn đứt trai tân” (Giadinh, 06/8/2015)
Nguồn: Ảnh chụp màn hình báo giadinh.net.vn Trong khi đó, trong phạm vi khảo sát của chúng tôi, không thấy bài viết nào ca ngợi ưu điểm của người phụ nữ đã có chồng, chỉ thấy những bài viết mô tả hình ảnh người mẹ đơn thân nuôi con một mình trong vất vả, thiếu thốn và chịu nhiều áp lực, thiệt thòi vì thị phi như: Ca sĩ Phương Thảo kể chuyện làm mẹ đơn thân (Giadinh, 12/3/2014), Hai lần làm mẹ đơn thân của người mẫu Huỳnh Trang Nhi (VnE, 6/8/2015), Kim Cương: “Anh Phúc luôn dành tình yêu cho con
trai riêng của tôi” (Giadinh, 23/11/2015) …
Thứ hai, BMĐT vẫn khuyến khích phụ nữ phải biết tỏ ra thụ động, yếu đuối, thua kém chồng. Phụ nữ giỏi hơn chồng là có tội.
Bên cạnh việc đánh giá nhân vật nữ “đóng khung” trong không gian bếp núc, công việc nội trợ, ca ngợi phẩm chất hy sinh như một thuộc tính dành riêng cho nữ giới và coi đó như tiêu chuẩn để ghi nhận thành tích của họ, dường như các tin bài trên BMĐT còn ngầm truyền tải thông điệp: Phụ nữ giỏi hơn chồng là có tội. Về mặt bình đẳng giới, đây là một biểu hiện rất rõ ràng của định kiến giới.
BMĐT không hiếm những tin bài kiểu như: Làm gì khi vợ kiếm tiền nhiều hơn chồng, Tổ ấm lung lay vì chồng lép vế vợ, Chồng “thấp”, vợ ‘cao”, Nỗi khổ của những người vợ giỏi, Bi kịch gia đình vì chồng lép vế, Tan tổ ấm vì vợ giỏi, Khó lấy chồng vì quá thông minh, Tổ ấm thành tổ lạnh vì vợ phất… Những tin bài như thế này luôn được bạn đọc quan tâm, lượng bình luận khá lớn và quan điểm
của những người bình luận (kể cả nam và nữ) thường là ủng hộ việc phụ nữ phải biết thua kém chồng và nên tỏ ra yếu đuối để gia đình được hạnh phúc. Rõ ràng, việc đưa ra hiện tượng mà không phân tích thấu đáo của truyền thông đã khắc sâu thêm định kiến giới. Người phụ nữ giỏi hơn chồng không hề có tội. Sự rạn nứt gia đình có thể là do hai người chưa tìm được tiếng nói chung, người chồng cảm thấy “nam quyền” bị uy hiếp nên có những phản ứng tiêu cực để bảo vệ vai trò trụ cột của mình, còn người vợ thì vừa phải tỏ ra thua kém chồng, vừa phải gồng mình để làm tốt cả công việc cơ quan cả vai trò nội trợ nên về lâu dài không thể đóng tròn vai. Đây là tình huống xã hội phức tạp cần sự tư vấn cặn kẽ của chuyên gia, không thể phản ánh một cách dễ dãi trên các phương tiện TTĐC, khiến cho chính người phụ nữ cũng cảm thấy sự phấn đấu của mình trong xã hội là nguyên nhân làm tan vỡ hạnh phúc gia đình.
Bài báo Được và mất khi phụ nữ làm trụ cột gia đình (Giadinh, 07/3/2014) viết: “Khi phụ nữ làm chủ gia đình, họ đã đồng thời gánh trên vai hai trách nhiệm lớn: vừa “xây nhà”, vừa “xây tổ ấm”. Theo lẽ tự nhiên “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, nhưng vẫn có sự tráo đổi thiên chức ở không ít gia đình. Khi phụ nữ trở thành trụ cột gia đình, họ phải đối mặt với những thách thức đến từ nhiều phía, trong đó có cả nguy cơ tan vỡ hạnh phúc gia đình nếu chỉ mải mê “kiếm củi” mà quên “giữ lửa”. Sau khi đưa ra một số hoàn cảnh để minh họa cho việc phụ nữ phải làm vai trò “trụ cột” bất đắc dĩ, bài báo dẫn lời nhân vật trong bài như một lời khuyên: Từ kinh nghiệm bản thân trong vai trò trụ cột kinh tế, Bích Hạnh tâm sự: “Phụ nữ, dù giỏi giang đến đâu, ở công ty là sếp nọ, sếp kia, kiếm tiền nhiều thế nào thì về nhà cũng chỉ là vợ, là mẹ. Nếu quen thói chỉ đạo chồng hay có thái độ coi thường, bất mãn thì ly hôn là điều không khó xảy ra. Đàn ông đôi khi rất sĩ nên mình phải biết lựa để cuộc sống yên ổn, hòa thuận”. Rõ ràng, đây là cách nhìn nhận có phần một chiều, thiếu khách quan và mang định kiến khi chỉ khai thác từ suy nghĩ, cảm xúc, cách thức giải quyết vấn đề của một cá nhân, vô hình trung càng khắc sâu thêm quan niệm: phụ nữ không thể và không nên giữ vai trò trụ cột trong gia đình, vợ giỏi hơn chồng chính là nguyên nhân tan vỡ hạnh phúc gia đình.
Lý do phụ nữ thông minh xinh đẹp vẫn độc thân (VnE, 27/9/2015, Giadinh dẫn lại, 28/9/2015) cũng duy trì quan niệm phụ nữ càng xuất sắc càng khó lấy chồng. Lý do cơ bản mà bài báo đưa ra đó là những phụ nữ vừa thông minh vừa xinh đẹp khiến cánh đàn ông hoặc là chỉ “kính nhi viễn chi”, hoặc là nhanh
chóng cảm thấy tẻ nhạt vì cô ấy luôn hoàn hảo và có thể tự làm tất cả mọi việc mà không cần đến họ. Điều đáng nói là những quan điểm như thế này lại thu hút sự đồng tình của rất nhiều độc giả. Dưới phần bình luận của bài viết trên VnExpress.net, có hàng trăm bình luận, trong đó có những bình luận được hàng nghìn, hàng trăm lượt thích.
Hình 2.3: Nội dung bình luận bài viết: Lý do phụ nữ thông minh, xinh đẹp vẫn độc thân (VnE, 27/9/2015)
Nguồn: Ảnh chụp màn hình báo VnEpress.net Điều đáng nói là những bình luật được nhiều lượt thích đó lại thể hiện những quan điểm đầy định kiến, chẳng hạn như “Câu trả lời quá đơn giản. Bởi vì đa số đàn ông sẽ không thích và không cần đàn bà thông minh và giỏi giang hơn mình”(172 lượt thích), hay “cái sự học càng cao, kiến thức càng rộng lớn kia đã thu hẹp trái tim họ lại… thế là con tim chưa kịp rung động thì lý trí đã lấn át mất rồi, thế thì làm sao mà có chồng đây” (172 lượt thích), “Đó chính là cái giá phải trả của sự hoàn hảo” (105 lượt thích)… Có vẻ như độc giả cũng đồng tình với quan niệm rằng phụ nữ nếu muốn dễ lấy chồng, không nên vừa thông minh vừa đẹp, vì đàn ông không thích phải “gồng mình” để theo kịp người phụ nữ của anh ta. Quan niệm đó chẳng phải đang cản đường những người phụ nữ đang cố gắng hoàn thiện và khẳng định bản thân trong xã hội hay sao? Khả năng tương tác chính là một trong những ưu thế vượt trội của BMĐT. Nhờ tính năng này mà BMĐT dễ dàng trở thành diễn đàn thu hút đông đảo công chúng tham gia thông qua tính năng bình luận,và thể hiện cảm xúc dưới mỗi tin bài. Nếu BMĐT vẫn
duy trì những thông điệp tiềm ẩn ĐKG như thế này, thì việc thay đổi ý thức của công chúng về BĐG sẽ mãi là câu chuyện khó có thể trở thành sự thật.
Thứ ba, BMĐT có nhiều tin bài thể hiện thông điệp: Chăm sóc gia đình là sứ mệnh riêng của phụ nữ, kiếm tiền và làm “trụ cột” là trách nhiệm của đàn ông.
Dạy con nửa vời thì chỉ có hỏng (Giadinh, 15/01/2014) là bài viết dưới dạng chia sẻ kinh nghiệm của một người mẹ thành công trong việc nuôi con ngoan ngoãn, khỏe mạnh, thành công. Bài viết có đoạn: “Khi đã là một người mẹ, tôi đặt những mong muốn và mục tiêu của mình phía sau con cái. Đối với tôi, việc nuôi dạy con cái quan trọng hơn sự nghiệp, công việc, chuyện làm đẹp của bản thân hay chuyện tiền nong của gia đình. Tôi không lấy cớ bận rộn để xí xóa cho việc không quan tâm đến việc dạy dỗ con trẻ. Cũng không lấy việc phải kiếm tiền ra để bù đắp cho những sự thiếu thốn tình cảm của con”. Quan điểm của người mẹ rất đúng đắn, không có gì đáng chê trách, nhưng cách thể hiện tuyệt đối hóa của tác giả cho chúng ta cảm giác chị đang coi việc nuôi dạy con cái là trách nhiệm của riêng mình. Cả bài viết dài không hề có bóng dáng của người cha, không biết anh ta ở đâu, có vai trò gì trong cả quá trình người phụ nữ cặm cụi hy sinh tất cả để nuôi dạy đứa trẻ nên người? Đó chính là sự thiếu nhạy cảm giới của người viết.
Bên cạnh đó, đọc BMĐT, chúng ta vẫn thường quen mắt với các tít bài kiểu như: 7 chiêu trò mẹ nên sử dụng để con làm việc nhà, Bí quyết giúp mẹ chăm con khỏe mạnh, 9 thực phẩm vàng mẹ nên biết để con thông minh vượt trội, 7 thắc mắc về trẻ sơ sinh mẹ nào cũng hỏi, 10 điều mẹ không bao giờ được nói với con… Tại sao chỉ là “mẹ” mà không phải là “cha mẹ”? Có phải là vì trong suy nghĩ của tác giả cũng như của số đông - việc nuôi dạy con cái là địa hạt dành riêng cho người mẹ? Cách tư duy và lối diễn đạt này vô tình trói chặt người phụ nữ vào trách nhiệm phải chăm sóc và dạy dỗ con cái, tạo áp lực cho họ khi tuyệt đối hóa vai trò này.
Song song với việc tuyệt đối hóa vai trò “người chăm sóc” đối với người vợ, người mẹ, BMĐT ca ngợi và duy trì hình ảnh người đàn ông “trụ cột” lý tưởng. Bài viết Những người vợ sung sướng vì có chồng tốt (VnEpress, 06/01/2014) chia sẻ về cuộc sống màu hồng của những người phụ nữ có chồng là “trụ cột đúng nghĩa”: “Trong gia đình nhỏ của mình, chồng Nhung cũng luôn thể hiện là một người trụ cột gia đình đúng nghĩa: “bốn năm vợ chồng ở bên nhau, dù kinh tế vẫn còn khá vất vả, nhưng anh luôn thể hiện là người trụ cột gia đình. Chưa
bao giờ, anh đặt lên vai mình "gánh nặng" nào. Điều này khiến mình có cảm giác việc chồng muốn mình làm chỉ là yêu chồng, chăm sóc gia đình thế là đủ”. Rồi: “Chồng mình giống như con đại bàng lúc nào cũng dang rộng cánh để che chở cho mình. Mình rất an tâm và tin tưởng chồng. Mình thấy mình là người đàn bà thật may mắn và hạnh phúc”. Việc người chồng làm việc nhà hay dạy con học được xem như sự lạ ngược đời: “Chẳng thế mà mỗi lần người thân nhà ngoại lên chơi nhà hai vợ chồng, thấy anh làm hết mọi việc, mình là vợ mà quá lười nên họ toàn mắng mình”.
Đừng tiếp tục bắt phụ nữ phải đảm việc nhà. Cũng đừng bắt đàn ông mãi phải làm “trụ cột”. Đạt tới BĐG bằng cách nào khi chúng ta vẫn đang tuyệt đối hóa khả năng của mỗi giới và không thừa nhận năng lực của giới kia trong mọi lĩnh vực?
Thứ tư, học cách chiều chồng là bí quyết thành công của phụ nữ. Trên các báo không khó khăn để tìm được rất nhiều bài viết có nội dung cổ vũ người phụ nữ cần học cách “chiều chồng”: 7 sự thật phụ nữ nên biết về chồng mình (Giadinh, 15/01/2014), Chồng tìm “của lạ” dù vợ đẹp như tiên (Giadinh, 15/1/2014), Chồng luôn chê tôi mặc nội y xấu (VnE, 15/01/2016) … Tất nhiên, chuyện phòng the có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống hôn nhân. Nhưng coi việc “chiều chồng” như bổn phận của người vợ là quan niệm thiếu bình đẳng giới mà báo chí tuyệt đối không nên cổ xúy. Sự thăng hoa về thể xác là kết quả của sự hài hòa về tâm hồn - điều này cần cả hai bên cùng vun đắp. Tuyệt đối hóa trách nhiệm của người phụ nữ trong việc giữ lửa phòng the có thể dẫn đến tình trạng coi phụ nữ là công cụ tình dục của nam giới, bắt ép họ trở thành nguyên nhân của việc nam giới thờ ơ, lạnh nhạt trong đời sống vợ chồng, thậm chí ngoại tình do “thích của lạ” không những là việc làm hạ thấp giá trị của người phụ nữ mà còn là cách nhìn nhận thiếu công bằng với chính những đấng nam nhi.
Bài viết Muốn giữ chồng, “chuyện ấy” phải giỏi (Giadinh, 16/01/2014) sau khi phân tích rằng đàn ông rất coi trọng chuyện ấy, rằng đàn ông có đi ngoại tình thì vẫn thương vợ, “thương vợ vì vợ không biết cách, không biết chiều chồng, nên đành mất chồng cho người khác”, đã khuyên chị em rằng: “Làm người vợ tốt khó lắm, chị em cần bàn luận với nhau trao đổi kinh nghiệm chuyện chăn gối, chứ đừng trao đổi cách đánh ghen, cái đó chỉ tạo ra lực đẩy cho chồng đi xa hơn mà thôi”. Dường như thấy còn chưa thuyết phục, tác giả còn kể một dẫn chứng sống động: “Thím tôi là người rất hiểu cái "máu dê" của chồng, bà là người từng