Định giá tài sản Phần 2 - 1


CHƯƠNG 4: ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN VÔ HÌNH


Mục tiêu: Chương này cung cấp cho người học những vấn đề cơ bản về tài sản vô hình và định giá tài sản vô hình như: Khái niệm, đặc điểm và phân loại tài sản vô hình; nhận diện tài sản vô hình theo quan điểm định giá và theo quan điểm kế toán; mục đích của việc định giá và cơ sở giá trị của tài sản vô hình; các phương pháp định giá tài sản vô hình.

4.1. TÀI SẢN VÔ HÌNH VÀ GIÁ TRỊ TÀI SẢN VÔ HÌNH

4.1.1. Khái niệm, đặc điểm và phân loại tài sản vô hình

* Khái niệm tài sản vô hình

Tài sản là một khái niệm pháp lý bao gồm tất cả các quyền, quyền lợi, lợi ích có liên quan đến quyền sở hữu, nghĩa là chủ sở hữu được hưởng những quyền lợi, lợi ích nhất định khi làm chủ sở hữu tài sản đó (theo IVSC).

Ngay từ đầu thế kỷ XX, khái niệm tài sản vô hình (intangible assets) đã được biết đến bằng cách nhận diện giá trị vô hình (in- tangible value) của một tài sản kinh doanh không trông thấy và không tồn tại dưới dạng vật chất, không sờ mó được và chỉ có thể cảm nhận được bằng lý trí. Tài sản vô hình là những tài sản tự biểu lộ, thể hiện thông qua đặc điểm kinh tế của chúng. Những tài sản này không có hình thái vật chất nhưng có thể tạo ra được những lợi thế và quyền hạn để mang lại giá trị kinh tế cho chủ sở hữu nó.

Theo IVSC, tài sản vô hình là những tài sản thể hiện ra bằng lợi ích kinh tế, chúng không có cấu tạo vật chất mà tạo ra những quyền và những ưu thế đối với người sở hữu và thường sinh ra thu nhập cho người sở hữu chúng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 94 trang tài liệu này.

Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS 04), tài sản cố định vô hình là tài sản không có hình thái vật chất nhưng xác định được giá trị và do doanh nghiệp nắm giữ, sử dụng trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ hoặc cho các đối tượng khác thuê phù hợp với tiêu chuẩn ghi nhận tài sản cố định vô hình.

Như vậy, quan niệm về tài sản vô hình trong công tác kế toán không hẳn đồng nhất với quan điểm của thẩm định giá, một nguồn lực vô hình có thể được coi là tài sản theo quan niệm của thẩm định viên, nhưng đối với kế toán viên thì không hẳn như vậy. Để xác định một nguồn lực vô hình có phải là TSCĐ vô hình hay không, có được ghi vào bảng cân đối kế toán không, có được trích khấu hao hay không cần phải xem xét đến các yếu tố: Tính có thể xác định được, khả năng kiểm soát nguồn lực và tính chắc chắn của lợi ích kinh tế trong tương lai. Nếu một nguồn lực vô hình không thỏa mãn định nghĩa TSCĐ vô hình thì chi phí phát sinh để tạo ra nguồn lực vô hình đó phải ghi nhận là chi phí kinh

Định giá tài sản Phần 2 - 1

doanh trong kỳ hoặc chi phí trả trước. Riêng nguồn lực vô hình doanh nghiệp có được thông qua việc sáp nhập doanh nghiệp có tính chất mua lại, được ghi nhận là lợi thế thương mại vào ngày phát sinh nghiệp vụ mua.

Tài sản vô hình là những tài sản phi tiền tệ và không có hình thái vật chất, nhưng có thể tạo ra các quyền và lợi ích kinh tế cho chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân hưởng lợi thông qua việc đóng góp vào quá trình sản xuất, phân phối hoặc cung ứng hàng hóa, dịch vụ, và/hoặc phát sinh nguồn lợi tương lai. Tài sản vô hình bao gồm tài sản cố định vô hình, quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các loại tài sản vô hình khác (theo tiêu chuẩn TĐGVN số 13). Tài sản vô hình được đề cập trong tiêu chuẩn này phải thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:

- Không có hình thái vật chất; tuy nhiên một số tài sản vô hình có thể chứa đựng trong hoặc trên thực thể vật chất, nhưng giá trị của thực thể vật chất là không đáng kể so với giá trị tài sản vô hình;

- Có thể nhận biết được và có bằng chứng hữu hình về sự tồn tại của tài sản vô hình (ví dụ: Hợp đồng, bằng chứng nhận, hồ sơ đăng ký, đĩa mềm máy tính, danh sách khách hàng, báo cáo tài chính, v.v.);

- Có khả năng tạo thu nhập cho người có quyền sở hữu;

- Giá trị của tài sản vô hình có thể định lượng được.

* Đặc điểm của tài sản vô hình:

Tài sản vô hình có hình thái biểu hiện rất đa dạng, nền kinh tế thị trường càng phát triển thì chủng loại tài sản vô hình càng phong phú. Tài sản vô hình có những đặc điểm chủ yếu sau:

- Tài sản vô hình có đặc điểm riêng để nhận biết, tuy không mang hình thái vật chất cụ thể, không thể cầm, nắm được, không thể nhìn thấy hay cảm nhận được mùi vị, màu sắc nhưng có thể cảm nhận được bằng trực giác. Có loại tài sản vô hình được thể hiện bằng hình thái cụ thể như nhãn hiệu thương mại, bằng sáng chế,… nhưng có loại hoàn toàn vô hình, ví dụ như uy tín trên thị trường, lòng trung thành của khách hàng, mối quan hệ kinh doanh,…

- Tài sản vô hình thường là sản phẩm của lao động trí tuệ, đó là một kỹ thuật mới, một sáng chế mới, một sáng tác mới, một tác phẩm mới của chính tác giả. Chính vì vậy, cần có bằng chứng hữu hình về sự tồn tại của các tài sản vô hình, đó là sự thừa nhận quyền sở hữu dưới góc độ luật pháp như: Giấy chứng nhận quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp, giấy chứng nhận bằng phát minh, sáng chế,...; hoặc các hợp đồng, hồ sơ đăng ký, đĩa mềm máy tính, danh sách khách hàng, báo cáo tài chính,…). Hay nói cách khác, tài sản vô hình được pháp luật công nhận và bảo vệ, được sở hữu hợp pháp và có thể chuyển giao quyền sở hữu theo pháp luật.

- Giá trị của tài sản vô hình có thể định lượng được, tuy nhiên việc xác định giá trị của tài sản vô hình rất phức tạp. Có những tài sản vô hình có thể định giá được và có thể trao đổi mua bán được, ví dụ như bản quyền, phát minh sáng chế, các phần mềm tin học, vị trí kinh doanh,… Giá trị của những tài sản vô hình này được thể hiện bằng những khoản chi phí để mua được những tài sản đó thông qua các văn bản sở hữu được pháp luật thừa nhận như: khế ước, giấy chứng nhận sở hữu, hợp đồng,… Bên cạnh đó, có những tài sản vô hình không thể xác định giá trị (vô giá), đó là nguồn lực có được nhờ sự tích tụ của một quá trình lịch sử phát triển lâu dài của con người/ một chủ thể trong một cộng đồng, một quốc gia như: Uy tín trong kinh doanh của doanh nghiệp, một nền dân chủ thực sự tiến bộ của một quốc gia, một bộ luật thương mại khả thi có điều chỉnh việc cạnh tranh không lành mạnh và hạn chế độc quyền,… Loại tài sản này không thể mua bán được bởi giá trị của nó không thể đo đếm được một cách cụ thể, nhưng nó được thể hiện ở khả năng sinh lời của doanh nghiệp hoặc sự phát triển ổn định, có trật tự, có kỷ cương của một nền kinh tế.

- Thời gian sử dụng hữu ích (chu kỳ sống) của tài sản vô hình thường là một đại lượng biến đổi, khó dự đoán một cách chính xác. Đặc điểm này là do đặc điểm của hao mòn vô hình của tài sản cố định vô hình chi phối. Đối với tài sản cố định hữu hình thì có hai hình thức hao mòn là: (i) hao mòn hữu hình - sự hao mòn vật lý phụ thuộc vào mức độ sử dụng và môi trường sử dụng của tài sản, (ii) hao mòn vô hình - sự mất giá (giảm giá trị trao đổi) do sự

tiến bộ của khoa học kỹ thuật hoặc do sự chấm dứt chu kỳ sống của sản phẩm; còn đối với tài sản cố định vô hình thì chỉ có một hình thức hao mòn, đó là hao mòn vô hình. Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, sự cạnh tranh quyết liệt trên thương trường, và sự tác động của các yếu tố khác có thể dẫn đến sự mất giá nhanh chóng của một tài sản vô hình nào đó. Ví dụ: Nhãn hiệu A đang làm một nhãn hiệu rất được ưa chuộng trên thị trường, giá trị của nó được định giá rất cao nhưng đến một thời điểm nào đó trong tương lai nó có thể bị thay thế “gần như ngay lập tức” bởi một nhãn hiệu B, khi đó nó gần như bị mất giá hoàn toàn và chấm dứt chu kỳ sống. Hoặc, thời gian trước đây, phần mềm máy tính Word Perfect hay Fox-Pro đang được ưa chuộng và rất đông người sử dụng, nhưng khi phần mềm Microsoft Word và Micro- soft Excel tiện lợi hơn ra đời thì chỉ còn rất ít người sử dụng. Sự chiếm lĩnh thị trường một cách nhanh chóng này đã làm cho Bill Gate – người sở hữu tác quyền Windows thông dụng trên hầu hết máy vi tính hiện nay, trở thành người giàu nhất thế giới.

* Phân loại tài sản vô hình

- Theo lĩnh vực sử dụng: Ủy ban tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế chia tài sản vô hình thành 4 nhóm chính thuộc các lĩnh vực: Tiếp thị, Khách hàng hoặc nhà cung cấp, Công nghệ, và Nghệ thuật.

(i) Tài sản vô hình liên quan đến tiếp thị chủ yếu được sử dụng trong tiếp thị và xúc tiến các sản phẩm hoặc dịch vụ, ví dụ:

Thương hiệu, nhãn hiệu, tên miền,…

(ii) Tài sản vô hình liên quan đến khách hàng hoặc nhà cung cấp phát sinh từ các mối quan hệ với khách hàng hoặc nhà cung cấp, ví dụ: Các thỏa thuận cấp phép và trả tiền bản quyền, các hợp đồng dịch vụ, hợp đồng lao động, quan hệ khách hàng hay danh sách khách hàng,...

(iii) Tài sản vô hình liên quan đến công nghệ phát sinh từ quyền hợp đồng hoặc không hợp đồng để sử dụng công nghệ (có hoặc không có bằng sáng chế), cơ sở dữ liệu, các công thức, thiết kế, phần mềm, quy trình hoặc công thức nấu ăn,…

(iv) Tài sản vô hình liên quan đến nghệ thuật phát sinh từ các quyền về lợi ích như tiền bản quyền từ các công trình nghệ thuật

như kịch, sách, phim ảnh và âm nhạc,… và từ việc bảo hộ quyền tác giả ngoài hợp đồng.

- Theo góc độ pháp lý: Tài sản vô hình bao gồm 3 nhóm chính:

(i) Tài sản vô hình có thể sở hữu và chuyển giao như các tài sản sở hữu trí tuệ, nó được pháp luật bảo vệ khỏi những sự sử dụng trái thẩm quyền của những người khác. Ví dụ: Phát minh; sáng chế; nhãn hiệu thương mại; bản quyền kinh doanh,…

(ii) Tài sản vô hình có thể kiểm soát nhưng không thể chuyển giao.

(iii) Tài sản vô hình khác như các mối quan hệ cá nhân, mối quan hệ nhóm, uy tín.

- Theo đặc điểm: Tài sản vô hình cũng có thể được chia thành 6 nhóm sau:

+ Các sáng chế, phát minh, công thức, quy trình, mô hình, kỹ năng.

+ Bản quyền và các tác phẩm văn học, âm nhạc, nghệ thuật.

+ Thương hiệu, tên thương mại, nhãn hiệu hàng hoá.

+ Quyền kinh doanh, giấy phép, hợp đồng.

+ Phương pháp, chương trình, hệ thống, thủ tục, khảo sát, nghiên cứu, dự báo, dự toán, danh sách khách hàng, các số liệu kỹ thuật.

+ Các loại tài sản vô hình khác (như đội ngũ nhân lực, vị trí kinh doanh...).

- Tài sản vô hình cũng có thể được phân loại theo cách chia thành nguồn lực phụ thuộc con người và nguồn lực không phụ thuộc con người:

+ Nguồn lực phụ thuộc con người, đó là vốn con người gồm: kiến thức chung và kiến thức riêng.

+ Nguồn lực không phụ thuộc con người gồm: (i) Vốn tổ chức: Các chuẩn mực và các hướng dẫn; các cơ sở dữ liệu về khách hàng, hãng cạnh tranh; các thỏa thuận hợp tác; văn hóa công sở;

(ii) Vốn công nghệ: Bằng sáng chế; bí mật thương mại; mẫu và bản vẽ công nghiệp; quyền tác giả; (iii) Vốn quan hệ: Danh tiếng; nhãn hàng hóa; tên thương mại; sự trung thành, các quan hệ dài hạn; các kênh phân phối.

4.1.2. Giá trị tài sản vô hình

Giá trị của tài sản vô hình được hiểu là giá trị của các lợi ích kinh tế mà tài sản vô hình có thể đem lại cho chủ sở hữu trong một khoảng thời gian nhất định.

Từ việc nhận thức tài sản vô hình đến việc tiếp cận giá trị tài sản vô hình để có thể tiến tới hạch toán kế toán được tài sản vô hình là một bước đi khá dài trong khoa học tài chính và kinh doanh. Ngày nay, khái niệm tài sản vô hình đã trở thành một thực tế khách quan, tồn tại và hiện hữu trong kế toán thương mại; Luật pháp của nhiều quốc gia đã pháp chế hóa giá trị của tài sản vô hình một cách minh bạch trong luật thương mại của mình nhằm đem lại sự thuận lợi trong quan hệ thương mại và đầu tư, nhất là đầu tư của các nước phát triển vào các nước đang phát triển.

Theo quan điểm kế toán, tài sản của doanh nghiệp là những tài sản thuộc quyền sở hữu hoặt kiểm soát lâu dài của doanh nghiệp, có giá trị thực sự đối với doanh nghiệp và có giá phí xác định. Tài sản cố định vô hình tuy không có hình thái vật chất cụ thể nhưng nguyên tắc xác định giá trị của chúng vẫn dựa trên cơ sở giá phí. Đây là một nguyên tắc kế toán chung đã được thừa nhận của Hiệp hội kế toán quốc tế. Theo nguyên tắc này, giá trị của tài sản cố định vô hình được phản ánh trong báo cáo kế toán của doanh nghiệp theo giá phí mà doanh nghiệp đã chi ra để có được tài sản đó. Nếu doanh nghiệp không trực tiếp bỏ ra các chi phí để tạo ra tài sản này thì nó không được phản ánh trong báo cáo kế toán của doanh nghiệp. Ví dụ: Honda là thương hiệu có vai trò rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Hãng Honda, nhưng trong bảng cân đối kế toán của họ không có khoản mục nêu giá trị của thương hiệu này, bởi giá trị của thương hiệu được tích tụ qua thời gian hoạt động của Hãng. Trong khi đó, có một nhà sản xuất xe máy của một nước khác muốn mua nhãn hiệu Honda để gắn vào sản phẩm của mình thì phản ánh giá trị nhãn hiệu thương mại đó trên bảng cân đối kế toán của họ theo giá mua. Trong thực tế, các công ty sẵn sàng trả tiền để được phép gắn lên sản phẩm của mình những thương hiệu nổi tiếng, để từ đó nhờ có uy tín sẵn có của những thương hiệu này mà chiếm lĩnh thị trường, dành chiến thắng trong cạnh tranh.

Như vậy, có sự khác biệt nhất định về sự thừa nhận giá trị của tài sản vô hình trong công tác định giá và công tác kế toán. Việc ghi nhận vào sổ sách kế toán đối với tài sản cố định vô hình phải theo đúng các chuẩn mực kế toán quy định; trong khi đó, có những tài sản vô hình chỉ có thể ghi nhận giá trị của nó khi doanh nghiệp được đem bán cho một chủ sở hữu khác (định giá), ví dụ như: Lòng trung thành mến mộ của khách hàng, tính hiệu quả do phục vụ nhã nhặn, mau lẹ của nhân viên, những ấn tượng tốt về sản phẩm qua tiêu dùng,…

4.2. MỤC ĐÍCH VÀ CƠ SỞ GIÁ TRỊ CỦA ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN VÔ HÌNH

4.2.1. Khái niệm và mục đích của định giá tài sản vô hình

Xuất phát từ khái niệm định giá tài sản nói chung, có thể phát biểu khái niệm định giá tài sản vô hình là việc ước tính bằng tiền với độ tin cậy cao nhất về lợi ích mà tài sản vô hình có thể mang lại sở hữu tại một thời điểm nhất định.

Mục đích của việc định giá tài sản vô hình là:

- Định giá phục vụ cho mục đích chuyển nhượng như nhượng quyền thương hiệu sản phẩm, xác định mức phí bản quyền,…

- Định giá phục vụ cho việc ghi nhận vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

- Định giá phục vụ cho mục đích giải quyết các tranh chấp, tố tụng, phá sản,…

- Định giá tài sản vô hình trong các thương vụ mua lại hoặc sáp nhập doanh nghiệp.

- Định giá cho các mục đích khác.

4.2.2. Cở sở giá trị của định giá tài sản vô hình

Để định giá tài sản vô hình phải xác lập cơ sở giá trị của nó, tuân thủ nguyên tắc chung của định giá là căn cứ vào giá trị thị trường và trong một số trường hợp thì có thể căn cứ giá trị phi thị trường. Trước hết, để có thể nhận dạng được tài sản vô hình và xác định được giá trị thị trường thực sự của nó, thì tài sản vô hình đó phải đáp ứng bốn tiêu chí cơ bản sau đây: (i) Có thể nhận dạng một cách riêng rẽ;(ii) Được bảo vệ hoặc có khả năng bảo vệ; (iii) Có thể chuyển nhượng; và (iv) Tồn tại tự nhiên.

Trong quá trình định giá tài sản vô hình của một doanh nghiệp, vấn đề rất cần thiết là phải kiểm tra các báo cáo tài chính của

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/05/2023