Phương Pháp Kế Thừa Số Liệu, Tài Liệu Có Sẵn.


Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (2000) [29] khi nghiên cứu cải tạo rừng nghèo kiệt tại Vũ Mễ (Bắc Sơn) và Đồng Hỷ (Thái Nguyên) bằng cách trồng bổ sung 2 loài cây bản địa là Dẻ đỏ (Castanopsis hystrix) và Kháo vàng (Machilus bosii) theo phương thức trồng theo băng hoặc theo đám. Từ những năm 1972 đến những năm sau 1975 một số lâm trường như Bắc Sơn, Võ Nhai, Đồng Hỷ đã nhân rộng mô hình trên. Tuy nhiên, cho đến nay việc đánh giá các mô hình này gặp rất nhiều khó khăn vì đã bị tàn phá.

Một công trình nghiên cứu khác tại Cầu Hai - Phú Thọ (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) [29] cũng đã đưa cây Lim xẹt (P. tonkinense) trồng theo băng trên thảm cây bụi có chiều cao khoảng 3m. Mở rạch 2m, trồng bằng cây con có bầu được tạo từ hạt nuôi trong vườn ươm 6 tháng tuổi. Sau 3 năm tỷ lệ sống đạt sấp xỉ 90%, khả năng sinh trưởng khá, tăng trưởng bình quân đạt 2,3cm/năm về đường kính và 2,0m/năm về chiều cao. Nhưng đến năm thứ 4 trở đi thì khả năng sinh trưởng chậm lại. Các loài cây tái sinh trong rạch chừa sinh trưởng khá nhanh, vượt chiều cao cây Lim xẹt trồng trong rạch. Tán cây trong rạch chừa đã lấn át nên ở giai đoạn từ 6 - 7 năm tuổi khả năng sinh trưởng của Lim xẹt kém hẳn. Điều này rất phù hợp với đặc điểm sinh thái cây Lim xẹt đã được xác định trong nhiều công trình nghiên cứu trước đây. Vì cây Lim xẹt là cây ưa sáng do đó không nên trồng làm giàu rừng bằng Lim xẹt trong rạch, khi thảm thực bì phát triển quá nhanh.

Cũng tại Cầu Hai - Phú Thọ đã nghiên cứu thử nghiệm trồng cây Lim xanh trên 3 trạng thái thực bì khác nhau:

1. Trạng thái rừng tự nhiên nghèo kiệt có chiều cao lớp thảm tự nhiên 3m. Trồng lim xanh trên băng chặt rộng 20, 30, 40m; băng chừa 20m. Trên băng chặt lại tiến hành gieo cốt khí để che phủ đất.

2. Trạng thái rừng tự nhiên nghèo kiệt được chặt trắng, đốt dọn sạch, giữ lại cây cỏ phục hồi trong quá trình chăm sóc.


3. Trạng thái đất trống đã có lớp cây tiên phong phục hồi với chiều cao từ 3 - 4m, mở rạch rộng 1,5m, hàng cách nhau 4m, cây cách cây 2m.

Trần Nguyên Giảng (1985) [17] nhận xét rừng Lim xanh được trồng theo băng hoặc theo rạch (công thức 1 và công thức 3) có khả năng sinh trưởng tốt và hình thân đẹp. Cây Lim xanh là loài cây không có trục chính, thường ra cành sớm được sự hỗ trợ của băng chừa thu hẹp ánh sáng của băng trồng, đã hạn chế được cành ngang, làm cho đoạn thân dưới cành có chiều dài 5 - 7m, có cây trên 10m, không bị sâu nấm. Cây Lim xanh trồng trên đất trống (công thức 2), thiếu cây phù trợ nên đã trở thành rừng thuần loài và lộ rõ nhược điểm: Thân ngắn, cong queo, sâu nấm nhiều.

Vi Hồng Khánh (2003) [20] khi đánh giá sinh trưởng của một số loài cây bản địa phục vụ công tác bảo tồn và phát triển rừng ở Cầu Hai - Phú Thọ đã kết luận: Phần lớn các xuất xứ Lim xanh (E. fordii) đều có tỷ lệ sống cao và sinh trưởng tốt, đồng thời trong 34 loài cây bản địa nơi nghiên cứu đã chọn được các loài: Lim xanh (E. fordii), Re gừng (C. zeylanicum), Xoan đào (Pygeum arboreum), Sồi phảng (Castanopsis cerebrina), Chiêu liêu (Terminalia chebula), Giổi xanh (Michelia mediocris Dandy) là những loài cây mọc nhanh, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh có khả năng nhân rộng và phát triển cho các điều kiện lập địa tương tự.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 122 trang tài liệu này.

Qua nhiều năm nghiên cứu, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (2000) [29] đã đề xuất trên 100 loài cây bản địa cho các chương trình trồng rừng phục vụ cho cả 3 loại rừng là rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Qua khảo sát, dựa vào các tài liệu đã có và số liệu mới thu thập, 31 loài cây bản địa đã được chọn và có báo cáo chuyên đề cho từng loài. Các loài cây bản địa đó được đánh giá theo 3 mức độ:

- Các loài cây đã được đưa vào sản xuất lớn, diện tích lên tới hàng nghìn ha, tối thiểu cũng vài trăm ha, có đủ quy trình, quy phạm, hưỡng dẫn kỹ

Đánh giá một số mô hình trồng rừng bằng cây bản địa của dự án KfW6 tại Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên - 4


thuật như: Mỡ (Manglietia conifera), Quế (Cinnamomun cassia Bl), Sa mu (Cunninghamia lanceolata), Trẩu (Vernicia fordii) , Sở (Camellia oleifera), Thông mã vĩ (Pinus massoniana), Muồng đen (Senna siamea), Dầu nước (Diptercarpus dyeri Pierre),...

- Các loài cây đã đưa vào sản xuất mặc dù quy mô còn nhỏ song các mô hình rừng trồng đủ lớn để đánh giá như: Lát hoa (Chukrasia tabularis), Lim xẹt (P. tonkinense), Giổi xanh (Michelia mediocris Dandy), Dó giấy (Rhamnoneuron balansae),...

- Các loài đã và đang được nghiên cứu, mô hình thực nghiệm nhỏ như: Lim xanh (E. fordii), Kháo vàng (M. bosii), Re gừng (C. zeylanicum), Trám (Canarium sp), Vên vên (Anisoptera costata), Dẻ đỏ (C. hystrix),...

Công trình nghiên cứu phục hồi rừng vùng Sông Hiếu thông qua việc xây dựng cấu trúc hỗn loài Lát hoa với một số loài cây khác của Nguyễn Bá Chất (1981-1985). Tác giả đã trồng hỗn loài cây Lát hoa với các loài cây lá rộng bản địa như Lim xẹt, Giổi xanh, Thôi chanh, Lõi thọ, Ràng ràng nhằm tạo được một cấu trúc rừng hợp lý. Mô hình này được theo dõi đến năm thứ 10 và cho thấy sinh trưởng rừng Lát hoa trồng hỗn loài tốt hơn rừng Lát hoa trồng thuần loài. Kiểu cấu trúc rừng Lát hoa hỗn loài sử dụng lớp thực bì phục hồi tự nhiên có ưu điểm hơn về sinh trưởng của các loài cây trồng và có dấu hiệu phục hồi đất tốt hơn [5].

Dự án RENFODA (Rehabilitation of Natural Forest in Degraded Watershed Area in the North of Vietnam) do JICA tài trợ đã nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật phục hồi rừng tự nhiên bị suy thoái ở Cao Phong - Hoà Bình bằng cách tạo ra rừng trồng hỗn loài các loài cây lá rộng bản địa theo phương thức hỗn loài giữa các loài cây cao ưa sáng và chịu bóng với nhau. Các loài cây lá rộng bản địa được kết hợp để tạo rừng trồng hỗn loài là Giẻ đỏ, Lim xanh, Trám trắng và Sồi phảng. Phương pháp hỗn loài là theo rạch và


theo đám. Kết quả sau 4 năm thí nghiệm (2004-2007) cho thấy các loài cây trồng đều rất có triển vọng, tỷ lệ sống của các loài đều đạt trên 95%. So với phương pháp trồng hỗn loài theo đám thì sinh trưởng của các loài cây trồng theo rạch đều tốt hơn [29].

Các dự án trồng rừng Việt - Đức KfW1 ở Lạng Sơn và Bắc Giang; KfW2 ở Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị cũng đã đưa cây bản địa vào trồng dưới rừng Keo lá tràm theo hướng đa dạng hoá cây trồng.

Tóm lại, ở Việt Nam các nghiên cứu về trồng rừng hỗn loài đã được thực hiện từ rất sớm và được đẩy mạnh vào những năm 1990 khi Nước ta bước vào thực hiện chương trình 327 và dự án 661. Vấn đề nghiên cứu trọng tâm là xác định loài cây trồng, tạo cây phù trợ, phương thức và phương pháp trồng rừng,… Phần lớn các nghiên cứu đều quan tâm đến tạo rừng trồng hỗn loài bằng các loài cây lá rộng bản địa, một vài nghiên cứu khác đã chú ý đến đối tượng cây nhập nội hoặc cây có chu kỳ kinh doanh ngắn,... Nhìn chung, các công trình nghiên cứu trồng rừng hỗn loài chỉ thực hiện trong thời gian ngắn nên những diễn biến về đất đai, hoàn cảnh rừng, sự sai khác về năng suất chưa có đủ thời gian đánh giá và khẳng định sự thành công hay thất bại của mô hình; các mô hình chủ yếu được thiết lập trên đối tượng đất còn tốt, đất rừng thoái hoá chưa được chú ý nhiều; vấn đề quan trọng nhưng còn nhiều tồn tại ở nước ta nằm ở khâu nuôi dưỡng rừng, đặc biệt là việc xử lý và điều chỉnh cây phù trợ như thế nào cho cây bản địa sinh trưởng và phát triển tốt.

Qua các tổng kết trên ta thấy các nghiên cứu thực nghiệm trong nước về việc trồng rừng hỗn loài thường được dành cho rừng phòng hộ. Việc trồng rừng hỗn loài cây bản địa lá rộng đã được trồng thử nghiệm tại nhiều cơ sở sản xuất nhưng chưa được đánh giá đúng mức. Trong nhiều chương trình, dự án thì hệ thống các dự án KfW do Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ là tập trung chính vào việc trồng cây bản địa lá rộng trên đất trống, đồi núi trọc và là đất rừng sản


xuất. Vì vậy việc đánh giá được kết quả các mô hình trong khuôn khổ dự án này là cần thiết, đặc biệt là Tỉnh Phú Yên là 1 tỉnh có vị trí địa lý luôn phải hứng chịu rất nhiều những trận bão, đất đai khô cằn thì thật cần thiết.

Nhằm góp phần giải quyết những vấn đề tồn tại nêu trên, đề tài: “Đánh giá một số mô hình trồng rừng bằng cây bản địa của dự án KfW6 tại Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên”đặt ra là rất cần thiết và có ý nghĩa cả về khoa học lẫn thực tiễn, phục vụ trực tiếp cho công tác trồng rừng cây bản địa trên địa bàn tỉnh Phú Yên nói riêng và khu vực Miền Trung nói chung.


Chương 2

MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, GIỚI HẠN, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Mục tiêu nghiên cứu.

* Mục tiêu tổng quát:

Góp phần bổ sung cơ sở khoa học và thực tiễn của kỹ thuật trồng rừng bằng cây bản địa trên đất trống đồi núi trọc tại khu vực nghiên cứu và những địa phương có điều kiện tương đồng.

* Mục tiêu cụ thể:

- Đánh giá được hiện trạng của một số mô hình trồng rừng bằng cây bản địa trên đất trống, đồi núi trọc tại khu vực nghiên cứu.

- Đề xuất được loài cây trồng thích hợp và một số biện pháp kỹ thuật lâm sinh trồng cây bản địa trên đất trống, đồi núi trọc tại khu vực Phú Yên nói riêng và khu vực Miền Trung nói chung.

2.2. Đối tượng nghiên cứu.

Một số mô hình trồng cây bản địa do dự án KfW6 xây dựng tại Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.

2.3. Giới hạn nghiên cứu.

* Địa điểm nghiên cứu: Mô hình rừng trồng cây bản địa trên đất trống, đồi núi trọc tại 2 địa điểm khu vực Đá Giăng, xã Xuân Lâm và khu vực Cù Mông, xã Xuân Lộc thuộc huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.

* Nội dung nghiên cứu: Đề tài chỉ nghiên cứu đánh giá tình hình sinh trưởng (chiều cao vút ngọn, đường kính gốc) của các loài cây bản địa để rút ra bài học kinh nghiệm phục vụ cho công tác trồng rừng trong những năm tới.

2.4. Nội dung nghiên cứu.

Để đạt được những mục tiêu trên đề tài đặt ra những nội dung nghiên cứu như sau:


- Tổng kết, đánh giá một số mô hình trồng rừng cây bản địa lá rộng tại Miền Trung.

- Đánh giá sinh trưởng của các loài cây bản địa trong các mô hình trồng rừng tại tỉnh Phú Yên.

+ Mô hình 2a và mô hình 2b tại Đá Giăng, xã Xuân Lâm.

Giới thiệu mô hình.

Đánh giá phẩm chất, chất lượng cây trồng.

Sinh trưởng của các loài cây trong mô hình.

+ Mô hình 4 và mô hình 5 tại Cù Mông, xã Xuân Lộc.

Giới thiệu mô hình.

Đánh giá phẩm chất, chất lượng cây trồng.

Sinh trưởng của các loài cây trong mô hình.

- Nghiên cứu một số nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây bản địa tại các mô hình.

- Đề xuất mô hình trồng rừng cây bản địa và các giải pháp kỹ thuật lâm sinh tác động.

+ Đề xuất mô hình trồng cây bản địa lá rộng cho chương trình trồng rừng trên đất trống, đồi núi trọc tỉnh Phú Yên.

+ Đề xuất các giải pháp kỹ thuật lâm sinh tác động cho chương trình trồng rừng bằng cây bản địa trên đất trống, đồi núi trọc tỉnh Phú Yên.

2.5. Phương pháp nghiên cứu.

2.5.1. Quan điểm và phương pháp luận nghiên cứu.

2.5.1.1. Quan điểm.

- Cây trồng phải gắn với điều kiện lập địa và các biện pháp kỹ thuật cụ thể nên trong quá trình đánh giá phải chú ý đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội và kỹ thuật gây trồng.


- Các giải pháp kỹ thuật lâm sinh tác động là nhân tố quyết định đến sự thành công hay thất bại trong quá trình gây trồng cây bản địa.

2.5.1.1. Phương pháp luận.

- Sinh trưởng của từng loài cây rừng có mối quan hệ chặt chẽ với điều kiện nơi mọc của chúng. Với đối tượng nghiên cứu ở đây là cây bản địa trồng đồng thời trên đất trống, đồi núi trọc, nó chịu sự chi phối trực tiếp của lớp cây bụi, thảm tươi và các điều kiện khác. Trong quá trình sinh trưởng lâu dài, sự thay đổi của cây tái sinh, cây bụi, thảm tươi sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

- Khi đánh giá sinh trưởng của một loài cây nếu xem các nhân tố khí hậu, tuổi cây là đồng nhất thì mức độ biến động các nhân tố không đồng nhất (ánh sáng, dinh dưỡng) chính là những nhân tố tạo ra sự sai khác về năng lực sinh trưởng của chúng. Sự ảnh hưởng tích cực của các nhân tố chủ đạo ở một mức độ nhất định sẽ tạo ra cho cây trồng dưới tán sinh trưởng tốt nhất và có chất lượng cao nhất, tại đó gọi là giá trị tối ưu.

- Trong mối quan hệ chồng chéo của các nhân tố môi trường đến các loài cây khác nhau, ta có thể tìm được khoảng thích hợp của chúng. Vì vậy, nhiệm vụ chính của các nhà lâm sinh là tìm ra khoảng thích hợp đó nhằm đưa ra hướng tác động phù hợp để cây trồng sinh trưởng, phát triển trong điều kiện thuận lợi nhất.

2.5.2. Phương pháp kế thừa số liệu, tài liệu có sẵn.

- Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội vùng nghiên cứu.

- Các quy trình, quy phạm, hướng dẫn kỹ thuật đã có về trồng cây bản địa lá rộng.

- Các kết quả nghiên cứu, thử nghiệm về cây bản địa lá rộng nói chung và trồng rừng cây bản địa lá rộng trên đất trống đồi núi trọc nói riêng.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/12/2022