Một số công trình khái lược chủ trương, đánh giá thực trạng của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang về xây dựng NTM; bước đầu tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chủ trương trên của Đảng bộ; đề xuất những giải pháp và kiến nghị nhằm đẩy mạnh quá trình xây dựng NTM. Tiêu biểu là các công trình của tác giả Thân Thị Huyền, Trần Sỹ Thanh, Trần Thị Thúy.
Kết quả nghiên cứu của các công trình đã cung cấp những thông tin khoa học quan trọng để nghiên cứu sinh kế thừa trong quá trình thực hiện.
Mặc dù có nhiều công trình phân tích về thực trạng xây dựng NTM dưới nhiều khía cạnh, trong đó có công trình bước đầu khái lược chủ trương của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đối với vấn đề trên. Tuy vậy, cho đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu một cách độc lập, có tính hệ thống về chủ trương và quá trình chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang về xây dựng NTM từ năm 2010 đến năm 2020. Vì thế, vấn đề “Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lãnh đạo xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến năm 2020” đang là “khoảng trống” khoa học trong nghiên cứu mà nghiên cứu sinh đã lựa chọn làm đề tài luận án tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.
1.2.2. Những vấn đề luận án tiếp tục giải quyết
Một là, những yếu tố tác động đến quá trình Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lãnh đạo xây dựng NTM từ năm 2010 đến năm 2020.
Để làm rõ vấn đề này, luận án tập trung phân tích tiềm năng, lợi thế cũng như thực trạng nông thôn tỉnh Bắc Giang trước năm 2010; những tác động của tình hình thế giới, trong nước đến quá trình xây dựng NTM tỉnh Bắc Giang; khái quát, hệ thống hóa chủ trương của Đảng về xây dựng NTM trong những năm 2010 - 2020.
Hai là, chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang về xây dựng NTM từ năm 2010 đến năm 2020.
Để làm rõ nội dung trên, luận án tập trung sưu tầm, hệ thống hóa chủ trương của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang về xây dựng NTM từ năm 2010 đến năm
Có thể bạn quan tâm!
- Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lãnh đạo xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến năm 2020 - 1
- Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lãnh đạo xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến năm 2020 - 2
- Các Nghiên Cứu Về Nông Nghiệp, Nông Dân, Nông Thôn Và Xây Dựng Nông Thôn Mới Ở Tỉnh Bắc Giang
- Tình Hình Thế Giới, Trong Nước Và Chủ Trương, Chính Sách Của Đảng, Nhà Nước Về Xây Dựng Nông Thôn Mới (2011 - 2015)
- Đảng Bộ Tỉnh Bắc Giang Chỉ Đạo Xây Dựng Nông Thôn Mới
- Công Tác Tuyên Truyền, Tổ Chức Các Phong Trào Thi Đua
Xem toàn bộ 249 trang tài liệu này.
2020 trên các vấn đề cơ bản như: Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Làm rõ quá trình Đảng bộ tỉnh Bắc Giang chỉ đạo tổ chức thực hiện xây dựng NTM trên các mặt: Thành lập BCĐ, công tác tuyên truyền, tổ chức các phong trào thi đua và công tác quy hoạch xây dựng NTM. Chỉ đạo xây dựng kết cấu hạ tầng KT - XH. Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân. Phát triển giáo dục, đào tạo, y tế và bảo vệ môi trường. Xây dựng HTCT ở cơ sở, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Khái quát kết quả đạt được, so sánh làm rõ sự phát triển trong hoạt động lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang qua hai giai đoạn 2010 - 2015 và 2015 - 2020 đồng thời so sánh với các địa phương thuộc các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc có nhiều điểm tương đồng.
Ba là, ưu điểm, hạn chế trong lãnh đạo xây dựng NTM của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang từ năm 2010 đến năm 2020.
Để có những nhận xét bảo đảm tính khách quan, trung thực về quá trình Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lãnh đạo xây dựng NTM (2010 - 2020), trên cơ sở kết quả nghiên cứu ở hai chương mô tả lịch sử. Đồng thời căn cứ vào các văn kiện, nghị quyết của Tỉnh ủy, các văn bản của HĐND, UBND, các sở, ban, ngành và các công trình nghiên cứu có liên quan trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; luận án tập trung làm rõ ưu điểm, hạn chế trong hoạch định chủ trương, chỉ đạo tổ chức thực tiễn và kết quả thực hiện xây dựng NTM của tỉnh Bắc Giang, nguyên nhân những ưu điểm, hạn chế.
Bốn là, những kinh nghiệm từ quá trình Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lãnh đạo xây dựng NTM từ năm 2010 đến năm 2020.
Từ thực tiễn quá trình nhận thức, hoạch định chủ trương, chỉ đạo thực tiễn và những kết quả đạt được trong quá trình Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lãnh đạo xây dựng NTM, nghiên cứu sinh đúc rút những kinh nghiệm; phân tích, làm rõ nội dung và đề xuất hướng vận dụng kinh nghiệm trong thời gian tới.
Kết luận chương 1
Xây dựng NTM là vấn đề quan trọng, thời sự hiện nay. Vì thế, thời gian qua đã có rất nhiều công trình khoa học của tập thể, cá nhân, các nhà khoa học trong, ngoài nước quan tâm, nghiên cứu và được đề cập ở các cấp độ, phạm vi khác nhau. Với số lượng công trình phong phú, các công trình đã bước đầu luận giải những vấn đề lý luận, thực tiễn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng NTM ở Việt Nam ở một số nước trên thế giới.
Kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học đã công bố có liên quan đến đề tài luận án là tương đối toàn diện, giải quyết nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn xây dựng NTM trong quá trình CNH, HĐH ở Việt Nam. Dù tiếp cận ở nhiều chuyên ngành, song các công trình cơ bản thống nhất khẳng định vị trí, vai trò, tác động của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với phát triển KT - XH. Các nghiên cứu đã chỉ ra thực trạng hoạt động, kết quả, những kinh nghiệm và giải pháp xây dựng NTM trên phạm vi cả nước cũng như từng địa phương, khu vực.
Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài, nghiên cứu sinh đã hệ thống hóa các tài liệu, khái quát kết quả nghiên cứu của các công trình, chỉ rõ những nội dung có thể tham khảo kế thừa; cũng như những vấn đề chưa được nghiên cứu làm rõ. Vận dụng phương pháp luận sử học mácxít, căn cứ vào đối tượng, chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu của khoa học Lịch sử Đảng, nghiên cứu sinh đã xác định những vấn đề luận án sẽ tập trung giải quyết. Vì vậy, đề tài “Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lãnh đạo xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến năm 2020” là đề tài không trùng lặp với các công trình đã công bố. Do đó, nghiên cứu và làm sáng tỏ quá trình Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lãnh đạo xây dựng NTM từ năm 2010 đến năm 2020, trên cơ sở đó đúc kết kinh nghiệm, góp phần vào việc tổng kết quá trình Đảng lãnh đạo xây dựng NTM là việc làm cần thiết.
Chương 2
CHỦ TRƯƠNG VÀ CHỈ ĐẠO CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH BẮC GIANG VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI (2010 - 2015)
2.1. Những yếu tố tác động và chủ trương của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang về xây dựng nông thôn mới
2.1.1. Những yếu tố tác động đến sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang về xây dựng nông thôn mới
2.1.1.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang Điều kiện tự nhiên
Vị trí địa lý: Bắc Giang là tỉnh miền núi, nằm ở phía Đông Bắc Bắc Bộ, với diện tích 3.895,6km2. Tỉnh Bắc Giang nằm ở tọa độ 220 - 21027’ vĩ Bắc, 105053’ - 106011’ kinh Đông; phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Tây và Tây Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên, phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ninh. Vị trí của Bắc Giang nằm trên hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cạnh tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) rất thuận lợi cho việc phát triển và liên kết vùng. Thành phố Bắc Giang cách Thủ đô Hà Nội 50km; cách cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn 110km; cách sân bay quốc tế Nội Bài 50km; cách cảng biển Hải Phòng và cảng biển nước sâu Cái Lân, Quảng Ninh 130km. Từ đây có thể dễ dàng lưu thương với các tỉnh lân cận và các nước trong khu vực.
Địa lý hành chính: Bắc Giang là vùng đất cổ, có bề dày lịch sử gắn bó hữu cơ với cả nước trong quá trình dựng nước và giữ nước. Trải qua các thời kỳ lịch sử, tỉnh Bắc Giang ngày nay có nhiều tên gọi và quy mô địa giới hành chính khác nhau. Ngày 6 - 11 - 1996, Quốc hội khóa IX nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết chia tỉnh Hà Bắc thành hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Tỉnh Bắc Giang chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01 - 01 - 1997. Đến năm 2013, “Bắc Giang có 09 huyện, 01 thành phố; 229 xã, phường, thị trấn (203 xã, 10 phường, 16 thị trấn)” [16, tr. 1].
Khí hậu: Tỉnh Bắc Giang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa khu vực Đông Bắc Việt Nam, một năm có bốn mùa rõ rệt.
Rừng: Rừng của Bắc Giang có 110.600ha (trong đó rừng tự nhiện có 63.832,41ha, rừng trồng mới có 46.837,65ha) tập trung chủ yếu ở các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế.
Tài nguyên đất: Bắc Giang có 382.200ha đất tự nhiên, bao gồm 123.000ha đất nông nghiệp, 110.000ha đất lâm nghiệp, 66.500ha đất đô thị, đất chuyên dùng và đất ở, còn lại khoảng 82.700ha là các loại đất khác, trong đó nhóm đất đỏ vàng chiếm diện tích lớn hơn cả khoảng 63,13% diện tích tự nhiên. Bắc Giang có tiềm năng lớn về đất đai nhất là đồi rừng, có nhiều thuận lợi cho việc trồng cây lương thực, thực phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày hay chăn nuôi gia súc, gia cầm. Địa lý tự nhiên Bắc Giang chia thành hai vùng: Vùng rừng núi và vùng Trung du. Đó là điều kiện tốt cho một nền nông nghiệp phát triển phong phú, đa dạng. Đến năm 2010, ở Tỉnh đã hình thành những vùng trồng lúa, lạc, chè, thuốc lá, đậu tương... có năng suất chất lượng cao như huyện Việt Yên, Hiệp Hòa, Tân Yên. Trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Bắc Giang đã trở thành vùng quê nổi tiếng về vải thiều (Lục Ngạn), gà đồi (Yên Thế)... góp phần xóa đói giảm nghèo đi đến ấm no, tạo nên sự trù phú của nhiều làng quê.
Tài nguyên nước: Bắc Giang có nhiều sông ngòi, phân bố đều giữa các vùng, Bắc Giang có 3 con sông lớn chảy qua (sông Lục Nam, sông Thương, sông Cầu) với tổng chiều dài 347km, lưu lượng lớn và có nước quanh năm. Ngoài ba con sông lớn trên Bắc Giang còn có hệ thống ao, hồ, đầm, mạch nước ngầm. Lượng nước mặt, nước mưa, nước ngầm đủ khả năng cung cấp nước cho các ngành kinh tế và sinh hoạt.
Điều kiện kinh tế - xã hội
Kinh tế: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang đã đoàn kết, nhất trí, khắc phục khó khăn, năng động sáng tạo nỗ lực phấn đấu đạt được những kết quả quan trọng khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9%/năm (2005 - 2010); cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển
dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Nông nghiệp có bước phát triển khá, một số vùng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp quy mô lớn tiếp tục phát triển, là đơn vị dẫn đầu các tỉnh phía Bắc về rau, quả xuất khẩu. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp hàng hóa chưa gắn kết chặt chẽ với thị trường và công nghiệp chế biến, gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, cơ giới hóa trong nông nghiệp chưa mạnh. Đến năm 2010 còn gần 70% lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, do vậy, cần tập trung đầu tư thỏa đáng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với đẩy nhanh xây dựng NTM.
Dân cư: Dân số toàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2011 là gần 1,6 triệu người. Mật độ dân số bình quân là 408,1 người/km2, cao hơn so với bình quân của khu vực và cả nước; dân số sống ở khu vực nông thôn chiếm 90,4% dân số. Số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 64,15% dân số, trong đó lao động được đào tạo nghề chiếm 31%. “Cộng đồng dân cư ở Bắc Giang gồm 37 thành phần dân tộc anh em” [170, tr. 1], trong đó người Kinh đông nhất (88%). Các dân tộc Nùng, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu, Hoa, Dao có dân số trên
1.000 người và 19 dân tộc khác có dân số dưới 1.000 người.
Truyền thống: Nhân dân Bắc Giang có truyền thống lao động cần cù và sáng tạo. Lịch sử chứng minh vùng đất Bắc Giang cách đây hàng vạn năm đã có con người khai phá và sinh sống. Quá trình đó để lại nhiều dấu ấn trong các câu chuyện mở làng, lập ấp và đã tạo nên những xóm làng trù phú, cổ kính ven các triền đê sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam. Trải qua bao thế kỷ khai phá và cải tạo, các thế hệ người Bắc Giang đã tạo ra những cánh đồng mầu mỡ suốt từ xuôi lên miền núi để cấy lúa, trồng hoa màu và các loại cây ăn quả. Từ quá trình lao động đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu trong phát triển, thâm canh nông nghiệp đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung lớn, có giá trị kinh tế cao. Ngoài nghề nông, từ xa xưa, Bắc Giang đã hình thành những làng nghề thủ công truyền thống: Gốm Thổ Hà, rượu Làng Vân, bánh đa Kế, đan lát Phúc Long, Phúc Tằng, rèn sắt Đức Thắng, Ninh Khánh, bún Đa
Mai... Những mặt hàng thủ công của Bắc Giang khá nổi tiếng, không chỉ cung cấp cho Nhân dân trong vùng mà còn có mặt ở nhiều nơi trong cả nước.
Văn hóa: Bắc Giang là mảnh đất có bề dày truyền thống văn hóa và hiếu học. Đây là thành quả của hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, là kết quả giao lưu và hội tụ với văn hóa của nhiều dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Truyền thống văn hóa của Nhân dân Bắc Giang không ngừng phát huy, phát triển kết tinh sâu đậm trong tâm hồn, khí phách của mỗi người dân Bắc Giang. Tự hào về truyền thống quê hương, đất nước, Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã và đang ra sức quyết tâm xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, tự do, hạnh phúc. Bên cạnh đó, với đặc điểm địa hình chia cắt, đời sống vật chất, tinh thần ở các xã miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn nên phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc về việc làm và thu nhập.
Giáo dục: Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục nâng lên; mạng lưới các trường được bố trí hợp lý; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp theo hướng kiên cố, hiện đại và từng bước chuẩn hóa, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu học tập của người dân; đến năm 2010 “trường đạt chuẩn quốc gia đạt 60%” [81, tr. 22]. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn tăng. Xã hội hóa giáo dục, đào tạo tiếp tục được mở rộng. Phong trào khuyến học, khuyến tài, gia đình, dòng họ hiếu học phát triển rộng khắp. Giáo dục nghề được quan tâm; các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn mỗi năm dạy nghề cho khoảng 3 vạn lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tỉnh Bắc Giang đạt 33%. Tuy nhiên, đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH, chất lượng nguồn lao động chưa cao; cơ cấu lao động chuyển dịch chậm.
Với điều kiện tự nhiên, KT - XH cho thấy Bắc Giang có nhiều lợi thế trong sản xuất nông, lâm nghiệp; phát triển nền nông nghiệp hàng hóa có giá trị kinh tế cao và xây dựng NTM, tập trung vào những sản phẩm nông nghiệp
chủ lực đối với các loại cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc nóng ẩm, Á nhiệt đới như vải thiều, rau chế biến, lúa thơm, gà đồi. Mặt khác là Tỉnh có địa hình chia cắt, kết cấu hạ tầng KT- XH, nhất là giao thông, thủy lợi còn hạn chế; nông thôn phát triển chưa đồng bộ, xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn còn chậm; phần lớn lao động ở nông thôn chưa qua đào tạo. Nông sản chủ yếu ở dạng sơ chế, ít có thương hiệu, giá trị gia tăng thấp. Thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn khó khăn là những tác động tiêu cực trong xây dựng NTM. Nhận diện đúng thuận lợi, khó khăn là cơ sở để Đảng bộ tỉnh Bắc Giang quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đề ra nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp xây dựng NTM sát hợp với đặc điểm của địa phương.
2.1.1.2. Thực trạng nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bắc Giang trước năm 2010
Trước những tác động chi phối của các yếu tố, nhất là những khó khăn, thách thức đặt ra nhưng quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bắc Giang vẫn đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho xây dựng NTM.
Về thành tựu: Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trước năm 2010, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo và đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Do đó tình hình nông nghiệp, nông dân và nông thôn của Tỉnh có những bước phát triển: Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2005 - 2010 đạt 9%/năm; “tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 620.000 tấn; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích nông nghiệp đạt 47 triệu đồng/ha/năm, tăng 1,8 lần so với đầu nhiệm kỳ” [82, tr. 19]. Chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa được triển khai thực hiện có hiệu quả. Tiếp tục duy trì, phát triển thương hiệu một số vùng, sản phẩm hàng hóa như: Vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, rau chế biến, lạc giống và thương phẩm, lúa thơm hàng hóa, nguyên liệu gỗ. Chăn nuôi và thủy sản phát triển mạnh; đàn lợn 1,2 triệu con; đàn gia cầm 15,3 triệu con;