Phương Hướng Và Giải Pháp Hoàn Thiện Cơ Sở Pháp Lý Cho Ngân Hàng Nhà Nước Thực Hiện Các Biện Pháp Quản Lý Thị Trường Vàng

Thực tế đó đòi hỏi công tác xây dựng pháp luật phải có cách thức để lấp đầy những khoảng trống của hệ thống văn bản pháp luật. Nhưng trên hết là thiết lập được tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật được ban hành bởi nhiều cơ quan trong bộ máy Nhà nước. Văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp nhất hiện nay đối với thị trường vàng là Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Tuy nhiên với phạm vi điều chỉnh chỉ là hoạt động kinh doanh vàng, để quản lý mọi quan hệ xã hội phát sinh trên thị trường vàng sẽ cần nhiều hơn các văn bản pháp luật được ban hành. Những yêu cầu kể trên gợi lên ý tưởng về một văn bản quy phạm pháp luật đủ khả năng bao quát và điều chỉnh với giá trị pháp lý cao hơn khi câu chuyện không còn chỉ dừng lại ở góc độ điều hành. Những vấn đề về quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích của nhà đầu tư, những xung đột lợi ích,… sẽ được giải quyết thỏa đáng hơn với một văn bản Luật được thông qua bởi Quốc hội.

Thứ hai, pháp luật cần đảm bảo góp phần thiết lập, tổ chức thị trường vàng trật tự và ổn định. Thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước nói chung và quản lý thị trường vàng nói riêng đã cho thấy yêu cầu cấp thiết của việc phải có cơ sở pháp lý để thiết lập và vận hành thị trường. Sự thiếu vắng các quy định pháp luật sẽ không đáp ứng được yêu cầu khi cần một bộ khung pháp lý để tham chiếu cho các hoạt động thực tiễn trên thị trường vàng. Các vấn đề về quyền, nghĩa vụ của các chủ thể, chuẩn mực của các giao dịch hay khả năng được pháp luật bảo vệ trong các quan hệ xã hội cụ thể khó có thể xác định rõ ràng. Mỗi một bộ phận khác nhau của thị trường vàng cần có những quy chế pháp lý dành riêng, phù hợp với đặc điểm và sự tham gia của các chủ thể. Pháp luật cần xác lập những quy chế phù hợp, cách thức vận hành và biện pháp quản lý phù hợp.

Bên cạnh đó, pháp luật còn cần đảm bảo tính trật tự, ổn định của thị trường trong tổng thể các chính sách quản lý trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ.

Thị trường vàng với tính liên thông với bộ phận còn lại của thị trường tài chính luôn ẩn chứa khả năng ảnh hưởng và bị ảnh hưởng từ những thị trường ấy. Do đó, pháp luật sẽ luôn phải đảm bảo sự vận động của thị trường vàng nằm trong giới hạn cho phép, phù hợp với sự vận động chung của nền kinh tế. Pháp luật cần đảm bảo khả năng kiểm soát và điều tiết của Nhà nước đối với dòng vốn được đưa vào thị trường vàng không phục vụ cho mục đích đầu cơ, lũng đoạn thị trường.

Thứ ba, đảm bảo khả năng quản lý, điều tiết của Nhà nước đối với thị trường vàng trên cơ sở công khai, minh bạch và tôn trọng các quyền tự do kinh doanh. Để đảm bảo khả năng điều tiết thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục là đầu mối trung tâm cho các hoạt động quản lý. Khi dỡ bỏ dần những kiểm soát chặt chẽ để hướng tới một thị trường đúng nghĩa, các biện pháp hành chính cũng cần được cân nhắc kỹ càng trước khi sử dụng. Thay vào đó, những biện pháp kinh tế sẽ được sử dụng thường xuyên và đa dạng hơn với Ngân hàng Nhà nước như một chủ thể tham gia các hoạt động trên thị trường. Để nắm thế chủ động, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể thiết lập một không gian giao dịch với sự tham gia điều hành đến từ đại diện của Ngân hàng Nhà nước. Không gian giao dịch này cần đảm bảo yêu cầu tôn trọng các quyền tự do kinh doanh và bình đẳng để khuyến khích sự tham gia của các chủ thể trên thị trường. Cho dù được gọi với tên gọi và mô hình như thế nào, do Ngân hàng Nhà nước hay bất cứ chủ thể nào khác tổ chức, mọi hoạt động trên thị trường cần được giám sát chặt chẽ bởi Ngân hàng Nhà nước. Sự giám sát này phải là thường xuyên thông qua nhiều hình thức, đặc biệt là các báo cáo về diễn biến, tình hình giao dịch, những bất thường trên thị trường để có thể có biện pháp can thiệp kịp thời.

Không thể nói việc ghỡ bỏ sự kiểm soát chặt chẽ hiện nay là đơn giản, thậm chí còn là thách thức với Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời với việc tự

do hóa thị trường vàng, nhu cầu ngoại tệ cho hoạt động nhập khẩu vàng sẽ được bổ sung vào tổng cầu ngoại tệ trong nước. Ngân hàng Nhà nước lúc này sẽ không còn đơn giản chỉ là xuất ngoại tệ từ kho dự trữ của mình mà phải thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng để điều hòa nhu cầu của nền kinh tế. Những yêu cầu đó đòi hỏi một cơ chế dự báo thật tốt trong hoạt động điều hành chính sách tiền tệ nói chung, chính sách ngoại hối và quản lý thị trường vàng nói riêng.

Bên cạnh đó, các biện pháp đến từ các cơ quan khác trong bộ máy Nhà nước hoàn toàn có thể được thực hiện như các biện pháp hỗ trợ cho thị trường theo định hướng chung. Khi vàng được đối xử như các loại hàng hóa tuân theo quy luật cung cầu, công cụ thuế sẽ thể hiện được những ưu điểm của mình trong vai trò công cụ điều tiết trên thị trường trong nước. Qua công cụ thuế, sự phân phối các khoản thu của Nhà nước từ vàng sẽ là hợp lý hơn khi đầu mối được chuyển về cơ quan thuế với sự giám sát chặt chẽ của hệ thống cơ quan tài chính và sự kiểm soát của Kho bạc Nhà nước.

3.2. Phương hướng và giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý thị trường vàng

3.2.1. Phương hướng hoàn thiện

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 110 trang tài liệu này.

Phương hướng hoàn thiện cơ sở pháp lý có vai trò rất quan trọng đối với Ngân hàng Nhà nước cũng như công tác triển khai các biện pháp quản lý thị trường vàng trong nước. Theo tiến trình vận động của thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước luôn được đảm bảo cơ sở pháp lý khi cần thiết để thực hiện vai trò, chức năng của mình. Tuy nhiên, những quy định đó chưa khi nào xác định việc xây dựng một thị trường vàng phát triển là nhiệm vụ trọng tâm. Đó là lý do giải thích vì sao những quy định hiện nay cho dù được Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước ban hành đều mang đặc điểm của hoạt động điều hành nhưng chưa mang dấu ấn của những nguyên tắc pháp lý cơ bản. Kinh

nghiệm cho thấy, một thị trường phát triển lành mạnh không có nghĩa để thị trường phát triển tự do, nhưng cũng không thể chỉ bằng các giải pháp hành chính, nhất là thời điểm Việt Nam đang hòa nhập ngày càng mạnh mẽ với nền kinh tế thế giới.

Cơ sở pháp lý cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý đối với thị trường vàng ở Việt Nam và các kiến nghị pháp lý - 11

Chính sách quản lý của Chính phủ Việt Nam luôn coi vàng như một vấn đề của nền kinh tế. Vấn đề của nguồn lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, vấn đề của tình trạng đầu cơ lũng đoạn thị trường gây ảnh hưởng tới trật tự xã hội và tỉ giá, vấn đề liên quan đến tính an toàn trong hoạt động ngân hàng. Phương hướng hoàn thiện quy định pháp luật cũng như công tác quản lý trong thời gian tới sẽ tiếp tục phải quan tâm tới những vấn đề kể trên, tuy nhiên cần bổ sung những phương hướng mới cho sự phát triển toàn diện của thị trường vàng, bao gồm:

Thứ nhất, góp phần từng bước thiết lập mô hình thị trường vàng hiện đại ở Việt Nam. Đặc trưng của thị trường vàng Việt Nam là một thị trường phân tán với phương thức giao dịch đơn giản. Hệ thống các quy định hiện nay chỉ cho phép hình thành nên mô hình thị trường vàng vật chất, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng phát triển của nền kinh tế. Để một thị trường vàng có thể phát huy đầy đủ chức năng của nó đòi hỏi một cơ sở vững chắc được thiết lập theo cơ chế tự quản được hỗ trợ bởi Chính phủ. Trong đó, bên cạnh hoạt động quản lý của nhà nước, cần nhấn mạnh vai trò của hai thiết chế: Sàn giao dịch vàng và Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam.

Với Hiệp hội kinh doanh vàng, cần tăng cường vai trò hỗ trợ thị trường của hiệp hội như một tổ chức có uy tín. Các biện pháp hỗ trợ thị trường cơ bản có thể kể đến như: Cung cấp thông tin, Cung cấp dịch vụ phân tích, đánh giá, xếp loại trên thị trường vàng, Cung cấp dịch vụ kiểm định hàng hóa giao dịch của thị trường vàng. Đối với sàn giao dịch vàng, cần thiết lập cơ sở pháp lý cho sự hình thành và hoạt động của mô hình sàn giao dịch vàng ở Việt

Nam – nơi diễn ra các giao dịch về vàng vật chất cũng như các sản phẩm tài chính phái sinh từ vàng. Qua đó hoàn thiện mô hình thị trường vàng với đầy đủ các bộ phận của nó thay vì chỉ dừng lại ở mức độ của thị trường vàng vật chất như hiện nay. Một tổ chức chuyên tập trung thiết lập không gian giao dịch về vàng có thể thiết lập giá cả tham chiếu cho cả thị trường, hướng tới ổn định giá cả, tăng cường tính minh bạch và tăng khả năng đánh giá về các yếu tố cung cầu trên thị trường. Sàn giao dịch vàng được thiết lập sẽ là nơi có khả năng thay thế Ngân hàng Nhà nước trong vai trò là người tổ chức thị trường bán buôn, giảm bớt áp lực của việc tham gia thị trường của Ngân hàng Nhà nước. Mô hình này cần được nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm từ các thị trường vàng phát triển trên thế giới cũng như sự thất bại của mô hình Tổng công ty kinh doanh vàng bạc đá quý Việt Nam trước đây.

Thứ hai, từng bước chuyển sang mô hình quản lý theo quy luật cung - cầu trên cơ sở liên thông, gắn kết với thị trường vàng thế giới. Quản lý theo quy luật cung – cầu là đảm bảo khả năng tự điều tiết của thị trường vàng. Để thực hiện mục tiêu này, pháp luật phải tạo được cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc hình thành một thị trường vàng nơi có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng các giao dịch của mọi thành phần trong xã hội. Những nhu cầu này cần được đặt ở vị thế công bằng và trao cho chúng những quy chế pháp lý phù hợp với đặc điểm của từng bộ phận thị trường là khác nhau. Các hình thức kinh doanh vì thế cần được mở rộng theo phương thức xã hội hóa, tăng cường khả năng chọn lọc của thị trường. Dòng vàng nhập khẩu cần được khai thông, chuyển dần những biện pháp hành chính sang các giải pháp điều chỉnh cơ cấu xuất, nhập khẩu gián tiếp thông qua chính sách thuế.

Những lo ngại về nguy cơ mất cân đối có thể xảy ra đối với nền kinh tế và chính sách quản lý cũng là điều mà pháp luật cần quan tâm một cách thích đáng. Chính sự tồn tại của những nguy cơ đó không cho phép chúng ta nóng

vội. Theo kinh nghiệm của nhiều nước trong đó có ví dụ của Trung Quốc, tiến trình tự do hoá thị trường vàng nên bắt đầu từ tự do hoá thị trường vàng vật chất, sau đó đến kinh doanh vàng tài khoản và cuối cùng là từng bước xoá bỏ kiểm soát đối với hoạt động xuất nhập khẩu vàng bằng biện pháp hành chính vốn được coi là biện pháp phi thuế quan tạo nên hàng rào thương mại trong lĩnh vực thương mại quốc tế.

Phương hướng này cũng hàm chứa những yêu cầu thay đổi trong cách thức quản lý của Ngân hàng Nhà nước đối với thị trường vàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chú trọng tới việc điều tiết chính sách tiền tệ và cải thiện môi trường vĩ mô, thay thế dần chính sách độc quyền bằng cách trao hoạt động kinh doanh vàng miếng cho thị trường. Nằm trong tổng thể các phương hướng cho hoạt động quản lý đối với thị trường vàng, đặc biệt song hành với chính sách mở cửa cho các hoạt động xuất, nhập khẩu, việc trao bộ phận thị trường vàng miếng để thị trường tự điều tiết sẽ không phải là quay trở lại cách thức quản lý trước đây từng được Ngân hàng Nhà nước thực hiện.

Thứ ba, huy động vàng trong dân chúng phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội. Không thể phủ nhận vàng là tài sản có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống của người Việt Nam. Với thói quen tích trữ vàng, và ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có lượng vàng được nắm giữ bởi các cá nhân hàng đầu trên thế giới. Lượng vàng vật chất không được tái đầu tư, hơn nữa sự gia tăng nhu cầu tích trữ vàng cũng đòi hỏi một lượng tương ứng ngoại tệ cho nguồn cung vốn đến từ các hoạt động nhập khẩu. Chỉ có đưa được lượng vàng này đến với thị trường, mới có thể tận dụng được giá trị của nó cho các hoạt động tạo ra giá trị gia tăng, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội.

Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động quản lý đã cho thấy, cần thiết phải tách hoạt động kinh doanh vàng khỏi nghiệp vụ kinh doanh của hoạt

động ngân hàng được bởi những rủi ro của nó. Cần chuyển từ huy động vàng sang hoạt động mua – bán vàng. Và để sự tham gia là tích cực, cần làm cho kênh đầu tư vào vàng với các giao dịch mua – bán trở nên hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Sàn giao dịch vàng tập trung, cơ chế pháp lý bảo vệ nhà đầu tư, và các công cụ tài chính phái sinh có khả năng bảo vệ cho rủi ro là những ví dụ sinh động có thể học hỏi từ những thị trường vàng phát triển trên thế giới. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ ổn định, kiềm chế nguy cơ lạm phát cần được kết hợp để củng cố lòng tin của dân chúng vào tiền đồng Việt Nam, giảm bớt nhu cầu quá mức đối với vàng.

Thứ tư, phát triển thị trường vàng trang sức. Đây là định hướng quan trọng làm cơ sở cho Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành các chính sách quản lý phù hợp và điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Tiềm năng cho hoạt động xuất khẩu vàng của Việt Nam nằm ở thị trường vàng trang sức. Vàng trang sức của Việt Nam có tiềm năng lớn cho sự phát triển, vấn đề nằm ở định hướng và hỗ trợ của chính sách từ phía nhà nước. Đáp ứng yêu cầu cho xuất khẩu, cần thiết lập lại hệ thống cơ sở kinh doanh vàng trang sức nhỏ lẻ để tạo thành một ngành công nghiệp hiện đại. Qua đó, không chỉ góp phần gia tăng thu nhập quốc dân mà còn là cơ hội gia tăng việc làm trong nước.

3.2.2. Giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý thị trường vàng

Dựa trên những đánh giá về thực tiễn hoạt động quản lý tại Chương 2 và các phương hướng cho việc phát triển thị trường vàng kể trên, tác giả lựa chọn đưa ra ba nhóm giải pháp: Thứ nhất là tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước đối với thị trường vàng; Thứ hai là tăng cường quản lý vĩ mô, giảm thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước đối với thị trường vàng; Thứ ba là nhóm giải pháp đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động quản lý.

Nhóm giải pháp thứ nhất, xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý đầy đủ và thống nhất cho các hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước đối với thị trường vàng. Nhiệm vụ trọng tâm của nhóm giải pháp này là Quốc hội cần ban hành Luật về quản lý đối với thị trường vàng. Trên cở sở quy định của Luật quản lý thị trường vàng, các văn bản hướng dẫn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần được soạn thảo mới, điều chỉnh phù hợp, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống quy định điều chỉnh hoạt động trên thị trường vàng. Trong đó, các quy định cần chú trọng hơn tới bản chất của thị trường vàng để hướng tới phát triển một thị trường vàng hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới. Những nội dung cơ bản sau cần được ghi nhận:

Một là, xây dựng khái niệm về thị trường vàng và phân loại thị trường vàng thành các bộ phận: Thị trường vàng tập trung và thị trường vàng phi tập trung; Thị trường vàng vật chất và thị trường vàng phi vật chất (vàng tài khoản); Thị trường vàng miếng và thị trường vàng trang sức; Thị trường vàng trong nước và thị trường vàng ngoại hối.

Hai là, ghi nhận các nguyên tắc pháp lý trong hoạt động và quản lý thị trường vàng: Tôn trọng quyền tự do mua, bán, kinh doanh trên thị trường vàng; Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và người tiêu dùng; Đảm bảo sự điều tiết của Nhà nước đối với thị trường vàng trong nước.

Ba là, khẳng định thị trường vàng do Chính phủ thống nhất quản lý, giao nhiệm vụ quản lý, giám sát thường xuyên đối với các hoạt động trên thị trường vàng cho các cơ quan chuyên trách với sự hiện diện của Ngân hàng Nhà nước. Xác định phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước đối với toàn bộ các hoạt động trên thị trường vàng.

Nhóm giải pháp thứ hai: Tăng cường quản lý vĩ mô, giảm thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước đối với thị trường vàng. Sự vận động của thị trường vàng có ảnh hưởng tới việc điều hành chính

Xem tất cả 110 trang.

Ngày đăng: 27/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí