Bảo Đảm An Ninh Chính Trị, Trật Tự An Toàn Xã Hội


Nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM, công tác tổ chức đào tạo kiến thức về xây dựng NTM cho cán bộ cơ sở và Nhân dân được Đảng bộ tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm chỉ đạo với mục tiêu “đào tạo cho 100% cán bộ cơ sở kiến thức tổ chức, quản lý, chỉ đạo xây dựng NTM; đào tạo kiến thức xây dựng NTM cho Nhân dân” [3, tr. 292]. Văn phòng Điều phối đã tổ chức 52 lớp tập huấn cho trên 3.120 học viên là cán bộ cấp xã, thôn, tổ chức đoàn trao đổi học tập kinh nghiệm tại các tỉnh. Sở Nội vụ đã mở các lớp bồi dưỡng cho trên

2.500 cán bộ cấp xã, thôn... Đến hết năm 2015, “cơ bản cán bộ các xã, thôn đã được đào tạo, bồi dưỡng về xây dựng NTM” [174, tr. 8].

Với chủ trương “tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp” [81, tr. 63]. Đảng bộ tỉnh Bắc Giang chỉ đạo HĐND, UBND các cấp cụ thể hóa công tác xây dựng NTM bằng các chương trình, đề án, kế hoạch và các quyết định để tổ chức thực hiện như: Đề án xây dựng NTM; quy hoạch xây dựng NTM; đề án phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; kế hoạch xây dựng NTM nhiệm kỳ và hằng năm; kế hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng KT - XH; kế hoạch tài chính ngân sách hằng năm; kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động nhiệm kỳ và hằng năm; kế hoạch xóa đói, giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục... phân công nhiệm vụ tới các sở, ban, ngành hướng dẫn, giúp đỡ các xã. Các huyện, thành phố đã cụ thể hóa bằng các nghị quyết, văn bản chỉ đạo, kế hoạch về xây dựng NTM phù hợp với thực tiễn của địa phương, tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng Nhân dân nên Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Bắc Giang những năm 2010 - 2015 được triển khai, tổ chức thực hiên tập trung, bài bản và đồng bộ. Cùng với đó, công tác kiểm tra, đôn đốc của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp được thực hiện khá thường xuyên, hầu hết các huyện, thành phố quy định hằng tháng, quý tiến hành giao ban với các xã trên địa bàn về tiến độ và kết quả thực hiện, kịp thời khắc phục những hạn chế trong nhận thức của cán bộ và


Nhân dân; nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, tạo sự nhất trí, đồng thuận cao trong cả HTCT.

Mặt trận Tổ quốc là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cá nhân tiêu biểu trong các tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo... Đảng bộ tỉnh Bắc Giang chỉ đạo MTTQ thực hiện chức năng tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, vận động đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân tham gia Phong trào “Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”; tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền, công tác giám sát, phản biện xã hội. Với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng NTM, đã chủ động lựa chọn những nội dung thiết thực để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình MTQG xây dựng NTM đến từng thành viên, hội viên và quần chúng Nhân dân như: Hội Phụ nữ với mô hình “5 không 3 sạch”; “ Ống tiền, hũ gạo tiết kiệm”; Ủy ban MTTQ Tỉnh triển khai có hiệu quả mô hình “Khu dân cư an toàn”; “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”; Hội Nông dân Tỉnh với Phong trào “Sạch từ nhà ra ngõ, sạch từ ngõ vào nhà”; Tỉnh Đoàn đảm nhận và thi công các công trình hạ tầng tại nông thôn; Liên đoàn Lao động vận động công nhân, viên chức, lao động xây dựng quỹ NTM; Ban Dân vận với mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM; Hội Cựu chiến binh với phong trào mỗi hội viên ủng hộ 01 bao xi măng... Từ hoạt động trên, tổ chức cơ sở đảng được xác định là hạt nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo cùng với sự quản lý, điều hành của UBND các cấp, sự vào cuộc tích cực của hệ thống MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu phát triển KT - XH và xây dựng NTM. Hết năm 2015, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang “có 162 xã đạt tiêu chí HTCT xã hội và tiếp cận pháp luật, tăng 41 xã so với năm 2010” [174, tr. 8].

2.2.5.2. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

An ninh chính trị, trật tự xã hội là tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM với phương châm “bảo đảm an ninh, an toàn ngay từ cơ sở”. Tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các địa phương ban hành nội quy, quy ước làng xóm về trật tự, an ninh;


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 249 trang tài liệu này.

phòng chống các tệ nạn xã hội và các hủ tục lạc hậu. Điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ và chính sách tạo điều kiện cho lực lượng an ninh xã, thôn, xóm hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn theo yêu cầu xây dựng NTM. Theo đó, Kế hoạch số 623/KH-BCĐ xác định mục tiêu đến năm 2015: “Tỷ lệ thôn, bản có nội quy, quy ước về trật tự an ninh, phòng chống các tệ nạn xã hội và các hủ tục lạc hậu: 50%” [3, tr. 292]; tỷ lệ thôn, bản tiến hành điều chỉnh và bổ sung chức năng, nhiệm vụ và chính sách tạo điều kiện cho lực lượng an ninh xã, thôn, xóm hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn theo yêu cầu xây dựng NTM: 50%. Thực hiện mục tiêu trên, UBND Tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho BCĐ Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” Bắc Giang ban hành Chương trình triển khai thực hiện phong trào 5 năm và hằng năm; ban hành kế hoạch tuyên truyền Chương trình MTQG xây dựng NTM. Qua đó, đến năm 2014 toàn Tỉnh có “2.423 làng, bản, tổ dân phố xây dựng được hương ước, quy ước, trong đó có 1.758 quy ước, hương ước đã được Chủ tịch UBND Tỉnh phê duyệt, 1.186 quy ước, hương ước đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế” [166, tr. 5].

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh Bắc Giang, Công an tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch số 39/KH-CAT (PV28) ngày 20 - 6 - 2011 với những nội dung, nhiệm vụ cụ thể về công tác đảm bảo an ninh trật tự theo tiêu chí số 19 để chỉ đạo các phòng chức năng, công an các huyện, thành phố triển khai thực hiện. Do vậy, 100% các phòng chức năng, công an huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về mục đích, ý nghĩa, nội dung của công tác bảo đảm an ninh trật tự trong Chương trình MTQG xây dựng NTM để toàn thể cán bộ, chiến sĩ công an hiểu rõ; xác định tốt trách nhiệm trong tham mưu, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của lực lượng công an các cấp, từ Tỉnh đến địa phương và cơ sở. Từ đó, huy động sức mạnh của lực lượng công an Tỉnh tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự, góp phần xây dựng NTM. Nhằm tạo điều kiện cho lực lượng an ninh xã,

Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lãnh đạo xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến năm 2020 - 10


thôn, xóm hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn theo yêu cầu xây dựng NTM, công an tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho UBND Tỉnh ra quyết định “bổ sung Phó công an xã, thị trấn và công an viên cho 11 xã trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự của Tỉnh” [19, tr. 3]. UBND Tỉnh chỉ đạo công an tỉnh Bắc Giang triển khai, khảo sát, đánh giá thực trạng mô hình tổ chức quần chúng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; khảo sát đánh giá thực trạng lực lượng công an xã ở 223 xã, thị trấn về tổ chức biên chế, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác; đồng thời, chỉ đạo công an Tỉnh tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng công an xã về nội dung kiến thức đảm bảo an ninh trật tự trong xây dựng NTM. Công an Tỉnh phối hợp với các tổ chức quần chúng, các sở, ban, ngành xây dựng nhiều mô hình bảo đảm an ninh trật tự có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư như: Mô hình liên kết, mô hình tự quản, mô hình câu lạc bộ, mô hình gác chắn bảo đảm an ninh trật tự tại Ngõ Hậu, làng Chàng, xã Việt Tiến, huyện Việt Yên. Cụm an ninh giáp ranh “Liên - Hợp - Xuân - Tân” huyện Yên Thế; mô hình liên kết bảo đảm an ninh trật tự giữa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang với công an thành phố Bắc Giang… đã có tác dụng tốt, góp phần quan trọng bảo đảm ổn định ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, huy động nội lực cho xây dựng NTM. Hết năm 2015, “có 197 xã đạt tiêu chí an ninh trật tự, xã hội, tăng 20 xã so với năm 2010” [174, tr.9].

Tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn tiềm ẩn bất ổn, phức tạp, chất lượng, hiệu quả Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” có nơi hiệu quả chưa cao. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường chưa thực sự quan tâm đến công tác xây dựng phong trào. Công tác tuyên truyền, vận động cán bộ và Nhân dân tham gia công tác bảo đảm an ninh trật tự chưa được tiến hành thường xuyên; xây dựng, nhân rộng các mô hình tổ chức quần chúng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở còn hình thức.


Kết luận chương 2

Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tiến hành đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là một tất yếu khách quan. Với chủ trương phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững Đảng đã tạo điều kiện thuận lợi để các Đảng bộ địa phương xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo xây dựng NTM với nhiều mô hình, cách thức đem lại hiệu quả KT - XH.

Quán triệt chủ trương của Đảng vận dụng phù hợp với lợi thế về điều kiện tự nhiên, KT - XH; trong 5 năm (2010 - 2015) Đảng bộ tỉnh Bắc Giang khai thác các lợi thế của địa phương đề ra hệ thống quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu lãnh đạo xây dựng NTM phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Quá trình tổ chức thực hiện xây dựng NTM (2010 - 2015), Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND bám sát thực tiễn, nhạy bén, sáng tạo chỉ đạo toàn diện các cấp, các ngành, trên các lĩnh vực, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM do Đảng bộ Tỉnh xác định với bước đi và cách làm phù hợp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang, trong 5 năm (2010 - 2015) kết cấu hạ tầng KT - XH thiết yếu ở nông thôn như: Hệ thống giao thông, điện, trường học, trạm y tế, công trình thuỷ lợi, nước sinh hoạt, thiết chế văn hoá cơ sở, hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo… được đầu tư xây dựng. Do đó, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc; kinh tế nông nghiệp phát triển khá toàn diện cả về trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản.

Bên cạnh đó còn có hạn chế: Hầu hết nhà văn hóa còn thiếu các trang thiết bị cần thiết và chưa duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ thường xuyên; tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân chung của cả nước, số hộ cận nghèo nhiều khả năng tái nghèo lớn; việc thu gom xử lý rác thải trong nông thôn chưa được thường xuyên, triệt để; một số địa phương thực hiện việc chôn lấp chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, chủ yếu là bãi chứa tạm thời... Đây chính là cơ sở thực tiễn quan trọng để Đảng bộ tỉnh Bắc Giang rút ra những kinh nghiệm, vận dụng vào lãnh đạo xây dựng NTM trong những năm tiếp theo.


Chương 3

ĐẢNG BỘ TỈNH BẮC GIANG LÃNH ĐẠO

ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI (2015 - 2020)

3.1. Những yếu tố mới tác động và chủ trương của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang về đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

3.1.1. Những yếu tố mới tác động đến lãnh đạo xây dựng nông thôn mới của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang

3.1.1.1. Tình hình thế giới, khu vực và trong nước

Tình hình thế giới: Đại hội XII của Đảng (01 - 2016) nhận định: “Khoa học, công nghệ phát triển rất nhanh cùng với toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển KT - XH của các quốc gia” [25, tr. 266]. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; biến đổi khí hậu đòi hỏi các ngành, các lĩnh vực phải thích ứng nhanh, tận dụng tối đa lợi thế từ nền tảng của khoa học, công nghệ hiện đại để đổi mới, ứng dụng vào sản xuất. Những nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào “đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, hàng hóa lớn; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh” [25, tr. 281]; đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với xây dựng NTM. Tham gia hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu trên cơ sở khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới, Việt Nam tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, giá trị gia tăng cao, bảo đảm các tiêu chuẩn theo yêu cầu xuất khẩu. Bắt nhịp xu thế đó, đòi hỏi Bắc Giang phát triển nông nghiệp đa dạng cả trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản hướng tới hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn và các sản phẩm hành hóa chủ lực có chất lượng, khả năng cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Kinh tế thế giới phục hồi chậm, gặp nhiều khó khăn, thách thức và còn nhiều biến động khó lường. Các quốc gia tham gia ngày càng sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Biến động của giá cả thế giới, sự bất ổn về tài chính, tiền tệ và vấn đề nợ công tiếp tục gây ra những hiệu ứng bất lợi cho nền kinh tế thế giới.


Tương quan sức mạnh kinh tế giữa các quốc gia, khu vực đang có nhiều thay đổi. Hầu hết các nước trên thế giới đều điều chỉnh chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới thể chế kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để phát triển. Cạnh tranh kinh tế, thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng gay gắt. Xuất hiện nhiều hình thức liên kết kinh tế mới, các định chế tài chính quốc tế, khu vực, các hiệp định kinh tế song phương, đa phương thế hệ mới.

Tình hình khu vực: Bước vào giai đoạn 2016 - 2020, “khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là trung tâm phát triển năng động của kinh tế thế giới. Vai trò trung tâm kết nối của ASEAN trong các thiết chế khu vực tiếp tục được khẳng định nhưng còn nhiều thách thức” [25, tr. 266]. Cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, xu hướng tăng cường sử dụng hàng rào kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất gia tăng; cách mạng khoa học, công nghệ diễn ra tác động mạnh mẽ trên nhiều phương diện. Dịch bệnh và biến đổi khí hậu diễn ra tại các thị trường xuất khẩu quan trọng của nông, lâm, thủy sản Việt Nam buộc các nước này áp dụng các biện pháp phòng dịch và ứng phó với biến đổi khí hậu đã gây ra tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu... Xu hướng đó đòi hỏi nông nghiệp Việt Nam phải chấp nhận cạnh tranh và tuân thủ tiêu chuẩn thị trường trong cả ba lĩnh vực KT - XH và môi trường.

Tình hình trong nước: Sau 30 năm đổi mới, “thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều” [25, tr. 267], sức mạnh của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng nâng cao, tạo ra nhiều tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ năm 2016 đến năm 2020 là thời kỳ nước ta thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia tích cực vào các chế định của thế giới và khu vực thông qua Cộng đồng ASEAN, các hiệp định FTA với các nước và khu vực. Hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và Nhân dân phải nỗ lực rất cao để tận dụng thời cơ, vượt qua những thách thức lớn trong quá trình hội nhập.


Tuy kinh tế từng bước ra khỏi tình trạng suy giảm, lấy lại đà tăng trưởng, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc; nợ công tăng nhanh, nợ xấu đang giảm dần nhưng còn ở mức cao, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế thấp. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; khoảng cách giàu - nghèo, phân hóa xã hội ngày càng tăng; bảo vệ chủ quyền biển, đảo đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn; tình hình chính trị - xã hội ở một số địa bàn còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định. Những khó khăn trên đã ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của cả nước nói chung và Bắc Giang nói riêng. Theo đó, việc huy động nguồn lực cho thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM cũng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; dịch tả lợn Châu Phi có khả năng bùng phát, đặc biệt dịch bệnh Covid-19… đã gây thiệt hại về tài sản, con người và ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân; qua đó, đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì các tiêu chí về hạ tầng KT - XH, thu nhập, hộ nghèo, môi trường... Thực tế trên dẫn tới một hệ quả tất yếu đó là một số lợi thế so sánh của Bắc Giang trong phát triển KT - XH nói chung, xây dựng NTM nói riêng sẽ thay đổi. Trong điều kiện mới, nhiều yếu tố trước đây vốn là thế mạnh của Bắc Giang, giữ vai trò quyết định sẽ thay đổi theo chiều hướng giảm dần tỷ trọng.

Quá trình xây dựng NTM trên phạm vi cả nước bên cạnh những kết quả đạt được còn một số hạn chế: Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các vùng, miền của cả nước vẫn còn khá lớn; các địa phương như: “Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Nam Định... có trên 85% số xã đã đạt chuẩn NTM và bước sang xây dựng NTM kiểu mẫu thì các địa phương như Bắc Kạn, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng với hầu hết các xã chỉ đạt dưới 07 tiêu chí” [14, tr. 20]; sản xuất nông nghiệp mặc dù đã chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được nhiều chuỗi giá trị sản xuất bền vững nên thu nhập của người dân còn bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào giá cả thị trường. Nhiều địa phương đã xác định

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/04/2023