Chú Trọng Nâng Cao Chất Lượng Sản Phẩm Du Lịch Đặc Trưng Của Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Tăng Cường Công Tác Quảng Bá, Xúc Tiến Du Lịch Nhằm Thu Hút Du


Xây dựng chính sách và tạo cơ chế cho việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Bên cạnh việc đề ra các chủ trương, định hướng phù hợp với điều kiện của tỉnh, Đảng bộ tỉnh thường xuyên quan tâm xây dựng các chính sách, cơ chế, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo và các đơn vị kinh doanh du lịch tham gia quá trình đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành du lịch. Đồng thời, ban hành các quy định về chính sách đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân lực sau đào tạo.

Xã hội hóa công tác đào tạo nguồn lực ngành du lịch, nhằm tạo lực đẩy và hỗ trợ các cơ sở phát triển. Xác định rõ, tất cả thị trường du lịch đều phải hướng đến sự hài lòng của du khách, lấy du khách làm trung tâm, từ đó Đảng bộ tỉnh đã có những định hướng thích hợp cho công tác đào tạo. Điểm đặc biệt trong việc định hướng này là không chỉ chăm lo từ phía Nhà nước hay giao khoán cho một vài cơ sở đào tạo mà là trách nhiệm của toàn xã hội, nhất là với đặc điểm du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp và toàn dân làm du lịch. Từ đó, Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ trương đẩy mạnh công tác xã hội hóa đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng kết hợp “3 nhà”: Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp với sự tham gia tích cực của người dân. Cùng với việc quan tâm xây dựng các cơ sở đào tạo chính quy, tỉnh chủ trương nâng cấp trường Du lịch từ trung cấp lên cao đẳng; đồng thời, cho phép nhà trường liên kết đào tạo với các trường khác kể cả trong và nước ngoài; chủ trương thành lập “Ban phát triển nguồn nhân lực du lịch” (trực thuộc Sở Du lịch); thành lập hiệp hội các trường có đào tạo du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm nối kết thông tin, tạo sự hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau giữa các cơ sở có đào tạo. Xã hội hóa công tác đào tạo đã khắc phục nhiều khó khăn về nguồn vốn do có sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch và của cả người dân. Theo đó, người học, doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh du lịch được học cái mình cần chứ không phải học cái cơ sở đào tạo sẵn có.


Chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn của giảng viên; từng bước hoàn thiện khung chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn. Để công tác đào tạo đi vào nền nếp, có chất lượng, đối tượng được Đảng bộ tỉnh quan tâm trước hết, là đội ngũ cán bộ giảng viên phải có đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn và kỹ năng đào tạo về du lịch. Đảng bộ Tỉnh đã chỉ đạo việc ban hành một cơ chế, chính sách đặc thù đối với đội ngũ giảng viên, như chế độ lương, nhà ở, phương tiện, công cụ giảng dạy, dành thêm chỉ tiêu đào tạo ở trong nước (trong đề án đào tạo thạc sỹ, tiến sĩ của Tỉnh); hỗ trợ đào tạo đại học, liên kết đào tạo sau đại học về du lịch, v.v…

Trên thực tế, thông qua đào tạo mới, đào tạo lại và bồi dưỡng, trau dồi kinh nghiệm về lĩnh vực du lịch, kỹ năng sư phạm, đội ngũ cán bộ giảng dạy ở các cơ sở đào tạo được nâng lên, phần lớn giảng viên, cán bộ giảng dạy đều đảm bảo các tiêu chí cán bộ đề ra. Theo đó, các khung chương trình đào tạo cũng từng bước được hoàn thiện, hướng đến phục vụ người học, phục vụ yêu cầu của phát triển.

Đào tạo hướng đến thực hành và kỹ năng nghề. Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế du lịch trong tình hình mới, Đảng bộ tỉnh thường xuyên chỉ đạo các trường, xây dựng khung chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học theo hướng thực hành kỹ năng nghề có địa chỉ, như kỹ năng phát triển sản phẩm; kỹ năng tuyên truyền, quảng bá; kỹ năng xây dựng các thông điệp trong du lịch; một số kỹ năng như: ngoại ngữ, giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, sáng tạo, dịch vụ khách hàng, v.v… thay vì triển khai những chương trình đào tạo mang tính rộng lớn nhưng ít hiệu quả như trước đây. Điều đó, đặt ra yêu cầu đối với nhà trường, cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh du lịch xây dựng chương trình giảng dạy, đề tài nghiên cứu khoa học có địa chỉ ứng dụng cụ thể, gắn với thực tiễn cuộc sống, giúp cho người lao động có thể tự tin, chủ động phát huy được khả năng của mình trong môi trường hội nhập.


4.2.3. Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm thu hút du khách đến với Tỉnh

Sản phẩm du lịch được quy định tại Luật Quốc hội “là tập hợp các dịch vụ trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên du lịch để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch”. Vì vậy, sản phẩm du lịch có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế du lịch của đất nước và của mỗi địa phương. Sản phẩm du lịch đặc thù thể hiện sản phẩm có những đặc tính độc đáo, đại diện tiêu biểu về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên nhân văn cho một lãnh thổ, một quốc gia hoặc điểm đến du lịch. Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù quyết định “sự khác biệt” của sản phẩm du lịch để thu hút khách du lịch.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 162 trang tài liệu này.

Đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để đáp ứng được tất cả du khách và những du khách ưa thích các sản phẩm du lịch đặc trưng, cần phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, đồng thời, ưu tiên những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn, có khả năng thu hút nhiều khách. Ngay từ khi mới thành lập tỉnh, Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đưa ra chủ trương “phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với tài nguyên du lịch của tỉnh; từng bước, xác định nhiệm vụ trước mắt là “tập trung phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch hội nghị, hội thảo (MICE); du lịch sinh thái chất lượng cao; du lịch lịch sử, tâm linh” [52, tr.28]. Các loại hình du lịch chủ yếu này gắn với sản phẩm du lịch phù hợp, phong phú và đa dạng phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Ngoài ra, Đảng bộ Tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của tỉnh phục vụ cho sự kết hợp các loại hình du lịch như các món ăn độc đáo, các loại hải sản tươi sống, loại hình giải trí thể thao trên biển, đua chó, trò chơi cảm giác mạnh, các làng nghề truyền thống...

Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lãnh đạo phát triển kinh tế du lịch từ năm 1991 đến năm 2015 - 14

Phát huy thế mạnh và tăng cường liên kết giữa các vùng, miền, địa phương hướng tới hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng theo các vùng du lịch. Bà Rịa - Vũng Tàu cần có sự phối hợp phát triển du lịch với Thành phố


Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đồng Nai để khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch đô thị, du lịch MICE, tìm hiểu lịch sử - văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái biển, đảo.

Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch là một việc làm hết sức cần thiết đã được áp dụng trên thế giới và mang lại hiệu quả cao. Khác với những đặc điểm quan trọng của các ngành dịch vụ hoặc ngành sản xuất những sản phẩm thông dụng, nhu cầu về du lịch mang tính linh hoạt liên quan đến các mặt bằng thu nhập, giá cả và nhu cầu nhạy bén với tình hình chính trị và xã hội, mang tính mùa vụ, đòi hỏi công tác quảng bá, xúc tiến du lịch phải thường xuyên được tăng cường.

Nhận thức rõ điều đó, Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi, cung cấp thông tin đúng, đủ về các sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch, xây dựng hình ảnh, xây dựng thương hiệu cho du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu. Hình thức tuyên truyền quảng bá đã được triển khai ngày càng đa dạng, phong phú qua nhiều kênh như truyền hình, báo chí, tài liệu, hội nghị, hội thảo... cung cấp thông tin du lịch đến người dân, doanh nghiệp, thu hút khách du lịch và thu hút đầu tư phát triển du lịch. Tuy nhiên, thực tiễn công tác quảng bá xúc tiến du lịch của tỉnh còn nhiều hạn chế ảnh hưởng đến phát triển kinh tế du lịch.

Từ thực tiễn phát triển kinh tế du lịch của tỉnh, đã để lại bài học quan trọng về sự cần thiết phải tăng cường công tác lãnh đạo tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến dịch vụ du lịch. Do đó, Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo nhiều nhiệm vụ cụ thể về xúc tiến quảng bá du lịch. Xây dựng chiến lược tuyên truyền, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước với quy mô, trình độ chuyên nghiệp, có nội dung cụ thể gắn với nhu cầu, thị hiếu của từng thị trường, phù hợp với các mục tiêu đã được xác định; thay đổi phương thức thực hiện hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch từ thực hiện đại trà, không phân biệt trước đây sang tiếp cận theo thị trường và mục tiêu tập trung có tiêu điểm [56, tr.309].


Hoạt động tuyên truyền, quảng bá phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức khác nhau. Đa dạng hóa các kênh thông tin, thông qua cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch cấp tỉnh, cấp huyện, thành phố, chủ động liên kết, hợp tác với các tổ chức du lịch trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường. Nội dung về du lịch luôn mới, đòi hỏi công tác truyền thông cũng luôn được đổi mới, kết hợp nhiều hình thức theo hướng chuyên nghiệp, thiết thực và hiệu quả như: tổ chức các hội thảo chuyên đề về xúc tiến du lịch; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn… mới có thể đưa du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu vào tour, tuyến trong nước và quốc tế như mong đợi.

4.2.4. Đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch, huy động xã hội hóa, tăng cường liên kết, hợp tác trong và ngoài nước về phát triển kinh tế du lịch

Kinh tế du lịch là một bộ phận trong kinh tế của đất nước nói chung, vì vậy, trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế du lịch, Đảng bộ Tỉnh nhận thấy đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch, huy động xã hội hóa, tăng cường liên kết, hợp tác trong và ngoài nước về phát triển kinh tế du lịch là hết sức cần thiết.

Ngay từ rất sớm, Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng quy hoạch phát triển du lịch, dành riêng cho những khu vực có vị trí đẹp nhất, thuận lợi nhất để thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh. Thực hiện đầu tư bằng ngân sách Nhà nước cho việc phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng phục vụ cho phát triển loại hình du lịch hội nghị, hội thảo, vui chơi, giải trí. Đồng thời, huy động tổng lực các thành phần kinh tế đầu tư cho các khu du lịch trọng tâm của tỉnh; ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng, thuế, giá thuê đất đối với dự án đầu tư du lịch; triển khai biện pháp chuyển vốn đăng ký sang vốn thực hiện; cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính…

Nhận thức được tầm quan trọng của đầu tư phát triển du lịch, đồng thời cũng thấy rõ những khó khăn trong nền kinh tế của tỉnh, Đảng bộ tỉnh chủ trương xã hội hóa công tác đầu tư, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp và nhân dân đầu tư cho phát triển kinh tế du lịch; đồng thời, tăng


cường thu hút đầu tư nước ngoài xây dựng các dự án lớn, phức hợp tại các khu du lịch trọng tâm, nhất là 2 khu du lịch quốc gia: Long Hải - Phước Hải và Côn Đảo. Tỉnh cũng thường xuyên rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với khả năng đầu tư xây dựng cơ bản, kèm theo là xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc có sức hấp dẫn cao.

Với quan điểm phát triển, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư các loại hình du lịch cao cấp, phù hợp với xu hướng của thị trường du lịch quốc tế; phát triển du lịch gắn với bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng, nâng cao giá trị văn hóa vùng - miền, hội nhập quốc tế… Đảng bộ Tỉnh tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu, bổ sung các chính sách thu hút đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích gắn với khai thác, phát triển du lịch và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Nhiều giải pháp tích cực được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, triển khai; các biện pháp quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh được tăng cường; việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa được gắn với yêu cầu phát triển kinh tế, du lịch và dịch vụ. Trong đó, giải pháp về Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi hệ thống di tích (bao gồm di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh và đối tượng đã được kiểm kê di tích) trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bước đầu được triển khai có hiệu quả.

Kinh tế du lịch biển, đảo của tỉnh được chú trọng, tạo ra cơ hội thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần tạo ra môi trường hòa bình, ổn định chính trị trong tỉnh, trong nước và khu vực. Với lợi thế về bờ biển dài trên 300 km, có 156 km là bờ thoai thoải, nước xanh, có thể sử dụng làm bãi tắm và phát triển các loại hình du lịch, nếu có chính sách hợp lý sẽ là cơ hội để thu hút các nhà đầu tư vào loại hình du lịch biển, đảo, gắn với các sản phẩm du lịch khác, như: du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao biển, nghỉ dưỡng kết hợp với tham quan, khám phá thiên nhiên, văn hóa. Trên thực tế,


các khu du lịch, cụm du lịch, các resort, các khách sạn cao cấp của tỉnh ở ven biển, ngoài đảo đã thu hút lượng lớn du khách.

Đối với cụm du lịch Côn Đảo, theo Quyết định số 264/2005/QĐ-TTg ngày 25-10-2005 của Thủ tướng Chính phủ, xác định mục tiêu phát triển Côn Đảo trở thành “Khu kinh tế - du lịch hiện đại, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế”, đã nhanh chóng thu hút nhiều dự án đầu tư, xây dựng mang tầm cỡ quốc tế. Nhiều dự án đã triển khai và đi vào hoạt động có hiệu quả cao cả về kinh tế và xã hội. Đặc biệt, ngày 17-6-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 870/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Côn Đảo, là điều kiện thuận lợi để kinh tế du lịch Côn Đảo phát triển mạnh mẽ. UBND tỉnh đang chỉ đạo sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Kinh tế du lịch phát triển, tác động mạnh mẽ đến nhiều ngành KT - XH khác, thúc đẩy tăng trưởng GDP, nhất là nâng cao thu nhập cho người dân. Kết quả đạt được từ kinh tế du lịch đã nâng mức thu nhập bình quân của người dân lên khá cao. Đến năm 2015 đạt trên 5.230 USD/người/năm, và chỉ đứng sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đây là kết quả của sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong phát triển kinh tế nói chung và kinh tế du lịch nói riêng.

4.2.5. Phát triển kinh tế du lịch gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh

Phát triển kinh tế du lịch gắn với tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là nội dung vừa cơ bản lâu dài, vừa cấp bách. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều điều kiện phát triển du lịch, nhất là du lịch biển, đảo; đồng thời có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh đối với khu vực Đông Nam Bộ và đối với cả nước.

Trong quá trình phát triển kinh tế du lịch, Đảng bộ Tỉnh luôn nhận thức sâu sắc mối quan hệ tương tác đó. Trước hết, quốc phòng an ninh tác động đến sự


phát triển kinh tế du lịch, nhất là kinh tế du lịch biển, đảo. Nếu Quốc phòng - an ninh vững chắc sẽ tạo môi trường hòa bình, ổn định để thu hút các nhà đầu tư, khách du lịch, thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển; ngược lại, tiềm lực, khả năng quốc phòng - an ninh yếu kém, trật tự an toàn xã hội không đảm bảo sẽ gây nên các bất ổn kinh tế, chính trị, xã hội, làm giảm hoặc không có khả năng thu hút đầu tư, giảm thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Thứ hai, vai trò của phát triển kinh tế du lịch, nhất là kinh tế du lịch biển, đảo với quốc phòng - an ninh, trực tiếp góp phần tạo ra nguồn lực vật chất, kỹ thuật cho tăng cường Quốc phòng, an ninh và xây dựng khu vực phòng thủ nhân dân ngày càng vững chắc.

Kinh tế du lịch biển, đảo phát triển, góp phần tạo ra môi trường hòa bình, ổn định, cùng nhau khai thác, cùng nhau bảo vệ môi trường hòa bình và ổn định về chính trị. Phát triển kinh tế du lịch biển, đảo cũng góp phần cùng cả nước thực hiện chiến lược ngoại giao, nâng cao vị thế của Việt Nam với thế giới, đặt ra yêu cầu cao về quản lý, luật pháp, cơ sở hạ tầng, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường biển, đảo...

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, để kinh tế du lịch, kinh tế du lịch biển, đảo phát triển, chúng ta phải mở cửa đầu tư, thu hút du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng biển. Bên cạnh những du khách và nhà đầu tư có thiện chí thì các thế lực thù địch, tội phạm quốc tế, tệ nạn xã hội trà trộn, len lỏi theo con đường đầu tư, du lịch để tìm hiểu thế trận quốc phòng, khả năng phòng vệ biển, đảo nước ta phục vụ cho ý đồ, mục đích xấu, chống phá Đảng, chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân... vẫn thường xuyên xảy ra. Cùng với đó là các tệ nạn xã hội xâm nhập vào địa bàn tỉnh như các loại văn hóa phẩm độc hại, mại dâm, cướp giật, đeo bám khách ở một số khu du lịch của tỉnh làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, thậm chí là an ninh quốc phòng của tỉnh.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều di tích lịch sử cách mạng, trong đó huyện Côn Đảo có 16 hòn đảo nhỏ là di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia, cùng với các khu bảo tồn thiên nhiên dưới thềm lục địa, có bãi tắm đẹp nhất và sạch

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 24/03/2023