Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ - 10

cảm bản chất của nhân vật. Trong các truyện: Một nửa cuộc đời, Chỉ còn một ngày, Cõi mê, Hình bóng cuộc đời, Người đi tìm giấc mơ, Phù thủy, Minu xinh đẹp, Hậu thiên đường, Của cha, của Con những cành vạn niên thanh, Với tay là đến, Không thể kết thúc…của Thu Huệ đều xuất hiện kiểu không gian gia đình và thời gian sinh hoạt hàng ngày. Thậm chí, trong các truyện ngắn kể trên kiểu không gian, thời gian này có tác động rất lớn đến cuộc đời, chi phối những hành động, quyết định đến số phận của nhân vật.

Những truyện ngắn (Một nửa cuộc đời, Chỉ còn một ngày, Hình bóng cuộc đời, đều kể về những người phụ nữ chịu sự giằng xé của ngoại lực và dần xa gia đình, họ cố nhoài mình ra khỏi mối dây ràng buộc gia đình, đến khi nhận ra được mình sai lầm thì cũng đã muộn hoặc hạnh phúc xưa cũng không còn trọn vẹn). Hình bóng cuộc đời là câu chuyện nhẹ nhàng mà thấm thía. Không gian gia đình là nơi Thủy trải nghiệm tất cả con người mình, với niềm vui được chăm sóc chồng con, những sự tự ái nhỏ nhặt, những mệt mỏi với gánh nặng gia đình, những lần giận nhau, và cả niềm ân hận không nguôi khi người chồng thân yêu của chị qua đời, có nhiều lúc chị cảm nhận rõ những bộn bề trong gia đình cứ bủa vây chị: “Họ càng nói tôi càng nhớ ra rằng con đường vào nhà tôi đông đến hay thu qua đều lầy lội, nhớ rằng mai phải đi thông cống nhà vệ sinh, nhớ rằng nên nuôi vài con gà đẻ để lấy trứng cho Thúy ăn, nhớ rằng nếu thức ăn chiều nay chưa mua thì cũng chẳng biết đến là chiều tím hay chiều xanh nữa” và chính những gì tưởng như nhỏ nhặt nhất ấy đã làm chị thay đổi: “Chúng tôi có khoảng cách dần. Giá ngày ấy tôi đừng lấy anh tôi sẽ có trọn vẹn tình yêu thần thánh cho anh…Bây giờ tôi có anh từng ngày, từng giờ thành ra tôi lại chẳng có gì”. Chị mang con về nhà dì ở vì tự ái và hiếu thắng để thoát khỏi ngôi nhà bấy lâu gánh nặng gia đình đều dồn lên vai chị. Vậy mà khi xa chồng, xa ngôi nhà nhỏ ấy, đôi khi chị lại nhớ về nó như một niềm hoài vọng: “Tôi trở về chính tôi với những ước mơ nho nhỏ. Một bữa cơm nóng, món canh chua quyến rũ. Mơ ước một ngày nắng to để phơi quần áo cho thơm tho, đong được một mẻ gạo ít thóc sạn”. Những người phụ nữ trong tác phẩm của Thu Huệ cứ nhoài người ra khỏi không gian gia đình chật chội mà bấy lâu nay họ gắn bó như một phần thiên chức làm mẹ, làm vợ. Nhưng dẫu bằng bất kỳ giải pháp nào như li dị, bỏ đi xa, hay ngoại tình thì cũng đều bất ổn. Thoát khỏi vùng lo âu thường nhật với nhà cửa, miếng cơm manh áo, con cái họ, họ lại rơi vào tổn thương, cô đơn và mất mát.

Dễ nhận thấy, Nguyễn Thị Thu Huệ thường đặt nhân vật của mình trong những không gian cá nhân nhỏ hẹp. Sự xuất hiện hình ảnh những căn phòng mười bốn, mười sáu mét vuông hoặc rộng hơn là không gian của một ngôi nhà cổ với nhiều thế hệ, nhiều gia đình chung sống. Trái ngược với sự giãn nở đến chóng mặt của không gian đô thị chung, không gian cá nhân ngày càng teo tóp và bức bối. Trong không gian hẹp dễ va động và cọ xát này, trớ trêu thay con người cá nhân không tìm thấy sự an toàn và cảm giác ấm áp. Ngôi nhà đánh mất hàm nghĩa tổ ấm, chỉ đơn thuần là nơi trú ngụ của những thân xác rã rời. Với nhân vật Quang trong Chủ nhật được xem phim hoạt hình khi người yêu đã đi xa, không gian quen thuộc của anh là “Căn phòng mười bốn mét vuông, tầng xép của một khu nhà Pháp cổ”, không gian ấy là nơi để những chiều chủ nhật thừa thãi nằm nghiên cứu các chương trình tivi và luôn dừng lại ở phim hoạt hình. Với nhân vật nữ trong truyện ngắn Trong lúc ăn một bát phở Gia truyền: “góc phòng mười hai mét vuông, không cửa sổ” giữa một chung cư cũ là lựa chọn duy nhất cho ngày cuối tuần nếu không muốn ra đường và đối mặt với “bọn cướp chuyên nghiệp” có trang bị vũ khí. Đặt nhân vật của mình trong không gian nhỏ hẹp để gặm nhấm nỗi cô đơn, chán nản, qua đó độc giả nhận thấy xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống của con người đủ đầy về vật chất nhưng tinh thần họ lại cảm thấy bất an, vô vị và cảm nhận cuộc sống thật vô nghĩa.

Nhân vật chính trong truyện ngắn Thành phố đi vắng, trở về xứ sở thân yêu của mình sau ba năm xa cách nhưng tất cả đều vỡ òa trong sự thất vọng bởi cảnh vật vẫn như xưa nhưng tình người đã “đi vắng”. Cô chọn cho mình không gian là căn phòng khách sạn ngày xưa, nơi ở này cô cảm nhận rõ rệt những mất mát, đổi thay của tình đời, tình người và những mất mát khó gọi thành tên. “Ba năm qua rồi, giờ cô đứng một mình nơi cửa sổ, nhìn xuống đường. Sau lưng cô, trong phòng, không có những bức phác thảo rải kín mặt giường. Không quần áo bừa bãi vắt khắp nơi. Không có anh. Không có bia. Mùa hè nhưng lạnh. Giá vẽ mini gập nguyên dựng góc cửa. Bảng màu và những ống sơn gọn gàng im lặng chân giường”. Nhốt mình trong căn phòng nhỏ, cô gái đã cảm nhận một cách sâu sắc sự đổi thay của cuộc sống phố phường. Trong môi trường sống ấy con người dường như chỉ biết sống cho bản thân mình và bàng quan với tất cả mọi thứ xung quanh. Điều đó sẽ dẫn đến sự thiếu vắng tình người, thiếu sự cảm thông chia sẻ giữa con người với nhau trong cuộc sống. Với lối viết trung tính, tác giả đã chuyển tải thành công cái mất mát trong cái đang tồn tại, cái trống trải lặng im trong cái ồn ào giữa cuộc sống nhộn nhịp, đông đúc.

Xây dựng những không gian nhỏ hẹp, đồng thời lại cắt rời mối liên hệ giữa những không gian cá nhân ấy với không gian công cộng, Nguyễn Thị Thu Huệ kiến tạo những không gian “ốc đảo” giữa lòng đô thị, tồn tại biệt lập và tách rời mọi vang động xung quanh. Dường như đời sống phố thị vốn ồn ã, náo nhiệt không vọng đến, không mảy may tác động đến những không gian cá thể này. Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng Tân Luyến có thể được nới rộng về diện tích, được chất đầy lên bởi những tiện nghi đắt tiền, nhưng không vì thế mà nhịp sống và cảm xúc của ba con người trong đó thay đổi. Hầu như, không một bóng dáng hàng xóm hay một âm thanh nào từ nhà láng giềng vọng tới. Cái chết của Luyến, người phụ nữ duy nhất trong nhà vốn sinh ra làm ngọn lửa giữ ấm cho gia đình, cũng không mảy may làm nhịp sống và cảm xúc của bố con Tân chuyển dịch (Sống gửi thác về). Không gian duy nhất được đặt trong mối quan hệ với hàng xóm là ngôi nhà của “Cha” và “con Gái”. Hai nhà chung nhau một khoảng sân nhỏ của nhà “Cha”, “một khoảng không chung với màu xanh mát rượi của những cành vạn niên thanh” mà “Cha” đã trồng cho “con Gái”. Chỉ có điều, sự kết nối duy nhất đó với láng giềng lại phá hủy những gì đẹp nhất mà người cha nâng niu, gìn giữ. “con Gái” mười sáu tuổi trở thành miếng mồi ngon của “hàng xóm” đạo đức giả mà “Cha” không biết, không hay (Của Cha, của Con những cành vạn niên thanh)…Bằng trực cảm phụ nữ, Nguyễn Thị Thu Huệ nhận ra con người đô thị đang ngày một thờ ơ, xa lạ với không gian sống của chính mình. Người ngày một đầy lên, ken dày trên từng mét vuông đô thị thì những ngôi nhà càng hẹp lại. Cùng với không gian sống bức bối là sự bức tử khái niệm tổ ấm của những chủ nhân. Gắn kết, yêu thương, chăm chút cho không gian sống là điều xa lạ với mỗi cá nhân hiện đại. Kết cục, ngôi nhà là tổ ấm, là điểm tựa một thời chỉ còn mang nghĩa của quán trọ, một nơi tạm bợ để sống gửi ở kiếp này. Không còn điểm tựa không gian, con người đô thị trượt dần trong quá trình mài mòn mình trong chính không gian ngày càng không được ý thức ấy.Với việc xây dựng không gian cá nhân nhỏ hẹp đối lập trong lòng không gian đô thị ngày một giãn nở, ở đó hình ảnh con người cá nhân hiện nên thật nhỏ bé, co ro thu mình trong xã hội hiện đại bởi họ luôn cảm thấy bất an trước cuộc sống thực tại đầy biến động. Qua đó, chúng ta cũng thấy được sự cảm nhận tinh tế của Nguyễn Thị Thu Huệ trước những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống và nhận thấy bước phát triển mới trong phong cách nghệ thuật của nhà văn.

Với việc xây dựng không gian, thời gian đô thị, Nguyễn Thị Thu Huệ đã lột tả, bóc trần sự thật cuộc sống hiện đại với bao nhiêu điều trái ngược. Chị đã bóc trần sự

thật để cảnh tỉnh cuộc sống. Không gian, thời gian đô thị không chỉ là cách để thể hiện cuộc sống hiện đại hôm nay rất đa chiều, phức tạp và bí ẩn mà cũng là nơi nhân vật bộc lộ hết bản chất cao thượng, thấp hèn, hoàn thiện lẫn không hoàn thiện, là nơi để các mối quan hệ giữa các nhân vật được thể hiện rõ nhất, ngay cả ở những mối xung đột, mâu thuẫn.

3.3.2. Không – thời gian tâm trạng

Một đặc điểm của truyện ngắn hôm nay là các tác giả không chỉ sử dụng không gian đời thường, thời gian sự kiện làm nền diễn biến của cốt truyện mà sự phát triển của cốt truyện là do dòng chảy của ý thức nhân vật. Điều này quy định tình chất của không gian, thời gian cũng theo dòng tâm trạng, theo tâm lý nhân vật.

Biểu hiện dễ thấy nhất của kiểu thời gian tâm trạng là tương quan giữa thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật không trùng khít. Thời gian trần thuật có thể rất ngắn nhưng thời gian được trần thuật thì mở rộng theo tâm trạng, theo sự hồi tưởng, suy tư, theo quá trình tự ý thức của nhân vật. Bởi thế trong các truyện ngắn thời gian tự sự thì rất ngắn mà thời gian tâm trạng lại rất dài. Các tác giả thường chọn một thời điểm của cuộc đời con người, rồi từ đó mở ra thời gian quá khứ, hiện tại, tương lai thông qua dòng tâm tư của nhân vật. Đó là mạch phát triển thường thấy của thời gian tâm trạng. Thời điểm được chọn không cố định là khoảng độ tuổi nào của nhân vật mà thường bắt nguồn từ thời điểm có tính chất tâm lí.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.

Truyện ngắn Cát đợi là thời điểm khi người con gái gặp được tình yêu đích thực của cuộc đời; Người xưa là khi cả hai người một thời yêu nhau đều đã yên ổn trong gia đình riêng của mình tình cờ gặp lại nhau; truyện Thiếu phụ chưa chồng không theo kiểu thời gian một chiều mà chọn một thời điểm để ngược về quá khứ rồi lại tiếp đến tương lai (tương lai so với thời điểm bắt đầu kể). Vì vậy, hiện tại và tương lai trong các truyện ngắn dòng tâm trạng chỉ có tính chất tương đối mà thôi. Hậu thiên đường là truyện tiêu biểu vừa chọn được thời điểm của đời người (khi người mẹ đã có tuổi, nhận ra sai lầm của cuộc đời mình) vừa có kiểu thời gian bắt đầu từ kết quả của sự việc đã kết thúc (khi đứa con đang bước lại con đường mẹ nó đã từng đi). Thành phố đi vắng là thời điểm cô gái trở lại thành phố sau khi đi vắng ba năm.

Thời gian tâm trạng còn thể hiện ở tính chất thời gian ấy mang đậm tính cá nhân. Tùy thuộc vào hoàn cảnh, tâm trạng, tâm lý cụ thể của mỗi nhân vật mà tác giả

Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ - 10

có cách thể hiện thời gian riêng biệt. Nhịp điệu thời gian nhanh hay chậm là tùy thuộc vào dòng tâm trạng của nhân vật.

Trong truyện Chỉ còn một ngày thời gian như tính bằng từng giờ, từng phút, từng khoảnh khắc. Một ngày trôi qua như bao ngày khác nhưng hôm nay lại là ngày cuối cùng của đôi vợ chồng ấy, ngày cuối để nhớ về tất cả những vui buồn, hạnh phúc và khổ đau của cuộc sống vợ chồng, để mỗi người tự nhìn nhận lại bản thân mình. Thời gian trôi đi thật nặng nề, chậm chạp. Câu chuyện được kể theo ngôi kể thứ ba, thời gian điểm từng khoảnh khắc “Bảy giờ”, “Tám giờ”, “Chín giờ rưỡi”…nhưng có cảm tưởng thời gian đó là “thời gian của mỗi người” trong cuộc, thời gian thực sự đã nhuốm màu tâm trạng.

Rất nhiều nhân vật của Nguyễn Thị Thu Huệ cảm nhận thời gian trôi đi nhanh quá, chưa kịp tận hưởng hạnh phúc, chưa kịp có hạnh phúc, hoặc chưa kịp chuộc lại lỗi lầm thì thời gian đã vụt qua, đó là thời gian mang đặc điểm tâm trạng, gắn với cuộc đời của mỗi cá nhân:

Ôi cuộc đời con người ngắn ngủi quá!” (Còn lại một vầng trăng).

Sao thảng thốt nhận ra ngày lại sắp qua đi” (Giai nhân).

Thời gian trôi đi như chớp mắt” “cuộc đời như dòng xoáy cuốn tôi” (Người xưa).

Tương ứng với thời gian tâm trạng, không gian cá nhân cũng nhuốm màu tâm trạng:

Nguyễn Thị Thu Huệ ít khi miêu tả thiên nhiên nhưng khi tả thì có dụng ý biểu đạt tâm trạng. Truyện ngắn Người xưa kể về cuộc gặp gỡ sau mười một năm của một đôi trai gái. Thu Huệ đã chọn thời gian đêm tối và không gian mưa Sài Gòn mù mịt để diễn tả tâm trạng, suy nghĩ, tâm lý nhân vật nữ. Không gian mưa dội vào lòng chị bao ấn tượng, bao kỉ niệm, đó là không gian của hoài niệm, của những điều đẹp đẽ trong quá khứ. Mưa Sài Gòn dữ dội, triền miên như từng lớp sóng lòng của người phụ nữ đang hoài niệm. Nhưng khi chị bừng tỉnh nhận ra sự khác biệt giữa quá khứ và hiện tại, giữa ước mơ và thực tế thì cũng là lúc hết mưa. Chị cảm nhận: “Hình như đã hết mưa” và cơn sóng lòng, những đối sánh, xao động cũng qua đi, những gì đã qua chỉ là những kỉ niệm đẹp.

Nhiều truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ đã xuất hiện kiểu không gian và thời gian hồi tưởng. “Hồi tưởng không đơn giản đẩy lùi ra những phạm vi thời gian của sự trần thuật, trái lại, nó tạo ra khả năng đối chiếu giữa quá khứ và hiện tại và

có thể nhìn thấy những viễn cảnh và những chu tuyến của tương lai” [46 - 397]. Thật vậy, xây dựng thời gian và không gian hồi tưởng để thể hiện tâm trạng của nhân vật các tác phẩm thường tạo nên sự đối chiếu thời gian hiện tại với thời gian quá khứ, từ đó gợi mở đến tương lai. Sự đối chiếu này xuất hiện trong rất nhiều truyện của Nguyễn Thị Thu Huệ. Trên cơ sở đối lập về thời gian, không gian, tâm trạng nhân vật cũng giằng xé đầy mâu thuẫn, con người được khám phá ở chiều sâu nội tâm. Niềm hạnh phúc vô biên của người thiếu nữ trong tình yêu hôm qua và nỗi hối tiếc, trống trải hôm nay (Cát đợi).

Trong thời gian hồi tưởng, không gian hiện lên thường rất đẹp, thường gắn với thời tuổi trẻ của nhân vật với những say sưa, lãng mạn, ước vọng, mơ tưởng, bồng bột cả tin. Có lúc không gian tràn ngập ánh trăng của tình yêu, của lòng yêu đời, tin tưởng ở tương lai: “ánh trăng rát bạc xuống mặt đường. Trăng đung đưa qua tán lá. Trăng như tan đi trong không trung. Những con đường lung linh mờ ảo!(Còn lại một vầng trăng). Không gian thành phố bình yên, thoáng đạt, ấm áp của những con người yêu nhau: “Bình yên. Giữa muôn vàn tiếng động. Anh thì thầm “Anh yêu nơi này quá”. Cô gật, tóc bay lòa xòa, mắt lấp lánh hạnh phúc “Hai đứa mình may có một nơi chốn để yêu”. Khoát tay, vòng quanh quầng sáng phía dưới những con đường, cánh tay khua cao như muốn ôm trọn tất cả những gì xung quanh nơi họ đứng vào lòng. Vẻ mặt mãn nguyện đem cho anh cảm giác nếu ăn được “nó”cô sẽ ăn hết để giữ trọn cho riêng mình” (Thành phố đi vắng).

Trong một số tác phẩm tác giả đã miêu tả viễn cảnh tương lai và bao giờ tương lai cũng bắt nguồn từ hiện tại. Tương lai trong một số truyện ngắn với những người thiếu nữ, những người phụ nữ là chuỗi ngày tiếp tục hành trình đi tìm, săn tìm hạnh phúc. Dường như ước mơ về hạnh phúc của họ chỉ là một niềm ước vọng không bao giờ đạt tới. Như Cát đợi kết thúc bằng việc cô gái sửa sẵn bàn thờ “Một bàn thờ mới. Thờ anh”. Người đi tìm giấc mơ kết thúc bằng một giấc mơ trong rất nhiều lần Thảo đã từng mơ và sẽ mơ, tương lai của Thảo là chuỗi ngày bất hạnh của một người điên,…

Như vậy, với cách xây dựng không gian, thời gian theo dòng tâm trạng, truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ không chỉ đi sâu vào khám phá đời sống tâm lí của con người mà còn diễn tả được đời sống hiện thực vô cùng phức tạp và luôn biến động. Không gian, thời gian nghệ thuật đã thực sự là một thủ pháp trong xây dựng nhân vật.

3.4. Ngôn ngữ

3.4.1. Ngôn ngữ người kể chuyện

Ngôn ngữ người trần thuật chính là lời dẫn dắt của người kể. Đó thường là lời kể, lời tả, lời trữ tình ngoại đề…Trong tác phẩm tự sự, tác giả vừa là người dẫn dắt, vừa là người có vai trò kể chuyện. Trong truyện ngôn ngữ người kể giữ vai trò định hướng và dẫn dắt: “Trong tác phẩm tự sự, nhà văn dùng ngôn ngữ người kể chuyện để thuật lại cốt truyện, xây dựng người và cảnh, thể hiện tư tưởng, tình cảm, phát biểu ý kiến khác nhau, đánh giá, chú giải những ngôn ngữ đó, tổ chức tất cả lại thành một chỉnh thể thống nhất là tác phẩm văn học” [37-184]. Do đó, ngôn ngữ người trần thuật là con đường mà nhà văn truyền tải ý tưởng, quan điểm, nhiệt hứng về các vấn đề của đời sống. Ngôn ngữ người trần thuật gắn với những nguyên tắc trong việc lựa và sử dụng các phương tiện tạo hình và sử dụng ngôn ngữ.

Ngôn ngữ người kể truyện trong những sáng tác của Nguyễn Thị Thu Huệ một mặt thể hiện sự sắc sảo, bạo liệt nhưng mặt khác cũng rất đằm thắm, dịu dàng.

3.4.1.1. Ngôn ngữ sắc sảo, bạo liệt

Nói về truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, Hồ Phương đã có những nhận xét hết sức sâu sắc “Thu Huệ là cây bút hết sức sắc sảo” là một “con mụ phù thủy lão luyện”, luôn “đi guốc trong bụng mình. Ruột gan mình có gì hình như nó cũng biết cả”. Sự từng trải và vốn hiểu biết dày dặn của chị bộc lộ qua việc xây dựng ngôn ngữ sắc sảo, bạo liệt. Thứ ngôn ngữ này hiện diện trong phần lớn các tác phẩm của chị, mang lại những nhận xét chính xác đến “đáng sợ” (chữ dùng của Bùi Việt Thắng). Đây là thứ ngôn ngữ đã “điểm trúng huyệt” của nhân vật: “Hoài có thể uống hàng lít rượu trắng không say, hút thuốc lào không biết mệt mỏi, nhảy đầm thâu đêm và đánh đu với những người đàn ông nào chịu được cô”, “mặt Hoài như có sương phủ, mơ màng một vẻ đàng điếm đĩ thõa(Xin hãy tin em). Với những lời nhận xét như thế, nhân vật đã hiện ra với tất cả những đặc điểm của mình. Để miêu tả Hoài, một cô gái phóng túng buông thả thì có lẽ không còn lời lẽ nào có thể tối ưu hơn những dòng mà chị đã viết. Với những câu văn dung dị, đầy hàm ý mỉa mai nhưng không kém phần sắc sảo, ngôn ngữ người kể chuyện trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ mang lại những cảm xúc rất thật về sự tồn tại của con người như đang hiển hiện bằng xương, bằng thịt, bằng hành động, suy nghĩ. Hơn thế, qua ngôn ngữ người kể chuyện, ta như thấy được chất liệu hiện thực đang ùa vào trong tác phẩm hết sức tự nhiên.

Điều này khiến ngôn ngữ trong truyện của chị ngày càng bớt đi vẻ trang trọng mà tiến gần hơn với cuộc sống đời thường, chân thật trong giọng điệu, thô nhám trong từ ngữ, sắc sảo đến mức bạo liệt trong quan điểm.

Ngôn ngữ sắc sảo của nhà văn còn thể hiện ở việc miêu tả những cảm xúc, tâm trạng và chiều sâu của thế giới nội tâm nhân vật. Qua ngôn ngữ, người đọc có thể hiểu được tính cách, cảnh ngộ, số phận, tâm lý cũng như cuộc đời của những nhân vật. Đây là thứ ngôn ngữ vừa đáo để vừa bạo liệt của người kể chuyện trong Cát đợi: “Trong tình yêu, có lúc phải giành lấy cái gọi như chơi bạc ấy, được thì phất, hỏng thì thôi nhưng phải cướp cái(Cát đợi). Cũng với sự sắc sảo và độ mẫn cảm của người phụ nữ, sự táo bạo đầy dũng khí, nhà văn đã dám nói những điều mà nhiều người nghĩ những ít ai dám phát biểu thành lời: “Đa tình chẳng phải lỗi tại đàn bà. Lỗi tại đàn ông nên chị cứ đắm say ai một thời gian thì chính chị lại chạy mất. Hóa ra, cố không chịu đựng những người đàn ông không ra gì thì thành đàn bà đa tình” (Hoàng hôn màu cỏ úa).

Bức tranh thô nhám, sần sùi của đời sống hiện đại đã được lột tả qua ngôn ngữ sắc sảo của Nguyễn Thị Thu Huệ. Diễn tả những trạng thái người vô cảm, vô hồn, Thu Huệ đã sử dụng hàng loạt ngôn từ gây ám ảnh “Người ngồi cứng đơ như những bức tượng. Mỗi khi xe phanh gấp, tượng người bê tông đó nghiêng nguyên khối, sau trở về vị trí cũ. Mắt ai cũng nhìn vào một khoảng không trước mặt, đem cho người đối diện là họ đang suy nghĩ rất sâu về một vấn đề riêng, tất cả đều mang khuôn mặt ơ hờ, bình thản” (Thành phố đi vắng). Ngôn ngữ lạnh lùng, vô sắc khi nói về cái ác, cái chết “Không nhớ nhiều thế nào. Mà này, anh phải làm gì, hay nói thế nào,em mới chịu tin, là anh giết cô gái trôi ngoài biển ấy nhỉ” (X-Men có mùi trường đua); “Sau chuyến ăn tươi không thành rồi Luyến phát hiện da vàng toàn thân đến khi chết, chưa tới trăm ngày. Cứ từ từ mà đời mình tuột khỏi tay” “Ánh mắt dại dần. Rồi hết dại…Nhắm lại” “Luyến chết” (Sống gửi thác về); “Tối qua…có con bé giận mẹ, cầm dao trong túi quần đi tự tử…Nó điên lên, rút ngay dao đâm bị thương mấy người rồi nhảy xuống lao đầu vào ô tô tải (Thành phố đi vắng). Không còn nữa những yếu đuối câu văn từ tâm hồn thương tổn giới nữ, chẳng còn mơ màng trên cao những tiếng yêu đương ngắn ngủi tình nhân, ngôn ngữ của Thu Huệ sắc lạnh, gai góc đã xuyên qua vỏ bọc của hiện tượng diễn tả đến tận cùng của chất “con” trong người. Nhờ cách sử dụng ngôn từ giàu sức công phá mà những sự giả dối, bịp bợm, thói xu nịnh, sự băng

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/01/2024