Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ - 12

tác dụng truyền cảm cho người đọc (…). Giọng điệu là một phạm trù thẩm mỹ của tác phẩm văn học” [37 - 112].

Bất kì một thể loại văn học nào, giọng điệu cũng luôn là đặc điểm tạo nên dấu ấn đặc trưng của mỗi người, mỗi thời. Với thể loại truyện ngắn, giọng điệu càng trở nên quan trọng, bởi chỉ trong một lát cắt của cuộc sống, nhà văn không chỉ biểu hiện được các vấn đề nhân sinh mà còn phải cho thấy được sự hiện diện của những quan niệm cá nhân trước cuộc đời.

Khảo sát truyện ngắn sau năm 1975 có thể nhận ra khá rõ sự cách tân trong việc sử dụng giọng điệu để đáp ứng nhu cầu phản ánh xã hội. Giọng điệu sử thi, giàu tính chiến đấu một thời trên văn đàn đã nhường chỗ cho sự phức điệu. Nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng khi nghiên cứu về vấn đề giọng điệu trong tác phẩm của Nguyễn Thị Thu Huệ đã từng nhận xét: “Nguyễn Thị Thu Huệ là một cây bút linh hoạt trong giọng điệu – lúc bạo liệt, lúc thật thà, lúc thâm trầm triết lý, lúc đỏng đảnh, lại có lúc dịu dàng đến bất ngờ” [42]. Giọng điệu trong truyện ngắn của Thu Huệ linh hoạt, sắc sảo như chính con người chị ngoài đời. Luận văn của chúng tôi sẽ trình bày những giọng điệu cơ bản trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ nhằm khắc sâu mối quan hệ của giọng điệu trong việc thể hiện nhân vật, cũng như tạo nên dấu ấn phong cách tác giả.

3.5.1. Giọng khinh bạc xót xa

Với con mắt tinh nhạy, sắc sảo, Nguyễn Thị Thu Huệ thường nhanh chóng phát hiện ra những mảng tối, những bất ổn của đời sống con người trong xã hội hiện đại. Khi đề cập đến những mặt trái, những thói tật xấu xa của con người, nhà văn thường vạch trần chúng bằng giọng văn đầy khinh bạc.

Giọng khinh bạc được miêu tả rõ rệt khi nhà văn dùng để lột tả những thói tật của thế giới đàn ông. Cũng gần với quan niệm của Võ Thị Hảo khi nhà văn này cho rằng: “Đàn ông là cái gì đó bậm bịch, khen khét và thô bỉ” (Làn môi đồng trinh), Nguyễn Thị Thu Huệ thường tỏ ra mất niềm tin vào phái mạnh. Nhà văn tỏ ra sắc sảo đến “ranh ma” khi phác họa chân dung những đấng mày râu. Những người đàn ông được nhìn dưới con mắt của người phụ nữ là: “Rất biết kết hợp những nhu cầu mà họ chẳng mất gì.”,“Cay độc và đanh đá như một bà mẹ lắm điều.”,“Đàn ông bây giờ không yêu vô tư nữa.”,“Ông ta cái người mà lôi em ra khỏi anh, vần em như vần quả thị. Đến lúc em nũng ra, hắn vứt toẹt ra đường.”(Người đàn bà ám khói). Trong

Hoàng hôn màu cỏ úa “đàn ông tuy cần thật nhưng tốt nhất là không nên có.”. Thậm chí, nhân vật của Thu Huệ còn đưa ra lời đúc kết: “Đàn ông rặt một bọn đểu cả.”(Hậu thiên đường). Với ngôn từ chao chát, chỏng lỏn, giọng điệu khinh bạc, coi thường, những thói tật của con người nói chung và đàn ông nói riêng đã bị vạch trần một cách thẳng thắn trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ.

Giọng khinh bạc trong truyện của Thu Huệ không tách rời những cảm xúc xót xa. Nếu nhà văn khinh bạc, coi thường bao nhiêu đối với những kẻ tàn nhẫn, xấu xa thì ngược lại chị lại càng tỏ ra xót xa đối với những mảnh đời bất hạnh, đặc biệt là người phụ nữ. Giọng điệu xót xa không chỉ thể hiện qua cái nhìn của nhân vật, mà còn được biểu lộ ở giọng kể của người kể chuyện và cách kể của tác giả. Khi nỗi đau khổ càng lớn, sự cô đơn càng cao thì giọng điệu xót xa càng được đẩy lên đến đỉnh điểm. Giọng điệu ấy nổi bật trong những truyện: Người đàn bà ám khói, Thành phố không mùa đông, Xin hãy tin em, Tình yêu ơi, ở đâu?, X-Men có mùi trường đua, Rồi cũng tới nơi thôi...Từ cảm nhận mang đậm sắc thái nữ, nhân vật trong truyện ngắn Thu Huệ mà chủ yếu là nhân vật nữ thường mang nỗi niềm chua xót trước thực tế mà họ đã trải qua. Thành phố không mùa đông mang giọng điệu ấy: “Em có đòi hỏi gì đâu. Nhưng không thể không nghĩ, lại càng không thể buồn. Em trắng tay rồi”. Đây là nỗi niềm chua xót, đau khổ của cô gái khi nhận được thư mẹ với “cái bản án khủng khiếp” là bố mẹ đã chia tay nhau. Hụt hẫng, trống vắng và như mất tất cả cứ dâng đầy trong lòng cô. Với tâm sự của người đàn bà lỡ bước: “Em nhầm đường. Lúc đấy em cứ nghĩ rằng cuộc đời dài lắm và luôn tin rằng rút kinh nghiệm mọi sự dễ không. Nhưng rồi mọi thứ trôi đánh vèo. Em già lúc nào không biết.”(Người đàn bà ám khói), của một cô cave khi nói về “nghề” của mình: “Khóc than hay tạo dựng bất cứ một lý lịch ái ố mĩ miều nào, giá cũng chẳng tăng. Tiền thưởng thêm ngoài giá thỏa thuận, phụ thuộc vào đạo đức và thời tiết của khách, của ngày hôm đó, không liên quan đến lý lịch cá nhân của gái làng chơi dài hay ngắn”. Với sự đồng cảm, thấu hiểu, Nguyễn Thị Thu Huệ bộc lộ nỗi niềm chua xót, cảm thương trước những số phận éo le khôn cùng của cuộc đời.

Đọc truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, người đọc không chỉ cảm thấy buồn thương, xót xa cho những con người chịu nhiều đau khổ như: Nàng (Tình yêu ơi, ở đâu?), Lụa (Bảy ngày trong đời), Tôi (Mùa đông ấm áp)… là những con người đáng được hưởng hạnh phúc, họ sống nhiệt tình mà bất hạnh đến nỗi họ phải thốt lên:

Tôi không còn nước mắt để mà khóc” hay “Chẳng có gì ngoài sự hư vô…” còn là nỗi đau khi những con người sống với nhau đang mất dần sợi dây liên kết (Thành phố đi vắng), là lối sống ơ hờ, nhạt nhẽo, không mục đích của nhân vật “tôi”, “Bố cục chặt” (Rồi cũng tới nơi thôi), của “Hân” trong (Chúng ta cần suy nghĩ về chuyện này). Giọng xót xa trong văn Nguyễn Thị Thu Huệ khiến ta liên tưởng đến những trang văn dạt dào cảm xúc mà Nguyễn Ngọc Tư dành cho nhân vật của mình. Nhà văn của Nam Bộ thường dùng giọng đau đáu xót thương cho những mảnh đời heo hút, bấp bênh trong công cuộc mưu sinh nhọc nhằn chốn sông nước. Những trang văn Nguyễn Ngọc Tư dường như luôn thường trực một nỗi buồn bàng bạc ám ảnh đến da diết. Trang văn Nguyễn Thị Thu Huệ cũng biểu hiện nỗi xót xa trước nỗi bất hạnh, nỗi đau của con người. Song đó là những cung bậc xen lẫn với những trạng thái tâm trạng không cam chịu, không yếm thế, dù thực tế khắc nghiệt nhưng vẫn không thể đốt cháy nhiệt huyết sống và niềm tin của họ (Cát đợi, Biển ấm, Nào ta cùng lãng quên,).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.

Những con người trong truyện của Nguyễn Thị Thu Huệ thường có những nỗi niềm riêng, những tâm sự riêng chất chứa trong lòng. Bởi vậy, chị không chỉ thấu hiểu, đồng cảm với nhân vật, mà qua giọng điệu trần thuật, chị còn mong tìm sự cảm thông từ phía người đọc đối với những số phận con người.

Trên các trang truyện của mình, Nguyễn Thị Thu Huệ đã tỏ ra là một cây bút linh hoạt trong giọng điệu kể chuyện, khi thì chao chát, táo tợn, lúc lại thật thà, thâm trầm triết lí. Có thể thấy một giọng điệu kể dường như không đồng nhất, không đơn giản thậm chí đối chọi nhau trong những trang viết. Có được điều đó là do vốn sống, sự quan sát phong phú, tinh tế lại được bồi đắp bằng mẫn cảm của phụ nữ - nhạy cảm, thiết tha trước cuộc sống.

Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ - 12

3.5.2. Giọng mỉa mai, châm biếm

Giọng điệu mỉa mai, châm biếm đã đem đến cho truyện ngắn của Thu Huệ một âm hưởng riêng trong các truyện ngắn phê phán. Giọng điệu đó đã xóa bỏ khoảng cách sử thi và thể hiện cái nhìn hiện thực trong tính dân chủ của người viết.

Giọng điệu mỉa mai, châm biếm được Nguyễn Thị Thu Huệ sử dụng để phơi bày những thói tật còn tiềm ẩn sâu xa trong mỗi con người. Đó là sự giả dối của những kẻ khóc thuê và thuê khóc trong đám tang: “Cứ mỗi đoàn vào viếng thì tiếng khóc lại rồ lên. Đau đớn thảm thiết như thể cái kẻ đang nằm im như thóc, teo tóp trong quan tài mới toe kia là một vĩ nhân đang độ sung sức mới lìa đời, để lại cho

nhân gian những công trình thế kỉ? Chẳng lẽ trong đám ma tôi lại phỉ nhổ.” (Người đàn bà ám khói). Là lòng tham, sự hiếu kì của con người trong Một chuyến đi: “Việc cậu tôi trúng độc đắc lan nhanh khắp hang cùng ngõ hẻm, nhanh hơn tin bão giật cấp mười ba” (Một chuyến đi), Là sự thương mại hóa trong các cuộc thi hoa hậu: “ Kính thưa ban giám khảo. Kính thưa các nhà tài trợ quý hiếm –dừng cười - Ấy chết em nhầm, các nhà tài trợ quý giá, vì nhờ có tài trợ thì chúng em mới có mặt ở đây hôm nay” (X-Men có mùi trường đua). Ở những câu chuyện được kể lại bằng cái giọng “tưng tửng”, giễu nhại, lộ rõ những nỗi niềm của con người thời đại khát khao yêu thương, cô đơn, trống rỗng, tổn thương, mất mát, hy vọng và thất vọng, đắng cay và ngọt bùi. Những chuyện ấy, nỗi niềm ấy ngổn ngang quanh ta nhưng khi đi vào truyện của Thu Huệ lại rõ đường nét, ám ảnh và mang cái nghĩa lý của cuộc đời.

Giọng điệu kể chuyện của Nguyễn Thị Thu Huệ đôi khi tỏ ra rất “táo tợn”, nhiều khi gây cảm giác ít tính nữ. Chỉ có Thu Huệ mới có thể kể một cách tự nhiên đến vậy: “đàn ông phải có hai bộ mặt, vừa tử tế, vừa đểu giả, thế mới quyến rũ”, hay “rồi hắn lại ngốn ngấu hôn lên môi con gái như nhai cái bánh” (Hậu thiên đường), “khi Bố cục chặt vừa khóc khùng khục vừa miết mặt lên vùng bụng dưới gồ gồ mỡ chắc và mát của tôi, nói là nhờ làm tình nhiều với đàn bà đâm thành người sâu sắc hóm hỉnh” (Rồi cũng tới nơi thôi). Với giọng kể này có thể làm “gia vị” cho câu chuyện nhưng nếu nhiều quá, rất có thể người đọc sẽ nhàm chán và gây cảm giác khó chịu. Nhưng là một người phụ nữ mang trong mình chất dịu dàng, đằm thắm, Nguyễn Thị Thu Huệ có lúc trở lại với giọng điệu nhẹ nhàng, đằm thắm, tươi vui đến bất ngờ. Bằng giọng điệu trữ tình, tác giả đã để mặc ngòi bút tái hiện một thực trạng tiềm thức: “tôi bỗng thấy mình bé tẹo, lơ lửng giữa một khoảng không thăm thẳm cao và mịt mù sóng” (Mùa đông ấm áp), hay trong Thành phố đi vắng là sự thân thiện, vui vẻ giữa những con người cùng sống trong một cộng đồng xã hội “Cảm giác của việc chạy xe thật nhanh, rồi dừng đánh phịch đột ngột làm mọi người dúi dụi, bất ngờ hít sâu mùi của người bên cạnh. Va đập, hít ngửu nhau xong, cô và anh luôn phá lên cười. Khách trên xe cũng cười”. Qua đó, có thể thấy sự cân bằng giữa các giọng điệu đối nghịch trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ chính là sự thành công của nhà văn trong cách kể chuyện.

Với giọng điệu mỉa mai, chấm biếm, Nguyễn Thị Thu Huệ không chỉ mô tả dòng đời ngổn ngang, bề bộn mà còn đi sâu phát hiện, phản ánh nhiều điều bất cập,

bất ổn, bất an trong cuộc sống hiện đại hôm nay. Hơn nữa, nhờ chất giọng này, nhà văn đã thể hiện được cái nhìn trực diện, thẳng thắn đối với những nghịch lý trớ trêu của hiện thực, những thói tật tầm thường của con người như: ích kỉ, tính toán, cơ hội, giả dối, tham lam mà không gây cảm giác căng thẳng ở nơi người đọc. Với thái độ không khoan nhượng những nghịch lý trớ trêu của cuộc đời, con người, các trang viết của Thu Huệ góp phần thể hiện bức tranh hiện thực với một quan niệm đa chiều về đời sống.

3.5.3. Giọng phân tích, chiêm nghiệm, triết lý

Đây là giọng điệu thường thấy trong các truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ. Trải qua những bước chuyển, những biến cố trong cuộc đời, các nhân vật của chị thường rất nhạy cảm, biết suy xét và nhận ra sự thực đời mình. Nỗi đau quá khứ và sự trống rỗng hiện tại là điều luôn giằng xé các nhân vật. Tự ý thức chính là nhu cầu của chính bản thân nhân vật, vì vậy họ thường chiêm nghiệm, phân tích, lý giải.

Cô gái (Đêm dịu dàng) trong giây phút đau đớn bẽ bàng chợt nhận ra sự bỉ ổi của người yêu, người cô vẫn tôn thờ thì anh ta lại mượn tay thủ trưởng làm trò đểu giả để có cớ bỏ cô. Cô đau đớn thất vọng, nhận ra: “Cái gì tôi cũng trải qua. Hạnh phúc. Đau khổ. Cô đơn. Hờn giận. Có tất. Mỗi chết là chưa biết thôi…Hóa ra, là như vậy. Tôi cứ tưởng cái gì tôi cũng biết. Nhưng có một điều tôi không hề biết là người ta có nhiều kiểu thay lòng đổi dạ, nhiều kiểu bỏ người tình, ngon lành lắm”.

Sự phân tích chiêm nghiệm trong truyện ngắn của chị thường vượt ra khỏi phạm vi cá nhân để vươn tới sự khái quát có ý nghĩa với số đông: con người, đàn ông, đàn bà, con gái, người ta,…Đây là sự chiêm nghiệm về bản chất con người: “Hóa ra. Con người. Từ lúc sinh ra đến lúc chết đi ai cũng đi chung một con đường. Vừa giống, lại vừa khác. Người may mắn thì ít vào ổ gà. Người đen đủi thì hay rơi xuống hố. Nhưng sự bắt đầu và kết thúc thì giống nhau cả” (Biển ấm), “Sao con người phức tạp thế. Bão tố và bình yên. Nó là cái gì nhỉ? Bão tố của người này là bình yên của kẻ khác.” (Dĩ vãng), “Đời người ngắn ngủi lắm.” (Cầu thang), “Đời người. Hình như ai cũng có một cái thú riêng. Thú kiếm tiền. Thú tiêu tiền. Thú ăn ngon. Thú mặc đẹp. Thú nói xấu sau lưng người khác. Thú chọc gậy bánh xe.” (Giai nhân)…Những điều chiêm nghiệm trong truyện của Nguyễn Thị Thu Huệ là cõi nhân sinh thật thấm thía. Qua sự đúc kết từ gan ruột của mình, chúng ta nhận thấy con người theo chị không phải là những thánh nhân, họ không gánh vác trên vai những trọng trách dời non lấp bể. Họ không phải là

những anh hùng, danh nhân hay nhà khoa học mà họ là những con người trong đời thường với tất cả mặt xấu – tốt, thiên thần và ác quỷ. Họ có những khao khát rất “đời”, họ có những suy nghĩ, ước mơ lý tưởng sống cao cả nhưng họ cũng mang trong mình sự ích kỉ, thô lỗ cục cằn, thậm chí tàn bạo và cũng không loại trừ cả những xấu xa, lừa gạt, tráo trở…Nhìn nhận con người trong tính “phức tạp” như thế, chị đã thực sự “áp sát” vào cuộc sống để thấy được bản chất của con người để “bắt mạch” và chỉ ra những điểm còn khuyết thiếu giúp con người hoàn thiện hơn.

Sự trải nghiệm, phân tích giúp nhân vật của Thu Huệ giật mình vỡ lẽ ra, ngộ ra những điều mang tính khái quát. Những điều khái quát hoặc chân lý ấy thường được kết luận bằng những từ ngữ có ý nghĩa thức tỉnh như: “hóa ra”, “thường thì”, “thế mới biết”, “bây giờ thì tôi hiểu”, “bây giờ thì tôi biết”… “Hóa ra. Những người cứ bị người tình bỏ là làm được thơ. Các nhà thơ, toàn thất tình cả.” (Dĩ vãng), “Thường thì người ta không ý thức những chuyện, chi tiết đầu tiên của một sự việc kéo dài suốt cuộc đời” “càng ngày càng rõ nét theo thời gian” (Với tay là đến)…Sự chiêm nghiệm đôi khi trở thành những triết lý, dù tính chân lý của nó có được kiểm chứng hay không nhưng rõ ràng nó rút ra từ ruột gan của nhân vật: “Ăn cũng là một hạnh phúc. Ngủ cũng là một hạnh phúc. Yêu cũng là một hạnh phúc” (Người đàn bà ám khói), “…đừng giữ gì chặt quá. Đừng yêu thương ai hay đồ vật gì quá. Rồi cũng tuột ra khỏi tay thôi”(Không thể kết thúc). Những đúc kết, chiêm nghiệm Thu Huệ viết mà như lời nhắn nhủ từ những trải nghiệm sâu cay của nhiều cuộc đời chị chứng kiến.

Cuộc sống vận động không ngừng về phía trước nhưng không có nghĩa là nó tẩy chay mọi kinh nghiệm của quá khứ. Những kinh nghiệm này đã được Nguyễn Thị Thu Huệ đúc kết thật sâu sắc dưới những triết lý dân gian. Đó là thuyết nhân quả ở đời “mọi thứ đều có giá của nó”; “trồng cây gì ăn quả nấy”; “gieo gì gặt nấy” ; “của đi thay người” trong Thiếu phụ chưa chồng, Hậu thiên đường, Phù thủy, Xin hãy tin em, Chúng ta cần suy nghĩ về chuyện này,…Sự chiêm nghiệm và triết lý trong tác phẩm của Thu Huệ thướng hướng vào tìm hiểu con người, thời cuộc, thế gian…Nó trả lời cho những câu hỏi “Con người là gì?”; “Cuộc sống là gì?”; “Đàn ông như thế nào?”; “Đàn bà ra sao?”…

Từ triết lý về con người, tình yêu, cuộc sống…Nguyễn Thị Thu Huệ đã cho thấy sự cởi mở trong suy nghĩ, tư duy, sự sắc sảo trong cách tiếp cận và lý giải vấn đề. Sự chiêm nghiệm, triết lý của Thu Huệ được khúc xạ qua những hình tượng nghệ

thuật sống động nên có khả năng tạo dư ba và kích thích sự khám phá và trải nghiệm từ bạn đọc.

Có thế nhận thấy, giọng điệu phân tích, chiêm nghiệm không phải là hướng đi riêng của Nguyễn Thị Thu Huệ mà là giọng chủ lực của truyện ngắn hiện nay. Nhưng có lẽ, ít có nhà văn nào tạo được những phương thức chuyển tải giọng điệu đa dạng và sử dụng linh hoạt như chị. Qua giọng điệu, ta thấy được quan niệm của chị về con người và những căn nguyên sâu xa dẫn đến nỗi khổ, bất hạnh của con người, những vấn đề nhức nhối của cuộc sống đương đại. Bởi vậy, đọc truyện ngắn của chị, người đọc như được tham dự vào đời sống của nhân vật thông qua giọng kể thiên về xu hướng biểu đạt thế giới tâm hồn con người bằng những suy tư và quá trình tự nghiệm.

KẾT LUẬN


1. Nguyễn Thị Thu Huệ gia nhập làng văn và gây được tiếng vang ngay từ tác phẩm đầu tiên Hậu thiên đường với một dấu ấn riêng. Trong dòng chảy chung của văn học đương đại ta có thể dễ dàng nhận ra một Thu Huệ sắc sảo, bạo liệt mà vẫn dịu dàng, đằm thắm bên cạnh một Y Ban dịu dàng mà riết róng, trào lộng mà suy tư, Phan Thị Vàng Anh dí dỏm thâm trầm, Lý Lan sắc sảo, Đỗ Bích Thúy mềm mại, quyết liệt. Mỗi tập truyện của chị ra đời đều thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc và giới phê bình. Với những thành công nhất định trên văn đàn chị vẫn tiếp tục viết, tiếp tục con đường văn chương, bởi chị “không bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ viết vì bất cứ điều gì mà ngược lại, càng ngày, tôi càng sốt ruột với việc mình chưa dành cho việc sáng tác nhiều thời gian, không gian riêng hơn” [52]. Với suy nghĩ nhiệt huyết như vậy, chúng ta tin tưởng rằng Nguyễn Thị Thu Huệ sẽ đi xa hơn và có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự phát triển của văn học nước nhà.

2. Trên dòng mạch chung của truyện ngắn sau 1975, truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ đã “áp sát” hiện thực cuộc sống, một hiện thực nhiều chiều “như nó vốn có”. Chị đã đi sâu vào thế giới tâm hồn con người, nắm bắt những chuyển biến tinh tế qua những “khoảnh khắc” nên tạo ấn tượng ở cả bề rộng lẫn bề sâu. Chị khám phá con người ở góc nhìn đời tư trong những không gian hẹp với những quan hệ rất đời thường, đi sâu vào những cảnh đời bức bối, ngột ngạt và đau đáu cùng nhân vật trong hành trình đi tìm bình yên, hạnh phúc.

Nguyễn Thị Thu Huệ không lẩn tránh những vấn đề gai góc khi phải mổ xẻ phân tích tâm lý con người cùng thời với mình, những thân phận cuộc đời với bao tâm trạng buồn vui, yêu ghét, giận hờn. Phát hiện và miêu tả đời sống đương đại, Thu Huệ đã chỉ ra một khúc quanh ghê gớm đã xuất hiện, nó đang xô đẩy bằng một sức mạnh ma mị đối với con người – vốn là một cá thể sinh động và riêng biệt – nay có nguy cơ rơi vào cách sống xa lạ của đám đông, nhiễm tâm lý đám đông, dồn tụ cả một khối lớn những người là người nhưng lại vô cảm ngay chính với đồng loại. Nguyễn Thị Thu Huệ đã phát hiện ra những điều đó mà thúc hồi chuông “báo động” với tất cả mọi người chúng ta. Đó là một lời cảnh báo thiết thực, cần thiết đối với đời sống của những con người đương thời. Cái góc nhìn và phát hiện đời sống đương đại

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/01/2024