hoại đạo đức, những cục cằn thô lỗ, sự nhẫn tâm, vô cảm, lạnh lùng của con người hiện đại đã được đưa ra nhìn nhận một cách thẳng thắn. Tất cả mọi việc diễn ra dường như không có cách nào che mắt được nhà văn. Bằng sự tinh nhạy, nhà văn đã “tóm” lấy và mô tả đời sống thô nhám bằng những ngôn từ đắt giá. Những ngôn ngữ đó đều có khả năng phát ra những năng lượng thẩm mỹ. Nó chứa đựng trong mình những thanh âm khốc liệt, cay đắng, xô bồ của đời sống hiện đại.
3.4.1.2. Ngôn ngữ đằm thắm dịu dàng
Ngôn ngữ trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ không chỉ đi sâu khám phá, phân tích những hiện thực trần trụi của cuộc đời mà còn có xu hướng đi tìm vẻ đẹp của thiên nhiên, con người qua những cảm nhận vừa trữ tình vừa sâu lắng. Nguyễn Thị Thu Huệ đã lựa chọn những ngôn từ thật đằm thắm dịu dàng, giàu chất thơ để hướng vào thế giới nội tâm con người hoặc miêu tả những bức tranh thiên nhiên trữ tình thơ mộng. Nếu so sánh trong bối cảnh chung của văn học đương đại, ta thấy chị gần gũi với Phan Thị Vàng Anh trong sự sắc sảo, nhạy bén, bạo liệt. Nhưng nếu ngôn ngữ của Phan Thị Vàng Anh sắc sảo như “dao cứa” chạm vào vấn đề của đời sống một cách trực diện bằng một cái nhìn tự tin nhiều khi đến mức tự kiêu tạo cảm giác căng thẳng nơi người đọc thì ngôn ngữ truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ cũng bạo liệt không kém nhưng chị biết chọn điểm dừng. Bên cạnh đó, Thu Huệ thường giảm bớt độ căng thẳng bằng những đoạn trữ tình ngoại đề, những đoạn miêu tả thiên nhiên bằng ngôn ngữ trữ tình, sâu lắng. Dưới ngòi bút đầy nữ tính của chị, tâm hồn con người như một cung đàn kì diệu sẵn sàng rung lên những thanh âm vừa mơ hồ, vừa lắng đọng trước những biến thái của cuộc đời. Những cung bậc ấy được nảy lên trong tâm hồn nhân vật ở nhiều tác phẩm: Biển ấm, Thành phố không mùa đông, Dĩ vãng, X-Men có mùi trường đua, Rồi cũng tới nơi thôi…Trong Dĩ vãng, tâm hồn của nhân vật Linh đã có lúc rung lên xúc động trước cảnh đẹp khu vườn của ông Xung, thủ trưởng cũ: “Bốn góc vườn là bốn cái cột điện. Ánh sáng vàng vàng tỏa tràn lan trên các lối đi, vườn hoa, tán lá. Đúng là thần tiên. Tôi bỗng run lên vì xúc động”. Những rung động đầu đời của một cô gái trước một chàng trai được nhà văn tái hiện thật chính xác: “Mối tình đầu tiên. Thoáng va chạm, run rẩy đầu tiên. Tất cả tôi gửi gắm nơi anh”; “Người con gái đến tuổi dậy thì có những đụng chạm đầu tiên với một người đàn ông thường bị xúc động ghê gớm” (Biển ấm). Tình yêu của cô cave với X-Men, người đàn ông mê đua chó được diễn tả thật dặc biệt “Hạ một chân
xuống nền sỏi ấm nắng, chỉ còn hai bước nữa là đến cửa. Nếu đẩy cánh cửa kia ra, chắc chắn nàng sẽ đến, rúc vào một bên hông của X-Men mà hít mùi cả phê cháy. Đấy cũng là điều chưa bao giờ có ở nàng.”(X-Men có mùi trường đua). Hay nỗi nhớ quằn quại, da diết của cô gái với người tình mỗi khi trời trở lạnh đã được Nguyễn Thị Thu Huệ diễn tả rất sắc nét: “Từ lúc biết tin nhiệt độ có thể xuống đến 0 trong những ngày tới, người tôi nóng bừng như sốt, chân cuồng lên vì những con gì đó lân tân li ti chạy trong mạch máu” (Rồi cũng tới nơi thôi).
Những từ ngữ dịu dàng lắng sâu chỉ cảm giác con người thường được Nguyễn Thị Thu Huệ đúc kết như: thoáng thấy, thoáng nghe, thoáng nhìn, thoáng nghĩ, bỗng nhiên, bỗng dưng, bất chợt, lần đầu, ý thức…Chẳng hạn: “Tôi có cảm giác như mình bỗng tan thành nước” (Hậu thiên đường), “Chị thảng thốt như tưởng gió đùa ngoài cửa…Tim chị đập rộn ràng một cảm giác xa xưa, ngày anh còn sống” (Lời thì thầm của mùa xuân), “ Cơn tủi thân, sự cô độc giữa chốn đông người và ý thức những điều mất mát, tốt đẹp đã tuột mất trong đời làm cô không đứng dậy nổi” (Thành phố đi vắng)…Dưới những từ ngữ dịu dàng, lắng sâu, những diễn biến tinh vi và phức tạp trong tâm hồn con người được biểu hiện ra thật tinh tế, sâu sắc.
Những từ ngữ mượt mà, sâu lắng cũng được Nguyễn Thị Thu Huệ dành để miêu tả thiên nhiên, cuộc sống. Thiên nhiên vốn đa sắc màu dưới ngòi bút của chị bỗng trở nên tha thiết, mến thương, gần gũi đến lạ lùng: “Nắng cuối thu ong vàng. Những cây điệp bông vàng dài rũ xuống như những sợi dây vàng ròng ngả nghiêng trong gió. Mặt hồ xanh. Mênh mông sâu hiền hòa. Phía xa, bên kia hồ là những dãy núi, mây trắng viền xung quanh” (Mùa thu vàng rực rỡ). Không chỉ yên tĩnh mà thiên nhiên như khoác một sắc màu lung linh huyền diệu: “Trăng lên cao và vàng rực góc trời. Ánh sáng vàng chảy như lụa từ trên trời cao mênh mông gió trải xuống mặt hồ” (Mùa thu vàng rực rỡ). Không chỉ mặt hồ đẹp bình yên mà khung cảnh biển êm đềm thơ mộng cũng được Nguyễn Thị Thu Huệ miêu tả bằng những từ ngữ tinh tế: “Thành phố Tuy Hòa nhỏ nhắn, êm đềm quanh năm vỗ sóng. Thắng thuê phòng nghỉ sát bên bờ biển, dưới tán xanh mát rượu của một rừng dừa và phi lao. Làng xóm yên bình. Con người hiền hậu” (Một nửa cuộc đời). Vẻ đẹp của Đồng Đăng về đêm trong cảm nhận của cô gái những ngày cuối năm cũng hiện lên thật lãng mạn trong truyện của chị: Toàn cảnh Đồng Đăng về đêm trong sương gió đầu mùa như một bức tranh hoàn hảo. Ấm nồng rượu hương gió núi loanh quanh” (Rồi cũng tới nơi thôi). Những
thanh âm rộn ràng, tươi mát của cuộc sống, con người trong xã hội hiện đại được Thu Huệ diễn tả chân thực và gần gũi “Dưới đường, loang loang ánh đèn, tiếng còi xe, tiếng nhạc đủ thể loại hắt ngược lên. Tiếng ca cải lương não nề từ chiếc xe bán băng đĩa dạo. Tiếng trống đập rầm rầm loại nhạc hiphop đang thịnh hành của lũ trẻ phát ra từ hàng thời trang TTT, hay tiếng hủ tiếu gõ, tiếng rầm rập nẹt pô xe phân khối lớn gây cảm giác xe đi xa mà khói vẫn quẩn quanh. Thỉnh thoảng, léo lắt tiếng ca buồn ngang ngang ma quái Khánh Ly hát nhạc Trịnh” (Thành phố đi vắng).
Có thể nói, nhịp sống đô thị bon chen, ồn ã hôm nay đã nhanh chóng “giết chết” phần duy cảm, cảm xúc của không ít người. Vòng xoáy tất bật, những vất vả nhọc nhằn trong công cuộc mưu sinh, những toan tính không ngớt để bám trụ chốn đô thành đã khiến con người trở nên chai lì cảm xúc. Không ít người thờ ơ trước nỗi đau của đồng loại, thậm chí dẫm đạp lên đồng loại để mưu lợi cho riêng mình. Hình như ở họ, phần tình cảm ngày càng ngậm ngùi lùi bước trước lý trí lạnh lùng, toan tính sắc lạnh. Trước sự thiếu hụt về tình người ấy, chất thơ trong truyện ngắn như một dòng nước trong mát kéo họ bừng tỉnh trở về với những giá trị vĩnh hằng vô tận. Nó trở thành điểm tựa giúp con người lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống xô bồ bụi bặm hôm nay.
3.4.2. Ngôn ngữ nhân vật
Ngôn ngữ là công cụ, là chất liệu của văn học. M.Gorki khẳng định: “Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học”. Trong các tác phẩm thuộc các loại hình tự sự, bên cạnh ngôn ngữ người trần thuật, ngôn ngữ nhân vật được nhắc đến như một trong các phương tiện quan trọng để nhà văn sử dụng nhằm thể hiện cuộc sống và cá tính nhân vật.
Có thể bạn quan tâm!
- Con Người Với Đời Sống Tâm Linh, Vô Thức
- Không – Thời Gian Nghệ Thuật Trong Truyện Ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ
- Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ - 10
- Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ - 12
- Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ - 13
Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.
3.4.2.1. Khai thác triệt để ngôn ngữ độc thoại nội tâm
Tiếp thu những thành tựu của người đi trước, Nguyễn Thị Thu Huệ nhanh chóng tìm cho mình một hướng đi riêng trong việc khắc họa ngôn ngữ nhân vật. Từ quan niệm đi sâu vào con người tự ý thức, Nguyễn Thị Thu Huệ không đứng tách biệt, nói giọng quyền uy để kể về nhân vật mà thường hòa vào ngôn ngữ nhân vật, kể theo điểm nhìn của nhân vật để đi sâu khám phá trực tiếp thế giới tâm hồn. Bởi thế, nhân vật của chị thường nghĩ nhiều hơn nói. Họ luôn đối diện với chính mình trong những khoảng suy tư bất chợt. Vì vậy, ngôn ngữ của họ được tái hiện chủ yếu là ngôn ngữ độc thoại. “Độc thoại nội tâm cũng là hình thức đối thoại của nhân vật, trong đó người đối thoại cũng chính là mình, nói cách khác đó là sự phân thân: mình nói
chuyện với mình, một mình đóng cả hai vai người nói và người nghe…”[10 - 77]. Loại ngôn ngữ này giữ vai trò thống lĩnh trong nhiều truyện như: Tân cảng, Hậu thiên đường, Giai nhân, Phù thủy, Cát đợi, Biển ấm, Thành phố không mùa đông, Người đi tìm giấc mơ, Rồi cũng tới nơi thôi…..
Ngôn ngữ độc thoại được thể hiện ở nhiều dạng như tự bạch, đối thoại với người vắng mặt, viết nhật ký, đối thoại trong độc thoại…có khả năng khơi sâu hơn nỗi đau câm lặng của con người.
Dạng truyện ngắn tự bạch là nét mới của truyện ngắn hôm nay khi con người cá nhân được chú trọng thì việc tự nói lên tiếng nói của chính mình là việc cần thiết. Trong truyện ngắn của Thu Huệ, dạng truyện tự vấn, tự bạch và ngôi kể thứ nhất chiếm khá nhiều trong toàn bộ tác phẩm của chị. Cả những truyện viết theo ngôi kể thứ ba thì cũng có những truyện được viết dưới dạng tự bạch như: Tình yêu ơi, ở đâu? Hình bóng cuộc đời, Một chiều mưa, Một nửa cuộc đời,…Biểu hiện của tự bạch là nhân vật xưng tôi, “điểm quy tâm là ở nhân vật tôi”[50 - 7]. Nhân vật tôi thường kể chuyện mình, bộc bạch những nỗi niềm, suy nghĩ, cảm xúc của chính mình. Thu Huệ đã biết đi sâu vào những khoảnh khắc tâm trạng của con người để họ tự bộc lộ nỗi lòng. Thường bắt gặp trong truyện của Thu Huệ là những tâm trạng được tự do bộc bạch như thế này: “Tôi bỗng sợ con người quá. Tôi biết đi đâu bây giờ” (Thành phố không mùa đông), hay tâm trạng đau đớn đến tột cùng: “bỗng nhiên, chiều nay tôi muốn chết một cách kì lạ” (Đêm dịu dàng). Dường như trong truyện của Thu Huệ không còn hình bóng tác giả. Chỉ có nhân vật với tâm trạng của họ được tự bộc bạch với những cung bậc khác nhau, và nó có vị trí quan trọng trong việc thể hiện cảm xúc tư tưởng của tác giả qua cảm xúc tư tưởng của nhân vật. Qua đó cho thấy rằng, Thu Huệ là người rất chú ý khai thác tiếng nói cá nhân của mỗi con người với những tâm tư tình cảm, những ham muốn rất mực con người.
Bên cạnh độc thoại nội tâm dưới dạng tự bạch, truyện ngắn của Thu Huệ cũng chọn dạng ngôn ngữ độc thoại nội tâm dưới dạng nhật ký để khám phá con người với mọi ý nghĩ, cảm xúc chân thực nhất. Cùng với việc diễn tả tâm trạng người mẹ (Hậu thiên đường), Thu Huệ bộc lộ tâm lý của đứa con gái qua những trang nhật ký. Đó là những ý nghĩ trong trẻo, thơ ngây đến khờ khạo của một đứa trẻ thiếu vắng người cha mà không có sự chăm sóc của người mẹ bên cạnh. Những trang nhật ký là những trang độc thoại nội tâm và cũng là người bạn tri kỉ nhất mà đứa trẻ còn non nớt gửi
gắm tất cả những ý nghĩ, những cảm xúc từ những cái con con vặt vãnh đến những quan niệm về tình yêu, về cuộc đời: “Ngày. Hôm nay đang ngồi trong lớp đợi mưa tạnh, chợt thấy cuối đường một chị che cái ô đỏ. Đẹp thế không biết…”, “Ngày. Sao mẹ hay về khuya thế. Mình mà như mẹ, mình sẽ lấy chồng”, “Mình thích anh ấy vì mắt anh ấy đẹp”, “Ngày. Mình nhớ anh ấy quá. Hai ngày không thấy anh ấy đâu. Hay anh ấy ốm rồi. Đi học về, mình cứ thấy ngơ ngác thế nào ấy. Bỗng nhiên anh ấy hiện ra ở đầu đường: bé con, mấy ngày vừa rồi anh phải có phi vụ làm ăn. Nhớ em quá, phải đón em đây.Ối giời ơi, sao mình sung sướng thế. Mình yêu anh ấy mất rồi. Mẹ bảo cái bọn đàn ông rặt một loạt đểu cả, đừng nên tin ai. Mình thì thấy ai cũng đáng tin hết, nhất là anh”. Những tâm sự thầm kín của con gái tuổi mới lớn khiến người mẹ hốt hoảng nhận ra con gái đang lao vào một tình yêu mù quáng với một người đàn ông đã có vợ và hai con, một gã sở khanh vừa lợi dụng thân xác, vừa bòn rút của người con gái từng đồng một. Người mẹ như sụp xuống với tâm trạng “tôi thẫn người”, “tôi lặng người”, “tôi có cảm giác như mình bỗng hóa thành đá”, “tôi lặng lẽ ra sân”, “tôi trở thành một người khác” rồi “giống như một người điên”, “cuồng điên, tiếc nuối và bất lực”. Như vậy, độc thoại nội tâm qua những dòng nhật ký là cách thể hiện nội tâm của con người một cách chân thực nhất. Đồng thời cách viết nhật ký cũng tạo khả năng biểu hiện con người trong nhiều khoảng thời gian của đời người. Từ những tâm sự của con, khiến người mẹ ý thức được sự vô trách nhiệm của mình: “Hóa ra lâu nay, tôi đi đường tôi, còn con gái thì tự tìm một đường mà đi…”. Người mẹ nhận ra lỗi lầm của mình, chị lao đi tìm con trong đêm tối nhưng đã bị chết vì tai nạn. Linh hồn của chị biến thành gió đi tìm con, cố giằng con gái ra khỏi tên sở khanh.
Trong khi độc thoại nội tâm, nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ rất ưa thích cách nói hình ảnh, ví von, cấu trúc so sánh tạo nên sự uyển chuyển, nhịp nhàng về giọng điệu, cân đối về cú pháp và có sức gợi cảm lớn. Đặc biệt nhân vật thường dùng cách nói dân gian, tiếp nối và phát triển ý nghĩa của các thành ngữ, quán ngữ tạo sự gần gũi, sinh động và giàu sức biểu cảm cho ngôn ngữ độc thoại. Chẳng hạn: Trồng cây gì thì ăn quả nấy, gieo gì thì gặt nấy, đâm lao thì phải theo lao, ba đầu sáu tay, đàn bà chửa thì cửa mả, đông như kiến, dịu dàng như thỏ, vết sẹo như con giun…Nhờ thế mà những suy tư, day dứt của nhân vật cũng dễ dàng thấm sâu
vào tâm hồn bạn đọc hơn, bạn đọc thấu hiểu và sẻ chia với nhân vật một cách tự giác chính từ sự rung cảm thực sự bên trong.
Như vậy, với quan điểm tối giản lược đến mức tối đa sự xuất hiện của sự kiện, truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ đã tìm đến ngôn ngữ độc thoại như một điều tất yếu. Triển khai loại ngôn ngữ này, nhà văn đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc liên kết văn bản và tạo tính logic cho mạch tự sự. Bên cạnh đó, khi khép mình vào những suy nghĩ bên trong, ngôn ngữ nhân vật thể hiện trạng thái tâm lý của con người trong xã hội hiện đại. Con người cô đơn, yếu đuối không điểm tựa, hay con người nhạy cảm, thức thời, con người khủng hoảng niềm tin trước sự đổ vỡ, con người thấp thỏm, bất an trước bão táp cuộc sống,…
3.4.2.2. Xây dựng ngôn ngữ đối thoại trong độc thoại
Trong độc thoại nội tâm thì đối thoại trong độc thoại là một dạng đối thoại độc đáo, kiểu đối thoại ngầm vừa như một sự tự vấn, vừa như tự mổ xẻ bản thân mình giúp tác giả thể hiện quan niệm về con người sâu sắc hơn. Những câu đối thoại ngầm xuất hiện rất nhiều. Những câu hỏi, có khi không cần trả lời cứ ngổn ngang trong lòng nhân vật, hiện hình qua những suy tư trăn trở. Đó là sự nhận thức về nỗi cô đơn, là chờ đợi vô vọng của cô gái khi hết quyền lựa chọn người yêu: “Sao người mỗi ngày lại đông như kiến mà tôi thì cô đơn thế này? Ai đến với tôi bây giờ…Bên ngoài cánh cửa kia. Có thể là thiên thần. Có khi là quỷ dữ. Cái thời mà mình được quyền lựa chọn qua rồi sao?”. Có khi là tâm trạng trống vắng, đau khổ của cô gái khi nhận được tin bố mẹ chia tay nhau “Liệu, những cái đó, có làm bố mẹ mệt không”, “Thế đấy. Bố mẹ bây giờ đang tự sống cho mình. Thế nào là sống cho mình và sống cho mình thì khác sống cho người nhỉ? Bao năm nay, cứ cho là bố mẹ sống cho tôi, bố mẹ cũng có mất gì đâu? Tại sao lại sinh ra tôi trên đời, rồi lại phải sống vì tôi cơ chứ. Hay là bố mẹ vin vào tôi như một thứ an ủi, một cứu cánh là họ cũng ghê lắm, giỏi giang lắm, họ phải như vậy là vì tôi”. Lại có khi là tâm trạng của người đàn bà đi kiếm tìm chỗ neo đậu cho tình yêu mà không được “Nàng nghe. Chợt thẫn người tự hỏi: nàng đi tìm cái gì nhỉ. Người ta. Chuyện lấy vợ lấy chồng dễ thế. Sao nàng lại khó?”…
Những câu đối thoại ngầm, những câu hỏi chất vấn cứ ngổn ngang càng khơi sâu thêm nỗi đau của con người, qua đó tác giả mong một sự đồng cảm, một sự trả lời từ phía người đọc. Trong Hậu thiên đường có nhiều đoạn nhân vật đối thoại với chính mình: “Tôi lặng người nhìn nó. Thôi, xong rồi. Con gái tôi thành đàn bà mất rồi.”,
“đứa nào nhỉ, đứa nào mang khuôn mặt đợi chờ của con gái tôi đi mất và trả cho nó khuôn mặt đàn bà, vừa đằm thắm vừa non nớt của cô bé 16 tuổi”. Đằng sau những câu đối thoại ngầm ấy, người đọc cảm nhận nỗi đau đớn như đứt từng khúc ruột, sự day dứt xót xa và cả nỗi bất hạnh của người mẹ trước bất hạnh của con. Đó còn là tâm trạng của người vợ với nỗi ân hận xót xa theo suốt cả cuộc đời: “Sai lầm bắt đầu từ đâu? Anh hỏng từ lúc nào”. “Sao tôi không có hai lần sống, hai cuộc đời để rút kinh nghiệm. Để làm lại?” (Hình bóng cuộc đời)…
Như vậy, với việc xuất hiện nhiều câu đối thoại ngầm trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, chúng ta nhận thấy con người trong truyện của chị luôn suy ngẫm, nhìn nhận, tự ý thức về chính mình. Đồng thời, nó còn giúp cho nhà văn có thể khơi sâu nỗi đau câm lặng của con người để mà hiểu họ, mặt khác mong một sự đồng cảm, sự trả lời từ phía người đọc. Truyện ngắn vì thế luôn luôn đối thoại và yêu cầu đồng sáng tạo. Đó cũng chính là tính nhân văn trong quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn sau 1975.
3.4.2.3. Ngôn ngữ đối thoại đậm chất dung tục đời thường
Khi xây dựng ngôn ngữ nhân vật, Nguyễn Thị Thu Huệ luôn quán triệt nguyên lý ngắn gọn hàm súc. Chị không miêu tả nhiều, mà chỉ tập trung vào những lời thoại có khả năng chứa đựng những rung động tâm lý con người hoặc giữ vai trò như những chiếc máy phát năng lượng thẩm mỹ. Bởi thế, nhà văn chỉ cần để nhân vật xuất hiện với vài lời thoại là tự nó đã bộc lộ rõ bản chất hoặc tâm hồn mình trước thế giới. Chẳng hạn, đây đúng là lời lẽ tàn độc ô trọc của kẻ chỉ biết đến đồng tiền: “Vứt mẹ cái bằng đại học của cô đi, sử với chả sách. Ông giáo chủ nhiệm tôi năm lớp mười hôm nọ tôi thấy đi bán sổ số kia kìa, tôi thương hại mua cho vài bộ, thiếu nước ông ta vái sống tôi.” (Tình yêu ơi, ở đâu?). Nhà văn cũng thật sắc sảo khi xây dựng ngôn ngữ cho một cô gái quê ít học: “Ấy bà biết không? Cháu “nà” có bốn đám hỏi nhưng cháu “nà” đéo ưng đám nào. Toàn “nà” đồ chó dái”; “Nàm” thử vài việc chả ra cái gì mà về quê “nại” gặp bọn chó dái. Đéo về nữa. Đéo có tiền tiêu khổ “nắm” (Của để dành). Còn trong Coi như không biết nhân vật xuất hiện với ngôn ngữ đậm chất giang hồ, bất cần “Thì đấy. Cái bọn nhắn tin đểu vào điện thoại anh đòi nợ em đấy. Cái gì thì cho qua. Chứ vấy bẩn vào người yêu của nhau như thế phải xử”…
Dùng ngôn ngữ suồng sã dung tục, một mặt nhà văn đã tạo ra được sức hấp dẫn từ chính sự gần gũi, tươi rói của ngôn từ đời sống, mặt khác nhà văn đã lột tả
đúng bản chất của nhân vật. Nhưng nếu đối sánh với các nhà văn thế hệ trước và cùng thời, ta thấy ngôn ngữ dung tục đã được đưa vào văn xuôi với mật độ khá dày. Nguyễn Huy Thiệp có lẽ đã tiêu biểu cho kiểu nhà văn ưa lối nói này. Ông thường để nhân vật xuất hiện với tận cùng của cá tính. Bởi thế, mật độ những câu chửi thề trong truyện ngắn của nhà văn này khá nhiều: “Mẹ cha mày, mày ăn nói với bố thế à?”, “Mẹ cha mày, thế mày nâng bát cơm lên miệng hàng ngày mày có nghĩ gì không?” (Lời lão Kiền trong Không có vua). Ông cũng “tỉnh queo” khi đặt vào miệng nhân vật những câu đại loại như: “Mẹ mày…tao cho mày ăn cứt…” (Phẩm tiết), “cứt” là câu nói cửa miệng của nhân vật Trương Chi (Trương Chi)…Ngay cả ở nhà văn nữ như Y Ban, người ta cũng thấy chị không ngần ngại quẳng cho nhân vật những từ ngữ dung tục để miêu tả “cái quần lót” có một không hai của bà Nhanh khi bà say sưa kể về nó: “Quần em bé (bà dùng từ rất mĩ miều) cứ rách đũng mà vứt đi đi thì lấy đâu cho xuể. Cái đũng nào rách cô thay bằng cái đũng khác, chỉ mất đi một mảnh vải bằng bàn tay, đấy cái quần của cô đây này, cô đã thay tất cả 12 lần đũng rồi đó, mặc vào vẫn tốt chỉ có điều cái cục nổi bị to quá khi nằm hơi bị cộm” (Cẩm cù).
Sử dụng ngôn ngữ dung tục có tác dụng kéo văn chương gần với đời sống, gần với độc giả. Nhưng nếu quá lạm dụng những từ ngữ loại này hoặc dùng từ quá thô thiển, trơ trẽn, tục tĩu sẽ làm bạn đọc cảm thấy “sốc”, khó chịu, đỏ mặt mỗi khi đọc cũng như giảm tính nghệ thuật của tác phẩm. Nguyễn Thị Thu Huệ tỏ rõ sắc sảo, bản lĩnh khi đưa ngôn ngữ dung tục vào tác phẩm nhưng với sự dịu dàng của một nhà văn nhạy cảm, chị đã dừng lại ở đúng giới hạn cần thiết bởi thế chị không bị sa vào tình trạng quá đà kiểu như Nguyễn Huy Thiệp, Y Ban…Ngôn ngữ dung tục trong tác phẩm của chị phát huy tác dụng tối đa trong việc lột trần bản chất của nhân vật mà không rơi vào tình trạng thô thiển, trơ trẽn. Đấy là nét đáng ghi nhận trong việc điều khiển ngôn từ phục tùng ý tưởng người viết của Nguyễn Thị Thu Huệ.
3.5. Giọng điệu
Trong Từ điển Thuật ngữ văn học, giọng điệu được hiểu là:
“Thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn qui định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân, sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm (…) Giọng điệu phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mỹ của tác giả, có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và