Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ - 7

hiểu. Những nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ là nhân vật rất đỗi đời thường, những chuyện đời thường nhưng dưới con mắt nhạy cảm, sắc sảo, từng trải của Thu Huệ nó trở thành chuyện lớn mà đời sống càng hiện đại nó trở thành bế tắc (đó là chuyện tình yêu, hôn nhân và gia đình).

Truyện ngắn của Thu Huệ viết nhiều về tình yêu. Đọc các tác phẩm của chị hầu như lúc nào cũng có một đôi câu chuyện tình yêu hoặc sự khao khát tình yêu. Có thể thấy khi viết về tình yêu hạnh phúc Thu Huệ đã xoáy sâu vào những ngõ ngách theo cả hai chiều: cái cao thượng và cái thấp hèn, tỏ rõ sự chia sẻ, cảm thông với người phụ nữ, bởi vì “ai cũng mang khuôn mặt con gái(Hậu thiên đường). Muôn vàn cung bậc tình yêu được nhìn nhận lý giải với những sắc thái khác nhau. Có tình yêu làm cho con người trở nên cao thượng (Cõi mê), có tình yêu ngọt ngào (Mùa đông ấm áp), lại có tình yêu vô vọng (Một chiều mưa, Tình yêu ơi, ở đâu?) dù mang nhiều dáng vẻ và cung bậc khác nhau nhưng chủ yếu là những mối tình dang dở và kết thúc bằng bi kịch. Người phụ nữ trong truyện của Thu Huệ thường mang trong mình một tình yêu đợi chờ, khát khao nhưng chẳng bao giờ thực hiện được, họ thường đau khổ thậm chí mất mát mặc dù người trong cuộc tha thiết dâng hiến và nâng niu cho tình yêu. Cũng vì vậy mà truyện nào cũng chan chứa hoài niệm và ước mơ về một tình yêu, một hạnh phúc mong manh khó nắm giữ, truyện nào cũng là day dứt, trở trăn trong tình yêu đuổi theo suốt đời họ. Tình yêu của người con gái trong Cát đợi gắn liền với nỗi khổ đau âm thầm bởi cô làm một chuyện lạ, khác thường mà độc đáo: “Tôi không xếp xó tình yêu của mình, tình yêu của tôi không bị mạng nhện chăng, tôi đem nó đặt lên một cái bàn thờ, và siêng năng thờ cúng”. Cô ấy đã phải chịu bao thua thiệt mất mát mà không tìm được hạnh phúc cho mình bởi cô ấy không chấp nhận sự tầm thường, tẻ nhạt đầy rẫy trong cõi đời này, dù suốt đời lặng lẽ như triền cát, tôn thờ những khát vọng tình yêu.

Thu Huệ đã bộc lộ sự thay đổi trong tư duy về người phụ nữ hiện đại khi quả quyết rằng: “Ai trong đời cũng đã xếp xó vài cuộc tình”. Nhiều nhân vật của chị trước khi đến với hôn nhân đã trải qua nhiều cuộc tình, có hạnh phúc, có khổ đau, có hi vọng và thất vọng nhưng khát khao tìm kiếm và yêu thương vẫn luôn sâu thẳm trong tâm hồn họ. Tuy vậy càng khát khao yêu thương và dâng hiến, họ càng thấy vô vọng dâng

đầy. Người con gái trong Tình yêu ơi, ở đâu? Cứ tìm mãi tìm mãi tình yêu nhưng tình yêu chẳng đến với nàng. Nàng đã từng mơ ước: “Nàng muốn cuộc sống của mình như nàng nghĩ. Sẽ lấy một người chồng lý tưởng, biết yêu và chiều nàng. Một cuộc sống đầy đủ. Nàng như một tiểu thư khuê các, biết ngâm thơ và thưởng trăng”. Nhưng cuộc đời không như nàng nghĩ. Mối tình đầu với chàng thi sỹ nghèo đã nhanh chóng ra đi vì nàng nhận ra: “Chàng không và sẽ không bao giờ có sức làm trụ cột gia đình mà nàng thì lại ngại những người đàn ông như thế”. Vậy là tình yêu đầu đời kết thúc. Nàng lại sống cô độc với một khối tâm tư của cô gái đang tuổi yêu đương cho đến lúc gặp anh chàng kế toán giàu có nhưng thô thiển, gia trưởng, mệnh lệnh, “yêu mà cứ như nuôi gà”. Khi nàng nhận ra sự ghen tuông thô bỉ, vũ phu của chàng, nàng lại chia tay với mối tình thứ hai. Ngày tháng trôi đi, lần nữa nàng gắn bó với anh lính phục viên, một người góa vợ có hai con. Nàng chấp nhận và nhớ lời mẹ khuyên: “Mọi cái chỉ tương đối thôi”. Nàng không đòi hỏi gì cao sang nhưng cái hạnh phúc đơn sơ ấy cũng tuột khỏi tầm tay nàng. Bởi hai đứa con anh không muốn bố chúng chia sẻ tình cảm với ai khác. Nàng không chấp nhận và nàng lại cô đơn giữa đô thị náo nhiệt. Tình yêu ơi, ở đâu? vẫn là câu hỏi, là sự tìm kiếm tuyệt vọng của nàng.

Nhân vật Hân trong truyện Chúng ta cần suy nghĩ về chuyện này, trước khi về sống tám năm với “anh” không cưới hỏi cũng đã trải qua vài cuộc tình. Trong tâm khảm người phụ nữ bốn mươi tuổi này vẫn luôn hi vọng về một sự ổn định bên người mình yêu, Hân yêu “anh” và muốn sống đến già cùng anh. Nhưng khi biết “anh” đã thay đổi, không còn là “anh” của ngày xưa nữa, nàng đã ra đi. Những giọt nước mắt xót xa đã lăn xuống bên gò má của người phụ nữ không còn trẻ mà giờ đây vẫn là con số không. Tình yêu vẫn không đến thể đến với nàng.

Nhân vật trong truyện ngắn của Thu Huệ luôn chủ động đến với tình yêu nhưng có lúc sự mạnh mẽ biến thành hiếu thắng, sự tự tin biến thành chủ quan. Chính vì vậy họ đã bị trả giá đau đớn. Sao trong Giai nhân đã từng có một thời được nhiều chàng trai muốn yêu thương nâng niu chăm sóc. Cô tự tin có thể làm chủ cuộc đời mình nhờ sắc đẹp và sự thông minh: “Sau mỗi lần chia tay với người yêu Sao lại ngẩng cao đầu thách đố”. Thời gian trôi qua, giờ cô đã ba mươi tám tuổi, mong muốn một tình yêu đích thực nhưng thật xa vời với cô. Cơ hội cho sự lựa chọn không

còn nữa. Hình ảnh người đàn bà chết mà Sao đến viếng, phải chăng cũng chính là hình ảnh tương lai của cuộc đời cô – không tình yêu, không con cái, cô đơn đến chết. Thẫm đẫm toàn truyện là những giọt nước mắt tuyệt vọng, giọt nước mắt của sự cô đơn không thể giãi bày với ai được.

Tình yêu của Cave là thứ tình yêu xa xỉ, thứ tình yêu được coi là bóc bánh trả tiền. Nhưng Thu Huệ một người luôn trân trọng thứ tình cảm được gọi hai tiếng tình yêu thiêng liêng đó lại dành một sự ưu ái đặc biệt với những con người dường như ở đáy cùng của xã hội. Họ cũng giống những người bình thường khác, cũng muốn yêu và được yêu, và cũng sẵn sàng làm mọi thứ vì người mình yêu kể cả hi sinh tính mạng của mình. Nhưng tình yêu vẫn không thể đến với họ một cách trọn vẹn vì cuộc sống hiện đại quá khắc nghiệt, song hành với nó luôn là cái ác và sự bất an. Nàng trong X – Men có mùi trường đua, là một cô cave rất đặc biệt yêu anh chàng X – Men mê chó đua “Nàng rúm người, rúc vào anh, hít mùi hương cà phê cháy đậm đặc, điều chưa bao giờ xảy ra với một đứa làm gái là hít mùi mồ hôi của khách, như hít hương người yêu, nhất là lại hôn nhau xoắn chặt môi không dứt”. Nàng đã yêu X – Men nên đã về sống cùng anh ta trong một ngôi nhà nằm sâu trong núi, xa biển, vì một lý do nàng nghĩ X – Men “sạch sẽ” và “thơm”. Nàng đã khẳng định “Mùi của anh giống mùi sâm. Đàn ông các anh dối trá cái gì, riêng cái đấy, sạch bẩn không giấu được”. Nhưng một điều nàng cũng không ngờ X – Men là kẻ giết người, dù X – Men có “thơm”, có “sạch” nhưng đó vẫn là cái ác. Và phải chăng cái chết của cô gái dưới biển kia cũng là hình ảnh tương lai của nàng? nàng cũng không biết.

Nhân vật “em” trong truyện Coi như không biết, một cô cave có được tình yêu của ông tiến sĩ Văn. Nhưng chính vì tình yêu này, cô đã chết. Cô yêu Văn và không thể chịu được khi người khác có ý đe dọa tống tiền người cô yêu “Cái gì thì cho qua. Chứ vấy bẩn vào người yêu của nhau như thế phải xử”. Và cô đã xử, đã chọn cái chết để chứng minh tình yêu của mình. Đó là cách mà cô đã yêu.

Nhạy cảm với nỗi đau khát vọng trong tình yêu không thành, Thu Huệ đã suy tư, trăn trở với cái đau buồn của những người đã yêu, đang yêu và những người yêu nhau nhưng không đến được với nhau. Nỗi đau trong tình yêu được lý giải bằng sự

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.

thấu hiểu cảm thông của trái tim một nguời phụ nữ - một nhà văn. Dưới con mắt của chị có nhiều nguyên nhân dẫn đến nỗi đau trong tình yêu nhưng suy cho cùng nguyên nhân chính lại xuất phát từ niềm khát khao yêu đương và dâng hiến của người phụ nữ. Càng khao khát yêu đương và hạnh phúc thì lại càng lẻ loi cô độc, càng hi sinh càng phải trả giá. Không chỉ cảm thông thấu hiểu nhân vật Thu Huệ còn chỉ ra “hậu thiên đường” của tình yêu để cảnh báo con người, đặc biệt là người phụ nữ. Bên cạnh đó chị còn tỏ rõ thái độ phản đối với cách sống của một số nhân vật, như: sự hiếu thắng đùa giỡn với tình yêu của Sao (Giai nhân); sự bắt cá hai tay của Vang (Người đàn bà ám khỏi); lối sống buông thả với bản năng, ngang tàng và bất chấp tất cả Hoài (Xin hãy tin em); lối sống thử hời hợt không đi đến đâu của Hân (Chúng ta cần suy nghĩ về chuyện này), của nhân vật “tôi” (Rồi cũng tới nơi thôi)…Dù còn mang nhiều vị đắng, bất hạnh nhưng tình yêu luôn được diễn tả như một niềm khát khao vĩnh hằng của con người, đặc biệt ở người phụ nữ.

Cũng như tình yêu, vấn đề hôn nhân và gia đình cũng được Nguyễn Thị Thu Huệ quan tâm. Nhất là tình trạng hôn nhân, quan niệm, lối sống của từng cá nhân và hệ quả của nó. Với con mắt tinh tường và con tim nhạy cảm chị thường đi sâu vào tìm hiểu những bi kịch hôn nhân để lý giải những đổ vỡ đang tiềm ẩn từ đấy.

Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ - 7

Theo Nguyễn Thị Thu Huệ, một trong những nguyên nhân dẫn đến nỗi đau trong hôn nhân và gia đình là hôn nhân không có tình yêu. Điều này được chứng minh rất rõ trong Một nửa cuộc đời. Lan lấy Hải không phải vì tình yêu, cô tâm sự với người tình: “Đó là sự ngộ nhận về tình yêu. Em lấy Hải vì hiếu thắng. Khi lấy Hải là ước muốn của nhiều cô. Em lấy Hải trước những ánh mắt ghen tị và những giọt nước mắt thất tình của một lũ con gái”. Trải qua sự lầm tưởng và ngộ nhận về tình yêu hạnh phúc buổi đầu, dần dần trong cuộc sống chung, cô nhận ra những bất ổn rằng Hải không phải là người đàn ông cần cho cuộc đời mình. Với cô, Hải tốt bụng đến tròn trịa, đơn điệu: “Anh ấy bình lặng sống như một dòng nước lúc nào cũng trong vắt ở khe núi”. Mặc dù biết Hải là người tốt, chăm sóc vợ con từng ly từng tí nhưng Lan vẫn không tìm thấy ở chồng cái cô cần và cô đã tìm đến Thắng để mong khỏa lấp sự thiếu hụt mà chồng không mang lại được. Lan đã nhoài ra khỏi gia đình, tưởng có thể gặp được điểm tựa vững chắc, có thể sống trong tình yêu lãng mạn – thì

Thắng người tình của cô chỉ xem đó là một cuộc chơi. Có thể thấy rất nhiều phụ nữ trong truyện ngắn của Thu Huệ chịu sự giằng xé của ngoại lực, bắt đầu cảm thấy bất ổn trong gia đình. Họ cố thoát khỏi sự rằng buộc của gia đình để tìm kiếm một điểm tựa mới, nhưng kết quả họ luôn gặp phải bất trắc và bi kịch đau đớn. Ở đây, Thu Huệ đã lên tiếng cảnh báo, nếu mỗi người không tự chăm lo vun đắp cho mái ấm gia đình của mình mà chạy theo những sở thích đam mê cá nhân thì chắc chắn họ sẽ gặp phải những bi kịch đau đớn. Lan đã khóc rất nhiều, những dòng nước mắt nức nở, buồn tủi thể hiện rõ nỗi thất vọng và chống chếch nơi cô.

Trên các trang truyện của mình Thu Huệ như muốn gửi gắm với chúng ta những trăn trở, những đau đáu của chị về vấn đề gia đình thời hiện đại. Gia đình – tế bào xã hội ấy đang tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn và đổ vỡ mà nguyên nhân thì muôn hình vạn trạng. Bên cạnh nỗi đau trong hôn nhân không có tình yêu còn có những nguyên nhân khác không kém phần quan trọng, đó là sự chênh lệch quá mức về trình độ, sự hiểu biết, sự vênh lệch về tâm lý, lối sống. Hình bóng cuộc đời là như thế. Thủy và Phát lấy nhau trong sự ngộ nhận về tình yêu. Phát là người kiếm ra tiền lại có tâm hồn nghệ sỹ nhưng anh thiếu sự cần mẫn và chỉn chu với gia đình. Một mình, Thủy phải gánh vác từ việc bếp núc con cái đến những lo toan lặt vặt khác trong nhà mà không nhận được sự cảm thông từ phía người chồng. Sự khác nhau trong tính cách và quan niệm giữa họ dẫn đến giải pháp ly thân và cuối cùng Phát đã chết trong căn bệnh hiểm nghèo. Qua nỗi đau từ câu chuyện này, tác giả như muốn nói với ta, trong cuộc sống gia đình điều quan trọng là mỗi người phải hiểu và vị tha cho nhau, nếu không sẽ gây ra những tổn thương bất hạnh không gì cứu vãn nổi.

Một khía cạnh rất đời thường nhưng không kém phần quan trọng dẫn đến tan vỡ hạnh phúc gia đình, theo Nguyễn Thị Thu Huệ đó là sự không thỏa mãn nhau trong đời sống tinh thần, đời sống tình dục. Đó là câu chuyện trong Tân cảng. Anh chị lấy nhau được mười năm thì tám năm nghèo khó. Khi họ ăn ra làm nên và có được cuộc sống khá đầy đủ thì họ lại ít có thời gian quan tâm đến nhau. Nhà cao cửa rộng, chồng kiếm nhiều tiền, hai con trai ngoan ngoãn nhưng người vợ luôn cảm thấy cô đơn. Cô không thể giãi bày nỗi lòng, khát vọng thầm kín đang dâng đầy trong cô. Thấu hiểu những uẩn khúc ấy, Thu Huệ đã để cho nhân vật tự giãi bày: “Anh không

nghe thấy tiếng thở dài tức ngực của người đàn bà chưa đến tuổi bốn mươi, da thịt mát lạnh, thơm tho của sự đủ đầy, nhàn hạ dần dần đang cần sự yêu chiều ve vuốt. Anh không kịp nhận thấy chị đợi anh bằng chiếc váy sa tanh bóng mát lịm như miếng thạch mới mua. Và anh cũng chẳng kịp nhìn thấy một lọ hoa to chị cắm góc phòng đang dịu dàng tỏa hương”. Vì những lý do tế nhị ấy, chị đã quyết định ra đi theo tiếng gọi của tình yêu mới. Từ bi kịch gia đình không đáng có ấy, Thu Huệ muốn gửi gắm đến chúng ta một điều khi cuộc sống hằng ngày không còn ám ảnh con người vì sự thiếu thốn vật chất thì những nhu cầu tinh thần là vô cùng quan trọng. Hãy luôn yêu thương, chăm sóc lẫn nhau, quan tâm đến nhau, đó mới là điều quan trọng để xây đắp một tình yêu và hạnh phúc bền chặt.

Gia đình là tế bào của xã hội. Vì thế mọi biến đổi của đời sống xã hội tác động mạnh mẽ đến đời sống gia đình. Vấn đề ngoại tình được chị quan tâm và đề cập nhiều trong các truyện ngắn. Theo Thu Huệ có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc ngoại tình. Sự thất vọng về đời sống vợ chồng trong cuộc sống chung là một lý do của việc ngoại tình. Người đàn bà ngoại tình đó là khi cần khỏa lấp sự trống trải và mong tìm hạnh phúc ở những mối tình cảm mới. Còn người đàn ông lại coi ngoại tình như một chút gia vị cho cuộc sống, một giải pháp nhất thời để xoa dịu những phiền muộn trong cuộc việc và gia đình. Thắng (Một nửa cuộc đời) đã nói với người tình rất thành thực: “Anh cũng yêu em, nhưng anh không thể phá vỡ cuộc sống gia đình được…Chuyện chúng mình chẳng có gì mới. Chẳng qua nó là gia vị trong một bữa ăn. Tí cay, tí chua, tí ngọt cho dễ nuốt chứ không phải cái ăn hàng ngày”. Hay trong cảm nhận của người phụ nữ về người tình, ấy là: “Anh ấy luôn là người rạch ròi mọi chuyện. Vợ con anh ấy là một cái lô cốt chắc chắn mà hàng ngày, hàng giờ anh ta cần mẫn nhặt nhạnh tí vôi, tí xi măng xây xây trát trát…(Hậu thiên đường).

Cũng có những truyện tác giả khai thác vấn đề ngoại tình ở một khía cạnh mới. Đó là trường hợp Những đêm thắp sáng. tôi” trong truyện là một người đàn ông tật nguyền, tốt bụng, một đêm trời mưa anh gặp một cô gái. Đêm thứ hai, người đàn ông ấy nghĩ rằng “có lẽ tôi đã bị lừa”. Đêm thứ ba cô gái đã đến và tình tự với ông, ông băn khoăn không biết cái tình mà cô gái dành cho mình là cái tình gì: “Nàng đón nhận nó bằng nỗi buồn riêng muốn san sẻ. Bằng lòng thương hại, bằng ham muốn

trả thù người chồng bội bạc yêu em gái nàng trước mặt nàng…”. Nhưng rốt cuộc người đàn bà ấy đã về với chồng và nhìn người đàn ông tật nguyền tốt bụng mà mình đã ân ái vào những đêm chồng đi với bồ như nhìn một tên ăn cắp, “một thằng mặt giặc”. Ngoại tình mà Thu Huệ khai thác ở đây như một sự giải tỏa, sự trả thù cho những thua thiệt mà con người phải chịu đựng trước khi trở về với bổn phận. Như vậy với cái nhìn mở về con người, coi đời sống tình dục là một nhu cầu tự nhiên mà một số truyện ngắn của Thu Huệ thể hiện quan niệm nhân văn trong thái độ cảm thông ủng hộ những mối tình trái với chuẩn mực, hay trong những suy nghĩ, hành động của nhân vật (Một nửa cuộc đời, Biển ấm, Dĩ vãng…). Có những chuyện ngoại tình đáng chê trách nhưng cũng có những chuyện ngoại tình được nhìn bằng đôi mắt cảm thông, thậm chí ủng hộ từ nơi chị.

Hiếm thấy người đàn ông nào trong sáng tác của chị thời Hậu thiên đường coi ngoại tình là mục đích để tìm kiếm một tình yêu đích thực, một người bạn đời trong cuộc hôn nhân mới. Nhưng sang Thành phố đi vắng, Thu Huệ đã cho chúng ta thấy một cái nhìn mới, cởi mở hơn. Đó là Văn (Coi như không biết) một anh chàng tiến sĩ giấu vợ, lén lút ngoại tình cùng cô cave. Chỉ ba ngày được yêu thương và chia sẻ đủ khiến một con người có mấy chục năm vợ chồng hạnh phúc, ròng rã cả tuổi trẻ đua theo những học hàm học vị để rồi bị tâm thần, hóa điên khi người tình, ngọn nguồn yêu thương ấy mãi mãi đi xa. Ở đây,Thu Huệ đã chỉ cho chúng ta thấy, trước cái chết và những ranh giới của sự tồn tại, khái niệm cave cũng không còn tồn tại, không còn quan trọng, mà chỉ còn tình yêu thật sự là tồn tại mãi mãi.

Hạnh phúc gia đình tan vỡ, bố mẹ chia tay. Đó là điều bất hạnh nhất đối với con trẻ. Trong thiên chức làm vợ, làm mẹ, Thu Huệ đã tỏ ra nhạy cảm hơn với nỗi đau của con trẻ thông qua những cảm nhận tinh tế và sâu sắc từ những bi kịch hôn nhân gia đình. Đứa con sống thiếu tình cảm của cha, sự quan tâm của mẹ dẫn đến việc đứa con lặp lại vết xe đổ của mẹ (Hậu thiên đường); là trạng thái ngờ vực của đứa con về bố mẹ mình (Phù thủy); là cảm giác trống trải cô đơn trắng tay khi biết tin bố mẹ đã li hôn (Thành phố không mùa đông); là ước mơ bình dị nhưng không bao giờ thực hiện được của hai đứa trẻ khi chúng muốn được chung sống dưới một mái nhà (Tân cảng); Là sự thắc mắc ngày qua ngày của đứa con trong cái bí mật về sự ra

đi của người mẹ - mà mãi khi đứa con thiếu vắng tình thương lớn lên mới hiểu được lỗi lầm đó là của cha (Của Cha, của Con những cành vạn niên thanh).

Bên cạnh những nỗi đau trong tình yêu, hôn nhân và gia đình. Thì ám ảnh trong những truyện ngắn của Thu Huệ hôm nay còn là nỗi đau về tình người ngày càng cạn kiệt trong một xã hội nhiều bất ổn, biến động, khi mà cái ác cứ trồi lên, trụt xuống hủy diệt những giá trị con người. Đó là nỗi đau của cô gái trong truyện ngắn Thành phố đi vắng. Cô trở lại thành phố sau ba năm rời xa, khi trở lại nơi đây cảnh vật không đổi thay, vẫn phố phường, những con đường, hàng cây, nhà hàng, khách sạn…tất cả vẫn vẹn nguyên gợi nhắc những kỉ niệm còn tươi rói trong cô. Cô gặp lại những con người năm cũ: bác tài xế xe buýt, cô quản lý nhà hàng, ông bác sĩ…họ vẫn nhớ cô là ai nhưng sự thân thiện khi xưa không còn nữa. Phố vẫn còn, “dài sau mưa, mùi hơi mát, hăng hăng lá cây dập vỡ”, nhưng con người của phố không còn. Cô đau đớn trên hành trình tìm kiếm tình người, và cô càng tìm càng vô vọng “người vẫn đông, nhưng hết âm thanh, như những diễn viên phim câm”. Cả thành phố “như người đông máu, vô cảm dưng dưng”. Trong nỗi đau mất mát kiếm tìm tình người đó, cô đã không tìm được và cô đã chết. Cô chết vì cô quá “nóng”, quá nồng nhiệt với cuộc sống, trong khi thành phố nơi cô từng sống, từng yêu lại trở nên quá lạnh lùng, tàn nhẫn.

Viết về con người với những trải nghiệm nỗi đau, Nguyễn Thị Thu Huệ thể hiện cái nhìn sâu sắc khi đặt họ trong những guồng chung của những vấn đề xã hội. Qua đó nhìn nhận và đánh giá. Thu Huệ đánh giá cao vai trò của gia đình, vì không có gia đình con người sẽ cô đơn bất hạnh, luôn coi trọng và giữ gìn những sợi dây kết nối tình người với nhau nhất là trong xã hội hiện đại. Song dù là nỗi đau thuộc về cá nhân, gia đình hay xã hội thì tất cả những con người trong sáng tác của Thu Huệ đều khao khát hạnh phúc, đều muốn kiếm tìm một nơi bình yên, ở đó con người sống với nhau chan hòa, thân thiện, nhưng ít ai được thỏa nguyện. Viết về nỗi đau thông qua số phận những con người, khi họ đang cảm nhận những rạn nứt trong cuộc sống chung, bằng sự cảm thông sâu sắc, truyện ngắn của Thu Huệ đã làm rung động trái tim người đọc. Hình như đâu đó trên mỗi trang viết của chị luôn ẩn chứa một tiếng thở dài than thân, lo sợ và tiếc nuối.

Xem tất cả 104 trang.

Ngày đăng: 22/01/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí