2.2.3. Con người với đời sống tâm linh, vô thức
Tìm hiểu con người với đời sống tâm linh vô thức thực chất là một con đường để khám phá, lý giải cuộc sống và con người hiện đại, đa chiều đầy mâu thuẫn. Truyện ngắn sau 1975 đã có những tìm tòi thử nghiệm trong việc sử dụng các yếu tố tâm linh vô thức, đi sâu khám phá thế giới tinh thần của con người hiện đại. Các tác giả Ma Văn Kháng, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều, Võ Thị Hảo đều bộc lộ những quan niệm riêng của mình về vấn đề này. Khảo sát truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, chúng tôi nhận thấy chị khai thác cả hai mặt tâm linh và vô thức. Vừa là những khả năng bất ngờ bí ẩn vừa là sự nhạy cảm sâu sắc và dự cảm chính xác đến lạ kì của nhân vật. Đời sống tâm linh khiến con người sống sâu sắc hơn, cảm nhận được đầy đủ hơn những điều diệu kì của cuộc sống. Con người tâm linh vô thức trong truyện ngắn của Thu Huệ không chỉ được biểu hiện qua những giấc mơ mà còn là sự nhạy cảm, khả năng cảm nhận ngoài lý trí của nhân vật.
Giấc mơ là một trạng thái tâm lý đặc biệt. Đây là thế giới của vô thức, của tiềm thức, là phần chìm sâu bí ẩn của tâm lý con người. Thu Huệ cũng khai thác giấc mơ theo cách riêng của mình để gửi vào đó một quan niệm mới mẻ về con người tâm linh. Số truyện của chị về giấc mơ không thật nhiều nhưng giấc mơ nào cũng thành vấn đề cốt lõi, tạo nên câu chuyện, tạo nên một cách tiếp cận mới về hiện thực và đặc sắc riêng trong cách thể hiện.
Người đi tìm giấc mơ là câu chuyện về người con gái gặp nhiều bất hạnh, là kẻ “đầu thai nhầm chỗ”. Cô sinh ra đã chịu thân phận của một đứa con hoang, mẹ của cô lại bỏ đi lấy chồng. Một người như cô tránh sao khỏi miệng lưỡi thế gian. Đến tuổi yêu đương cô cũng khao khát một tình yêu nhưng không ai đến với cô. Rồi một ngày, một người đàn ông tìm đến. Không phải vì tình yêu mà vì khả năng duy trì nòi giống. Anh ta là con trai trong một gia đình giàu có lại bị liệt chân, nhưng đó là niềm an ủi, niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất chưa bao giờ cô có được. Từ đó giấc mơ trở về đều đặn, mỗi giấc mơ là một ước muốn của cô. Giấc mơ thứ nhất là nhặt được vàng, giấc mơ thứ hai là được một chàng trai tặng hoa, giấc mơ thứ ba là được anh chàng cầu hôn hôm nào dẫn đi với những cử chỉ yêu đương lộ liễu. Tiền bạc và tình yêu.
Đấy là hai thứ cô thiếu hụt trong thực tế, chỉ có giấc mơ mới hào phóng ban tặng cho cô những thứ đó. Với cô “Tôi sống ban ngày như một cái bóng. Ban đêm mới là cuộc sống thực. Trong mơ. Tôi được yêu. Được đi ra khỏi căn nhà ảm đảm không ánh sáng. Được làm những gì cuộc sống thực tôi không có…Giấc mơ của tôi là những gì tôi không có ở ban ngày nhưng không thực hiện được”. Cuộc sống của cô đảo ngược, cô không chờ bình minh mà “mong cho ngày qua để đêm đến, tôi nằm thẳng trên gường, chuẩn bị cho cơn mộng mị. Tôi thích sống trong những cơn mê ngủ…”. Toàn truyện Người đi tìm giấc mơ là những giấc mơ của nhân vật “tôi” được kết nối lại, nhưng không phải mọi giấc mơ đều đẹp, đều hạnh phúc, đều cho nhân vật những gì mình mong muốn. Giấc mơ nào cũng kết thúc bằng cảnh tượng hãi hùng, khủng khiếp. Bắt được vàng thì ngã dúi vào vỉa hè bên đường, mồm đầy máu; được anh chàng hàng xóm tặng bó hoa lại là bó hoa xanh kì dị lạ lùng biến thành cả bó lửa bùng bùng cháy, thiêu giụi giá sách cho thuê của cô; được anh chàng cầu hôn mơn trớn thì lại bị chính anh ta ném xuống biển và bị những cơn sóng cuốn đi; giấc mơ cuối cùng cô mơ đi khỏi nhà, cô gặp những người trong gia đình đã chết từ lâu, họ lấy những cái gàu múc phân dội thẳng vào mặt cô. Kết thúc những giấc mơ là “tôi hét lên và tỉnh dậy”, “người tôi ướt đẫm mồ hôi. Tôi sợ hãi ngồi bật lên, ngửi quần”. Từ giấc mơ của cô gái có thể thấy cô đã mơ được công bằng, được xinh đẹp và được yêu. Đó là khao khát lớn nhất của cuộc đời cô mà dưới ánh sáng ban ngày cô không dám mơ điều đó. Nhưng hạnh phúc, tiền bạc, tình yêu cũng chỉ là ảo tưởng hão huyền, đầy bất trắc. Giấc mơ cũng không thể cứu cánh cho cuộc đời cô. Mặc cảm đã ăn sâu vào tâm hồn cô. Tất cả đều là ám ảnh nỗi cay đắng của kẻ tự thấy mình đầu thai nhầm kiếp. Đó là ám ảnh không lối thoát, là khao khát đổi đời nhưng giấc mơ vẫn cứ luẩn quẩn bám riết vì “tính sợ người cố hữu, cái nghèo hèn của đứa trẻ mồ côi từ bé”. Trở đi trở lại trong giấc mơ của cô là “tôi mơ thấy mình đi ra đường bằng đôi chân như hai củ sắn bóc trắng đã ngâm nước cho hết nhựa, đôi chân người ấy”, “tôi mơ…người ấy hiện ra bằng đôi chân trắng muốt”. Mơ về “người ấy” – một người duy nhất cầu hôn với cô, một chàng trai bị teo chân đi xe lăn thô lỗ cục cằn. Thật bất hạnh cho cô, hạnh phúc cũng là bất hạnh, thiên đường cũng là địa ngục, tất cả cứ dày vò cô khiến nảy sinh bao liên tưởng khao khát. Tuy vậy, cũng chính nhờ những giấc mơ ấy mà cô mới
sống được. Cô đi tìm sự an ủi trong những cơn mơ. Sống những ngày ở nhà chồng là một chuỗi ngày đầy tủi nhục, cô bị hành hạ, đánh đập, cuối cùng bị đuổi ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng, với bộ dạng của người điên. Có thể nói, Người đi tìm giấc mơ là câu chuyện cảm động, là sự cảm thông và tình thương trước một số phận đau thương đến tột cùng. Người bình thường khi trông thấy một cô gái trẻ bị điên, trần truồng đi giữa phố, ai cũng thấy đau đớn ngoảnh đi, nhưng chúng ta ít khi nghĩ đến những duyên cớ có thể đưa người con gái đến cảnh đau thương đó, như cách nhìn, cách cảm nhận của Thu Huệ.
Đôi giày đỏ cũng là câu chuyện về giấc mơ. Giấc mơ của cô gái mơ thấy cảnh đưa mẹ đi lấy chồng. Hai mẹ con đi trên một con sông mùa nước lũ đến một ngôi làng nơi có người đàn ông đang chờ. Đó chính là hình ảnh ám ảnh cả hai mẹ con và đặc biệt là con gái đang ở độ tuổi mới lớn. Một dòng sông chưa biết, một cái làng chưa biết, bởi chúng chỉ có trong ba lô kỷ niệm của người cha ra chiến trường, chưa một lần thổ lộ với con gái. Con đường tâm linh vô thức nào , sự thông hiểu nào đã đưa vào giấc mơ cô tất cả những điều đó một cách chính xác đến vậy, khiến mẹ cô phải băn khoăn: “Con sông mà mẹ con mình đi qua, những đồi cát và nghĩa trang trong mơ của con, là nơi ngày xưa, bố chiến đấu ở đó để giữ đất Quảng Trị. Năm bảy tám, bố lại đi Tây Ninh mà không bao giờ về nữa. Mẹ cũng không hiểu tại sao, con lại mơ thấy điều đó”. Phải chăng giữa người âm và người dương có sợi dây kết nối, có mối liên hệ bí ẩn nào đó mà không giải thích được. Giấc mơ cũng chính là trăn trở của người vợ góa chồng đã lâu: “Đi bước nữa hay ở vậy thờ chồng? Liệu đi bước nữa có hạnh phúc không? Liệu người chồng nơi chín suối có thuận lòng hay không?”. Nỗi lo âu, sự suy nghĩ hướng vào người đã quá cố. Hình ảnh đôi giày đỏ và tiếng cười của ông bố - người chồng được hiểu là sự dằn dỗi, hờn trách. Giấc mơ đã trả lời. Người mẹ thất thểu với bọc quần áo với mấy bông hồng héo chẳng thể tìm được hạnh phúc nào ở ngôi làng sau nghĩa địa với căn nhà hoang và người đàn ông có quan niệm hạnh phúc kỳ quái. Giấc mơ của con gái khiến người mẹ tin vào điều ấy, bà thấy không thể nào mà đi bước nữa vì dường như nơi suối vàng có tiếng nói hờn trách của chồng. Bà lại bàn thờ thắp ba nén hương: “Em lạy anh…anh mất đã mười bốn năm. Em nuôi con khôn lớn, ăn học. Mai con mười tám tuổi em định làm mâm cơm xin
phép anh cho em đi bước nữa. Một mình, em cô đơn lắm, anh lại không về…Nhưng sự đã thế này em chẳng đi đâu nữa. Em ở nhà, thờ anh”. Giấc mơ của cô gái trong Đôi giày đỏ thực chất là băn khoăn và khao khát của người mẹ nhiều năm góa bụa. “Đôi giày đỏ” là biểu tượng của hạnh phúc, nhưng từ khi có chủ nhân, nó không kịp được dùng. Hạnh phúc vẫn bị giữ chặt, đè nén và bất chợt ùa về trong mơ.
Nếu giấc mơ là sự giải tỏa ẩn ức, đem lại cho người ta sự mãn nguyện, hay nói đúng ra là ảo ảnh của sự mãn nguyện thì có lẽ, người ta cũng được an ủi phần nào. Với Nguyễn Thị Thu Huệ, giấc mơ không chỉ đem lại những gì người ta mong muốn, giải tỏa dục vọng mà còn là những ám ảnh, dằn vặt, băn khoăn. Trong giấc mơ con người không chỉ mỉm cười sung sướng mà còn cả những lo âu, hãi hùng, ghê sợ, buồn đau và cả những day dứt đắn đo. Khám phá những tầng vỉa chìm sâu của đời sống tâm lý, Nguyễn Thị Thu Huệ đã thể hiện quan niệm về con người với đời sống tâm linh bí ẩn như là một thế giới huyền bí nhưng có cơ sở hiện thực.
Con người với đời sống tâm linh trong truyện ngắn của Thu Huệ không chỉ lên tiếng trong giấc mơ mà nó còn thể hiện niềm tin của nhân vật vào những điều thiêng liêng bí ẩn. Người đàn bà trong Người đi tìm giấc mơ có niềm tin hoàn toàn vào sự hóa kiếp mỗi khi cầm dao cắt tiết gà. Bởi vậy mỗi lần cắt tiết gà, bà thường lẩm bẩm: “Hóa kiếp cho mày, mày đừng oán tao, đừng làm kiếp gà bị cắt cổ mãi mãi”. Cũng bởi tin như thế, bà nhắc nhở cháu gái: “Cháu không được đổ cơm thừa ra cống. Kiếp sau sẽ thành con vịt suốt đời mò cơm rơi cơm vãi mà ăn. Có vay, có trả, đừng ác độc, trời thương cháu ạ!”. Trong truyện của Thu Huệ, người bà luôn đóng vai trò quan trọng, người già thường sống về tâm linh. Vì thế, hầu như người già nào cũng đều tin vào số phận, điều thiêng liêng “Bà luôn tin rằng, người ta khi từ giã kiếp người, họ sẽ hóa thành những thiên thần với hai cánh mỏng tang, bay vi vút trên cao”.
Có thể bạn quan tâm!
- Cái Nhìn Đa Chiều Về Cuộc Sống Trong Truyện Ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ
- Cái Nhìn Đa Diện Về Con Người Trong Truyện Ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ
- Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ - 7
- Không – Thời Gian Nghệ Thuật Trong Truyện Ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ
- Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ - 10
- Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ - 11
Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.
Trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, nhiều giấc mơ được đẩy vào địa hạt huyền bí là điềm báo cho tương lai, là sự mách bảo khiến người trần mắt thịt lo âu, tìm cách hóa giải. Khi cháu gái mơ bắt được chỉ vàng, người bà lo lắng về điềm gở “mơ thấy vàng là độc lắm, lại chảy máu răng nữa….trời ơi, nhà tôi có điều gì đây hả trời”. Bà run sợ “Ra bàn thờ khấn vái xì xụp”. Khi cháu mơ về bó hoa xanh bỗng
thành bó lửa cháy rực giá sách bà khẳng định ngay: “bọn đánh đề…mơ thấy cháy nhà là tính đúng số đề…cháu cẩn thận cái hố xí kẻo nó vỡ, nước bắn tràn vào nhà. Nước với lửa là đối nghịch”. Giấc mơ đã trở thành một phần sức mạnh chi phối cuộc sống của hai bà cháu. Nhiều khi giấc mơ, những cảm nhận vô thức lại trở thành sự lựa chọn, quyết định số phận cuộc đời con người. Người ta phó thác cho số mệnh, sự sống, hạnh phúc của mình cho giấc mơ, điềm báo. Giấc mơ cuối cùng của cô gái (Người đi tìm giấc mơ) ngập mùi xú uế, khiến cô kinh hoàng thét lên thì bà cô lại sung sướng như tìm được lối thoát: “cháu ơi! bà cháu mình sắp sướng rồi. Suốt cả đời, bà chỉ mơ thấy cứt một lần, bà buôn lãi được mấy thúng gạo tám…ngày ngày bà mong thấy cứt mãi mà không được. Mơ thấy điều đó là may…càng thối càng tốt cháu ạ”. “Bà tin chắc điềm may…càng thối càng tốt cháu ạ”. Bà tin chắc điềm may sẽ đến với bà, với cháu gái đến mức không làm gì cả, đóng cửa hàng, mua gà về cúng tổ tiên và ngồi chờ vận may. Bà “sung sướng chờ đợi một cái gì vô hình đang bay trên không trung, như thể nó đang lượn vòng vèo tìm chỗ đậu xuống mái nhà”. Và người ấy – chàng trai con nhà giàu, bị liệt đã đến. Nhờ giấc mơ, anh ta đã trở thành vị cứu tinh, là sự lựa chọn không được phép nghi ngại, đắn đo, cân nhắc. Vì giấc mơ, cháu gái bà lấy chồng.
Còn giấc mơ của cô con gái trong Đôi giày đỏ chính là sự cảm thông những khát khao của người mẹ góa chồng. Nhưng chính giấc mơ và đôi giày đỏ lại như tiếng nói từ thế giới bên kia vọng về. Nụ cười của người chồng như nhắc lại sự gắn bó, ràng buộc. Tin vào điều đó, người vợ đã quyết định ở vậy suốt đời. Giấc mơ trở thành con đường thông linh với người quá cố, thành nơi gặp gỡ trao đổi những tâm tình.
Con người trong truyện ngắn của Thu Huệ thường rất nhạy cảm tinh tế bởi họ biết nhìn sâu vào tâm hồn mình, biết lắng nghe chính mình, và lắng nghe xung quanh. Nhờ vậy mà thế giới tâm hồn họ được khơi sâu. Cuộc sống thời hiện đại đầy bon chen và khốc liệt, bởi vậy con người thường tìm đến điểm tựa tâm linh mong tìm thấy sự cân bằng trong tâm hồn. Con người trong truyện của Thu Huệ luôn có niềm tin vào sức mạnh diệu kì, mang dáng vẻ huyền bí thiêng liêng nhưng cũng rất mực gần gũi.
Nguyễn Thị Thu Huệ đã thể hiện một quan niệm về đời sống tâm linh bí ẩn của con người như là một thế giới huyền bí có cơ sở hiện thực. Chị là người phụ nữ tin vào đời sống tâm linh vô thức và chịu sự chi phối của nó vào số phận mỗi con người. Yếu tố tâm linh vô thức không chỉ có ý nghĩa về nội dung góp phần thể hiện quan niệm của nhà văn về con người mà còn tạo nên nét riêng về thi pháp truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ. Từ việc khám phá những bình diện vô thức, tâm linh trong con người, chị đã xây dựng được những nhân vật phức hợp, nhiều chiều thể hiện quan niệm về con người cá thể thật hấp dẫn và có chiều sâu.
Chương 3
NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN THỊ THU HUỆ
3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
Không cầu kì, phức tạp trong cách miêu tả và thể hiện con người, nhưng các nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ là hết sức sống động và ám ảnh. Tất cả các nhân vật của chị dường như đều sống với tận cùng tính cách của chính mình. Có được điều đó là nhờ nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo, mang dấu ấn của một phong cách riêng.
3.1.1. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật
Ngoại hình là một khái niệm dùng để chỉ toàn bộ những biểu hiện tạo nên dáng vẻ bên ngoài của nhân vật, từ diện mạo, trang phục, hình dáng cho đến cử chỉ, tác phong…Văn học thường sử dụng các chi tiết để miêu tả chân dung, ngoại hình của nhân vật, sự miêu tả ấy có thể được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua người kể chuyện hoặc qua cái nhìn của một nhân vật khác. Để nhân vật trở nên sinh động, hấp dẫn đối với người đọc thì ngoài hoạt động, tính cách, thế giới nội tâm thì ngoại hình của nhân vật đóng vai trò khá quan trọng, bởi “ngoại hình nhân vật được thể hiện sinh động sẽ góp phần bộc lộ tính cách nhân vật, đặc biệt nó có tác dụng khá rõ trong việc cá biệt hóa nhân vật” [7 -134].
Người xưa thường có câu “Nhìn mặt mà bắt hình dong”, ngoại hình cũng gợi liên tưởng tới tính cách, phẩm chất con người. Từ đó, Thu Huệ kết hợp việc sử dụng ngôn ngữ đặc tả, so sánh ví von để khắc họa ngoại hình nhân vật. Và trong các truyện ngắn của chị cũng đã có khá nhiều nhân vật gây được ấn tượng với độc giả bằng ngoại hình. Anh chàng thi sĩ trong Tình yêu ơi, ở đâu? có “bộ mặt gầy và xanh, môi chàng thâm lại vì rượu. Những cái râu mọc xiên xẹo, không hàng lối,…tóc rối tung trên đầu, áo quần xộc xệch” dường như đối lập hẳn với Bình –một anh bộ đội phục viên “có khuôn mặt đẹp một cách cứng cỏi, rất đàn ông” và “giọng anh trầm ấm, chắc nịch. Mái tóc anh lấm tấm bạc. Khuôn mặt trầm tĩnh, đôi môi rộng, khi cười trông sang trọng và quyến rũ. Nhìn anh, nguời ta có thể gửi cả lòng tin của mình. Anh bình thản nói chuyện chứ không vồ vập hay bẻm mép”. Giữa hai người đàn ông
ấy, việc Quyên lựa chọn ai làm chồng là điều không cần phải đắn đo, suy nghĩ. Anh chàng thi sĩ nọ không thể và không bao giờ có thể mang lại một gia đình chăm sóc chu đáo cho Quyên được. Điều đó Quyên chỉ có thể tìm thấy ở Bình – một người đàn ông trách nhiệm, đặc biệt là khi được chứng kiến căn nhà nhỏ được bố trí gọn gàng ngăn nắp của Bình, Quyên càng thêm tin tưởng anh. Hay Nàng trong X – Men có mùi trường đua, là cô gái “cao một mét bảy, tóc suôn dài, mặt đẹp, da không mụn hay ghẻ lở ngày bé để lại dấu vết, xuất thân từ người mẫu thời trang bỏ nghề, đọc sách tâm lý tình cảm nhiều, đọc báo hàng ngày, xem ti vi các chương trình thời sự, phóng sự, nàng có giá riêng”, điều đó lý giải vì sao Nàng lại được nhiều người đàn ông say mê và tìm kiếm…Có thể thấy trong miêu tả ngoại hình, Nguyễn Thị Thu Huệ đã không sao chụp máy móc chân dung các nhân vật mà chỉ phác họa bằng một vài nét thoáng qua ấy lại có giá trị tạo hình, có ý nghĩa lớn trong việc bộc lộ con người nhân vật.
Khi nhìn nhận người phụ nữ ở những cái thuộc về thiên tính, cũng giống như các nhà văn cùng thế hệ, truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ quan tâm nhiều đến vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ và những nhu cầu bản năng của họ. Là vẻ đẹp của làn da, của bộ ngực, đôi chân, những đường cong cơ thể. Đó là vẻ đẹp tự nhiên mà tạo hóa ban tặng cho người phụ nữ, đánh thức ở họ những khát khao nhục cảm rất người. Khi họ ý thức được vẻ đẹp ấy, cũng có nghĩa là họ ý thức được giá trị của mình. My (Thiếu phụ chưa chồng) mang một “vẻ đẹp của cô gái thôn quê khỏe mạnh đang tuổi dậy thì…Người My thấp, chắc lẳn…Khuôn mặt tròn. Hai mắt to. Môi dày và đỏ. Ngực to hông nở. Bà Ngài bên hàng xóm bảo My có bộ ngực và cái mông giết đàn ông…”, hay Phượng (Sơ ri đắng) có chiếc “cổ cao và thanh, những ngón tay bé xíu…Cặp đùi nhỏ và tròn…kẻ thèm khát dục vọng thì thấy ở em sự đam mê cuồng dại…”, còn nhân vật “tôi” trong Rồi cũng tới nơi thôi lại có “cái bụng béo và mát” “mông béo cũng mát lại tròn”. Đó là vẻ đẹp căng tràn sự sống, vẻ đẹp của tuổi thanh xuân mà tạo hóa ban tặng cho họ. Ca ngợi vẻ đẹp tự nhiên, quyến rũ của người phụ nữ, Thu Huệ muốn qua đó để nói về sự khao khát đời sống bản năng trong sạch của người phụ nữ.
Bằng những chi tiết miêu tả ngoại hình có chọn lọc, Nguyễn Thị Thu Huệ đã mang đến cho nhân vật của mình sự sinh động riêng. Sự sinh động ấy của nhân vật cũng đã chứng tỏ nỗ lực tìm tòi, khám phá của tác giả về những biểu hiện khác nhau trong đời sống, tính cách con người khi nhà văn coi con người là chất liệu của nhận thức và sáng tạo nghệ thuật.