2.3.2. Đặc điểm sinh vật học và sinh thái học cây Huỷnh
Theo Phạm Hoàng Hộ (1999) [28] Huỷnh là loài cây gỗ lớn, đường kính ngang ngực có thể đạt trên 1m, thân cây thẳng, hình dáng thân cây đẹp, chiều cao vút ngọn có thể đạt tới 30m. Thân tròn, thẳng, gốc có bạnh vè, vỏ trắng bạc, có nhựa trong, ưa sáng, thuộc loài cây dễ tính, mọc được những nơi đất nghèo dinh dưỡng, đất đá không ngập nước. Cây sinh trưởng thuộc loại trung bình. Lá kép chân vịt, có từ 3 đến 7 lá chét nhỏ, hình trứng hai đầu nhọn, dài từ 12cm đến 17cm, chiều rộng từ 4cm đến 8cm, mặt trên nhẵn, mặt dưới phủ vảy bạc. Cuống lá dài từ 8cm đến 20cm. Hoa nhỏ, nhiều, đơn tính, xếp thành chùy ở nách lá. Hoa không cánh tràng, không có nhị lép. Đài hình chuông, ngoài phủ lông hình sao, 10 nhị đực, hợp thành trục. Hoa không có triền, bầu hoa gồm từ 3 đến 5 tâm bì rời, mỗi ô 1 noãn. Quả có cánh dài từ 6cm đến 8cm, chiều rộng từ 1,5cm đến 3cm, có 1 hạt. Khi cây Huỷnh có từ 25 năm đến 30 năm tuổi cho ra hoa, có quả và thường hàng năm ra hoa rất nhiều. Cây thường ra hoa vào tháng 1, tháng 2, quả chín vào tháng 6 và tháng 7 trong năm. Gỗ có lõi màu đỏ, giác màu nâu, thớ mịn, thẳng, mềm, co vừa, dễ uốn, khá bền và dẻo. Gỗ nặng, quý, chịu sơn, chịu va chạm, không mối mọt, chịu nước mặn dùng để đóng thuyền, dùng trong xây dựng và đóng đồ trong gia đình. Gỗ được ưa chuộng trong xây dựng nhà cửa, đóng đồ mộc dân dụng, làm đồ trạm trổ. Là loại gỗ được xếp vào nhóm III theo phân loại nhóm gỗ Việt Nam (1997, 1998), [5], nhưng hiện nay loài này còn trong tự nhiên rất ít chủ yếu ở các khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt.
Huỷnh là cây ưa sáng, mọc tương đối nhanh, chiếm tầng trên của rừng, thường sống hỗn loài với Gụ, Trường, Trám, Chò, Ràng ràng, Chẹo, Bưởi bung. Huỷnh thích hợp với các loại đất vàng đỏ phát triển trên đá mẹ granít, phiến thạch mica, phiến thạch sét. Cây ưa đất tốt, độ dầy tầng đất sâu, độ ẩm
cao, còn tính chất đất rừng. Tuy nhiên, nó cũng sống được ở những nơi có tầng đất mặt nông mỏng từ 20cm đến 40cm. Khi nhỏ Huỷnh thích hợp với ánh sáng nhẹ. Huỷnh tái sinh khá trong vùng phân bố tự nhiên, đặc biệt rừng sau khai thác có độ tàn che 0,3% đến 0,8%, số lượng cây tái sinh từ 1.000 đến
1.500 cây/ha với đủ các cấp chiều cao. Lượng tăng trưởng bình quân hàng năm của Huỷnh ở rừng trồng có thể đạt từ 0,9cm đến 1,0cm về đường kính và 80-90cm về chiều cao. Từ tuổi 5 đến tuổi 12 có tốc độ sinh trưởng chiều cao và đường kính nhanh nhất, tương ứng 90-130cm/năm và 1,4-2,0cm/năm.
2.3.3. Đặc điểm phân bố và giá trị sử dụng
- Trong nước: loài Huỷnh phân bố tự nhiên từ nam đèo Ngang đến Tây Nam Bộ ở những nơi có độ cao dưới 300m so với mực nước biển, không quá xa với khu vực biển, nơi có nhiệt độ bình quân năm từ 22oC đến 26oC, lượng mưa bình quân năm từ 1.500mm đến 2.500mm.
Loài cây Huỷnh thường gặp phân bố ngoài tự nhiên chủ yếu là ở rừng thường xanh ở các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Vườn Quốc gia Bạch Mã, Đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang, Đồng Nai [9], Kon Tum (Sa Thầy, Đắk Pook), Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Dương.
Có thể bạn quan tâm!
- Đặc điểm lâm học của loài cây Huỷnh Heritiera javanica Blume Kosterm. phân bố tự nhiên tại Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai - 1
- Đặc điểm lâm học của loài cây Huỷnh Heritiera javanica Blume Kosterm. phân bố tự nhiên tại Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai - 2
- Nghiên Cứu Về Đặc Điểm Sinh Vật Học, Sinh Thái Học
- Điều Tra Và Lập Ô Tiêu Chuẩn Hình 3.3. Nhóm Giám Định Cây Rừng
- Tổng Hợp Các Loại Đất Chính Tại Kbt Tn&vh Đồng Nai
- Đặc Điểm Hình Thái Cơ Bản Về Cây Huỷnh Tại Khu Bảo Tồn
Xem toàn bộ 141 trang tài liệu này.
- Trên thế giới: phân bố tự nhiên ở các nước như: Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Philippines.
- Giá trị sử dụng: gỗ Huỷnh có màu hồng, vân gỗ màu nâu đẹp, phẩm chất tốt và giác lõi phân biệt. Giác gỗ màu nâu, lõi màu đỏ, gỗ cứng, nặng, tỷ trọng 0,65 - 0,72. Gỗ có thớ mịn, thẳng, bền, ít cong, vênh, không bị mối mọt, chịu được va đập mạnh, chịu mặn, thường được dùng trong xây dựng, đóng tàu thuyền và dùng đóng đồ dùng cao cấp trong gia đình (bàn, ghế, giường, tủ), dùng trong điêu khắc và trong xây dựng.
- Tình trạng bảo tồn: do gỗ Huỷnh là loài gỗ quý nên bị săn lùng khai thác liên tục, số lượng cá thể trưởng thành tại tự nhiên giảm sút rất nhanh và trở nên khan hiếm. Khu vực phân bố tự nhiên bị tác động mạnh, tình trạng chặt phá rừng, khai thác gỗ trái phép còn diễn ra trên quy mô lớn, tình hình quy hoạch khu công nghiệp, đô thị chưa thực sự hợp lý dẫn đến diện tích tự nhiên nơi có phân bố loài cây Huỷnh bị thu hẹp.
Loài cây Huỷnh hiện nay có nguy cơ bị tuyệt chủng cao (do bị khai thác nhiều). Vì vậy, loài cây Huỷnh đã được đưa vào sách Đỏ Việt Nam (2007) những loài cây quý, hiếm cần được bảo tồn [62].
Thảo luận chung
Điểm qua các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy, nghiên cứu bảo tồn gen, nghiên cứu đặc điểm lâm học của thực vật rừng đã được quan tâm nhiều, các loài gỗ quý, hiếm được nhân giống và bảo tồn. Tuy nhiên, tại Khu Bảo tồn đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào về đặc điểm lâm học loài Huỷnh.
Vì vậy, để làm cơ sở bảo tồn nguồn gen có giá trị cao và có nguy cơ tuyệt chủng cao ở Khu Bảo tồn cũng như trong cả nước, các vấn đề nổi lên cần phải được làm rõ:
- Thứ nhất là mối quan hệ giữa phân bố cây Huỷnh với các nhân tố sinh thái ảnh hưởng tổng hợp, làm cơ sở quy hoạch vùng bảo tồn nội vi (Insitu) loài này.
- Thứ hai là mối quan hệ giữa các yếu tố sinh thái, tiểu hoàn cảnh rừng đến khả năng tái sinh Huỷnh làm cơ sở bảo tồn nội vi (Insitu) và bảo tồn ngoại vi (Exsitu).
Do đó, cần có các nghiên cứu về nhiều mặt để bảo tồn cũng như phát triển cây Huỷnh, nhằm ngăn chặn đà diệt chủng của loài này, cung cấp sản
phẩm của nó cho đời sống nhiều mặt của con người. Vì vậy, đề tài nghiên cứu này được tiến hành với mong muốn góp thêm một phần cơ sở dữ liệu, thông tin
Chương 3
MỤC TIÊU, GIỚI HẠN, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP
NGHIÊN CỨU
3.1. Mục tiêu nghiên cứu
- Xác định được một số đặc điểm lâm học cơ bản của loài Huỷnh ở lâm phận Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai.
- Đề xuất được một số giải pháp định hướng góp phần bảo tồn và phát triển loài cây Huỷnh tại khu vực nghiên cứu.
3.2. Giới hạn nghiên cứu
- Phạm vi nghiên cứu: đề tài tập trung nghiên cứu trong phạm vi 67.904 ha đất lâm nghiệp Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
- Đối tượng nghiên cứu: cây Huỷnh (Heritiera javanica (Blume.) Kosterm) bộ (Tarrietia) phân bố tự nhiên tại Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hòa Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai.
- Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 11/2016 đến 4/2017.
3.3. Nội dung nghiên cứu
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, đề tài tiến hành nghiên cứu các nội dung
sau:
3.3.1. Nghiên cứu đặc điểm khu vực phân bố tự nhiên của loài Huỷnh
- Điều kiện khí hậu nơi có loài Huỷnh phân bố tự nhiên;
- Trạng thái rừng và điều kiện địa hình, đất đai nơi có loài Huỷnh phân
bố.
3.3.2. Nghiên cứu đặc điểm cấu trúc của các lâm phần nơi có cây Huỷnh phân bố tự nhiên
- Cấu trúc tổ thành tầng cây cao của các lâm phần;
- Đặc điểm phân bố n/D1.3; n/Hvn của các lâm phần;
- Các đặc trưng quan hệ Hvn, Dt, D1.3 của các lâm phần;
3.3.3. Nghiên cứu đặc điểm tái sinh và tổ thành cây gỗ đi kèm với loài Huỷnh trong lâm phần
- Đặc điểm tái sinh dưới tán các trạng thái rừng;
- Đặc điểm tái sinh tự nhiên xung quang cây mẹ;
- Tổ thành cây gỗ đi kèm với loài Huỷnh trong lâm phần.
3.3.4. Đề xuất một số giải pháp góp phần bảo tồn và phát triển loài cây Huỷnh tại khu vực nghiên cứu
3.4. Phương pháp nghiên cứu
3.4.1. Quan điểm phương pháp luận
Theo Ponitovxxkaia (1961) [59] khi nghiên cứu sâu sắc về những quần xã thực vật phải nghiên cứu tường tận đặc điểm sinh thái học của từng cá thể và các loài cây, về mối quan hệ giữa chúng với hoàn cảnh, chỉ có làm như vậy thì những tính chất đặc thù của quần thể thực vật mới có thể phát hiện được, mới được làm nổi bật.
Trong thực tiễn, nghiên cứu các đặc điểm lâm học của loài cây có nhiều quan điểm khác nhau như: (1) Nghiên cứu theo hướng tập trung vào cá thể loài; (2) Nghiên cứu theo hướng tập trung vào quần thể loài; (3) Nghiên cứu theo hướng trung hòa hai quan điểm trên. Thái Văn Trừng (1999) cho rằng “Tuy có sự khác nhau giữa hai quan điểm cá thể và quần thể nhưng không phải là mâu thuẫn tuyệt đối, vì muốn nghiên cứu sâu sắc những quần thể thực vật thì phải nghiên cứu tường tận về sinh thái học và sinh học của từng cá thể và các loài cây, về quan hệ giữa chúng với hoàn cảnh. Chỉ có làm như vậy thì những tính chất đặc thù của quần thể thực vật mới có thể được phát hiện, vai trò của cá thể các loài cây mới được làm nổi bật [51]. Chính vì vậy, quan điểm thứ ba về sự trung hòa của hai quan điểm cá thể loài và quần thể loài là quan điểm được sử dụng trong nghiên cứu này.
Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, thực vật có tính thích ứng riêng với điều kiện hoàn cảnh và môi trường sống. Do vậy, mỗi loài thực vật đều có sự phân bố riêng của mình. Từ khi tái sinh, sinh trưởng, phát triển cho đến khi bị diệt vong, cây rừng luôn ở một vị trí nhất định, toàn bộ quá trình biến đổi của cây theo hoàn cảnh và mọi tác động trở lại với cây đều xẩy ra trong hoàn cảnh và môi trường sống của chúng. Vì vậy, khi nghiên cứu về đặc điểm sinh vật học của loài cây không gì tốt hơn là đến tận nơi có cây mọc tự nhiên để nghiên cứu.
Ngoài ra, giữa các loài cây luôn tồn tại mối quan hệ qua lại đặc biệt là rừng hỗn giao nhiệt đới rất phức tạp. Các mối quan hệ có thể là hỗ trợ hoặc cạnh tranh. Để nghiên cứu đầy đủ các mối quan hệ này cần phải có thời gian rất dài, vì vậy đề tài sử dụng phương pháp thực nghiệm sinh thái học để tìm hiểu các mối quan hệ đó. Trong thực tiễn để nghiên cứu đặc điểm lâm học của cây thường có hai cách:
- Những cây có kích thước bé, những cây có tuổi đời ngắn thường được gieo trồng nhân tạo và có các trang thiết bị khống chế, điều tiết các nhân tố sinh thái như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, đất, phân bón....Sử dụng phương pháp này thường nhanh chóng đạt kết quả, độ chính xác phụ thuộc vào các thiết bị trang bị.
- Đối với những cây rừng thường sống lâu năm và có kích thước lớn, các phương pháp nghiên cứu thực nghiệm như với cây ngắn ngày chỉ phù hợp với cây khi còn nhỏ (cây mầm, cây mạ và cây con), còn ở giai đoạn cây thành thục thì gặp rất nhiều khó khăn. Để tiến hành nghiên cứu đặc điểm lâm học của loài ở giai đoạn cây lớn có hai cách thực hiện:
+ Tiến hành nghiên cứu trên các cây tiêu chuẩn hay ô tiêu chuẩn cố định ở điều kiện hoàn cảnh cụ thể nào đó để rút ra kết luận với thời gian lâu dài liên tục nhiều năm.
+ Để rút ngắn thời gian người ta tiến hành nghiên cứu các đặc tính của loài cây ở các giai đoạn tuổi khác nhau trên nhiều cây tiêu chuẩn, trên các ô tiêu chuẩn tạm thời trong một hoàn cảnh sinh thái xác định với phương châm “lấy không gian thay thế thời gian”, đây là phương pháp thường dùng trong lâm nghiệp. Kết quả nghiên cứu đạt được nhanh nhưng độ chính xác còn hạn chế, phụ thuộc vào hoàn cảnh tự nhiên và công việc thực hiện.
Trên cơ sở lý luận đó và dựa vào điều kiện thực tế đề tài này sử dụng phương pháp kế thừa các kết quả nghiên cứu đã công bố, tiến hành nghiên cứu bổ sung các nội dung còn thiếu và những vấn đề có liên quan, sau đó phân tích các số liệu điều tra để xây dựng cơ sở khoa học, đề xuất định hướng một số biện pháp kỹ thuật lâm sinh phù hợp để gây trồng nuôi dưỡng rừng tự nhiên có loài Huỷnh ở khu vực nghiên cứu.
3.4.2. Phương pháp thu thập số liệu
3.4.2.1. Phương pháp tiếp cận và sơ đồ khái quát quá trình nghiên cứu
Đối với các nội dung điều tra, đề tài tiến hành tiếp cận nắm bắt thông tin ban đầu thông qua cán bộ Khu Bảo tồn, kiểm lâm sở tại và người dân địa phương, kết hợp với các tài liệu sẵn có về rừng tự nhiên ở Khu Bảo tồn. Từ đó, tiến hành điều tra trên thực địa.