Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Sự Hình Thành Chợ Nổi


trên ghe, xuồng, tàu, bè trong một khoảng thời gian nhất định. Trên mặt chợ nổi có đủ chủng loại hàng hóa và dịch vụ, nhưng chủ lực là nông sản”.

Không chi tiết như định nghĩa của Nhâm Hùng, Ngô Văn Lệ [28, tr. 6] chỉ xem xét chợ nổi ở góc độ địa điểm họp chợ và phương tiện được sử dụng trong đi lại và mua bán. Theo đó, “Chợ nổi là một loại hình chợ họp trên sông, nơi cả người bán và người mua đều dùng ghe, thuyền làm phương tiện vận tải và di chuyển”.

Buakwan và Visuthisamajarn [92] tiếp cận chợ nổi ở góc độ không gian, thành phần tham gia, loại phương tiện vận chuyển và cách sống của người dân, theo đó, chợ nổi là nền tảng không gian trao đổi sản phẩm giữa người bán và người mua bằng thuyền/tàu nhỏ và thể hiện lối sống truyền thống của người dân.

Nhấn mạnh yếu tố bản chất của chợ nổi và phương tiện được sử dụng trong mua bán, Charoenphon và cộng sự (2011; dẫn theo [87]) cho rằng, chợ nổi là loại chợ mà hoạt động giao thương diễn ra trên sông, hàng hóa được vận chuyển bằng bè/mảng hoặc tàu.

Ngoài ra, Hoàng Phê và cộng sự [40], Trần Ngọc Thêm và cộng sự [57], Huỳnh Công Tín [67] cũng đề cập đến khái niệm về chợ nổi. Nhìn chung, chợ nổi bao gồm các thuộc tính: là một loại chợ, nhóm họp trên sông, phương tiện đi lại và chuyên chở hàng hóa là ghe/xuồng/thuyền. Từ đó, có thể hiểu, chợ nổi là điểm mua bán tập trung trên sông, ở nơi ấy, các hoạt động đi lại, mua bán đều được thực hiện bằng ghe, xuồng, thuyền và thể hiện sinh kế, lối sống truyền thống của người dân.

1.2.1.2. Vai trò và chức năng của chợ nổi

Chợ nổi là địa điểm người dân tập trung mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ nên có những vai trò như sau:

Cấu thành mạng lưới thương nghiệp xã hội. Tất cả những nơi tiêu thụ hàng hóa của người/doanh nghiệp sản xuất và phục vụ nhu cầu mua sắm chủ yếu của người dân được xem là mạng lưới thương nghiệp xã hội. Chợ nổi là nơi tập trung, cung ứng hàng hóa và mua bán của người dân nên là một bộ phận cấu thành quan trọng của mạng lưới thương nghiệp xã hội bên cạnh hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống và cửa hàng bán lẻ.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 225 trang tài liệu này.

Làm tăng ý thức của người dân về kinh tế hàng hóa. Nền kinh tế có sự phân công lao động và trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa người này với người khác được xem là nền kinh tế hàng hóa. Chợ nổi được hình thành do yêu cầu khách quan của hoạt động sản xuất và trao đổi hàng hóa nên yếu tố kinh tế hàng hóa luôn hiện hữu ở chợ nổi. Nhờ vào các buổi chợ, người dân có cơ hội mua bán, trao đổi, tiêu thụ hàng hóa, đồng thời, cập nhật thông tin, tích lũy kinh nghiệm kinh doanh, qua đó, có sự phản ứng nhanh nhạy với xu thế thị trường, tự ý thức được công việc buôn bán của mình trong thương trường đầy sự cạnh tranh.

Tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương. Chợ nổi không chỉ là điểm mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân mà còn là nơi viếng thăm của du khách. Nhờ đó, địa phương có được nguồn thu cho ngân sách thông qua việc thu thuế, phí từ hoạt động mua bán của người dân thương hồ, hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của người dân, doanh nghiệp.

Chợ nổi và khai thác chợ nổi phục vụ mục đích du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long - 5

Thúc đẩy sự phát triển nhiều ngành nghề sản xuất. Các ngành nghề sản xuất có mối quan hệ mật thiết với chợ nổi là đóng ghe xuồng, trồng trọt, chăn nuôi, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp dân dụng,… Nghề đóng ghe xuồng cung cấp phương tiện đi lại và vận chuyển hàng hóa ở chợ nổi; hàng nông sản, cây giống, hoa kiểng, thực phẩm tươi sống ở chợ nổi được cung cấp bởi ngành trồng trọt và chăn nuôi; công nghiệp thực phẩm và dân dụng cung cấp hàng tiêu dùng và gia dụng ở chợ nổi. Đến lượt mình, chợ nổi tham gia vào quá trình phân phối và tiêu thụ các sản phẩm của các ngành nghề trên, tạo động lực cho chúng phát triển.

Giải quyết việc làm cho người dân. Đối tượng tham gia hoạt động mua bán, kinh doanh, phục vụ khách hàng ở chợ nổi đa dạng (người dân thương hồ, người dân địa phương/doanh nghiệp, nhân viên phục vụ du lịch,…). Bên cạnh những thành phần tham gia trực tiếp còn có những người tham gia gián tiếp vào những hoạt động ở chợ nổi, vì thế chợ nổi giải quyết được một số lượng lớn việc làm cho người lao động.

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Chợ nổi là sản phẩm văn hóa kinh doanh, nơi người dân thực hiện các hoạt động đi lại, mua bán, sinh hoạt và gặp gỡ, giao tiếp, trao đổi thông tin. Vì vậy, nhiều yếu tố văn hóa phi vật thể và vật thể tồn tại ở


chợ nổi. Một khi còn hoạt động, bản sắc văn hóa đặc trưng của chợ nổi sẽ được duy trì, góp phần đa dạng hóa văn hóa bản địa dân tộc.

Chợ nổi là một bộ phận quan trọng cấu thành chợ truyền thống nên có những chức năng như sau [72]:

Mua bán hàng hóa, thực hiện và thừa nhận giá trị hàng hóa. Chợ nổi là nơi người mua và người bán gặp nhau để mua bán hàng hóa và dịch vụ. Thông qua chợ nổi, hàng hóa sẽ được chuyển quyền sở hữu từ người bán sang người mua, tiền cũng được chuyển quyền sở hữu từ người mua sang người bán và khi đó kết thúc quá trình mua bán hàng hóa. Như vậy, chợ nổi đã thực hiện chức năng làm thay đổi giá trị hàng hóa từ hàng sang tiền và ngược lại. Chợ nổi cũng là một dạng của thị trường. Hàng hóa phải bán trên thị trường mới được xã hội thừa nhận. Thị trường chỉ thừa nhận hàng hóa và dịch vụ nếu nó phù hợp với những nhu cầu, đòi hỏi của người tiêu dùng. Chợ nổi là nơi thực hiện giá trị của hàng hóa và dịch vụ thông qua các hoạt động mua bán. Giá trị hàng hóa và dịch vụ được thực hiện thông qua giá cả thị trường trên cơ sở giá trị của chúng đã được thừa nhận.

Tạo giá trị gia tăng cho hàng hóa. Hàng hóa được bày bán ở chợ nổi là hàng hóa đã được vận chuyển từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Trong quá trình vận chuyển và chờ bán, hàng hóa đã được phân loại, bảo quản và đóng gói. Quá trình này làm cho giá trị hàng hóa tăng lên, hay nói cách khác, hàng hóa đã có thêm giá trị trước khi đến tay người tiêu dùng.

Tập trung hàng hóa. Chợ nổi là nơi tập trung nhiều loại sản phẩm được sản xuất ra từ các nguồn khác nhau để đem ra tiêu thụ. Chợ nổi được xem như một kênh phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Người bán tập trung hàng hóa ở chợ nổi để thực hiện việc mua bán.

Phát tín hiệu thị trường. Chợ nổi cung cấp các thông tin về cung cầu đối với các loại hàng hóa; về chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã hàng hóa; về khách hàng;… Chợ nổi cũng cung cấp các thông tin về đối thủ cạnh tranh, về chi phí và giá cả. Những thông tin này không chỉ cần thiết cho người sản xuất, người tiêu dùng mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức kinh tế. Người


sản xuất có được các thông tin về sản phẩm thị trường cần, có kế hoạch sản xuất và kinh doanh phù hợp. Người tiêu dùng được cung cấp thông tin nơi bán sản phẩm mình cần về chất lượng, giá cả hàng hóa. Các cơ quan nhà nước căn cứ vào thông tin thị trường để hoạch định và điều chỉnh các chính sách và cơ chế quản lí phù hợp.

Nâng cao hiệu quả phân phối sản phẩm. Chợ nổi được xem như một kênh phân phối hàng hóa quan trọng, đặc biệt đối với hàng hóa từ các nguồn sản xuất nhỏ, phi tập trung, gồm nhiều người sản xuất như hàng nông sản. Chợ nổi là thị trường dễ tính và dễ xâm nhập, do vậy thu hút đông đảo người sản xuất và tiêu dùng tham gia. Thông qua chợ nổi, hàng hóa được phân phối đến mọi tầng lớp dân cư.

Cung cấp dịch vụ. Chợ nổi là nơi cung cấp nhiều loại hình dịch vụ hỗ trợ hoạt động đi lại, mua bán và du lịch. Tùy theo quy mô và trình độ phát triển của chợ nổi mà các dịch vụ được cung ứng tại chợ cũng khác nhau về số lượng và chất lượng. Các dịch vụ được cung ứng tại chợ chủ yếu như đi lại, tiếp nhiên liệu, ẩm thực, mua sắm, sửa chữa, tham quan,…

1.2.1.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành chợ nổi

Chợ nổi được hình thành do sự tác động đồng thời của các nhân tố tự nhiên và kinh tế - xã hội.

- Nhân tố tự nhiên: Nhân tố tự nhiên có ảnh hưởng đến sự hình thành chợ nổi là vai trò và đặc điểm của sông nước. Trên phương diện vai trò, một mặt, sông nước cung cấp mặt bằng cho hoạt động mua bán và sinh hoạt của người dân ở chợ nổi, mặt khác, hoạt động đi lại của người dân ở chợ nổi không thể diễn ra nếu tách khỏi sông nước (cung cấp đường giao thông). Vì vậy, sông nước là cơ sở rất quan trọng để chợ nổi hình thành. Tuy nhiên, không phải nơi nào có sông nước thì ở đó có chợ nổi bởi nó còn phụ thuộc vào đặc điểm của sông nước. Những nơi giao nhau của nhiều nhánh sông, tốc độ dòng chảy, độ rộng và độ sâu của lòng sông vừa phải sẽ thích hợp hơn cho sự ra đời của chợ nổi (sự thuận lợi về tự nhiên).

- Nhân tố kinh tế - xã hội: Nhân tố kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến sự hình thành chợ nổi gồm hàng nông sản dồi dào, nhu cầu mua bán trên sông của người dân, nhu cầu tiêu thụ hàng nông sản của người dân đô thị, sự cung cấp phương tiện


vận chuyển đường thủy của thị trường, hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa đóng vai trò chủ đạo, sự đồng thuận xã hội. Chính sự tác động đồng thời của các yếu tố này đã thúc đẩy sự ra đời của chợ nổi.

+ Hàng nông sản dồi dào cung cấp hàng hóa cho hoạt động mua bán ở chợ nổi. Hàng hóa trên chợ nổi tương đối đa dạng nhưng hàng nông sản đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động mua bán trên chợ nổi từ lúc còn sơ khai cho đến thời điểm hiện tại. Loại hàng hóa này được cung ứng từ nhiều nguồn sản xuất khác nhau. Sau khi thu mua, người dân thương hồ chuyên chở chúng đến nơi tiêu thụ, tập trung trên sông, ở những nơi đó, sau này trở thành chợ nổi.

+ Nhu cầu mua bán trên sông của người dân tạo ra yếu tố cung hàng hóa ở chợ nổi. Hoạt động mua bán trên sông là hình thức kinh doanh thương mại ra đời rất sớm trong lịch sử nhân loại và đóng vai trò vô cùng to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành thương mại và xã hội loài người. Trải qua quá trình mua bán lâu dài, có một bộ phận người dân chỉ tập trung mua bán ở một số nơi cố định trên sông nhằm giảm chi phí vận chuyển, mua/bán được hàng hóa với khối lượng lớn và thu được nhiều lợi nhuận. Từ đó chủ thể của chợ nổi xuất hiện và hoạt động mua bán của họ đã làm nên chợ nổi.

+ Nhu cầu tiêu thụ hàng nông sản của người dân đô thị làm nảy sinh yếu tố cầu hàng hóa ở chợ nổi. Trong mọi thời đại, người dân đô thị luôn có nhu cầu tiêu thụ một lượng lớn hàng nông sản. Khi cầu xuất hiện thì cung cũng hình thành để cả hai cùng có lợi. Trong những đối tượng tham gia cung ứng hàng nông sản cho người dân đô thị, có một bộ phận đáng kể là người dân thương hồ. Những nơi người dân neo đậu ghe, mua bán với cư dân đô thị lâu dài đã làm nên chợ nổi. Vì lẽ đó, không có chợ nổi nào được hình thành mà không gắn liền với đô thị.

+ Sự cung cấp phương tiện vận chuyển đường thủy của thị trường giải quyết được nhu cầu giao thương và sinh hoạt của người dân ở chợ nổi. Không như chợ trên bờ, chợ nổi được nhóm họp trên sông nên mọi hoạt động đi lại, mua bán, chuyên chở hàng hóa, sinh hoạt của người dân đều phải nhờ vào các loại hình phương tiện vận chuyển đường thủy. Tuy mỗi loại hình vận chuyển có kiểu dáng, tải trọng và chức năng khác nhau nhưng tất cả đều nhằm phục vụ hoạt động giao


thương và sinh hoạt trên chợ nổi của người dân và được cung cấp bởi trị trường. Do đó, các cơ sở chuyên sản xuất và cung cấp phương tiện vận chuyển thủy tham gia tích cực vào quá trình hình thành chợ nổi.

+ Hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa đóng vai trò chủ đạo tạo thế và lực cho sự ra đời của chợ nổi. Giao thông đường thủy nội địa phát triển sớm hơn so với giao thông đường bộ nên đã đảm trách vai trò lưu thông hàng hóa quan trọng của mỗi địa phương, vùng và quốc gia, nhất là trong thời kỳ kinh tế

- xã hội chưa phát triển. Chính quá trình đi lại, mua bán và chuyên chở hàng hóa chủ yếu được thực hiện bằng đường thủy nội địa đã dẫn đến sự hình thành các chợ nổi ở một số địa điểm trên sông. Do đó, khi kinh tế - xã hội càng phát triển, vai trò của giao thông đường bộ càng được phát huy thì sức sống của chợ nổi càng bị suy giảm và không đủ khả năng để sản sinh ra những chợ nổi mới một cách tự nhiên.

+ Sự đồng thuận xã hội tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm cho hoạt động của chợ nổi. Chợ nổi được nhóm họp trên sông nên ít nhiều gây trở ngại cho việc lưu thông, làm mất trật tự xã hội và gây ô nhiễm môi trường sông nước. Tuy nhiên, với những lợi ích do chợ nổi mang lại, nhất là trong thời kỳ giao thông đường bộ chưa thật sự phát triển, mô hình chợ nổi được chính quyền và người dân địa phương đồng tình, ủng hộ. Nhờ đó, chợ nổi liên tục được hình thành ở những nơi không được quy hoạch, cấp phép và có thể tồn tại lâu dài theo thời gian.

Có thể mô hình hóa các nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành chợ nổi như sau:


Sự hình thành chợ nổi

Vai trò và đặc điểm của sông nước

Hàng nông sản dồi dào

Sự đồng thuận xã hội

Nhu cầu mua bán trên sông của người dân

Vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa đóng vai trò chủ đạo

Nhu cầu tiêu thụ hàng nông sản của người dân đô thị

Sự cung cấp phương tiện vận chuyển đường thủy của thị trường

Hình 1.1: Mô hình hóa các nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành chợ nổi

Nguồn: Tác giả, 2019


1.2.2. Về du lịch

1.2.2.1. Các khái niệm

Trong phần này, các khái niệm liên quan đến du lịch được bàn luận gồm du lịch, khách du lịch, tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch và du lịch cộng đồng.

Du lịch:

Thuật ngữ du lịch xuất hiện đầu tiên trong từ điển Oxford của Anh năm 1811

[34] nhưng đến nay nhân loại vẫn chưa có được một định nghĩa duy nhất về du lịch được mọi người tán thành (Weaver, 2000; dẫn theo [115]). Thực tế này xuất phát từ tính phức tạp của du lịch và nhiều ngành khoa học có thể nghiên cứu về nó. Chính sự khó khăn về mặt nhận thức cùng góc độ tiếp cận đa ngành đã dẫn đến việc ra đời nhiều khái niệm về du lịch. Thật khó để đưa ra một khái niệm du lịch có tính bao quát và làm thỏa mãn tất cả mọi người. Vì vậy, tùy góc độ tiếp cận, người nghiên cứu có thể sử dụng định nghĩa về du lịch đã được thừa nhận rộng rãi. Lê Thông, Nguyễn Minh Tuệ và cộng sự [60] cho rằng, khái niệm du lịch trong Luật du lịch Việt Nam được công nhận rộng rãi ở Việt Nam. Theo đó, các hoạt động liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên không quá một năm liên tục nhằm tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác được xem là du lịch [44].

Du khách:

Thuật ngữ du khách xuất hiện đầu tiên trong tác phẩm của Smith vào thập niên 70 của thế kỉ XVIII (Wykes, 1973; dẫn theo [104]). Trong khi đó, định nghĩa về du khách xuất hiện đầu tiên ở Pháp vào cuối thế kỉ XVIII [13], [60]. Theo Weaver và Lawton [128], một người có thể được xem là khách du lịch khi thỏa mãn các điều kiện về không gian, thời gian và mục đích chuyến đi. Đối với yếu tố không gian, để trở thành khách du lịch, con người phải di chuyển xa nơi cư trú thông thường của họ. Đối với yếu tố thời gian, một người được xem là khách du lịch khi họ có tối thiểu một tối trọ trong chuyến tham quan nhưng thời gian lưu lại ở nơi đến chỉ mang tính tạm thời. Đối với mục đích chuyến đi, du khách là những người thực hiện chuyến đi vì mục đích giải trí, thăm viếng người thân/bạn bè, kinh doanh, thể thao,


tôn giáo,… Qua những phân tích trên cho thấy du khách có các biểu hiện: di chuyển xa nơi sinh sống thường xuyên, thời gian di chuyển chỉ mang tính tạm thời, đi lại vì mục đích du lịch hoặc kết hợp du lịch. Vì vậy, theo Luật Du lịch Việt Nam [44], những người đi du lịch hoặc kết hợp du lịch, trừ trường hợp đi học và làm việc để nhận thu nhập ở nơi đến đều được xem là khách du lịch.

Tài nguyên du lịch:

Một số học giả trên thế giới cho rằng, tài nguyên du lịch và yếu tố hấp dẫn du khách có cùng ý nghĩa bởi chúng đều là nơi thích hợp cho sự viếng thăm của du khách và có thể được khai thác bởi hoạt động du lịch [89], [107]. Theo Đổng Ngọc Minh và Vương Lôi Đình [34], tài nguyên du lịch là khách thể của ngành du lịch và là cơ sở để phát triển du lịch. Vì vậy, các nhân tố có khả năng thu hút du khách và được ngành du lịch khai thác để tạo ra lợi ích kinh tế, xã hội đều được coi là tài nguyên du lịch. Luật Du lịch Việt Nam [44] cho rằng, cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa có khả năng hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch đều được xem là tài nguyên du lịch. Tài nguyên du lịch gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa.

Sản phẩm du lịch:

Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới cho rằng sản phẩm du lịch là tổng hòa các yếu tố hấp dẫn, vật chất và dịch vụ được thiết kế để đáp ứng nhu cầu khách du lịch [97], [106]. Trong khi đó, có sự thống nhất cao giữa các học giả Việt Nam trong việc đưa ra các hợp phần cấu thành một sản phẩm du lịch (tài nguyên, hàng hóa và dịch vụ du lịch). Yếu tố hấp dẫn du khách và tài nguyên du lịch có thể được xem là như nhau. So với hàng hóa, vật chất rộng hơn bởi ngoài những loại có thể bán cho du khách dưới dạng hiện vật hoặc dịch vụ, vật chất còn bao hàm những loại không có chức năng mua bán mà chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Yếu tố dịch vụ du lịch có sự trùng khớp giữa quan niệm của học giả trong và ngoài nước. Trên cơ sở gộp hàng hóa/vật chất vào dịch vụ, Luật Du lịch Việt Nam [44] cho rằng sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên du lịch để thỏa mãn nhu cầu khách du lịch.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 08/05/2023